Đại Ca

Chương 38



Ngụy Khiêm giận Tống Tiểu Bảo đến mức ù hết cả tai, toàn thân nhũn ra, Ngụy Chi Viễn cao to đè trên người, gã giãy vài lần mà không thoát được.

Bà Tống dưới bếp vội vàng ném chổi rảo bước ra đây, thấy tình cảnh này chỉ sợ Ngụy Khiêm không biết nặng nhẹ ra tay với Tiểu Bảo, vội dùng cách giảo hoạt mà khéo léo để che chở cho chú nghé con – tự mình phát lưng Tiểu Bảo một cái, mắng: “Nói chuyện với anh hai kiểu gì thế hả? Điên à?”

Tống Tiểu Bảo vẫn cứng cổ, muốn tỏ rõ thái độ cứng rắn quyết không thỏa hiệp, nhưng nước mắt lại rơi như mưa.

Bà Tống thở dài, đứng trong vòng xoáy mâu thuẫn gia đình – giữa Ngụy Khiêm và Tiểu Bảo, lấy thái độ chủ trì đại cục nói ba phải: “Bà nói nhé, Tiểu Bảo, con không đúng rồi, anh con nói sai chỗ nào? Con bây giờ còn nhỏ, không lo học hành thì mai mốt cạp đất mà ăn hả? Học sinh trung học mà đi chợ với bà cũng không tính được tiền lẻ, ôi trời ơi!”

Tiểu Bảo ra sức lau nước mắt: “Học sinh trung học đâu phải để tính tiền lẻ!”

Bà Tống hùng hồn phản bác từ góc nhìn thất học riêng biệt: “Ngụy biện! Bí thư chi bộ xã bà là học sinh trung học mà năm đó đánh bàn tính giỏi lắm.”

Qua sự quấy nhiễu không thể nói lý của bà lão, Ngụy Khiêm rốt cuộc bình tĩnh hơn, gã ngửa đầu nhìn đăm đăm trần nhà một lúc, sau đó hít sâu một hơi, giọng dịu bớt bảo Ngụy Chi Viễn: “Thả tao ra.”

Cho đến khi cảm thấy nhịp tim đập mạnh rốt cuộc ổn dần, Ngụy Chi Viễn mới chậm rãi buông lỏng bàn tay đè cổ tay gã, rốt cuộc cúi đầu phát hiện cổ tay anh hai đã bị mình bóp đỏ.

Ngụy Chi Viễn vội vàng nắm nhẹ, dùng ngón tay xoa: “Anh, lúc anh đi vắng Tiểu Bảo ngoan lắm, con bé chỉ làm nũng với anh thôi, anh xem nó sắp khóc thành Mạnh Khương Nữ(1) rồi kìa, đừng giận nữa mà.”

Bà Tống ở bên nghe thế gật đầu lia lịa, đồng thời kích động nghĩ bụng, có văn hóa và vô văn hóa quả nhiên khác hẳn nhau, sao mình không thể nói hay như vậy?

Bà Tống vội vàng phụ họa: “Chính thế, thằng hai à, có chuyện từ từ nói.”

Ngụy Khiêm từ thuở lọt lòng chưa từng được học “có chuyện từ từ nói” là gì, lúc này gã không muốn nói nữa, trong lòng dâng lên sự mệt mỏi gần như vừa đói vừa rét, dù rằng gã chẳng muốn ăn gì và lò sưởi cũng đủ ấm áp.

Ngụy Khiêm chậm rãi đứng dậy, ngực hơi đau, gã dường như chẳng muốn nhìn Tống Tiểu Bảo thêm nữa, lập tức lướt qua cô bé bỏ về phòng mình, trở tay đóng sầm cửa lại.

Nguy cơ đã qua, bà Tống lúc này mới quay đầu lườm Tiểu Bảo, quát khẽ: “Còn khóc! Oan lắm chắc? Cố ý muốn bị đòn đúng không?”

Tống Tiểu Bảo kêu ầm lên: “Con không cắt tóc! Con không cắt đâu!”

Ngụy Chi Viễn nhìn em gái không thể tưởng tượng nổi, đừng nói mấy sợi lông trên đầu, chỉ cần anh hai nói một câu, cạo trọc đầu cậu treo trong phòng khách làm bóng đèn cậu cũng chẳng ý kiến chi.

Tống Tiểu Bảo nhạy bén đọc ra sự thật là mình không có đồng minh từ ánh mắt hai người, nhất thời cảm thấy mình như một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa biển sao trong vũ trụ mịt mù, sự cô độc khi chẳng có bến đỗ khiến cô đau lòng muốn chết. Tiểu Bảo ngồi phịch xuống sofa, khóc muốn đứt ruột đứt gan – cô sắp phải sinh ly tử biệt với mái tóc dài yêu quý rồi.

Tiếc là chẳng ai hiểu được sự đau khổ của thiếu nữ.

Bà Tống không muốn nhìn cô cháu nhõng nhẽo, tiếp tục vào bếp quét dọn, Ngụy Chi Viễn thì im lặng quay về phòng mình, vội vàng nhớ lại cái ôm trong tình cảnh cấp bách ban nãy… Sau khi hiểu rõ mình muốn gì, Ngụy Chi Viễn không còn kiềm chế nữa, cậu bắt đầu bỏ mặc những ý nghĩ vẩn vơ, ảo tưởng dường như dựng lên cho cậu một thế giới, thỉnh thoảng ngồi trong đó một lúc, sẽ tìm được đủ sự an ủi và bình tĩnh.

Chút tình cảm thiếu niên ngây ngô như tháng Ba mùa xuân thật thần thông quảng đại, ngay cả sự cố chấp và lạnh lùng cố hữu trong bản tính cũng nhạt hẳn đi.

Sau khi đối mặt với bạo lực đáng sợ của anh hai, lại bị cả nhà coi nhẹ, Tống Tiểu Bảo giận dỗi nghĩ bụng: “Thì ra ảnh tốt với mọi người, chỉ ghét mỗi mình thôi.”

Chỉ chớp mắt, hai tuyến đường khác thường chẳng ăn nhập trong đầu Tống Tiểu Bảo đã nối vào nhau, tia lửa do chập mạch bỗng lóe lên, cô quyết định phải bỏ đi bụi.

Đi rồi thì từ đây trời cao biển rộng, không còn ai ép cô đến trường học hành, mặc đồng phục xấu hoắc, cũng không còn ai ép cô cắt mái tóc dị hợm trước sau ngang tai nữa.

Tống Tiểu Bảo như đấu sĩ tự do trăm ngàn năm qua vẫn đấu tranh với cha chú, dùng đến sức hành động hi hữu trăm năm khó gặp, thực hành ý tưởng còn tóe lửa.

Thường thì dậy sớm nhất là bà Tống, dù Ngụy Khiêm bảo bà đừng đi làm việc nặng nữa, nhưng bà lao động quần quật cả đời rồi, chẳng biết cách hưởng phúc, thế nên mỗi sáng vẫn khăng khăng đi bán.

Người dậy thứ hai là Ngụy Khiêm, từ khi lên đại học gã chưa bao giờ được thoải mái, việc sắp xếp giờ của khoa lý công (gồm tự nhiên, khoa học và công nghệ) đã chẳng nhẹ nhàng gì, mà gã còn phải bớt thời gian đi khắp nơi kiếm tiền, mỗi ngày ngủ được năm tiếng là tốt lắm rồi, trước mắt được nghỉ, tuy khỏi cần đến trường nhưng lại phải tranh luận với Lão Hùng vì chuyện hạng mục, cho nên cần dậy sớm chuẩn bị để còn đánh một trận nữa trong cuộc họp buổi sáng.

Về phần Ngụy Chi Viễn, giáo viên của cậu thật là điên hết biết, cả kỳ nghỉ đông Ngụy Chi Viễn chỉ được nghỉ ngơi đúng ba ngày từ 30 đến mùng 2, còn lại thì phải đến lớp huấn luyện, lễ lạc gì cũng dẹp hết. Ngụy Chi Viễn trên cơ bản dậy là đi luôn, bữa sáng thì mang đi ăn dọc đường.

Do đủ các nguyên nhân mà không một ai trong ba người đi sau bảy rưỡi, lúc ấy còn quá sớm nên cũng chẳng ai đi gọi Tống Tiểu Bảo dậy.

Có điều hôm nay, Ngụy Khiêm đi cuối cùng khóa trái cửa, gã rất giận, không định bỏ mặc Tiểu Bảo chạy rông bên ngoài như ngựa hoang nữa.

Nhưng gã không biết hành động của mình hoàn toàn dư thừa, gã cũng không biết lúc này Tống Tiểu Bảo đã chẳng còn trong nhà.

Nửa đêm hôm trước, Tống Tiểu Bảo càng nghĩ càng không thông, thế là giữa đêm khuya vắng vẻ liền lục toàn bộ tiền tiêu vặt tích góp được, tổng cộng là hai trăm lẻ tám đồng năm hào – Tống Tiểu Bảo có thể do một hai sai lầm nhỏ mà bị cắt tiền tiêu vặt bất cứ lúc nào, thành thử đã quen dự trữ như một con chuột.

Chi tiêu bình thường thì đa số là xài ké Ngụy Chi Viễn.

Tiểu Bảo mặc quần áo ấm, lại nhét ít đồ để thay vào ba lô, mang cột tóc và kẹp tóc thích nhất, thêm một bình nước và một bịch bánh mì nhỏ, tự cho là chuẩn bị đầy đủ rồi.

Suốt buổi sáng, cả gia đình bận rộn không ai phát hiện ra.

Ngụy Khiêm quay Lão Hùng như chong chóng, sáng sớm gã đã bày hết hình mẫu của cả hạng mục ra trước mặt Lão Hùng, phải dày đến nửa centimet, chẳng biết làm cách nào kiếm được trong thời gian ngắn như vậy.

Đây là điềm báo sắp bị quỷ ám chắc… Lão Hùng bất lực nói: “Chú mày thật sự là rùa cắn quả cân, quyết tâm rồi à?”

“Phương án giải quyết mấy vấn đề hôm ấy anh hỏi, tôi đều viết cả trong này.” Ngụy Khiêm không đùa với lão, nói ngắn gọn một câu rồi cầm cốc nước uống hết nguyên một nửa – chẳng biết là cảm lạnh hay bị Tiểu Bảo chọc giận đến thượng hỏa mà mới sáng ra đã cảm thấy họng rất khó chịu, nuốt nước bọt cũng đau, như là triệu chứng viêm họng vậy.

Lão Hùng than ngắn thở dài nhận đề án của gã, cảm thấy ngồi đối diện mình là một chủ nợ sống đang đến đòi nợ.

Lão lật qua, cảm thấy quá đủ, Lão Hùng từng thuê một số thanh niên tuổi tác xấp xỉ Ngụy Khiêm, trong đó không thiếu người có suy nghĩ viển vông, nhưng cộng hết lại cũng chẳng to gan lớn mật bằng tay này.

Lão Hùng dịch mông ngồi thẳng dậy, ho một tiếng, trưng ra khuôn mặt giải quyết việc chung: “Trong tình huống không cân nhắc tính khả thi của thao tác thực tế, có một số chỗ quả thật có trình độ và cũng rất sáng tạo. Nhưng thanh niên đầy rẫy ngoài đường chẳng ai thiếu sáng tạo, anh không cần một phương án kiểu như ‘người lớn mật chừng nào thì đất đẻ ra nhiều chừng ấy’. Chưa từng có ai dùng đường tinh làm nhân sủi cảo nhỉ? Chú thử nấu một nồi xem có bán được không? Chú đưa ra thứ này, không thuyết phục được anh.”

Ngụy Khiêm nhìn lão nói đều đều: “Tôi chưa bao giờ nghĩ ngợi viển vông, tôi viết được làm được.”

Lão Hùng nhìn thẳng vào mắt Ngụy Khiêm, ánh mắt lão trước sau như một, hiền hòa nhưng cũng ẩn kim trong bông. Ngụy Khiêm không nhường một bước, gằn từng chữ: “Chỉ cần tôi muốn thì dù là trăng trên trời tôi cũng phải gặm như bánh trung thu, anh tin không?”

Lão Hùng ngoài mặt tỉnh bơ nhưng trong lòng lại cảm thấy quả nhiên giống điều mà cậu nhóc Ngụy Khiêm có thể nói ra, mấy năm qua Lão Hùng đã quá hiểu gã, lão thấy gã dám làm được lắm!

Trong một lúc, Lão Hùng gần như bị sự liều lĩnh của Ngụy Khiêm cuốn hút, có lẽ khi thẳng tiến không lùi, kẻ kiên định có thể đốt nóng cả máu của người khác.

Nhưng dù sao cũng chỉ là “gần như”.

Lão Hùng than thầm trong bụng: xét cho cùng thì vẫn còn trẻ dại lắm.

Đàn ông ba bốn mươi, trên sự nghiệp vẫn rất hăng hái, họ dồi dào sức lực, trẻ trung khỏe mạnh, dã tâm cũng sẽ thành thục dần, mà khi đạt đến đỉnh điểm cuộc đời, sự liều lĩnh thuộc về các chàng trai trẻ khi ngoài hai mươi lại không thể tìm về nữa.

Lão Hùng hầu như không nhớ nổi mười năm trước mình ra sao, lúc nhìn Ngụy Khiêm, lão bắt đầu hoài nghi mình già rồi.

Sao đến nước này rồi mà cậu trai này còn có thể phấn đấu như thuở hai bàn tay trắng?

Có thể trên tinh thần Ngụy Khiêm vẫn cho rằng mình “hai bàn tay trắng”, hoặc trời sinh là một kẻ điên như con bạc chăng.

Bất kể bao nhiêu năm tháng chênh vênh lướt qua lòng, trên khuôn mặt có vẻ ngu ngốc mà trung hậu như cá mè hoa trước sau chẳng để lộ chút nào, Lão Hùng đan mười ngón tay đặt trên bàn, ngắt từng chữ hỏi Ngụy Khiêm: “Thôi được rồi, hãy thảo luận vấn đề cuối cùng, khoản vốn ba ngàn vạn mạo hiểm này bây giờ anh không kham nổi. Nếu anh cho chú tiền, nhưng chú không giành được hạng mục thì sao? Chú không lấy được công trình, không lấy được bất cứ cái gì để bảo đảm, cũng chẳng ai dám cho chú ‘qua cầu'(2), đến lúc đó chỉ riêng khoản tiền lãi mỗi ngày ít nhất đã phải một vạn, anh có lý do gì để gánh vác phí tổn tài chính này cho chú?”

Ngụy Khiêm chẳng hề chớp mắt: “Tôi còn gia đình nên không thể động vào nhà cửa, nhưng tôi có thể gom được hai mươi vạn từ những chỗ khác như khoản tích góp mấy năm nay chẳng hạn, nếu anh đồng ý thì tôi sẽ đi ngay đêm nay, hai mươi ngày sau thành hay không đều cho anh một kết quả cuối cùng, nếu thật sự không một chút thành công, dù phải đập nồi bán sắt vụn tôi cũng trả tiền lại cho anh.”

Lão Hùng lắc đầu cười: “Đập nồi bán sắt vụn, nhưng còn chưa bán nhà, chú cũng chưa liều mạng lắm đâu.”

Ngụy Khiêm: “Anh đồng ý chứ?”

Lão Hùng cân nhắc giây lát, có lẽ chàng trai này đã đánh thức nhiệt huyết thời trẻ, hoặc là bị sự cam đoan của Ngụy Khiêm lay chuyển, Lão Hùng cuối cùng đã nhượng bộ: “Vầy đi, mấy bữa tới anh sẽ nghĩ cách kiếm tiền cho chú, nhưng dù nhờ tới ông già nhà anh thì cũng phải mất hai mươi ngày đến non một tháng, anh cho chú tổng cộng nửa tháng, chưa nói kế hoạch thành công, chí ít chú phải lấy được thỏa thuận dùng đất của chính quyền, lần này anh bất chấp giá nào ngốc với chú một phen, chú thấy sao?”

Đôi mắt Ngụy Khiêm phút chốc sáng lên.

Lão Hùng sợ gã đắc ý quá, đập bàn bảo: “Có điều phải nói lời khó nghe trước, anh em ruột còn tính toán rõ ràng nữa là, nếu chú thật sự không lấy được thì mau quay về đền cho anh, nghe chưa hả?”

Ngụy Khiêm nở nụ cười đầu tiên trong ngày, lúc này mới cảm thấy họng rất khó chịu, nụ cười còn chưa rạng lên thì đã tắt vì cơn ho.

Đúng lúc này, điện thoại trong túi đột ngột đổ chuông, Ngụy Khiêm cúi đầu xem màn hình thì thấy lại là số nhà.

Ngụy Khiêm mệt mỏi thở dài, không biết Tống Tiểu Bảo lại làm trò gì, cả huyệt thái dương cũng lập tức thắt lại, vội vàng uống vài ngụm nước ấm chặn cơn ho rồi mới nghe máy: “A lô…”

Nhưng đầu kia không phải là Tống Tiểu Bảo muốn kiếm chuyện, Ngụy Khiêm nghe thấy giọng nói hơi run run của bà Tống: “Thằng hai, là mày đi cuối cùng khóa trái cửa à?”

Ngụy Khiêm: “Ừm, sao vậy?”

Bà Tống: “Không thấy Tiểu Bảo đâu!”

Ngụy Khiêm: “Cái gì?”

Gã rốt cuộc không màng tranh luận hạng mục là thịt mỡ hay thịt nạc gì đó, cũng mặc xác đây là một ván cược hay một cuộc đua toan tính tỉ mỉ, bông tuyết như lông ngỗng đổ ào ào ngoài cửa sổ, trong đầu Ngụy Khiêm chỉ còn lại một vấn đề…

Trời lạnh thế này, Tiểu Bảo có thể chạy đi đâu? Con bé có tiền không? Quần áo mặc đủ ấm chưa? Nó ăn gì? Uống gì?

Ngụy Khiêm lao khỏi văn phòng Lão Hùng như mất hồn, đụng ngay phải chị Hùng đưa cơm cho chồng, chị Hùng ù ù cạc cạc nhìn gã chạy như đi đầu thai, hỏi: “Nhà thằng bé cháy à?”

Lão Hùng bốc một cái sủi cảo trong cặp lồng, biểu diễn “rùa lật ngửa” vô cùng nhuần nhuyễn, đủng đỉnh nhai nuốt xong mới trả lời: “Không có, con em đi bụi ấy mà.”

Chị Hùng nghe thế trợn tròn đôi mắt như hạt hạnh, cho Lão Hùng một cái tát như trời giáng: “Vậy ông còn ăn gì nữa? Muốn chết hả? Mau tìm giúp đi!”

Lão Hùng xém chết nghẹn vì đòn tấn công như sét đánh, rũ rượi trên bàn, ra sức đấm ngực cả buổi trời.

Lão liếc trộm sắc mặt bà xã, đành phải tuân chỉ, ấm ức ôm cái bụng rỗng, hấp tấp theo đuôi làm tùy tùng cho chị Hùng, giúp tìm thanh thiếu niên bỏ nhà đi bụi – lão và Tiểu Bảo cũng có duyên gặp mặt vài lần, biết cô bé đó vô tâm vô tư thế nào, hoàn toàn không cho rằng cô có thể đi xa.

Lúc trẻ tuổi ngông cuồng ai mà chưa từng bỏ nhà đi bụi? Xài hết tiền rồi sẽ tự về thôi, sốt ruột làm chi.

Ngụy Chi Viễn nhận được tin tức, tạm thời xin nghỉ nửa ngày, về nhà mở ống tiền của Tiểu Bảo xem qua rồi quả quyết: “Con bé mang đi hơn hai trăm đồng.”

Bà Tống: “Nó lấy đâu ra nhiều tiền như vậy?”

Ngụy Chi Viễn nhìn bà một cái: “… Xin con.”

Bà Tống nóng ruột làm bừa, theo bản năng túm được ai cũng trách, đập đùi nức nở nói: “Nó xin là mày cho hả? Mày chiều nó làm gì? Đây là hại nó chứ đâu phải thương nó!”

“Được rồi! Bà đừng làm loạn thêm nữa.” Ngụy Khiêm từ trong phòng Tiểu Bảo đi ra quát bà Tống, lại nói với Tam Béo ở đầu bên kia, “Chắc hẳn con bé mặc chiếc áo lông màu trắng, đeo ba lô… Hả? Ba lô kiểu nào? Ba lô…”

Nói đến đây liền nhíu mày, huyệt thái dương thắt lại, đầu càng lúc càng đau, Ngụy Khiêm bóp mạnh ấn đường.

Ngụy Chi Viễn ở bên cạnh nhắc khẽ một câu: “Ba lô màu cam, móc khóa treo chuột Mickey.”

Ngụy Khiêm nhanh chóng lặp lại lời cậu em, sau đó cúp máy: “Để tôi đi tìm một vòng nữa.”

Bà Tống lập tức nhảy dựng lên: “Tao cũng đi!”

Ngụy Khiêm không thèm để ý, đóng sầm cửa lại đi mất.

Ngụy Chi Viễn vội vàng mặc áo khoác, bảo bà Tống: “Bà đừng đi theo, bên ngoài tuyết dày như vậy, nếu trượt ngã thì càng loạn hơn, cứ để con đi xem thử.”

Bà Tống quả nhiên nghe lời cậu.

Đây là lần thứ hai, bà đã thành quen rồi – khi mọi người đều nôn nóng, Ngụy Chi Viễn giữ vững sự bình tĩnh khác thường, bà Tống trước sau không biết tính cậu hơi chậm chạp, hay chỉ là trời sinh máu lạnh, sớm chiều ở chung cũng chẳng được bao nhiêu tình cảm.

Bà không biết cái gì mới có thể kích động Ngụy Chi Viễn, xem ra không gì cả, cậu luôn biết phải làm gì.

Tuyết chạm vào mặt là tan, mọi người đi lại giữa tuyết mau chóng ướt sũng đầu tóc mặt mày, lúc đuổi kịp Ngụy Khiêm, Ngụy Chi Viễn thấy má gã ửng đỏ bất thường.

Ngụy Chi Viễn vội vàng chạy đến nói: “Con bé gấp chăn gọn gàng, em đoán khả năng trước khi đi cố ý gấp là không cao, hẳn là hôm qua không ngủ, đi ngay trong đêm. Đêm qua âm 10 độ, nước đóng thành băng, nó không thể lang thang bên ngoài được, rất có thể đã gọi xe, tìm chỗ ở… Anh, anh bị bệnh à?”

Ngụy Khiêm lắc đầu: “Nó có thể ở đâu?”

Ngụy Chi Viễn nhướng mày, cân nhắc vài giây rồi nói rõ ràng mạch lạc: “Tiểu Bảo nhát gan, rất ít có khả năng đến nơi xa lạ giữa đêm hôm khuya khoắt, hôm qua khuya như vậy, nó cũng không thể chạy đến nhà bạn. Gần trường… gần trường hẳn cũng không thể, con bé vừa cãi nhau với anh vì chuyện thành tích, hẳn không muốn đến trường, hay mình đến gần chỗ nó tập luyện tìm xem?”

Ngụy Khiêm đứng lại, đầu đau như búa bổ.

Gã mở miệng, muốn hỏi chỗ Tiểu Bảo tập luyện ở đâu, nhưng không tài nào nói nên lời.

Ngụy Khiêm ngỡ ngàng nghĩ, mình đã lơ là em gái đến mức nào, ngay cả nó thích chơi cái gì, thích ở cùng ai, thích làm gì ở nơi đâu cũng hoàn toàn không hay biết.

Từ sáng đến tối rốt cuộc gã đang làm gì đây?

“Em biết chỗ,” Qua sắc mặt, Ngụy Chi Viễn lập tức hiểu anh mình đang nghĩ gì, cậu nhanh chóng bổ sung, “Trong phòng học múa của trung tâm hoạt động thiếu nhi giữa thành phố, để em dẫn anh đi.”

Tuyết đổ mịt mù, ngay cả xe cũng không dễ gọi, khó khăn lắm mới đợi được một chiếc taxi, hai người nhanh chóng vẫy lại.

Ai ngờ đến giữa đường không biết có chuyện gì mà phía trước tắc y như bãi đỗ xe ngoài trời, chẳng tài nào chạy qua được.

Ngụy Khiêm quay đầu lại hỏi: “Còn bao xa?”

Ngụy Chi Viễn nói: “Khoảng một trạm.”

Ngụy Khiêm thanh toán tiền xe rồi chạy như điên giữa trời băng đất tuyết.

Ngụy Chi Viễn vội vàng đuổi theo, cậu vẫn cảm thấy sắc mặt Ngụy Khiêm không bình thường lắm, liền chạy đến cởi khăn quàng cổ quấn cho gã.

Chẳng biết hai anh em đi giữa tuyết bao lâu, da dẻ lộ ra ngoài tê dại vì lạnh.

Sau đó họ nhìn thấy nguyên nhân của vụ kẹt xe, dường như có tai nạn giao thông ngay giao lộ, mấy chiếc xe cảnh sát bao quanh, lại thêm cả đám người vây kín.

Ngụy Khiêm đang định rẽ đám đông đi qua thì đột nhiên dăm ba câu của người qua đường lọt vào tai.

“Cô bé còn nhỏ xíu.” Có người nói: “Nghiệp chướng thật, tuyết dày như vậy, sao không lái chậm thôi?”

Ngụy Khiêm lập tức rùng mình, cảm giác ớn lạnh bò lên cột sống.

Gã không biết mình mở miệng hỏi như thế nào, khi gã kịp phản ứng thì đã nghe thấy tiếng nói của mình như phát ra từ miệng người khác.

“… Cô bé nào?”

“Ban nãy một cô bé bị đụng ngay giao lộ, cũng chỉ mười sáu mười bảy thôi, máu chảy thật… Ôi, tôi đoán nguy hiểm lắm.”

Lại có một người ngoảnh đầu vung tay miêu tả: “Thì đó, đèn giao thông hỏng mấy ngày rồi mà chẳng ai chịu sửa, tuyết lại dày như vậy, hồi nãy tôi thấy một cô bé mặc đồ trắng…”

Câu kế tiếp Ngụy Khiêm không còn nghe rõ, gã cảm thấy như có người đập một nhát búa vào ngực mình, xương ngực tan tành, ngũ tạng lục phủ tưởng như vỡ nát.

Trời đất quay cuồng.

Chuyện về Mạnh Khương Nữ khóc đổ một đoạn Vạn Lý Trường Thành là một trong bốn câu chuyện tình yêu truyền kỳ của Trung Quốc xưa bên cạnh Ngưu Lang Chức Nữ, Lương Chúc và Bạch Xà truyện.Tác giả chú thích: Qua cầu tức là cho vay vốn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.