Đã Từng Bỏ Lỡ

Chương 10



Cái điện thoại của tôi từ đợt rơi đến giờ luôn trong trạng thái bất ổn, dù tôi có mang ra tiệm sửa lại nhưng vẫn chẳng khả quan. Cứ lướt 1 chặp, nóng máy là nó lại tự động sập nguồn. Vì đó tôi cũng không dám dùng nhiều, sợ nó hỏng luôn. Con bạn thân nghe tôi kể thế thì mè nheo, còn xúi tôi đem vứt đi mà mua cái mới. Nhưng cơ bản là tôi tiếc tiền nên vẫn cố dùng, được ngày nào hay ngày đó vậy.

Bông hôm nay đi chơi tới khuya mới chịu về, lúc về nó còn đưa một cái iphone 13 mạ kim cương cho tôi:

– Em Bông cho mẹ đấy.

Nhìn thoáng qua là tôi biết điện thoại của ai rồi. Mặt hàng xa xỉ phẩm như thế này thì chỉ người nhiều tiền như chú mới dám chi thôi:

– Sao con lại lấy điện thoại của ông?

Bông bò lên giường, hai mắt díp lại:

– EM Bông nhặt được mà.

– Con nhặt được ở đâu?

– Trong thùng rác nhà ông Tùng ấy mẹ.

Con bé này, chắc buồn ngủ quá nên nói mớ rồi. Điện thoại mà nó cứ làm như đồ ăn qua ngày phải đem vứt vào thùng rác ấy. Cái thành phần ngái ngủ này, tai hại thật. Tôi lay lay con:

– Em Bông đi đánh răng đã chứ, đánh răng rồi đi ngủ. Con muốn bị sâu ăn mất răng không?

Mẹ Bông phải lôi cả con sâu răng ra dọa thì Bông mới chịu uể oải đi đánh răng. Con bé này, không dùng chiêu trò với nó là không được mà.

Cho Bông ngủ xong, tôi liền cầm điện thoại qua trả cho chú. Tôi hiểu hơn ai hết tính chất công việc cũng như vai trò của điện thoại đối với những người bận rộn như ai kia. Không khéo vì lỡ vài cuộc gọi mà hỏng bao nhiêu kế hoạch cũng nên. May là giờ phòng chú vẫn sáng đèn. Tôi gõ vài cái thì chú đã ra mở cửa.

– Chân bị đau mà cũng siêng nhảy lò cò đi khắp nơi nhỉ.

Đáng ra là tôi nhịn nhưng mà chú ngày càng thái độ với tôi nên bản thân không thể nhịn nổi nữa.

– Chú! Sao chú cứ hạch sách con hoài vậy ạ?

– Thích.

Chú buông 1 chữ như vậy rồi quay người vào trong. Tôi cũng chống nạng rồi nhảy lò cò theo:

– Con qua để trả đồ.

Chú nghe tôi nói đến đây mới chịu quay người lại:

– Trả gì?

Tôi lấy từ trong túi áo ra điện thoại của chú:

– Con gửi, Bông nó mải chơi nên mang về.

Chú nhìn điện thoại vài giây rồi nhìn tôi vài giây. Sau đó thì cũng lấy điện thoại trên tay tôi. Và “vèo”, chiếc điện thoại kia chuẩn xác lọt vào thùng rác. Mắt tôi ngay lúc này đã nổ ra một cuộc chấn động, chú là đang ném điện thoại đấy ư?

– Chú. Sao chú…

– Tôi vứt nó rồi. Đem lại qua đây làm gì?

– Chú vừa nói vứt á?

– Ừ.

Thế lời của Bông nhà tôi là thật rồi. Ông chú này, phá của quá đi mất. Tôi đây còn đang phải dùng cái điện thoại hết date. Thế mà chú có đồ tốt lại chẳng biết trân trọng gì cả.

– Sao lại vứt ạ? Con thấy nó còn mới mà?

– Ra iphone 14 rồi, giữ 13 lại làm gì?

Tôi quên mất là chú đâu giống tôi. Giàu có, địa vị, đương nhiên hàng công nghệ cũng phải xứng tầm một tí. Nhưng dù sao cũng không nên có mới nới cũ, vứt đồ còn xài tốt như vậy:

– Chú có thể dùng 1 lúc hai cái mà.

– Nặng lắm, mang theo không nổi.

– Nhưng mà vứt vậy thì uổng lắm.

– Tiền tôi, tôi không tiếc thì thôi, không cần phải khóc thuê.

– Nhưng mà chú ơi.

– Thấy nhảy lò cò còn hăng lắm, thích nhảy thêm vài vòng thì vứt hộ tôi túi rác.

Nói xong, chú đi vào phòng đóng cửa lại. Không cho tôi thêm bất cứ cơ hội khuyên nhủ nào. Tôi đi đến, phát hiện trong cái túi rác chú nhờ mình đi vứt vốn chẳng có cọng rác nào ngoài chiếc điện thoại xịn xò của chú. Người này, thật là muốn vứt đồ đến thế cơ à. Tôi cầm túi lên, chống nạng nhảy lò cò được một lúc thì cảm thấy tiếc hùi hụi. Dù biết là không phải đồ của mình nhưng mà vứt thế này thì tôi làm không được. Cuối cùng, đấu tranh tư tưởng cả buổi, tôi cũng đem nó quay lại phòng chú.

Đến nơi, đúng lúc chú đang đóng cửa:

– Quay lại làm gì nữa?

– Chú ơi! Chú cho con cái điện thoại này nhé.

– Đồ ra khỏi phòng thì đã không còn là của tôi, muốn làm sao cũng được.

Lời chú xem như ngầm đồng ý cho tôi rồi nên tôi cũng hiểu chuyện mà gục đầu xuống:

– Con cảm ơn chú.

– Cảm ơn iphone ấy.

Tôi thấy cũng hợp lý, Iphone mà không ra mẫu mới thì chú đâu có vứt điện thoại, chú không vứt, lấy gì tôi xin. Rất nhanh sau đó là tiếng “ tách” vang lên bên tai, tôi ngẩng đầu thì thấy chú khóa cửa rồi. Chú tôi làm cái gì cũng nhanh thật đấy.

Ngày thứ 5 ở nhà, tôi nhận được cuộc gọi từ phòng kế toán, bảo tôi kiểm tra lại tài khoản xem đã có tiền chuyển vào chưa. Mấy nay ở nhà nên tôi cũng chẳng bận tâm đến tin nhắn, không ngờ biến động số dư của tôi đã tăng lên 20 triệu. Tôi nhìn mà run tay run chân cả buổi. Mãi mới gọi lại được cho bên kế toán:

– Alo, chị nhận được rồi. Tiền gì mà nhiều vậy em.

“ Dạ là tiền chính sách ốm đau cho nhân viên, tiền hỗ trợ gia đình khó khăn, cả tiền cống hiến và tiền thưởng quý vừa rồi ấy chị.”

– Cộng lại được nhiêu thế cơ á?

Đầu dây bên kia không nói gì với tôi cả mà chỉ cười hề hề. Không ngờ đãi ngộ của công ty tốt như vậy. Dù bị đình chỉ công tác nhưng tôi lại vẫn có phúc phần hưởng bao nhiêu quyền lợi như thế. Vậy mà những năm qua có ốm đau gì tôi cũng cố đi làm cho bằng được. Biết mà bị bệnh lại hưởng được nhiều chính sách như thế này thì tôi đã siêng bệnh nhiều hơn một chút rồi.

Thôi thì trong cái rủi có cái may, xem như 1 tháng này tôi cho bản thân mình nghỉ dưỡng sau bao năm cắm đầu cắm cổ làm việc vậy.

Thời gian này ở nhà, tôi có nhiều thời gian chơi với con hơn, cũng có nhiều thời gian dành cho mình hơn. Cảm thấy tâm tình chưa bao giờ thoải mái như vậy. Ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Công việc nhà từ a đến z đã có chị Huê, người giúp việc của chú thuê lo, nên tôi cứ mặc sức mà buông thả. Có lẽ vì đó cái mặt của tôi chẳng mấy chốc đã tròn lên. Đến cái Huyền qua thăm tôi mà còn phải thốt lên rằng:

– Ngải heo nhập mày rồi hả?

Tôi đánh vào tay nó cái “bốp”:

– Mày nói gì mà ghê thế.

– Thì chả, cái ngữ này là phải lên vài cân rồi. Khiếp, ăn uống vừa thôi bà cô. Mày thế này thì ai thèm rước.

– Bộ mập lắm sao?

– Giờ thì hơi đẫy đà một chút thôi. Nhưng với cái tình hình này thì sớm muộn gì mày cũng thành con heo sữa.

Lời của Huyền làm tôi có chút không vừa lòng:

– Mày cứ nói quở thôi.

– Tao là nhắc nhở mày đó. À mà chồng tao có quen một ông vừa ly hôn vợ. Mới 35 thôi, Làm tổ trưởng đấy, lương lộc cũng ổn áp. Nghe đâu là quá cuồng công việc nên mới bị vợ bỏ. Nghe đến cuồng công việc là tao đã cảm thấy rất hợp với mày. Còn chưa hết, lão có 1 đứa con rồi thêm Bông nhà mày nữa là đủ gia đình 2 con, ấm no, hạnh phúc, sau khỏi đẻ điếc gì nữa cho đau thân.

– Ừ, mày nói cũng phải.

– Hay là nhân lúc đang rảnh, tao hẹn cho hai người tìm hiểu nhé.

– Có vội quá không mày?

– Vội gì, toàn người trưởng thành cả, nói chuyện hợp thì tiến tới luôn cho cái Bông còn có ba với bạn với bè.

Tôi một lần nữa bị hình ảnh mong đợi của Bông thuyết phục. Phải nhỉ, tôi cũng đâu còn là một thiếu nữ e ấp nữa mà bận tâm đến việc nhanh hay chậm. Với cả cũng gần tới ngày hội ba và bé ở trường Bông rồi, chân tôi thế này, hẳn là không thể tham gia cùng con. Nếu giờ có người cùng nó tham gia các trò chơi thì hẳn con tôi sẽ vui lắm.

Cứ thế, chỉ vài ngày sau đó chúng tôi đã đi gặp đối tượng mà vợ chồng Huyền mai mối. Hôm đó, tôi mặc cho Bông một chiếc đầm công chúa màu hồng, cài thêm cho nó cái vương miện nhỏ trên đầu nữa. Bông nhìn mình trong gương rồi tự khen:

– Em bông xinh quá mẹ.

Tôi thơm má con 1 cái:

– Em Bông của mẹ là xinh nhất.

Bông được tôi khen thì vừa cười vừa làm duyên trước gương. Tôi nhìn theo, không nhịn được véo má nó:

– Thôi được rồi, em Bông xinh gái đứng dậy nào. Mẹ đưa con đi tìm ba.

Bông vui vẻ đáp tôi:

– Vâng ạ.

Tôi cầm nạng lên, một tay chống nạng, tay còn lại nắm tay con ra ngoài. Chị Huê đang tưới cây ngoài ban công, thấy hai mẹ con tôi như thế thì hỏi:

– Ôi! Tối rồi, hai mẹ con định đi đâu mà xinh thế?

Bông nhanh nhảu đáp chị:

– Dạ, mẹ đưa em Bông đi tìm ba đó bác.

Con tôi mới sơ hở một tí là đi khai lung tung ngay, làm mẹ nó ngại muốn chết. Tôi cười trừ rồi đáp chị Huê:

– Hai mẹ con em ra ngoài có chút việc. Chắc sẽ về hơi muộn, nên xong việc chị cứ khóa cửa rồi về nhé. Em có mang theo chìa khóa dự phòng rồi.

– Vâng, thế hai mẹ con đi chơi vui vẻ.

– Dạ chị.

Nói rồi tôi dắt Bông ra cổng, Huyền đang đợi chúng tôi ở bên ngoài. Tôi đưa con lên xe, thắt dây an toàn cho nó rồi ngước lên nói với Huyền:

– Đi thôi mày.

Huyền chở chúng tôi đến một quán cà phê gần nhà, tôi thấy Huyền không có ý định xuống xe nên hỏi:

– Mày không vào à?

Nó hạ cửa kín xe xuống rồi trả lời tôi:

– Tao vào làm gì, để vậy cho bọn mày tự nhiên. À mà chút tao không quay lại đón đâu. Mày dụ được người ta chở về thì dụ.

– Cái con này. Mày tính đem con bỏ chợ à?

– Không đem mày bỏ chợ thì làm sao mà bán đi được.

Bạn tôi nói xong thì lập tức lái xe rời đi, ngay cả cơ hội cho tôi thêm bớt 1 lời cũng không có. Thôi thì vào vậy, cũng làm mẹ rồi, tôi còn cái gì nữa đâu mà ngại ngùng,e ấp.

Trước khi đến đây, thông qua Huyền tôi cũng biết sơ sơ mặt của đối tượng mình sắp xem mắt rồi nên vào là nhận ra anh ta ngay. Người đàn ông kia đang cùng con trai ngồi gần cửa sổ bên góc trái của quán. Thấy tôi dẫn Bông đi tới thì cũng đi đến.

– Chào em, anh là Phú. Kia là con anh, ở nhà tên Bin.

– Em là Thương. – Tôi nhìn sang con gái rồi nói tiếp. – Đây là con em. Bé ở nhà tên Bông.

Phú gật đầu rồi lại gần hơn dìu tôi:

– Chân em đã đỡ hơn chút nào chưa?

Tôi khách sáo đáp:

– Dạ, cũng đỡ nhiều rồi ạ.

Bông thấy có người giành mất vị trí của nó thì môi mím lại:

– Mẹ ơi!

Bông là một em bé nhạy cảm nên có lẽ hành động nhiệt tình quá mức của Phú đã làm nó bất an. Nhìn bộ dạng tủi thân của con, tôi liền từ chối:

– Em tự đi được, anh cứ lại ghế ngồi trước đi ạ.

Tôi đã lên tiếng như vậy, Phú cũng không ép nữa, anh ta lùi lại, Bông nhanh chóng tiến tới nắm tay tôi. Khi hai mẹ con tôi lên ghế ngồi thì người kia mới quay lại bàn.

Phú niềm nở hỏi:

– Hai mẹ con muốn uống gì?

Bông nhanh miệng đáp:

– Em Bông muốn ăn kem dâu tây ạ.

Con bé này, nói đến ăn là nhanh lắm. Tôi chỉnh lại chỗ ngồi cho con rồi nhìn Phú:

– Em uống cái gì cũng được.

– Vậy anh gọi nước cam cho em. Gọi kem cho Bông nhé.

– Vâng.

Phú gọi đồ uống xong thì chúng tôi bắt đầu nói chuyện linh tinh. Chủ yếu là công việc hiện tại, đãi ngộ công ty. Nói luyên thuyên thì cũng 9 giờ tối. Bông trên tay tôi đã ngủ quên từ lúc nào. Con của Phú cũng đã ngáp ngắn ngáp dài nên chúng tôi quyết định ra về.

Lúc về, Phú ngỏ ý muốn chở mẹ con tôi. Nhưng tôi vẫn còn chút ngại nên nói là có bạn đến đón để người kia về trước.

Đợi họ đi được một lúc, tôi định ra về thì mới nhớ ra bản thân đang bị đau chân, không thể bế con về được. Hết cách tôi chỉ còn biết đánh thức Bông dậy. Nhưng con bé vừa cựa vài cái thì đã có người từ đâu ôm lấy bông của tôi lên.

Tôi giật mình ngẩng đầu thì nhận ra đó là chú:

– Sao chú lại ở đây ạ?

– Tiện đường.

Người kia vẫn trả lời một cách hời hợt như ngày thường rồi ôm bông đi luôn. Tôi thấy vậy thì cũng chống nạng đi ra cùng. Không nói không rằng biết ý mà trèo lên xe chú rồi ôm con.

Trên cả quãng đường, chú không hề nói với tôi bất cứ một lời nào, khuôn mặt cứ đằng đằng sát khí như thể tôi vừa gây ra tội lớn vậy. Tôi có làm cái gì đâu chứ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.