Dã Thú Và Chim Hoàng Yến

Chương 6



Dịch: Duẩn Duẩn

Sáng sớm hôm sau, tôi quýnh quáng vớ đại đôi tất trắng và bận vội chiếc váy thiên nga rồi hấp tấp chạy ra sau hậu đài của nhà hát. Xung quanh ồn ào huyên náo, các chị em trong phòng giặt quần áo đã bắt đầu mang đồ ra phơi nắng.

“Tiểu thư Giry, hiếm khi thấy cô đến muộn thế này!” Một bác gái béo tròn vừa giũ quần áo vừa cười nói với tôi.

Kể từ lúc được thăng lên diễn viên múa ba lê hạng ba đến giờ, đã không còn ai gọi tôi với biệt danh “Meg bé nhỏ” nữa. Đại khái thì trên diễn viên múa ba lê hạng ba là thành nữ Hầu tước(*) mất rồi.

(*) Hầu tước/Nữ hầu tước (Marquess/Marquiss) là một tước vị quý tộc trong các quốc gia theo thể chế quân chủ. Ở Châu Âu, Hầu tước/Nữ hầu tước là tước vị tương tự như phó Công tước – người thay mặt Công tước điều hành Lãnh thổ. Nói vầy cho dễ hiểu ạ, nếu sắp xếp theo thứ tự cấp bậc quý tộc từ nhỏ đến lớn thì: Thường dân và nông dân-Người có địa vị xã hội nhưng không phải quý tộc (Gentry)-Nam tước (Baron/Barnonness)-Tử tước (Viscount/Viscountess)-Bá tước (Count/Countess)-Hầu tước (Marquess/Marquiss)-Công tước (Duke/Duchess)-Thành viên hoàng tộc-Vua/nữ hoàng (King/Queen).

Tôi đang hàn huyên vài câu với bác gái béo tròn thì bỗng dưng bị những tiếng la ó, kinh hô, đùa giỡn xung quanh cướp mất sự chú ý. Bác gái bĩu môi nói: “Ồn ào từ sáng đến giờ, mắng mỏ kiểu gì cũng không nghe….”

Khi tôi bước đến thì thấy một cô bé trong dàn hợp xướng đang ngồi trên cầu thang xoắn bằng gỗ, miệng há to thành hình quả trứng, đọc oang oang tờ báo trên tay với ngữ điệu khoa trương.

“Vũ hội hóa trang của giới âm nhạc: Mozart(1) đời II sắp hạ cố đến Paris!”

Nữ diễn viên lỗi thời phe phẩy chiếc quạt lông nhung, đảo mắt, quái gở nói: “Mấy tay phê bình âm nhạc quả thực không sợ rách lưỡi. Chỉ cần hát không tệ cũng có thể tôn làm ‘Mozart đời II’, ‘Mozart tái sinh’.”

Mọi người cười vang, có người nói chen vào: “Tạp chí kịch vốn dĩ chẳng đáng tin. Những người được đăng trên đó về cơ bản đều là người giàu có.”

“Người này là ai vậy… sẽ đến nhà hát chúng ta ư?”

“Đoán chừng là một nhạc sĩ rởm! Nhà hát chúng ta tưởng dễ đến thế sao?”

Lúc này, cô bé đọc báo mới lật tới nội dung ở mặt sau, lập tức kinh ngạc che miệng nói: “Chúa ơi, mấy người sẽ hối hận chết mất vì những gì vừa nói. Người đến là Hearst…”

Dứt lời, mọi người trong nháy mắt đều chết lặng.

Không có gì phải bàn cãi, danh tiếng của Hearst phải nói là vang dội trong giới âm nhạc, ví anh ta là “Mozart đời II” thực sự không quá chút nào. Ngay cả người như tôi sống ngoài thế giới cũng thuận miệng ngân nga được vài đoạn nhạc mà anh ta đã viết. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy kỳ lạ là Hearst dường như không hề có trong thế giới kiếp trước của tôi.

Sau sự im lặng tưởng chừng dài vô hạn, cuối cùng cũng có người nhỏ giọng đặt câu hỏi: “Nghe nói anh ta là bậc thầy kiến trúc, chuyện này là thật hay giả vậy?”

“Tất nhiên là giả rồi. Ai mà kiêm luôn cả kiến trúc sư với nhà soạn nhạc cùng một lúc được chứ.”

Nghe thấy thế, trái tim tôi bỗng nhảy nhót điên cuồng, bóng hình của Phantom không khỏi lóe lên trong tâm trí tôi. Ba năm qua, số lần chàng xuất hiện trong nhà hát đã giảm dần. Năm nay, chàng mới chỉ xuất hiện đúng hai lần, một lần trong số đó còn là do người gác đêm ăn bơ làm biếng tự bịa ra.

Tôi cũng đã từng bóng gió hỏi bà Giry chuyện của chàng, song bà chỉ nói rằng: “Hắn đang chuyên tâm chỉ dạy cho Christine.”

Với câu trả lời ấy, tôi vừa xấu hổ vừa bực mình, ước gì có thể mất trí ngay lập tức. Tôi chưa bao giờ nhớ đến người ấy, nhưng chàng luôn có thể quấy nhiễu tâm trí tôi bằng nhiều hình thức khác nhau, hệt như lúc này đây, khi nghe đến Hearst tôi thậm chí đã liên tưởng ngay đến chàng.

“Không biết Hearst có cự phách giống ngài Henry không nhỉ?” Henry là nhà soạn nhạc hoàng gia của nhà hát chúng tôi.

“Tôi cũng không rõ lắm. Chỉ biết rằng hễ là nữ diễn viên biểu diễn trong vở Opera của anh ta, từ chính cho đến phụ, từ cấp cao nhất cho đến bạn nhảy kèm không ai là không nổi tiếng. Thậm chí một số trong đó đã trở thành bá tước phu nhân vào cuối năm ngoái.”00

Dứt lời, mọi người giống như con chim tước giật mình vì tiếng súng. Chốc lát sau, họ chạy tán loạn bốn xung quanh.

Chỉ thấy cô bé trong dàn hợp xướng cách đây ít phút còn đang ngồi đọc báo, bỗng chốc ném ngay tờ báo lại, xách làn váy chạy vào phòng thay đồ; nữ diễn viên lỗi thời ban nãy cũng vứt luôn chiếc quạt lông nhung, đi đến trước gương trang điểm dặm lại phấn; vài cô vũ công nhỏ đứng tụm thành một nhóm líu ríu so sánh kiểu dáng của trang phục.

Như thể một giây nữa thôi sẽ có một nhân vật lớn đến kiểm tra vậy.

Tôi đứng cạnh đấy, thấy sốc không gì bằng.

Cùng lúc đó, cánh cửa phòng chờ dành riêng cho nữ diễn viên cao cấp từ từ hé mở, chất giọng Carlotta nhẹ nhàng, mềm mại như tiếng rung của dây đàn vọng ra:

– Mấy người có ăn bận đẹp cách mấy cũng vô ích. Anh ấy đến Paris vì tôi.

Rất rõ ràng, trước sự quyến rũ của Hearst, cô ta cũng chẳng khác gì những cô gái muốn thể hiện bản thân.

Cuộc hỗn loạn cuối cùng cũng kết thúc với sự xuất hiện của Madame Giry. Bà vẫn bận cái đầm đen như cũ, tay chống gậy ba toong, mặt không chút cảm xúc quát to: “Yên lặng! Buổi tập bắt đầu!!”

***

Trong lúc diễn tập, tôi hơi lơ đãng và vô tình nhảy lên trước mặt Carlotta.

Cô ta dừng hát ngay tức thì, hay tay chống nạnh rồi quắc mắt nhìn tôi: “Này, vũ nữ, phiền cô nhận thức rõ vị trí của mình. Cô không đủ tư cách để đứng trước mặt tôi.”

Trong giờ nghỉ, cô ta vẫn ghi hận chuyện tôi nhảy nhầm chỗ, bắt tôi phải đi lấy nước để nhuận họng cho cô ta. Tôi thầm nghĩ, thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện, lấy thì lấy tôi ngại gì. Dù sao cô ta cũng sẽ sớm bị Christine thay thế, đến lúc đó cô ta có mơ cũng chẳng còn mặt mũi để bắt bí hay gây khó dễ gì tôi.

Nhưng Christine ngăn tôi lại, nhấc làn váy chào hỏi Carlotta: “Thưa bà, xin hãy có chừng mực, quá phách lối và kiêu ngạo không phải một chuyện tốt. Tiểu thư Giry tốt xấu gì cũng là diễn viên múa ba lê hạng ba, xin đừng đối xử với cô ấy như một vũ nữ bình thường.”

Hiềm nỗi, Carlotta vốn chẳng đặt cô ấy vào mắt. Đến khi có ai đó nhắc về danh tính của Christine bên tai cô ta, bấy giờ cô ta mới khẽ hếch hàm, cười khẩy, nói: “Thì ra là Tiểu thư Daae, cô con gái duy nhất của nghệ sĩ violin người Thụy Điển. Tôi nghe nói mấy tháng nay giọng hát của cô như tiếng chiêng vỡ, ngay cả diễn viên hạng bốn cũng chưa từng thi qua. Tiểu thư Giry tuy ngón giọng không tốt nhưng ít ra còn có vở ba lê Pantomimme(*) ăn khách. Cô không lo suy tính cho tương lai của mình còn dư thời giờ xuất đầu lộ diện giúp cô ta.”

(*) Pantomimme: Kịch câm

Christine bình tĩnh phân trần: “Việc suy tính cho tương lai cũng không thể ngăn trở tôi đứng lên vì chính nghĩa, thưa bà.”

Có người không nhịn được cười trộm bảo:

– Christine Daae là của báu của ai thế, dám ăn nói tinh tướng với chim cánh cụt béo thế này.

Sắc mặt Carlotta đâm sầm sì tức khắc. Mặc dù cô ta có khả năng ca hát tuyệt vời nhưng cơ thể cô ta luôn hứng đủ sự chỉ trích. Một nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng đã bình luận về cô ta thế này: “Luồng hơi của Carlotta dày đến mức khiến người ta phải nghi ngờ tất cả mỡ trong người cô ta là không khí.”

Vừa khéo, đường cong của Christine chính là sự mỏng manh mà cô ta không bao giờ có được trong cuộc đời này. Phút chốc, mắt cô ta long lên đỏ ngầu, gần như muốn bùng cháy.

May mắn thay, ngay lúc ấy ông chủ nhà hát đã vội vàng dẫn theo hai ông chủ mới tới, làm dịu bầu không khí giương cung bạt kiếm này.

Tôi nhanh chóng kéo Christine về phía mình: “Ôi, cô ngốc ơi. Chị so đo với cô ta làm gì.”

Bấy giờ Christine mới chớp mắt, như vừa mới tỉnh khỏi cơn mê: “Cũng đúng nhỉ. Meg, liệu cô ta có trả thù chị không. Chị sợ lắm.”

Tôi: “…”

Tôi thực sự nghi ngờ cô ấy đang trêu tôi.

Đương lúc nói chuyện, bên kia bỗng vang lên một tràng pháo tay vô cùng vang dội. Tôi quay qua thì thấy một người đàn ông đẹp trai tóc vàng, mặc áo choàng dài thượt đi ngang qua đám đông. Anh ta bận bộ đồ ba lớp của một quý ông, áo sơ mi màu xanh da trời và chiếc nơ có màu nho tím, lịch sự mà lạnh nhạt gật đầu chào hỏi chúng tôi.

Tôi định nói với Christine nhìn xem người đó là ai.

Thì một người khác lại tới.

Một người hoàn toàn không hề xuất hiện trong ký ức của tôi.

Trên cánh tay anh ta vắt áo choàng, thân trên bận chiếc sơ mi đen có đường viền cổ áo cầu kỳ và chiếc áo ghi lê sọc chéo màu đen, phần thân dưới là chiếc quần dài và đôi bốt da đen. Mái tóc màu vàng sẫm được chải ngược ra sau đầu, sống mũi thẳng tắp mà ngay ngắn, xương quai hàm vừa đẹp vừa góc cạnh. Điều khiến tôi kinh ngạc hơn cả là bên mặt phải của anh ta đeo một chiếc mặt nạ trắng tinh.

Rồi chẳng mấy chốc, anh ta tháo nó ra, để lộ những đường nét đẹp đến mức khiến mọi người phải kinh ngạc tán thán. Và anh ta dường như đã quen với việc được khen ngợi, đôi mắt màu hổ phách cong lên cùng nụ cười thờ ơ.

“Meg, anh ta hình như là Hearst đấy.”

Tôi nhìn chằm chằm chiếc mặt nạ trên tay anh ta, trái tim đập dữ dội, mất hồn mất vía trả lời: “Bóng ma? Bóng ma nào?”

Christine bất lực: “Hy vọng những lời này không bị anh ta nghe thấy. Đó là Hearst, không phải Bóng ma. Meg, Bóng ma trong nhà hát đã không xuất hiện lâu lắm rồi. Em không cần nhạy cảm thế đâu.”

Có lẽ tôi thực sự quá nhạy cảm. Khi Christine nói đến “Bóng ma trong nhà hát”, anh ta có vẻ liếc nhẹ sang chúng tôi.

Kỳ thực, muốn biết anh ta có phải Bóng ma hay không rất đơn giản, có điều phương pháp này hơi trơ tráo. Song, giờ phút này tôi chẳng quan tâm được nhiều thế. Tôi kéo Christine đến gần chỗ anh ta, hay tay ôm mặt, làm bộ si mê mà cảm thán: “Ôi, Christine, chị mau nhìn Tử tước Chagny kìa. Trông ngài ấy đẹp trai quá đi mất.”

Christine chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao: “À…Ừ…Nhưng chị nghĩ Ngài Hearst vẫn đẹp trai hơn chứ.”

Tôi: “…” Sao chị không đi theo kịch bản.

Tôi đang định “tiếp tục tiến lên” thì đột nhiên cảm nhận được một ánh mắt lạnh cóng và tràn ngập cảm giác áp bức chiếu thẳng vào người mình.

Quay đầu lại thì thấy Hearst, người vừa mới rồicòn nở nụ cười hờ hững, mà giờ đáy mắt đã không chút cảm xúc. Như thể bị xúc phạm,anh ta lạnh lùng liếc tôi, trên mặt viết đầy sự chán ghét.

~~~~

*Chú thích:

(1) Nguyên tác “Bóng ma trong nhà hát”: Khi nàng…biểu diễn trên sân khấu, Mozart, người đang an giấc dưới lòng đất, sẽ đi ra khỏi huyệt để đến nghe tiếng hát của nàng. Cá nhân tôi cho rằng Mozart ở đây chính là một phép ẩn dụ chỉ Phantom, dùng cách này để ví von tài hoa của Phantom ngang hàng với Mozart.

Tôi tin rằng mọi người đã đoán được Hearst (Ghost) là ai. Chương này có sử dụng một chi tiết của nguyên tác. Trong tác phẩm gốc, Phantom nói với Christine rằng chàng ta đã phát minh ra một chiếc mặt nạ khiến chàng ta trông giống người bình thường. Vì lý do tại sao chàng ta không đeo, tôi đoán chắc có lẽ chàng ta phải sáng tác “Don Juan” (Don Giovanni – Đông Gioăng) nên không có thời gian để làm điều đó.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.