Bước vào năm học mới được hai tuần, chúng tôi bắt đầu phải đi học tăng cường. Môn chuyên là môn bắt buộc, còn những môn khác được tùy chọn. Theo như thỏa thuận từ trước, tôi đi học cùng Huy Anh và Chou Ngô.
Bọn con trai trong đám “ngũ long công chúa” không theo lớp học tăng cường nên tôi thấy an tâm hơn hẳn. Nhưng mà nào có ngờ, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, sĩ số theo lớp học thêm toán không nhiều nên bắt buộc phải ghép với lớp 12 Hóa.
Tôi đoán mỗi người chúng ta đều có một nỗi sợ, có thể là sợ độ cao, sợ ăn con gì đó hoặc cũng có thể là sợ con người. Và tôi, một đứa trẻ với tâm hồn già cỗi như thể đã trải qua gần hết một đời người luôn giấu nhẹm đi nỗi khiếp sợ mang tên Hoàng Bảo Khôi.
Tôi sợ cậu ta, sợ đến mức mỗi khi nhìn thấy mái tóc húi cua, cảm giác lâng lâng buồn nôn khiến tôi không tài nào kiềm chế được việc từng đốt ngón tay run lên. Tôi sợ nụ cười ngả ngớn trên gương mặt bất cần ấy, sợ luôn cách cậu ta mỉm cười khi đối diện với tôi. Thế nhưng dù nỗi sợ ấy có lớn biết bao nhiêu, tôi đều gắng sức không bộc lộ cảm xúc tiêu cực. Quả thực, vai diễn của một kẻ bình tĩnh lạ thường đã thành công cứu sống tôi xuyên suốt mấy năm qua.
Tụi lớp 12 Hóa ngồi ngay sau lưng, cứ cười đùa những chuyện chẳng đâu vào đâu. Đã trôi qua 20 phút đầu buổi, tôi vẫn không thấy Chou Ngô hay Huy Anh đến. Đáy mắt tăm tối dần theo vạt nắng ngoài hành lang, một đứa thì nhắn với tôi hôm nay nhà nó có việc đột xuất không đi học được, đứa còn lại chẳng thấy có tin tức gì cả, không đọc cũng không trả lời tin nhắn.
Tôi càng ngày càng lo sốt vó, vừa chép bài vừa liếc nhìn con iPhone 7 cũ kĩ đã mua từ năm nào. Đột nhiên một bàn tay đặt lên bả vai gầy gò của tôi. Cái cảm giác rét lạnh chạy dọc sống lưng làm tôi không dám quay xuống nhìn đám con trai như lũ quỷ địa ngục ở bàn dưới. Thứ khiến tôi lo hơn thảy chính là tâm tư sợ hãi dường như sắp bị bóc mẽ bởi cái chạm tay ấy.
– Miên ơi, rớt cây viết rồi này.
Hoàng Bảo Khôi cất giọng mỉa mai châm chọc, tôi lại giả vờ không nghe thấy gì.
– Mộc Miên, lên bảng làm bài này đi con.
Ngay lúc ấy, thầy Đào gọi tên tôi. Như một kẻ sắp chết đuối vớ được chiếc phao cứu sinh trên dòng thác dữ dội, tôi vội vàng cầm tờ chuyên đề lên bảng làm bài.
Đôi mắt không mấy thiện ý và giọng cười ồm ồm của lũ con trai phía dưới làm tôi chỉ mong tiết học này kết thúc ngay bây giờ. Giả sử bây giờ tác giả viết nên cuộc đời khốn khổ của tôi rủ lòng từ bi cho một anh nam chính xuất hiện đi mà, chứ tôi sắp chịu hết nổi rồi.
Sau khi đứng trên bảng cả một buổi trời, tôi lê bước chân nặng nề về chiếc bàn gỗ của mình, cây bút chì bị rơi xuống lãnh thổ của ai kia đã được đặt lại trong hộp bút của tôi. Vì đây là ca học đầu, chúng tôi tan sớm hơn thường lệ. Tôi gom sách vở rồi lao ra ngoài cửa tựa con chim tù túng được sổ lồng.
Trong đầu tôi vang vọng câu chửi đứa vô tâm nào đấy đang ngủ say quắc cần câu ở nhà. Vừa đi được vài bước khỏi cổng trường, tôi đã nghe thấy tiếng phóng xe, chạy nhanh đến nỗi kéo theo biết bao cát bụi thổi bay lên thành một vòng lốc xoáy nhỏ. Thời điểm Huy Anh dừng xe trước mặt tôi, cũng là lúc mái tóc vừa gội buổi trưa theo cơn gió vô hướng bị thổi cho rối bời. Khuôn mặt của tôi bây giờ ấm ức để đâu cho hết.
Huy Anh có vẻ hối hận dữ lắm, đôi lông mày đậm của nó nhíu chặt, dè dặt trước cơn giận dầu sôi lửa bỏng của đứa con gái hậm hực trước mặt.
– Mày còn đến đây làm gì?
Huy Anh không trả lời, khẽ liếc tôi rồi lại cúi xuống đất nhìn cái gì đó. Tôi cũng cúi xuống nhìn thử thứ gì dưới đất, bãi phân chó đã khô của một con chó “vô ý thức” nào đó.
Cái thằng này! Tôi điên tiết đi tiếp, mặc ai đấy đang bối rối muốn nói chuyện với tôi.
– Tao xin lỗi.
Ôi lần đầu Huy Anh biết thưa thốt đàng hoàng đến thế, nhưng tôi quá mệt mỏi với giây phút căng thẳng ở lớp học thêm, vậy nên vẫn vác chiếc cặp chất một đống sách vở đi dọc bên lề đường.
– Tao xin lỗi, mày đứng lại đi. Mày không đứng lại, tao bế mày đi đấy!
Huy Anh hét lớn phía sau lưng, bộ nó không sợ mấy đứa tan học dị nghị hả? Nó không, nhưng tôi sợ. Tôi quay người bịt chặt cái miệng “đáng yêu” của cậu bạn thân, nhưng mà thân ai nấy lo.
– Im coi, mày điên rồi hả?
Nó để mặc bàn tay nhỏ bịt chặt miệng, ánh mắt thoáng vẻ hấp tấp của sự lo lắng lẫn hối hận dõi theo tôi, chính tôi cũng bị ánh nhìn ấy làm cho ngẩn ra, suýt nữa thì yếu lòng trước nó mất.
– Tao đã nói là tao xin lỗi mà. Hôm qua xem bóng đá nên ngủ hơi muộn. Trưa tao ngủ quên mất, không nhớ phải đi học. Mày có bị sao không đấy?
– Không có gì, suýt thì bay về miền cực lạc thôi.
Tôi đáp. Lần này Huy Anh có vẻ khẩn trương hơn nhiều, liên tục gặng hỏi:
– Tụi nó có đụng chạm gì mày không?
– Thôi im đi, tao giận mày rồi.
Tôi kéo dài khoảng cách của hai đứa, vẻ mặt bực dọc không có dấu hiệu nguôi ngoai. Huy Anh ném cho tôi chiếc mũ bảo hiểm, lôi xềnh xệch về xe. Tôi nào có hiền dịu ngồi xuống, vùng vằng một hồi, làm thằng trước mặt đành bế hẳn tôi vác lên xe, trông khác gì vác lợn đi bán không?
Thấy tôi không có vẻ thỏa hiệp, Huy Anh bóp chặt hai chiếc má đỏ hây hây được ánh chiều tà hắt lên. Xin đừng ảo tưởng, không có câu chuyện ngôn tình nào ở đây cả, nó giữ chặt má tôi bằng bàn tay to lớn chỉ để đeo chiếc mũ bảo hiểm ¾ lên đầu con nhỏ tỏ thái độ trước mặt.
Nguyên một chặng đường đi, tôi không còn cằn nhằn mắng chửi nó nữa, mà chuyển sang trạng thái im lìm, nó hỏi gì tôi cũng không trả lời.
Tính Huy Anh tự cao, hiếu thắng nên nó xốc nổi muốn tôi mau hết cái trạng thái câm như hến này. Từ âm vực như giọng cha giọng mẹ, Huy Anh chuyển sang một tông giọng trầm ấm hơn, từ tốn hỏi:
– Mày sao đấy? Giận thật rồi à?
“…”
– Không đi học thêm với mày là lỗi của tao. Thất hứa với mày là lỗi của tao. Để mày một mình đối mặt với bọn lớp Hóa là lỗi của tao. Lỗi tao hết…
“…”
– Giận thì giận, đừng có im lặng như vậy được không?
Tôi vẫn đưa đôi mắt sâu thăm thẳm quan sát khóm hoa được treo lủng lẳng bên vệ đường, chưa vội cất tiếng trả lời. Huy Anh dừng xe trước một tiệm trà sữa tên Tứ Quý Vương, nó gạt chân chống xe xuống đất, cũng không thúc giục tôi phải trả lời hay rời khỏi xe.
Tôi không thèm nhìn nó lấy một cái, Huy Anh cứ thế tiến thẳng vào tiệm trà sữa và xuất hiện trở lại với ly chanh tuyết, còn cầm theo một gói bánh macaron đủ màu sắc, được đóng gói trong chiếc hộp màu tím nhàn nhạt, thắt thêm chiếc nơ nhỏ.
Huy Anh mang giao diện chiến ơi là chiến, mà lại xách những món đồ ngọt ngào hường phấn ấy, nên mấy người đi đường cứ nhìn tôi tủm tỉm cười. Mãi một lúc lâu sau, tôi mới hiểu ra đôi mắt nhòm ngó ấy có ý nghĩa gì.
– Đúng là tình trường dài như quyển sách sử nhỉ?
Nó làm như không hiểu lời tôi nói, cầm đống đồ ăn đưa cho tôi. Tưởng tôi dễ làm lành lắm hả? Nằm mơ đi! Tôi vẫn không cầm lấy, giở giọng chê bai:
– Trịnh Hữu Huy Anh thì ghê rồi, chắc mấy bạn nhỏ yêu mày bị đống đồ ăn, thức uống này làm cho mê mờ mắt chứ gì?.
– Người ta chỉ cần gặp bản mặt tao hoặc nghe tao xin lỗi là hết giận rồi. Mày là ngoại lệ đấy, Vũ An Mộc Miên!
Nghe xong xúc động rưng rưng nước mắt nên tôi quyết định giận bạn trong ba ngày tiếp theo, mặc dù vẫn nhận đồ ăn bạn đưa. Ừ, chỉ có Trịnh Hữu Huy Anh mới khiến tôi bày ra dáng vẻ giống người bình thường hơn chút.