Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường

Chương 25: Một Thoáng Đầu Năm 1957



Qua tết, tuyết không còn rơi nữa.

Ánh sáng mặt trời chiếu thẳng xuống đất, làm tan đi lớp không khí lạnh.

Mạc Lệ Quyên dành cả tháng trời để ôn tập cho Mạc Lệ Vân và Mạc Đình Sơn.

May mắn hai người bọn họ đều thông minh, với lại chương trình học thời bây giờ không quá khó, nên nắm giữ kiến thức một cách khá dễ dàng.

Mạc Lệ San thấy anh chị đều đi học cũng vòi vĩnh đòi đi theo.

Cô bé năm nay đã lên bốn, có điều hoạt bát hơn rất nhiều. Mạc Lệ Quyên thử dạy một số bài học cho bé, vậy mà nhóc đều học được rất nhanh. Vậy là cô đồng ý.

Lý Cường đành phải đi Á Châu một chuyến để mua sách lớp một cho Mạc Lệ San.

Bấy giờ Mạc Lệ Quyên mới nghĩ đến điều mà cô quên mất lâu nay.

Cô hỏi chồng: “Anh có muốn tiếp tục đi học không?”

Lý Cường lắc lắc đầu: “Anh không muốn.”

“Anh đừng lo lắng, nếu như anh muốn học tiếp thì mình có thể bàn bạc với nhà trường để tự học ở nhà, chỉ khi nào có kiểm tra hoặc làm bài thi mới cần đến lớp.”

Lý Cường cười cười: “Anh không muốn, em cũng biết anh học không giỏi mà.”

Mạc Lệ Quyên nghe vậy thì không miễn cưỡng anh. Cô nhớ lại mặc dù anh thông minh từ nhỏ nhưng chuyện học hành lại không biết sao chẳng giỏi được.

Có lẽ đó không phải là sở trường của anh…

Thôi vậy, cho dù không đi học thì cô cũng có thể giúp anh có cuộc sống tốt hơn thật nhiều người.

Lần này đến lượt Lý Cường hỏi lại: “Vậy em có muốn đi học tiếp không?”

Mạc Lệ Quyên ngẩn ra, nếu cộng lên kiếp trước kiếp này thì cô đã có mấy chục năm không cắp sách đến trường rồi. Những tri thức đó cô còn nhớ rất rõ ràng nên không có ý định học lại lần thứ hai.

“Không ạ, em cũng không học nữa.”

Chuyện được quyết định như vậy đấy. Giữa tháng giêng bọn nhỏ bắt đầu cuộc sống học sinh đầy gian khổ.

Mạc Đình Sơn học lớp sáu, Mạc Lệ Vân học lớp ba, Mạc Lệ San học lớp một.

Trường học ở ngay khu trung tâm của nông trường. Mỗi ngày, sau khi đã ăn sáng và uống sữa tại nhà, ba anh em họ dắt nhau đi bộ đến lớp.

Bỗng nhiên trong nhà thiếu ba người khiến Mạc Lệ Quyên thấy có chút không quen.

Cô tìm chuyện để làm cho bản thân không có thời gian để nghỉ vẫn vơ nữa.

Nhiệt độ ngoài trời đã ấm dần, Lý Cường liền vác cuốc ra ngoài ruộng. Anh phải sửa sang lại bờ ruộng, đắp đất cho chúng cao lên.

Mạc Lệ Quyên ở nhà chọn ra phần hạt giống đã mua được vào năm trước, xới tung phần đất cạnh giếng rồi gieo chúng xuống.

Đến mười giờ trưa mà cô mới chỉ hoàn thành một nửa. Buông xuống phần công việc còn dở dang trên tay, cô vào bếp chuẩn bị bữa trưa.

Thịt heo mua từ năm ngoái vẫn còn, Mạc Lệ Quyên lấy một miếng thịt ba chỉ to và dày, rửa sạch rồi ướp với gia vị, sau đó cho lên chảo dầu mà chiên.

Thịt chiên chín vàng, vừa dai, lại vừa giòn, còn thơm nữa.

Ba anh em Mạc Đình Sơn vào đến cửa liền ngửi thấy, cô bé Mạc Lệ San reo lên: “Chị hai ơi em đói…”

Mạc Lệ Quyên ló đầu ra từ cửa bếp.

“Chị hai nấu cơm xong rồi, Đình Sơn Lệ San vào dọn bát đũa lên đi, Lệ Vân em chạy đi kêu anh hai về ăn cơm nhé!”

“Anh hai đang ở đâu ạ?”

“Ngoài ruộng á, em chạy ra là thấy à!”

“Dạ, em đi liền!”

Cơm vừa dọn lên bàn thì Lý Cường đã rửa tay rồi vào tới.

Mùi thịt thơm quá nên ai cũng nhanh chóng ăn, không có thời gian nói chuyện.

Đợi khi tất cả đã no rồi, Mạc Lệ Quyên mới hỏi: “Hôm nay mấy đứa đi học như thế nào rồi?”

“Dạ cũng bình thường.”

“Cô giáo giảng bài rất dễ hiểu ạ.”

“Còn có thật nhiều bạn mới nữa!”

Mạc Lệ Quyên nghe vậy thì yên tâm rồi, cô chỉ sợ bọn họ chuyển đến trường mới nên không quen, hay bị bắt nạt thì khổ.

Cô xoa xoa đầu của Mạc Lệ San: “Biết em lanh lợi rồi, phải lo học cho giỏi chứ đừng ham chơi có biết không?”

Mạc Lệ San bĩu môi, hai má của cô bé trắng nõn, phúng phính: “Em không có ham chơi đâu, mỗi buổi chỉ chơi có chút xíu à.”

Mạc Lệ Quyên bật cười, lấy ngón tay chọt vào má cô bé: “Lệ San nhà mình ngoan lắm nha…”

Cô nhóc ngượng ngùng, cả cơ thể xoắn qua xoắn lại, hai tay bụm lại hòng che hết khuôn mặt, ngặt nỗi mặt cô bé tròn quá, tay lại nhỏ nên chỉ che được một phần.

Mạc Lệ Quyên không chọc em gái út nữa, cô quay ra nhìn Mạc Đình Sơn và Mạc Lệ San.

“Hai đứa cũng vậy, ở trường ráng lo học, nếu bị bắt nạt thì cũng phải nói chị hay, có biết không?”

Hai đứa bé ngoan ngoãn trả lời: “Dạ!”

Nói thật, với khổ hình của Mạc Đình Sơn thì cô không sợ cậu bị bắt nạt. Cô lo là lo cho Mạc Lệ Vân kìa, cô bé này ngày thường đã trầm tính lại dịu dàng, chỉ sợ gặp chuyện mà không dám nói với gia đình.

Tuy nhà bọn họ mới dọn đến, nếu các em sai cô sẽ phạt họ, nhưng nếu bị người vô cớ bắt nạt, cô cũng phải phải kẻ thích ngậm đắng nuốt cay.

Một mặt nhìn nhịn hèn yếu chỉ khiến kẻ khác càng thêm không kiêng nể gì.

Cuộc sống không có tự tôn như vậy, không phải là cuộc sống mà cô muốn.

Trên đời này, bình thường chứ đừng tầm thường. Dù cho nghèo khổ khó khăn cũng phải thẳng lưng ưỡn ngực, sống một cách quang minh chính đại.

Qua một lát tầm hơn một giờ chiều, Trần Thái Học đánh xe bò ghé thăm.

“Ngày mai cháu bớt thời gian đi qua văn phòng một chuyến! Gà con heo con mà cháu đặt sẵn đã có rồi.”

Ông buộc bò vào gốc cây râm mát trước cổng, không thèm vào nhà mà nói vọng vào, rồi mặc kệ Mạc Lệ Quyên có nghe thấy hay không liền đi một mạch ra ngoài ruộng.

Nói tới heo gà, Mạc Lệ Quyên mới nhớ. Tháng trước ông đã đăng kí dùm họ rồi, thì ra bây giờ mới đến.

Gia súc ở nông trường không phải ai muốn nuôi là nuôi, phải đăng kí và lập hồ sơ trước để dể bề quản lí.

Heo con không cần trả tiền nhưng gà con thì công nhân phải trả cho ban quản lí mỗi con năm phần tiền.

Mạc Lệ Quyên muốn hai con heo, năm con gà. Con số này vừa phải không ít không nhiều.

Vậy là buổi chiều hôm đó, Lý Cường không ra đồng nữa mà chung tay với vợ dùng cây gỗ làm chuồng heo với chuồng gà.

Họ cất chúng sát bên mép phải của sân, cạnh chỗ dựng sào phơi khô đồ vật.

Mạc Đình Sơn chỉ học buổi sáng nên rảnh rỗi, cũng phụ một tay.

Hai cái chuồng đơn sơ mà chắc chắn được tạo thành một cách nhanh chóng.

Ngày kế tiếp, mặt trời vừa ló dạng thì gia đình Mạc Lệ Quyên đã ăn sáng xong rồi.

Cô và chồng theo bước các em đi đến khu trung tâm.

Đến ngã rẽ, ba đứa nhỏ dắt nhau vào lớp học còn vợ chồng Lý Mạc đi thẳng đến văn phòng của ban quản lí.

Đừng thấy vậy mà nghĩ bọn cô đến sớm lắm. Bọn họ vừa đến thì đã thấy nơi đó vô cùng ồn ào nhốn nháo rồi.

Thấy Lý Cường và Mạc Lệ Quyên, các cô các bà, các cậu các bác đều vừa cười vừa chào, bầu không khí rất thân thiện.

Tuy hai người Lý Mạc cảm thấy mọi người cười quá kì quái, nhưng đều lười tìm hiểu.

Nếu mà họ phát hiện trong mắt người khác, bản thân đã thành kẻ đáng thương thì không biết như thế nào.

Ngồi đợi đến khoảng hơn bốn mươi phút mới thấy Trần Thái Học vội vàng đi đến.

Ông cầm một quyển sổ thật dày, một tay mở ra trang giấy, tay còn lại thì cầm chiếc bút bi quý giá.

“Đặng Hồng Hà!”

Một bà lão hơn sáu mươi tuổi bước như bay lên. Đầu Trần Thái Học không thèm nâng lên, chỉ nghe giọng ông vang vọng.

“Bao nhiêu gà? Bao nhiêu heo?”

“Hai mươi con gà, năm con heo.”

Mạc Lệ Quyên trợn tròn mắt, cô đã nghĩ mình muốn hai con heo là nhiều, thì ra không phải nha.

Thấy cô như vậy, bác gái ngồi cạnh bên liền phì cười. Gặp cô nhìn qua liền nhỏ giọng giải thích.

“Đừng thấy năm con heo mà nhiều, nhà bác ấy đến tận mười người con, hai đứa con gái đã gả ra ngoài, còn tám người còn lại là con trai, đều đã cưới vợ, lại thêm hơn mười người cháu, tính ra thì không nhiều đâu…”

Phía trên, sau khi đã đối chiếu đúng số lượng, Trần Thái Học đưa cho bà lão một hộp mực đỏ đã mở sẵn. Bà ấy liền nhanh nhẹn ấn ngón tay cái vào rồi đóng vào giấy được kê ra sẵn. Kế tiếp không chờ nông trường trưởng lên tiếng mà nhanh nhẹn mở ra chiếc khăn vải đã cũ, lấy một đồng tiền đặt lên bàn.

Trần Thái Học liền lấy tiền để vào hộp gỗ trống trên bàn.

“Được rồi.”

Thì ra cánh cửa phía sau là cửa vào trại chăn nuôi. Bên trong có người đang chờ sẵn. Chờ nông trường trưởng hoàn tất thủ tục liền mở cửa, ôm ra đủ số heo và gà.

Một mình bà lão không ôm hết nên các cháu và các con ào lên giúp. Heo con mỗi người ôm một con còn gà con thì bỏ vào giỏ đệm, xách về rất nhẹ nhàng.

“Thái Thụ!”

Lần này là một người đàn ông tuổi khoảng năm mươi, bước đi có chút khập khiễng.

“Bao nhiêu gà? Bao nhiêu heo?”

“Mười con gà, hai con heo.”

Bỗng nhiên, Trần Thái Học lật qua lật lại tờ giấy trước mặt. Ông ngẩn đầu lên.

“Nhà chú đăng kí hai mươi con gà, năm con heo mà?”

Thái Thụ có chút lúng túng, trên trán ông bắt đầu xuất hiện mồ hôi.

“Nhà tôi chỉ lấy mười con gà và hai con heo, có thể chứ?”

Trần Thái Học chưa kịp nói gì thì cuối dãy đã xuất hiện tiếng ồn. Một người phụ nữ tuổi chừng ba mươi mấy hùng hổ chạy đến. Người chưa có mặt mà âm thanh đã tới trước.

“Cha, nhà chúng ta chỉ nuôi hai con heo thì ai ăn ai nhịn? Nông trường trưởng, anh hãy đưa cho tôi đủ số đăng kí đi!”

“Không! Chỉ lấy mười con gà và hai con heo!” Thái Thụ quả quyết.

Nhưng người phụ nữ tới sau này nhất quyết không chịu, hét ầm lên: “Mới có hai con heo thì làm sao đủ, cha, ông không thể làm như vậy được!”

Chính là vào lúc này, một giọng nói khác được vang lên: “Nhà chỉ có vài người như vậy, cô đòi nuôi năm con heo, rồi ai chăn chúng nó?”

Theo tiếng nói, mọi người nhìn lại, thì ra là vợ của Thái Thụ, là mẹ chồng của người phụ nữ chua ngoa kia.

Cô con dâu, tức là Trần Hạnh, thấy mẹ chồng liền có chút nhút nhát, cố gắng nặn ra vài chữ từ kẽ răng: “Thì không phải còn Vệ Quốc Vệ Gia hay sao…”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.