Những con thỏ con chỉ mới được hai tháng tuổi, chúng vẫn còn chưa biết đào hang, đáng lẽ ra thì cứ nhốt hết chúng trong chuồng là được rồi, nhưng Dịch Huyền vẫn không an tâm, anh lại làm thêm mấy cái lồng, đem thỏ và vịt con đặt chung vào một chuồng.
Làm vậy cũng tốt, thuận tiện cho việc chăm sóc hơn.
Hà Điền hơi ngạc nhiên khi thấy Dịch Huyền dùng ống tre làm máng uống nước cho chúng: “Thỏ cũng uống nước?”
“Ừ, chúng thích uống nước lắm. Lúc nhỏ tôi đã từng nuôi rồi, nhưng là thỏ tai cụp, nuôi như thú cưng vậy đó.” Anh chỉ vào chuồng thỏ: “Thật ra thỏ khá sạch sẽ. Chúng sẽ dành ra một chỗ để đi vệ sinh.”
Ngoài máng nước, Dịch Huyền còn cho thỏ vài miếng củi khô để mài răng.
Hà Điền nhìn thấy có một số con thỏ thậm chí còn ăn luôn phân mà chúng vừa mới thải ra, rất buồn nôn. Cô cảm thấy lúc trước mình bị vẻ ngoài đáng yêu của loài vật này lừa gạt rồi!
Dịch Huyền nói, thỏ có hai loại phân, một là phân, hai là thức ăn chưa tiêu hóa hết, phải ăn lại.
Sau khi nghe điều này Hà Điền càng cảm thấy buồn nôn hơn nữa.
Thức ăn cho thỏ tương tự như của Gạo, nhưng thỉnh thoảng Dịch Huyền cũng cho chúng ăn một ít thịt. Anh nói, làm cách này thỏ sẽ không dễ bị bệnh.
Hà Điền không chắc điều này có đúng không nữa.
Nhưng anh nói thỏ có thể giúp làm cỏ, thì đúng thật.
Ngày thứ hai khi thỏ con đến nhà mới, Hà Điền và Dịch Huyền đã dựng hàng rào ở nơi đối diện của con suối trên núi, rồi thả thỏ con vào, để chúng ăn những dây sàn sạt đầy gai đó.
Mỗi sáng họ đem thỏ đến đó rồi để chúng tự do đi lại, vài ngày sau cỏ trên mặt đất xung quanh đều đã được ăn sạch.
Sau đó, Hà Điền và Dịch Huyền di chuyển thỏ đến một con dốc cách suối núi khoảng sáu bảy mét để chúng tiếp tục ăn cỏ.
Cuối cùng họ đã chọn mảnh đất này để đào ao.
Họ ước chừng độ sâu của cái ao này sẽ khoảng một mét, còn độ rộng thì còn phải tùy thuộc vào địa hình xung quanh. Bởi vì sau khi đào có thể sẽ gặp phải những tảng đá lớn hoặc rễ cây khó diệt trừ. Hình dạng của ao cũng vì lý do này mà trở nên bất quy tắc.
Tuy nhiên, điều đó không quan trọng, bởi trong ý tưởng thiết kế của Dịch Huyền, anh muốn ao nước hòa vào khung cảnh xung quanh, càng tự nhiên càng tốt.
Công việc đào ao diễn ra trong vài tuần.
Việc đầu tiên mà họ làm là dùng dây thừng khoanh tròn mảnh đất này lại.
Hà Điền lấy một sợi dây dài hơn mười mét quấn quanh gốc cây này một vòng rồi lại quấn sang cây khác, rồi cứ vậy mà đến cây tiếp theo.
Tất cả những cây trong vòng dây đều bị chặt hạ, còn những cây có quấn dây đều là những cây cao to.
Những cây cao này không quá khó để đốn hạ, tuy nhiên rễ của chúng khá to, xử lý rất phiền toái nên họ giữ chúng lại để tạo bóng mát cho ao luôn.
Bên trong vòng dây chỉ có hai cây là rất cao. Một là cây tuyết tùng, cây còn lại là vân sam. Cả hai cây đều có đường kính ba mươi bốn mươi cm, cao bảy tám mét.
Cũng may là kích cỡ của những cây khác cũng chỉ bằng hai bàn tay chụm lại mà thôi.
Khi chặt cây, Hà Điền để Dịch Huyền theo sát bên mình và dạy anh kinh nghiệm: phải chú ý kiểm soát hướng cây đổ xuống, đầu tiên là nhất định không được để cây đổ vào người, tiếp đó là không được để cây đổ vào nhà, đồ dùng, nếu có thể, hãy cố gắng làm cho cây đổ về hướng hoặc nơi anh cần, vì sau khi cây đổ, anh còn phải cưa cây thành từng đoạn nhỏ để kéo đi.
Họ đã cưa hạ gần hai mươi cây lớn nhỏ.
Đem nhánh cây chặt rồi buộc thành bó, để tạm dưới các cây khác trong rừng, thân to thì xẻ thành từng đoạn rồi chất thành đống ở nơi có nắng, bên dưới cũng đóng đinh nêm gỗ để tránh cây lăn ra. Sau khi gỗ khô thì có thể dùng làm củi.
Công việc gian khổ lúc này mới chính thức bắt đầu.
Những cây này theo năm tháng đã mọc rễ ăn sâu vào lòng đất, đan xen vào nhau. Phải cần đến cuốc, xẻng, hoặc thậm chí là xà beng thì mới có thể nhấc rễ cây lên được. Lúc đào đất thỉnh thoảng cũng sẽ đụng phải tảng đá.
Dịch Huyền nhận công việc đào đất, anh để cho Hà Điền phụ trách việc đồng áng và nấu nướng, còn mình thì từ lúc mặt trời vừa mới mọc đã bắt đầu cắm mặt đào đất.
Sau khi hoàn thành xong công việc đồng áng, Hà Điền cũng muốn đến giúp anh, nhưng lần nào cô đến cũng đều bị anh lắc đầu từ chối.
Sau khi đào được vài ngày, khi quay lại, Hà Điền không khỏi lắc đầu.
Dịch Huyền đã đào được một hố sâu dài khoảng ba mét và rộng hai mét dọc theo rìa của vòng tròn dây, chiều sâu thì khoảng một mét. Anh còn dùng xẻng để chia từng ô trên mặt đất chưa được đào, theo cách nói của anh, anh gọi nó là “khối lượng công việc hàng ngày”.
Hà Điền đếm, vẫn còn 18 ngày nữa mới có thể xong khối lượng công việc này.
Những tảng đá mà Dịch Huyền đào ra đều được chất thành đống và được chia thành nhiều phần tùy theo kích thước. Anh nói với Hà Điền: ”Đá nhỏ nhất chờ chúng ta lấy tro núi lửa về thì trộn làm bê tông, còn đá lớn hơn thì có thể dùng để xây tường đá.”
Hà Điền chỉ vào phiến đá granit gồ ghề cao nửa mét, dày ba mươi bốn mươi cm mà anh đang đào dưới đất: “Còn cái này thì sao?”
Dịch Huyền trầm ngâm trong giây lát: “Cái này giữ lại, có thể làm hòn non bộ!”
Hà Điền trợn mắt nhìn.
Dịch Huyền rất kiên trì và cố chấp, cô đã hiểu được điều này từ lúc xây cầu dây, lần này lại được thêm một phen rửa mắt.
Một khi cô nàng này đã hạ quyết tâm rồi thì nhất định sẽ cố gắng thực hiện cho bằng được mới thôi.
Nếu đã như vậy rồi, cô cũng đành phải cắn răng cùng cô ấy cố gắng vậy.
Đào đá, bào gốc cây, cho đất, đá đã đào vào sọt và vận chuyển ra ngoài ao, đặt chung một chỗ với những cây đã chặt, tất cả đều là những công việc nặng nhọc.
Cả hai cùng nhau làm việc chăm chỉ, mấy ngày sau tiến độ công việc rất khả quan, đống đất đá đào lên ngày càng cao, ao hồ cũng ngày càng lớn. Mỗi sáng xách theo công cụ đi đến bên cạnh ao, cả hai sẽ mặc sức mà tưởng tượng ra hình dáng sau khi hoàn thành của cái ao nước trước nhà này.
“Đợi trồng củ sen rồi, sau này hè nào cũng sẽ đều có hoa sen… Vịt, ngỗng trắng bơi trên mặt nước, hoa màu hồng, lá màu xanh…”
Cảnh đẹp đã tưởng tượng xong, đến lượt món ăn ngon.
“Đến lúc đó, ngày nào cũng được ăn củ sen tươi, nào là gà bó lá sen, canh hạt sen ô mai…”
“Cũng có thể làm được rất nhiều bột củ sen nữa!”
“Có bột củ sen, vậy thì có thể làm rất nhiều món bánh ngon!”
“Nếu có thể nuôi thêm tôm cá trong ao thì lại càng tốt!”
“Hay là thôi đi, muốn nuôi tôm cá, vậy thì còn phải đào sâu thêm bao nhiêu nữa cho đủ!” Hà Điền nhanh chóng ngăn Dịch Huyền nghĩ tiếp nữa, lúc đầu nói đào sâu một mét là được rồi, nhưng bây giờ đã đào gần hai mét, ngày nào hai người cũng phải leo lên leo xuống thang, sau đó cho đất đá đã đào vào giỏ tre rồi dùng dây kéo lên!
“Thật ra thì đào sâu thêm nữa cũng có lợi, đến lúc đó môi trường sinh thái của ao sẽ tự đồng nhất lại với nhau, hình thành nên những con ốc nhỏ, tôm, chạch; vịt có thể tự mình kiếm ăn, chúng ta không cần tốn sức cho chúng ăn nữa… À! Đúng rồi, ốc đồng cũng ngon lắm! Đem nấu cay, rồi dùng que bạc nhỏ lể ra ăn… ” Dịch Huyền còn không cam tâm.
Hà Điền bày ra vẻ mặt kinh tởm: “… Tôi đọc sách thấy viết thứ đó không sạch sẽ đâu, có rất nhiều ký sinh trùng.” Nói xong, cô hơi ngả người ra sau, nhìn lên nhìn xuống Dịch Huyền, trên mặt dần dần lộ ra nụ cười.
Dịch Huyền biết cô đang trêu chọc mình, không khỏi giả vờ tức giận, anh nhíu mày, khóe miệng cong lên cười cười nhìn cô: “Vậy thì ngày nào tôi cũng ăn rồi ngủ cùng một chỗ với cô, không chừng cô cũng bị lây bệnh luôn!”
Anh vừa dứt lời, mặt mày chợt đỏ bừng lên.
Hà Điền vốn đang cười hì hì, thấy Dịch Huyền không hiểu sao lại đột nhiên tỏ ra ngại ngùng, ngực như có một cái búa nhỏ gõ nhẹ một cái.
Dịch Huyền đội một chiếc nón rơm, che mái tóc đen của mình lại, vì vừa xúc một giỏ đất nên trên lông mày và mũi của anh vẫn còn lấm tấm vài giọt mồ hôi, trên má phải còn có vết bùn không biết quẹt trúng từ đâu.
Hà Điền nhìn vào đôi mắt đen sâu kín của Dịch Huyền, trái tim như bị chiếc búa nhỏ vô hình liên tục đập vào vài cái, hai má bỗng nóng bừng lên, đầu bất giác gục xuống.
Cô cũng cảm thấy kỳ lạ: Sao đột nhiên mình lại không dám nhìn Dịch Huyền?
Được một lúc, cả hai đều không ai nói gì, tiếp tục làm việc trong im lặng.
Rừng mùa hạ cành lá sum suê, những con bọ ẩn mình trong cây lá không ngừng kêu rả rích, nước trong suối núi cách đó không xa róc rách chảy, chim vỗ cánh, ong bướm lặng lẽ bay quanh cành hoa.
Lúc ấy là ba bốn giờ chiều, trong rừng bỗng nhiên nổi gió.
Từ bầu trời trên mặt sông, những đám mây đen trôi theo làn gió di chuyển nhanh về phía họ.
Hà Điền vội lấy mành cỏ mà cô và Dịch Huyền đã làm trước đó ra.
Đầu tiên họ đậy phần rau vừa mới nhú lại, sau đó chạy nhanh đến chỗ đào ao.
Cô dùng những cành cây đã chặt đặt xung quanh lớp đất đã đào, sau đó dùng mành cỏ che lại để tránh cho chúng bị mưa lớn cuốn trôi đi.
Không thể để cho những đống đất vất vả khổ cực lắm mới đào lên được này bị mưa cuốn trôi một cách vô ích như vậy được.
Số đất này sau khi rây sạch sỏi và rễ cỏ bên trong, đem trộn với đất tổ mối và cát mịn trên bãi đất chỗ nước cạn là có thể làm được đồ gốm.
Thật ra đất trong rừng không phải là lựa chọn tốt nhất để làm đồ gốm. Đây là loại đất có hàm lượng mùn cao, đất làm gốm tốt nhất nên là đất cát mịn, có độ dẻo cao và có chứa thạch anh, fenspat, v.v.
Nhưng nếu làm cho mình tự dùng, không chú ý đến sự đồng nhất về bề ngoài và kết cấu, vậy thì cũng không có vấn đề gì cả.
Đồ gốm mà gia đình Hà Điền thường sử dụng, từ vại nước, ấm cho đến chậu nhỏ và lược, đều do họ tự làm. Do chất đất nên gốm nung ra có màu xỉn, chủ yếu là nâu sẫm, một số thì có màu đen tuyền, họa tiết không tinh xảo, đặc biệt đối với những đồ vật lớn, vỏ gốm sẽ có những vết rỗ cỡ hạt kê và kết cấu dạng hạt.
Cách đây rất lâu, ông bà của Hà Điền đã dành ra một khu đất bằng phẳng ở gần bãi sông để làm lò nung. Lò nung ban đầu chỉ có kích thước một mét vuông, giống như một cái hố tròn chìm trong lòng đất. Những thứ đầu tiên được nung là gạch thô, ngói và hai cái mặt cắt hình tròn, ở giữa có tay cầm, chúng là nấp lò chuẩn bị cho lần nung sau.
Sau đó, họ nâng mẻ thành phẩm đầu tiên lên, đậy kín lại rồi nung một chiếc bình đất và thêm nhiều gạch nữa.
Sau đó nữa, họ dùng số gạch này xây lên một cái lò nung trông giống như một ngôi nhà nhỏ.
Lò nung này được sử dụng cho đến nay. Một phần ba của nó chìm xuống đất, cửa hang cao 2m, sâu 1m, rộng 1m, mỗi lần có thể nung từ vài món đến hơn trăm món cùng một lúc, nhưng cũng tùy theo kích thước của hang, nếu như là vại đựng nước thì chỉ có thể nung được nhiều nhất là sáu cái, còn nếu là các món nhỏ như ly, chén này nọ hoặc là những viên gạch không cần quan trọng đẹp xấu gì thì có thể nung được cả hàng trăm món.
Trên nóc lò nung cũng được xây một cái mái che lớn để tránh mưa to trong quá trình làm gốm. Mặc dù mùa làm gốm là lúc cuối hè nắng nóng kéo dài, nhưng mà thời tiết thì không thể nào lường trước được.
Ngay cả khi không dùng để nung gốm thì lò nung cũng có thể được dùng để làm những việc khác – có thể đốt than để lọc không khí, hoặc là lấy tro để rắc lên đất trồng.
Ngay khi mành cỏ được che xong, những hạt mưa lớn cũng vừa lúc rơi xuống.
Hà Điền và Dịch Huyền chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không khỏi bị dính nước mưa.
Hà Điền thay quần áo xong, mưa ngoài cửa sổ đã trở thành màn mưa bạc*.
*Mưa xối xả không thấy được gì.
Những hạt mưa va vào ô kính cửa sổ, tạo ra những âm thanh tanh tách.
Hà Điền gọi Dịch Huyền vẫn đang ngơ ngác nhìn ngoài cửa sổ: “Cô đi thay quần áo đi! Còn chờ gì nữa? Đừng lo, ao nước của cô sẽ không có chuyện gì đâu.”
Dịch Huyền xoay người lại, vừa định nói gì đó thì lại hắt hơi một cái.
Anh chỉ mặc một chiếc áo mỏng, vừa về đến nhà thì vội giục Hà Điền đi thay quần áo trước, lúc này mới cảm thấy ớn lạnh, mũi ngứa ngáy, vội vàng che miệng, mũi mình lại.
Mỗi lần Dịch Huyền hắt hơi xong đều sẽ đi rửa tay.
Hà Điền đi theo phía sau, không nói gì cả, khoác lên người anh một mảnh vải.
Những ngày này họ đều đã chuyển sang mặc quần áo mỏng, lúc này Dịch Huyền đang mặc quần áo mùa hè mới may bằng vải lanh mua từ chỗ của Tam Tam. Lớp vải lanh có màu gốc* bị mưa làm ướt và dính vào cơ thể, trên người như được quấn một lớp màn trong suốt.
*Vải không nhuộm, màu nude á.
Khi quấn tấm vải lên người Dịch Huyền, Hà Điền nhìn thấy lớp quần áo như trong suốt kia, bất giác liếc nhìn thêm vài lần, không hiểu vì sao lại nảy sinh ra một ý nghĩ: Người đẹp như thế này, không biết khi cởi lớp quần áo này ra thì sẽ trông như thế nào? Nhất định là còn đẹp hơn nữa nhỉ?
Lại nhớ đến, mùa đông năm ngoái khi cùng nhau đến suối nước nóng, lúc tắm Dịch Huyền luôn mặc một chiếc áo mỏng. Sống cùng nhau lâu như vậy, thực sự là cô chưa từng thấy qua bộ dạng khỏa thân của Dịch Huyền…
Dường như Dịch Huyền bị Hà Điền nhìn cảm thấy ngại ngùng, anh vòng tay che trước ngực lại, mỉm cười đẩy nhẹ cô một cái.
Hà Điền xấu hổ quay mặt đi: “Tôi đi nhóm lửa, rất nhanh sẽ không lạnh nữa.”
Ngọn lửa nhanh chóng bốc lên, Hà Điền nhìn chằm chằm vào ngọn lửa trong lò, trong đầu lại nhớ đến bộ dạng mỉm cười che ngực của Dịch Huyền.
Lúc này cô mới nhớ ra, bên dưới lớp áo mỏng của Dịch Huyền, không có mặc áo lót…
Như vậy là không được! Cho dù có hơi phẳng phiu đấy, nhưng quần áo mùa hè mỏng như vậy, đổ mồ hôi, rồi gặp trời mưa, bị dính nước này nọ, không phải sẽ bị thấy hết sao?
Dịch Huyền thay quần áo, lau khô tóc rồi trèo xuống gác, lửa cũng đang cháy phừng phừng, hơi nóng từ từ tỏa ra xung quanh bếp, lan khắp các nơi trong nhà.
Hà Điền đổ thêm hai ly nước vào ấm, đặt ở trên lửa.
Cô lấy một hũ thủy tinh trên giá gỗ xuống, bên trong đựng những quả mận được hái hồi cuối hè năm ngoái. Dùng dao khứa hình chữ thập trên quả mận, cho vào hũ thủy tinh, đổ mật ong vào, đậy chặt nắp, sau một hai tháng mận chua sẽ ngấm vị ngọt của mật, ăn rất ngon miệng. Lớp da màu xanh lục nhạt của quả mận cũng trở nên trong suốt như thể có một lớp băng mỏng đọng trên đó.
Loại mận ngâm mật ong này đem đi nấu nước mận, đợi nguội rồi thì cho thêm vài lá bạc hà vào, rót vào ống tre rồi ngâm trong dòng suối, sau khi làm việc xong một ngày, buổi tối uống một ly, cực kỳ giải khát.
Nhưng hôm nay Hà Điền lại cho thêm vào nước sôi một ít gừng thái nhỏ, sau khi nước sôi lại rót trực tiếp vào trong ly gốm có quả mận, trong không khí tỏa ra một mùi ngọt ngào kỳ lạ.
“Cô uống đi!” Hà Điền nâng ly trà lên trước mặt, cụng ly với Dịch Huyền.
Trà mận gừng không chỉ chua chua ngọt ngọt mà còn nóng hổi, nhanh chóng xua đi cái lạnh lẽo cuối cùng còn sót lại trên người.
Vị mận chua chua ngọt ngọt độc đáo làm cho miệng chảy đầy dịch, hương thơm của mật ong và gừng khiến người uống cảm thấy rất ấm áp và dễ chịu.
Ly trà ấm thơm nồng này uống dần dần thật lâu mới xong.
Hà Điền lấy bánh quy giòn mà cô đã làm trước đó ra, hai người vừa uống trà, vừa không ngừng kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Mưa đã tạnh.
Cơn mưa mùa hạ đến nhanh và đi cũng nhanh.
Trên mép lá, trên ngọn cây, dưới mái hiên và trên ngọn cỏ, những giọt nước tròn vo lâu lâu vẫn nhẹ nhàng trượt xuống, trong đám cỏ, côn trùng lại bắt đầu kêu rả rích, chim chóc về muộn bay ngang qua biến bầu trời thành một mảnh xanh đen, từ cửa sổ của căn nhà gỗ trong rừng, rọi ra ánh đèn màu vàng cam.
Thỉnh thoảng còn có thể nghe thấy một tràng tiếng cười lớn và tiếng chó con sủa.