Công Chúa Lưu Lạc: Đệ Nhất Đại Vương Phi

Chương 113: Ngoại Truyện 2



Tháng hai, Vĩnh Bảo năm thứ sáu.

Trong quãng thời gian Chỉ Ni mang thai, Lê Dực Định vẫn luôn đặt chính vụ lên hàng đầu. Mặc dầu rất lo lắng cho nàng nhưng phải đến tháng thứ tám thì mới chấn chỉnh xong việc ở quân doanh rồi quay về Kinh thành. Dẫu đã dự tính về sớm để ở bên cạnh Chỉ Ni nhưng vì thai yếu nên ngày hắn hồi Kinh thì cũng là ngày nàng lâm bồn.

Nắm bắt được tình hình ở phủ thì Lê Dực Định đã thúc ngựa bất kể ngày đêm. Hắn nhanh chóng vào Cung diện thánh rồi lập tức quay về Đại vương phủ. Ngựa vừa dừng lại thì đã vội vã đi vào hậu viện, đến cả bộ giáp trụ ở trên người còn chưa kịp cởi ra.

Tiếng huyên náo vang vọng cả một vùng. Lê Dực Định xông xông đi thẳng đến hậu viện, còn muốn vào bên trong phòng nhưng đã bị tì nữ ngăn chặn.

– Đại vương không thể vào trong đó ạ.

Hắn gấp gáp hỏi:

– Đại vương phi sao rồi?

– Bẩm đại vương, đại vương phi được chẩn đoán sẽ khó sanh. – Nàng ta cúi đầu thưa.

Lê Dực Định như ngồi trên đống lửa, đi qua đi lại ở bên ngoài không thôi. Ngỡ đâu về sớm được vài ngày sẽ có thể an ủi được Chỉ Ni, nào ngờ sự việc lại diễn ra như thế này.

Bên trong phòng sanh, Thái y nghe tin Lê Dực Định trở về thì vội vã chạy ra. Vừa đến trước hắn thì đã quỳ xuống khấu đầu nhận tội.

– Hạ thần bái kiến đại vương.

– Mau nói tình hình của đại vương phi.

– Dạ bẩm! Thai của đại vương phi vốn dĩ đã yếu, nay lại sanh thiếu tháng nên lành ít dữ nhiều.

Thái y vừa dứt lời thì hắn đã quát:

– Cái chi mà lành ít dữ nhiều? Bất kể mọi giá thì cả mẫu tử đều phải bình an.

– Thần sẽ dốc hết tâm sức.

Bên trong phòng sanh, Chỉ Ni siết chặt tay của Bạch Hạc, quyết tâm phải để đưa trẻ này được bình an chào đời, mạng của mình còn hay mất cũng không quan trọng. Chính vì bản thân cũng hiểu y thuật nên từ lâu nàng đã nhận ra sự bất ổn của thai này. Tuy biết rõ là thế nhưng nàng vẫn cố chấp giữ lại nó, có thể nói một mạng đổi lấy một mạng. Chỉ khi đứa trẻ này chào đời thì phủ Đại vương mới có người kế thừa cơ nghiệp.

– Đại vương phi hãy gắng lên, đại vương đã hồi phủ rồi. Ngài ấy đang đợi người ở bên ngoài ạ.

Chỉ Ni cắn chặt răng, hai mắt nhắm nghiền. Bao nhiêu sức lực đều dồn vào để sanh ra đứa trẻ. Lê Dực Định đã về thì tốt. Nếu có chuyện bất trắc xảy ra thì cũng có thể thay thế nàng ôm ấp đứa con vừa mới chào đời.

Mất thêm mấy canh giờ mới sanh xong. Tiếng khóc trẻ nhỏ vừa vang lên là Lê Dực Định đã lao vào bên trong phòng. Mặc cho đứa bé đang khóc nghẹn trên tay nhũ mẫu, hắn vội vã chạy đến bên giường xem tình hình của nàng ra sao. Tận mắt nhìn thấy nàng vật vã ở trên giường, sắc mặt xanh xao, đôi môi cũng mang một màu tái nhợt khiến thâm tâm của hắn dường như vỡ vụn. Nắm chặt bàn mềm nhũn đang tuôn mồ hôi lạnh, hắn kinh sợ thầm thì:

– Có ta ở đây. Chỉ Ni! Đã có ta ở đây với nàng.

Chỉ Ni ngước đôi mắt đã phủ một màng sương mỏng nhìn hắn. Trên môi cũng nở một nụ cười mãn nguyện. Không còn sức để nhìn xem đứa bé mang hình hài ra sao, vì mệt lả mà nàng đã dần dà chìm vào giấc ngủ say. Trong thời khắc thập tử nhất sinh vẫn còn được nhìn thấy hắn và đứa con thơ nhỏ dại thì đã là niềm hạnh phúc nhất đời này của nàng.

Tháng tư, Vĩnh Bảo năm thứ sáu. Đích trưởng tử phủ Đại vương vì thể trạng yếu ớt nên chết yểu khiến Chỉ Ni chịu một đòn đả kích lớn, thể trạng sụt giảm rõ rệt. Tháng tám, Vĩnh Bảo đế thấy phủ Đại vương lâu nay quạnh quẽ nên có ý cho Lê Dực Định nạp thêm thiếp thất, tuy nhiên hắn đã một mực khước từ.

Tháng ba, Vĩnh Bảo năm thứ bảy. Chỉ Ni thuận lợi hạ sanh trưởng nữ.

Tháng năm, Vĩnh Bảo năm thứ tám. Lại hạ sanh đích trưởng tử thành công.

Mãi đến tháng tư, năm Vĩnh Bảo thứ mười lăm mới tiếp tục hạ sanh nhị ái nữ.

Vĩnh Bảo năm thứ mười sáu. Ở phía Đông Nam xảy ra dịch bệnh. Vĩnh Bảo đế ngày đêm tận lực, tại hành cung xử lý việc triều chính, tiếp xúc nhiều với quan viên ở nơi có dịch bệnh nên bản thân không may cũng nhiễm phải dịch theo. Lê Dực Định và Chỉ Ni, người tiếp tế lương thực, người mở y quán chẩn trị miễn phí cho vô số bách tính. Chỉ sau ba tháng nhiễm dịch, Vĩnh Bảo đế đã băng hà vào tháng mười cùng năm. Trước khi Vĩnh Bảo đế băng hà chưa kịp lập trữ quân nên Hoàng thái hậu Dương thị chỉ định đích tử, hoàng tử thứ tư vừa mới bảy tuổi kế thừa Hoàng vị, lấy niên hiệu là Chương Hiếu. Lê Dực Định năm đó bốn mươi lăm tuổi, đồng thời là thầy của ấu đế nên được trao quyền phụ chính, đương thời được tôn Phụ chính Vệ Quốc công.

Tháng mười hai, năm Chương Hiếu thứ ba. Chỉ Ni hạ sanh người con cuối cùng, nhị hài tử. Năm ấy nàng cũng đã được ba mươi chín tuổi, còn Lê Dực Định đã ở tuổi bốn mươi tám. Tuổi không còn nhỏ lại sanh nhiều con khiến thể trạng của nàng sụt giảm trầm trọng.

Tháng ba, Chương Hiếu năm thứ sáu. Chỉ Ni bị nhiễm phong hàn, sau hai tháng cầm cự đã qua đời khi được bốn mươi hai tuổi. Lê Dực Định năm ấy đã ở tuổi năm mươi mốt, vừa lo việc triều chính, vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi nấng bốn người con, lớn nhất chỉ mười lăm, nhỏ nhất chỉ vừa được ba tuổi.

Năm Chương Hiếu thứ chín. Lê Dực Định trao lại quyền lực, để đích thân Hoàng đế chấp chính. Cả hai con trai đều theo nghiệp binh tướng của mình nên hắn đã xin thánh chỉ được đưa gia quyến về đến đất phong ở biên cương, chuyên tâm rèn luyện hài tử đồng thời giữ gìn bờ cõi, nhất mực tránh xa quyền lực chốn tiền triều.

Năm Chương Hiếu thứ hai mươi mốt. Tròn mười lăm năm Chỉ Ni qua đời, năm ấy Lê Dực Định cũng đã sáu mươi sáu tuổi. Sau khi con cái đều thành gia lập thất, công danh ổn định, những năm tháng cuối đời hắn quyết dựng một ngôi nhà ở gần Thiên Đại vương mộ, ngày ngày đến đó cùng Chỉ Ni bầu bạn, chăm nom mộ phần của nàng. Chỉ sau bốn tháng ở đó, khi con cháu phát hiện ra thì hắn đã qua đời từ lúc nào, đầu tựa vào bia mộ, ra đi vô cùng thanh thản, bình yên.

Qui Nam, năm 2024.

Mặc dù đã ở thời đại công nghệ phát triển vượt bậc nhưng Qui Nam vẫn theo chế độ quân quyền, tính đến hôm nay đã hơn một trăm đời Hoàng đế. Trong bối cảnh hiện tại của Hoàng gia, Hoàng đế có hai Hoàng tử là Lê Nghiên Vũ và Lê Tấn Đức, cả hai đều nằm trong danh sách đứng đầu cho người thừa kế Hoàng vị. Trong hai người thì Lê Nghiên Vũ có phần nổi trội hơn với học vấn uyên thâm, lại có khiếu chơi các môn thể thao rất giỏi. Hoàng gia có một tầng hầm chuyên lưu trữ tranh ảnh của Hoàng tộc, để so từ nhiều đời trước đến nay phải nói Lê Nghiên Vũ có vẻ ngoài giống như Lê Dực Định, hoàng tử thứ mười một của Thạc Hoà đế, vị Hoàng đế thứ tám của nhà Qui Nam.

Ngày hôm nay là mười hai tháng Giêng. Theo như phong tục của tổ tiên thì sẽ diễn ra hội săn bắn nhưng vì để bảo vệ động vật hoang dã nên phong tục này đã được đổi thành cuộc thi đua ngựa. Mỗi năm sẽ diễn ra một lần, không những các Hoàng tử mà vận động viên cả nước đều có thể tham gia.

Lưu Hiểu Yên, hai mươi lăm tuổi, con gái của bác sĩ Hoàng gia Lưu Nghĩa. Từ nhỏ cô đã muốn theo nghề của cha nên luôn tìm hiểu về ngành y và các phương thuốc quý đã bị thất truyền. Năm hai tuổi đã từng được Hoàng đế bế trên tay, năm mười tám tuổi được nhận bằng khen đóng bởi ấn mộc của Hoàng đế. Trong hội thi năm nay cô cũng được phân bố vị trí vào đội sơ cứu túc trực tại trường đua. Vị trí danh dự này không những là một thử thách mới của cô mà còn nói lên uy tín của bác sĩ Lưu Nghĩa.

Trước khi cuộc đua bắt đầu thì mọi người đều được bố trí sẵn phòng chờ. Vì các anh của mình vẫn chưa đến nên Lê Cảnh Nghi, em họ của Lê Nghiên Vũ đã kéo Hiểu Yên đến đó trò chuyện với mình cho đỡ nhàm chán. Cả hai đều trạc tuổi nhau, lại là bạn học cùng trường nên vô cùng thân thiết. Tuy nhiên Hiểu Yên lại chưa bao giờ gặp được hai vị Hoàng tử vì họ chỉ xuất hiện vào những dịp quan trọng của Hoàng gia mà thôi.

Cảnh Nghi kéo Hiểu Yên đến phòng chờ rồi lại bắt cô cùng chơi cờ tướng, một bộ môn phải nói là cả hai đều dở tệ. Nhiều khi chơi tầm phào cũng chẳng thể biết. Nhưng ở đây ngoài cờ tướng ra thì chẳng còn thứ gì chơi cả. Điện thoại hay máy tính đều bị cấm sử dụng, tất cả chỉ liên lạc với nhau qua bộ đàm.

– Òm…

Cảnh Nghi nheo mắt rồi đẩy lên một con tướng. Tuy nhiên, con tướng vừa được đẩy lên lại bị một bàn tay khác kéo xuống. Cả hai giật mình nhìn sang bên cạnh thì thấy đó là Lê Nghiên Vũ, phía sau còn có Lê Tấn Đức.

– Ơ? Anh hai, anh ba?

Trong khi Cảnh Nghi vui mừng khôn xiết thì Hiểu Yên lại đứng dậy, nép người một bên và cung kính hành lễ với họ.

– Hai người thực sự không hiểu chơi cờ là gì cả. Nhìn xem! – Lê Tấn Đức nhìn bàn cờ, lắc đầu ngán ngẫm – Chơi thế này là chơi sao?

– Chẳng phải anh nói sẽ dạy cho em sao? Chỉ giỏi hứa!

Cảnh Nghi bĩu môi rồi đi đến khoác vải Hiểu Yên, dõng dạc nói:

– Xin giới thiệu với hai anh, đây là Hiểu Yên, bạn thân nhất của em, cũng là con gái của bác sĩ Lưu Nghĩa.

Lê Nghiên Vũ đang chuẩn bị cho cuộc đua, hiện tại mới chú ý đến người con gái lạ mặt đang xuất hiện ở trong căn phòng này. Vừa nhìn thấy ánh mắt trong veo của cô ấy thì trong tim lại dường như hẫng đi một nhịp. Cảm giác này quá khác lạ, không phải vui mừng hay phấn khởi mà lại là một chút mất mát kèm theo tiếc nuối đang dâng trào. Đây là lần đầu tiên gặp nhau nhưng anh chẳng hiểu sao bản thân lại có thứ cảm xúc lạ lùng như thế.

Hiểu Yên vừa ngẩn đầu thì đã chạm vào ánh nhìn ôn nhu của Lê Nghiên Vũ. Ánh mắt chăm chú kia bất chợt khiến cô ngượng ngùng đến đỏ ửng cả đôi má đào, trong lòng cũng vì hồi hộp mà kêu lên thình thịch. Đây là lần đầu tiên được gặp hai Hoàng tử đương thời nhưng trong thâm tâm của cô cứ có cảm giác như là mình từng gặp Lê Nghiên Vũ vào rất lâu trước đó.

Liệu rằng có phải chăng đây chính là lần lịch kiếp của một Đại vương cao cao tại thượng, uy dũng bất phàm và một nàng công chúa sắc nước hương trời, tinh thông y thuật? Hai người không những nổi tiếng về tài hoa, mà ngay cả chuyện tình đẹp như tranh cũng được lưu truyền rộng rãi bởi hậu thế, đến nay có lẽ cũng đã được ngàn đời.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.