Tôi thấy bố con Dương từ đằng xa cưỡi lên chiếc Dream quen thuộc đang vỗ vai chú nào đấy vẻ như “Về nhé người anh em, mai nhậu tiếp.”
Tôi lập tức phi ra khỏi ngõ, đạp xe tức tốc lại chỗ hai đứa tình nhân kia, hốt hoảng la lên:
– Dương, bố mày!
Chắc tình huống đột ngột quá nên Dương đớ người ra nhìn tôi, phải sau một hai giây nó mới định hình lại được tình huống vô cùng cấp bách mà tôi đang khẩn báo. Nó lập tức quay sang anh Duy, nói léo cả mồm, ý tứ lộn xào hết cả lên:
– Bố em về rồi, về rồi… Chết, chết…. anh đi mau, đi mau đi… Bố em mà tóm được là chết thật đấy!
Anh Duy còn chưa kịp trả lời, Dương đã quay đầu tót thẳng vào nhà. Xong dần dần nhận ra được tầm khẩn cấp của vấn đề, anh Duy mới luống cuống trèo lên xe máy của mình dựng gần đấy và cắm chìa khóa vào vặn ga. Nhưng mà đời thật trớ trêu, đúng cái tình huống cấp bách đấy, anh ấy vặn ga không được. Những tiếng chết máy đều đặn vang lên trong cái ngõ nhỏ nhà tôi.
Tôi đang đạp xe, quay lại nhìn anh Duy đang ra sức bặm môi đạp ga mà muốn dập luôn đầu vào tường. Thật là, xe cộ gì đúng lúc khẩn cấp thế này lại như thế?
Cửa sổ nhà con Dương hé ra một tí và tôi thấy cái mắt nó đang liến láo ngó ra theo dõi tình hình. Chắc nó nghe thấy tiếng chết máy nên mới lo lắng ngó ra thế kia. Nhưng tôi đảm bảo nó chắc chắn không dám ra giúp anh Duy nếu không muốn bố nó lột xương ra. Quan hệ gì để giúp đỡ? Bạn cùng lớp, thậm chí cùng trường cũng chả giống ấy chứ.
Tiếng động cơ xe máy quen thuộc từ chiếc Dream của bố Dương ngày càng gần thêm, rồi ông bố với khuôn mặt ám ảnh tôi suốt thời thơ ấu xuất hiện trước ngõ rẽ.
Tôi chỉ là thằng đạp xe đạp qua đường vô tội thôi mà đã vã mồ hôi hột thay cho anh Duy. Con Dương ở trong nhà chắc đang thành khẩn cầu Chúa cho tai qua nạn khỏi.
Anh Duy thậm chí chả dám ngẩng đầu lên khi biết bố Dương đang rẽ vào ngõ, chỉ chăm chú cắm đi cắm lại cái chìa khóa, đạp không biết bao nhiêu lần để ga nó lên. Bố Dương dĩ nhiên chú ý đến thằng lạ huơ lạ hoắc, chẳng phải là con em trong xóm thình lình xuất hiện trước cửa nhà mình rồi. Từ đằng xa, ông đã dùng con mắt săm soi đầy nghi hoặc nhìn thằng cha vô cùng khả nghi lúng túng đạp ga kia. Và rồi, đúng như tôi dự đoán, ông dừng xe ngay cạnh anh Duy, hất đầu và hỏi như truy tội:
– Ê, thằng kia, mày con nhà ai? Làm gì ở đây?
Tôi cảm thấy hình như ông bố nào có con gái cũng tự dưng có một giác quan thứ sáu vô cùng nhạy bén với mấy thằng lớ phớ với con gái ông. Bố Dương cũng thế mà thôi, mà bố nó đã làm gắt lên truy ra nhà anh Duy ở đẩu đâu xã khác mà đêm khuya khoắt lại mò đến nhà ông thì chắc chắn sẽ rất to chuyện đây. Anh Duy vốn tính thật thà, chả biết nói dối cũng chẳng biết lươn lẹo gì chỉ biết à à rồi ờ ờ. Nói thật, tôi mà là người không biết mọi chuyện thì nhìn cái điệu bộ lúng ta lúng túng của anh ấy tôi cũng nghi anh ấy là ăn trộm lắm.
Đầu tiên tôi cũng định mặc kệ, đạp xe thẳng vào nhà để tạ tội với mẹ. Nhưng sau suy nghĩ lại, hôm nay là sinh nhật con nhà bên. Để bố nó phát hiện ra sự tình rồi đánh nó một trận ngay chính ngày sinh nhật của nó cũng không hay lắm. Tôi bèn lên tiếng cứu rỗi cho anh Duy:
– Anh Duy à, xe máy vẫn không nổ được à?
Tất cả mọi sự chú ý đổ dồn sang tôi – một thằng đáng lẽ nên yên phận là một kẻ qua đường. Từ ánh mắt hoang mang của anh Duy, đến khuôn mặt thằm lằm của bố Dương và cả khuôn mặt của con Dương đang lén lút từ cửa sổ kia nữa.
Tôi nuốt nước miếng, có chút hối hận khi tự chuốc rắc rối vào thân. Nhất là khuôn mặt của bố Dương tỏ ra chẳng thân thiện gì khi nhìn thấy tôi. Suy nghĩ, suy nghĩ nào, phải thế nào để bố Dương có thiện cảm đây bây giờ? Đầu tôi lóe lên một ý tưởng. Tôi lập tức mang vẻ mặt vô cùng tự tin và thành thật khai báo với bố Dương:
– Chú à, anh đây là bạn của anh Quân ấy. Bữa nay đến chơi nhà cháu.
Bố Dương nghe đến bốn chữ “bạn của anh Quân” thì mặt dịu xuống hẳn, giọng điệu cũng nhẹ nhàng hơn hẳn:
– Bạn của thằng Quân hả?
Chả là anh tôi học giỏi nổi tiếng của xóm, thế là mấy bạn của anh cũng được thơm lây. Cứ bạn anh Quân là những thanh niên tử tế, chín chắn và học giỏi vô cùng. Được đà, tôi tiếp:
– Anh ấy học giỏi Tiếng Anh lắm ạ. Đến bày cho anh Quân vài chữ để thi đại học đấy.
– À, đúng rồi, thằng Quân định thi vào trường nào đấy?
Đúng như dự đoán, bố nó lập tức quên phéng đi thân phận mập mờ của anh Duy mà quay sang hỏi về vấn đề vô cùng to tát – học hành. Tôi mừng rơn nhưng phải kiềm chế để giọng điệu không kiểu quá vui mừng lộ liễu.
– Cháu cũng không rõ lắm, anh ấy đang suy nghĩ ạ.
– Quyết định sớm đi chứ. Mà mày, không định thi vào trường phổ thông chuyên đấy chứ?
Cái gì? Tôi á? Tôi mà vào trường chuyên á? Lúc đó, tôi chỉ biết cười cười trả lời bố Dương:
– Hì hì, cháu tuổi nào thi vào trường chuyên. Thế Dương thì sao chú?
– Ôi dào, chú không cho nó đi đâu. Xa nhà rồi lắm chuyện lắm.
Anh Duy đứng một bên kiểu ngơ ngác còn gà tây, bối rối không biết nên ngồi nghe hai chú cháu tôi nói chuyện hay là tiếp tục thử nổ máy. Tôi còn hoang mang vì không ngờ bố Dương nghe đến chuyện học hành lại dễ đánh lạc hướng đến thế. Tôi tiếp tục câu chuyện:
– Nhưng mà Dương học giỏi tiếng anh mà chú. Cho Dương đi học hỏi kiến thức, nhiều cơ hội hơn ngoài thành phố lắm ạ, anh Duy nhỉ?
Thấy anh ấy lúng ta lúng túng đứng ngoài cuộc nói chuyện tôi quyết định lôi anh ấy vậy. Anh Duy thậm chí còn giật mình một phát khi tôi nhắc đến tên, sau vài tiếng à ờ mới nói được rõ chữ:
– Vâng, vâng ạ. Cháu thấy tiếng Anh thì ở thành phố mới có giáo viên chuyên ấy ạ. Ở trường cấp ba làng mình chỉ toàn giáo viên từ tiếng Pháp chuyển sang thôi ạ, trình độ chuyên môn không cao mấy. Mấy đứa bạn cháu thi tiếng Anh toàn phải lên thị trấn học thêm thôi ạ.
Bố Dương nghe xong vẻ mặt rất là trầm tư suy nghĩ, có vẻ như đang suy nghĩ một cách nghiêm túc liệu có nên cho Dương đi học trường chuyên hay không. Xong, tự dưng vui vẻ bảo với anh Duy:
– Ừ, để chú suy nghĩ thêm đã chứ Dương ngơ ngơ ra thành phố nhiều cái sợ. Mà xe hư à? Để chú xem nào.
Thành công ngoài mong đợi. Tôi và anh Duy nhìn nhau đầy ẩn ý khi bố Dương ngồi sửa cái xe. Bố nó chỉ cần đạp xe một lần là nó lại nổ máy bình thường. Anh Duy ra sức cúi đầu cảm ơn rối rít, xong chào bố Dương, vẫy vẫy tay tôi rồi chạy xe ra về.
Thế là xong, trái tim lơ lửng của tôi cũng hạ xuống đúng chỗ. Nhưng bố Dương chưa ngừng lại ở đó, thắc mắc hỏi tôi tiếp:
– Ơ, Việt, thế mày lên cấp ba định theo khối gì?
– À, cháu chắc là khối A thôi ạ. Cháu không học được tiếng Anh nên không theo khối A1 như Dương được ạ. Còn khối B thì cháu lại không học được Sinh.
Lúc trả lời tôi lại thấy mình ngu. Đến khi nào tôi mới kết thúc được màn hỏi xoáy đáp xoay với bố nó về việc học đây hả giời? Chắc mẹ tôi đang chuẩn bị roi mây ở nhà rồi.
– Thế mày không định học trường chuyên thật à?
– Dạ. Vì trường làng mình thì tiếng Anh không tốt thật nhưng các môn tự nhiên khác có thầy giỏi lắm chú ạ. Cháu nghe anh Quân bảo vậy. – Tôi cười méo mó lễ phép trả lời, tưởng tượng đến mẹ đang ở nhà.
– Thế…
Bố nó còn đang định hỏi gì thêm nữa thì giọng của Dương cắt ngang.
– Bố!
Tôi và bố Dương cùng quay lại, thấy khuôn mặt nó tự lúc nào đã thù lù ở cổng.