Đại mạc cô yên, trường hà lạc nhật.
(Làn khói cô đơn giữa sa mạc rộng lớn, ánh tà dương rơi trên sông dài.)
Đại mạc trong trong những bài thơ luôn là chốn linh thiêng để thể hiện nhiệt huyết nam nhi, hận không thể một ngày kia phó thân nơi tiền tuyến, ra trận giết địch. Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu(1) đơn giản chỉ là một loại hào khí phá phủ trầm châu(2), làm sao lại không khiến người ta khao khát.
Ta cũng từng có một bầu nhiệt huyết, không có hoài bão to lớn đền ơn nước, chỉ muốn giết hết bọn man di xâm phạm bờ cõi. Tuy nhiên, từ nhỏ ta chỉ biết đọc sách, là một thư sinh tay trói gà không chặt, không, ngay cả thư sinh cũng không phải.
Mặc dù ta ăn mặc như nam nhi, buộc tóc đội quan, nhưng có trời đất chứng giám, ta thật sự là một nữ nhân.
Chỉ vì năm đó có một lão đạo sĩ đến nhà ta lừa ăn lừa uống nửa tháng, bốc cho ta một quẻ, quẻ bói thế nào đã không còn nhớ rõ, chỉ nhớ hắn nói cha mẹ phải nuôi như tiểu tử, nếu không thì không thể sống quá ba mươi tuổi. Ngày đó, nghe cha mẹ nói thật sự sẽ cho ta mặc nam trang đi đến học đường, đến lễ nhược quán* lại cưới cho ta một kiều thê, thật đúng là hồ đồ.
(*Lễ biểu thị sự trưởng thành của đàn ông thời xưa, khi tròn 20 tuổi.)
Vì vậy ta liền đào hôn bỏ đi, theo đuổi những câu chữ trong sách mà chạy tới Mạc Bắc.
Mạc Bắc là một nơi hoang vắng, cát vàng mông mênh không thấy bến bờ, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy vài đám cỏ dại khô héo ở gần cồn cát, khung cảnh trước mắt chỉ toàn gió và cát, chỉ cần lơ là một chút là sẽ mất đi tầm nhìn, nơi đây so với câu “Sa như tuyết, nguyệt như câu*” trong miệng cổ nhân giống như hai thế giới khác biệt.
(*Cát như tuyết, trăng như lưỡi câu.)
Ta cưỡi lạc đà ra khỏi sa mạc sâu thẳm. Trên sa mạc vắng lặng không có gì che chắn, dõi mắt nhìn lại không thấy một sinh vật sống nào, ngụm nước cuối cùng trong túi nước cũng đã bị uống cạn, ở thời điểm đói khát chất chồng, ta tìm được một thôn nhỏ.
Người Mạc Bắc sống bằng nghề chăn thả, ở trong những chiếc lều vải dày cộm nặng nề. Thôn này có chừng mười hộ gia đình, lều của mỗi hộ đều gần nhau, rất khác so với điều ta nhìn thấy ở những nơi khác.
Ta chỉnh trang lại vẻ ngoài của mình khi đứng trước một túp lều vải, cao giọng nói: “Xin hỏi có ai ở nhà không?”
Rõ ràng bên trong có ánh nến, nhưng câu hỏi của ta lại khiến ánh nến yếu ớt bên trong đột nhiên tắt ngấm. Ta lại hỏi mấy gia đình khác, nhưng cũng là vừa nghe thấy tiếng đã vội vàng tắt nến.
Người ở Mạc Bắc này, không khỏi quá lạnh lùng.
Ta thở dài, dắt lạc đà tiếp tục đi về phía trước, e là tối nay lại phải ngủ ở nơi hoang dã. Nhưng dù sao gần thôn cũng có nguồn nước, ta vội vàng đổ đầy mấy túi nước trên lưng lạc đà, mấy ngày sau sẽ không cần bận tâm về chuyện nước uống.
Cách thôn hai, ba dặm về phía bắc, trong sa mạc đứng sừng sững một toà thành cô độc.
Tường thành cao khoảng ba trượng, hàng năm bị gió cát tứ phía bào mòn, thân tường loang lổ, thỉnh thoảng, một cơn gió lớn thổi qua còn có thể làm rơi xuống vài mảnh ngói, cả toà thành lung lay như sắp đổ. Trên tháp canh dựng thẳng một lá cờ đã mục nát từ lâu, chỉ còn sót lại một thanh sắt trơ trọi đứng đó, cổng thành màu đồng hé mở một nửa, phía sau là vầng trăng tròn vừa lên. Ánh trăng lạnh lẽo chiếu rọi lên tháp canh của toà thành cũ kỹ, âm trầm đến đáng sợ. Xưa nay ta không tin chuyện quỷ thần nhưng vẫn không khỏi rùng mình.
Nơi đây âm khí rất nặng, là điềm chẳng lành, không nên ở lâu.
Ta vội vàng dắt lạc đà trở về, nhưng con lạc đà cứng đầu kia hết lần này tới lần khác muốn vào trong cổng thành, khi đang giằng co thì có tiếng hát từ trong thành truyền ra.
Tiếng ngâm xướng của cô gái như tuôn ra từ tro bụi, là một làn điệu trong trẻo cũ xưa của Mạc Bắc, cũng là khúc từ của Giang Nam, trong sự khoát đạt mang theo chút bi thương réo rắt của người con nơi phía nam sông Dương Tử.
Bài hát này ta rất quen thuộc, từ khi ta có trí nhớ đến nay, nó đã xuất hiện vô số lần trong những giấc mộng của ta, cũng là giai điệu du dương trầm bổng, bao la như vậy. Thật tương phản, hoang mạc và vùng sông nước hoà quyện với nhau hài hoà một cách kì lạ qua một điệu hát dân gian quỷ dị. Ta chỉ nghĩ đó là giai điệu mà vú nuôi dùng để dỗ ta ngủ từ tấm bé, vì ngâm nga quá nhiều nên ghi tạc vào đầu óc, nhưng không ngờ một đoạn khúc lạc lõng lại có xuất phát từ đây.
Như bị mê hoặc, ta mở cánh cổng thành già nua gỉ sét, bước chân vào toà thành cô độc đứng sừng sững giữa đại mạc trống rỗng.
Bên trong thành đã đổ nát từ lâu, tường đổ vách xiêu bị vùi lấp giữa cát vàng, vừa đụng vào liền vỡ thành muôn mảnh đất đá. Nơi duy nhất còn nguyên vẹn là toà tháp cao vững vàng đứng ở trung tâm, đỉnh tháp gần như sánh vai cùng vầng trăng to tròn vành vạnh, mơ hồ nhìn thấy một người mặc áo trắng đứng trên đỉnh tháp, giai điệu truyền từ miệng người nọ chính là khúc ca trong những giấc mộng của ta.
Ta chỉ cảm thấy hơi thở của mình vương đầy bụi bặm, bạch y của nàng đang phiêu động trên cao, nhưng lại không lây nhiễm chút cát bụi, giống như Hằng Nga sống trên Cung Trăng trong những câu chuyện cổ, khiến ta nhìn đến ngây dại.
Dường như phát hiện ta là một vị khách không mời mà đến, tiếng hát bỗng dưng im bặt, nữ tử đứng trên đỉnh tháp cất tiếng hỏi từ xa: “Vị công tử đây tên họ là chi, sao lại đến nơi tàn lụi này của tiểu nữ?”
Tiếng nói của nàng toả ra sự thanh lãnh bi ai hệt như giọng hát, dường như cả đời ta đều đang chờ đợi thanh âm này, không hiểu tại sao, nước mắt cứ thuận đà rơi xuống.
Nàng cười trêu: “Công tử thú vị thật, chẳng qua ta chỉ hỏi ngươi một câu, lại khiến ngươi sợ đến phát khóc thế ư?”
Khóc? Ta đưa tay sờ lên vành mắt của mình, chạm vào một giọt nước lạnh lẽo, ta thật sự đã khóc.
Bao nhiêu năm chưa từng rơi lệ, tại sao bây giờ lại khóc?
Ta vội lau khô nước mắt, chắp tay với nàng: “Tiểu sinh họ Bạch tên An Tầm, vốn là người Giang Nam, lỡ đi lạc vào bảo địa của cô nương, quấy rầy đến sự thanh tịnh của cô nương, mong cô nương chớ trách.”
“Bạch An Tầm, Bạch An Tầm…” Nàng lẩm bẩm tên của ta, từ trên tháp cao vài chục trượng đáp xuống, theo ánh trăng rơi vào trước mặt ta, cổ quái nhìn ta.
Mái tóc đen của nàng cơ hồ chạm đất, chỉ được cố định sau đầu bằng một dải lụa màu trắng, khuôn mặt trắng bệch như giấy, trên mặt không chút phấn son, làn váy thuần sắc trắng chập chờn kéo lê trên nền đất, trên người không nhiễm một tia tục khí phàm trần.
Chẳng lẽ thật sự là tiên nữ trên trời?
Nàng nhìn ta một lúc, sau đó hé miệng cười trộm, “Công tử họ Bạch, sao lại mặc một thân áo đen? Thật thú vị.” Một tiếng cười kia khiến biểu cảm trên khuôn mặt bi thương trở nên sinh động, dưới ánh trăng mờ ảo, đẹp tựa một bức tranh.
Mạc Bắc này ngoại trừ cát cũng chỉ có đất, chỉ có áo đen mới chịu được, nếu ta mặc một thân bạch y như nàng, sợ không tới nửa ngày đã bị nhuộm thành màu đất vàng.
“Để cô nương chê cười.” Ta lúng túng lui về phía sau nửa bước vái chào, “Không biết quý danh của cô nương?”
Nàng khoanh tay suy nghĩ hồi lâu, ra vẻ đăm chiêu: “Ta ở nơi tồi tàn này đã lâu, tên cũng quên mất, Bạch công tử cứ gọi ta A Quỷ là được, công tử, ta cũng gọi ngươi là An Tầm, thế nào?”
“Chỉ cần cô nương không ngại là được.”
A Quỷ, A Quỷ.
Trên đời này sao lại có cái tên kỳ lạ như vậy.
Cô nương này thật đúng là quỷ dị, một thân một mình sống ở nơi thành hoang thế này, tang thương như thể đã trải qua mọi thăng trầm của cuộc đời, nhưng lại không chút đề phòng kẻ khác, giống như một tiểu cô nương vừa bước chân ra đời.
A Quỷ nói ta đi theo nàng cùng tìm chỗ ở, trên đường đi nàng lại hỏi ta: “An Tầm là người Giang Nam, sao lại chạy tới sa mạc chim không đẻ trứng này?”
“Chuyện này…” Ta do dự một chút, cuối cùng vẫn quyết định nói thật: “Cô nương chê cười, tiểu sinh đến đây thật ra là vì… đào hôn.”
“Đào hôn?” Không biết có phải do ta nhìn nhầm hay không, nhưng trong thoáng chốc, sắc mặt A Quỷ trở nên hung ác, “Tuổi của công tử không lớn, không ngờ đã đón dâu, đáng tiếc.”
“A Quỷ cô nương chớ nên hiểu lầm!” Ta không biết tại sao mình lại vội vàng giải thích như vậy, lời nói cứ vô thức bật ra, “Tiểu sinh không muốn cưới một cô gái chưa từng gặp mặt, cho nên mới trốn đi! Cha mẹ ta còn chưa kịp tới nhà cô nương kia, không tính là… không tính là lấy vợ!”
Gương mặt kia thay đổi quá nhanh, ta còn chưa kịp phản ứng, nàng lại lộ ra nụ cười như hoa đào, “Ta đã nói mà, An Tầm sao có thể là kẻ thay lòng đổi dạ kia được.”
Ta chỉ thấy oan uổng, tam thư lục lễ(3) còn chưa hạ ta đã trốn đi, nói thế nào cũng xem như không làm vị hôn thê chưa từng gặp mặt kia thất vọng, sao lại là người thay lòng đổi dạ? Người ta thân là một hoàng hoa khuê nữ trong sạch, nếu đi theo ta mới e là bất hạnh cả đời.
Càng đi vào trong thành âm khí càng nặng, trên người ta xiêm áo mỏng manh, lạnh đến phát run, không nhịn được hỏi: “A Quỷ cô nương, còn bao lâu mới đến? Tiểu sinh không quá câu nệ, tùy tiện tìm một nơi che gió che mưa để trú ngụ một đêm là đã thoả lòng rồi.”
A Quỷ kiễng chân yêu kiều xoay người, cười ranh mãnh: “An Tầm, chúng ta đến rồi.”
Cuối cùng đã đến.
Ta hắt hơi vì lạnh, ngẩng đầu nhìn lên.
Thì ra là trong cô thành này còn ẩn giấu một toà kiến trúc tráng lệ huy hoàng như vậy, cho dù bị cuồng phong trong đại mạc bào mòn nhiều năm, vẫn có thể mơ hồ thấy được nó đã từng trang nghiêm, giàu có và phồn hoa thế nào. Trên cổng có treo một tấm bảng đề hai chữ to, nhưng dưới tác động của nắng gió đã bị bong tróc hết, khó có thể đọc được là chữ gì.
Ở nơi hoang vu có thể tìm được một chỗ khác biệt thế này để nghỉ ngơi, đã có thể xem như chuyện mỹ mãn, huống chi, ta vờ như lơ đãng liếc mắt nhìn A Quỷ, còn có mỹ nhân bên cạnh, hành trình đến Mạc Bắc lần này cũng không chịu thiệt thòi.
Nhưng ngay khi vừa bước vào cửa, nhìn thấy đồ đạc bên trong, chân ta chợt mềm nhũn.
Không có gì khác ngoài một chiếc quan tài bằng gỗ.
“A, A Quỷ cô nương… Chẳng lẽ nàng ở nơi này?” Bắp chân ta run rẩy.
Thực sự không phải ta nhát gan, mà nửa đêm trong thành hoang, đột nhiên xuất hiện nữ tử và quan tài, càng nghĩ càng giống yêu ma chuyên câu dẫn nam nhân để hút dương khí trong các thoại bản. Mặc dù ta không phải là nam tử, nhưng ta rất sợ chết, chỉ sợ vị này không biết là yêu quái phương nào thẹn quá thành giận sẽ ăn tươi nuốt sống ta mất.
A Quỷ chưa từng để ý tới ta, từ lúc vừa bước vào, nàng chỉ toàn tâm toàn ý với chiếc quan tài nằm ở chính giữa kia. Nàng nằm vào quan tài, thở dài mãn nguyện, “Ngữ Lam, từ khi ngươi vứt bỏ ta, thoáng cái mà đã hơn hai trăm năm.”
“Đúng rồi.” Vẻ mặt A Quỷ không còn nét mềm mại yêu kiều động lòng người, nàng quay đầu nhìn về phía ta, từ đôi mắt chảy ra huyết lệ, làn da đẹp đẽ kia tróc ra từng mảng, đến cuối cùng chỉ còn lại một bộ xương trắng, hàm răng trắng nhởn dâng lên hàn quang trong đêm tối tăm: “Ta ở đây, Kha Ngữ Lam, ta đã ở đây chờ ngươi hai trăm năm.”
“Ngươi thật độc ác, vây hãm ta tại cô thành này những hai trăm năm mới chịu đến gặp ta.”
Nàng còn nói gì nữa, nhưng ta không còn nghe rõ, bởi vì lúc đó ta đã bị doạ ngất đi, mất hết ý thức.
– ————————
Tác giả có lời muốn nói:
Những điều muốn nói đều nằm trong văn án, đây là đoản văn, nên tự cho phép lòng yêu cái “ngược” của mình thoả sức bay cao. Tôi muốn thử xem tôi có thể viết ngược đến mức nào.
– ————————
(1) Trích bài thơ “Khúc hát Lương Châu” của Vương Hàn:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Tạm dịch nghĩa:
Rượu bồ đào rót ra chén ngọc
Toan uống, chợt nghe tiếng đàn giục lên ngựa
Nếu có say nằm giữa sa trường xin chớ cười
Xưa nay ra chiến trận mấy người trở về.
(2) Đập nồi dìm thuyền: quyết đánh đến cùng (dựa theo tích: Hạng Vũ đem quân đi đánh Cự Lộc, sau khi qua sông thì dìm hết thuyền, đập vỡ nồi niêu để binh sĩ thấy không có đường lui, phải quyết tâm đánh thắng)
(3) Tam thư lục lễ nghĩa nôm na là 3 bức thư 6 lễ mà nhà trai làm chủ.
Tam thư gồm Sính thư, Lễ thư và Nghênh thân thư. Đây là 3 lá thư nhà trai đưa sang nhà gái để đưa tin, xin báo và chuẩn bị dàn xếp các nghi thức.
Lục lễ là chỉ 6 lễ gồm:
Nạp thái: Lễ đặt vấn đề hôn nhân, dạm ngõ
Vấn danh: Lễ hỏi tên tuổi, thân thế
Nạp cát: Lễ tiếp nhận xem tuổi hai bên, đính hôn
Nạp chinh: Lễ nhận lễ vật
Thỉnh kỳ: Lễ định ngày cưới
Thân nghênh: Lễ rước dâu
Nhà trai phải làm đầy đủ thì khi nhà gái đã chấp thuận làm thông gia.