Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 5



Hãy để tôi được bắt đầu bằng vài nét miêu tả về mái tóc của cô ấy – bởi vì, quả thực, không thể bắt đầu bằng bất cứ điều gì khác được. Mái tóc của cô giống như những chùm nho Tartarus(12) mọc trong đêm, vươn lên từ một nơi tối tăm đến nỗi ánh sáng mặt trời chỉ là lời đồn thổi. Nó mọc lan ra khắp nơi, những lọn quăn đen rủ xuống quyến rũ tới mức trông chúng như thể sẵn sàng nuốt chửng tay bạn nếu bạn may mắn được lướt những ngón tay của mình qua vậy. Mái tóc của cô lạ lùng đến độ thậm chí giờ đây, sau rất nhiều năm, tôi vẫn phải ngồi chế ra những ẩn dụ vớ vẩn này đây, việc tôi biết sẽ làm mình phải tiếc thương mỗi sáng.

Đôi mắt của cô cũng sắp làm tôi cảm thấy lúng túng. Nó cháy bùng như trái tim xanh lét của bao cặp tình nhân ghen tuông cứ buộc tội nhau mỗi khi đêm về. Không, tôi nhầm rồi, mắt cô không phải màu lục: nó màu xanh nước biển. Những con sóng đại dương cuộn lên trong tròng mắt cô, như một cơn bão bất ngờ ập đến, sẵn sàng cướp lấy viên thủy thủ khỏi người vợ của anh. Không, đợi chút… có thể mắt cô màu xanh lục: đôi mắt có khả năng thay đổi màu sắc tùy tâm trạng, có lẽ vậy, như những chiếc nhẫn cẩn đá quý công khai chuyển màu theo cảm xúc người đeo.

Cô xuất hiện tại khoa bỏng trong bộ áo dành cho người thăm bệnh màu xanh lá cây nhạt, với đôi mắt khó hiểu cùng mớ tóc rối tinh rối mù, và tôi đợi một cử chỉ há hốc miệng quen thuộc của bất cứ ai mới nhìn thấy tôi lần đầu. Tôi đợi cô lấy tay che miệng vì sốc và kinh hãi. Cô làm tôi thất vọng khi chỉ nở nụ cười:

“Anh bị bỏng. Một lần nữa.”

Thông thường tôi luôn tuân theo quy tắc không đáp lại bất cứ câu nói kỳ quái nào của người lạ. Nhưng, thành thực mà nói, trong trường hợp này sự im lặng của tôi xuất phát từ việc tôi không muốn cô nghe cái giọng vịt đực như toilet vỡ của tôi. Cổ họng tôi đang lành lại, nhưng tai tôi (bên còn nghe được) vẫn chưa quen với chất giọng thảm hại hiện tại. Tôi chỉ muốn cô nghe được giọng nói trước đây của mình, giọng nói có thể dụ dỗ phụ nữ lên giường.

Trước sự im lặng của tôi, cô nhắc lại. “Đây là lần thứ ba anh bị bỏng.”

Tôi thu hết can đảm và chỉnh cô. “Mới một lần thôi.”

Một thoáng bối rối hiện ra trên mặt cô. “Có lẽ anh không còn là mình nữa.”

Cô tiến lại giường tôi, mắt không ngừng xoáy sâu vào mắt tôi, kéo chặt những tấm rèm nhựa dày mắc xung quanh chúng tôi để đảm bảo cuộc nói chuyện được riêng tư. Cô rướn người về trước, cách tôi có vài phân, chăm chú nhìn vào mặt tôi. Chưa có bất cứ ai nhìn tôi kiểu ấy, trước vụ bỏng cũng vậy và hiển nhiên là kể từ sau đó thì càng không. Mắt cô, lấp lánh lúc xanh lục, lúc xanh biển, có những quầng thâm đen phía dưới, như thể cô chưa ngủ cả tuần liền rồi. Khi môi cô gần như chạm vào môi tôi, cô thì thầm một từ. “Engelthal.”

Không nghi ngờ gì nữa, thưa bạn đọc, bạn hẳn đã có lúc nào đó trong đời mặt đối mặt với một người điên chứ. Bạn có thể cảm nhận được sự điên rồ ngay lập tức, thường thì ngay trước khi đối phương có cơ hội nói được gì, nhưng cái câu rất vô nghĩa này cứ bám chặt lấy tôi. Gặp một người điên thì chẳng có gì đáng nói cả, vì cả thế giới đều sống chung với họ; cái thu hút tính hiếu kỳ của tôi là phản ứng của chính bản thân kia. Thông thường với mỗi cuộc gặp gỡ như vậy, bạn chỉ muốn tránh ra xa. Nếu đang đi trên phố, bạn sẽ nhìn vội sang chỗ khác rồi rảo bước nhanh hơn, nhưng ở phòng điều trị bỏng cách duy nhất tôi có thể làm là rung chuông gọi y tá. Nhưng tôi đã không làm thế. Phản ứng duy nhất của tôi trước tình huống có thể rất nguy hiểm này là không phản ứng gì cả. Vậy ai điên hơn, người phụ nữ tóc tai rối bù hay là tôi?

Cô lùi lại một bước. “Anh không nhớ gì cả.”

“Phải.” Cho dù điều cô nghĩ lẽ ra tôi phải nhớ có là gì đi nữa thì cũng rõ như ban ngày là tôi không nhớ gì hết.

“Thế càng thú vị,” cô nói. “Anh có biết họ đang cố đầu độc những trái tim của tôi không?”

“Không,” tôi lại trả lời, nhưng cảm thấy hứng thú với điều mà một nhận xét vu vơ có thể dẫn đến. “Họ làm thế à?”

“Phải, tôi không thể để họ làm thế, vì tôi cần phải sám hối hết tội lỗi đã.” Cô nhìn quanh, như thể lo lắng không biết mình có bị nghe trộm không. “Lần này làm sao mà anh bị bỏng?”

Tôi đã có thể nói nhiều câu ngắn một lúc, miễn là nhớ dừng lại để thở, nên tôi kể cho cô nghe qua vài chi tiết về vụ tai nạn của mình – khi nào, ở đâu, thế nào, đã bao lâu rồi. Rồi tôi hỏi tên cô.

“Anh biết tên tôi mà.” Cô cứ đưa tay lên ngực mình như thể mong đợi sẽ tìm thấy gì ở đó, một thứ hiển nhiên đã mất. Động tác của cô làm tôi nhớ đến cách tôi vẫn luôn chà vết bớt bẩm sinh trên ngực mình.

“Cô đang làm gì đấy?” tôi hỏi.

“Họ lấy mất cái vòng cổ của tôi rồi. Họ nói nó có thể được dùng để làm hại ai đó,” cô trả lời. “Một bé gái mới chết.”

Tôi nghĩ tới Thérèse. “Làm sao cô biết?”

“Ồ, tôi biết một chút về người chết” – cô cười – “nhưng tôi nghĩ chúng ta khá may mắn.”

“May mắn thế nào?”

“Chúng ta đã sống lâu hơn một cô bé bảy tuổi. Chúng ta đã sống lâu hơn cô ấy một trăm lần.”

“Cô đang nói cái gì đấy?”

“Tôi có một con chó tên là Bougatsa.” Những ngón tay của cô, giờ đang đặt trên mạng sườn, giật liên hồi. “Nó sẽ rất thích anh.”

“Tôi không thích chó.”

“Anh sẽ thích thôi.”

“Chúng không thích tôi.”

“Ồ. Vì anh quá cố chấp và xấu tính, phải không?”

Có phải cô ấy đang móc máy một nạn nhân bỏng thật không?

“Cái tên ấy có nghĩa là gì?” tôi hỏi. “Bougatsa ấy.”

“Đấy là phần nhân trong bánh ngọt kiểu Hy Lạp, và con chó của tôi có màu y như thế. Có lẽ tôi sẽ mang nó đến thăm anh.”

“Chó không được phép vào đây.” Thở dốc. “Thậm chí cả hoa cũng có thể giết tôi.”

“Ha! Đừng nghĩ tôi là đứa ngốc. Anh biết rõ mình sợ những thứ kinh khủng hơn chó đấy.” Cô nhẹ nhàng đặt tay lên ngực tôi, thật dịu dàng. Tôi rùng mình, không chỉ vì sự đụng chạm và còn vì ánh sáng lóe lên trong mắt cô. “Anh rất muốn tự kết liễu bản thân và tôi không thể buộc mình trách anh được. Nhưng sẽ có một thời khắc, một nơi nào đó cho những chuyện như thế, chỉ có điều không phải tại đây và vào lúc này.”

Sao cô lại nói những điều như thế? Tôi thấy cần phải thay đổi chủ đề. “Cô trông rất ổn so với một người bảy trăm tuổi đấy.”

“Anh thì không,” cô nói, nhìn xuống khắp người tôi. Đây là lần đầu tiên có ai đó đùa cợt về những vết bỏng của tôi. “Thế, anh nghĩ tôi nên làm gì với những trái tim của mình?”

“Tôi nghĩ…” Tôi dừng lại một chút, để làm cô nghĩ mình đang rất cẩn thận suy xét vấn đề, trong khi thực tình tôi chỉ chuẩn bị cho độ dài của câu nói sắp tới mà thôi. “Tôi nghĩ cô nên trao nó cho những người chủ xứng đáng.”

Mắt cô mở to, như thể tôi vừa tra chìa vào một ổ khóa bí mật, và tôi băn khoăn không biết mình có ấn nhầm nút vào phòng bệnh tâm thần không. Nhưng, rất nhanh chóng, nét mặt hân hoan của cô được thay thế bằng sự hoài nghi. Cô đi tới một góc giường của tôi, đứng nói gì đó bằng một ngôn ngữ khác. “Jube, Domine benedicere.” (13) Tiếng Latin? Theo sau là một cuộc trò chuyện ngắn, cô nói chuyện với hư không, bằng thứ ngôn ngữ tôi không thể hiểu, chờ những lời đáp tôi không thể nghe thấy. Sau khi cuộc nói chuyện tưởng tượng thứ nhất kết thúc, cô cúi rạp đầu rồi đi ra góc giường thứ hai và lặp lại bài biểu diễn. Và rồi, góc thứ ba. Cô kết thúc mỗi cuộc nói chuyện theo đúng cách đã bắt đầu – “Jube, Domine benedicere.” – rồi cô quay trở lại vị trí ban đầu, không còn gợn chút hoài nghi.

“Ba Vị Chủ Nhân của tôi khẳng định đó thực sự là anh. Vì anh tôi sẽ cố gắng hoàn thiện trái tim cuối cùng của mình.”

Câu nói này rõ ràng đã làm dâng trào cảm xúc trong cô. Cô trông như sắp khóc khi nói, “Tôi đã chờ anh quá lâu rồi.”

Ngay lúc ấy, Beth đến kéo rèm ra. Cô có vẻ sốc khi thấy tôi có khách đến thăm sau rất nhiều tuần trơ trọi, nhưng sự sửng sốt của cô nhanh chóng chuyển thành lo ngại khi cô nhận thấy tia nhìn sung sướng đầy điên dại ánh lên trong mắt người phụ nữ đến thăm. Sau đó Beth phát hiện ra tuy vị khách của tôi mặc đồng phục nhưng đó không phải tông xanh lá dành cho khách đến thăm mà là sắc xanh nhạt hơn dành cho bệnh nhân, và rằng người phụ nữ kia đang đeo một cái vòng màu có mã số dành cho bệnh nhân tâm thần. Beth, chuyên nghiệp như thường ngày, không va chạm trực tiếp với khách của tôi mà nói rằng cô từ chối để tôi ở một mình với người đó. Cô gọi ngay một tay hộ lý đến để “hộ tống” người phụ nữ trở lại khoa tâm thần.

Tôi chẳng cảm thấy sợ hãi gì hết và, thực sự, có chút hoang dại thổi vào bầu không khí khô khốc đến ngột ngạt này kể cũng hay. Trong vài phút ngắn ngủi trước khi tay hộ lý tới, người phụ nữ và tôi tiếp tục nói chuyện, một cách nhẹ nhàng, trong khi Beth đứng ở góc xa nhìn cả hai với ánh mắt cảnh giác. Người khách của tôi nói thầm để không bị nghe lỏm. “Chúng ta có chung một người quen.”

“Tôi nghi ngờ chuyện đó đấy.”

“Anh chỉ mới gặp bà ấy một lần, trong đám đông. Bà ấy không nói được,” cô nói, rướn lại gần tôi hơn, “nhưng bà ấy cho anh một manh mối.”

“Một manh mối?”

“”Cháu chưa bao giờ băn khoăn vết sẹo của mình thực sự từ đâu mà có ư?””

Người khách đặt tay lên ngực mình và tôi nghĩ cô chuẩn bị chỉ vị trí vết sẹo trên người tôi, nhưng cô chỉ tìm kiếm vô vọng chiếc vòng cổ bị thất lạc của mình mà thôi.

Làm sao người phụ nữ này có thể đoán chính xác những từ trong mảnh giấy được trao cho tôi tại buổi biểu diễn tàu lượn? Tuy nhiên, tôi là một người rất lý trí – đây chỉ là một sự trùng hợp kỳ lạ, không hơn không kém. Để chứng minh điều đó, tôi cố đánh lạc hướng cô một chút: “Cả người tôi đã là một vết sẹo rồi.”

“Không phải những vết bỏng của anh. Mà là vết sẹo bẩm sinh, nằm trên trái tim anh ấy.”

Ngay lúc ấy, tay hộ lý xuất hiện và bắt đầu công đoạn thuyết phục người phụ nữ rời đi. Beth cũng giúp một tay, lấy thân hình mình đẩy người phụ nữ ra phía cửa.

Giọng tôi vẫn chưa được khỏe nhưng tôi cố cao giọng hết mức. “Làm sao cô biết?”

Người phụ nữ quay lại phía tôi, mặc kệ những cánh tay đang kéo khuỷu tay mình. “Vấn đề của những người như chúng ta là chúng ta không chết một cách đúng nghĩa.”

Chỉ được đến thế, người bảo vệ đã kéo cô ra khỏi phòng.

Luôn có lời giải thích logic cho tất cả mọi chuyện; vì thế, cũng có một lời giải thích logic vì sao người phụ nữ ấy biết chuyện vết sẹo của tôi.

Lời giải thích thứ nhất: chó ngáp phải ruồi.

Lời giải thích thứ hai: một trò đùa do bạn tôi bày ra, ai đó nghĩ việc cử một diễn viên đóng vai người phụ nữ tâm thần có chút hiểu biết về cuộc đời tôi đến là một trò thú vị lắm. Vấn đề của giả thiết này là tôi chưa bao giờ kể cho bất cứ người bạn nào về người phụ nữ châu Á gặp tại trường bay, và tôi cũng chẳng còn đứa bạn nào để trêu chọc mình cả.

Lời giải thích thứ ba: người phụ nữ này thích các bộ phim khiêu dâm tôi đóng và biết về vết sẹo trên ngực tôi. Nó hiện rõ trên phim, vì tôi chẳng bao giờ buồn bôi phấn che cả. (Thêm vào đó thể loại phim ảnh của tôi tốn hơi nhiều mồ hôi.) Chỉ có điều tôi được đăng ký nhập viện với tên thật chứ không phải nghệ danh, và với bộ dạng hiện tại của tôi thì cô không thể nhận ra con người tôi trước đây được.

Lời giải thích cuối cùng: người phụ nữ này yêu những bộ phim khiêu dâm tôi đóng, và đã lần theo dấu vết công ty sản xuất đã ngừng hoạt động của tôi. Một kẻ nào đó, có thể là lão luật sư chết tiệt của tôi, đã cho cô biết về vụ tai nạn của tôi và chỉ cho cô đường đến khoa bỏng.

Nhưng nếu cô là một fan cuồng nhiệt, sao cô không nói gì đến nghề trước kia của tôi? Và nếu cô đến để tìm người diễn viên mình từng thấy trước đây, làm sao cô có thể tỏ ra hài lòng đến thế khi nhìn thấy con người mới của tôi?

Và, cuối cùng là, dù hầu hết hành vi của người phụ nữ ấy đều rất kỳ cục, nhưng chắc chắn không có biểu hiện gì của một kẻ nghiện phim khiêu dâm loại nặng cả. Tin tôi đi, đời tôi đã gặp đủ bọn biến thái để có thể chỉ ngay ra một tên giữa đám đông rồi.

Tôi nghĩ mình sẽ hỏi lại khi cô đến gặp tôi lần nữa, vì không hiểu sao tôi linh cảm cô sẽ lại tới. Khi tôi nói với mấy cô y tá là tôi hoan nghênh bất cứ cuộc gặp gỡ sắp tới nào với nữ bệnh nhân tâm thần đó, họ đều nở một nụ cười lạ lẫm với tôi. Hẳn họ cho rằng thật đáng buồn khi tôi lại trông đợi cuộc viếng thăm của một phụ nữ tâm thần. Nhưng điều đó chẳng cản trở được tôi, và tôi thậm chí còn nhờ Beth hỏi hộ tên người ấy. Cô từ chối luôn, thế là tôi nhờ Connie. Cô cũng nói việc tiết lộ tên tuổi một bệnh nhân khác là trái với nội quy bệnh viện. Trước tình hình đó, tôi bảo với Connie là cô sẽ “rất, rất xấu” nếu không chịu giúp tôi hỏi tên của người duy nhất đã đến thăm tôi sau một thời gian dài như thế. Và vì mong muốn được làm người tốt hơn bất cứ điều gì trên đời, Connie nhanh chóng quay trở lại kèm theo thông tin mà tôi yêu cầu.

Tên người phụ nữ đó là Marianne Engel.

Tôi cao hơn so với trước vụ tai nạn. Vụ cháy đã làm tôi khô quắt lại như miếng thịt bò khô trong suốt đợt trị liệu. Tôi đã từng thanh thoát và đẹp đẽ như một cậu bé Hy Lạp ở thế kỷ thứ ba, với cặp mông căng tròn như hai nửa quả dưa chín mọng mà những doanh nhân Nhật Bản phải trả một khoản kha khá để vuốt ve. Da tôi mềm mại và sạch tinh như sữa chua chưa đánh, bụng tôi được chia thành từng múi đối xứng, còn đôi cánh tay vạm vỡ mà rất mượt mà. Nhưng khuôn mặt tôi mới chính là vàng mười. Tôi sở hữu đôi gò má xuất hiện trong những giấc mơ của nhà thơ Pháp Verlaine. Mắt tôi đen và sâu thẳm đến nỗi một đoàn thám hiểm hang động nhỏ phải dành cả ngày mới tham quan hết. Một người đồng tính từng nói với tôi anh ta biết bao khao khát được nhẹ nhàng đặt của quý thâm sì của mình vào môi dưới tôi. Tôi đã cười anh ta nhưng trong lòng thì lén lút xem đó là một lời khen tuyệt vời.

Kể từ sau vụ tai nạn, tôi đã cố gắng từ bỏ sự tự mãn của mình, nhưng nội tâm vẫn còn đấu tranh rất dữ dội. Tôi nhớ quá khứ, nhớ khi khuôn mặt tôi thật hoàn hảo, và khi cơn gió nhẹ hất tóc tôi lên làm nó trông như phần lông dưới mềm mại của cánh chim. Tôi nhớ lúc phụ nữ đi trên đường quay lại cười với tôi, tự hỏi sẽ tuyệt diệu đến thế nào nếu được sở hữu vẻ đẹp của tôi dù chỉ trong giây phút lóe sáng ngắn ngủi.

Nếu có thể chấp nhận bài miêu tả về một con quái vật là tôi bây giờ đây, bạn cũng nên chấp nhận bài miêu tả về một mỹ nam là tôi trong quá khứ. Và từ khi gặp Marianne Engel, tôi cảm nhận sự mất mát – đặc biệt tại khoảng trống giữa hai chân mình – càng thêm sâu sắc.

Phòng tôi lại vinh dự đón cô mười ngày sau đó, cô mặc chiếc áo choàng trông có vẻ là một trong những bộ trang phục được cắt may đẹp nhất thời Trung cổ. Không phải tôi đang kể chuyện cho vui với các bạn đâu; cô đã mặc cái thứ ấy thực đấy. Chiếc mũ trùm đầu lơ lửng trên mặt, đôi mắt sáng như những viên ngọc bích lấp lánh trong mỏ. Cô đặt một ngón tay lên môi, dặn tôi giữ im lặng, và lén lút đi tới bên giường. Tôi muốn cười phá lên nhưng nhận ra với cô, đây là một vấn đề nghiêm túc. Ngay khi đến bên cạnh tôi, cô kéo luôn rèm cửa để chúng tôi có thể, một lần nữa, có được sự riêng tư. Cô lẽ ra chẳng cần phải lo lắng quá, vì trong phòng chỉ có mỗi hai bệnh nhân khác thôi mà một người đã ra khỏi phòng để luyện tập phục hồi chức năng còn người kia thì đã ngáy khò khò rồi.

Phía sau hàng rào nhựa ấy, cô cảm thấy đủ an toàn để kéo mũ trùm đầu ra sau – một chút, không kéo hết – và tôi có thể thấy những quầng thâm dưới mắt cô đã biến mất. Cô trông tỉnh táo hơn trong lần gặp đầu tiên của chúng tôi nhiều, và có mùi thuốc lá rất đậm trên người cô. Tôi băn khoăn không biết có phải cô đã chôm chỉa từ người y tá nào không hay chỉ là họ lờ đi không xét nét cô. Do một lần nữa cô không mặc đồng phục chuẩn dành cho khách thăm bệnh, tôi ngờ rằng họ không biết tí gì về chuyện cô vào đây. Cô cứ đặt tay ở góc mũ suốt, như thể sẵn sàng kéo nó ra sau ngay lập tức.

“Tôi không muốn họ biết tôi đang ở đây.”

“Các bác sĩ ấy hả?”

Marianne Engel gật đầu. Tôi nói với cô rằng cô không có gì phải sợ, họ đều là người tốt.

“Anh không biết mấy về các bác sĩ đâu.” Cô thọc tay vào cổ áo rồi kéo một sợi dây da treo lủng lẳng cái đầu mũi tên ra. “Nhìn này, tôi đã lấy lại được vòng cổ của mình rồi.” Cô nhấc chiếc vòng qua đầu rồi chìa ra, phía trên ngực tôi, để cho đầu mũi tên đung đưa như một cái bùa ma thuật đang tìm kiếm trái tim tôi. “Cho phép tôi nhé?”

Tôi không biết cô muốn gì nhưng vẫn gật đầu.

Marianne Engel hạ thấp tay xuống, thả lỏng sợi dây da để đầu mũi tên chạm vào ngực tôi. “Cảm thấy thế nào?”

“Như thể nó thuộc về nơi đó vậy.”

“Chắc chắn rồi.”

“Sao cô biết về vết sẹo trên ngực tôi?”

“Đừng vội. Giải thích những chuyện như thế cần có thời gian.” Cô nhấc sợi dây chuyền khỏi ngực tôi và đeo lại vào cổ mình. “Còn bây giờ, tôi kể anh nghe câu chuyện về một con rồng nhé.”

“Ngày xửa ngày xưa, có một con rồng tên là La Gargouille sống ở Pháp, bên dòng sông Seine. La Gargouille là một con rồng bình thường như bất cứ con rồng nào khác với vảy màu xanh, cổ dài, bộ móng vuốt sắc nhọn và đôi cánh nhỏ tưởng không hỗ trợ mấy cho việc bay nhảy nhưng hóa ra cũng có ích. Như hầu hết các con rồng khác, nó có thể thở ra lửa, phun ra hàng lít nước, xé toạc những thân cây to lớn bằng móng vuốt của mình.

“Cư dân của thành phố gần đó, Rouen, căm ghét con rồng và luôn sống trong sợ hãi. Nhưng họ có thể làm gì? Nó mạnh hơn họ rất nhiều, thế là mỗi năm họ phải nộp một vật cúng tế với hy vọng xoa dịu nó. La Gargouille thích các trinh nữ, thói quen cố hữu của loài rồng, nhưng dân làng lại có xu hướng cống nạp bọn tội phạm. Bất luận thế nào, việc con người bị ăn thịt nhìn chung là một chuyện rất khủng khiếp.

“Chuyện này kéo dài hàng thập kỷ. Cuối cùng, khoảng những năm 600 sau Công nguyên, một linh mục tên là Romanus đặt chân lên thành phố này. Ông đã nghe kể về con rồng và muốn thử khuất phục con quái thú. Romanus đề nghị, nếu mọi người đồng ý xây một nhà thờ, và nếu dân làng chịu làm lễ rửa tội, ông ta sẽ tiêu diệt con rồng. Dân làng, tất nhiên chẳng ngốc nghếch gì, nhận ra ngay đây là một món hời. Họ có mất mát gì đâu, trừ một con rồng?

“Thế là Romanus đi tới bờ sông Seine, mang theo một quả chuông, một quyển Kinh Thánh, một cây nến và một chiếc thập tự giá. Ông ta thắp nến, cắm xuống đất, mở quyển Kinh Thánh ra rồi lớn tiếng gọi La Gargouille. Con ác thú trồi ra từ trong hang chẳng chút ngần ngại; xét cho cùng, nó là một con rồng, việc quái gì nó lại phải sợ một con người tầm thường chứ? Gì thì gì, một vị khách như thế với nó cũng chẳng hơn gì một bữa thịt tươi.

“Ngay khi con rồng xuất hiện, Romanus liền rung chuông – như một lời báo tử – và bắt đầu đọc to những lời răn của Chúa.

“Con rồng khịt ra những bụm khói nhỏ khi nghe thấy tiếng đọc kinh, như thể chuyện đó làm nó khoái chí lắm, cho đến khi nó nhận ra mình không thể phun lửa tùy thích được nữa. Phổi nó đau rát rồi sau một thoáng bắt đầu xẹp xuống, chẳng còn tí hơi nào.

“Nhận ra mình không thể tiêu diệt vị mục sư bằng lửa nữa, La Gargouille phóng vụt tới chỗ ông. Romanus nhấc thập tự giá lên và mạnh mẽ giơ ra trước mặt con quái thú, làm nó không thể tiến thêm được bước nào nữa, như thể có một bàn tay vô hình đang đẩy nó lại phía sau. Dù con vật có xoay chuyển thế nào đi nữa, Romanus cứ lặp đi lặp lại hành động đó, và La Gargouille không thể tiến lại gần người đang tra tấn nó chút nào. Một tay cầm thập tự giá và một tay ôm quyển Kinh Thánh, Romanus tiếp tục đọc kinh với một niềm tin thuần khiết; mỗi tiết như một mũi tên xuyên sâu xuống lớp vảy rồng, và mỗi chương như một ngọn giáo cắm phập vào mạng sườn của nó.

“Cả đời La Gargouille chưa bao giờ phải chịu những chuyện như thế này, nó bắt đầu thoái lui. Nó nhìn khắp trái phải nhưng Romanus đã dùng cây thập tự giá đẩy nó về phía sau. Một khi con rồng đã bị kẹt cứng trong hang động của nó, vị linh mục tiếp tục đọc kinh không ngừng nghỉ cho tới khi con rồng khuỵu xuống đầu hàng. Mọi việc chỉ kết thúc khi Romanus gập cuốn Kinh Thánh lại và thổi tắt ngọn nến; nghi thức đã hoàn thành và con quái thú đã bị thuần hóa.

“Không còn chút ý chí chiến đấu nào, La Gargouille cúi đầu chấp nhận để Romanus choàng chiếc áo tế của ông quanh cổ nó. Sau đó vị mục sư dùng cây thập tự giá thắt nút dây trói thật chặt, rồi dẫn con rồng thất trận quay trở về thành phố.

“Cách duy nhất để giết chết một con rồng là trói nó vào cọc rồi đem đi thiêu sống, tất cả mọi người đều biết chuyện đó, và thế là mọi thứ được tiến hành. La Gargouille rú lên đau đớn, nhưng đối với dân làng âm thanh ghê rợn đó nghe như một thứ nhạc ngọt ngào. Tiếng gào thét vang mãi không ngừng vì đầu và cổ của La Gargouille không chịu cháy rụi – khả năng khạc ra lửa của loài rồng đã tôi luyện cho những vùng đó sức mạnh chống lại sự tàn phá của lửa. Nhưng cuối cùng thì con quái vật cũng chết, và dân làng đã thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp của họ.

“Người dân thị trấn rất chính trực và họ đã thực hiện đầy đủ bản giao kèo. Tất cả mọi người đều đồng ý làm lễ rửa tội, và họ dựng một nhà thờ. Cái đầu không bị cháy rụi của La Gargouille được treo trên mái và, trong hàng bao thế kỷ tới, sẽ được dùng làm nguyên mẫu cho các loại chimera(14) và gargoyle.”

Marianne Engel hoàn toàn chìm đắm trong câu chuyện của mình, cho tôi cơ hội quan sát cô kỹ lưỡng hơn. Mắt cô, hôm nay có màu xanh nước biển, đã thôi đảo quanh cảnh giác với các bác sĩ. Cô nhìn tôi chằm chằm, trực diện, đến mức tôi cảm thấy ngượng. Ánh nhìn đầy nhục cảm và khiêu khích.

Cô không phải kiểu phụ nữ bạn có thể liệt vào hạng vẻ đẹp cổ điển. Răng cô hơi nhỏ so với miệng, nhưng tôi luôn thấy những người có hàm răng nhỏ khá quyến rũ. Tôi nghĩ lông mày cô hơi quá rậm rạp so với gu của một số đàn ông nhưng, nói thật nhé, bọn ấy là một lũ ngu. Điểm đáng bàn duy nhất trên khuôn mặt cô là cái mũi, không quá to, tôi phải nhắc các bạn, nhưng chắc chắn không được gọi là thanh thoát. Một chỗ gồ trên sống mũi cho thấy hồi xưa cô từng bị gãy mũi, nhưng tôi nghĩ nó làm cô trông khá cá tính. Người ta có thể kiện rằng lỗ mũi cô trông hơi tẹt, nhưng bất kỳ vị quan tòa sáng suốt nào cũng ném vụ kiện ấy ra khỏi tòa thôi.

Da cô xanh xao, như thể bị cớm nắng. Cô có vẻ gầy, dù chiếc áo choàng của cô làm người ta khó phán đoán được đường nét cơ thể. Cô cao hơn hầu hết phụ nữ khác, nhưng không cao đến mức quá khổ. Khá cao, bạn có thể nói vậy. Cô bao nhiêu tuổi? Rất khó nói chính xác, nhưng chắc gần bốn mươi.

Rất lâu sau khi cô ngừng nói, tôi mới nhận ra mình vẫn tiếp tục nhìn cô chăm chú và cô mỉm cười đáp lại, không có vẻ khó chịu mà khá hài lòng. Tôi thốt ra điều đầu tiên xẹt qua óc. “Cô vừa bịa chuyện đấy à?”

“Không, đó là một truyền thuyết lâu đời.” Cô cười vang. “Tôi không có năng khiếu sáng tác truyện, nhưng tôi nắm khá vững lịch sử đấy. Ví dụ, anh có biết Jeanne d”Arc bị thiêu sống ở Rouen và tro của bà ấy bị ném xuống sông Seine không?”

“Không, tôi không biết.”

“Suy nghĩ rằng cơ thể bà ấy vẫn là một phần của dòng nước ấy đã giúp tôi thấy thanh thản.”

Chúng tôi còn nói nhiều nữa, về khối chuyện. Rồi bác sĩ Edwards, tôi có thể nhận ra tiếng bước chân, bước vào phòng theo lịch trực thường ngày và kéo rèm ra.

“Ồ,” bà nói, bất ngờ khi thấy một vị khách. “Tôi có làm phiền không?”

Marianne Engel kéo cái mũ trùm đầu lại rồi đứng bật dậy, suýt thì vướng vào tấm rèm nhựa khi vội vã đi qua bác sĩ Edwards. Trên lối ra, cô còn ngoái lại nhìn tôi khẩn khoản, “Đừng nói với ai nhé.”

Những ngày sau cuộc viếng thăm của Marianne Engel, Nan bắt đầu dùng một con dao lóc da bằng điện để “thu hoạch” phần da nguyên lành của tôi và ghép sang vết thương. Bà nói với tôi đây là một bước tiến trong quá trình điều trị, nhưng trông chẳng có vẻ gì như thế cả. Vùng da khỏe mạnh vẫn còn những dây thần kinh đang hoạt động, nên mỗi đợt thu hoạch đúng là đã lóc sạch da trên người tôi, để lại phía sau những vết thương hở miệng. Mất khoảng hai tuần để mỗi bộ phận bị lóc da hồi phục trước khi quá trình lặp lại. Vết thương của tôi lên da non chỉ để lại bị lóc đi lần nữa. Tôi là một trang trại hạ bì, còn con dao lóc da bằng điện là cái máy đập lúa.

Sau mỗi đợt thu hoạch, tôi được bôi đầy kem và quấn trong những lần băng mỏng. Vài ngày sau, một trong những cô y tá, thường là Beth, sẽ thay băng lần đầu tiên sau mỗi đợt điều trị. Nan sẽ đứng cạnh kiểm tra tỷ lệ da ghép thành công – “tỷ lệ da ghép bám sống” – ước lượng tương đối để tính toán xem quy trình thành công hay thất bại. Tỷ lệ da ghép bám sống khoảng tám lăm phần trăm được coi là tốt; bất cứ tỷ lệ nào dưới mức này đều làm Nan cau mày tặc lưỡi. Dưới sáu mươi phần trăm có nghĩa là bà sẽ phải làm thêm một công đoạn cấy ghép nữa.

Ngay cả khi lớp da ghép sống được, sự thiếu hụt tuyến bã nhờn làm phần mô mới cấy luôn trong tình trạng thiếu độ ẩm nghiêm trọng. “Kiến bò dưới da” là một sáo ngữ không những không lột tả được cảm giác, mà còn thiếu tính tượng hình nữa. Bầy mối ăn gỗ vung vẩy cái cưa xích bé tẹo, có lẽ thế; hay lũ cáy khoác chiếc áo lông lá và đi giày bằng sợi thủy tinh; hoặc một quân đoàn chuột con kéo những cái cày nhỏ xíu bằng dây kẽm gai. Đàn gián dưới lớp biểu bì đi giày đá bóng và đeo đinh thúc ngựa của cao bồi nhảy điệu clacket? Có lẽ.

Tôi đêm ngày mong đợi Marianne Engel xuất hiện trở lại.

Tôi nghĩ về cô quá nhiều, và ý nghĩ ấy chiếm hết thời gian mà lẽ ra tôi đã dành để nuôi nỗi sợ bị cắt lọc hay lập kế hoạch tự tử. Khi bụng bắt đầu cảm thấy đau, tôi tự hỏi liệu mình có nhớ cô thật không, người phụ nữ tôi chỉ mới quen. Đây có phải là nhớ mong trông đợi? Tôi quả thật không biết, vì tôi chỉ có cảm giác thế này những khi đường dây ma túy trong thành phố trong tình trạng cháy hàng.

Hóa ra, cảm giác dấy lên trong dạ dày tôi không phải là nhớ nhung gì hết. Bộ ruột bị kích thích của tôi nhanh chóng chuyển từ điệu nhảy flamenco bốc lửa sang một cơn đau nóng rát. Ruột tôi trở nên cay nóng như tiêu ớt và tiếng phách gõ tanh tách trong hậu môn của tôi. Nan chọc tay vào bụng tôi hỏi xem tôi có đau không. Tôi nói với bà là chỗ đó đang diễn ra cuộc Nội chiến Tây Ban Nha chết giẫm. Rất nhanh chóng, vài bác sĩ khác nhảy vào phòng tôi, một hàng áo blu trắng làm tôi nhớ đến bài thơ Flanders Fields. Họ chiếu, chụp và lẩm bẩm gì đó đại loại như “Thật thú vị” và “Hừmmmm.” (Dù có gì thực sự thú vị đi nữa, một bác sĩ không bao giờ, không bao giờ, được phép nói “Thú vị” với lại “Hừmmm” trước mặt bệnh nhân cả.) Thật nhanh gọn, đám bác sĩ thích lẩm bẩm này xác định rằng tôi bị viêm tụy nặng, tình hình nguy kịch đến nỗi rất nhiều mô tụy của tôi đã chết.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.