Cô Gái Mang Trái Tim Đá

Chương 12



Không ai có thể quy kết tôi quá lãng mạn được, vì ngay sau khi Marianne Engel kể xong câu chuyện thì điều đầu tiên tôi thốt ra là: “Cô không thấy việc cả hai cùng chết vì bệnh dịch là quá bi thảm hả?”

Tôi sẽ để các bạn tự tưởng tượng tông giọng của cô khi cô nói không, cô không thấy câu chuyện tình yêu này “bi thảm” chút nào.

Sau khi cô đi, tôi ngồi phân tích câu chuyện này từ rất nhiều khía cạnh khác nhau. Nó thật viển vông: nước Ý thời Trung cổ, hy sinh, cống hiến và những chiếc nhẫn cưới được bắn xuyên qua Trái Tim Người Chồng Đích Thực Của Tâm Hồn. Theo logic, tôi đi tới kết luận là điểm cốt lõi của câu chuyện không phải ở việc đôi ấy chết vì căn bệnh hiểm nghèo mà ở chuyện có một điều sâu sắc nào đó trong hành động của Francesco. Tuy nhiên, nếu đang ở trong bếp nấu mì mà vợ bắt đầu rên la vì những cục u to bằng con voi của cô ấy, tôi sẽ phi ra cửa sau ngay tắp lự.

Suốt mất ngày trời, tôi đợi Marianne Engel quay lại, háo hức muốn thông báo với cô rằng sau khi suy nghĩ kỹ càng tôi nhận thấy Francesco cũng không phải một anh ngốc vô phương cứu chữa cho lắm. Tôi muốn cho cô thấy tôi đang phát triển với tư cách một con người, như mấy ông sính dùng thuật ngữ tâm lý học hay nói, vì cô cần được cập nhật thông tin về những sự phát triển này. Khi cô không đến, tôi băn khoăn không biết có phải cô đã bị gọi đi phục vụ bọn gargoyle hay do tôi đã làm cô cụt hứng với mấy câu nhận xét chẳng chút lãng mạn nào của mình. Và cái bộ não to bằng quả óc chó của tôi bắt đầu hoạt động lại: Cụt hứng quái gì? Làm sao tôi lại có thể cho phép bản thân, dù chỉ trong giây lát, nghĩ rằng chúng tôi là một đôi cơ chứ? DỞ HƠI.

Beth đến bên giường tôi mang theo một cái gói mà cô nói vừa được người đưa thư chuyển đến. Tôi xé toạc ra thì thấy một lời nhắn viết trên cuộn giấy da nâu. Chữ trông như được viết bằng bút lông ngỗng, từ hàng thế kỷ trước, bay bướm với thư pháp thất truyền từ lâu.

Người yêu dấu của tôi.

Tôi sẽ làm việc trong vài ngày tới.

Những linh hồn lại chế ngự tôi một lần nữa.

Gargoyle khao khát được chào đời.

Sớm gặp lại anh,

M.

Tôi thấy rất thanh thản vì không phải tại tôi đã làm gì không hợp ý nên cô mới không đến; lý do chỉ đơn giản là một đợt chạm khắc nữa.

Có một bộ phim truyền hình trên ti vi. Edwards lại bị mất trí nhớ lần nữa, còn cô chị gái biệt tăm biệt tích của Pamela đã quay trở lại sau chuyến đi từ thiện tại châu Phi. Tôi đẩy quả bóng lên tấm ván. Tôi nhìn khuôn mặt phản chiếu của mình trên lớp bạc lăn đi. Tôi đạp chân. Thêm nhiều lớp da nữa được thu hoạch. Morphine tiếp tục nhỏ từng giọt một. Con rắn tiếp tục liếm đáy sọ tôi. TA ĐANG TỚI ĐÂY VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ CẢN ĐƯỢC ĐÂU. Và còn nữa: THẰNG ĐỂU, ĐỒ THUA CUỘC, ĐỒ HAY THAN VÃN, THẰNG NGHIỆN, QUỶ SỨ, QUÁI VẬT, ÁC MA, ĐỒ KHỐN, QUÁI THÚ, VŨ PHU, YÊU TINH, ĐỒ HẾT THỜI, ĐÃ CHẲNG LÀ CÁI GÌ RA HỒN, SẼ KHÔNG LÀ CÁI GÌ RA HỒN. KHÔNG ĐƯỢC YÊU, KHÔNG ĐÁNG YÊU, KHÔNG PHẢI NGƯỜI.

A, con rắn ngu ngốc thì biết cái quái gì? Marianne Engel đã gọi tôi là “Người yêu dấu của tôi”.

Tôi nghĩ về Francesco làm việc trong hơi nóng lò rèn. Tôi nghĩ về Graziana ăn mì sợi trên giường bệnh, chỉ một chút để cô cảm thấy đỡ hơn. Tôi nghĩ về những người yêu nhau khi cái chết đang đến gần, tôi cố gắng tưởng tượng mình sẽ trân trọng một người nào đó đến mức sẽ chết vì họ; tôi, người thấy việc sống cho chính bản thân mình đã khó khăn lắm rồi. Và tôi cố gắng hình dung chuyện gì sẽ xảy ra khi cuối cùng tôi cũng được rời khỏi khoa bỏng, và mối quan hệ của tôi với Marianne Engel sẽ thay đổi như thế nào.

Bệnh viện là một môi trường biệt lập nơi tôi thấy sự lập dị của cô thật đa dạng sắc màu, nhưng đó cũng là nơi sự lập dị ấy không có khả năng thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của tôi theo một cách tiêu cực. Tôi được bảo vệ bởi một thời gian biểu đều đặn, và nhóm bác sĩ chịu đựng cô vì tôi đã đấu tranh cho những cuộc viếng thăm của cô và vì tôi chẳng có một người bạn nào khác – ngoại trừ, có lẽ, Gregor. Vì mới chỉ gặp cô trong một môi trường bó hẹp, hạn chế, tôi bắt đầu băn khoăn thế này: ở đời thực, Marianne Engel sẽ còn điên tới mức nào nữa?

Khi cô nói về những trái tim trong ngực mình, hay cuộc sống của cô bảy trăm năm về trước, đó quả là một sự chuyển hướng tuyệt vời khỏi sự đơn điệu thường ngày. Thỉnh thoảng tôi hơi khó chịu, nhưng trong lòng tôi thường thấy rộn ràng khi nghĩ cô cảm thấy một “mối liên hệ thần bí” với tôi. Nhưng tôi sẽ đối xử với cô như thế nào nếu cô gặp tôi trước vụ tai nạn? Không nghi ngờ gì nữa, tôi chắc chắn sẽ phẩy tay xua cô đi và tiếp tục con đường riêng của mình. Chỉ là một mụ điên khác thôi. Trong bệnh viện, dĩ nhiên, tôi không thể bỏ đi đâu được cả.

Sẽ đến lúc tôi có thể bỏ đi được, nếu tôi muốn.

Cô Marianne Engel của tu viện, lần gặp gần đây nhất là một đứa trẻ sống ở đầu thế kỷ mười bốn, đã bắt đầu công cuộc tập huấn của mình trong phòng viết tại Engelthal. Những trụ sở như thế được lập ra từ vài trăm năm trước, khi Charlemagne ra lệnh xây dựng các thư phòng để lưu giữ những bản thảo quan trọng. Lúc đầu, dĩ nhiên, việc viết sách hầu như chỉ để lưu giữ Lời của Chúa.

Công việc viết lách không hề đơn giản. Anh ấy – hoặc, trong trường hợp ở Engelthal, cô ấy – sẽ chỉ được cung cấp những dụng cụ đơn giản: dao, phiến mài mực, phấn, dao cạo, bọt biển, đầu mẩu bút chì, thước kẻ và dùi đục. Để giữ an toàn cho các cuốn sách, không được phép đốt nến trong phòng viết. Nếu trời trở lạnh, người viết thậm chí còn không thể sưởi ấm tay mình được. Giá trị của các cuốn sách lớn đến mức những phòng viết thường được đặt tại tầng cao nhất của tòa tháp bất khả xâm phạm; bản thân những cuốn sách chứa đựng những đoạn cảnh báo về hậu quả của trộm cắp và phá hoại. Điển hình một đoạn còn viết rằng kẻ trộm sách sẽ bị ốm nặng, sốt cao, bị bánh xe nghiền nát và bị treo cổ. Không phải chỉ chịu một trong số những hình phạt này mà phải chịu lần lượt từng cái một.

Đó là một đời sống khắc khổ, nhưng người viết phải luôn tự nhắc bản thân mình rằng mọi từ cô chép ra vừa là điểm cộng cho cô vào Ngày Phán xét Cuối cùng vừa là một vũ khí chống lại quỷ Satan. Kẻ thù không đội trời chung này, tuy nhiên, không phải loại bị tấn công mà không trả đũa, và thế là hắn đã cử Titivillus, quỷ sứ bảo hộ cho nghệ thuật thư pháp, phản đòn.

Titivillus là một tên tiểu quỷ lắm mưu nhiều kế. Dù người chép có ý định tốt đẹp đến đâu chăng nữa, công việc viết lách cứ lặp đi lặp lại tẻ nhạt vô cùng. Tâm trí sẽ lang thang nơi nào đó và vài lỗi sai sẽ xuất hiện. Nhiệm vụ của Titivillus là đổ đầy sai sót vào cái bao của mình hàng nghìn lần một ngày. Những bản thảo lỗi sẽ được mang đến cho Satan, chúng sẽ được ghi lại vào Cuốn sách Sai sót và được dùng để chống lại những ghi chép về Ngày Phán xét Cuối cùng. Vì thế việc ghi chép đặt người viết vào một tình thế ngặt nghèo: viết chính xác thì được điểm cộng, viết không chính xác sẽ bị điểm trừ.

Nhưng âm mưu của Ác quỷ không thành. Biết được việc làm của Titivillus, những người chép sách càng nỗ lực hoàn thành bản thảo chuẩn xác hơn. Cuối cùng Titivillus không còn cách nào đổ đầy cái bao của mình nữa và bị giáng xuống làm kẻ suốt đời lẩn quất trong nhà thờ, ghi lại tên của những người phụ nữ ngồi buôn chuyện trong thánh lễ Mass.

Trường hợp nào cũng thế, những bản thảo điển hình được viết bởi một thầy ký Trung cổ theo kiểu chữ thường Gothic – điều thú vị ở đây là nó giống hệt kiểu chữ Marianne Engel dùng ghi chép thường ngày. Điều này thật ra cũng chẳng chứng tỏ được điều gì, nhưng tôi sẽ thấy mình thật tắc trách nếu không đả động gì đến nó.

Sáu ngày trôi qua kể từ khi Marianne Engel gửi lời nhắn. Năm ngày kể từ lần gần nhất các miếng thịt của tôi được lóc từ chỗ này đắp sang chỗ khác trên cơ thể. Bốn ngày kể từ khi tôi có thể tự đứng được trong ba mươi bảy giây. Ba ngày kể từ lần nói chuyện cuối cùng giữa tôi và Gregor. Hai ngày kể từ khi tôi tự đứng được trong bốn mươi sáu giây, được cô Sayuri Mizumoto sinh lực tràn trề đỡ. Một ngày kể từ khi tôi lại trở về tình trạng chúi đầu chúi mũi toan tính tự tử.

Khi Gregor ghé thăm, tôi có thể thấy ngay rằng ông ta vẫn đang tập luyện, nhưng dưới cằm vẫn còn chút mỡ thừa chưa tống khứ đi được. Bộ râu dê mới tỉa của ông ta cũng giúp che được phần nào chỗ đó, và tôi khen ngợi ông ta hết mực về những cải thiện ngoại hình và hỏi người phụ nữ may mắn là ai.

Ông ta vội trả lời là chẳng có người phụ nữ nào cả. Cứ rối rít cả lên. Nhận thấy mình đã vô tình để hớ, ông ta thay đổi chiến thuật và cố đánh trống lảng như chẳng có chuyện gì nghiêm trọng, nhưng chỉ tổ lộ tẩy mà thôi.

Đó là một đặc tính kỳ lạ nhưng rất cố hữu ở những người luôn thấy bản thân mình kém hấp dẫn. Họ xấu hổ nếu ta úp mở rằng họ có thể đang thích một ai đó; vì họ cảm thấy không xứng đáng được nhận sự quan tâm từ người khác, họ cũng từ chối quan tâm đến người khác luôn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.