Mặc cho trời mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, Lâm một mình bước trên con đường đất nhấp nhô đi về nhà. Chẳng biết từ lúc nào mà Lâm đã đi đến bến đò ngày xưa, mưa ngớt dần sau một hồi xối xả, bầu trời buổi tối dần lộ ra những vì sao lấp lánh giống như bầu trời mùa hạ sau những cơn mưa rào bất chợt. Gió vi vu thổi nhẹ qua những lùm cây nơi con sông bến nước, mùi đất hòa lẫn với mùi nước sông tạo nên một hương vị rất đỗi quen thuộc. Nó làm Lâm nhớ đến những ký ức năm xưa, nhưng nay bến đò cô quạnh chỉ còn lại chiếc cầu nhỏ bên bến sông mà thôi, ngồi bệt xuống cầu Lâm hướng mắt ra giữa dòng sông khẽ nói:
– – Anh có lỗi với em Mai ạ…Tất cả là do anh, phải chi ngày đó….Giờ anh phải làm sao đây.
Không gian bỗng nhiên im lặng, mặt nước khẽ gợn những cơn sóng nhỏ lăn tăn theo chiều gió thôi. Một giọng nói khẽ vang lên từ phía sau:
“ Anh…không…có….lỗi…gì…cả..”
“ Em…không…trách…anh…đâu..”
“ Hãy…tìm…con..chúng…ta..”
Lâm giật mình quay lại đằng sau nhưng tuyệt nhiên không thấy ai cả, tất cả mọi thứ giờ đây nhưng dừng lại, không khí vắng lặng đến lạnh lẽo một cách ghê sợ. Lâm lắp bắp ;
– – Mai…có phải Mai không…Em ở đâu…Mai…ơi.
Chẳng có tiếng nói nào đáp lại lời Lâm nữa, Lâm đứng trên chiếc cầu nhỏ quay người sang xung quanh để cố kiếm tìm một người nào đó nhưng vô vọng, mọi thứ tối đen như mực, nhưng không, sự im lặng đó bị phá vỡ bởi tiếng mái chèo trên mặt nước mỗi lúc một gần.
Lâm có phần hơi hoảng sợ khi từ giữa sông đang có một chiếc đò xuôi mái chèo tiến về phía cây cầu nhỏ. Tiếng nước phát ra bởi mái chèo một lúc một gần:
“ Roạt….bõm…roạt….roạt..”
Lâm cố trấn tĩnh đứng im xem ai đang chèo đò nhưng trời tối quá không thể nhìn rõ mặt.
“ Cạch..Cạch..”
Tiếng con đò khẽ chạm mũi vào bến khiến Lâm thở phào nhận ra đó chính là bác Bảy, bác Bảy cũng thấy người đứng trên cầu từ trước. Có lẽ nếu là người sợ ma thì ông Bảy đã hét toáng lên rồi, nhưng vốn không tin vào ma quỷ nên ông Bảy vẫn chèo đò cập bến như bình thường, nhận ra Lâm ông Bảy hỏi:
– – Tối đêm sao lại còn đứng đây, mày định dọa chết dân làng hả cháu. May là bác gan lỳ chứ người khác chắc bị mày dọa sợ vỡ mật rồi.
Lâm thở phù đáp:
– – Cháu mới là người bị bác dọa cho sợ mất hồn đây này. Sao tối rồi bác còn chèo đò đi đâu vậy..?
Ông Bảy cười khà khà:
– – Ơ cái thằng này, bác mày đi đánh cá chứ đi đâu. Lưới thả từ đầu tối bây giờ bác đi kéo lên. Giờ dân làng có đi đò nữa đâu nên cũng phải tự kiếm miếng mà ăn chứ. Không mày bảo bác lấy tiền đâu mà hai vợ chồng sống đến bây giờ. Già cả rồi cũng có ai thuê làm việc gì đâu. Bác thả lưới kiếm chút cá ăn, nhiều thì đem ra chợ bán cho bà con. Nhưng chắc ông trời cũng thương nên lắm hôm đánh được nhiều cá lắm. Vậy nên cuộc sống cũng tạm ổn, hai ông bà già cũng chỉ cần thế thôi. Mà mày đi đâu sao lại đứng ở đây..
Lâm trả lời:
– – Dạ, cháu vừa từ nhà thằng Bột về bác ạ…Đang đi về nhà thì lại dừng ở đây. Cháu ban nãy còn tưởng ai đang chèo đò nữa chứ.
Ông Bảy buộc dây đò vào chân cầu rồi nói:
– – Tưởng cái gì, cả làng này có khi tưởng bác là hồn ma cái Mai cũng nên. Bởi lắm hôm 1-2h đêm bác mới đi kéo lưới, đêm hôm tối đen, mắt mũi kèm nhèm có khi họ nhìn thấy bác chèo đò xong thêu dệt nên câu chuyện hồn ma con Mai hiện về lái đò trên sông. Khổ vậy đấy, chết rồi mà nào đã yên. Rồi từ đó miệng lưỡi thiên hạ thêu dệt nên bao nhiêu chuyện. Mà vậy cũng hay, chẳng ai dám ra khúc sông này đánh cá nữa, có như vậy bác mới kiếm được chứ ha ha ha..
Tất nhiên Lâm biết bây giờ có giải thích hay nói gì thì ông Bảy cũng sẽ không tin, mấy năm qua ông đi lại trên khúc sông này còn nhiều hơn đi trên bộ. Cuộc đời của gia đình ông gắn liền với con sông, bến đò. Đứa con gái độc nhất của ông cũng chết trôi cả xác vào chân cầu mà Lâm với ông đang đứng đây, con chết, cháu mất tích, vợ thì lúc tỉnh lúc mê như người điên, người dại. Còn nỗi đau nào bằng nỗi đau mà ông Bảy đang phải gánh chịu, còn nỗi sợ nào bằng nỗi sợ bao trùm lên gia đình ông một màu đen u ám nữa.
Vì vậy ông Bảy chẳng còn gì để phải bận tâm đến những câu chuyện mà dân làng thêu dệt về hồn ma cô lái đò xấu số cả. Có khi trong thâm tâm ngày ngày chèo đò trên con sông này ông lại mong muốn được nhìn thấy con gái hiện về một lần như mọi người đồn đại. Nhưng suốt năm qua, chưa bao giờ ông được nhìn thấy con. Lâm nhìn người đàn ông khốn khổ đang khẽ giũ giũ mành lưới để đem về nhà mà xót xa trong lòng, Lâm nói ;
– – Bác bảy này, từ mai cháu sẽ bắt đầu đi tìm Trúc Linh. Cháu không chắc liệu rằng có tìm được con bé hay không, nhưng cháu còn thở một ngày thì cháu sẽ đi tìm nó một ngày, cho đến khi nào cháu không thể đi được nữa.
Ông Bảy run tay làm rơi cả xâu lưới vừa nhặt xuống cầu, ông quay lại nhìn Lâm nói như mếu:
– – Lâm ơi, bác cảm ơn mày…Bác không biết phải nói gì nữa, nhưng nếu được như thế thì bác đội ơn cháu nhiều lắm. Mai ơi, con có thiêng thì về phù hộ cho thằng Lâm nó tìm được con bé con nhé.
Lâm thở hắt ra não nề, bởi Lâm muốn kể hết mọi thứ cho ông Bảy nghe lúc này. Nhưng nhìn đôi bàn tay nhợt nhạt bởi ngâm nước lâu, những ngón tay gầy gò nổi xương cục của người đàn ông khốn khổ ấy Lâm không đành lòng. Ông Bảy đã phải chịu quá nhiều nỗi đau rồi, Lâm đáp:
– – Dù sao trước đây hai bác cũng rất quý cháu, coi cháu như con, cháu với Mai cũng là bạn thân thiết từ thuở nhỏ, giờ mai mất rồi, cháu về đây thì cũng coi như con trai bác. Bác hãy để cháu được phụng dưỡng hai bác sau này. Đó cũng là điều cháu mong muốn lâu nay.
Ông Bảy nắm lấy tay Lâm nghẹn ngào không nói lên lời, Lâm nhặt xâu lưới lên đưa cho ông Bảy rồi cả hai cùng bước đi trên con đường tối như hũ nút về nhà ông Bảy. Đưa ông Bảy về đến nhà Lâm cũng vội quay về vì cũng đã gần nửa đêm, một lần nữa đi qua bến đò Lâm thấy hơi lành lạnh giống như có ai đang nhìn mình từ phía sau.
Chẳng hiểu sao từ khi về làng Lâm luôn có cảm giác như vậy, có thể do thần hồn nát thần tính, hoặc cũng có thể sự thật luôn có thứ gì đó đi theo Lâm mà không ai nhìn thấy. Nghĩ vậy Lâm rảo bước thật nhanh về nhà, nhà vẫn sáng đèn, bên trong là bà Hòa đang ngồi ở ghế đợi con. Nghe tiếng mở cổng bà hòa chạy ra đón:
– – Sao về muộn thế hả con..? Người ngợm ướt hết rồi kìa..?
Lâm cười trả lời mẹ ;
– – Thì mưa to mà mẹ, con định ở nhà nó ngủ luôn nhưng nghĩ lại nó lấy vợ rồi nên không tiện. Thế nên mưa con cũng chạy về nhà luôn. Bố ngủ chưa hả mẹ…
Bà Hòa đáp:
– – Bố ngủ rồi, ông ấy bảo con lớn rồi có gì đâu mà phải sợ. Nhưng mẹ không ngủ được, nhất là sau bao nhiêu chuyện như thế. Này thay quần áo đi, mẹ biết mày sẽ về nên để sẵn một bộ quần áo khô ở đây rồi này.
Lâm vô trong thay quần áo xong đi ra ngoài thưa chuyện với mẹ:
– – Mẹ này, con chắc chắn đứa bé gái con của Mai cũng là con của con mẹ ạ. Hôm nay gặp bọn thằng Bột con có biết thêm một số chuyện, nó là con của con đấy mẹ ạ.
Bà Hòa không lấy gì làm ngạc nhiên nói:
– – Mẹ chẳng biết thế nào đâu nhưng nhìn ảnh một cái là mẹ thấy nó quen thuộc lắm, chắc đó là tình máu mủ nhà mình đấy con ạ. Thế nên mẹ chẳng thấy gì bất ngờ khi mày nhận đó là con mày cả. Nó giống mày như đúc ra từ một khuôn như thế còn gì, khổ thân con bé chắc bụng mang dạ chửa mà mày lại đi nên nó phải nhắm mắt lấy thằng kia…Mà sao nó dại thế nhỉ, sao nó không sang đây nói chuyện với mẹ. Từ bé chúng mày chơi thân với nhau, mẹ quý nó như thế nếu nó nói mẹ tin ngay. Đằng này…..Càng nghĩ càng thấy thương con bé, mẹ khóc cả tối nay rồi.
Lâm cũng biết bố mẹ rất quý Mai, lần nào sang chơi Mai cũng phụ giúp bố mẹ Lâm như con cái trong nhà. Việc Mai lấy Phong cũng là một cú sốc đối với ông bà, nhưng tất cả đâu có biết nguyên nhân dẫn đến đám cưới đều do một tay hai thằng sở khanh trong làng khiến Mai phải như thế.
Bà Hòa nói tiếp:
– – Mẹ với bố cũng bàn kỹ rồi, có thể bây giờ chưa nói ra được sự thật nhưng con sau này cũng phải chăm lo cả cho ông bà bên đấy. Khổ thân hai ông bà già, mẹ mà như bà Bảy chắc mẹ chết đi cho xong.
Lâm gật đầu đồng ý:
– – Cảm ơn mẹ, ban nãy con cũng có gặp bác Bảy ở bến sông. Con cũng nói qua với bác ấy những điều mẹ dạy rồi. Cảm ơn mẹ đã hiểu cho con.
Bà Hòa thờ dài:
– – Con dại cái mang, bố mẹ cũng không giúp được gì, con phải cố gắng phần của hai đứa sau này vậy. Nhưng mẹ vẫn thương con bé con quá, nó có làm sao thì bố mẹ ân hận cả đời. Mẹ nó đã vì con mà chết, còn mỗi nó giờ không biết lưu lạc ở đâu, sống hay chết…Nghĩ thôi mà mẹ rùng cả mình. Mà này, mai nghe mẹ đi xem cô Ba trong làng đi…Thấy bảo bà ấy xem hay lắm, giờ không bấu víu được vào đâu thì cũng nên nhờ cậy đến cửa thầy, cửa cô con ạ. Nghe mẹ, mai đi xem sao nhé…
Lâm vốn dĩ không tin vào mấy chuyện này, nhưng trải qua hai ngày với bao nhêu sự lạ Lâm cũng gật đầu đồng ý. Nhưng cô Ba là ai, tuy Lâm đi khỏi làng cách đây 3 năm, tuy nhiên người trong làng không ai Lâm không biết, nghe mẹ nói thì cô Ba là người khá tiếng tăm về chuyện xem bói xem toán, vậy sao Lâm lại không biết.
Lâm hỏi mẹ:
– – Mà cô Ba đó là người như nào ạ..? Sao con chưa nghe thấy bao giờ.
Bà Hòa nhìn Lâm nói: