****
– A, anh hai về rồi nè! Đi học vui không? Ở trường có gì vui không?
Năm trước ở trường mẫu giáo vẫn còn “ngày nào sát cánh bên nhau” mà giờ mỗi người một nơi rồi, à thì là anh trai lên lớp một rồi mà ở trường mẫu giáo cũng không có học chung vì Hy Nguyệt nhỏ hơn một tuổi mà.
Vừa đến gần nhà, Quân Nhật đã thấy cái bóng nho nhỏ ở trước cổng vừa nhảy vừa hét, nhìn kiểu nào cũng chả giống mấy bé gái khác. Cái bóng nhỏ nhanh chân chạy đến ôm cặp sách của anh trai và lặp lại “hành trình tra hỏi” của mình:
– Đi học vui không? Có được chơi vui không?
Cô bé hai tay ôm cặp sách phía trước, chiếc cặp sách sắp che khuất cả thân hình cô chỉ còn thấy được cái đầu nhỏ, đôi mắt mở to long lanh đang mong chờ đợi giải đáp.
Quân Nhật đã quá quen với cái bộ dáng “làm bộ làm tịch” này của em gái mình, tay nhanh chóng đem chiếc cặp về, nhanh chân bước vào nhà, không quan tâm đến hàng loạt câu hỏi của cô.
– Này..
Hy Nguyệt thấy anh trai đã đi vào cổng, cô bé bĩu môi, làm mặt quỷ:
– Hứ, làm như em quan tâm lắm á, không có đâu nhé! Đợi em lên lớp 1 cũng sẽ biết thôi!
Cô bé cố nói rõ to để anh trai biết.
Cô bé mắt nhìn ra cổng thấy một cậu bé cũng mặc đồng phục trường tiểu học đang đi đến, đôi chân nhỏ nhanh chạy lại chặn trước mặt cậu, cố nở nụ cười hỏi:
– A Thanh à, đi học vui không? Có vui không?
Hóa Thanh nhìn cô bé đang cười, cái đầu nho nhỏ lắc lư, hơi ngừng lại đáp lời:
– À, thì chờ năm sau Hy Nguyệt lên lớp một sẽ biết thôi!
Vừa nói xong cậu nhanh chân chạy về phía nhà mình, để lại phía sau là một khuôn mặt bí xị.
Hy Nguyệt cảm thấy bản thân bị cả thế giới vứt bỏ, anh trai cùng A Thanh đều đã học lớp một được đến trường mới, còn cô bé vẫn còn đang học mẫu giáo ở gần nhà. Cảm giác cô bé sắp bị “đá” ra khỏi thế giới của họ, càng nghĩ càng thấy buồn mà!
– Đi vào nhà nhanh lên, ở ngoài nắng thế để mẹ biết sẽ ăn đòn đấy.
Quân Nhật vào thay đồ xong vẫn thấy em gái mình đầu “đội nắng trời” mà đứng trước cổng thì không nói nên lời.
Cô bé dẩu môi, quay lưng lại với anh trai:
– Ai cần anh lo, có bị đánh cũng là đánh em, anh quản làm quái gì..
Đại khái là trong lòng vẫn còn giận anh trai không kể cô bé nghe về trường học mới nên khi anh trai vừa nói thì đã trở nên gắt gỏng.
– À, thế thì đứng đó nhé, chiều nay đi thả diều đừng có đòi đi theo anh.
Quân Nhật giọng điệu chả quan tâm, làm bộ quay lưng đi vào nhà.
Vừa nghe đến được đi thả diều là đôi mắt nhỏ của cô bé sáng hẳn lên, vui vẻ chạy vào nhà hỏi anh trai:
– Chiều đi thả diều à.. Thật không? Nhưng anh làm gì có diều mà đòi thả?
– Bố nhờ cậu út mua, lát chiều cậu đem qua đây.
– A, được đi thả diều rồi! Ha, lần này phải cho nhóc Quang nhà đầu xóm biết mặt, lần nào cũng khoe mình nó có diều. Ông đây cũng có nhé!
Cô bé vừa nói vừa nhảy tung tăng vui vẻ vào nhà, quên luôn cả chuyện vừa giận anh mình.
“Trẻ nhỏ dễ dạy” có lẽ chính là như thế này, những tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng chưa nhiễm chút sắc màu của dòng đời phức tạp. Sai lầm nhất đời này của mỗi người có lẽ là lúc trẻ thơ chỉ mong được làm người lớn..
Lúc chiều sau khi mỏi mắt trông chờ diều từ cậu út, hai đứa trẻ liền qua nhà lôi kéo A Thanh cùng đi thả diều; trên con đường làng hai bé trai ôm diều đi phía trước, bé gái thắt tóc bím hai bên tay cầm chong chóng tre giơ cao lên trước gió cười đùa theo sau đuôi. Hy Nguyệt chỉ thích ngắm những cánh diều bay cao trong gió nhưng bé biết bản thân chả biết thả diều nên đã mè nheo đòi bố làm cho chiếc chong chóng tre bằng lá dừa để chơi.
Cánh đồng hai bên đã được thu hoạch chỉ còn sót lại mùi rơm rạ vừa mới được mấy bác đốt đi, chiều nay không thấy ánh nắng, bầu trời mang một màu xam xám, gió nổi lên.. thời điểm thích hợp để cánh diều bay lên. Điểm đến của mấy đứa trẻ là cánh đồng đỏ gần ao sen, nhìn từ phía xa đã thấy được vài cánh diều trên bầu trời, ở phía dưới là mấy cái chấm đen đen đang di chuyển. Hiển nhiên thời tiết đẹp thế này thì không chỉ có mình bọn nó đến thả diều rồi.
A Thanh chậm chân lại đem balo mà Hy Nguyệt đang cầm một bên tay lên đeo sau lưng mình, bày ra vẻ ông cụ non dặn bò bé:
– Một lát, tui cùng ông Nhật đi thả diều chớ mà mò đến ao sen á; mùa này nước cạn nhưng có vài chỗ sâu không đáy, để mà trượt chân thì coi chừng chết đuối nghe chưa.
Quân Nhật nghe thế cũng thêm lời:
– Muốn ăn gương sen đợi ngày mai qua nhà nhờ cậu út đi hái cho, mày mò lén đi một mình ma da kéo chân đó.
Nói xong còn cố làm mặt quỷ hù bé.
Hy Nguyệt phồng má nhỏ hai bên, chân nhỏ cố đi nhanh vượt qua hai người mới quay lưng lại lè lưỡi nói:
– Tui hẹn A Thảo đấu cỏ đầu gà rồi, hông có thèm ra chỗ ao sen đâu.
Nói xong cô bé hừ nhỏ nhanh chân chạy đến bãi cỏ mà đám trẻ trong xóm đang thả diều ở phía trước.
Hai người phía sau to mắt nhìn nhau cùng nói:
– Bọn này tin chết liền!
A Thanh chuyển đến đã được một thời gian cũng đã biết, bà cô này có gì không làm được chỉ thiếu muốn lật cả trời ấy chứ. Bất cứ cái “mâm” nào cũng có mặt bả được, lại nói Hy Nguyệt thích ăn hạt sen cực kỳ, đứng trước đồ ăn thì chẳng còn biết gì cả.
Trước khi rời khỏi nhà, Quân Nhật đã chuẩn bị cho em gái nhà mình cái balo nhỏ chứa đồ ăn vặt cùng nước uống; mong rằng cái balo đồ ăn này có thể kiềm chế “tiểu ma đầu” này lại.
Hai đứa vừa đi đến thì mấy đứa bạn gần nhà đã lôi kéo tổ chức cuộc thi “diều bay”, mà trọng tài hiển nhiên là mấy bé gái đi theo cùng đang ngồi chơi thành một vòng tròn ở góc kia. Đây có lẽ là thói quen thường ngày rồi, mặc dù mấy vị “trọng tài” ngồi kia chẳng có lần nào nghiêm túc theo dõi toàn bộ quá trình của trận thi đấu cả..
A Thanh đang nhìn cánh diều của mình đang tung bay trên khoảng trời cao xa kia, cánh diều nhỏ bé nương theo gió mà bay cao bay xa, nhìn từ góc độ này chỉ như một điểm nhỏ của một góc trời, dù nhỏ bé nhưng vẫn đang cố gắng chứng tỏ sự tồn tại của bản thân.
Chẳng biết từ khi nào Hy Nguyệt đã đến bên cạnh cậu, bé gái dõi mắt nhìn cậu bé rồi ngước mắt nhìn cánh diều đang bay trên cao hỏi:
– A Thanh sao lại thích thả diều thế?
Cô bé thấy đám trẻ trong xóm này đặc biệt thích hùa theo, cứ mỗi khi có trò mới sẽ lôi kéo cả một đám cùng chơi cùng; à mà cô bé cũng có trong cái đám đó mà mỗi lần cũng đều chơi rất vui. Nếu không có những “hình phạt” đang chờ sẵn ở nhà sau mỗi lần đi chơi về muộn chắc có lẽ sẽ còn vui hơn rất nhiều.
Hóa Thanh đưa mắt nhìn sang cô bé tóc bím đang ăn que cay bên cạnh, cười nói:
– Nhóc không thấy như thế này sẽ tiến gần hơn với bầu trời à? Cảm giác như bản thân mình là cánh diều kia vậy, mặc kệ những ngọn gió xô đẩy vẫn muốn bay cao bay xa hơn nữa.
– Nhưng cánh diều kia cũng sẽ có ngày rơi xuống đất thôi.
Cô bé chẳng hiểu lắm, cánh diều kia sẽ bay cao lên nhưng rồi không phải cũng sẽ rơi xuống à; cũng như mẹ cô bé trồng hoa ở nhà vậy, hoa sẽ nở rộ thật đẹp nhưng rồi cũng nhanh chóng tàn.
A Thanh hơi ngưng lại một lúc sau đó lắc lắc đầu nói:
– Thì tiếp tục nương theo gió bay cao thôi, khi gió ngừng chúng ta lại chờ cơn gió khác.
Tiếng cười nói của đám trẻ, đứa nào cũng mạnh miệng hò hét bảo diều của mình bay cao nhất, mình mới là người chiến thắng; nhìn lại “trọng tài” đã bắt đầu tìm trò chơi mới chẳng để tâm đến kết quả trận đấu lại thật đau đầu.
Cuộc thi lại được tiếp tục mà lần này không có trận tài và hiển nhiên trận đấu cũng chẳng có kết quả cuối cùng.
Dưới cánh đồng cỏ xanh, đám trẻ chạy nhanh kéo cánh diều của mình bay lên trong gió mà những cánh diều kia đang bay phấp phới giữa trời cao; nắm lấy dây diều, nắm lấy sinh mệnh của chính bản thân..
* * *
Năm đó chúng ta còn non trẻ không có suy nghĩ nhiều như vậy, thật ra chúng ta năm đó có “ngang ngạnh” nhưng chưa từng chịu cuối đầu. Tuổi trẻ năm đó không sợ trời chẳng sợ đất, dù vấp ngã thương tích đầy mình vẫn có thể tự mình đứng lên đi tiếp.
Hãy nhân lúc bản thân còn trẻ, còn có thể bắt đầu lại muốn làm gì hãy bắt đầu thực hiện đi, đừng để lúc bản thân có quá nhiều vướng bận rồi lại bắt đầu hối tiếc.
Em của hiện tại lo sợ đủ điều, mỗi lần đưa ra quyết định là mỗi lần đắn đo, thật sự cảm ơn anh A Thanh, nếu không có anh năm đó em không chắc mình có dám bước tiếp trên con đường hiện tại không nữa.
Thanh xuân của chúng ta đã bao nhiêu lần bỏ lỡ, mà thanh xuân là chuyến tàu chẳng có vé khứ hồi..