Cô Dâu Của Trương Đồ Tể

Chương 22



Những lễ lộc Trương Tam chuẩn bị rất nặng, có cả cau tươi trầu vàng, một xấp lụa the cùng mấy điếu tiền, hoạ có đi lễ ông cai ông đốc thì lễ cũng chỉ đến thế. Hắn mua cả thịt heo khô, gạo tẻ gạo nếp, chiếc tráp bé xinh bằng gỗ dẻ thơm ngát đựng những phấn thơm, vôi đỏ, và cả khoá bạc. Lễ vật hai tay cầm không hết, tôi phải quảy thúng đi.

Trương Tam khiêng ra trước cửa nhà giúp tôi, nhìn tôi một cái thật sâu, nhưng cuối cùng vẫn không dặn dò gì. Hắn đứng nhìn theo đến khi tôi không quay đầu lại nữa, trong đầu vẫn còn in hằn dáng vẻ vẫy tay rối rít của hắn.

Hôm nay trời trong, hoa hoàng anh nở vàng rộ và lấp lánh như những vệt nắng đọng. Tôi đội chiếc nón lá trên đầu, lầm lụi bước xuống núi. Trong đầu dường như chẳng nghĩ gì, mà cũng nghĩ thật nhiều, những hình ảnh cũ lướt qua tâm trí nhưng sao thật xa xôi.

Rồi ngôi nhà quen thuộc cũng hiện lên trước mắt. Tôi đứng chần chờ ngoài giậu dăm ba phút, cho đến khi thấy khói bếp lượn lờ bay lên, mới đẩy cửa bước vào.

Vừa vào, tôi vừa cất tiếng gọi: “Mẹ ơi, cha ơi, con về rồi.”

Trong lòng có hơi chua xót, lạ lẫm, bởi vì bây giờ trông mình không khác gì những người thân người quen ở xa ghé chơi chứ không phải một đứa con trở về thăm gia đình. Tay chân tôi cứ ngượng ngùng, líu ríu, còn mắt chẳng biết dòm vào đâu.

Mẹ tôi xông ra đầu tiên, trên gương mặt người đàn bà đứng tuổi gầy trơ ấy là một vẻ gì lạ lắm, ngồ ngộ, ngạc nhiên mà cũng chưng hửng, không rõ là bà có thấy chút vui vẻ nào khi đứa con bà gả đi quay về thăm sau mấy tháng liền chẳng thèm trở lại. Tôi thấy quặn thắt với ý nghĩ ấy, không rõ là do áy náy về sự lạnh lùng của mình, hay vì mẹ tôi không tỏ ra mừng đón.

“Về à, tao tưởng mày chẳng còn nhớ gì chúng tao!”

Bà xộc đến, sừng xỉa một câu, tôi làm như không nghe thấy, cúi đầu tháo cái nón xuống: “Mẹ, con mang chút quà đến đây.”

Mắt người đàn bà sáng lên: “Đâu, có gì, mang vào nhà để mẹ mày xem.”

Tôi gánh quang thúng bước qua ngạnh cửa, khoé mắt liếc ngang dọc ngôi nhà quen thuộc. Vẫn bộ bàn ghế cũ ố, chiếc khăn trải cũ màu xám đay, những bồ, giỏ chất đầy tường mà lúa không bao giờ đầy. Ngôi nhà có vẻ bừa bộn hơn, với những liềm kéo ngổn ngang và rạ trấu lụn vụn trong các ngách hở.

Tôi đặt quang thúng lên bàn, hỏi: “Thầy con đâu?”

Mẹ tôi nhếch miệng: “Vào mời cha mày ra đi, ở buồng trong đấy.”

Tôi thở hắt một tiếng nhẹ nhõm, mẹ vẫn sai bảo tôi như lúc tôi còn ở nhà này, niềm thân quen chợt dội vào ngực, tôi sải bước vào trong buồng.

Căn nhà có mùi xưa cũ, những món đồ không biết bao năm tuổi bạc phếch và mục úa, ánh sáng le lói xuyên qua vách phên rách cũng không làm sáng hơn con mắt người sống ở đây, trong cái chờn vờn u tối. Nhưng tôi đã quá quen với từng ngóc ngách ngôi nhà này, linh hoạt luồn qua những món đồ cũ chỏng chơ, vài bước chân sải đến cửa buồng.

“Cha ơi, con đã về.” Tôi gọi qua cái cửa bằng nứa.

“Ừ.” Một giọng lè nhè xa xăm vọng ra, tôi lùi về sau vài bước, lưng đụng vào tường đất. Tay tôi quen lối lần mò trên tường, cạy một chút ở những chỗ lõm, là do những lần bị phạt úp vào vách, lấy móng tay khự từng chút một. Bức tường này chứa đựng những năm tháng thơ dại của tôi, với những cái vạch bé tí chỉ cao ngang bắp đùi.

Cửa mở, cha tôi bước ra, vẫn cao to, lầm lì. Ông đã không còn cái vẻ hung ngạo như lúc trẻ, theo lời thím Hoa hàng xóm, lầm lũi hẳn và bỏ chơi với những bạn bè cũ trong làng – kể từ khi có tôi – thím kể với vẻ nghi ngại.

Lầm lì hơn nửa đời người, cái lặng ngấm vào máu ông, ít nói, bơ phờ; hẳn vì thế mà ông hay uống rượu. Mỗi lần rượu vào là mỗi lần tôi lẩn đi thật xa, đi kiếm ăn cho con heo nhỏ trong nhà, đi mót gạo người ta gặt sót lại, hay bắt ốc bắt cua, lén lút trốn ở chân núi nướng ăn.

Tôi cẩn thận quan sát, không có hơi men, hôm nay cha tôi không uống rượu, nên ông vẫn là người cha lặng lẽ, ít nói, đôi mắt mờ đục nhìn chéo qua tôi, giống như đang thông qua tôi để nhìn một ai khác.

Tôi theo gót ông ra nhà trước, lúc này mẹ tôi đã sắp xếp hết đống đồ trong thúng. Mặt bà hồng hào, và lỗ mũi nở ra, bà thở hắt với niềm vui sướng óng ánh trong mắt.

Bà rạng ngời nhìn tôi, và nụ cười thật lòng, nhỏ nhẹ nói: “Ông ra xem, A Mộc đem gì về này.”

Rồi bà bày cái thúng như triển lãm, tự hào bưng lên cái tráp gỗ dẻ: “Phấn thơm, chu sa kia đấy. Mấy chục năm rồi không thấy lại, chắc mắc tiền lắm hả con. Cái thằng phí của này!” Bà day day trán tôi mấy cái, chặc lưỡi tiếc rẻ: “Phải mà mày khỏi mua cái này chắc ống điếu còn thêm được mấy xu, thật là, thật là…”

Tay bà vuốt ve mặt tráp, cái vẻ nửa nỡ nửa tiếc cứ thế bày ra trước mặt hai người đàn ông khác của gia đình.

Cha tôi nhấc vò rượu lớn trong thúng ra, hai con mắt mở lớn, ông dí mũi sát cái lớp bùn niêm phong mà hít hít mấy hơi, từ trong cuống họng vang lên tiếng ùng ục mà tôi biết là hài lòng và vui sướng.

Mẹ đi sát qua người cha tôi, ngọt ngào nói với vào tai ông, tôi chỉ nghe loáng thoáng ‘tiền đồng’, ‘mấy điếu’, ‘Tiểu Hổ’.

Mẹ tôi vuốt ve qua lại xấp vải the màu lục điều mà tôi mang sang, những ngón tay chai sần của bà cứ vuốt miết như muốn cảm nhận cái trơn tuột mịn màng của vải, bà hiền lành nhìn tôi: “Mày đợi chút để tao xào miếng rau, ăn cơm hẵng rồi về.”

Bữa cơm gia đình đầm ấm nhưng không làm lòng tôi an yên, càng nhìn vào gương mặt vui cười của cha mẹ, tôi lại thấy lòng càng lúc càng trống rỗng. Giống như múc nước đổ vào một cái bình nứt, càng đổ, nước càng tràn ra ngoài, để lại chủ nhân luống cuống và sốt ruột.

Đợi lúc cơm đã xong và mẹ pha ít nước rễ sâm bưng lên, tôi mới hít một hơi.

“Cha, mẹ, Trương ca và con muốn đến phía Nam lập nghiệp. Sau chuyến này ít ngày là chúng con đi, con đến để thưa với cha mẹ.”

Ánh mắt bàng hoàng, thất thần của mẹ và âm thanh bể nát của cái chén rớt từ tay cha, tôi không cách nào quên được.

_____

Hôm sau nữa, cha tôi đi bộ đến làng bên để đón Tiểu Hổ về, cũng thông báo cho nó về bữa cơm gia đình cuối cùng trước khi tôi và Trương Tam rời đi.

Hôm qua đã mang quà cáp cho cha mẹ, nên hôm nay tôi với Trương Tam chỉ mang sang ít giấy bút cho Tiểu Hổ và một miếng thịt heo. Như bình thường, Trương Tam ngồi nói chuyện đôi chút với cha tôi, còn tôi giúp mẹ nhóm lò, loay hoay làm mấy món ăn cho kịp giờ cơm.

Tiểu Hổ ngồi ngoài cửa bếp, tay cầm một cọng sậy non, nó cứ đập phình phịch cây sậy xuống đất, theo một nhịp điệu nào đó mà có thằng bé mới hiểu. Mắt nó nhìn tôi chan chứa, ứa long lanh đến nỗi tôi hoài nghi thằng bé sẽ khóc oà lên ngay. Nhưng đến khi tôi bưng từng dĩa đồ ăn lên bàn cơm mà thằng nhỏ vẫn không ừ hử gì.

Nó chỉ chạy lăng xăng sau chân tôi, bê chén phụ tôi. Mẹ tôi liếc sang mấy lần, nhưng cuối cùng bà vẫn không nói gì.

Trước đây Tiểu Hổ chưa từng bưng chén bát bao giờ, mẹ luôn tỏ ra cộc cằn khi thấy nó bám nhẵn đít tôi. Tôi mà để thằng nhỏ làm công việc nhà, khéo thì lỗ tai cũng bị mẹ nhéo đứt.

Nhưng hôm nay mẹ chẳng nói năng gì. Mẹ trầm lặng hơn thường ngày, bà làm tôi nhớ đến những con kiến nhỏ bé, loay hoay cả ngày trời không ngơi nghỉ, và cũng không phát ra chút âm thanh nào.

Tiểu Hổ bưng chén lẽo đẽo theo sau lưng tôi.

Bữa ăn hôm nay phải gọi là xa xỉ với cha mẹ tôi. Một nồi cơm gạo trắng đầy vung, bốc khói thơm phức. Mẻ cá kho đậm đà, các loại rau xào óng ánh mỡ, và một chảo thịt lớn. Chúng tôi ăn rất ngon, cũng rất yên lặng, vì chẳng có ai nói bất cứ điều gì..

Sau bữa cơm, cha tôi mở cái vò rượu lớn mà tôi gánh đến hôm qua, uống với tôi và Trương Tam mấy ly. Tôi học theo dáng vẻ của ông, hộc thẳng một cút rượu vào miệng, thật cay, thật đắng tới nỗi sặc sụa, rồi bị cha tằng hắng mắng cho mấy tiếng, đuổi ra sau bếp súc miệng.

Tôi tìm thấy Tiểu Hổ đằng sau lu nước.

“Tiểu Hổ… ra đây đi.”

Thăng bé ngước mắt lên nhìn tôi, mặt nó nhăn lại, mắt mũi đỏ bừng bừng.

Tôi nhẹ kéo tay nó: “Coi chừng muỗi cắn em đấy, vào nhà với ca ca đi.”

“Ca ca,” thằng bé nức nở một tiếng: “Ca ca!”

Nó nhảy bổ nhào vào lòng tôi.

Thằng nhóc lại nặng thêm, tôi quàng tay ôm chặt lấy nó, thoáng nhấc bổng lên để cân thử, Tiểu Hổ giống một bao gạo lớn, nhưng gò má phính thịt của nó đang lõm cả lại, bởi vì thằng nhỏ đang cắn môi, cố ngăn nước mắt trào ra.

Giọng của Tiểu Hổ lạc hẳn đi, nghẹn từng tiếng, nó cứ hớp hớp lấy không khí để nói với tôi một câu hoàn chỉnh: “Anh ơi, anh sắp, đi, đi rồi sao?”

“Vài ngày nữa,” tôi đáp, dịu dàng vuốt mái tóc bù xù của nó. Tóc Tiểu Hổ giống hệt cha tôi, gai gai, cứng cứng như rễ tre. Sửa tóc xong, tôi lại chùi nước mắt trên mặt nó: “Tiểu Hổ phải ngoan nhé… Anh có mấy con gà, đem qua cho em nuôi được không? Tiểu Hoa đẻ trứng rất giỏi, còn có ba con gà choai, sắp lớn cả rồi. Sắp tới Tiểu Hổ sẽ có nhiều trứng gà ăn…”

“Nhưng em không cần trứng gà…” Tiểu Hổ vùi trong lòng tôi nên âm thanh của nó cũng ồm ồm theo, làm tôi nghe không rõ. Thằng bé cứ ôm chặt lấy tôi khi tôi kéo nó ra để nghe mấy lời nó nói. Không biết một đứa trẻ nhỏ xíu như vậy lấy đâu ra sức lực, chỉ cần tay tôi thoáng buông lỏng, nó lại càng siết lại.

“Không!” Nó nức nở lên, chỉ biết lẩm bẩm mấy chữ như vậy. Nhưng cuối cùng Tiểu Hổ vẫn không nói tôi ‘đừng đi’.

Tôi cúi xuống để đầu thằng bé nép vào ngực mình, trong lặng yên của buổi đêm, lắng nghe tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng xa, và cả nhịp tim của hai anh em tôi, mãnh liệt nhức nhối trong ngực.

Nỗi buồn cuốn phăng tâm trí, và men rượu xộc lên làm đầu mụ mị. Tôi thấy buồn, thật buồn. Cơn buồn quặn thắt như một thứ bệnh ác tính dày vò trong ngực, làm trái tim đang đập dồn đau nhói.

Đến lúc bàn tay nhỏ của Tiểu Hổ xoa lên mặt, tôi mới phát hiện mình đã khóc nhiều đến thế. Mắt tôi mờ nhoè đi, thằng bé trong ngực nóng hổi như một hòn than. Trong cái đêm tối leo lét, tôi vẫn nhìn ra được vẻ yêu thương và lưu luyến trong mắt thằng nhỏ. Nó mím môi cố nín khóc, tay nó gạt đi lòng lệ trên mặt tôi.

“Đừng khóc.” Nó nói nhỏ, giọng khò khè như vịt kêu, làm tôi hơi hoảng hốt.

“Đừng khóc.” Tôi lặp lại, tì trán mình vào trán nó.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.