*Chương này có yếu tố nói tục chửi thề, không thích xin đừng đọc*
Một buổi chiều Trương Tam về nhà, vẻ mặt không lấy làm vui, khác hẳn với mọi khi.
Hai thằng nhóc Tiểu Bảo và Đại Bảo đang nghịch bùn trong sân, thấy vẻ cau có của Trương Tam, hai đứa ngơ ngác ra nhìn, cả cục bùn cũng làm rớt.
Trương Tam không chào chúng, mà hằm hằm lại chỗ lu nước, múc một gáo to xối lên đầu, thậm chí cả áo cũng không cởi.
Tôi lân la lại gần: “Sao vậy Trương ca?”
Trương Tam buồn bực nhìn tôi: “Ông chủ của anh quá đáng lắm! Ổng nói ngày mai là đám cưới của thiếu gia nhà Lý viên ngoại, cần một lượng thịt heo lớn, bọn anh phải đến sớm hơn mọi khi, gần như là giết heo suốt đêm rồi! Một lát nữa anh phải đi, thức trắng đêm làm thịt heo cho kịp.”
Tôi giúp hắn cởi áo ngoài ra: “Vậy nên anh tức giận sao?”
Trương Tam xối một gáo nước nữa, tủi thân nói: “Không có, nhưng mà lẽ ra không phải lượt anh đi… nhưng đồ tể Lâm đột nhiên bị bệnh, nên ông chủ mới chỉ anh đi. Anh không muốn đi chút nào!”
Tôi an ủi hắn: “Chỉ có một đêm thôi mà, ông chủ có trả thêm tiền không đó?”
Trương Tam gật đầu: “Thì có trả… có khi được thưởng nữa, nhưng mà đi qua đêm lận đó A Mộc, một lát nữa anh phải đi rồi, em ở nhà được không?”
Tôi nhéo bắp thịt rắn chắc trên tay Trương Tam một cái: “Có gì mà không được? Anh đi có khi còn có tiền thưởng, này là chuyện tốt mà, đừng có cau có như vậy, dọa hai thằng nhỏ sợ rồi kìa.”
Trương Tam lú đầu ra sau mấy cái lu, nói vọng về phía sân: “Đại Bảo, Tiểu Bảo, nãy chú thấy mẹ hai bây đang tìm bây đó, sao tới giờ này mà tụi bây còn ở đây?”
Thế là hai thằng nhỏ chào chúng tôi rồi vắt chân lên cổ chạy biến. Tôi cười rộ: “Về nhà không biết có bị đánh đít không…”
Trương Tam trông đã tươi tỉnh hơn, giống như một đợt tắm táp vừa rồi đã xoa dịu tâm trạng nôn nóng của hắn: “Bị đánh là cái chắc, mẹ hai đứa nó, chị Tường nóng tánh lắm, ha ha.”
Nhưng tâm trạng vui vẻ của Trương Tam không kéo dài quá lâu, sau bữa cơm tối, tôi sửa soạn cho hắn một bộ quần áo và nặn ít cơm nắm để hắn mang theo, Trương Tam bắt đầu buồn rười rượi.
“Hay anh không đi nữa?” Người đàn ông phàn nàn: “Thật là phiền quá, ai lại muốn nửa đêm đi giết heo chứ?”
Tôi âm thầm cười trộm trong lòng, vẫn nắm cơm thoăn thoắt, từng cục cơm nắm nhanh chóng ra lò, tôi tìm cái hũ nhỏ bỏ vào ít dưa muối để Trương Tam ăn cùng cơm, lại bận rộn an ủi hắn: “Đừng tức giận, em làm cho anh cơm nắm ngon lắm nè ~”
Người đàn ông trông dịu bớt đi.
Tôi căn dặn: “Nhớ chia cho các đồ tể khác một ít, em làm nhiều lắm.”
Trương Tam lắc đầu ngay: “Không, nhiêu đây chỉ đủ nhét kẽ răng anh thôi.”
Tôi nhìn một sọt cơm nắm to, phân vân không biết nên mắng hắn hay dỗ dành tiếp, cuối cùng lựa chọn vuốt lông: “Anh không muốn khoe với mọi người cơm nắm em làm sao?”
Trương Tam mơ hồ ưỡn ngực lên: “Phải khoe chứ! Bình thường anh hay mang đồ ăn trưa theo bọn họ đã hâm mộ muốn chết rồi!”
“Vậy có phải nên chia cho mọi người một ít không? Để người ta biết anh có cơm nắm ăn này.”
Trương Tam gật đầu lia lịa: “Đúng vậy, không ai có vợ tốt như anh, A Mộc là giỏi nhất.”
Dỗ dành xong, tôi phủ lá chuối lên trên sọt, đóng nắp lại. Xong việc, hai chúng tôi liền vào buồng nằm.
Trương Tam vỗ lưng tôi như mọi khi, giục tôi đi ngủ, nhưng trên mặt hắn vẫn tràn ngập không nỡ, giống như chỉ cần nhắm mắt một cái, hắn sẽ ngủ luôn tới sáng, không màng gì tới đám cưới con Lý viên ngoại nữa.
Chỉ một chốc là Trương Tam phải đi rồi, tôi cũng không muốn ngủ, bèn câu được câu không trò chuyện với hắn.
“Trương ca này, hôm nay giàn bí nhà mình chín hết rồi, ăn không hết, hay là em mang đi bán nhé?”
Trương Tam vui vẻ gật đầu: “Ngày mốt đi, em với anh cùng lên huyện thành, anh đi làm, em bán bí, tới tối có thể cùng về nhà.”
Tôi cảm thấy ý tưởng này quá ư là tuyệt, nên thưởng cho hắn một nụ hôn lên má.
Mắt Trương Tam sáng lấp lánh nhìn tôi.
Chúng tôi lại nói vài ba câu, về Đại Hoa hôm nay đẻ những hai quả trứng, hay con Vằn cuối cùng cũng để tôi vuốt bộ lông cao quý của nó, dù chỉ một cái thôi đã chạy mất xác…
“Sột, sột…”
Tôi cười: “Con Vằn đấy, nhắc là thấy ngay.”
Trương Tam bĩu môi: “Hừm.”
Ở bên ngoài vang lên tiếng kêu của con Vằn: “Ngaooooo.” “Sột, sột, sột.”
Trương Tam nghe mà sốt hết cả ruột: “Hôm nay nó ồn ào quá.” Hắn xuống giường đi thẳng ra cửa.
Một lát sau thì một cục lông ấm áp được thả lên giường, Vằn sột một cái chui tọt xuống cuối giường, nhưng con mèo này không thèm nhảy xuống mà đặt mông ngồi thẳng lên mền của tôi.
Trương Tam ngồi xuống giường: “Hôm nay phá lệ cho mày ngủ một hôm đấy.”
Nhưng con Vằn chẳng tỏ ra biết ơn gì mấy, nó nhàm chán liếm đuôi mình rồi cuộn thành một cục, bắt đầu ngủ.
Mắt tôi cũng hơi mơ màng, Trương Tam hôn một cái lên trán tôi: “A Mộc, ở nhà một mình phải cẩn thận, hay là anh đặt cái cuốc ở cạnh giường nhé?”
Tôi dở khóc dở cười, mơ màng trả lời: “Thôi được… Anh muốn đặt gì thì đặt…”
Trương Tam bèn đứng dậy đi, một lát sau, khi đã ngủ được một nửa rồi, tôi lại loáng thoáng nghe tiếng Trương Tam, hắn nói khẽ nhưng không che được giọng khoe công: “Anh mang hết dao bếp, cuốc với cày vào phòng cho em này, để dưới gầm giường cả đấy… Em ngủ đi, anh phải đi đây.”
Người đàn ông ghé sát lại, thầm thì vào tai tôi: “Khi có tiền thưởng, anh sẽ mua gạo mới cho em.”
Tôi tỉnh táo được hơn một chút, vươn tay lên, cảm nhận tay mình vòng qua cổ người đàn ông.
Tôi dụi vào trán hắn một cái, nhẹ nhàng đáp: “Không cần mua gạo, phí lắm… Anh đi đi, ngày mai gặp.”
“Ngày mai gặp.” Trương Tam hôn lên trán tôi. Sau đó tôi ngủ mất.
_______
Tôi thức giấc vì con Vằn không ngừng cào lên tay áo, phát ra âm thanh sồn sột.
“Vằn…” Tôi ngáp một cái: “Ra kia chơi, tao đuổi mày ra ngoài bây giờ…”
Vằn không hề có ý dừng lại, vẫn cào sồn sột, nó cong eo lên, ngao một tiếng thật lớn.
Lúc này thì tôi đã tỉnh hơn nửa, rất muốn túm gáy con này quăng ra ngoài!
Lúc đứng lên, tự nhiên tôi lại nghe âm thanh lạ.
“Lạch cạch, két…”
Mắt mở to, lúc này cơn buồn ngủ đã hoàn toàn tiêu biến, tôi lập tức ôm chặt con Vằn vào lòng. Trong bóng đêm, đôi mắt xanh vàng của con mèo cháy sáng thật kì dị, nó chăm chăm nhìn về phía cửa phòng, đồng tử dãn ra thật to.
Tôi mừng vì trăng đêm nay sáng, qua lớp giấy cửa sổ mỏng manh, ít nhất mắt tôi vẫn thấy được rõ ràng.
Tôi nhẹ nhàng đặt con Vằn xuống đất, con mèo đi đứng luôn không có tiếng động, mà có lẽ cảm nhận được điều gì, Vằn lập tức lẻn qua khe cửa, chạy ra ngoài.
Tôi nhanh tay lượm cái cuốc dưới gầm giường, chưa bao giờ tôi thấy biết ơn sự dong dài của Trương ca đến thế.
Tôi đẩy nhẹ cánh cửa, lần này cánh cửa hợp tác hơn hẳn, mở ra không tiếng động, chắc cũng do Trương Tam đã sửa lại nó vài hôm trước.
Dưới ánh trăng, tôi thấy rõ ràng một bóng đen không hề được mời xuất hiện trong nhà mình.
Ăn trộm!
Tim tôi đập thình thịch, vội vàng nấp sau cây cột.
Gã trộm kia đang loay hoay chỗ chuồng gà, tôi nghi ngờ Đại Hoa và Tiểu Hoa đang gặp nạn.
Cái cuốc trong tay tôi bỗng nhiên nặng trĩu, mồ hôi bắt đầu túa ra làm tay tôi hơi trơn, tim lại đập rất nhanh, cả người nhanh chóng nóng lên.
Tôi hít một hơi sâu, cầm chắc cái cuốc trong tay. Đầu cuốc mà gõ trúng tên trộm, hắn không chết cũng tàn.
Tôi lẻn ra sau lưng hắn, nhiều ngày được ăn uống no đủ, ngủ đẫy giấc, tôi cảm thấy mình sức lực tràn trề. Tuy rằng trong lòng vẫn sợ hãi, nhưng…
Gà của tôi!
Gã trộm này thấp bé nhỏ con, tôi tuyệt đối có thể đánh bại gã!
Ôm tâm trạng chắc thắng như thế, tôi xông ra ngoài!
Hây da!
Lúc này, đột nhiên trong bếp lại có tiếng gào váng lên.
“Ui daaaaaa! AAAAA!”
Biến cố này không chỉ dọa giật mình tôi, còn dọa cả tên trộm hết hồn, gã quay phắt lại, rồi nhìn thấy tôi đang giơ cây cuốc.
Gã trộm lập tức thét: “Á!”
Tôi hoảng loạn, gần như không nghĩ được gì, cái cuốc chụp xuống.
Hụt!
Con mẹ nó, tôi đã dùng toàn sức bình sinh đập một cuốc, kết quả là đập trúng chuồng gà. Do lực quá mạnh, chuồng gà lập tức nứt toác một lỗ.
Trong giây phút nguy cấp, gã trộm lập tức ném thứ trong tay về phía tôi, nhưng rõ ràng kĩ năng của gã cũng chẳng ra sao, vì tôi lập tức né được.
Cơn giận dâng trào trong tôi.
Dám đến nhà tao trộm gà, bị phát hiện còn đánh tao á?
Tôi lập tức giơ cái cuốc lên.
Gã trộm co giò chạy, tôi lập tức đuổi theo, miệng thét to: “Đánh chết thằng ăn trộm! Làng nước ơi có ăn trộm! Nó ăn cắp gà của tôi!”
“Ăn trộm! Bắt thằng ăn trộm!”
Máu tiết cả người tôi dồn hết vào đầu, chân vọt lẹ, nhanh chóng chạy tới sau lưng gã trộm, tôi lại giơ cuốc lên, lần này tôi đập trúng vai hắn, dù chỉ sượt ngang một cái, nhưng chắc chắn là rất đau, vì gã trộm lập tức té vào luống rau.
Những chiếc bắp cải xanh tươi mơn mởn của tôi cứ thế bẹp dí dưới thân thằng ăn trộm.
Lúc này không có gì có thể ngăn cản cơn thịnh nộ của tôi nữa.
Kể cả những âm thanh toán loạn xung quanh.
Qua khóe mắt, tôi nhìn thấy một kẻ nữa từ trong bếp chạy ra, chân rõ ràng bị thọt, chạy hết sức vất vả còn gào rất to: “Nó cắn tôi! Nó cắn tôi! Cứu tôi với!”
Tôi chụp cái gáo múc phân lên đầu gã trộm đang loe ngoe trong luống rau. Đây là thùng phân bón tôi xin được của nhà thím Hoa, mùi hương cực kì ‘nồng nàn’. Chiều nay lẽ ra Trương Tam sẽ bón phân cho đống rau nhà chúng tôi, nhưng vì kì công tác đột xuất của hắn mà tôi quên béng mất.
Lúc này tôi lấy hết thúng phân úp lên đầu thằng ăn trộm, rồi lấy cuốc đập cho nó một trận.
Tới lúc tôi nhận ra thì xung quanh nhà tôi đã vây đầy người, người ta đốt đuốc sáng rực cả bên ngoài hàng rào, còn cánh đàn ông trong làng thì đã phá tan hoang cánh cửa khốn khổ nhà tôi, xông cả vào sân.
Lúc bọn họ đến vừa đúng lúc tôi đang dùng gáo múc phân đánh vào mông gã trộm: “Cho mày chết, cho mày chết! Dám ăn trộm đồ của ông à!”
Trung ca là người nhảy ra trước, hô to: “A Mộc, A Mộc, cậu dừng lại đi, hắn chết ngất rồi kìa!”
Nhưng cũng có người xông đến đánh phụ tôi, đó là Lâm Thạch: “Ê ê, thằng chó đẻ, dám đến nhà người khác ăn cắp à! Anh em đâu, đánh nó!”
Thế là cả đám trai tráng, có người can, có người xông vào đạp một cái, nhưng vì trên đầu gã trộm còn ụp thúng phân, cả người bốc mùi thúi quắc, nên chỉ có vài ba người trong số đám thanh niên là đánh vài cái, còn đa số đều bịt mũi tránh xa.
Lâm Thạch dính một chân đầy phân, ghê tởn muốn ói ra, còn Trung ca đã ôm vai đưa tôi tránh xa chiến trường.
Tôi không dễ dàng từ bỏ: “Trung ca, đừng vội, tôi còn thấy một thằng thọt chân nữa, nó chạy đâu ra sau bếp ấy.”
Trung ca xắn tay áo: “Cứ để đó cho tôi. Anh em đâu!”
Đám trai làng hô hào om sòm, tủa ra khắp nhà tôi, chưa đầy hai phút sau, hai kẻ trộm đã bị trói gô, có lẽ còn ăn một trận no đòn, bị ném đến trước sân.
Trưởng thôn Phú Quý họ Lý, có lẽ có dây mơ rễ má họ hàng với nhà Lý đồ tể, nhưng ông cũng từng giúp đỡ Trương Tam có nhà mới, nên tôi cũng không ghét ông, lúc nào ông cũng tỏ vẻ trang nghiêm, gương mặt quắc thước chưa bao giờ cười.
Lúc này, Lý thôn trưởng đang cầm cây đuốc, mặt mũi tràn ngập tức giận, ra lệnh cho đám trai làng: “Chiếu mặt chúng nó, coi là thằng nào dám bày trò ăn cắp trong làng Phú Quý này!”
Một thanh niên bịt mũi lấy tay hất thùng phân trên mặt gã trộm ra.
Mặt dù bị đánh bầm dập, nhưng vì chụp thùng phân trên đầu, nên mặt gã cũng không bị đánh nặng, dù dơ, dù thúi, chúng tôi cũng nhận ra gã là ai.
“Ngô Tứ? Không phải chị Tường nói anh lên núi bị lạc sao?”
“Ngô què? Mày làm gì mà đêm hôm đi ăn trộm thế này?”
Chúng trai làng mồm năm miệng mười, tay cầm đuốc sáng chói làm cả sân tôi sáng như ban ngày, qua mấy lời bàn tán xôn xao của họ, tôi dần sắp xếp được câu chuyện.
Hóa ra trời tối thì chị Tường vợ Ngô Tứ đến nhà Lý trưởng thôn khóc lóc, nói chồng mình vào núi nhặt củi từ sáng tới tối khuya mà chưa về, sợ là gặp nguy hiểm. Trưởng thôn lập tức triệu tập trai tráng trong làng, dự định vào núi tìm.
Chị Tường chỉ rằng chồng chị lên ngọn núi nhỏ này rồi đi lối của thợ săn, thế là bọn họ mới kéo nhau lên núi.
Nhưng đến nhà tôi thì nghe bên trong gà bay chó sủa, tiếng hô váng “ăn trộm” của tôi, thế là cả làng mới phá cửa nhà tôi chạy vào.
Rồi bắt gặp luôn kẻ ‘đi nhặt củi từ sáng nhưng đêm vẫn chưa về’ là Ngô Tứ, cộng thêm thằng anh họ Ngô què.
Hai kẻ này bắt đầu khóc lóc kêu oan: “Tôi có ăn trộm gì đâu, chưa gì đã đánh tôi? Tôi lên núi bị lạc đường, muốn vào nhà Trương học việc uống miếng nước thôi.”
Ngô què gào lên hung tợn: “Nhà thằng Trương nuôi con quái gì không biết! Nó cắn tôi suýt thì mất mạng đây này! Mấy người phải đền cho tôi!”
Lâm Thạch đứng ra khỏi hàng, nạt nộ: “Đừng có mà điêu, làm như bọn tao ngu si lắm không bằng? Nửa đêm mày trèo tường vào nhà người ta xin uống nước à? Còn thằng què, tao nói mày hay, đi ăn trộm cho dù bị chó của chủ nhà cắn chết, quan cũng không xử cho mày đâu! Bị cắn là đáng lắm!”
Tôi cũng chỉ vào mặt hai gã: “Ngô què vào bếp nhà tôi lục lọi, còn Ngô Tứ thì ăn trộm gà, tôi tận mắt thấy, đừng hòng chối.”
Trung ca khẽ kéo tôi: “A Mộc, Trương Tam đâu? Thằng Trương không có ở nhà sao?”
Tôi hít sâu một hơi: “Anh Trương đi làm rồi, may nhờ có ảnh để hết nông cụ dao kéo vào phòng tôi, nếu không tôi đã chẳng đánh lại được hai thằng trộm này.”
Một vài thanh niên đến chuồng gà và nhà bếp nhìn, sau đó báo lại với thôn trưởng: “Một con gà bị vặt cổ chết rồi, còn bếp thì đổ vỡ lung tung, lu gạo bị đổ giữa bếp.”
Nghe một câu người ta nói mà lòng tôi đau tới xoắn xuýt, Đại Hoa Tiểu Hoa của tôi, gạo của tôi, rau của tôi…
Ngô Tứ gào to tợn hơn: “Con chó cái Tường Lâm! *** mẹ mày con đĩ chó! Mày là cái thứ ăn hại! Mày hại tao! Rõ ràng là mày hại tao! Mày ăn không mắc *** à mà kêu mấy thằng rỗi hơi này đi tìm tao! Con chó cái! Tao không tha cho mày đâu!”
Chị Tường Lâm, vợ Ngô Tứ lúc này đang đứng sau lưng Lý trưởng thôn, bị chồng mắng chửi ra rả mà mặt chị chẳng hề thay đổi, chỉ càng cúi thấp đầu xuống.
Lâm Thạch tiến lên đá một cái vào ngực Ngô Tứ: “Đĩ mẹ mày im! Chẳng làm được cái thứ gì ra hồn! Chỉ biết mắng chửi vợ con. Chị Tường lo cho mày mới kêu cả làng đi tìm mày, còn mày thì đi ăn trộm, tao mà là mày lúc này, tao nhảy sông chết cho xong, đỡ phải mang nhục nhã thế này!”
Lý trưởng thôn quát: “Thôi ngưng đi! Ồn ào mất hết mặt mũi cả thôn!”
Ông quay sang tôi, vẻ mặt cau hẳn lại: “Vợ thằng Trương, nghe tao nói một câu được không?”
Tôi gật đầu: “Thưa, thôn trưởng cứ nói đi.”
Lý thôn trưởng vuốt chòm râu: “Chuyện hai thằng Ngô ăn trộm nhà mày, tao với thôn dân sẽ cho mày một câu trả lời, nhưng chuyện xấu không thể truyền ra ngoài. Tao và các già làng sẽ phạt hai thằng này thật nặng, bắt tụi nó bồi thường cho nhà mày… nhưng không cáo quan được đâu con ơi, mặt mũi làng này mất hết, sau này làm sao có cô nương chịu gả vào đây nữa… dân làng Phú Quý ra ngoài phải biết ngẩng mặt sống thế nào? Tao hứa sẽ bồi thường đủ cho nhà mày, chỉ là không cáo quan, để trong làng xử lí, mày thấy được không?”
Chuyện trộm cắp bình thường không bắt được thì thôi, hễ bắt được, chủ nhà có đánh chết thằng ăn trộm cũng không ai hó hé gì. Nhưng đúng là chuyện trong làng Phú Quý xưa nay vẫn luôn xử lí nội bộ, ai có tranh cãi gì thì để trưởng thôn và các già làng thương lượng xử lí, chưa từng cáo quan bao giờ.
Đây là cái gọi là ‘phép vua thua lệ làng’.
Bởi vì Trương Tam đi làm trong huyện thành, Lý trưởng thôn mới đứng ra thương lượng như vậy với tôi, chứ như bình thường, hai thằng họ Ngô này đã bị giải về đình làng thi hành án phạt rồi.
Tôi bèn thuận thế mà đáp: “Chuyện này con cũng không rành nữa, thưa cụ, cứ theo ý cụ đi ạ.”
Lúc này hàng mày của Lý thôn trưởng mới dãn ra: “Vợ thằng Trương hiểu chuyện đấy.”
Lúc này thì chị Tường đứng ra, Ngô Tứ vừa thấy bóng chị đã phát điên, luôn miệng chửi thề: “Con đĩ cái! Đồ giặc trời! Mày hại tao, tao đánh chết mày, về nhà tao sẽ đánh chết mày…”
Chị Tường không nhìn Ngô Tứ, mà vén váy quỳ xuống trước mặt trưởng thôn, chị khóc ròng: “Cụ Lý ơi, ngài nghĩ cho con mà xem, cụ ơi, giờ chỉ có cụ mới cứu được con, anh Ngô mà về, ảnh đánh con chết mất, con van cụ, con van cụ cứu con, xót con với…”
Ngô Tứ càng gào lớn lên: “Mày tính làm gì? Mày tính làm gì thế hả?”
Lý thôn trưởng cau mày: “Ai đỡ con Tường đứng lên xem nào, mày xin cụ là ý gì?”
Chị Tường khóc ròng ròng, nước mắt chảy như mưa: “Hôm nay con hại anh Ngô thế này, ảnh mà được về, chắc con với hai đứa con không sống nỗi, con xin cụ, xin cụ nghĩ cho con với… Đại Bảo mới sáu tuổi thôi, con gom đủ tiền cho nó đi học rồi, con với nó không muốn chết đâu! Cụ ơi!”
Lý thôn trưởng nhìn sơ qua Ngô Tứ, trong lòng đã hiểu rõ cơ sự. Lúc này thì cũng có người đứng ra đỡ chị Tường, là một cậu thiếu niên choai choai, luôn miệng gọi: “Chị ơi, số chị tôi khổ quá, anh rể thì đánh chị, còn nát rượu, sau hôm nay về biết có sống qua ngày nổi không…”
Lý thôn trưởng hết sức khó xử: “Thôi, cái Tường này, mày đứng dậy hẳn hoi đi đã, chưa chi đã khóc ngất ra thế, thôi về đình làng rồi tao phân xử…”
Chị Tường lắc đầu nguầy nguậy, tưởng chừng chết đi được, chị không gào to mà lại khóc tức tưởi: “Cụ làm ơn xót cho con, xót cho con với, mẹ con chúng con chết mất… Mẹ ơi, mẹ hãy nói cho cụ hay đôi câu đi mẹ ơi!”
Lúc này đột nhiên có một bà lão xuất hiện, bà cụ nhỏ thó không biết đứng trong góc từ khi nào, mà chẳng có nhiều người phát hiện ra. Lưng bà khòm tưởng chừng như sát đất, hai con mắt đục lem nhem, và gương mặt âu sầu buồn tịt. Cụ bà đi chậm, hai bên là hai thằng bé tôi vẫn quen, Tiểu Bảo và Đại Bảo, lúc này đang cặm cụi đỡ bà.
Hai đứa trẻ con chưa nói năng rành rọt cùng một bà lão gần đất xa trời xuất hiện, cảnh tượng lạ lùng mà thản nhiên lại xuất hiện trong sân nhà tôi.
Trưởng thôn ra chiều trách móc: “Quái, con Tường còn mời cả bà cụ, sao mày lẽ sự thế hả, đúng là đàn bà con gái! Không để bà cụ ngủ đi còn xốc vác cụ dậy làm gì?”
Hóa ra bà cụ vừa đến đây là mẹ của Ngô Tứ, bà cụ Ngô.
Ngô Tứ thấy mẹ, nhổ một bãi nhạt toẹt: “Gớm, bà ra đây làm gì thế? Trúng gió lại làm khổ tôi…”
Trưởng thôn nạt: “Ai bịt miệng thằng Ngô Tứ lại! Miệng mồm miệng quạ chẳng ra hồn!”
Bà cụ đã già lắm, hoặc cũng có khi chẳng già đến thế, nhưng cuộc sống chần vật mấy chục năm đã đè còng sống lưng người đàn bà khốn khổ này, âu cũng do đứa con độc nhất không bớt lo của cụ, cái đứa vừa đi ăn trộm nhà tôi bị bắt được.
Nhưng dáng vẻ gần đất xa trời của bà cụ lại làm Lý trưởng thôn phải nhường một phép: “Không thì để chúng tôi đưa cụ về nghỉ?”
Bà cụ Ngô chậm rãi lắc đầu: “Không về… hôm nay tao không nói rõ ra, sợ là hai đứa cháu của tao chết mất…”
Khóe mắt tèm nhèm của bà cụ rỉ ra nước mắt, đẩy thằng bé bên cạnh ra: “Đại Bảo ngoan, cho cụ Lý xem đi con, cháu ngoan của bà, đừng sợ…”
Đại Bảo lảo đảo bước ra giữa đám đông, dưới ánh đuốc sáng trưng, tôi thấy rõ từng biểu cảm trên gương mặt nhỏ bé của nó, cũng như những vết bầm tím nặng nề. Mặt thằng bé sưng phù cả lên, con mắt nhấp nháy nhìn những gương mặt vừa quen vừa lạ trước mặt, giống như một con thú non lọt vào giữa cuộc săn, ngây thơ mà sợ sệt. Chị Tường vẫn đang khóc, tiếng đàn bà rấm rứt và những người đàn ông im lặng tạo nên một bầu không khí quai quái, u buồn.
Tôi bước lên vài bước, trước khi mọi người kịp nhận ra, tôi đã ôm Đại Bảo vào lòng.
Thằng nhỏ rúc trên vai tôi, chẳng mấy chốc mà vai tôi ướt đẫm.
Cụ Ngô đứng cách đó vài bước lại lên tiếng: “Cậu thanh niên, xem dùm cụ người thằng Bảo, cháu trai của cụ, ôi cháu trai của cụ…”
Tôi cởi áo Đại Bảo, lúc thân hình nó lộ ra dưới ánh đuốc, tiếng đàn ông hít khí xung quanh dồn dập vang lên.
Khóe mắt tôi đỏ hoe, Đại Bảo cẩn thận ôm cổ tôi, không ngẩng đầu dậy.
Lâm Thạch tức giận nói: “Ai đánh nó, thằng nhỏ chết mất! Đưa đi đại phu đi chứ!”
“Thật quá đáng!”
“Còn ai ở đây đánh nữa! Người ta nói hổ dữ không ăn thịt con, đằng này…”
Tôi ngẩng mặt nhìn thôn trưởng, dường như mặt ông đỏ bừng lên, sừng sộ như bức tượng thần trước cổng chùa mà tôi từng thấy.
“Thằng Ngô mất trí rồi, chúng bây lôi nó về đình cho tao, chuyện này không xong đâu!”
Trong đám đông một vài thanh niên chạy ra, vây xung quanh tôi.
“Đưa thằng nhỏ lên huyện đi, đi tìm thầy lang.”
“Mượn xe bò nhà lão Từ ấy.”
Tôi ôm Đại Bảo trong tay, nhanh chóng đứng lên.
Mọi chuyện sau đó tôi không còn nhớ quá rõ nữa, chỉ nhớ thằng bé trong tay tôi nóng phừng phừng.
Chiếc xe bò chạy đi trong đêm.