Những sự kiện trong truyện đã được chính sử ghi chép lại thế nào? (P1-12)
Hay tên khác là Theo dòng chính sử =))))))
( Không phải một chương của truyện đâu, chỉ là thông tin thôi. Dành cho những bạn thích nghiên cứu về lịch sử và những bạn muốn biết chúng mình đã phát triển tình tiết truyện thế nào. Không hứng thú có thể bỏ qua 😛 )
Phần 1: Cuộc gặp gỡ giữa Trần Anh Tông và Đoàn Nhữ Hài.
***Theo Đại Việt sử ký toàn thư***
Trần Anh Tông thời trẻ thích uống rượu. Vào khoảng năm 1299, có lần vua uống rượu xương bồ say khướt, Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường về kinh cũng không biết mà nghênh đón, khiến Thượng hoàng nổi cơn thịnh nộ.
Tỉnh rượu, vua cuống cuồng đến phủ Thiên Trường nhận tội, trên đường đi ngang qua chùa Tư Phúc thì gặp Đoàn Nhữ Hài đang ngồi đọc sách, liền nhờ viết bài biểu để vua tạ tội với Thượng hoàng.
Toàn thư chép:
“Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của Quan gia. Thượng hoàng không nói gì.
Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Thượng hoàng hỏi: “Người ở trong sân có còn đấy không?”
Nội nhân đáp rằng còn.
Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết cho gọi vua vào bảo: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”
Vua rập đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: “Ai soạn biểu cho ngươi”
Vua thưa: “Đó là thư sinh Đoàn Nhữ Hài”.
Thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo: “Bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm”
Rồi xuống chiếu cho Quan gia lại vẫn làm vua; các quan về triều như cũ.”
Với công lao giúp vua thoát khỏi cơn thịnh nộ của thượng hoàng, Đoàn Nhữ Hài đã được phong làm Ngự sử trung tán, khi còn chưa đầy 20 tuổi.
Việc một thư sinh trẻ tuổi chưa hề đỗ đạt gì, lại không phải hoàng thân quốc thích, mà được đưa lên một cương vị trọng yếu như vậy đã không khỏi khiến thiên hạ đàm tiếu.
Nhiều người thời đó ganh ghét chế giễu Đoàn Nhữ Hài rằng: “Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán”. ( Dịch: Ôn câu cổ ngữ đài Ngự sử. Miệng sữa còn hôi Trung tán Đoàn”).
***
***Theo Đông A di sự***
Thời còn đang chuẩn bị cho kỳ thi Thái học sinh, Đoàn Nhữ Hài là một học trò của trường Quốc Tử Giám tại kinh thành Thăng Long. Vào một ngày nọ, cậu đến chơi chùa Diên Hựu (*), tình cờ gặp một vị hòa thượng. Nghe nói người tu hành có thể đoán biết tương lai, Đoàn Nhữ Hài đã tò mò hỏi về con đường làm quan của mình.
(*) Nay là chùa Một Cột.
Vị hòa thượng hỏi Đoàn Nhữ Hài ngày tháng năm sinh rồi bấm đốt ngón tay thong thả nói: “Số của tiên sinh là số tá cửu trùng ư kim điện, nghĩa là số phò tá Vua ở sân rồng, tức là số làm tới Tể tướng […] đại hỷ sự sẽ đến một cách bất ngờ. Khi tiên sinh bị ngựa đá hoặc cắn thì là lúc công danh tới đấy”.
Đoàn Nhữ Hài nghe xong thì mừng lắm, trở về chăm chỉ học hành. Nhưng tháng sau khi cậu thi khảo hạch của Quốc Tử Giám thì bị trượt vì lời văn ngông nghênh, kênh kiệu quá.
Đoàn Nhữ Hài giận lắm, tìm tới vị hòa thượng trách mắng: “Hôm trước đại sư đoán rằng sau này tôi sẽ làm Tể tướng, thế sao tôi thi trượt? Không đậu thì làm sao thi Thái học sinh được? Không đậu Thái học sinh thì sao có thể làm Tể tướng?”
Vị hòa thượng điềm tĩnh giảng giải:
“Bần tăng đoán tiên sinh làm Tể tướng, chứ có đoán tiên sinh thi đậu đâu? […] khi nào tiên sinh gặp ngưạ cắn hoặc đá là lúc gặp Vua. Đây tôi cho tiên sinh biết: ngày 13/6 này tiên sinh sẽ được gần Thiên tử”.
Cuối cùng, vị hòa thượng còn không quên dặn dò: “Sau này ở địa vị cực cao quý, tiên sinh phải thương yêu muôn dân”.
Đoàn Nhữ Hài khấp khởi mừng thầm, về chờ đến ngày 13/6. Tuy nhiên ngày hôm đó chờ mãi mà chẳng có gì lạ. Cậu ta lại tức tốc tìm đến chùa Diên Hựu hỏi tội hòa thượng. Nhưng trên đường đi, cậu đụng phải một người đang cưỡi ngựa, ngã lăn vào bụi cỏ.
Đoàn Nhữ Hài tóm lấy dây cương hạch tội: “Nhà ngươi đi đâu mà có mắt như mù đụng phải ta?”
Người cưỡi ngựa, mình chỉ mặc áo lót, mũ đội ngược phía sau ra trước, nhảy xuống ngựa tạ lỗi: “Xin lỗi tiên sinh, tôi đi tìm cha tôi để tạ lỗi. Tiên sinh có biết chữ không? Tôi muốn nhờ tiên sinh một việc đây!”
Đoàn Nhữ Hài bức xúc: “Ta học trường Quốc tử giám, sắp thi Thái học sinh, thì Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo đều thông. Sao lại không biết chữ?”
Biết Hài đang buồn vì thi rớt, người cưỡi ngựa tiếp lời: “Vậy tiên sinh làm dùm tôi bài biểu tạ tội với cha tôi, tôi sẽ bảo quan Quốc Tử Giám tư nghiệp cho tiên sinh đậu. Năm sau thi Thái học sinh tôi sẽ lấy tiên sinh đậu Trạng nguyên, được chăng?”
Đoàn Nhữ Hài tiếp tục lớn tiếng: “Nhà ngươi có biết, chỉ có một người cho Thái học sinh đậu Trạng nguyên, đó là Vua. Nhà ngươi là ai mà dám nói lớn lối như vậy?”
Người kia đáp: “Tôi là Vua đây”.
Lúc này Đoàn Nhữ Hài thất kinh hồn vía, nhìn lại thấy người này dù mặc áo lót, mũ đội ngược phía sau ra phía trước, nhưng mũ ấy là mũ của thiên tử, chân đi hài bên thêu Long, bên thêu Phụng. Hài quỳ xuống tung hô vạn tuế và tạ tội.
– Hết phần 1-
***
Những sự kiện trong truyện đã được chính sử ghi chép lại thế nào? (P2)
( Không phải một chương của truyện đâu, chỉ là thông tin thôi. Bạn nào không muốn đọc có thể bỏ qua 😛 )
Phần 2: Đôi nét về vua Trần Anh Tông (1)
***Theo Đại Việt sử ký toàn thư***
– Sinh ngày 25 tháng 10 năm 1276 (Cung Thiên Yết đọ) =)))))))
– Tên húy: Trần Thuyên.
– Hoàng đế thứ tư của Hoàng triều Trần. Trong thời gian trị vì chỉ có một niên hiệu là Hưng Long, nên gọi là Hưng Long Đế, được nhường ngôi năm 17 tuổi.
***Vài câu chuyện thú vị***
1. Khi mới lên nối ngôi, Trần Anh Tông thích uống rượu và thường đi chơi thâu đêm, có lần bị một số người “vô lại” ném gạch trúng đầu (có bản ghi là củ đậu). Thượng hoàng hỏi, vua cứ y vậy mà thưa, khiến Thượng hoàng giận dữ hồi lâu.
2. Anh Tông cũng là người bãi bỏ tục xăm hình rồng vào đùi của các vua Đại Việt. Toàn thư ghi lại, Thượng hoàng đã triệu Anh Tông đến cung Trùng Quang và bảo rằng: “Dòng dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được”.
Khi đó thợ xăm đã chờ sẵn trước cổng cung, nhưng thừa lúc Thượng hoàng nhìn sang hướng khác, Anh Tông về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa.
Thượng hoàng bảo: “Quan gia đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho Quốc Chẩn vậy”.
( Tội cho anh vương gia… )
3. Năm 1293, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt ép Anh Tông sang chầu. Anh Tông cáo bệnh không đi, đồng thời cử Đào Tử Kỳ đi triều cống. Hốt Tất Liệt sai giam Tử Kỳ tại và chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Tuy nhiên, công việc chuẩn bị chưa hoàn tất thì Hốt Tất Liệt chết; tân hoàng đế Nguyên Thành Tông ra lệnh bãi binh và trả Tử Kỳ về nước. Quan hệ Nguyên-Việt trở lại bình thường.
( Cứng ghê luôn ) =))))))
– Hết phần 2 –
Lời tác giả: Chuyên mục mới mở, hy vọng mọi người ủng hộ 😛
Phần 3: Vụ án đại quan triều đình Đoàn Nhữ Hài thông dâm cùng cung nữ Giao Châu.
***Theo Đông A di sự***
Đoàn Nhữ Hài sinh năm 1280, quê ở tỉnh Hải Dương.
Sau khi giúp vua thoát tội, Đoàn Nhữ Hài được Thượng Hoàng Nhân Tông khen ngợi: “Ta đang lo không có một văn thần trẻ tuổi phò tá con ta. May gặp tiên sinh đây là người trung liệt, văn thao võ lược, chí cả tâm hùng, đáng là bậc Đại thần vậy”.
Lúc này Đoàn Nhữ Hài mới kể câu chuyện gặp một hòa thượng ở chùa Diên Hựu và đoán trước việc gặp được Vua, mọi việc ngẫm lại quả nhiên chính xác vô cùng. Thượng Hoàng cười bảo Đoàn Nhữ Hài: “[…] Người xem tử vi cho tiên sinh là ngài Tuệ Trung đấy. Chính bần tăng là đệ tử của ngài đây. Số của tiên sinh là số của bậc tể thần. Sau này làm nên sự nghiệp hiển hách. Nhưng tiếc rằng […] vì má đào mà sự nghiệp tan vỡ, chết bởi nghiệp tình, đáng tiếc thay.”
Nói rồi, Thượng Hoàng liền lấy từ bìa cuốn kinh Kim Cương viết mấy chữ “Tứ đại giai không, miễn tử”, trao cho Đoàn Nhữ Hài.
Năm 1301, mối tình của Đoàn Nhữ Hài với cung nữ tên là Giao Châu bị phát hiện.
Luật của triều đình lúc đó rất khắt khe với tội ngoại tình, ngay cả đối với thường dân thì dâm phu sẽ bị tử hình, dâm phụ xử thế nào còn tùy người chồng có tha thứ hay không.
Vì thế Đoàn Nhữ Hài và cung nữ đều bị khép vào tội xử trảm, may sao có kim bài miễn tử của Thượng hoàng đưa cho nên thoát chết và xin được tác hợp. Trần Anh Tông đồng ý.
– Hết phần 3 –
***
Những sự kiện trong truyện đã được chính sử ghi chép lại thế nào? (P4)
( Không phải một chương của truyện đâu, chỉ là thông tin thôi. Bạn nào không muốn đọc có thể bỏ qua 😛 )
Phần 4: Văn Đức Phu nhân.
***Theo Đại Việt sử ký toàn thư***
Nhà Trần có chế độ nội hôn, thực chất là sự liên kết giữa hai nhánh Chiêu Lăng và Vạn Kiếp, nhằm để bảo vệ ngai vàng không lọt vào tay người ngoài và giảng hòa sau vụ tai tiếng “Lí phế hậu”.
Năm 1292, Trần Thuyên được sách phong làm Hoàng Thái tử, khi ấy 16 tuổi. Trần thị – con gái của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng được phong làm Hoàng Thái tử Phi, tức Hoàng hậu tương lai.
Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Thuyên, tức Trần Anh Tông, nhưng Trần thị chỉ được phong làm Văn Đức Phu nhân, một thời gian sau thì bị phế bỏ. Kết cục không rõ.
Ngay sau đó, em gái ruột của bà tiến cung, và cũng chỉ được phong làm Thánh Tư phu nhân, trong khi trước đó các vị Hoàng đế nhà Trần luôn lập con gái của nhánh Vạn Kiếp làm Hoàng hậu. Ba người con trai của Thánh Tư phu nhân đều mất sớm, chỉ có một con gái là Thiên Chân Công chúa.
Trong khi đó, Anh Tông lại sủng hạnh Huy Tư Hoàng phi – con gái của Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng cùng vợ cũ, sau khi Bảo Nghĩa vương mất, bà được Thụy Bảo Công chúa (con gái Trần Thái Tông, vợ sau Bảo Nghĩa vương) nuôi dạy.
Thứ phi này hạ sinh con trai duy nhất của Anh Tông, Hoàng tử Trần Mạnh.
Năm 1309, Thánh Tư Phu nhân được phong làm Bảo Từ Hoàng hậu.
Từ sau sự kiện 2 chị em con gái Hưng Nhượng vương, thì dòng dõi Vạn Kiếp không còn ai được lập làm Hoàng hậu của triều Trần nữa.
– Hết phần 4 –
Phần 5: Mạc Đĩnh Chi và Ngọc Tỉnh Liên Phú.
***Theo Lịch triều hiến chương loại chí***
Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280 ( có nơi ghi 1272), tên tự Tiết Phu, hiệu Tích Am, quê Hải Dương. Là đại thần triều Trần.
Tương truyền, ông thông minh hơn người, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Vì nhà nghèo, Đĩnh Chi không thể đến lớp cùng bè bạn mà chỉ đứng ngoài nghe lỏm thầy giảng bài.
Sau, ông lên kinh thành làm học trò Quốc Tử Giám, thi đỗ Thái học sinh, rồi năm 1304 đỗ Trạng Nguyên, thời vua Trần Anh Tông.
Do tướng mạo xấu xí, nên khi mới đỗ nhà vua chê ông xấu. Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Sen trong giếng ngọc) để tự ví mình với sen. Trong bài phú có đoạn:
Há rằng trống rỗng bất tài
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.
Nếu ta giữ mực thẳng ngay.
Mưa sa gió táp xem nay cũng thường
Vua Trần Anh Tông xem rồi khen hay, thăng làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.
– Hết phần 5 –
Lời tác giả: Mạc Đĩnh Chi cùng năm sinh, cùng quê với Đoàn Nhữ Hài, lại cùng học ở Quốc Tử Giám, quá nhiều điều trùng hợp nên mới nghĩ ra tình tiết hai người là bạn thân từ nhỏ 😛
#DLL
Phần 6: Nguyễn Sĩ Cố trong lịch sử là người như thế nào?
***Theo Địa chí Hải Dương***
Nguyễn Sĩ Cố sinh khoảng giữa thế kỷ 13 tại làng Bình Lãng, (nay thuộc tỉnh Hải Dương).
Ông vốn thông minh, chăm học, âm thầm dùi mài kinh sử mặc dù điều kiện rất khó khăn. Cha mẹ ông là bần nông, tham gia chiến tranh du kích tại địa phương.
Ông thường phải lao động cực nhọc trong cuộc sống thiếu thốn nơi thôn quê, nơi mà chẳng ai nghĩ rằng ông luôn ấp ủ một ý chí lớn lao để dành khoa bảng và cống hiến tài năng cho việc trị vì đất nước.
Vì vậy sau khi ông đỗ khoa thi Hội, không có người nào nghênh đón Trạng Nguyên Nguyễn Sĩ Cố.
Vì lý do này ông đã chọn Cẩm Giàng, Hải Dương làm quê hương của mình – nơi ông nhận được sự đón tiếp một cách trịnh trọng.
Năm Giáp Tuất (1274) ông được vua Trần Thánh Tông cho vời vào cung trao chức Nội thị học sĩ để dạy Thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông sau này.
Đến năm Bính Ngọ (1306) dưới triều Trần Anh Tông, ông được thăng chức Thiên Chương các Học sĩ, trông coi việc giảng ngũ kinh ở gác Thiên Chương, thỉnh thoảng giảng sách cho vua học.
Lời tác giả: Nguyễn Sĩ Cố sinh vào giữa thế kỷ 13, thế nên chúng mình đã đặt năm sinh của ông là 1254. Tức khi được mời vào dạy Thái tử Trần Khâm (tức vua Nhân Tông sau này) ông khoảng 20 tuổi. Điều này cũng không vô lí, vì theo sử sách ông đỗ Trạng Nguyên (kì thi Hội) khi còn khá trẻ. Trần Khâm thời điểm này mới chỉ 16 tuổi, tức nhỏ hơn Nguyễn Sĩ Cố 4 tuổi.
Tuy nhiên từ năm 1274, ông không còn lần thăng chức nào, cho tới năm 1306 (32 năm sau đó) mới được làm Thiên Chương các Đại học sĩ. Chúng mình đã dựa vào lỗ hổng thời gian này để viết về một Sĩ Cố mới, chính là Sĩ Khanh – người con trai thay cha sống tiếp trong truyện.
Sĩ Khanh của chúng mình sinh năm 1275, hơn Trần Thuyên 1 tuổi 😛
***
Những sự kiện trong truyện đã được chính sử ghi chép lại thế nào? (P7)
Phần 7: Đoàn Nhữ Hài trị an hai châu Ô, Lý
***Theo Đại Việt sử ký toàn thư***
Mùa xuân, tháng Giêng năm 1307, Trần Anh Tông đổi hai châu Ô, Lý thành Thuận, Hóa, phong Hành khiển Đoàn Nhữ Hài làm Kinh lược Nghệ An, sai đến vỗ yên dân hai châu đó.
Trước đây chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý, thu phục nhân tâm. Thông qua các biện pháp như bổ nhiệm quan tước, phân phát ruộng đất và xá thuế nhiều năm cho người bản địa, Nhữ Hài đã duy trì được ổn định tại vùng đất địa đầu phía Nam.
***Theo Wikipedia***
“Đê thời Lý được quan tâm đắp nhưng chưa có quy hoạch quy mô, nhiều lần nước vẫn tràn vào kinh thành. Năm 1238 và 1243, nước lại tràn vào cung điện. Năm 1248, Trần Thái Tông lập ra cơ quan Hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách đê điều tại các lộ phủ. Việc đắp đê thực hiện suốt từ đầu nguồn cho tới bờ biển để ngăn nước lũ tràn ngập, gọi là đắp đê quai vạc.
Đắp đê quai vạc được xem là bước ngoặt to lớn trong lịch sử thủy lợi Việt Nam. Triều đình trực tiếp tổ chức đắp đê trên các triền sông và có cơ quan chuyên trách chỉ đạo quản lý đê điều. Triều đình đã bỏ ra nhiều tiền của cho công trình này, đoạn đê nào lấn vào ruộng đất tư nhân thì được đền bù. Hiện nay nhiều địa phương ven sông Hồng vẫn còn đê quai vạc.
Việc đắp đê quai vạc không chỉ thực hiện ở đồng bằng sông Hồng mà còn thực hiện tại Thanh Hóa, Nghệ An.
Đê đỉnh nhĩ không phải là công trình mới và không chỉ đắp một lần có thể xong. Trên cơ sở những đê vùng cũ, nhà Trần cho đắp nối lại, hợp nhất thành tuyến từ đầu nguồn tới biển cho đê to hơn và vững hơn.
Việc hộ đê mùa lũ lụt được triều đình rất quan tâm. Triều đình quy định khi có lụt thì mọi người cùng phải có trách nhiệm. Vua đi thân chinh và huy động cả học sinh trường Quốc Tử Giám.
Ngoài đắp ngăn nước sông, nhà Trần còn tổ chức đắp đê biển ngăn nước mặn. Đê biển là những công trình mới có từ thời Trần. Các quý tộc nhà Trần thường cho nô tì đắp đê tại ven biển các điền trang.”
Phần 8: Huyền Trân Công chúa và Trần Khắc Chung
***Theo Wikipedia***
Năm 1307, vào tháng 5, quốc vương Chế Mân chết. Nghĩa là chỉ một năm sau khi cuộc liên hôn giữa Đại Việt và Chiêm Thành diễn ra. Thế tử Chế Đa Đa (*) sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và có thể cũng để báo tang sự việc này.
(*) Có nơi là Đa Da.
Theo Đại Việt sử ký chép lại, Trần Anh Tông khi đó nghe rằng theo tục nước Chiêm, Quốc vương chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn táng. Trần Anh Tông liền cử Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu công chúa. Trần Khắc Chung thành công, cứu được công chúa và đưa xuống thuyền, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm và theo Đại Việt sử ký thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa.
Trong cuộc hành trình trở về, công chúa còn đưa theo Thế tử Đa Đa, vì vậy về sau không ít người cho rằng Thế tử là con của công chúa. Tuy nhiên xét theo hành trạng có thể cử sứ thần sang báo tang, Thế tử rất có thể chẳng phải là con của Huyền Trân công chúa, và việc đi cùng với công chúa về là do lý do chính trị nào đó mà thôi.
Phần 9: Ý Trinh Công chúa
***Theo Wikipedia***
Ý Trinh công chúa được đề cập gả cùng các công chúa Thiên Chân, Huy Chân, Huệ Chân cùng Thánh Chân, nhưng dòng tộc họ Trần có lệ phong con gái vương thân làm công chúa nữa (như Nghi Thánh Hoàng hậu). Xét theo tên gọi, con gái Anh Tông đều có chữ Chân, như con gái Trần Nhân Tông cũng đều là Trân, nên rất có thể Ý Trinh Công chúa là vương nữ nào đó, chứ chưa chắc là con gái Trần Anh Tông.
Phần 10: Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên
***Theo Wikipedia***
(*) Tại cửa ải:
Thử thách văn chương đầu tiên là do trời mưa nên Sứ bộ đến cửa ải Pha Lũy bị trễ. Quan trấn ải phía Trung Quốc không chịu mở cổng thành, song vì biết danh tiếng ông, nên thử tài bằng câu đối:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
Nghĩa là: Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
Ông đã đáp lại:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.
Quan giữ ải phục tài, lập tức mở cửa ải đón sứ bộ và tiếp đãi rất long trọng.
(*) Buổi tiếp kiến đầu tiên:
Khi đến Đại Đô (nay là Bắc Kinh, Trung Quốc), thấy Mạc Đĩnh Chi người thấp bé, nên người Nguyên tỏ ý khinh khi. Trong buổi tiếp kiến đầu tiên người đã ra câu đối:
Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố
Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vừng trăng. Hàm ý là đại quốc đủ sức đốt cháy nước nhỏ.
Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:
Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô
Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, buổi chiều tối bắn rụng mặt trời. Hàm ý là nước nhỏ cũng có thể chống lại nước lớn trong hoàn cảnh thích hợp.
(*) Bức tranh chim sẻ:
Khi Tể tướng mở tiệc chiêu đãi sứ bộ Việt, ông thấy trong phủ Tể tướng có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc rất đẹp. Đĩnh Chi kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói:Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi.
(*) Bài minh cái quạt:
Khi vào chầu vua Nguyên Vũ Tông, đang cuối mùa hè oi bức, có người của Sát Hợp Đài hãn quốc dâng cái quạt, ông phụng mệnh làm bài minh vào cái quạt. Sứ thần nước làm xong trước, có 4 câu, 16 chữ, Mạc Đĩnh Chi trông thế bút viết, biết được bài của sứ thần rồi, liền theo ý mà làm phiên câu văn đi, lại dẫn thêm 3 câu ở trong truyện làm câu kết, được khen thưởng hơn, đủ biết ông có tài và nhanh lắm, người Nguyên càng thêm thán phục. Bài minh của sứ :
Uẩn long trùng trùng,Y Doãn, Chu Công.Vũ tuyết thê thê,Bá Di, Thúc Tề.
Bài của Đĩnh Chi:
Lưu Kim thước thạch thiên địa vi lô,nhĩ ư tư thời hề Y Chu cự nho;Bắc phong kỳ thê vũ tuyết tái đồ,nhĩ ư tư thời hề Di Tề ngã phu.Y,dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng,duy ngã dữ nhĩ hữu thi phù.(*) Văn tế Công chúa:
Trong thời gian sứ bộ lưu ở , có một công chúa nhà Nguyên chết, sứ thần Việt Mạc Đĩnh Chi được cử đọc văn tế. Để thử tài sứ giả nước Việt, quan Bộ Lễ trao cho ông trang giấy chỉ có 4 chữ Nhất. Thật là một tình thế hết sức hiểm nghèo, nhưng rồi ông rất bình tĩnh ứng khẩu đọc:
Thanh thiên nhất đóa vân,Hồng lô nhất điểm tuyết,Thượng uyển nhất chi hoa,Dao trì nhất phiến nguyệt.Y ! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !
Dịch nghĩa:
Một đám mây trên trời xanhMột bông tuyết trong lò lửa đỏMột nhành hoa trong vườn thượng uyểnMột vầng trăng Dao TrìÔi ! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !
Ý rằng: trên trời có một đám mây, trong lò lửa có một bông tuyết, trong vườn hoa có một nhành hoa, trong hồ nước có một mặt trăng! than ôi! mây tan hết, tuyết tan rồi, hoa tàn héo, trăng không tròn!
(*) Câu đố chết người:
Khi sứ bộ bái biệt vua Nguyên Vũ Tông để về nước, thì họ ra câu đố hiểm hóc:
Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?
Vào thời kỳ đó, trả lời sai sẽ bị tội phanh thây, chém đầu hoặc lưu giữ lại, dẫn đến nước Việt mất nhân tài. Nhưng ông đã trả lời:
Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhẩy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình.
Cuối cùng ông được ra về.
Phần 11: Về Lý Long Tường và tôn thất còn lại của triều Lý
***Theo Wikipedia***
Lý Long Tường sinh năm 1174, là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông, em trai vua Lý Cao Tông.
Năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý, ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, sau đó tiến hành tàn sát con cháu nhà Lý , buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, đày lên vùng núi non hiểm trở phía bắc.
Năm 1226, để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc, vái lậy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, chạy ra biển Đông trên ba hạm đội.
Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Con trai ông là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Trên đường đi tiếp đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, thuộc bờ biển phía tây Cao Ly.
Vua Cao Tông của Cao Ly trước đó nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.
Tại đây Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Cho mở Độc thư đường dạy văn và Giảng võ đường dạy võ. Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.
Phần 12: Trần Kiện đầu hàng quân Nguyên Mông.
***Theo Wikipedia***
Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang (Tĩnh Quốc vương trên danh nghĩa là con trưởng của Trần Thái Tông nhưng thực ra là con của Khâm Minh đại vương Trần Liễu – anh trai của Thái Tông), được phong tước Chương Hiến Thượng hầu.
Tương truyền, ông có tướng mạo khôi ngô, đọc thuộc binh thư, giỏi việc bắn cung, cưỡi ngựa. Do vậy, ông được triều đình tin tưởng cho thay cha lĩnh chức, được ban hôn với Quỳnh Huy Công chúa – con gái của Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, sinh con được phong là Mặc hầu. Ông được xem là người có tính khiêm cung nho nhã, độ lượng, đãi kẻ dưới rất có ơn, nhân dân ai cũng thương mến.
Năm 1284, ông về làng Nhân Mục ẩn cư. Trong năm đó Thoát Hoan dẫn quân xâm lược Đại Việt, nhà Trần thua, tỏ ra hoảng hốt, không có kế hoạch đối phó, bèn sai Trần Kiện đem quân chống cự với Toa Đô.
Do binh lực tại chỗ không đủ, lại không có viện binh, không rõ tin tức của vua tôi nhà Trần, nên tháng Giêng năm 1285, Trần Kiện đem bọn Lê Tắc cùng vài vạn người, dâng binh khí xin đầu hàng. Thoát Hoan khen ngợi và ban thưởng xiêm áo, yên cương.
Tháng Tư, Thoát Hoan sai người hộ tống Trần Kiện về phương Bắc triệu kiến Hốt Tất Liệt. Tuy nhiên đoàn người ngựa đến ải Chi Lăng thì bị quân triều đình phục kích ngày đêm vây đánh. Trần Kiện cùng các quan phá vòng vây chạy ra đằng trước, lại bị dân quân đón đánh, xe cộ chở lương thực đều bị cướp phá sạch. Trần Kiện bị Nguyễn Địa Lô bắn chết.
Quỳnh Huy Công chúa tái giá, không được bao lâu thì qua đời.
Lời tác giả: Để mọi người dễ hình dung, mình đã vẽ sơ đồ. Đây là quan hệ của các nhân vật trong truyện. Trong lịch sử chỉ tồn tại Lý Long Tường, Lý Long Hiền, Trần Cảnh, Trần Quốc Khang, Trần Kiện, một người con trai không rõ tên của Trần Kiện được phong làm Mặc hầu, Quỳnh Huy Công chúa – vợ của Trần Kiện và Nguyễn Địa Lô thôi nha. Mối quan hệ của những nhân vật lịch sử với nhau là thật, còn mối quan hệ của những nhân vật lịch sử với những nhân vật không có thật là do chúng mình tự tạo ra.
#DLL
TianDiLingLing