Còn ba ngày nữa là đến Tết nguyên đán, tôi nhận được tin dữ.
Năm nay tôi không có quần áo mới.
Vi Vi đối với việc này hết sức thông cảm, phản ứng Lâm Lỗi không giống những đứa trẻ con, cô ấy nói năm mới cũng không nhất thiết phải mặc quần áo mới, chỉ cần có thể cùng người nhà đoàn tụ bên nhau, đó chính là ăn Tết.
Nhưng gần một năm nay tôi không có quần áo mới, huống hồ gì em trai có quần áo mới mà tôi lại không.
Mẹ nói: “Qua năm rồi mua quần áo mới, cửa ải cuối năm vất vả, trong nhà khó khăn lắm, con là con lớn, cần hiểu nỗi khó xử của cha mẹ, đừng vô cớ gây rối.”
“Nhưng mà tại sao em trai lại có quần áo mới.” Làm con, tôi chỉ hy vọng tìm kiếm một chút công bằng đáng thương như vậy.
“Vì em là em trai.”
Bởi vì tôi là chị, cho nên chị là mang ý nghĩa nhường nhịn, hy sinh, từ bỏ việc là một đứa trẻ hay sao?
Tôi là chị, nhưng cũng chỉ là một đứa trẻ con chưa lớn.
“Tĩnh Tĩnh, đừng buồn, hay là chúng ta lấy tiền trong heo đất ra mua quần áo mới cho cậu?” Vi Vi đặt con búp bê trên tay xuống, an ủi tôi.
Lâm Lỗi hào phóng nói: “Đúng đó, Tĩnh Tĩnh, hoặc tớ đem quần áo của mình cho cậu mượn mặc.”
Vi Vi bĩu môi: “Nhị Lỗi, đồ thể thao mà cậu tặng tớ tớ chẳng mặc được, nó là quần áo con trai.”
Lâm Lỗi: “Cậu không biết rồi, quần áo đó của tớ của hiệu Lý Ninh đấy, mặc vào cực ngầu, lại còn tiện lợi.”
Vi Vi: “Dù gì thì cũng không đẹp, không bằng quần áo mới của tớ.”
Tôi chán nản thở dài: “Mấy cậu không hiểu, vấn đề không phải là quần áo mới.”
“Vậy là vấn đề gì.”
“Tớ cảm thấy ba mẹ thích em trai hơn.”
Vi Vi không đồng tình: “Tớ còn thấy ba mẹ thích anh trai hơn, quần áo giày mua cho anh đều là hàng hiệu, đồ của tớ là hàng rẻ tiền trên phố.”
Lâm Lỗi nói: “Tớ nghĩ cơ bản mẹ tớ không thích tớ, bà ghét tớ.”
Nghe Lâm Lỗi nói, thế mà lòng tôi có một sự cân bằng xấu xa. So sánh với Lâm Lỗi và mẹ Lưu Xảo Ca thì ba mẹ tôi đối với tôi còn cưng chiều, ít nhất là theo ý nghĩ của tôi.
Bà Lưu Xảo Ca bưng một dĩa táo cắt sẵn đứng ở cửa, bà sững sờ khi nghe những lời của con gái thứ ba của mình, trái tim người làm mẹ như bị đánh một đòn mạnh…Hóa ra trong mắt con gái, bà là người mẹ như thế, mà không phải là do chính tay bà tạo nên sao? Ngay từ đầu bà đã không thừa nhận sự tồn tại của đứa con gái này, bà muốn chính là một đứa con trai chưa hề tồn tại.
Vi Vi trêu chọc: “Nhị Lỗi, đừng nói quá thế, tớ còn cảm thấy mẹ tớ rất ghét mình nè, bà cảm thấy tớ không có gì tốt, học không giỏi, cũng không nghe lời, suốt ngày chỉ nghĩ tới việc chơi bời, đánh nhau với anh cả ngày.”
Tôi cũng bắt đầu phụ họa: “Đúng đúng, mẹ tớ cũng rất ghét tớ, bà luôn muốn nhận Trương Gia Vũ làm con nuôi, cảm thấy tớ không bằng một phần ngàn Trương Gia Vũ.”
Lâm Lỗi nhún vai, cô biết việc mình nói “ghét bỏ” của mình không giống như cái sự “ghét bỏ” trong lời hai người bạn mình.
Bà Lưu bưng dĩa táo đứng ở cửa một lúc, vừa định giả vờ như không có chuyện gì để bước vào thì có người gõ cửa.
“Ai đó?” Nhị Lỗi ngồi trên sô pha trong phòng khách hỏi to.
“Tớ đây.” Chỉ cần nghe hai tiếng này thì có thể biết người đến là ai.
Không đợi chủ nhà đồng ý, Châu Kiệt Thụy đã tự mình đi vào. Cậu biết Lâm Lỗi chắc chắn không chào đón mình, nhưng mà bà mẹ mạnh mẽ của cậu lệnh cậu đem thuốc bổ và quà tặng đến đây, lệnh mẹ không dám trái.
Châu Kiệt Thụy vừa vào thì đụng mặt Lưu Xảo Ca, cậu ta cúi đầu: “Chào cô ạ, cháu đến đưa ít đồ cho Nhị Lỗi.”
Lưu Xảo Ca khẽ gật đầu. “Vào đi, cô vừa gọt táo, cháu cũng vào ngồi ăn cùng đi.”
“Không cần không cần, cảm ơn cô, cháu đưa đồ là được, cháu còn về nhà giúp mẹ lau kính.” Châu Kiệt Thụy xách bao lớn bao nhỏ đặt trên bàn trà trước mặt Lâm Lỗi.
“Nhị Lỗi, đây là đồ bổ mà ba tôi mua từ Tây An về, còn có ít quà, cậu nhận đi.”
Lâm Lỗi rất thẳng thắn: “Cảm ơn ba cậu giúp tôi.”
“Ừ.” Châu Kiệt Thụy sờ gáy, áy náy hỏi: “Miệng vết thương của cậu còn đau không?”
Nếu không phải tôi đè Vi Vi lại thì cô ấy đã muốn nhảy dựng lên đánh nhau với Châu Kiệt Thụy, cô ấy nổi giận đùng đùng nói với Châu Kiệt Thụy: “Cậu còn không biết xấu hổ hỏi có đau không, cậu thử khâu vài mũi lên lông mày xem có đau không.”
Châu Kiệt Thụy liên tục lùi về sau: “Triệu Vi Vi, bà đừng hung hăng như vậy được không, Lâm Lỗi người ta còn…”
“Tôi hung dữ thế thì sao, chỉ hung dữ với mình cậu, cho cậu chết.” Vi Vi kích động lên thì nói không lựa lời.
Bà Lưu đi tới, dùng giọng điệu nhẹ nhàng hiếm thấy nói: “Thôi, đừng ồn ào, táo sắp bị thâm rồi, tụi con mau ăn đi.”
Vi Vi và Châu Kiệt Thụy trừng mắt với nhau, không ai thèm để ý đến người kia.
Châu Kiệt Thụy lấy một phong bì giấy kraft màu đưa cho tôi: “Lý An Tĩnh, thư của bà, ban nãy người đưa thư gửi đến hộp thư nhà tui.”
“Thư của tớ? Ai gửi thư cho tớ nhỉ?” Tôi rất thích thú đứng lên, có phần mong chờ nhận phong thư.
Người nhận viết tên tôi, người gửi là Trương Gia Vũ.
Cậu ấy thực sự viết thư cho tôi, cậu ấy thực sự viết thư cho tôi. Lúc đó chỉ nói đùa mà nói qua rằng mình lớn thế này mà còn chưa từng nhận thư, không ngờ cậu ấy lại ghi nhớ trong lòng.
Tôi thực sự rất vui, cầm lá thư kia như bảo vật vô giá, dùng ngón tay lướt qua tên người nhận và người gửi liên tục, có phần không tin được đây là sự thật.
Châu Kiệt Thụy cười nhạo: “Lý An Tĩnh, đến mức này sao? Không phải chỉ là phong thư thôi sao, đâu phải trúng số.”
Tôi giấu thư vào túi áo khoác to: “Cậu quản được tôi chắc?”
Châu Kiệt Thụy khinh thường: “Sao Trương Gia Vũ lại viết thư cho bà vậy, hai người có quan hệ gì?”
“Không phải cậu bảo về nhà giúp mẹ lau kính sao? Đi về nhanh đi.” Tôi đẩy Châu Kiệt Thụy ra ngoài, đồng thời cầm bức thư kia về nhà, nóng lòng muốn mở xem Trương Gia Vũ viết những gì.
“Vi Vi, Nhị Lỗi, tớ về trước nhé.” Tôi quay đầu lại chào bà Lưu Xảo Ca, “Cô ơi, con về nhà trước, chào cô ạ.”
Vi Vi và Lâm Lỗi ngạc nhiên hỏi: “Tĩnh Tĩnh, cậu về nhà à? Không xem phim sao? Harry Potter 3 chừng 5 phút nữa là chiếu rồi.”
Tôi cười cười xin lỗi: “Hôm nay tớ không xem, tớ chợt nhớ còn phải giúp bà nội thu bánh quả hồng lại.”
“Nhưng không phải hôm qua cậu mới thu bánh quả hồng rồi sao?”
“Hôm qua thu dọn chưa hết…”
Tôi bịa một cái cớ để rời khỏi nhà Lâm Lỗi, bây giờ tôi chỉ muốn nhanh chóng quay về căn phòng nhỏ của mình, đóng cửa lại mà yên ổn đọc lá thư Trương Gia Vũ viết cho tôi, cho dù là “Harry Potter” cũng phải xếp sau Trương Gia Vũ.
Gần nửa tháng không gặp, không biết vùng Đông bắc xa xôi cậu ấy thế nào, tôi chỉ nhìn thấy trên bản đồ đó là nơi cực bắc Trung Quốc, có tên là Mạc Hà. (Mạc Hà 漠河市; âm Hán Việt: Mạc Hà thị) là một thành phố thuộc địa khu Đại Hưng An Lĩnh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc)
Bức thư Trương Gia Vũ gửi đóng dấu bưu điện cực bắc của Làng Bắc cực, lá thư nặng trĩu, tôi nhẹ nhàng xé phong bì, từ bên trong đổ ra mấy bức ảnh phong cảnh làng cực bắc với ánh sáng tuyệt đẹp, một lá thư và một lá bạch dương đỏ.
Lá bạch dương đỏ tựa như một chiếc quạt nhỏ nằm trong lòng bàn tay, tôi che chiếc lá một bên mắt, nhìn ánh nắng chiều chiếu lên hoa văn chiếc lá, tưởng tượng khi nó mọc ở nơi rét lạnh kia sẽ như thế nào.
Trong thư Trương Gia Vũ nói với tôi rất nhiều điều thú vị. Ngôi làng ở cực Bắc này băng tuyết bao phủ hoàn toàn, nhiệt độ âm mấy mươi độ C. Cậu và ba Trương Phong đào băng bắt cá, đứng ở Hắc Long Giang có thể nhìn thấy làng Nga phía đối diện… Họ ăn trái cây là lê đông lạnh, mới nhìn qua thấy đen tuyền, đặt trong nước lạnh cho tan ra là có thể ăn, còn có hồng đông lạnh, táo đông lạnh… nước hất ra đóng thành băng ngay rất kỳ diệu và ngoạn mục.
Cuối thư, cậu ấy nói: “Ước gì cậu cũng ở đây, chúng ta có thể cùng đi trượt tuyết, trượt băng, ở đây sân trượt tuyết rất tuyệt vời.”
“Chúc cậu năm mới vui vẻ.”
“Năm mới vui vẻ!” Tôi nhìn chấm nhỏ trên bản đồ, tưởng tượng sân trượt tuyết nơi cực bắc kia sẽ trông như thế nào, chắc hẳn phải rất to lớn, ngoạn mục, đẹp đẽ.
Ngày 30 Tết, rốt cuộc ba Lâm Lỗi đã về đến, nghe nói vé Tết cực kỳ khó mua, Lâm Công đã xếp hàng rất lâu mới giành được một vé xe, ngồi gần hai mươi tiếng ghế ngồi cứng, cộng thêm hai giờ đi xe buýt, xuyên qua hơn nửa Trung Quốc về đến nhà.
Lâm Lỗi vui như một chú nai con tung tăng nhảy nhót, mấy ngày sau đó hoàn toàn biến thành tùy tùng nhỏ hoặc vật trang sức hình người theo sau Lâm Công, ba ơi ba hỡi, chỉ cần ở bên cạnh ba, không cần làm gì cũng thấy rất hạnh phúc.
Lâm Công quanh năm làm việc bên ngoài, vợ con trong nhà ít nhiều được bà con hàng xóm láng giềng giúp đỡ. Lần này Lâm Công về mang theo rất nhiều đặc sản biếu hàng xóm.
Lâm Lỗi, Lâm Lam theo chân Lâm Công đi tặng quà từng nhà.
Đó là một gói kẹo nhập khẩu, bên trên in rất nhiều chữ nước ngoài mà chúng tôi đọc không hiểu, hương vị cũng rất độc đáo. Viên kẹo màu trắng sữa to, bẻ ra bên trong có nhân đủ màu, còn có thể lôi ra thành một đường dài ngọt lịm; có kẹo dẻo hình thú của Đức, cầm trong tay khiến người ta tiếc nuối không muốn cho vào miệng; có viên kẹo hình trái cây, rắc thêm những hạt đường, khi cắn vào không chỉ có thể nếm được vị trái cây đậm đà mà còn có đủ thứ bất ngờ với nhân bơ, chocolate… Đối với những đứa trẻ chưa trải sự đời như chúng tôi mà nói, những viên kẹo ngoại này chính là ấn tượng đầu tiên về những đất nước xa lạ đó, cũng là lần cực kỳ kiên định cho rằng đây là loại kẹo ngon nhất thế giới.
Tôi đem kẹo mình được chia cất vào ngăn kéo, tiếc nuối ăn hết một lần, lúc thèm thì lấy ra một viên cắn một miếng, từ từ cảm nhận vị ngọt ngào, một viên kẹo có thể ăn trong cae buổi chiều.
Thời tiết lạnh giá nhưng không trở ngại chúng tôi tắm rửa. Nhà nào cũng đun nước nóng, lần tắm rửa này như tẩy đi những điều xui xẻo, bụi bặm của năm cũ, sạch sẽ chào đón năm mới đã đến.
Sáng tinh mơ, trời còn chưa sáng chúng tôi đã bị tiếng pháo bên ngoài đánh thức, bọn trẻ hào hứng bật dậy khỏi giường, ăn sủi cảo nóng hầm hập, mặc quần áo mới đi đến từng nhà chúc Tết.
Tôi chỉ mới ăn được một nửa sủi cảo thì Lâm Lỗi và Vi Vi đến.
“Chào bà nội, chào cô chú, chúc mừng năm mới!”
Bà nội vui tươi hớn hở bưng mâm hoa quả khô đã chuẩn bị sẵn tiếp mấy bạn tôi, mẹ lấy hai bao lì xì trong phòng cho Lâm Lỗi và Vi Vi, cũng không bao nhiêu tiền nhưng Tết mà, người lớn trẻ nhỏ gì đều cần những điều tốt lành, náo nhiệt.
Cơm nước xong, ba chúng tôi kết nhóm đi ra ngoài, tôi phát hiện giày và quần Lâm Lỗi với Vi Vi đều là đồ cũ, chỉ có nửa người là đồ mới, nhất là Lâm Lỗi, bộ đồ thể thao Lý Ninh của cô ấy là một bộ nhưng lại thay chiếc quần jean bạc màu gần chuyển sang trắng, nhìn hơi lạc quẻ.
Tôi không nhịn được hỏi: “Sao hai cậu mặc quần cũ vậy?”
Vi Vi cười to: “Không phải vì muốn giống cậu sao, chúng ta là chị em tốt, phải có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chia, có quần áo mới cùng nhau mặc, không có thì… cùng nhau mặc quần áo cũ thôi.”
Lâm Lỗi cũng gật đầu, tỏ ý đây là ý tưởng mà hai người nghĩ cả đêm mới ra, không muốn tôi quá thất vọng vì không có quần áo mới.
Khoảnh khắc đó, tôi nhìn hai người chị em kết nghĩa của mình, trong lòng thấy vô cùng ấm áp, rốt cuộc có tài đức gì, đời trước tu bao nhiêu để có được phúc đức mới có thể gặp được hai cô ấy, trở thành bạn tốt của họ.
“Đi thôi, chúng ta đi nhà nào tiếp đây? Lâm Lỗi, hay là đến nhà cậu đi, chị cả với chị hai cậu cũng ở nhà phải không, tớ cực thích chị hai cậu.” Vi Vi kẹp giữa hai chúng tôi, kéo tay chúng tôi đến nhà Lâm Lỗi. Cô ấy đâu phải vì đến gặp Lâm Lam, chỉ muốn ăn kẹo nhà họ Lâm nhiều hơn thôi, kẹo mà Lâm Công tặng hôm đó bị Vi Vi tiêu diệt sạch sẽ chỉ trong một buổi chiều, chỉ để lại một đống giấy gói màu sặc sỡ cho Triệu Phi, Triệu Phi giận đến mức suýt cãi nhau một trận với cô.
Nghe Vi Vi nói thích chị hai, Lâm Lỗi không được vui lắm. Gần như tất cả mọi người đều thích chị hai cô, mẹ cô Lưu Xảo Ca thể hiện điều đó rất rõ, thậm chí cô cảm giác ba mình cũng thích chị hai hơn, cho dù Lâm Công đã cố gắng xử sự công bằng.
Trong nhà Lâm Lỗi quả nhiên có rất nhiều kẹo ngoại, để chiêu đãi chúng tôi, chú Lâm Công còn lấy ra một miếng chocolate lớn và một hộp bánh trứng, đây là miếng chocolate to nhất chúng tôi từng thấy, tựa như một viên gạch. Chú Lâm Công cầm dao gọt hoa quả cắt mấy miếng cho chúng tôi ản thoải mái. Tôi và Vi Vi mừng điên luôn, ở nhà không có cơ hội ăn nhiều đồ ăn vặt thế này, chúng tôi ngồi hẳn lên ghế sô pha nhà Lâm Lỗi, ăn một cách sung sướng, hoàn toàn quên mất việc chúc Tết sau đó.
Lúc chúng tôi đang ăn, hai chị em Lâm Lỗi và Lâm Lam đang ngồi cùng Lâm Công, ba cha con như có vô vàn điều muốn nói. Lâm Lam nói những chuyện học hành của mình cho cha nghe, những giáo viên và bạn học trong trường, Lâm Lỗi quấn lấy Lâm Công bảo ông kể mình nghe khu ông làm việc có gì thay đổi không, con mèo hoang đợt cô đến chơi lúc hè có còn không? Quán nước nằm đối diện khu nhà trọ vẫn còn đông khách thế không? Vết thương ở chân của ông lão Lục vệ sinh có khá hơn chưa?
Lâm Công đau lòng sờ lên tóc con gái nhỏ: “Vết thương của Lỗi Lỗi nhà mình còn đau không? Đều do ba không tốt, ở bên ngoài không chăm sóc được các con.”
Miệng vết thương của Lâm Lỗi mới gỡ băng, mức hồi phục khá nhanh, cô lắc đầu dựa vào người ba: “Vậy ba đừng đi nữa, ở nhà lâu hơn với chúng con đi.”
Lâm Công cười chua xót, cũng không thể cho con gái một lời hứa chắc chắn. Trong nhà có ba đứa con đang tuổi ăn học, mỗi năm chi phí học hành là một khoản rất lớn, chưa nói đến tiền chi phí sinh hoạt thượng vàng hạ cám. Người xa quê ra ngoài làm công như ông ở đâu cũng có, mấy người nhân viên tạp vụ vì tiết kiệm tiền đi lại mà Tết nhất chen chúc nhau ở lại trong lán, nhà cũng không thể về. Mà tất cả chỉ vì cái gọi là cuộc sống, vì để người thân yêu được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, thế giới người trưởng thành luôn có rất nhiều nỗi cô đơn bơ vơ, bất đắc dĩ phải chịu đựng.
Ngưu Thụy mặc chiếc áo khoác mới tinh đến chúc Tết, cô còn dẫn theo em gái Ngưu Manh Manh mới 3 tuổi. Tết năm nay cha mẹ Ngưu Thụy vẫn không thể về quê ăn tết, họ gửi quần áo mới và quà Tết cho người già, trẻ nhỏ ở nhà. Đối với việc này Ngưu Thụy đã quen, từ lúc sinh ra đến giờ cô đã quen với việc sống không có cha mẹ bên cạnh, ông bà nội già cả càng giống cha mẹ cô với em gái hơn.
“Thụy Thụy đến đấy à, ngồi xuống cùng ăn quà vặt đi, chú mới vừa mở ra, ăn nhiều chút nhé!”
“Manh Manh lớn thế này rồi, đáng yêu quá, gọi chú đi?”
Lâm Công và ba Ngưu Thụy là bạn chơi từ nhỏ đến lớn, nếu không phải vì quanh năm họ làm việc bên ngoài nên gặp liên lạc thì hai nhà đã có thể rất thân thiết.
Ngưu Thụy mỉm cười với chúng tôi, dẫn em gái ngồi xuống ăn.
Em Manh Manh miệng phồng to ăn kẹo với chocolate, Ngưu Thụy ngồi yên lặng, bộ dạng tâm sự nặng nề. Ngồi một lát, Ngưu Thụy đứng lên nói phải đến nhà bác chúc Tết, vì vậy dẫn em gái đứng lên rời đi, lúc đi hai túi cô đầy ắp, bên trong là kẹo và chocolate mà cô đã lặng lẽ bỏ vào ban nãy.
Ngưu Thụy rời khỏi nhà Lâm Lỗi, tình cờ gặp Châu Kiệt Thụy đến tặng quà cho nhà Lâm Lỗi. Cậu ta đẩy chiếc xe đạp chất đầy hộp quà, trước khi vết thương Lâm Lỗi lành lặn hoàn toàn, cứ vài ba ngày ba Chu mẹ Chu lại bắt cậu đến nhận lỗi.
“Này, cậu đi nhanh vậy? Đến đây một lát.” Châu Kiệt Thụy hét to gọi Ngưu Thụy.
Ngưu Thụy vẻ miễn cưỡng nhưng vẫn dừng lại, quay đầu hỏi vẻ không kiên nhẫn: “Làm gì?”
“Giúp tui đỡ xe đạp, tui lấy cái này cho cậu.”
Ngưu Thụy bước tới đỡ chiếc xe đạp leo núi của Châu Kiệt Thụy, “Cái gì?”
Châu Kiệt Thụy sờ soạng trong túi cả buổi, móc ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm rất đáng yêu, thản nhiên: “Mấy hôm trước tui đi mua đồ, đây là quà rút thăm trúng thưởng được, đồ con gái tui giữ cũng vô đụng, cho cậu xem như quà năm mới.”
Ánh mắt Ngưu Thụy dao động nhưng vẫn cố chấp nói: “Đồ trẻ con vậy, tớ không thèm.”
Châu Kiệt Thụy nhướng mày: “Ngưu Thụy! Cậu đừng có không biết tốt xấu, tui có ý tốt, dù sao cũng là cho cậu, muốn giữ hay vứt tùy cậu.”
Sau khi Châu Kiệt Thụy nói xong thì thô bạo nhét chiếc kẹp tóc hình con bướm vào túi Ngưu Thụy, đụng đến hai túi kẹo căng phồng…
“Cậu, kẹo đâu ra mà nhiều vậy? Nhét chật cả túi.”
Ngưu Thụy đỏ bừng mặt, giọng sốt ruột: “Đã nói không cần đồ của cậu, đỡ xe cậu đi, tớ thả tay đấy.”
“Ê đừng, cậu dám buông tay cho ông đây xem thử.” Châu Kiệt Thụy dưới tình thế cấp bách, tiện tay kẹp chiếc kẹp tóc lên tóc Ngưu Thụy.
Nắm tay em gái trên đường về nhà, tim Ngưu Thụy đập thình thịch, đi rất lâu rồi cô mới quay đầu lại, nhìn thấy Châu Kiệt Thụy cưỡi xe đạp cãi nhau với Vi Vi ở cửa, dáng vẻ ầm ĩ như thế lại làm cô có phần hâm mộ.
Bầu trời trong xanh, mặt trời lặng lẽ ló ra sau đám mây đen, Ngưu Thụy giữ chặt hai túi, về đến nhà mình.
Đây là góc hẻo lánh nhất của thôn Hạ Thời, chỉ có mình nhà Ngưu Thụy nằm trơ trọi bên cánh đồng lúa mạch phủ đầy tuyết trắng, chú chó vàng cô độc ngẩn ngơ nằm bên cửa, nhìn thấy cô chủ nhỏ về thì vui vẻ vẫy đuôi lia lịa, chỉ muốn nhào đến ôm Ngưu Thụy một cái, Ngưu Thụy vỗ đầu chú chó rồi mới vào nhà, cất tiếng gọi thân thiết: “Ông nội, bà nội, con về rồi.”
Ông nội đang chặt củi ở sau nhà, bà nội quỳ gối đọc kinh trước tượng Phật.
Cô lấy hết số kẹo trong túi ra, đặt lên mâm hạt dưa: “Bà nội, bà mau lại ăn thử đi, kẹo này ngon lắm, cực kỳ ngọt.”
Số kẹo mà Lâm Công tặng cho nhà Ngưu Thụy lúc trước bị bà nội mắt kém tưởng nhầm là rác nên ném vào thùng rác. Đến lúc Ngưu Thụy phát hiện ra đi tìm thì người thu gom rác đã đổ sạch rác trong thùng nhà cô, mà đó là số kẹo duy nhất nhà cô có thể có trong Tết này.
Cha mẹ Ngưu Thụy gửi tiền về, ngoài khoản chi tiêu hàng ngày và tiền học phí thì còn không bao nhiêu,vì tiết kiệm tiền mà nhà cô mua sắm Tết ít hơn nhà khác nhiều, bánh kẹo đắt tiền đương nhiên là có thể tiết kiệm là tiết kiệm.
“Kẹo đâu ra vậy?” Bà nội được Ngưu Thụy đỡ lên khỏi nệm.
“Ra ngoài chúc Tết được người ta cho ạ.”
Bà nội vuốt tay cháu gái: “Thụy Thụy à, nhớ kỹ là “người dù nghèo chí không thể ngắn”, chúng ta chỉ có một khoản tiền để sống qua ngày, đừng ước ao so sánh với nhà người khác.”
“Dạ.” Mặt Ngưu Thụy hiện vẻ phức tạp, cô chạm vào chiếc kẹp bướm trên tóc, lần đầu tiên rơi vào trầm tư.