Chờ Ngày Em Đến

Chương 11



“Em cũng biết mệt mỏi, mệt mỏi chuyện đôi mình. Em chẳng phải là minh tinh màn bạc, một cô gái xinh đẹp, chỉ là một cô gái bình thường đang từng bước vật lộn với đời mình. Chúng ta càng đi càng chẳng thấy mình có điểm gì chung, tính cách, sự nghiệp, địa vị em càng không với tới. Mình chia tay đi! Em muốn được thoải mái hơn.”

Tôi chuyển nhà cũng đã ổn định được một thời gian, cuối cùng cũng đã nghĩ tới việc quay lại con đường nghệ thuật bản thân hằng kiếm tìm. Đóng cửa trong phòng, ngoài trời mưa rả rích, ngồi ngõ từng dòng tiểu thuyết mới. Một nữ chính bình thường, yêu một chàng trai có tài, họ cùng phải đối mặt với những vấn đề đau lòng cuộc đời buông xuống.

Tôi không rõ đã bao lâu rồi mình mới đăng nhập vào tài khoản tác giả trên Watpat, nó đóng bụi cũng đã vài tháng. Nằm đọc những dòng bình luận, cảm xúc cứ rối bời bởi lẽ kẻ khen người chê quá nhiều khiến tôi cũng chẳng rõ phải bộc lộ như thế nào mới phải. Nhìn ra ngoài ô cửa sổ, tôi gọi điện cho anh kể cho anh nghe chuyện tôi hôm nay ra sao, kể anh nghe những ý tưởng mới nghĩ ra, muốn viết muốn làm. Kể anh nghe tôi ở cùng với mấy đứa còn sinh viên đang đi học, có đứa mê truyện tôi viết – xúc động tới nỗi rơi nước mắt khi gặp tôi ngoài đời. Mỗi đứa chúng nó – khác quê hương, khác trường nhưng lại gắn bó với nhau như người nhà, thấy đó mà tôi cũng ấm lòng theo. Có lẽ giữa cái Hà Nội đất chật người đông chỉ cần như vậy đã là quá đủ rồi.

8 giờ sáng, còn chưa kịp mở đủ hai con mắt. Con bé Hạnh – sinh viên năm nhất, gõ cửa phòng tôi tới mức nó như muốn lấy xà beng cậy cánh cửa ra để “hốt” tôi dậy. Vừa mới mở cửa ra, thần hồn còn chưa vào xác, đầu tóc bù xù, Hạnh nhảy lên ôm lấy tôi, hai đứa còn xuýt ngã ngửa ra đấy, nó hú hét bảo tôi “comeback” làm dư luận dậy sóng. Tôi tìm tên mình trên google đã trải dài khắp mặt báo nào là cực nghệ sĩ độc quyền nhà X quay trở lại… và vô số cái tiêu đề giật tít khác. Cũng bài tích cực, có bài tiêu cực nói tôi quay lại vì nghèo. Chẳng giống như trước kia, Lam Linh sẽ nằm ôm mặt khóc hay vui như muốn bay lên trời khi dư luận quan tâm tới mình, tôi chỉ ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa, não trống rỗng. Hạnh cứ trợn tròn con mắt lên nhìn tôi sao lại bình thản ngồi đó. “Thẫn thờ nhìn đời cho ngày thảnh thơi”.

Mẹ gọi điện tới: “Mày thấy nghèo quá nên tìm trốn quay lại à! Cái lúc còn trên đỉnh cao thì đòi chèo xuống, xuống được rồi đòi ngoi lên – coi thiên hạ là hề ư mà sáng nắng chiều mưa như thế.”

Tôi bình thản đáp lại mẹ: “Mẹ gọi con có việc gì không, con còn phải tới văn phòng?”

Bà vẫn dùng cái giọng chanh chua ấy đục đẽo tôi: “Mày nhớ lo về mà trả nợ đi, cha mày vay tiền đóng thuyền từ đợt trước, lo mà báo hiếu đi con ranh”

Tôi dập máy nói Hạnh đừng nói cho ai biết về chuyện mẹ tôi với tôi đối thoại với nhau:

– Sau này, em đừng nói với ai về chuyện của chị và bà ấy ngày hôm nay. Đúng bà ấy là mẹ chị nhưng chị không báo chí biết tới bà ấy, chị đủ phiền rồi. Em cũng đừng nói với chị mấy cái báo mạng, chị không có thời gian quan tâm đâu. Lời thiên hạ nói, đó là lời họ chứ không phải lời từ trái tim mình. Chúng ta tồn tại vì bản thân chứ không phải để sống kí sinh trên lời nói bâng quơ của kẻ lạ mặt qua đường.

– Em… em! Em cũng chỉ muốn hỏi là bao giờ quay lại “đường đua” thôi.

– Cảm ơn em đã dành tình cảm cho chị nhưng hiện tại chị muốn viết tốt thứ mình muốn viết thôi còn đường đua chị không còn quan tâm lắm vì chị cũng đang làm công việc bàn giấy của mình rồi.

Hôm nay, tôi có hẹn với một người bạn lâu ngày không gặp nên đã xin nghỉ nửa buổi tới văn phòng. Cô ấy giờ đang là nghiên cứu sinh tại Úc mới quay về Việt Nam vì gia đình có việc quan trọng. Chúng tôi hẹn nhau ở một quán trà trong con ngõ nhỏ. Hai đứa ngồi trên tầng 2 có ban công hướng ra ngoài mặt đường, dòng xe cứ chảy trôi:

– Lâu rồi không gặp nhau nhỉ?

– Ừ. Cũng được hai ba năm rồi ấy chứ. Dạo này công việc của Linh ổn không?

– Cũng được, công việc bàn giấy với làm mấy thứ viết lách vặt vãnh thôi. Thảo vẫn học bên Úc về marketing với kinh tế ấy chứ.

– Ừ mọi thứ vẫn đang ổn… ổn với người nhà Thảo, họ muốn Thảo học ngành này mà.

– Hồi đấy cấp 3, Linh nhớ Thảo thích Sinh học thiên nhiên cây cối lắm mà lúc chọn ngành nghề vào đại học mới té ra.

– Chuyện cũng qua lâu rồi mà, Linh nhớ kĩ vậy! Ai nợ Linh thì phải biết. Cơ mà giờ theo đuổi được thứ mình thích cũng phúc quá chứ ha, nghe bảo từ hồi năm nhất đã có bên công ty nào nhận đào tạo rồi mà nhỉ.

– Mình cũng nghỉ hợp đồng với công ty đó cách đây ba tháng rồi. Cả hai không còn chung quan điểm sáng tác nữa thì mình dừng thôi, cũng vất vả vùng vẫy kha khá.

– Bạn trưởng thành nhiều quá. Cứ ngỡ vẫn là ngày đó còn hồn nhiên, hay cười viết truyện tình đem cho cả lớp đọc, giờ đã thành tác giả sách, trầm tính hơn.

– Hình như chúng ta giờ không còn ai thích cười nữa nhỉ!

Câu nói ấy của tôi khiến câu chuyện của hai đứa đi vào khoảng thời gian lặng thinh. Nó giống như cây kim đâm chầm chậm vào quả bóng bay “nhẫn nại, chịu đựng, người lớn, trưởng thành, bề bộn” trong chúng tôi. Nổ không thành tiếng.

Sau đó, Thảo đi cùng tôi đi bộ ra bến xe bus, tôi lên xe lúc đó vừa hay bạn trai sắp cưới của cô cũng đến. Cách anh khoác vai Thảo có gì đó ngượng ngùng, còn cô thì tỏ vẻ hơi khó chịu đôi chút. Có lẽ chuyện quan trọng mà cô ấy nói phải về Việt Nam là thu xếp chuyện hôn sự. Tôi chắc mẩn không rõ tình cảm của hai người họ vì trong những lần nhắn tin cách nhau cả nửa địa cầu cô cũng không nhắc tới anh. Suy cho cùng, họ đến với nhau bởi hai tiếng thân thương “Gia Đình”. Mới ngần ấy năm xa cách thôi Thảo người tôi quen như thể bốc hơi biến mất thay bằng một người con gái ít nói, ít thổ lộ, khó cười, sắp lập gia đình và an phận theo “ý trời”.

Nghĩ tới đó, tôi nhắn tin hỏi anh: “Nếu mẹ bắt em cưới gần nhà bà thì biết sao đây Anh Kiệt!”

Tôi về tới nhà, đã thấy anh hồi âm lại: “Không biết ở tỉnh em có nhận đổi sổ hộ khẩu Hà Nội sang sổ gần nhà mẹ em không nhỉ?” – nhìn tin nhắn ấy, tôi bật cười khúc khích ở cửa nhà. Khiến bọn trẻ con trong nhà quay ra nhìn tôi như người ngoài hành tinh.

Chiều tôi tới văn phòng, chạm mặt anh ở thang máy nhưng cả hai không thể làm gì vì trong đó có chị quản lý, rất ôm anh một cái thật chặt. Nhưng cuối cùng lại mỗi người một hướng anh tới studio còn tôi đi tới bàn làm việc, cả hai không can hệ gì tới nhau. Đang giờ làm việc, anh nhắn tin nói tôi, tối nay về nhà.

Vốn muốn thắc mắc nhưng cũng chẳng hỏi gì thêm.

Đứng trước cửa nhà anh, tôi nhấn chuông, anh mở cửa rồi hí hoáy làm gì đó với cái khóa cảm ứng anh mới mua. Sau đó anh cầm ngón cái tay phải tôi ấn vào khóa cửa nhà. Tôi bước vào trong, đặt túi xuống ghế sofa rồi theo thói quen cũ ra ban công nhà anh ngồi, lưng tựa cửa kính, nhìn Hà Nội lên đèn. Gió trời lạnh thổi vào tôi, buốt có, bàn tay lạnh tới thâm tím lại có, giây phút đó mọi thứ như tê dại lại, cảm xúc đóng băng, thời gian dướng như dừng ngay cạnh tôi. Hành động ngồi “thiền” bất chấp thời tiết của tôi là thói quen khó bỏ từ những ngày còn ở Quảng Ninh, từ gió biển đến khói xe, đã đều nếm đủ. Tôi cảm giác những lúc như vậy đang chống đỡ tôi khỏi những cảm xúc muốn xụp đổ, gục ngã của bản thân

Đột nhiên anh bước ra ngoài ban công ôm rồi bế tôi lên đi vào trong nhà. Cũng rất hợp tác, tôi quàng tay ôm chặt cổ anh, hai chân quặp lên đến mạn sườn anh. Bờ vai ấy đủ rộng để tôi tựa vào thoải mái. Anh nói:

– Sau này đừng ra đó ngồi nữa, đây mới là chỗ em nên “thiền” này. Sau này, dù có thế nào thì anh cũng ở đây mà đừng lo nữa. Bờ vai này đủ to để em tựa. Nếu em chê anh sẽ đi tập gym thêm để bổ sung.

Đang ngọt ngào, anh lại chọc tôi cười. Khoảng khắc này có lẽ mới là khi thời gian thực sự ngưng lại, được ở bên cạnh anh mới là lúc trái tim tôi đóng cửa lại với mọi buồn đau trên đời. Anh tặng tôi một cái bàn gập màu trắng thấp để ăn nướng, tôi để lại ở nhà anh, hy vọng sẽ đến nhiều lần sau nữa. Chúng tôi, xuống cửa hàng Vinmart dưới tòa nhà. Chẳng biết trùng hợp hay không nhưng lần đầu chúng tôi xuống đó cũng mặc những trang phục như hôm nay, vẫn chiếc mũ đen, khẩu trang đen quen thuộc, đôi dép lê đi trong nhà. Chỉ khác lần này có thêm tôi đeo khẩu trang nữa thôi. Lần này, tôi với anh chung một giỏ hàng, đi cùng nhau trong đó, anh nắm chặt tay tôi. Đang chọn đồ ăn tối, tôi có người gọi tới:

– Tối nay, chị có về nhà không? Bọn em nấu lẩu ấy ạ.

Tôi ngoảnh đầu nhìn vào trong siêu thị, nhìn anh, đáp:

– Mọi người cứ ăn đi, tối nay chị cũng không về đâu, chị ngủ bên ngoài.

Tôi nghe vọng trong diện thoại, chúng nó đang hò hét, bảo tối nay tôi đi ra ngoài ngủ với trai không về… các kiểu. Cũng chỉ cười trừ, chắc chúng nó đồn đúng đấy. Vừa dứt máy, tôi đã thấy anh ra ngoài cầm một túi thị còn rau chỉ vỏn vẹn một khay, còn trêu tôi:

– Anh mua sẵn thuốc xổ rồi nhé! Nếu chúng ta cả hai đều “không thông suốt” thì cũng có thể giải quyết ha.

Đúng là những trò cười nhạt nhẽo, nhưng lại khiến tôi ấm lòng, bởi lẽ người ta vẫn đang cố làm tôi vui vẻ hơn từng ngày.

– Sao anh cứ trả tiền thay em thế! Lần nào cũng vậy, lỡ sau này chúng ta có ra sao thì anh quay ra kiện em.

– Vậy thì đừng “ra sao” nữa!


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.