Chờ Em Đến San Francisco

Chương 14: Xa hơn một nụ hôn



Tôi luôn có cảm giác háo hức mỗi khi đứng trên sân ga, nhất là sân ga của Paris với những chiếc xe lửa tốc hành TGV đẹp đẽ và hiện đại. Những lần trước, khi đi công tác ở Paris, tôi hay tận dụng để đi xe lửa TGV đến một thành phố khác thuộc châu Âu. Những nhà ga lớn của Paris tôi đều đã đến để đi khắp ngả. Tôi đã đến Gare de I”est để đi về hướng đông thăm thủ đô Berlin của Đức, Gare de Montparnasse để đi về vùng Bretagne, Gare du Nord để đi các thành phố phía bắc như Luân Đôn và Bruxelles. Và đặc biệt Gare de Lyon là nơi vô cùng thân quen với tôi vì đây là nhà ga đổ về các tỉnh miền Nam nước Pháp tràn ngập nắng ấm, các thành phố của Ý, của Thụy Sĩ, của Tây Ban Nha.

Mỗi lần đến Gare de Lyon tôi đều đến trước giờ tàu chạy khá sớm để đi loanh quanh. Tôi thích cảnh mọi người đủ quốc tịch chộn rộn trước các bảng điện tử. Giới doanh nhân châu Âu cũng đi công tác bằng xe lửa rất nhiều. Họ thường vào nhà hàng Le Train Bleu ăn uống trong lúc chờ đến giờ khởi hành. Một số người vào các quầy bán sách báo tìm mua một cuốn sách để đọc dọc đường. 

Tôi yêu không khí bận rộn của nhà ga mà vẫn có rất nhiều khoảng lặng trong các quầy sách ở Gare de Lyon và tôi thường vẫn mua một cuốn sách loại đọc trên tàu xe, vừa rẻ vừa nhẹ. Tôi thích ghi trên trang đầu một vài từ kỷ niệm những dịp mình mua sách: “Gare de Lyon, nhân chuyến đến Marseille thăm gia đình Surlelac”, “Gare de Lyon, còn hai mươi phút nữa sẽ cùng và Pascale đi Barcelone”, “Gare de Lyon, trong khi chờ lấy TGV đi Genève với chị Minh Tú”.  

Lần này, tôi cầm cuốn sách mới mua ra một góc yên tĩnh rồi bặm môi viết lên trang đầu “Gare de Lyon, lần đầu tiên không phải để khởi hành mà là để đón một người. Còn năm mươi phút nữa. Trời ơi lâu quá!”. 

Tôi đã lang thang ở nhà ga cả hai tiếng đồng hồ qua. Giờ chỉ còn năm mươi phút mà thấy quá sức mỏi mệt rồi. Đó là một quyển tiểu thuyết ba xu nhưng tôi đã mua đến ba trăm xu, tức là ba euros. Cuốn sách mỏng và có tựa đề rất hợp với hoàn cảnh “Je t”attend à là gare” (Em chờ anh ở nhà ga). Tôi quả thực đã mua nó vì cái tựa, và còn vì nó chỉ có ba euros, giá thấp nhất có thể. 

Cái cảm giác chờ đợi thật là khủng khiếp, nhất là phải chờ đợi một người gần hai mươi năm nay chưa gặp mặt. Bình tả anh sẽ mặc áo manteau đen, khoác khăn choàng đỏ Bordeaux, đầu không đội nón. Tôi sẽ đứng ở đầu bờ kè của sân ga, chờ cho tới lúc anh xuất hiện cùng dòng hành khách lũ lượt kéo valise ra. Nếu tôi không nhận ra anh, anh sẽ vượt qua mặt tôi và coi như chuyện hẹn hò của chúng tôi thất bại hoàn toàn. Bình không cho tôi số điện thoại di động cũng không muốn có số của tôi. Anh cũng không thèm ghi lại địa chỉ khách sạn Citadines (ở Paris có nhiều khách sạn Citadines). Anh viết “Nếu em không nhận ra anh, thì anh ngại ngùng quá. Anh sẽ lang thang đầu đường xó chợ nào đó ở Paris một mình. Em sẽ không bận tâm đến anh nữa”. 

Tôi cầu mong Bình không thay đổi để tôi có thể nhận ra anh dễ dàng. Nhưng ai mà không thay đổi sau gần hai mươi năm chứ. Bình thử thách tôi quá. Nếu gặp đàn ông khác tôi đã nổi quạu trước lời đề nghị kỳ cục nhưng biết làm sao được. Vì đó là Bình, vì đó là người hiện hữu quá nhiều trong những giấc mơ của tôi. 

Cuối cùng thì chuyến tàu TGV từ Genève cũng đến Paris. Tôi hít thật sâu, giương mắt lên, chuẩn bị tinh thần. Cảm giác bối rối và hồi hộp làm tôi muốn ngộp thở. Những người khách đầu tiên trên chuyến tàu đã xuống sân ga. Ai cũng mặc áo khoác đen hết. Những toa đầu tiên hành khách đã xuống hết và lần lượt đi ngang qua tôi. Những dòng khách tiếp theo từ những toa phía dưới cũng dần dần lướt qua. Tôi chong mắt tìm những người đàn ông có tóc đen trong vô số những mái tóc nâu, hung và vàng. 

Những người đàn ông tóc đen hiếm hoi rồi cũng dần lướt qua tôi. Cuối cùng chỉ còn lác đác chừng mấy chục hành khách nữa. Ôi trời ơi, thế là Bình đã đi ngang qua mà tôi không thể nhận ra. Tôi thở dài nặng nề, cố đứng nán lại chờ cho xong tốp hành khách cuối cùng đang tiến đến, chẳng có ai tóc đen hết. 

Lẽ nào tóc Bình hoặc đã bạc trắng hoặc đã nhuộm sang màu khác? 

Thế rồi những người cuối cùng cũng lướt qua. Tôi trấn tĩnh lại vài giây, thất vọng não nề, chán nản chực khóc. Rồi tôi cũng phải quay lưng bỏ lại sân ga vắng ngắt. 

“Bé An ơi! Anh Bình đây!” 

Một hành khách từ trên toa đầu tiên nhảy xuống. Tôi chớp đôi mắt đã rất mỏi vì cố giương lên chăm chú của mình suốt mấy chục phút qua, nước mắt ứa ra cay xè, nhòe nhoẹt. Giờ đây tôi gần như không nhìn thấy gì nữa hết. 

Ai đó đã ôm tôi vào lòng, siết rất chặt, lắc rất mạnh. Tôi mệt quá rồi, thôi thì cứ tiện thể, ai ôm mình thì mình dựa lại. Một bờ vai rất chắc, một vòm ngực rất rộng, và tôi thoảng nghe mùi hương ngồ ngộ của xà phòng đá Sài Gòn thời xưa cũ. 

Mùi hương đó mạnh hơn trên chiếc khăn tay được chìa ra “Thôi, em lau nước mắt đi rồi mình ôm nhau… khóc tiếp!” và tôi nghe một tiếng cười vang vui vẻ mà nghẹn ngào. 

Tôi ngước nhìn lên, cố gắng cười cho ra tiếng “Em mỏi mắt quá vì lo nhận diện anh, chứ ai thèm khóc, anh đứng ngay trên toa đầu tiên từ nãy đến giờ mà bắt em đứng dưới này chờ mòn mỏi…”. Đột nhiên giây phút đó, tôi tủi thân khóc òa nức nở, không kiềm chế được, một cảm xúc bất chợt trào dâng nằm ngoài “kịch bản” đón rước Bình. Bình lại ôm tôi vào lòng vỗ về như thể tôi vẫn là cô bé mười tám tuổi. Cuối cùng thì tôi cũng đã gặp lại anh sau bao năm dài mơ tưởng. 

Bình đứng đó trên sân ga, anh cao hơn tôi nhớ rất nhiều. Tôi nhận ra anh ngay, dù thật ra anh cũng đã ít nhiều thay đổi. Vầng trán cao thông minh, đôi mắt to với ánh nhìn dịu dàng đang nhòe nước, môi anh đang mỉm cười tươi tắn nhưng kìm nén cảm xúc. Bình bước ra từ giấc mơ, cầm hai tay tôi âu yếm, để lộ rõ sự xúc động rất mãnh liệt. 

_ Anh đứng trên cửa sổ toa đầu tiên, nhìn xuống thấy em căng thẳng lắm. Anh tưởng em rất mạnh mẽ, giống mấy tấm hình dự hội nghị trên facebook. Nhưng em vẫn như xưa, nhỏ bé, hiền lành, dễ thương quá… 

_ Trời ơi, anh Bình – Tôi bật cười – Lâu lắm rồi mới có người dành cho em mấy mỹ từ này – Em không còn hiền lành như anh tưởng đâu. 

_ Thật kỳ lạ, anh luôn hình dung lúc gặp lại – Bình cười hóm hỉnh – Em sẽ chỉ đứng yên rất tự chủ, rất ra dáng oai phong của một phụ nữ thành đạt và lạnh lùng. Vậy mà… 

_ Thôi mình về đi, đứng đây chùi nước mắt hoài nhìn sến quá! – Tôi lại bật cười – Em sẽ phạt anh cái tội đứng nhìn em từ trên cửa sổ mà không chịu xuống, bắt em đứng chờ, hồi hộp và lo lắng. Mệt quá trời nè. 

_ Anh đâu có ý đó – Bình phân bua – Tại đột nhiên nhìn cảnh em bối rối, mắt chăm chú tìm kiếm, hai bàn tay xoắn chặt nhau hồi hộp, anh thấy dễ thương quá nên chết lặng đứng ngắm hoài, quên nhảy xuống luôn. 

_ Xạo dễ sợ! – Tôi cười xòa – Em nhớ ngày xưa anh đâu có sướt mướt dữ vậy. 

Tôi dắt Bình xuống métro. Anh nhìn cách tôi hướng dẫn rành rẽ, mắt ánh lên tia lém lỉnh trêu chọc “Em giống y như là Parisienne rồi”. Tôi nhớ ngày xưa Bình hiếu động và lanh lợi, nhưng đó là lúc anh hòa mình chơi đá banh hay tạt lon với mấy anh con trai khác trong xóm. Còn với tôi Bình luôn dịu dàng, anh nói năng nhỏ nhẹ, gần như là nâng niu cô em hàng xóm bé bỏng. Chưa bao giờ Bình để lộ tình cảm gì vượt quá sự trong sáng, cho đến buổi tối anh chở tôi bềnh bồng khắp Sài Gòn. 

_ Cuối cùng thì anh cũng đến nước Pháp – Bình ngồi xuống bên tôi trong métro – Cuối cùng thì anh cũng đến Paris, và, cuối cùng thì anh cũng gặp lại em. 

_ Anh vẫn còn bảnh như ngày xưa – Tôi nghiêng đầu nhìn Bình lộ liễu – Thậm chí còn đẹp trai hơn cả Alain Delon. Em không nhớ là anh có cơ bắp căng phồng sau làn áo như vậy. 

_ Bên Mỹ ai cũng chơi thể thao rất nhiều. Với lại chuẩn bị gặp lại em nên anh tập tạ mấy tháng nay – Bình cười nửa đùa nửa thật – Nãy giờ là anh đang cố gồng lên cho thêm đô đó. 

_ Hèn gì trời lạnh thấy mồ bày đặt cởi nút áo khoác ra cho thấy áo sơ-mi bên trong – Tôi phá lên cười – Thôi thư giãn đi, đừng có gồng nữa. 

Bình gật đầu cười, giả bộ ngại ngùng cài nút áo khoác lại che bộ ngực nở nang. Tôi chợt nhận ra thay đổi lớn nhất của anh trong gần hai mươi năm qua là cơ bắp. 

_ Ngày trước anh trông thư sinh hơn nên thấy hiền và, rất lành – Tôi nhận xét – Giờ tập tạ dữ quá nên thấy có phần… nguy hiểm. 

_ Ngày trước ở Sài Gòn thiếu thốn không có gì ăn, thanh niên mà nặng chưa đến 50 kg – Bình đột ngột trầm ngâm – Anh nhớ em cũng xanh xao, ốm o gầy còm chứ đâu có mướt mát như vầy. Giờ nhìn em anh thấy cũng… nguy hiểm lắm. 

_ Vậy thì cả hai đề phòng nhau nghe – Tôi cười – Hồi đó em khờ quá! 

_ Anh cũng khờ quá! – Bình mỉm cười tư lự – Nếu không giờ này cuộc đời anh và em đã khác rồi. 

Chúng tôi ngồi im, để cho ký ức ùa về. Những năm tháng ngày thơ của chúng tôi ở xóm nhỏ Tân Định đẹp biết bao. Sau buổi tối chở nhau lang thang khắp Sài Gòn đó, còn gì có thể ngăn cản chúng tôi đến với nhau nữa. Bình sẽ chờ tôi học xong đại học, chúng tôi cưới nhau sau đó ít lâu. Tôi sẽ sang nhà Bình làm dâu và chắc là mẹ tôi vui mừng lắm. Gia đình hai bên cô dâu – chú rể đối diện nhà nhau, đám cưới chắc phải đưa dâu đi lòng vòng một chặp mới quay về. 

_ Sau hồi đó anh sang đến Mỹ rồi thì không liên lạc về Việt Nam nữa? – Tôi buộc miệng trách – Thời đó cái mốt nữ sinh Sài Gòn yêu Việt kiều cũng thịnh lắm. 

_ Khi cả nhà anh ra đi… – Bình thở dài – Mọi người đã xác định bỏ lại tất cả sau lưng và sẽ không bao giờ quay về. Cố gắng liên lạc với em chỉ làm cả hai buồn hơn. 

_ Nhưng về sau này rất nhiều Việt kiều trở về khi tình hình vui vẻ hơn. Giá mà anh về Việt Nam chừng mười năm trước, rồi… cưới em – Tôi cố đùa nhưng nghe giọng chua chát – Thì em đã có chồng Việt kiều và đã được đi Mỹ rồi. 

_ Đi Mỹ? – Bình cũng cố cười – Rồi sao nữa? Khi đó em đã là một bác sĩ và được đi tu nghiệp nước ngoài về, sự nghiệp đang xán lạn. Em chịu sang Mỹ đi học lại đại học không? 

_ Thì em đi… làm nail – Tôi bật cười – Làm nail cũng được mà. Miễn là ở với anh… 

_ Thôi em làm ơn đừng cà rỡn nữa – Bình kéo cổ áo cao lên, giọng nghiêm túc – Em đã quá thành đạt trong sự nghiệp. Người như em chắc chắn là có tầm nhìn từ rất sớm. Em không phải týp phụ nữ chấp nhận làm nail chỉ để được làm vợ. Thật sự anh khá sốc khi biết em còn trẻ vậy mà đã làm tới chức trưởng phòng Y vụ trong công ty dược thuộc loại lớn trên thế giới, đi công tác nước ngoài như đi chợ. Ngày xưa anh không nghĩ em sẽ học Y khoa… 

_ Em cũng bị rớt Đại học Y Dược khi thi lần đầu – Tôi thú nhận – Nhưng hồi đó em cũng đâu phải là quá dốt đến mức không thi được vô Y… 

_ Không dốt nhưng không có biểu hiện là một bác sĩ tương lai, anh tưởng em thích làm ca sĩ chứ, suốt ngày chỉ bắt anh chép bài hát trong băng cassette ra – Bình nhìn tôi như thể trước mặt anh chỉ là cô bé hàng xóm năm nào – Em làm nhão của anh cả chục cuộn băng vì cứ tua đi tua lại chép lời. 

_ Anh có nhớ bài Paroles không? – Tôi bật cười – Tiếng Việt dịch là “Những lời dối gian” đó. Em giả Dalia hát không tới, nhưng anh giả Alain Delon đọc lời thoại thì hay dễ sợ. Trời ơi giọng Pháp của anh nghe truyền cảm quá. Em mê anh kinh khủng. Chắc anh không biết em mê anh đến thế nào đâu, mê ghê gớm… 

_ Những lời dối gian! – Bình lắc đầu cười nhưng mắt anh mờ nước – Anh nhớ ngày xưa em đâu có lẽo mép dữ vậy. Nếu anh mà biết em mê anh đến thế, anh khỏi đi Mỹ, ở lại Việt Nam cưới em cho xong. 

_ Nếu anh ở lại Việt Nam – Tôi mơ màng – Nếu anh cưới em, chắc giờ mình cũng có hai ba đứa con… 

_  Avec des “si” on mettrait Paris en bouteille – Bình cố cười trong xúc động – Với chữ “nếu” người ta bỏ được Paris vào trong chai. 

Chúng tôi ra khỏi métro, đi bộ về khách sạn. Trời mùa thu đột ngột đổ mưa. Mưa nhỏ thôi, không ầm ầm như mưa Sài Gòn nhưng từ trạm métro về đến Citadines mà không ô dù gì cũng đủ ướt hết tóc. Bình dường như không thấy phiền toái vì cơn mưa thu bất chợt, anh cởi áo khoác che cho tôi nhưng mái tóc mới của tôi thế là đi tong rồi. 

_ Đây là căn hộ em tả với anh trong e-mail – Tôi dắt Bình đi một vòng – Có phòng ngủ rất lãng mạn, một cái bếp nhỏ xinh, một phòng khách ấm áp, một phòng tắm thơm tho, và còn một sân thượng để ngắm mưa thu nữa. Ở Paris như vầy là thiên đường rồi đó! 

_ Căn hộ rất dễ thương – Bình dịu mắt – Thật mà cứ như mơ. Anh và em ở giữa Paris. Trời ơi! 

_ Trời ơi cái gì – Tôi bật cười – Anh phải chia tiền với em đó nhe. Nếu không thì em có cảm giác mình thất thế quá, đổ đường từ Sài Gòn sang, lại còn thuê phòng khách sạn ở Paris để chờ đón anh. Đời em sao có lúc xuống thê thảm như vậy chứ! 

_ Được rồi anh trả lại hết mọi phí tổn cho em từ vé máy bay đến tiền khách sạn. Đời em không thê thảm đâu – Bình ngồi xuống ghế sofa nhìn tôi dò hỏi – Chắc là có rất nhiều gã trai si tình em trong suốt những năm tháng vừa qua. Hồi đó em mặc áo dài trắng đi học, mấy thằng Cu và “non-Cu” trong xóm mình chết lên chết xuống. 

_ Khi em không còn là một thiếu nữ trong sáng mặc áo dài nữa, thậm chí còn nhiều người chết lên chết xuống vì em hơn – Tôi vuốt mái tóc ẩm ướt – Ai cũng nói em trẻ hơn tuổi, em đang ở giai đoạn đẹp nhất đời một phụ nữ đó! 

_ Sao em không làm giám đốc Marketing mà làm cố vấn Y khoa! – Bình cười vang – Hồi đó em đẹp nhưng ngây thơ nên không ý thức mình đẹp. Còn bây giờ, giá trị lớn nhất của em là sự tự tin! 

Ngoài trời mưa rơi nặng hạt hơn, ánh sáng xám hắt vào phòng mờ ảo. Bình đang ngồi trên ghế sofa với một dáng vẻ vô cùng thoải mái, khuôn mặt anh bừng sáng với nụ cười điềm tĩnh của người từng trải. Gần hai mươi năm qua anh đã làm gì, đã trải qua bao nhiêu mối tình, đã có bao nhiêu phụ nữ lao vào anh và đặc biệt là có bao nhiêu phụ nữ cố đừng nhào vào lòng anh như tôi đang kiềm chế lúc này? 

_ Anh vẫn luôn tự hỏi – Bình nhìn sâu vào mắt tôi – Nếu tối hôm đó ở Sài Gòn, anh dừng xe lại một nơi nào vắng vẻ và lãng mạn, mình… hôn nhau. Ngày hôm sau anh có còn đủ can đảm ra đi hay ở lại Việt Nam mãi mãi? 

_ Nếu hôm đó anh hôn em – Tôi thở dài – Nếu hôm đó mình hôn nhau… 

_ Anh luôn tự hỏi một nụ hôn với em vào thời điểm đó sẽ có vị gì? – Bình ngả người sâu vào lòng ghế – Nụ hôn đầu đời của cả anh và em. 

_ Lúc đó anh đã hai mươi ba tuổi mà chưa từng hôn ai sao? – Tôi ngạc nhiên – Hóa ra anh khờ thật à? 

_ Anh không được phép yêu ai hết – Bình thở dài – Vì biết cả gia đình sẽ cùng nhau đi Mỹ, tất cả anh chị em trong nhà đều được ba mẹ anh cài đặt chế độ “bất động trong tình yêu”. 

_ Người ta có thể kiểm soát được trái tim mình sao, nhất là lúc đang trong độ tuổi yêu đương? – Tôi ngờ vực – Anh thật sự phải kiềm chế trước khi đi Mỹ? 

Bình không trả lời, anh ngước nhìn tôi, âu yếm và dịu dàng. Hình ảnh này quen thuộc biết bao nhiêu, tôi đã nhìn thấy anh đầy yêu thương như thế trong những giấc mơ. Nhưng gương mặt anh luôn thể hiện một ánh nhìn khó giải thích. Và vì lẽ đó, anh ám ảnh tôi suốt hai mươi năm qua. Tôi đã luôn tự hỏi Bình có thích tôi, thích đến mức gần gũi nhiều hơn thì yêu tôi hay anh chỉ xem tôi là cô bé hàng xóm dễ thương mà thôi. 

_ Sao em cứ đứng cách xa như vậy? Lại đây ngồi với anh – Bình đưa tay ra mời – Anh đã được hủy lệnh “bất động trong tình yêu” từ rất lâu rồi. 

_ Vậy bây giờ anh đang được cài đặt chế độ gì? – Tôi bật cười đến ngồi bên Bình – Em cũng không còn là cô bé hàng xóm mới mười tám tuổi nữa đâu. 

_ Ờ, mình không còn khờ dại nữa – Bình mỉm cười – Nhưng ở gần em như vầy, sao anh vẫn thấy run quá… 

_ Em cũng run – Tôi cố cười phá lên cho không khí bớt nghiêm trọng – Giá mà Paris cũng có xe Dream, chỉ cần anh chở em đi một vòng, em sẽ… 

Bình đột ngột xoay người lại ôm siết tôi vào lòng. Và tôi thấy anh đang run lên vì xúc động. Cả cơ thể tôi nóng rực lên. Ngực chúng tôi áp vào nhau với những nhịp tim cuồng loạn. Mắt chúng tôi nhìn nhau đắm đuối. Rồi cả hai đều chủ động tìm môi nhau hối hả. Nụ hôn đầu tiên của chúng tôi, vồ vập và gấp gáp, cả hai gần như là cắn đớp vào môi nhau đến mức tôi rồi cũng phải rên lên xuýt xoa. 

“Bình tĩnh!” – Bình dừng lại nâng cằm tôi lên – Bình tĩnh chứ em, rồi trong một tích tắc tôi bình tĩnh lại, anh lấy thế chủ động, cuốn tôi vào một nụ hôn dài bất tận. Nụ hôn mà tôi đã chờ đợi tưởng như vô vọng gần hai mươi năm qua. 

Anh hãy chở em đi, hãy cho em trôi bềnh bồng không màng đến bến bờ như buổi tối ở Sài Gòn năm đó. Cho em tan ra thành ngàn mảnh, ngất ngây, hạnh phúc. Và hãy cho em đi xa hơn! 

Xa hơn…

_


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.