Chim Sơn Ca Trong Túi Áo

Chương 8: Ta là hiệp sĩ Lâm Tinh Tinh!



Ngô Sinh bước xuống taxi, vừa xem đồng hồ vừa đi vào tiệm café. Ông cao lêu nghêu, tay chân mảnh dẻ, nhưng không hề èo uột. Mỗi một cử chỉ đều mạnh mẽ, dứt khoát.

Đúng một phút trước giờ hẹn, Ngô Sinh thấy người đàn ông khoác măng tô màu nền nã, mang theo hơi thở châu Âu đẩy cửa kính tiến vào. Phó Yến kéo ghế, mỉm cười: “Đã lâu không gặp chú, cũng phải gần mười năm rồi.”

“Cậu chủ Phùng.” Ngô Sinh đứng dậy bắt tay anh, ánh mắt lộ ra hoài niệm.

“Chú đừng gọi tôi như vậy nữa. Tôi đã đổi về họ cũ trên giấy tờ, vả lại ngài chánh thanh tra Phùng còn thề sẽ không để lại cho tôi một xu trong di chúc nên hai chữ ‘cậu chủ’ cũng bỏ đi thôi.” Anh thản nhiên như không trước sự kinh ngạc của luật sư Ngô, gọi một tách espresso.

Ngô Sinh từng là luật sư riêng của mẹ anh, sau khi bà tái hôn với ngài chánh thanh tra Cục Cảnh sát – Phùng Kính, nửa năm thì ông cũng khôn khéo đệ đơn từ chức.

Khi về nhà ngài Phùng Kính, Phó Yến đổi sang họ Phùng, bổ sung thêm chữ đệm là Gia – tức ‘Phùng Gia Yến’ là tên cũ của anh. Anh sử dụng cái tên này đến sau khi giải nghệ thì đổi về họ của bố ruột để tránh phiền phức từ phía báo đài, cũng để tiếp tục làm việc trong giới âm nhạc.

Phùng Kính là người giận dữ nhất khi nghe nói anh muốn đổi họ. Ông tuyên bố rằng nếu Phó Yến dám làm vậy thì sẽ tước quyền thừa kế của anh.

Phó Yến chưng hửng, anh đâu có ăn bám nhà họ Phùng, vốn chẳng có huyết thống gì với nhau, không thừa kế thì có sao? Còn hơn là nhận tiền của nhà người rồi phải tỏ ra đội ơn bọn họ.

Là con nuôi cũng đã gượng gạo, huống hồ là con riêng?

Trong thời gian đợi thức uống được phục vụ, Phó Yến tự giới thiệu lại: “Hân hạnh được gặp luật sư Ngô, tôi là Phó Yến.”

“Tôi là Ngô Sinh. Xin hỏi cậu Phó đang gặp phải vấn đề gì?”

Phó Yến đẩy về phía ông một tệp tài liệu, ra dấu hỏi ý rồi mới đốt điếu thuốc trên môi. Ngô Sinh lia nhanh mắt đọc tài liệu, bỗng khựng lại ở một cái tên: “Cậu Lâm… Xuân Tư?”

“Chú biết cậu ấy?”

“Vâng. Dù vụ bê bối của Lâm Úc Nghị khá thu hút giới truyền thông nhưng đó là trách nhiệm của cảnh sát. Những lùm xùm tiếp theo xoay quanh việc bảo mật thông tin thân nhân nghi phạm không ai trong giới luật sư chúng tôi là không biết tới. Trong phiên tòa kiện tụng các tòa soạn và nhà báo, tôi là một trong số luật sư bào chữa. Tuy nhiên,” Ngô Sinh nhẹ lắc đầu, “tôi đã không thể tiếp tục bào chữa cho một phiên tòa như vậy. Tôi rút ngay sau đó và không nhận thù lao.”

Phó Yến biểu lộ sự chú ý: “Chú có thể cho tôi biết rõ thêm về phiên tòa đó không?”

“Đó là phiên tòa xét xử vụ kiện của nhà họ Lâm liên kết cùng một số tổ chức xã hội buộc tội giới báo chí vi phạm quy định về xâm phạm thông tin cá nhân và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức. Bên phía nhà họ Lâm có luật sư gia đình, luật sư của các tổ chức liên kết và kiểm sát viên được ủy thác. Phía các tòa soạn và nhà báo thì có chúng tôi. Song điều khiến tôi khó hiểu nhất trong phiên tòa là sự có mặt của cậu Lâm Xuân Tư.

“Tình trạng cậu Lâm Xuân Tư hoàn toàn không đủ ổn để tham gia phiên tòa. Cậu ấy ngồi lì trên ghế, không một lần ngước lên nhìn Thẩm phán, toàn thân căng thẳng cực độ. Cậu Phó có thể tưởng tượng ra… – ý tôi là – cậu Lâm Xuân Tư như thể dây cung bị kéo căng hết cỡ, sơ sẩy là sẽ đứt. Nhìn cậu ấy cũng làm tôi căng thẳng theo. Khoảnh khắc khiến tôi không còn có thể tiếp tục bào chữa là khi Tòa yêu cầu cậu Lâm Xuân Tư trình bày. Cậu ấy căng thẳng tới mức không thể nói được một lời nào, chỉ đứng và run rẩy trong sự thúc giục của luật sư gia đình. Sau đó tôi bỏ ngang phiên tòa.”

Ngô Sinh nhấp tách mocaccino, day thái dương: “Con trai tôi cũng tầm tuổi cậu Lâm Xuân Tư, lúc đó cậu ấy làm tôi không thể ngừng nghĩ về cậu nhà. Tình trạng của Lâm Xuân Tư nên được một nhà trị liệu* giúp đỡ chứ không phải là bị phán xét ngôn luận trước Tòa. Tôi từ chối bào chữa cho một phiên tòa không bảo vệ quyền nhân thân của người khác.”

* Lưu ý: Ở Việt Nam không có chức danh nghề nghiệp “bác sĩ tâm lý” – nghĩa là không tồn tại nghề “bác sĩ tâm lý” – chỉ có chức danh “nhà tâm lý học” theo Quyết Định số 34/2020/QĐ – TTg ban hành vào ngày 26/11/2020. Nhà tham vấn được gọi là nhà tham vấn tâm lý hoặc tâm lý gia, các nhà trị liệu gọi là nhà trị liệu tâm lý (khác với bác sĩ tâm thần).

“Chú có biết những phiên tòa sau như thế nào không?” Phó Yến châm điếu thuốc thứ hai.

Vì từng qua lại khá lâu, Ngô Sinh không giấu giếm anh: “Các đồng nghiệp có động viên tôi tiếp tục theo vụ kiện. Tôi được nghe nói là các phiên tòa sau cải thiện hơn, cậu Lâm không căng thẳng như trước. Tuy nhiên, dường như Thẩm phán có sự thiên vị về phía báo chí nên liên tục yêu cầu cậu Lâm Xuân Tư trình bày cặn kẽ về tổn thương tinh thần của mình. Không khác chi đang đào bới nỗi đau của nạn nhân. Đỉnh điểm là cậu Lâm Xuân Tư đã gục khóc không kiềm chế nổi trong một phiên tòa và sau đó không thể tham gia nữa.”

“Một phiên tòa nhẫn tâm. Đồng nghiệp của tôi nói vậy.” Ông cũng rút ra một điếu thuốc, thở dài.

“Kết quả vụ kiện thế nào?”

“Bên nguyên đơn thắng kiện. Một số nhà báo mất việc và các tòa soạn thua kiện phải thu hồi tất cả ấn phẩm có liên quan, đồng thời xin lỗi và đền bù một khoản – theo tôi nhớ – là khá lớn. Sau đó thì tôi không rõ.”

“Tôi hiểu rồi.” Phó Yến dụi thuốc, tiện thể bấm nút dừng ghi âm trong tay áo. Đây là một thói quen nhỏ có từ hồi còn qua lại các sân khấu. Do bề ngoài ưa nhìn, anh luôn giữ một thiết bị ghi âm mini trong túi để tự bảo vệ mình. Và chúng rất hữu dụng.

Như trong trường hợp hiện tại… Ngài chánh thanh tra có lẽ sẽ hứng thú với những vụ thế này.

“Vậy vụ của tôi chú muốn nhận không?”

Ngô Sinh lại nhìn xuống tệp tài liệu: “Vụ này đơn giản, tôi có thể làm nhanh. Cậu Phó muốn thế nào?”

“Tôi muốn làm lâu, kéo dài đến kỳ thi đại học.” Phó Yến mỉm cười liếm vệt cafe dính trên môi: “Tôi tin rằng tiền sự của các cậu này còn nhiều hơn lượng kiến thức chúng được học trên trường. Tôi không thích những kẻ thấp kém có tương lai tốt hơn người xứng đáng. Nếu phụ huynh của chúng tin rằng họ nhiều tiền thì chú cứ thong thả làm vụ này. Tôi sẽ bao hết.”

“Tôi hiểu.” Ngô Sinh uống hết tách của ông: “Tôi có thể được biết cậu Phó và cậu Lâm có quan hệ gì không?”

“Là cố tri từ hồi ba tôi còn sống. Nếu chú vẫn thắc mắc động cơ của tôi thì tôi vừa mới bị mối tình một năm – suýt cưới đá nên muốn làm gì đó điên rồ để giải tỏa.” Anh thản nhiên đi bút ký tên: “Tôi tin là ngài chánh thanh tra sẽ không tống tôi vào tù chỉ vì chuyện này.”

Phó Yến về căn hộ, tháo thiết bị ghi âm trên dây đồng hồ, cất vào một phong thơ trống.

Anh đi tắm gội rồi lấy ra cuốn album bạc màu trong ngăn tủ. Ba anh có sở thích chụp ảnh những vị khách đến thăm cánh đồng – dĩ nhiên là đã xin phép, bằng chiếc máy ảnh phim bỏ túi cổ lỗ sĩ. Trong album có ảnh của rất nhiều người xa lạ, đủ mọi lứa tuổi. Ông cẩn thận ghi chú ngày tháng và tên người được chụp ở góc trên album.

Phó Yến dừng ngón tay ở trang ảnh về gia đình Lâm Úc Nghị.

Cậu bé Lâm Xuân Tư mới ba tuổi rưỡi, mặc quần yếm, đội mũ rơm, vừa béo vừa trắng như hai viên bánh trôi to, nhỏ chồng lên nhau, đang cố nhét một bó hoa cải vào miệng.

Phó Yến khẽ cười.

Xem một hồi thì anh phát hiện ra Lâm Xuân Tư bé có vẻ rất thích nhét mấy thứ kỳ lạ vào miệng: hoa, lá, cành cây, đến cả bọ cánh cam và dây buộc giày… Ba Phó có cả một bộ sưu tập những món kỳ lạ mà cậu nhỏ Lâm cho vào miệng làm hú hồn ba mẹ.

Đợi tóc khô, Phó Yến gấp album rồi mở tập tin nhận được từ một tiếng trước về lý lịch chi tiết của Lâm Úc Nghị và nhà họ Lâm. Những thông tin mà chẳng ai có thể tìm kiếm thấy trên internet hoặc báo chí không viết rõ ràng.

Ví dụ như vợ chồng cậu Ba nhà họ Lâm, ông bà nội trên giấy tờ của Lâm Xuân Tư, đã xuất ngoại sau vụ kiện.

Phó Yến vừa rít thuốc vừa cẩn thận đọc từng trang, nhắm mắt nghỉ ngơi vài phút rồi chép sang laptop, in ra một bản rồi bỏ vào phong thơ chứa thiết bị ghi âm, kẹp vào sách.

Có lẽ vì có bố dượng làm trong ngành Cảnh sát nên Phó Yến có một khoái cảm méo mó đối với những việc vi phạm pháp luật. Anh trút cảm xúc hỗn độn của mình với ngài Phùng lên những hành vi dính líu đến pháp luật. Thời thanh niên, các vi phạm nhỏ có thể làm anh vui như một đứa trẻ hư. Tuy nhiên, hiện tại thì anh càng thích thực thi đúng pháp luật*.

* Bạn đọc muốn hiểu sâu thì có thể tìm đọc về những Cơ chế phòng vệ (defense mechanism) của Sigmund Freud. Trong cùng một lúc, con người có thể sử dụng nhiều cơ chế phòng vệ khác nhau, chúng diễn ra cách vô thức.

Tuy anh chỉ là dân nghiệp dư nhưng ngài chánh thanh tra thì có đôi mắt còn sáng hơn cả Hỏa Nhãn Kim Tinh.

Phong thơ này để đó, về sau sẽ dùng tới.

Phó Yến uống thuốc ngủ, gò má lún sâu vào gối đầu, đôi mắt chơi vơi giữa sáng và tối.

Cô Lâm có tên thời con gái là Úc Diễm, thỉnh thoảng sẽ đem cho ba con anh món cô nấu. Cô mảnh mai, yểu điệu, thường mặc váy dài, giọng nói ngọt ngào: “Cho phép tôi tò mò rằng con trai anh sao lại ít đi ra ngoài vậy? Nơi đây cảnh quan nao lòng, không khí rất trong lành, cứ ở trong nhà thì phí mất.”

Ba Phó cảm ơn nồi cà ri của cô, ảo não thở dài: “Con tôi bị dị ứng phấn hoa nặng, vào mùa này thì chỉ đành ở trong nhà.”

Úc Diễm tiếc nuối: “Thì ra là thế. Nhóc Tinh Tinh nằng nặc đòi gặp con anh nên tôi mới hỏi thăm.”

“Sao bé Tinh Tinh lại muốn gặp Yến nhà tôi?”

Phó Yến kéo cửa sập để nghe rõ hơn, mùa hoa nở nhiều gió, sơ sẩy là phấn hoa có thể lọt vào phòng.

Úc Diễm ửng đỏ gò má, bất lực đỡ trán bảo: “Thằng nhóc đó không biết lại tự biên soạn ra cái kịch bản gì trong đầu. Hôm qua đột ngột đòi ‘thanh kiếm thần’ gì gì đó, rồi còn muốn có áo choàng và ngựa nên chồng tôi lái xe đưa nó lên trấn mua bìa các tông để làm thủ công rồi. Chút nữa Tinh Tinh có làm loạn thì mong anh thông cảm, cứ mặc kệ nó.”

“Ha ha. Có tiếng cười của trẻ con quanh đây thì càng tốt chứ. Biết đâu bé Tinh Tinh có thể gọi ra vài Tinh Linh tốt lành ban phước cho cánh đồng của tôi hút khách hơn.”

“Thằng bé có mà gọi ra tụi Yêu tinh, quậy như giặc!” Cô Lâm phẩy tay, dời gót.

Lúc Phó Yến đang luyện tập cello thì nghe tiếng ‘bíp bíp’ của chiếc xe con màu xanh dương bon bon chạy về. Cậu nhỏ Lâm thích bấm còi xe inh ỏi để thông báo với cả thế giới biết là mình đang ‘giá lâm’ đây.

Anh cảm thấy rất phiền với cậu nhóc ồn ào đó, khép cửa sổ cho đỡ ồn rồi tiếp tục chìm đắm vào những phím cello trầm lắng ngự trị nơi quãng thấp, vén mở cõi bí ẩn trong góc khuất của tâm tư.

Ba Phó không bao giờ làm phiền khi tiếng đàn của con trai đang vang lên. Ông luôn cố gắng làm việc thật khẽ để lắng nghe âm thanh dịu dàng này.

Nhưng tối đó lại có một cậu yêu tinh quậy như giặc chạy đến phá bĩnh, cao giọng, ngọng nghịu gọi: “Công chúa của ta! Nàng hãy mở cửa ra! Ta đã nghe tiếng đàn của nàng! Ta đến cứu nàng đây!”

Tiếng cello méo mó một chập rồi dừng lại. Ba Phó đứng dậy ra cửa, thấy bé Tinh Tinh cột một tấm vải đỏ làm áo choàng, trong tay cầm thanh kiếm ghép từ bìa các tông, đội mũ cũng làm từ bìa cứng đang múa trước nhà.

Lâm Tinh Tinh nghiêm túc bặm môi, ‘mạnh mẽ’ huơ kiếm giả ra dáng mà tự làm mình mất thăng bằng té dập mông, đoạn lồm cồm bò dậy. Cậu cắm ‘kiếm’ xuống, hùng hồn giới thiệu: “Ta là hiệp sĩ Lâm Tinh Tinh đến từ vương quốc Cầu Vồng để giải cứu cho công chúa khỏi tòa tháp của Chúa Rồng xấu xa! Công chúa đừng sợ, hãy mở cửa ra! Ta sẽ cứu nàng!”

Ba Phó bụm miệng cười đến run rẩy cả người, rút máy ảnh ra chụp hình.

Úc Diễm không biết giấu mặt vào đâu vì thằng con ngố tàu, nhéo tai chồng: “Còn dám cười! Tại anh cho con xem mấy bộ phim vớ vẩn đấy!”

“Ui da, ui da, đó đều là phim hoạt hình mà.” Lâm Úc Nghị vừa vui vừa mếu.

“Tại anh vừa cho Tinh Tinh xem vừa tâng bốc con là hiệp sĩ đấy! Giờ con tin mình là hiệp sĩ thật rồi kìa! Hiệp sĩ nào mà tròn như ỉn thế kia?”

Lâm Tinh Tinh ‘tròn như ỉn’ kiên trì múa kiếm gọi ‘công chúa’ bị giam giữ. Còn Phó Yến chỉ biết che mặt và xấu hổ thay cho cậu nhỏ Lâm ngốc nghếch, đáng yêu. Anh nén nhịn nội tâm dậy sóng nép vào cửa sổ, nhìn qua khe hở, thấy hiệp sĩ nhỏ chĩa kiếm vào ánh trăng, tuyên bố: “Ta nhất định sẽ cứu công chúa!”

Phó Yến che mũi miệng lại, vặn chốt cửa, gió mát liền lùa vào thổi bay rèm cửa. Lâm Xuân Tư nhìn thấy thiếu niên xinh đẹp dựa vào cửa sổ, lập tức cười toe hô lên: “Anh đừng sợ! Em sẽ cứu anh!”

Không gian đắp lên màu trăng xanh, cậu bé ở giữa biển hoa giống như một hiệp sĩ nhỏ đã vượt qua trăm ngàn nguy khó. Kiếm bìa cứng múa loạn làm cánh hoa bay bổng. Cậu hiệp sĩ nghển cổ, đôi mắt long lanh chờ đợi phần thưởng của công chúa.

Nhưng công chúa vội đóng cửa.

Ba Phó lo lắng chạy lên lầu, thấy con trai dựa vào giường ho đến đỏ bừng mặt như không thở nổi. Ông nhanh chóng lấy thuốc. Phó Yến đè ngực uống, nghe thấy cậu nhỏ Lâm khóc lóc: ‘Công chúa không thích con!’, vươn tay cầm khối pha lê trên đầu giường: “Ba cho cậu ta cái này, nói đừng khóc nữa. Ồn ào quá.”

Anh một mình hít thở sâu thì nghe thấy Lâm Tinh Tinh ở phía dưới la lớn: “Cảm ơn công chúa! Em sẽ còn tới đây! Em nhất định sẽ cứu anh!”

Tấm áo choàng đọng lại trong mắt Phó Yến một màu chu sa thấu cõi lòng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.