Mười ba năm trước.
Sương mù vấn vít trôi dạt dưới ngọn đèn đường, nụ hôn buốt giá vị tuyết.
Nguyễn Ngụy Chi đưa điếu thuốc lên rít mạnh một hơi, nheo mắt nhìn dãy đèn LED lòe loẹt nhấp nháy trên đỉnh đầu, vuốt lưng người trong lòng: “Còn giận à?”
Trần Tư Bạch vò nhăn cổ áo y.
“Anh xin lỗi.” Y dụi mũi vào mai tóc bạn trai: “Nếu lần sau anh quên mặt dây nữa thì cho em tùy ý trút giận.”
“Hôm nay em ngủ một mình.” Bạn trai lắc đầu, chậm rãi xoay lưng: “Đợi anh tỉnh rượu rồi chúng ta nói chuyện tiếp.”
Lúc đó, y đã có một dự cảm. Rằng: Tư Bạch muốn chia tay với mình.
Chỉ là, không kịp.
…
Nguyễn Ngụy Chi choàng tỉnh, đờ đẫn nhìn trần nhà. Sau đó, y thấy đứa cháu trai qua tấm kính.
Đầu anh gục xuống, hai vai buông xõng như một con rối đứt dây. Anh bất thần giật mình rồi nhìn lên. Một biểu cảm khó tả dãn nở trên khuôn mặt, đứng phắt dậy, lớn tiếng gọi ai đó.
Y nhìn anh đăm đăm, mấp máy môi.
Ôn Dữ tiến vào cùng với bác sĩ, nôn nóng nắm lấy tay y.
Nguyễn Ngụy Chi cử động ngón tay, nhè nhẹ chạm vào anh. Cảm thấy y làm vậy, Ôn Dữ không kìm nổi nước mắt, gục đầu khóc không thành tiếng.
Y không thấy rõ nét mặt người con trai, dường như cả cơ thể anh đều run lên. Anh vừa khóc vừa lầm rầm như tự an ủi bản thân: “Chú tỉnh là tốt rồi. Tỉnh lại là tốt rồi…”
Bác sĩ bước vội ra ngoài rồi dẫn thêm hai y tá vào. Bọn họ gỡ chốt cố định, đẩy giường của Nguyễn Ngụy Chi ra hành lang.
Ôn Dữ không buông tay y ra, gạt nước mắt tất tả bước theo.
Y dùng hết hơi để nói: “Cậu… đi… nghỉ đi.”
Anh quả quyết lắc đầu, đặt hai ôm lấy bàn tay y: “Cháu trông chú qua đêm nay.”
Nguyễn Ngụy Chi thất thần nhìn vào cặp mắt đỏ au của anh, biết nói chăng cũng vô ích nên nghiêng đầu, nhắm mắt. Hôm sau, y tỉnh lại thì thấy Mạnh Cẩm Tri tới thăm. Chị tường thuật tình hình về vụ việc.
Y chỉ đáp ừ, rồi nói chị thay mình chi trả toàn bộ viện phí cho ông bố khốn khổ đã lâm vào hôn mê của Trần Tư Bạch. Sau khi mất vợ, lão oán hận quấy rối y mấy năm nay. Bây giờ xem như đã lấy mạng đền mạng, không cần truy cứu nữa.
Giải quyết xong vấn đề, y hỏi: “Ôn Dữ đâu?”
Mạnh Cẩm Tri thấp giọng đáp: “Mới về nghỉ. Cậu ấy đã thức cả đêm trông chừng em.”
“Chị giao thiệp rộng, kiếm cho nó việc gì làm để ít tới tìm em đi.” Thấy chị toan trách, y nhắm mắt: “Nó làm em tâm phiền ý loạn, không thể tĩnh dưỡng.”
Buổi tối, Nguyễn Ngụy Chi được đẩy khỏi phòng hồi sức tích cực. Mẹ y gọi điện đến.
Trong điện thoại mẹ y khóc nấc lên vì lo lắng, hỏi liên miên từ cái này tới cái nọ. Y kiên nhẫn trả lời từng câu một. Sau đó, bà gọi: “Ông vào mà nói với con một tiếng.”
Y nghe thấy giọng nói khàn đục vì thuốc lá của bố, “Nói gì là nói gì! Nó còn sống thì vác xác về tôi xem!”
Nguyễn Ngụy Chi cúp máy, thừ ra một lúc, sau đó cười thành tiếng.
Không lâu sau Ôn Dữ tới. Anh khoác áo dạ màu nâu, cầm lấy tay y. Y thấy lòng bàn tay anh nóng hổi: “Bị ốm?”
“Hơi cúm thôi ạ. Mùa này nó thế.”
Ôn Dữ khụt khịt mũi, nhàn thoại đôi chút việc nhà rồi cầm lấy remote: “Chú muốn xem gì không?”
“Tùy cậu.”
Anh dò đến một kênh đang phát chương trình tạp kĩ ca nhạc. Giọng hát da diết của nữ ca sĩ truyền qua màn hình TV.
Ôn Dữ mân mê ngón tay y, bỗng gập cùi chỏ hắt xì, tấm lưng rung lên như phiến lá trước gió.
Y rút tay ra đặt lên đốt sống trên mấy nấc tính từ xương cùng của anh. Ôn Dữ thoáng rùng mình vì lẽ đó, mở to mắt nhìn y.
“Thời gian qua cậu… rảnh rỗi vậy, công ty quản lý có làm khó dễ không?”
“Cũng hơi.” Anh suy nghĩ đáp: “Hợp đồng vẫn an toàn. Chỉ là đôi lúc sẽ bị nói ra nói vào, hoặc ép đi dự tiệc rượu này nọ…” Thấy y nhíu mày, anh phì cười: “Không phải kiểu tiệc quy tắc. Quản lý tốt với tôi lắm. Chị ấy sẽ không đẩy tôi vào lối đó. Vả lại tôi cũng đâu có sa sút đến mức ấy.”
“Nếu sa sút hơn nữa thì sẽ chơi quy tắc?”
“Chơi chứ.” Ôn Dữ đáp ngay tắp lự, tươi cười nháy mắt: “Chơi với ông chủ Nguyễn này.”
Nguyễn Ngụy Chi dịu nét mặt, ngón tay ma sát đốt sống lưng cách lớp áo người con trai, chợt nói: “Bố cậu rất thương cậu. Mặc dù gã là một tên khốn – có thể còn khốn nạn hơn cả tôi, song gã thương cậu là sự thật. Cậu biết rõ điều đó. Trong cái giới này, không có chống lưng thì làm sao sự nghiệp của cậu có thể suôn sẻ như thế.”
Máu mủ ruột rà không bao giờ có thể cắt đứt. Sinh ra từ đâu thì sẽ mang cái danh đó suốt cuộc đời.
“Dù vậy, cháu…” Ôn Dữ đổi xưng hô, cụp mắt nói: “Ông ta đã phản bội gia đình rồi còn hãm hại chú. Ông ta vì thể diện của bản thân mà ép tất cả mọi người phải nghe theo ý mình. Ông ta yêu thể diện hơn cháu nhiều.”
Anh biết bố mình đứng sau bức ảnh chụp hai người ở khách sạn gần như ngay sau khi nó xuất hiện.
Ngón tay ép vào sống lưng anh bất động, đoạn thu về, “Mỗi người đều chỉ có một cuộc đời. Cứ suy nghĩ đi.”
“Chú.” Anh vén tóc mai cho y, mỉm cười: “Nếu tôi muốn diễn với chú, tôi đã có thể diễn mười năm thì cũng có thể diễn cả đời. Tuy nhiên… thực tình là tôi không thích diễn xuất tới mức đó nên chú cũng suy nghĩ đi.”
Khi màn đêm dần sâu, Nguyễn Ngụy Chi vẫn chưa thể gạt bỏ ca từ của bài hát trên chương trình tạp kỹ.
Love can touch us one time, and last for a lifetime.
Anh never let go till we’re gone…
…
In my life we’ll always go on…
Nằm viện ba tuần thì Nguyễn Ngụy Chi về nhà.
Ôn Dữ lấy lý do chăm sóc ‘người bệnh neo đơn’ để ở lại nhà y. Về phía thân nhân hết sức ủng hộ, Nguyễn Ngụy Chi đành cam chịu.
Mất bao năm tất bật ngược xuôi, rốt cuộc hai người lại chung một mái nhà.
Cuối thu, Nguyễn Ngụy Chi đi Moscow, ống quyển y vẫn còn phải nẹp, không thể chạy nhảy hay hoạt động mạnh.
Ôn Dữ thì vui rồi, ‘thất nghiệp’ đi nghỉ mát, rủ cả cậu trai nhà Phó Yến đi chơi cùng – à mà không, là đi giải sầu hậu chia tay.
Y lơ đễnh nhớ lại hình như hồi xưa ít khi nào nghe Ôn Dữ kể chuyện về bạn bè trên lớp. Có vẻ anh từng phải xấu hổ nhiều vì ông bố ruột ngạo mạn.
Về homestay, Nguyễn Ngụy Chi bức thiết cần ngay một điếu thuốc. Y đặt hành lý bên chân rồi đứng dưới mái hiên bật lửa, nhìn gió tuyết quật vào hàng rào. Ôn Dữ ló mặt ra, chân mày xoắn lại: “Trên taxi chú đã hút ba điếu rồi mà.”
Sao mà so sánh được? Y thầm nghĩ: trên xe là hút để giết thời gian, bây giờ mới được nhàn nhã.
Anh bước ra xách vali của y, lại giục y đi vào cho ấm.
Nguyễn Ngụy Chi bèn phải tiếc rẻ vứt thuốc đi.
Buổi tối y có hẹn với đối tác, vốn không định uống say nhưng tửu lượng của họ khó xơi quá. Thương lượng xong thì y cũng bị chuốc đậm.
Ôn Dữ mở cửa, đỡ Nguyễn Ngụy Chi vào nhà. Cằm của y đặt lên vai anh, hơi thở nóng rực như mồi lửa. Anh rót nước, dấp khăn cho y, chợt bị kéo ngồi xuống bên cạnh. Y lười biếng ép cánh tay vào eo anh, giọng khàn đục: “Lấy cho tôi điếu thuốc ở trong túi.”
Ôn Dữ im lặng giây lát đoạn gạt phăng tay y: “Chú xem tôi là ai? Tiếp viên nam phục vụ ở club à?”
Nguyễn Ngụy Chi bất ngờ nhìn anh bỏ đi, chậm rãi móc điếu thuốc cuối cùng, mất hứng vứt đi.
Hôm sau và hôm kia, dù vẫn cẩn thận săn sóc nhưng Ôn Dữ ít lời với y hẳn, thấy y đi ra ngoài hiên hút thuốc cũng chả thèm gọi vào.
Hình như lâu lắm rồi y mới bị giận dỗi.
Chập tối, Nguyễn Ngụy Chi xách nguyên liệu từ chỗ Liva, vỗ vào mông người con trai đang loay hoay trên bếp. Ôn Dữ đỏ ửng mặt dịch qua một bên, trố mắt nhìn y vừa ngậm thuốc lá vừa xào nấu.
Y không mang tạp dề, tay áo xắn đến khuỷu, điệu bộ bận rộn mà ung dung, nấu toàn món anh thích.
Sau bữa tối, Ôn Dữ len lén kéo áo chú Nguyễn, hôn nhanh lên má y, cười tủm tỉm: “Này là vì bữa ăn thôi đấy.”
Hình như dầu gội đầu của anh là hương bưởi.
Y gạt tàn thuốc dựa vào cột nhà, nhìn đỉnh núi xa lặng lờ xiêu mình trong tuyết.
Sau khi giận y, Tư Bạch ra ngoài mua thêm đồ uống.
Chín giờ tối, gió bắt đầu trở mạnh, ánh đèn ngoài sân lúc mờ lúc tỏ. Dương Nhiêu để ý hỏi: “Tư Bạch chưa về sao?”
Giữa cuộc vui, y không bận tâm lắm liếc qua di động rồi đáp: “Chắc là đang ở ngoài với Gia Yến.”
Chín giờ hai mươi, Phó Yến quay về phòng. Mọi người hỏi Tư Bạch không đi với anh sao? Anh ngạc nhiên bảo mình không biết.
Lúc này Nguyễn Ngụy Chi không còn bình thản nữa.
Sau khi tìm kiếm khắp khu nhà thì đã quá mười giờ, đèn đóm lác đác trên đường mất hút trong gió tuyết xám xịt, ai ai cũng hoang mang. Dương Nhiêu lo sợ nói: “Hay là gọi cảnh sát?”
“Bão thế này e là họ không thể triển khai công tác ngay.” Phó Yến nhíu chặt mày tóm lấy Nguyễn Ngụy Chi đang khoác áo: “Anh tính đi đâu?”
“Tôi nghĩ Tư Bạch lên chỗ cáp treo.”
“Không. Các cậu đều đang sẵn rượu trong người, ngoài kia là bão tuyết. Lên núi vào lúc này rất nguy hiểm – vì vậy, không ai được rời khỏi đây. Dương Nhiêu, báo cảnh sát đi.”
“Ông bố dượng làm trong ngành nên cách nói năng của cậu cũng ngày càng giống người trong ngành nhỉ?” Y tức tối giật tay: “Nhưng cậu chả phải cảnh sát, lấy cái gì cản tôi?”
Nguyễn Ngụy Chi không nhìn đến vẻ mặt Phó Yến, đeo kính trượt tuyết lên, vừa mở cửa là tuyết đã quật vào người thành từng mảng, đi được mấy bước thì có hai người nữa cũng tóm lấy y, khuyên y đừng liều.
Cơn bão đi qua vào tầm ba giờ khuya. Cảnh sát và cứu hộ tới gần như ngay lập tức. Bất chấp mọi nỗ lực, bọn họ tìm ra thi thể Trần Tư Bạch vào lúc bảy giờ sáng ở bãi đá cách vài trăm mét tính từ cáp treo. Lớp tuyết dày ôm ấp người ấy trông chỉ như đang ngủ.
Y ngồi thụp xuống, run rẩy bụm mặt, đánh mất ngôn ngữ.
Sau khi điều tra, cảnh sát kết luận đó là một vụ tai nạn. Vì cơn bão che khuất tầm nhìn nên nạn nhân trượt ngã xuống núi.
Chuyến du lịch của nhóm tan rã trong đau thương. Sau đó có người hỏi y: “Sao cậu biết Tư Bạch muốn đi lên cáp treo?”
Y thực tình trả lời: “Nếu mặt dây không bị rơi ở khu trượt tuyết thì chỉ còn khả năng là trên cáp treo.”
Đối phương vặt lại: “Đã biết như vậy sao cậu không nói với Tư Bạch? Nếu cậu nói với Tư Bạch là cậu biết mặt dây ở đâu thì em ấy đã không gặp phải cơ sự thế này! Đều tại cậu vô tâm!”
Những lời trách móc tung bay. Y không đáp trả một lần.
Đã quá muộn để nói rằng: “Tôi dự định sẽ dậy sớm đi tìm nó về để dỗ em ấy.”
Y vứt bỏ mọi tâm huyết suốt bốn năm đại học, nhượng thành quả cho người khác, đơn độc về quê hương.
Không cửa hàng, không nhà ở, gần như trắng tay.
Cuộc sống vẫn hỗn loạn như chưa từng xảy ra biến cố. Nhiều lúc Nguyễn Ngụy Chi phải tự vấn: sự mất mát người bạn trai bên nhau suốt bốn năm có ảnh hưởng gì đến y không? Đáp án là có. Chắc chắn có. Y chẳng thiết làm gì nữa, chẳng mặn mà với công việc. Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại thú thật cũng không khác gì với khi Tư Bạch còn sinh thì.
Tùy tâm sở dục, mơ mơ màng màng.
Uống thì phải uống cho say, vui thì phải vui cho tận, chết mới không tiếc.
…
Hai tuần sau khi về nước, quản lý gửi cho Ôn Dữ một tập kịch bản phim truyền hình. Chị bảo: “Vai phụ thôi nhưng xây dựng khá hay. Cậu đấy, tém tém lại cho đỡ tai tiếng.”
Mỗi lần thấy Ôn Dữ đặt kịch bản lên đầu gối xem, y như rằng Nguyễn Ngụy Chi sẽ túm gáy anh, bảo: “Bỏ chân xuống khỏi sofa, để sách xa ra.”
Ôn Dữ kéo tay y, chớp chớp mắt: “Cháu quen ngồi thế này vì Paris thường nằm ngay dưới chân cháu. Nhóc ấy quấn người lắm, chú cho cháu dẫn Paris tới đây đi. Cháu nhất định sẽ giữ nhà cửa sạch sẽ, không để lông rơi lung tung đâu.”
Hễ làm nũng là anh đổi qua “chú – cháu”, còn bình thường thì cứ “tôi – chú”.
Y gõ trán anh: “Muốn thì đi về.”
Trước ngày vào đoàn, Ôn Dữ lấy cớ là không gửi nhờ được ai nên dắt Paris về. Con cún chạy đến ngửi ngửi ống quần y rồi cạp đầu London đang lim dim trên ghế.
Nguyễn Ngụy Chi tắt TV, cầm lon bia đi vào, ngồi lên giường nhìn Ôn Dữ soạn hành lý. Anh vặn cổ rồi dựa đầu vào đầu gối y, ngoắc ngoắc tay xin miếng bia lạnh.
Y dịu mắt duỗi ngón tay sờ vào phía sau tai Ôn Dữ: “Kem bôi mang theo chưa?”
“Có rồi.”
“Thuốc cảm, chống viêm?”
“Đều có.”
“Vitamin?”
“Rồi.”
Y hỏi vài câu rồi uống nốt hớp bia. Ôn Dữ ngửa mặt chớp đôi mắt cong cong: “Còn thiếu một thứ.”
“Thứ gì?”
Anh chu mỏ.
Nguyễn Ngụy Chi vuốt mắt, tháo kính ra rồi cúi xuống ịn môi lên trán anh, nói: “Làm việc cho tốt.”
Buổi tối khi bay, Ôn Dữ gửi cho y một tin nhắn: Có con trai và con gái tôi ở đó, chú chớ nghĩ đến việc cặp kè người khác.
Mười phút sau anh gửi qua một bức ảnh chụp mây ngoài cửa sổ máy bay.
Nguyễn Ngụy Chi đi lấy lon bia khác thì anh gửi tiếp một bức ảnh chụp phần ăn dở với ngón tay chữ V: Có món khoái khẩu của tôi nhưng không ngon bằng chú nấu.
Y vừa rút điếu thuốc ra là con cún của Ôn Dữ đứng dậy nhìn y chằm chằm. Y ngậm lên môi. Nó sủa.
Y mồi lửa, rít vào thở ra. Nó liền chồm lên chân y muốn giành lấy điếu thuốc.
Y gạt nó xuống, ra ban công đóng cửa lại.
Di động lại báo có tin nhắn: Chú ở nhà nếu buồn thì xem hai nhóc nhà tôi đùa giỡn đi, cũng vui lắm.
Y quay đầu lại, thấy một chó một mèo ở sau cửa kính, giương đôi mắt long lanh, rầu rĩ nhìn mình.
Phiền thật…
Vất vả ba tháng, tiệc mừng công diễn ra tại một sảnh kiểu Âu.
Ôn Dữ ngoan ngoãn theo quản lý đi chào hỏi, giữa chừng thì chị Tình bị phó đạo diễn gọi đi mất.
Anh nhấp cocktail, cắn miếng bánh ngọt, tận hưởng mỹ vị và âm nhạc du dương.
Bỗng có một gã tươi cười đến bắt chuyện với Ôn Dữ. Gã còn trẻ, dùng tiếng Nga, có vẻ uống say nên liến thoắng làm chữ dính vào nhau. Ôn Dữ thấy cung cách gã nhiệt tình lễ độ nên không tiện từ chối, cứ thế bị kéo về phía mấy người khác.
Một cô gái trong bọn cười duyên, giúp anh phiên dịch: “Anh Ôn, người bạn này của tôi ngưỡng mộ anh đã lâu, muốn kính anh một ly.”
Ôn Dữ thấy gã chọn thức uống mạnh độ cồn nhất, nhíu mày tính ứng phó thì khóe mắt lọt vào một bóng hình. Thế là anh nở nụ cười tiêu chuẩn nhận ly rượu, ngửa cổ uống.
Vị cay đậm bám chặt trên lưỡi, lia xuống họng tựa những lưỡi dao mảnh. Mùi đường thắng ngập tràn xông lên đến tận trán làm Ôn Dữ váng vất.
Mạnh thật.
Nhưng cũng không tệ.
Anh mỉm cười, đuôi mắt phiếm tình ý, không chút do dự cầm ly rượu tiếp theo được đưa đến.
“Nguyễn? Cậu sao vậy?”
Nguyễn Ngụy Chi đặt mạnh ly rượu xuống, cười: “Tôi đúng là đang bị đùa giỡn tình cảm.”
Ôn Dữ đỡ trán, thấy cổ họng bỏng rát, nhịp đập trái tim ngày càng tăng.
“Excuse me (mạn phép).” Bàn tay người đàn ông đặt lên đầu vai anh, trượt xuống bắp tay, ái muội ép vào.
Nửa câu sau là tiếng Nga. Lần này Ôn Dữ nghe rõ từng chữ.
“Người nhà của tôi.”
Nguyễn Ngụy Chi đưa người con trai phiền phức này ra xe. Y đặt tay lên cửa xe, không vội mở, ghé vào tai anh trầm khàn nói: “Tối nay tất cả mọi người đã thấy tôi đưa cậu rời khỏi rồi, hài lòng chưa? Hửm?”
Ôn Dữ vuốt ve vạt áo y, say rồi, tươi cười ngẩn ngơ: “Xe này đi lên thì có xuống được không?”
“Đoán xem.” Y bực mình cười.
Anh nâng cằm y, mơ màng nhìn một lúc rồi đột ngột hôn lên: “Khỏi xuống cũng được.”
Nguyễn Ngụy Chi mở cửa xe. Hai cánh tay Ôn Dữ quàng qua cổ y, ôm lấy y không buông, vừa cười vừa nói ngớ ngẩn: “Say rồi. Điên rồi…”
Y gỡ tay anh không ra, đôi mắt tối xuống, trong ngực như có mồi lửa bùng lên.
Vất vả lắm mới mang con ma men này về khách sạn, nắm lấy tay cửa, Nguyễn Ngụy Chi thấy đốm lửa trong ngực không có chiều hướng thuyên giảm, nghiến răng hỏi một lần nữa: “Suy nghĩ kỹ chưa? Vào trong rồi thì ra không được đâu.”
Ôn Dữ ngây ngất nhìn y, sau đó cũng đặt tay lên nắm cửa.
Y vặn mở, nghĩ: Đúng là điên rồi…
Ôn Dữ bị tiếng mưa đánh thức, trở mình, ngửi thấy trên chăn có mùi thơm là lạ.
Nguyễn Ngụy Chi đi ra khỏi nhà tắm, thấy người trên giường ngồi ngơ ngác, cổ áo ngủ sấn ra tận bả vai. Hõm xương đòn uốn mình duyên dáng.
Anh mờ mịt nhíu mày, nói: “Chú… một bên khuyên tai của tôi rơi đâu rồi?”
“Vậy à?” Y tiến lại kéo vai áo anh ngay ngắn, thấy dưới đất có một vật ánh kim thì nhặt lên, đối chiếu rồi thản nhiên đeo vào cho anh. Ôn Dữ hơi giật mình, ngẩn ngơ nhìn người đàn ông ngay trước mắt như chưa thể tin nổi.
Ngón tay mân mê dái tai anh. Ánh mắt điềm tĩnh. Y ngồi trên giường gõ ra một điếu thuốc.
Ôn Dữ chậm rãi ghé lại gần dựa vào vai y. Nguyễn Ngụy Chi thả bật lửa xuống, khoác cánh tay ôm eo anh: “Làm sao?”
Lập tức người con trai đánh lên đùi y một cái: “Thờ ơ quá. Hỏi lại.”
Y buồn cười, hạ thấp giọng như tỉ tê: “Sao lại ủ rũ vậy?”
Ôn Dữ vòng hai tay ôm chặt lưng y: “Cảm thấy cuộc đời mình xong rồi. Bị ông chú này nắm thóp.”
Y xoa xoa đầu anh, ngậm thuốc lá, mồi lửa.
Khói xám vấn vít, đục như nền trời, quyện với mùi hương sữa tắm. Giọng của người đàn ông khàn khàn, “Nốt điếu này thôi. Về sau không hút nữa.”
Ôn Dữ mỉm cười, cảm thấy mùi vị này đâu có tệ lắm. Nặng nề khó ưa nhưng khiến người ta phát nghiện. Anh dụi chóp mũi vào bên má y, nhấm nháp mép môi vương mùi khói.
Nguyễn Ngụy Chi sờ cằm anh, hôn thật sâu lên khóe mắt hoe đỏ, dời xuống sống mũi, bờ môi.
Cửa kính ướt giọt mưa phản chiếu bóng hình nhòe nhoẹt của hai người.
Yên ấm tự nhiên như thế.
…
Nguyễn Ngụy Chi nghe lại bài hát từng nghe ở bệnh viện lần nữa tại hôn lễ một người bạn. Mà nói trắng ra là của Phó Yến chứ ai.
Y biết Phó Yến đã trông thấy chiếc hộp nhung giấu sâu trong túi áo mình khi nâng ly rượu mừng nên mới cười ẩn ý.
Ôn Dữ đã bị Ký Thanh kéo đi trêu Lâm Xuân Tư.
Chú rể nhỏ bị bạn bè vây quanh không thoát ra được. Chú rể lớn đi tiếp đón quan khách, mặt mày phơi phới gió xuân.
Y ngồi uống rượu một mình, sờ lớp nhung trong túi áo, ngâm nga theo câu hát giữa cơn say.
In my life we’ll always go on…
(Miễn còn sống, chúng ta vẫn tiếp tục yêu.)
Kết thúc.
Câu chuyện viết về thời gian, về nỗi buồn và tuyệt vọng, về mối liên kết giữa “cái tôi” và ngoại cảnh.
Còn sống là còn yêu thương.