Sau khi đóng máy, Ôn Dữ như được đại xá, liền khăn gói đáp tàu về nhà. Paris mừng rơn, cứ quấn quanh chân daddy, đuôi vẫy như tít mù.
Anh bật cười xoa đầu cu cậu, rồi đặt đầu gối ôm cả cục lông vào lòng, bùi ngùi: “Chỉ có mày là nhớ thương ta…”
“Gâu!” Paris đáp lại.
Anh tắm gội rồi về giường nằm, nghe mưa rơi lâm râm, thiếp đi khi nào không biết.
Hai ngày sau, chú Nguyễn đột nhiên gọi điện cho anh: “Hôm nay có rảnh không?”
Ôn Dữ có chút ngẩn ngơ đáp ‘có’.
Y nói, giọng khàn khàn: “Xuống dưới, tôi đang chờ.”
Anh bật dậy, suýt thì dẫm phải đuôi của Paris, vội vã vén rèm cửa sổ lên nhìn, sau đó thay đồ, xuống lầu.
Ôn Dữ vừa chạy chậm vừa chà xát hai bàn tay lên gò má cho ấm, hướng mắt về người đàn ông đang hút thuốc dưới chạc cây ngô đồng xơ xác, mặt mày mừng rỡ.
Nguyễn Ngụy Chi thấy người con trai áp tay vào má đứng đơ ra trước mặt, bước một bước tới. Ôn Dữ giật mình, vô thức lùi lại vì mùi khói thuốc: “Chú, chú tìm tôi làm gì?”
Anh cụp mắt vì sợ niềm vui quá mức sẽ lộ ra rồi bị phủ nhận, vành tai nóng bừng.
Chú Nguyễn nhả khói, gạt tàn thuốc: “Mới mấy tháng không gặp mà kính ngữ đi đâu rồi?”
Khóe môi Ôn Dữ xụ xuống, hơi lườm điếu thuốc trên tay y. Y nhớ ra người này ghét mùi thuốc lá, dụi tắt: “Thái độ gì kia?”
Nét mặt người con trai vừa mới dịu xuống thì lại trở nên hờn giận, “Chú muốn gì?”
Y mở cửa xe: “Đi với tôi đến một nơi.”
Ôn Dữ nhìn hàng cây ven đường trôi lại phía sau, tâm tư rạo rực. Khi chú Nguyễn đi vòng qua mở cửa xe cho anh, trái tim anh càng đập mạnh, thầm nghĩ: hôm nay ổng tốt vậy ta?
“Người quen của tôi đang làm tình nguyện trong tổ chức bảo vệ động vật. Mới mấy hôm trước họ cứu được một con mèo giống hiếm, nhờ tôi tìm người nhận nuôi. Tôi nhớ ra cậu cũng đang tìm nuôi mèo.”
Ôn Dữ rướn môi nói: “Đó là chuyện từ ba tháng trước…”
Vậy mà y vẫn còn nhớ.
Nguyễn Ngụy Chi làm như không hiểu hàm ý trong đó: “Nếu cậu vẫn muốn nuôi thì có thể xem qua, còn mất hứng thú rồi thì thôi.”
Anh vươn tay nắm khăn quàng cổ của y, cười khì: “Chú đã có lòng thì sao cháu nỡ từ chối chứ.”
Nguyễn Ngụy Chi giật lại khăn quàng, bấm chuông cửa nhà thím Út. Bà nghe biết Ôn Dữ muốn xem mèo thì vui vẻ mời anh vào trong, bế ra một chú mèo siamese nhỏ đang rúc vào chăn bông.
Ôn Dữ sáng rực mắt: “Cháu ôm nó được không?”
Thím Út bế nó lên đùi Ôn Dữ, dịu dàng nhìn anh vuốt ve nó: “Cô bé này sinh ra đã nhỏ hơn những đứa khác, bị mẹ bỏ rơi, không cho bú. Các tình nguyện viên chăm nó mập hơn rồi, nhưng vì còn bệnh nên vẫn không ai muốn nhận nuôi nó.”
“Cháu sẽ nhận nuôi.” Ôn Dữ tức thì đồng ý: “Đây là tấm lòng chú Nguyễn nhớ thương cháu mà.”
Nguyễn Ngụy Chi vỗ gáy người con trai, đứng dậy kéo giãn khoảng cách.
Ôn Dữ đặt tên cho mèo con là London, hễ rảnh tay là bế nó lên đùi vuốt ve, làm Paris ghen lên sủa inh ỏi. Chăm bẵm cho London lớn thêm một chút, anh lại mò tới cửa hàng âu phục, trong tay ôm theo một quả bưởi: “Chú…”
Anh bất chợt nghe một giọng nam mỉa mai, “Thế mà em còn tưởng anh thâm tình lắm. Nghe anh Dương còn bảo đâu anh nhớ mãi không quên bạn trai đã mất kìa.”
“Chu Đào.” Ngữ khí của chú Nguyễn đầy lạnh lẽo.
“Hừ! Em đi đây. Hẹn hò với anh vui lắm. Vĩnh biệt!” Chu Đào mở cửa liền đụng một người con trai đẹp mắt, nét mặt kinh ngạc. Cậu ta sững lại, chợt cười với Ôn Dữ, nói với vào: “Anh có khách này!”
Ôn Dữ ôm trái cây, ngơ ngác đứng như trời trồng. Chạm phải ánh mắt tối tăm của người kia, anh giật thót mình, vội giải thích: “Cháu không cố ý nghe lén chú nói chuyện…”
Im lặng một chút, Nguyễn Ngụy Chi đeo lại kính lên, đáp ‘ừ’: “Đến đây có việc gì?”
“Cháu ghé thăm chú không được à? Sao phải có việc gì?” Ôn Dữ gượng cười nhét trái bưởi vào tay y.
Nguyễn Ngụy Chi đặt nó xuống, trở lại với công việc cắt may dang dở. Ôn Dữ đi loanh quanh cửa hàng nhìn ngắm các bộ âu phục trên ma-nơ-canh, ánh mắt dõi theo tấm lưng người kia, muốn nói lại thôi.
Trong tiếng kim đồng hồ nhỏ giọt, y lên tiếng: “Sau khi bán cửa hàng cũ, tôi đã đi Nga với Trần Tư Bạch.”
Nguyễn Ngụy Chi cởi kính ra để mắt nghỉ ngơi, bắt đầu kể về những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian cả hai mất liên lạc.
Y và Trần Tư Bạch đã ở bên nhau hơn bốn năm – một khoảng thời gian kỷ lục đối với loại người như y. Cả hai đã quyết định công khai với gia đình, dù biết sẽ bị phản đối.
Trong đó, cha Nguyễn – vốn là người hà khắc – phản ứng dữ dội nhất, như thể xem con trai là kẻ thù.
Cha Nguyễn trước đây là viên chức nhà nước với đồng lương ít ỏi. Gia đình không có chị em gái, từ nhỏ y đã phụ giúp mẹ làm tranh thêu để kiếm thêm thu nhập. Do đó, mắt bị cận từ sớm. Song cha mẹ y đều không cho rằng ấy là chuyện to tát, để nặng rồi mới cắt kính cho y. Sau khi come out và bị phản đối, y chưa từng quay về nhà, chỉ giữ liên lạc với mẹ và trích thu nhập gửi về mỗi quý.
So với y, Trần Tư Bạch vẫn chưa come out, khi đó cảm xúc áy náy với gia đình của anh day dứt hơn y gấp nhiều lần. Vì vậy, lựa chọn theo một Nguyễn Ngụy Chi đang bấp bênh có thể gọi là canh bạc đời bất chấp tất cả của người con trai ấy.
Thú thật, y cũng cảm động, lần đầu nảy sinh hi vọng mình có thể gắn bó dài lâu với một người.
Tuy nhiên, trải qua thử thách của thực tế, có những thứ đã bị bào mòn thành mỏng manh. Lộ ra bộ mặt sáng như gương, trong như tuyết, nhưng chỉ cần gặp một sức ép nhỏ là vỡ tan. Khi y ôm lấy cơ thể lạnh lẽo không còn hơi thở của Tư Bạch, bên tai như nghe ‘bụp’ một tiếng, bong bóng căng quá mức nổ, không còn gì cả.
Trần Tư Bạch cần quá nhiều so với những gì y có thể cho.
Ví như cảm giác an toàn…
Y vốn có rất ít. Vì thế từ trước đến nay, y thường nhận nhiều hơn là cho đi. Dù vậy, y luôn yêu đương sòng phẳng, không giấu giếm gì, miễn là đôi bên cùng vui. Nếu không thấy vui, cứ thẳng thắn chia tay là được. Ai đá ai không quan trọng, sĩ diện chỉ là thứ hão.
Con người y không thích thứ tình cảm buộc bản thân phải để tâm suy nghĩ quá nhiều. Mệt lắm.
Nguyễn Ngụy Chi nhỏ nước thuốc, nhẹ nhàng xoa hai mắt. Y bỗng cảm thấy eo bị siết chặt. Ôn Dữ ôm lấy y, dựa trán vào vai, thầm thì: “Vậy thì chú chỉ cần tìm ai đó khiến mình không cần lo nghĩ…”
Y vẫn đang nhắm mắt: “Tìm ai? Cậu đấy à?”
Hai cánh tay người con trai càng riết lấy eo y, “Tôi có thể mà. Chỉ cần chú cho tôi thời gian.”
“Kính ngữ đâu rồi?”
Ôn Dữ có chút giận lẫy: “Thì sao nào? Thích gọi chú vậy đó! Ngụy Chi! Ngụy Chi! Ngụy Chi!”
Nguyễn Ngụy Chi nhìn vào hình ảnh lờ mờ trong gương, tóm lấy cánh tay người con trai, quay phắt lại. Ôn Dữ giật mình, như thể chìm vào sắc đen kịt trong đôi mắt y.
“Cậu nói xem? Con người có thể sống bao lâu? Cậu có chắc là mình không thể chết bất cứ lúc nào trước năm sáu mươi tuổi không? Trong khi đó lạc thú trên đời nhiều như mây, vui hưởng không hết. Tại sao tôi phải lãng phí thời gian để chờ một lời hứa hẹn không chắc chắn chứ?”
Ôn Dữ đỏ bừng mặt, hốc mắt tràn ra sự chua xót.
Ngón cái của y đè lên bờ môi mấp máy của anh, ngón trỏ lại vươn ra xoa xoa đuôi mắt ướt nhòe. Y ôm lấy hông người con trai, thu lại sự trào phúng trong ngữ điệu: “Tin tôi đi. Nếu tôi có tình cảm với cậu thì cho dù hai ta có cùng huyết thống, tôi cũng sẽ dẫm đạp lên tất cả luân lý, lẽ thường, cam tâm chết ngột trong hoan lạc, điên đảo đến tận cùng với nhân gian…”
Nguyễn Ngụy Chi cảm thấy người trong lòng run lên, càng ôm chặt lấy y. Không phát ra âm thanh mà nước mắt thấm ướt vạt áo vest.
Y chợt có ảo giác như nhận được một cuộc gọi lúc đêm thâu.
Kể từ ngày hôm đó, Ôn Dữ không còn dũng khí để đến gặp chú Nguyễn nữa, từng ngày chỉ dồn tâm trí vào việc học tập và nuôi mèo. London càng lớn càng khỏe, sau khi làm thân với Paris thì vứt cha nuôi ra sau đầu, làm anh chỉ có thể nhìn mà không sờ được.
Thời gian lặng lẽ trôi, tuy vẫn còn lưu số điện thoại và địa chỉ song cả hai lại như mất liên lạc. Trở thành những người xa lạ. Đôi khi ký ức chợt lóe lên, Ôn Dữ mới thấy ngày cuối cùng bọn họ gặp nhau là lần đầu tiên y ôm anh.
Ừ, cũng không tệ lắm. Ôm được một cái, cũng hôn được một cái (trên cằm).
Chỉ tiếc là đắp áo khoác của y bao nhiêu lần mà không chôm chỉa được cái nào làm vật kỷ niệm…
Dưới ánh đèn mờ, khói thuốc vấn vít, Nguyễn Ngụy Chi nhắm mắt một lúc rồi lại mở ra, nhìn về ngón tay của Dương Nhiêu, nói: “Không thấy rõ.”
“Không thấy hàng nào?”
“Tất cả.” Y nhún vai, rót rượu: “Tôi không có kính là chẳng thể phân biệt đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ.”
Phó Yến rướn môi: “Mắt anh hẳn là đang muốn đình công.”
“Cậu cũng có tư cách nói tôi à?” Vì tính chất công việc, mắt y thường xuyên bị mỏi và mờ. Đôi khi còn bị chảy nước mắt.
Dương Nhiêu rít thuốc: “Cậu Cả nói đúng còn gì. Cậu nên đi khám xem thế nào. Coi chừng phải phẫu thuật.”
Dưới sự tung hứng của hai người họ, Nguyễn Ngụy Chi đành đi khám một chuyến, kết quả là bác sĩ khuyên làm phẫu thuật thật.
Y suy nghĩ hai ngày rồi đặt lịch phẫu thuật, thu xếp công việc, bận rộn hoàn thành những đơn hàng không thể dời đổi. Đôi khi mắt chợt bị mờ, kéo có thể đâm vào ngón tay.
Trước giờ phẫu thuật, Nguyễn Ngụy Chi dập thuốc đi vào thì tình cờ nhìn thấy người quen.
Ôn Dữ đội mũ sụp xuống nửa mặt, sải dài bước đi vào bệnh viện, điệu bộ vội vàng va vấp cả vào y. Anh lập tức nói xin lỗi, không hề ngẩng mặt.
Y cũng không nói gì, đi về hướng khác. Lúc hồi tỉnh thì bỗng dưng thấy một người con trai cúi đầu nhìn mình.
Ôn Dữ hơi nhướn mày: “Chú.”
Y che mắt: “Ừ.”
“Chú cảm thấy như thế nào?”
Mất một lúc Nguyễn Ngụy Chi mới trả lời: “Ổn.”
“Tốt rồi.” Anh dịu dàng nói.
Sau đó không ai lên tiếng nữa. Y vẫn nghe thấy tiếng Ôn Dữ sột soạt bên cạnh, thở dài hỏi: “Cậu đến đây làm gì?”
“Tới thăm chú chứ sao nữa? Lâu rồi không gặp mà chú chẳng cho tôi ghé thăm à?”
Nguyễn Ngụy Chi không nói gì. Ôn Dữ ngồi ngắm y một lúc rồi lấy ra một phong bì: “Được rồi. Lý do tôi đến là vì cái này. Mẹ tôi nói phải đưa tận tay cho chú.”
Người con trai đưa rồi mỉm cười chào tạm biệt.
Y cầm phong bì đưa ra sát mắt, vói ngón tay vào mở thì phát hiện lớp keo dán đã bị bóc ra rồi.
…
Mấy năm trước, Nguyễn Ngụy Chi nhìn thấy tên đàn ông ấy ở một quán gaybar.
Eo thon chân dài, âu phục bảnh bao, mặt mày trầm ổn.
Trên ngón áp út có một cánh cung màu vàng lấp lánh.
Một tên đàn ông đã có gia đình lảng vảng ở nơi chốn sa đọa này.
Có lẽ vì ánh mắt của y quá tập trung vào chiếc nhẫn cưới nên vô tình thu hút sự chú ý của gã. Gã tiến về phía y, ngồi xuống bên cạnh, mỉm cười tự xưng mình họ Ôn.
“Cậu có vẻ là người trẻ nhất ở đây, năm nay bao nhiêu rồi?”
“Sắp đủ mười tám.”
“Ơ kìa? Sao bọn họ có thể cho người chưa đủ tuổi vào đây?”
“Tôi quen với quản lý, có thể tự do ra vào quán.”
“Tuổi còn nhỏ mà sao lại hư đốn như vậy?” Gã không hề xấu hổ với việc phô bày chiếc nhẫn cưới trên tay, uống vài ly rượu đã bắt đầu áp sát lại tính cởi kính mắt của y.
Y không từ chối cũng chẳng đồng thuận, chỉ cười nhẹ giữ lại kính.
Lần thứ ba gặp lại gã đàn ông họ Ôn ấy, y đã phát bệnh với cái kiểu phô trương của gã nên ghé vào tai gã nói: “Muốn gạ gẫm người ta thì cũng phải có tâm một chút. Tháo nhẫn cưới ra rồi làm lại đi.”
Gã xanh mét mặt, sau đó không trở lại nữa.
Y đã sớm quên sạch sẽ chuyện này, cho đến cái ngày hôm ấy, khi đưa Ôn Dữ về cửa hàng. Một gã đàn ông đột ngột xông đến đập cửa xe, mạnh tay lôi thiếu niên ra khỏi ghế phụ, chửi rủa y bằng những từ ngữ nhục mạ.
Lúc đó y vẫn chưa nhận ra gã.
Chỉ vì nghe Ôn Dữ gọi gã là ‘bố’ mà y chẳng kịp phản ứng lại, chịu trận rồi để gã cưỡng bức kéo Ôn Dữ rời khỏi.
Mấy ngày sau mẹ của Ôn Dữ hẹn gặp mặt y, mục đích không phải là biện hộ cho chồng mà chỉ để nói với y rằng bà không muốn y xen vào chuyện của gia đình họ.
“Trước đây chị không biết cậu là người như vậy nên mới giao Ôn Dữ cho cậu. Bây giờ chị hoàn lại cho cậu số tiền này, xem như cảm ơn cậu đã trông con giúp chị. Con chị còn nhỏ, về sau cậu nên ít gặp nó thì hơn.”
Y sảng khoái đồng ý, nhưng tuyệt nhiên không đụng vào số tiền đó.
Kiên nhẫn đợi hai năm nữa, trước khi đi Nga, y chính tay đưa lại số tiền này cho mẹ của Ôn Dữ: “Nếu chị cần thì cứ cầm đi. Em cũng ghét thằng cha kia nên chúc chị giành được quyền giám hộ.”
Người phụ nữ cảm kích rồi nói: “Nguyễn, chị biết cậu không ưa chồng cũ của chị nhưng chị mong cậu đừng nói gì với Ôn Dữ. Chị không muốn nó hận bố mình.”
Bây giờ Ôn Dữ biết rồi…
Nguyễn Ngụy Chi nhét lại bức thư và tiền vào phong bì, khóe môi rướn lên, trong lòng khoái trá. Mẹ kiếp, y đã luôn nghĩ: mắc gì phải giấu Ôn Dữ về bộ mặt thật của gã ta chứ? Phải biết càng nhiều bộ mặt thì mới không bị lừa dối.
Yêu cũng được, hận cũng tốt, đều là cuộc sống.
Cố tình để người khác cứ ảo tưởng về một ai đó mới là tội lỗi.