Chim Sơn Ca Trong Túi Áo

Chương 27: Đây là lời ca ngợi cậu đã chờ đợi hơn bốn năm



Sau Giáng Sinh, Kỷ Ca và Tần Mộ xích mích.

Vì màn quên quà tặng đi vào lòng đất của hắn nên Lâm Xuân Tư chẳng thương, chỉ thấy đáng đời lắm.

Nhưng lạ thường là Kỷ Ca cũng không gấp tìm cách dỗ bạn gái, cứ đủng đa đủng đỉnh, buổi tối trước khi đi ngủ còn tích cực kéo Lâm Xuân Tư ra sân vận động Nhà Văn hóa tập quần vợt.

Tiếng banh tennis đập vào vợt giòn tan, lưng áo ướt sũng mồ hôi, gan bàn chân có chút tê rần. Lâm Xuân Tư ừng ực uống nước, thở hổn hển lau mặt, lau cổ. Kỷ Ca cởi bao cổ tay, ngồi bệt dưới đất nói: “Biết tại sao em ấy giận tao không?”

“Không phải vì vụ quà Giáng Sinh à?”

“Không phải.” Hắn đáp: “Là tại tao đăng kí xét học bổng trao đổi sinh viên.”

“Nói rõ ràng coi.” Lâm Xuân Tư nhíu mày. Nếu chỉ vậy thì Tần Mộ chẳng có gì phải giận.

Kỷ Ca chặc lưỡi, gãi tai: “Ban đầu tao nghe rủ rê nên chỉ đăng ký chơi, ai ngờ… đậu rồi. Trao đổi sinh viên với Hoa Kỳ.”

Cậu sửng sốt, hoàn hồn thì rất vui mừng vỗ vai hắn: “Chuyện tốt còn gì! Tao cứ tưởng mày học hành như chạy nước rút thì thành tích cũng sàn sàn. Bây giờ đậu cả học bổng từ đại học nước ngoài thì hay quá!”

“Ừ thì tao cũng nghĩ vậy, hớn ha hớn hở thông báo tin mừng với em ấy. Ai ngờ em ấy nghe xong thì buồn buồn, mà tao lại chậm chạp nghĩ hoài không ra vấn đề gì. Lúc tạm biệt, em ấy nhịn không nổi nữa vung túi xách đập tao một cái, mắng tao ‘EQ thấp’ rồi chạy vào nhà.”

Nhất thời Lâm Xuân Tư vốn tâm tư sắc bén cũng bị cạn nghĩ, không biết vấn đề là gì. Bởi cậu có thiên kiến* rằng việc học tập nên được ưu tiên hàng đầu, đồng thời rất hâm mộ những người học tốt.

* Thiên kiến: ý kiến được thiên vị hơn trong nhận thức của con người.

Dọn đồ đi về, vừa ra ngoài là khí lạnh men theo mồ hôi trườn lên cơ thể khiến hai chàng trai rùng mình nổi hết da gà. Lâm Xuân Tư vẫn nghĩ chưa thông hỏi: “Mày chưa biết em ấy giận gì mà sao bình tĩnh vậy?”

Kỷ Ca nhìn cậu với ánh mắt ‘bị ngu à’: “Ai bảo tao không biết? Chính vì biết nên mới chưa tìm ra cách để trấn an em ấy. Yêu xa vẫn là vấn đề nan giải kể từ lúc nhân loại khám phá ra tình yêu, chậc.”

Bấy giờ Lâm Xuân Tư mới ngộ ra, nhưng không biết phải đáp lại thế nào, suy nghĩ chốc lát rồi hỏi: “Chừng nào mày đi?”

“Tháng ba năm sau.”

“Gấp vậy?” Cậu giật mình: “Ngay sau kỳ nghỉ xuân là mày bắt đầu dọn hành lý rồi còn gì?”

Đừng bảo là Tần Mộ, Lâm Xuân Tư đột ngột nghe hắn thông báo vậy thì cũng không kịp thích ứng. Bọn họ đều đã lên dự định cho Tết và kỳ nghỉ xuân, bây giờ thì Kỷ Ca phải bớt thời gian vui chơi để sửa soạn hành trang, xong rồi bay nửa vòng trái đất. Nghĩ vậy, cậu buồn buồn.

“Tao sẽ nắm lấy cơ hội này.” Kỷ Ca ngước nhìn lên trời: “Liều mạng thi đại học đều vì tìm ‘cơ hội’ để xứng với em ấy.”

Lâm Xuân Tư vỗ vai hắn.

Sau khi đánh tennis đến rã xương cốt, Kỷ Ca đổi trò giải sầu: bật radio nghe chuyện ma trước khi ngủ.

Lâm Xuân Tư sởn hết cả gai ốc nhưng lại không nhịn được tò mò, trùm chăn nhẫn nại nghe đến cuối.

Kết quả là sau khi tổng dợt sân khấu, Phó Yến thấy chàng trai của mình chạy điền kinh cự ly ngắn tựa một cơn gió chụp tay anh trước khi đèn tắt hết.

Anh không hiểu chi: “Bình tĩnh, kẻo em ngã thì tôi đau.”

Lâm Xuân Tư xấu hổ đỏ ửng mặt, không thể thú nhận mình bị chuyện ma hù dọa. Sự sợ hãi này không phải là do cậu nhát, chỉ đơn giản như có người sợ gián, sợ nhện… mà cũng không giải thích được.

Sau lần đầu tiên, cách vài ngày Lâm Xuân Tư lại ngủ cùng với Phó Yến. Anh toàn trằn trọc tới hơn hai, ba giờ sáng mới dần vào giấc, lúc thức dậy thấy quầng thâm dưới mắt cậu thì xót quặn cả lòng. Lâm Xuân Tư không ngại mệt, kiên trì cùng anh chiến đấu.

“Sẵn sàng chưa?” Ống kính máy quay chĩa vào chàng nhạc sĩ ôm cây đàn, “Một, hai, ba…”

Lâm Xuân Tư ngồi ở tư thế tự nhiên, nở nụ cười lộ lúm đồng tiền: “Xin chào mọi người, mình là Yến Uyển Như Xuân. Chúc mọi người một buổi tối ấm áp.”

Vừa mới phát sóng thì lượt xem liền tăng lên gấp bội. Khung bình luận trôi như sóng rền gió cuốn. Phó Yến nhìn màn hình có icon tim bay đầy trời bên hậu cần, nhịp ngón tay trên bàn.

Kỹ thuật viên bên cạnh anh không rõ sao cảm thấy chút… áp lực.

Chàng trai ôm cây đàn guitar cover một bản tình ca xưa, mái tóc hơi dài rủ xuống, dáng điệu tiêu dao nhàn nhã giống như lần đầu tiên anh thấy cậu sau mười ba năm.

Khán thính giả cảm khái: Chỉ cần nghe giọng của Xuân Xuân là thấy được sưởi ấm rồi.

– Ước gì mỗi buổi tối đều được nghe Xuân Xuân hát trước khi ngủ.

– Giọng của cậu ấy thật độc đáo. Trầm mà không bị khàn, lên xuống từng chút, ái muội như đang ghé vào tai mình thủ thỉ.

– A a a! Vốn tui tính nghe nhạc và làm bài tập nhưng điểm số nhan sắc quá cao thì phải làm sao đây!

Bản cover thường thuần túy biến tấu dựa vào chất giọng để chiếm lấy cảm tình của thính giả. Đặc biệt là với bản gốc vốn đã nổi tiếng. Lâm Xuân Tư chọn bài hát mình thích nhất của thầy: Cây dương.

Nhạc dạo huyền bí, ca từ gãy gọn kể về linh hồn một người đàn ông ám vào cây dương. Song anh ta không biết mình đã chết mà vẫn lưu luyến tình xưa, không ngừng nỗ lực chứng minh sự tồn tại. Cuối cùng anh ta tan biến, chỉ còn lại cây dương tươi tốt làm biểu tượng cho tình yêu bất diệt.

Nhưng thực ra, tùy cách hiểu của từng người, tình yêu trong ca khúc có thể là tình yêu đôi lứa, cũng có thể hiểu theo một nghĩa sâu xa, rùng rợn hơn là ‘tình yêu cuộc sống’ của người đàn ông đã treo cổ trên cây dương*.

* Ý nghĩa của cây dương là sức sống mãnh liệt.

Lâm Xuân Tư tin vào vế sau. Đó là lý do cậu cực kỳ thích sáng tác này.

Âm nhạc của thần tượng cậu luôn có nhiều tầng ý nghĩa như vậy. Vì thế, bằng phong cách thể hiện của riêng mình, cậu sẽ đưa những ca khúc xưa cũ sống lại để báo đáp thầy.

Đóng máy quay, Lâm Xuân Tư tung tăng chạy đến nhận nước trà trên tay Phó Yến, đôi mắt lấp lánh: “Em vui quá! Mặc dù chưa phải là sân khấu nhưng em vẫn vui quá!”

“Sắp có sân khấu rồi.” Phó Yến dịu dàng khích lệ: “Sang năm sẽ kết thúc sáu tháng thực tập, em có thể phát hành đĩa đơn rồi.”

Hai người ra đến thang máy thì thầy Trịnh đằng hắng gọi: “Tôi mời các cậu ăn tối.”

Ba thầy trò đi vào một lầu tháp kiểu cổ. Dưới chân cầu thang có hòn non bộ và suối nhân tạo nối liền với bức phù điêu cao đến tầng hai. Con nước nhỏ chảy róc rách, cá chép Nhật quẫy đuôi luồn lách qua cuống sen. Bàn ghế gỗ trầm tỏa ra hương thơm dễ chịu.

Trịnh Minh Sư cầm thực đơn nói: “Đồ chay của tiệm này ngon lắm. Khai trương từ Thế Chiến II mà vẫn đứng vững đến giờ.”

Hai anh trò chờ thầy gọi món rồi mới nhận thực đơn. Phó Yến dễ nuôi, lại ăn ít, Lâm Xuân Tư ăn gì, anh liền ăn giống cậu. Biết cậu không thích cà chua và hành tây, anh cẩn thận gắp qua chén mình rồi mới bảo cậu ăn.

Thầy Trịnh lườm mắt hỏi Lâm Xuân Tư: “Cậu là em bé ba tuổi rưỡi hả?”

Rồi ông thong thả móc Phó Yến: “Cậu ta trả em mấy đồng để em đi khắp nơi làm bảo mẫu cho cậu ta?”

‘Em bé ba tuổi rưỡi không thích ăn hành tây’ Lâm Xuân Tư đỏ mặt. Phó Yến ung dung cười đón nhận hai tiếng ‘bảo mẫu’.

Tâm trạng thầy có vẻ tốt nên nói tiếp: “Gọi thêm đi. Xem như tôi đãi các cậu bữa cơm tất niên.”

Lâm Xuân Tư hơi bồn chồn, không dám nhìn thẳng vào thầy. Cậu nghĩ thầy biết quan hệ của bọn họ rồi, chỉ là không thèm vạch trần.

Giữa bữa cơm, trên sân khấu dân gian lục tục bày ra nhạc cụ truyền thống. Phách bàn lách cách, kép hát xướng ca. Không gian và thời gian như lùi một trăm năm, cổ nhân sống lại gần ngay trước mắt.

Trịnh Minh Sư uống rượu nếp, xem kép, nói với Lâm Xuân Tư: “Cậu biết hát, biết đàn, khách quan mà nói thì tài hơn cả tôi. Nhưng ở trong cái giới này, người như vậy không thiếu. Khán thính giả luôn muốn thử những điều mới lạ. Mà còn gì khiến người ta tò mò hơn là đem những thứ xa xưa trở lại dưới hình thức mới? Cậu hiểu ý tôi đó.”

Lâm Xuân Tư thấy rất bối rối, tính hỏi lại: ‘Ý thầy là sao?’, song Phó Yến ở dưới bàn vỗ nhẹ đùi cậu.

Cậu im lặng tiếp tục ăn, nhìn thầy của mình ngà ngà xem kép.

Gọi dì điều dưỡng riêng đưa thầy Trịnh về nhà, Phó Yến quay lại thấy chàng trai của mình đứng dưới cột đèn đường ngoài chung cư. Nét mặt cậu chất chứa băn khoăn.

Lâm Xuân Tư ôm hi vọng hỏi: “Lúc nãy ở trên bàn ăn, thầy nói vậy nghĩa là sao ạ?”

Phó Yến đút tay trong túi măng tô, yên lặng một chút, rồi vén lọn tóc về sau tai cậu: “Tai thầy lãng rồi. Sang năm thầy không phát hành nhạc nữa, chỉ trả nợ hợp đồng rồi về hưu.”

Mặc dù đã đoán được phần nào, song cậu vẫn có chút không thể chấp nhận: “Em thấy thầy vẫn viết rất nhiều mà. Lúc thầy hướng dẫn cho em, chữa bài cho em. Không có lỗi sai, không có gì bất thường cả.”

“Em nghĩ vì sao thầy lại cần tôi làm việc cho thầy?”

Lâm Xuân Tư mím chặt môi.

Tất cả bản nhạc thầy Trịnh viết đều qua tay Phó Yến kiểm tra trên phần mềm rồi chỉnh sửa. Anh không chỉ đảm nhận khâu hòa âm mà còn thực hiện chế tác ca khúc hoàn thiện.

Với tính cách của Trịnh Minh Sư – người khăng khăng tổ chức tuyển chọn mỗi giọng ca khác nhau để trình bày mỗi ca khúc của mình – thì sao lại có thể không trực tiếp tham gia chế tác được. Chỉ có một cách giải thích… tai thầy không còn tốt nữa.

Cậu nhớ đến lời thầy: ‘Tôi đã già rồi. Tôi cần cậu để tìm lại giá trị của mình ở thời đại này’. Một nỗi bi thương thấm thía gặm nhấm trái tim Lâm Xuân Tư. Có ai lại không buồn bã khi biết thần tượng của mình không tiếp tục sự nghiệp nữa? Mà điều này sẽ thêm phần thê lương hơn khi nhận ra thời gian có thể bào mòn tất cả.

Lòng nhiệt thành và đam mê của thầy tràn đầy, nhưng không còn phù hợp với thời đại và tuổi già không cho phép.

Lâm Xuân Tư đứng như sững sờ, hốc mắt hơi ửng đỏ.

Phó Yến nắm tay cậu: “Về thôi em.”

Vừa qua năm mới dương lịch, bản cover Cây dương của Lâm Xuân Tư bỗng nhiên hot, rồi trở thành trào lưu. Người người, nhà nhà đổ xô đi cover.

Lượt follows tài khoản Lâm Xuân Tư cũng tăng mạnh. Số liệu các ca khúc cậu đã phát hành tăng tỉ lệ thuận theo.

Trợ lý Cố nhìn điện thoại mà cười toe toét. Nghệ sĩ nhà mình nổi thì ai cũng vui vẻ.

Trong lúc đó, Lâm Xuân Tư đang hồn nhiên nằm ngủ bù trên đùi Phó Yến. Vừa tỉnh dậy, cậu nghe bảo vé hòa nhạc bán hết rồi. Trong nhóm chat đang hưng phấn gào thét.

Lâm Xuân Tư giơ điện thoại xa gần mấy lần để xác nhận xem có nhìn nhầm không, ngạc nhiên vỗ trán: “Chết dở. Đầu năm đầu tháng nổi tiếng thì chắc là xài hết may mắn cả năm nay luôn rồi. Anh ơi, em muốn ăn cái gì ngòn ngọt để trấn an tinh thần.”

Lúc mới ngủ dậy, dù mệt đến đâu, Lâm Xuân Tư cũng không tỏ ra bực dọc mà sẽ hóa thành em bé thích làm nũng.

Phó Yến bóc vỏ kẹo chanh, bặm giữ trên môi rồi duỗi tay đè điện thoại của cậu xuống. Lâm Xuân Tư chưa kịp hiểu thì đã nếm được vị thơm ngát. Lông mi dài mảnh quét qua má cậu, ngứa ngáy cả lòng. Chiếc lưỡi ranh ma chuyển kẹo xong liền rút lui.

Lâm Xuân Tư xoa mặt cho nguội bớt, nhai kẹo rồm rộp. Phó Yến nhíu mày: “Em nhai vậy dễ bị mẻ răng. Lần sau tôi sẽ mua kẹo dẻo.”

“Em không phải trẻ con.” Cậu xụ mặt.

“Bé Tinh Tinh.” Anh vò mái tóc mềm mại: “Ngoan, tôi sẽ mua kẹo cho em.”

Trước ngày lên sân khấu, Lâm Xuân Tư trịnh trọng dúi vào tay Kỷ Ca hai vé đi xem hòa nhạc: “Tao chẳng có ý bảo mày làm gì cả. Tao chỉ nhờ mày đưa vé cho Tần Mộ để em ấy đến ủng hộ tao.”

Kỷ Ca đáp ‘ờ’ nhét vé vào túi.

Tối đó Lâm Xuân Tư không cần phải nghe chuyện ma, mơ rất đẹp.

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, các thành viên vẫn rất hồi hộp trước khi lên sân khấu. Trần Khiết trịnh trọng dẫn cả bè cello tới, lần lượt xếp hàng bắt tay Phó Yến. Thấy anh tuấn tú, lại hòa nhã dịu dàng, có mấy cô nàng cố ý thăm hỏi vài câu để nắm tay anh lâu một chút.

Phó Yến duy trì nụ cười hiền hòa xa cách, liếc nhìn Lâm Xuân Tư. Chàng trai mặc lễ phục đuôi tôm lịch lãm, hướng ra khán đài. Ánh đèn vàng óng chạm vào chân mày, đuôi mắt, dát lên khí chất rực rỡ hào hoa.

Anh hoàn toàn bị cậu cuốn hút, lơ đãng bắt tay, có chút cực đoan nghĩ: thật là thiển cận, mấy cô này không nhận ra ai mới là người đáng chiêm ngưỡng nhất đêm nay.

Mặc dù Lâm Xuân Tư che giấu rất kỹ nhưng nắm tay siết chặt đã tố cáo ngược.

Cậu đang căng thẳng.

Phó Yến cáo lỗi, bước đến dẫn Lâm Xuân Tư vào nhà vệ sinh, đè ngón tay lên mạch đập trên cổ cậu: “Tôi kể cho em nghe một câu chuyện nhé?”

Lâm Xuân Tư bất ngờ: “Vâng.”

“Ngày xửa ngày xưa, có hai chú cua bị sóng đánh dạt vào bờ biển nọ. Thấy ở gần đấy có một ngư dân đang đánh cá, cua mới thân thiện đến hỏi ngư dân đường về nhà. Em đoán xem ngư dân sẽ làm gì?”

Cậu trả lời: “Ngư dân sẽ đón hai chú cua lên thuyền đánh cá và họ ra khơi tìm đường về nhà.”

Phó Yến lắc đầu: “Ngư dân làm sao hiểu tiếng cua? Ngư dân sẽ bắt chúng để làm món cua rang me cho bữa tối.”

Lâm Xuân Tư: “…” The end?

“Anh kể chuyện kiểu gì vậy?” Cậu dở khóc dở cười.

Phó Yến tủm tỉm: “Em thấy khá hơn chưa?”

Một nguồn sức mạnh vô hình truyền vào cơ thể, nhịp tim của Lâm Xuân Tư trở về bình thường, tâm hồn ấm áp, bình yên. Cậu ôm lấy anh, làm nũng: “Em biểu diễn xong thì có được ăn cua không?”

“Được.”

“Hai con nhé?”

“Cho em hai con bự luôn.”

Lâm Xuân Tư lên sân khấu với tinh thần ‘ăn cua’, thầm niệm: dương cầm là của mình. Nhạc trưởng vào vị trí và dàn nhạc đã sẵn sàng. Khi bức màn nhung đỏ được kéo ra, tiếng bật đèn gieo nhịp giòn giã. Và dàn nhạc mặc lên ánh hào quang của châu ngọc. Đũa nhạc trưởng chuyển động, phép màu đêm nay bắt đầu.

Nhịp điệu lên cao trào vồn vã, bàn tay Lâm Xuân Tư nâng lên đến quá cằm, ánh mắt cũng lập tức thấy Phó Yến. Lô ghế của anh đúng vừa tầm cậu, chỉ cần ngẩng đầu liền trông thấy.

Lô ghế của anh không tính là đẹp, ở đấy không nhìn thấy hết dàn nhạc.

Nhưng anh ở đó để đồng hành, đôi mắt đẹp hàm chứa trấn an và cổ vũ, truyền sức nâng đỡ từng nhịp thở dồn dập của cậu.

Đã rất lâu Lâm Xuân Tư mới lại bước lên sân khấu.

Thực ra cậu rất thích ở trên sân khấu. Giống như hồi nhỏ cậu luôn muốn đi xem bố biểu diễn, từng cử chỉ, nét mặt, phong thái và chùm đèn sân khấu rọi xuống ông. Lung linh, lộng lẫy như phép thần tiên trong phim hoạt hình.

Nhưng ở nhà tổ, không ai thích kép hát. Mẹ cậu không được lòng ông bà, bố cậu nói một lời thì phải nhịn người ta hai câu. Họ hàng ghen tức với bố mẹ cậu vì hai người là loại ‘con hát’ mà họ khinh thường, nhưng từ nhan sắc đến tiền bạc, bố mẹ cậu chẳng thiếu gì cả. Do đó, họ chuyển sang công kích cậu. Một đứa trẻ.

Công kích trẻ con rất đơn giản. Biện pháp hiệu quả nhất là so sánh và phê phán. Thành tích học tập của cậu không có gì ưu tú, mỗi lần bố nghe chú bác khoe khoang con cái thì cũng chỉ cười trừ.

Họ hàng cũng thường hay ‘quên’ tiền lì xì cho cậu. Tuy chẳng đáng là bao với bố cậu, song với một đứa bé phải ngồi nhìn anh chị em khác xếp hàng được lì xì còn mình thì không. Nó rất tổn thương.

Gia đình cậu cứ như một mảnh xếp hình lật đầu, lật cuối đều không xuôi, đông tây nam bắc xoay cỡ nào cũng chẳng khớp với bức tranh lớn.

Lý do đến cấp hai Lâm Xuân Tư mới bắt đầu học dương cầm là vì bị ảnh hưởng từ những sự công kích đó. Hồi bé hơn, cậu không chịu học, thậm chí từng có ác cảm với dương cầm. Tuy vậy, cậu vẫn không thể cưỡng lại sức hút của sân khấu.

Cho dù được quay về quá khứ, biết trước ngày tháng năm đó là bẫy rập thịt nát xương tan, Lâm Xuân Tư vẫn chọn bước lên biểu diễn. Dù ai đó cười nhạo, dù kẻ nào gièm pha, dù dao sắc ẩn giấu dưới những phím đàn… Dương cầm là của cậu. Sân khấu là của cậu. Tại sao cậu phải nhường cho ai khác?

Một thân xương thép của Lâm Xuân Tư tua tủa gai góc kiêu ngạo. Tự tôn cao, tự ái cũng cao. Nhờ tôi luyện sự thận trọng mà trung hòa.

Con người cậu, phong cách của cậu là độc nhất.

Trái tim đập dồn dập, mười ngón tay tê rần. Lâm Xuân Tư biết trên khán đài có những người vì mình mà tới đây. Cây dương cầm này đã ở vị trí trung tâm thì cậu sẽ không khiến nó phải bẽ mặt.

Thần kinh của Lâm Xuân Tư rất căng thẳng, tầm mắt nhòe đi dưới ánh đèn chói lòa. Giống như một cơn sóng lớn, tiếng pháo tay nổ rung cả khán đài.

Đây là lời ca ngợi cậu đã chờ đợi hơn bốn năm.

Khi phép màu tan biến, máu huyết sôi sục vì hưng phấn, Lâm Xuân Tư cảm thấy sức lực bị cuốn đi khỏi cơ thể, hai tai ù ù, gắng gượng bước xuống hậu trường. Phó Yến bước đến đỡ lấy cậu, không ngừng vỗ về trấn an: “Không sao, em làm được rồi. Em làm được rồi.”

Phó Yến đã dõi theo không xót một biểu cảm của cậu. Người ngoài sẽ không ai hiểu được trận chiến oanh liệt vừa diễn ra trên sân khấu của chàng trai này, nỗ lực chống lại gông xiềng trong quá khứ.

Cậu đã chiến thắng mà không đàn sai một nốt.

Lâm Xuân Tư nhắm mắt, đổ ập xuống trên anh: “Em… ăn tối rất ít vì căng thẳng…”

Phó Yến: “Hạ đường huyết? Ở đây ai có bánh kẹo hoặc không thì đi mua giúp tôi! Cậu ấy bị hạ đường huyết!”

Anh liền bế cậu đi vào phòng hóa trang, đặt nằm xuống ghế bành rồi đắp áo khoác lên, tìm thấy một gói đường pha cafe không biết của ai, bèn đổ vào nước ấm cho cậu uống.

Lâm Xuân Tư vẫn luôn tỉnh táo, uống hết nước thì tóm mạnh tay Phó Yến kéo xuống, ôm anh vào lòng.

“Em thấy sao rồi?” Anh chống một tay kẻo đè lên cậu.

“Cảm thấy muốn ôm anh.” Cậu dụi chóp mũi vào tóc anh.

Phó Yến chiều theo, lựa tư thế ngả đầu vào vai cậu. Đôi bên cứ ôm ấp nhau, chia sẻ mối liên kết trong tâm hồn.

Bỗng cửa mở phanh ra, Trần Khiết thở hào hển nói: “Em mua bánh ngọt về -…”

Cô bé mở to mắt tắt cả lời. Trên trán cô còn lấm tấm mồ hôi, chắc là đã vội vã chạy đi mua.

Hai anh đàn ông chưa kịp lên tiếng thì Trần Khiết đã ra vẻ am hiểu đặt bánh xuống bàn: “Em làm phiền rồi.”

Cô làm cử chỉ ‘kéo khóa miệng’, vỗ ngực hai cái, kiểu ‘hãy tin em’ rồi đi ra.

Phó Yến nghi vấn: “Con gái thời nay thoáng như vậy sao? Tôi cứ tưởng ít nhất em ấy sẽ hét lên.”

Lâm Xuân Tư: “…” Anh muốn ầm ĩ lên cho mọi người biết hay gì?

Phó Yến tính đứng lên lấy bánh nhưng Lâm Xuân Tư trở mình kẹp anh vào trong ghế, cúi đầu hôn sâu.

Cậu hạ đường huyết thì kệ hạ đường huyết, kỹ thuật hôn vẫn không thụt lùi. Phó Yến hoàn toàn không dám đáp lại, sợ cậu hụt hơi, mềm mỏng dựa vào lòng cậu.

Lâm Xuân Tư vuốt ve eo anh, cắn nhẹ vành tai đỏ ửng: “Năm mới mong được anh chỉ giáo nhiều hơn.”

Phó Yến co rụt vai, hơi thở có chút nóng lên: “Cũng rất mong được em chỉ giáo nhiều hơn.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.