“Bà nội, bà nói cô gái nào ạ? Tại sao cháu không biết”, Kỳ Chấn Đông ngồi bên cạnh bà nội. Anh biết bà nội đang lo lắng chuyện hôn sự của anh. Những người bằng tuổi anh ở trong thôn hầu như đã kết hôn sinh con hết cả rồi nên lần nào về nhà lại bị nhắc lần đó.
“Chính là cô gái đến cùng con khi mẹ vào viện Trung y khám bệnh tháng trước. Sau đó con vội vàng quay về đi làm, chỉ còn cô ấy chạy tới chạy lui với mẹ đi khám đấy”, Mẹ nhìn Kỳ Chấn Đông nói đầy vẻ trách móc.
“Hì hì hì, mẹ, người mẹ nói không phải là bạn gái con, là bạn cấp ba của con làm ở viện Trung y thôi. Vừa hay ngày đó cô ấy nghỉ, con lại phải đi làm nên nhờ cô ấy giúp”, Kỳ Chấn Đông cười cười giải thích.
“Không phải người yêu con à? Mẹ thấy cô gái đó rất tốt đấy, dáng dấp dễ nhìn và cũng rất nhiệt tình”, trong giọng nói của mẹ đầy vẻ tiếc nuối.
“Không phải thật mà, cô ấy có người yêu rồi, cũng là bạn học của con, làm việc ở toà án quận, năm nay hai người họ sẽ làm đám cưới”, Kỳ Chấn Đông vội vàng giải thích.
Sau khi tìm được việc làm, mấy người bạn học làm việc ở cùng thành phố cũng thường xuyên gặp mặt, giúp đỡ nhau cũng là chuyện bình thường. Đây có thể coi là mối quan hệ xã hội vững chắc nhất của những người xuất thân từ nông thôn mới từ trường học bước vào làm việc như bọn họ. Dù sao cùng xuất phát điểm cũng là một trong những yếu tố làm mối quan hệ trở nên bền vững.
“Tiểu Đông, cháu không còn nhỏ nữa, quan tâm một chút đến việc riêng của mình đi. Cháu không nhìn xem, mấy đồng niên của cháu trong thôn này, chỉ còn mỗi mình cháu chưa có ai”, bà nội vẫn lo lắng chuyện này đến nỗi sắp thành tâm bệnh rồi.
“Bà nội, ở quê và ở thành phố không giống nhau. Cháu mới hai mươi lăm tuổi, ở thành phố trước ba mươi tuổi kết hôn không coi là muộn. Bà yên tâm, cháu của bà có kém cỏi gì đâu, sợ gì không tìm được người yêu? Đúng rồi, mấy đồ cháu mang về đừng để giành, để lâu không tốt đâu. Dạo này việc đồng áng đang bận rộn, ở nhà phải ăn hết đi ạ, tránh để bị hỏng lãng phí bà nhé”, Kỳ Chấn Đông đánh trống lảng nói.
“Bà biết rồi, cháu không phải lo. Tiểu Đông, những thứ cháu mang về kia cho Lâm Lâm đem đến trường. Mấy người ở nhà không dùng hết đâu”, bà nội không vui nhìn thằng cháu, lần nào nói đến chuyện chính thì cũng đánh trống lảng.
“Đồ của Lâm Lâm cháu đã chuẩn bị một phần khác để mang đến trường rồi. Trong nhà làm toàn việc nặng, không thể ăn uống thiếu chất được”.
Kỳ Chấn Đông nói chuyện với bà nội và mẹ một lát rồi đi ra sân, bố vẫn đang ngồi đó thong thả hút thuốc lào.
“Bố, thử loại thuốc sợi Giang Xuyên này xem. Mấy tháng trước con đến nhà máy sấy có việc, thuận tiện mua vài bao”, trên tay Kỳ Chấn Đông cầm một bao thuốc lá sợi vỏ giấy mềm, xé ra lấy một nhúm thuốc, vê vê rồi nhét vào điếu cày vừa hay hết thuốc của bố, đốt que diêm châm thuốc.
Loại sợi thuốc lá thái máy này không dùng để sản xuất thành điếu mà là sợi thuốc thành phẩm chuyên cung cấp cho dân hút thuốc bằng tẩu hoặc điếu. Nhiều người trồng cây thuốc lá ở nông thôn thì hay hút thuốc lào. Sợi thuốc mà họ hút đều là tự làm. Thông thường là lá thuốc sấy, cố ý ủ trong một năm. Sau một năm lên men tự nhiên thì thành sợi thuốc có thể dùng.
“Suỵt suỵt suỵt… không tệ, thơm, dịu, là ba bốn lá gốc sản xuất năm ngoái, là thuốc lá trồng ở ruộng cát dầu đen Giang Xuyên”, Kỳ Chính Minh hít vài hơi, hài lòng bình luận chất lượng của loại thuốc sợi này.
“Suỵt suỵt suỵt… Ồ, bên trong còn có cả chu sa, thảo nào ngửi thơm thế. Tiểu Đông, thuốc này bao nhiêu một cân?”, ông bố cả đời trồng cây thuốc lá hiểu rất rõ về chất lượng của các loại lá thuốc, chỉ dựa vào mấy hơi thuốc là có thể nói ra nguồn gốc của sợi thuốc rồi.
“Cũng không đắt lắm, mười hai tệ”, Kỳ Chấn Đông lại nhét vào một nhúm nữa.
“Suỵt suỵt suỵt… thơm thật, đáng đồng tiền. Nghe chú tư, chú năm của con nói, bên đó mấy năm nay người trồng rau ngày càng nhiều, những ruộng lớn rất ít trồng thuốc lá. Loại thuốc lá sợi này hiếm gặp lắm đấy”.
Những chuyện này, Kỳ Chấn Đông đều biết, thấy bố hiếm khi thích loại thuốc nào như thế, anh bất giác cất giọng nói: “Bố, thời gian này hệ thống máy tính do con lập trình bắt đầu đi vào thử nghiệm, huyện nào cũng phải ứng dụng, lần sau đến Giang Xuyên, con lại mua về mấy bao”.
Loại thuốc này về sau càng ngày càng ít, người khác cũng không để được lâu, mình cũng không cần lo. Kỳ Chấn Đông trầm ngâm liếc nhìn tay trái của mình, không biết tại sao, chiếc nhẫn vẫn luôn nằm ở ngón giữa tay trái lại không thấy nữa. Anh có thể cảm nhận chiếc nhẫn vẫn nằm trên ngón tay anh nhưng người khác thì không nhìn thấy. Dù sao như thế cũng tốt, anh cũng không cần lúc nào cũng phải giải thích về cái nhẫn đen xì đó.
“Mua ít thôi, không biết bảo quản thì lâu dần mùi vị thay đổi. Mà này, con đi huyện uống ít rượu thôi, người dân tộc uống được nhiều rượu lắm”, giọng nói cảnh cáo của bố kéo Kỳ Chấn Đông đang đắm chìm trong suy nghĩ.
“Vâng, con cũng không thích uống, mấy lần trước đi cũng chỉ uống vài ly. À bố, tiền phân bón, thuốc trừ sâu không cần rút tiết kiệm của nhà mình ở quỹ tín dụng nhân dân đâu, dùng trước ba ngàn này đi”, Kỳ Chấn Đông vừa nói vừa lấy từ trong túi số tiền mà hôm nay anh cố ý đến ngân hàng rút từ thẻ lương để lên ghế.
“Ừ. Suỵt suỵt suỵt…”, Kỳ Chính Minh cúi đầu hút thuốc lào.
“Lâm Lâm học lớp mười hai rồi, nghe con bé nói ở trường phải học thêm nhiều. Thứ bảy, chủ nhật đều phải lên lớp. Thời gian về nhà càng ít hơn, con ở trong thành phố thì chú ý đến em một chút”.
“Bố yên tâm, chỗ em cũng không xa chỗ con lắm, con sẽ thường xuyên sang đó. À, con có hai người bạn đang dạy ở hệ trung học của trường đại học, ngày mai con sẽ gọi điện cho họ bảo mang cho ít tài liệu ôn tập, để Lâm Lâm học thêm”.
“Ừ, chuyện của Lâm Lâm con để tâm nhiều một chút. Bạn học đại học của con có nhiều người đi dạy không?”
“Ở lại thành phố thì có mười mấy giáo viên đại học, còn về huyện thì thường làm hệ thống trong ngân hàng…”
Hai bố con hiếm có cơ hội ngồi cùng nhau nên cứ trò chuyện mãi ở trong sân.
Bí mật trong lòng Kỳ Chấn Đông rất muốn chia sẻ với bố, nhưng anh không thể nói. Bí mật của anh quá thần kỳ, quá đặc biệt, không thể chia sẻ với ai. Người thân của anh đều là người bình thường, có thể cùng nhau hưởng thụ những điều tốt đẹp mà anh có, nhưng không cần thiết phải cùng gánh chịu cả những nguy hiểm.
Cuộc sống riêng của Kỳ Chấn Đông đã bắt đầu có những thay đổi. Ít nhất là thái độ của anh đối với tiền cũng đã ít nhiều có điểm khác biệt và nó sẽ càng ngày càng lớn hơn. Bản thân anh trong lúc làm quen với sự thay đổi không biết tốt hay xấu này thì cũng phải dần dần thay đổi những người thân bên mình, để họ có thể làm quen và hưởng thụ cuộc sống tốt hơn! Có lẽ đó mới là tâm nguyện lớn nhất của lão Kỳ? Và cũng là tâm nguyên của tiểu Kỳ.
Kỳ Chấn Đông biết rằng, trong gia đình mình, bà nội là người già đã hơn bảy mươi tuổi, chỉ cần con cháu ổn định thì bà cụ sẽ cảm thấy yên lòng. Cuộc sống của mẹ ở nông thôn cũng không đi quá xa cửa nhà, chồng, con gái con trai là tất cả của bà ấy. Em gái vẫn đi học, đang vào giai đoạn tiếp thu những điều mới mẻ, năng lực thích nghi cao, sự thành công của anh trai rất cần thiết với người mà từ bé đã rất tôn sùng anh trai như cô bé.
Nhưng bố thì không như thế. Khi bố còn trẻ cũng là người có tiếng ở quê, là đảng viên, cán bộ thôn, làm việc chăm chỉ, tính cách mạnh mẽ, có nguyên tắc, có chủ kiến.
Bố và anh vào tuổi này cũng giống như những người khác, những thứ nên theo đuổi thì đều đã đạt được, nên chịu khổ thì cũng đã nếm trải qua. Lúc còn trẻ bố cũng là trụ cột trong đội của thôn, còn được cử đến nhiều nơi thuộc các tỉnh trong nước để hỗ trợ xây dựng vùng thuốc lá mới, thấy nhiều hiểu rộng. Sau đó, ông nội ở nhà lên núi làm việc không may bị gãy chân, là con trai độc nhất trong nhà, bố phải quay về đảm nhận trách nhiệm gánh vác gia đình.
Từ nhỏ đến lớn, cho dù là làm người hay làm việc thì bố cũng tạo ảnh hưởng lớn nhất đến Kỳ Chấn Đông. Anh không dám tỏ rõ sự thay đổi trước mặt bố. Không ai hiểu con bằng bố, nếu sự thay đổi quá nhiều, bố hỏi đến thì Kỳ Chấn Đông cũng không dám nói dối. Bí mật của anh lại là loại chuyện thật sự không nên nói cho bố, phải để bố từ từ thích nghi với sự thay đổi của bản thân anh!
——————-