Ngày 8 tháng 9, ngày lành tháng tốt. Trên lịch vạn niên có ghi rõ, nên tổ chức cưới hỏi.
Tiệc cưới của Trác Thanh Y bắt đầu lúc 12 giờ. Mười một giờ, Tịch Nhan ra khỏi nhà. Mẹ cũng không quên dặn với theo một câu: “Đừng chỉ có biết cắm mặt vào ăn, mở to mắt ra một chút, nhìn xem xung quanh có ai phù hợp không”.
Định đem tiệc cưới của người ta hóa buổi gặp mặt tập thể thật hay sao. Tịch Nhan cười thầm trong bụng, cả bàn mỗi người một vẻ, nam không quen nữ chẳng thân, giữa lúc tiệc tùng linh đình như thế, có thể nhen nhúm được ngọn lửa tình ái nào sao? Bảo cô làm sao mà tin được. Như cô với Tô Hàng, ngồi cùng bàn cả hai năm trời, quen nhau tận chín năm, yêu nhau một năm, cuối cùng vẫn chẳng phải đường ai nấy đi đó sao?
Lúc đứng dưới nhà đợi xe buýt, bỗng có tiếng hát vang lên từ cửa hàng loa gần đó:
“Anh vẫn luôn đứng phía sau chờ đợi em,
Chờ đợi một ngày em quay lại nhìn anh
Nụ cười của anh là dành cho em, mong em hạnh phúc
Nỗi buồn của em trao cả cho anh
Tất cả những gì thuộc về em, anh đều lưu giữ
Đến một ngày em cảm nhận được anh
Dù rằng anh trong thế giới của em
Chỉ nhỏ nhoi như là cát bụi
Anh cũng nguyện dành cho em tất cả
…”
Ca từ ấm áp mà bi thương, như mũi tên xé gió lao tới, xuyên thấu trái tim cô.
Mười bốn tuổi, Tịch Nhan bắt đầu yêu Tô Hàng, từ đó cái tên ấy khắc sâu vào cuộc sống của cô.
Nhớ lại ngày hôm ấy, thời tiết cũng nóng nực như thế này. Cây lá xum xuê rợp mát, tiếng ve ra rả như không biết mệt mỏi, từng hồi từng hồi vọng vào tai. Sân trường sau giờ tan lớp, vắng lặng như tờ. Tịch Nhan lại thi trượt rồi, toán, văn, ngoại ngữ cả ba môn đều không qua. Cô không dám về nhà, một mình trốn vào rừng cây, co mình lại, đầu gục lên gối, nước mắt cứ thế tuôn rơi, ướt cả một khoảng váy.
Bỗng trước mắt xuất hiện một tấm khăn tay, và một bàn tay của con trai. Tịch Nhan ngước lên nhìn qua màn nước mắt nhòe nhoẹt, thấy Tô Hàng đang đứng trước mặt, chắn nốt những tia nắng le lói cuối cùng. Đôi đồng tử đen mà sâu ấy ngập đầy nỗi thương hại, và còn một thứ gì đó khác nữa.
Cô không đón lấy tấm khăn, quay mặt đi, bướng bỉnh: “Tô Hàng, cậu đến để cười nhạo tớ phải không?”
Tô Hàng không nói gì, bước tới trước một bước, dùng khăn lau sạch những giọt nước mắt còn vương trên má cô. Động tác tuy vụng về nhưng không thô lỗ, dịu dàng như cơn gió mùa xuân.
Những giọt nước mắt kìm nén bấy lâu trong Tịch Nhan nhân thể thi nhau thánh thót rơi, cô bỗng lao vào lòng anh, áp mặt vào áo anh, thổn thức: “Rốt cuộc tớ đã làm gì sai? Sao mọi người lại đối xử với tớ như thế? Ức hiếp tớ như thế?”
Khoảnh khắc đó, bao nhiêu lạnh lùng và cứng cỏi trong cô đều sụp đổ. Như người chết đuối vớ được cọc, cô níu chặt lấy áo sơ mi trắng của Tô Hàng, nước mắt giọt ngắn giọt dài nối đuôi nhau tuôn như suối, khóc không còn biết trời đất gì nữa, khóc như muốn trút hết những tủi thân và đau buồn trong lòng.
Trong ký ức của cô, ngoại trừ ông nội, cô chưa từng khóc thoải mái như thế trước mặt bất kỳ một người nào khác.
Tô Hàng toàn thân cứng đờ như hóa đá, hồi lâu sau, khó khăn lắm mới mở được miệng: “Đỗ Tịch Nhan, tớ sẽ không ức hiếp cậu nữa, cũng sẽ không cho ai đến bắt nạt cậu!”
“Thật không?” Cô ngước mắt nhìn anh, qua hàng nước mắt nhạt nhòa, dáng vẻ tội nghiệp, “Từ nay về sau cậu sẽ luôn ở bên tớ, bảo vệ cho tớ chứ?” Tô Hàng trịnh trọng gật đầu, rồi lại gật đầu.
Tiếng ve râm ran rộn rã bỗng biến mất, cô tưởng như nghe thấy tiếng nụ hoa cựa mình hé nở.
Tịch dương rải những ánh vàng rực rỡ, vạn vật như được nhuốm sắc màu huyền ảo. Ánh mặt trời chói lóa xuyên qua kẽ lá, không ngừng nhảy nhót trên khuôn mặt anh tú của cậu thiếu niên.
Hóa ra, không phải tất cả mọi người đều bỏ rơi mình. Tô Hàng, anh đã đồng ý sẽ luôn ở bên che chở ình.
Thế là, cô bé lầm lì cô độc ấy, bỗng nhoẻn miệng cười.
Tô Hàng giúp cô nhặt bài thi rơi dưới đất lên, cho vào trong cặp: “Đi thôi, để tớ đưa cậu về nhà”, rồi dẫn đường đi trước, nhưng Tịch Nhan vẫn chưa bám theo.
Anh ngạc nhiên quay đầu lại, cô vẫn đứng nguyên chỗ ban nãy, khuôn mặt đỏ bừng lúng túng nói không nên lời: “Cậu, cậu có thể dắt tay tớ được không?”. “Dĩ nhiên là được rồi”. Cậu thiếu niên áo trắng nhoẻn miệng cười, chìa tay về phía cô.
Bàn tay anh to lớn, không nhớp dính, đặt tay vào trong lòng bàn tay anh, cảm nhận được hơi ấm rất thật. Cô ngắm nhìn từng đường nét khuôn mặt nhìn nghiêng của Tô Hàng, trong lòng dấy lên niềm yêu thích mơ hồ.
Ngay từ ngày đầu tiên chuyển tới lớp, chàng trai sáng sủa như ánh dương này, đứng trước bàn, nở nụ cười mê hồn, đã ngay lập tức chinh phục trái tim cô đơn của cô. Sống mũi cao thẳng, đường nét anh tú, đôi mắt sáng, lúc nào cũng long lanh nụ cười, một chàng trai cuốn hút như thế không mê đắm mới là lạ.
Góc phố lờ mờ ánh đèn, Tịch Nhan nắm chặt tay Tô Hàng suốt quãng đường về, mười ngón tay chạm nhau, vân liền vân. Hết ngọn đèn đường này đến ngọn đèn đường khác, ánh đèn màu vàng cam chiếu rọi từ đỉnh đầu, hai cái bóng nhỏ líu ríu như hòa làm một.
Cô cảm nhận được, khối băng lạnh lẽo ngự trị đã lâu trong lồng ngực dường như đang ấm dần lên từng chút, từng chút một.
Chưa nói lời yêu, nhưng đó cũng là những đoạn hồi ức đẹp đẽ nhất.
Rất nhiều năm sau, Tịch Nhan mỗi lần nhớ lại buổi hoàng hôn ấy đều thấy lòng ấm lại. Đêm mùa hạ tĩnh lặng, trên nền trời xanh thẫm là hằng hà sa số những vì sao, dưới ánh đèn đường mờ ảo, người con trai cô đem lòng yêu đang nắm lấy tay cô, cười với cô.
Dẫu rằng sau này cô và Tô Hàng không thể ở bên nhau, nhưng ký ức về bàn tay ấm buổi tối ngày hôm ấy sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Sau buổi hôm đó, hai người trở thành những người bạn thân thiết, ngồi chung một bàn, cùng học, cùng làm bài. Giờ lên lớp, anh dạy cô học toán, phụ đạo thêm bài vở; tan lớp, anh giúp cô trực nhật, cùng cô chơi đùa, rồi đưa cô về nhà.
Trong sân trường, lá ngô đồng vàng rồi rụng, rồi lại bắt đầu nảy chồi, xanh nõn dưới ánh mặt trời.
Những ngày tháng tươi đẹp trôi đi sao mà nhanh. Chớp mắt, họ đã bước vào năm cuối cấp. Trưởng thành là chuyện đáng vui, nhưng cũng mang theo đó là không ít nỗi buồn, nào là những lời bịa đặt, rồi là chia ly.
Hôm đó sau giờ tan học, Tịch Nhan bị gọi lên phòng giáo vụ. Cô giáo Đường nghiêm mặt nặng lời, nói một tràng nào là tác hại của việc yêu đương sớm ra sao, học sinh phải chuyên tâm lo học hành thế nào,…
Cô từ đầu chí cuối chỉ lặng im, cúi đầu, chăm chú nhìn gót chân mình. Cuối cùng, cô giáo Đường xua xua tay: “Từ nay trở đi, em không được ngồi cùng bàn với Tô Hàng nữa. Tôi không thể để ột con sâu bỏ rầu nồi canh được!”
Tô Hàng bị chuyển lên ngồi bàn đầu, Tịch Nhan nhìn vẻ mặt dương dương tự đắc của cô bé được chỉ định ngồi cùng bàn với anh, không hiểu sao, lòng bỗng thấy chua xót. Đêm trước ngày thi chuyển cấp, một người bị cô lập triệt để là cô, bỗng bùng lên ý chí quật cường, quyết không chịu khuất phục, cô không còn trốn học hay ngủ gật trong lớp nữa, toàn tâm dốc sức học hành, chăm chỉ lên lớp, học bài làm bài đầy đủ, thành tích dần dần được cải thiện. Đợt thi thử cuối cùng, thành tích của cô xếp trong tốp mười người đứng đầu lớp, cô giáo Đường vui mừng đến nỗi không ngớt biểu dương cô, Tô Hàng cũng từ chỗ ngồi quay xuống cười với cô.
Tô Hàng, cậu nam sinh có bàn tay ấm áp, người đã hứa sẽ che chở cho cô suốt đời, cô nhất định phải thi đỗ vào học cùng trường với anh, cùng nhau học trung học, rồi cùng đi Bắc Kinh học đại học. Mục tiêu của anh, giờ cũng là lý tưởng của cô.
Một nam sinh thông minh ưu tú như anh, nhất định sẽ còn bay cao bay xa, cô chỉ còn nước vắt chân lên cổ, mới có thể bắt kịp được anh.
Tháng chín năm ấy, Tịch Nhan cuối cùng cũng có thể bước chân vào trường trung học Dật Dương, một trường trung học có tiếng của thành phố mà biết bao người mơ ước.
Lúc chia lớp, cô và Tô Hàng không cùng một lớp, không thể sớm chiều quấn quít bên nhau như hồi cấp hai được nữa. Thỉnh thoảng có gặp nhau trong trường, cũng chỉ hỏi thăm qua loa vài câu, rồi lại vội vàng nói lời tạm biệt.
Lên cấp ba, Tô Hàng như thường lệ vẫn là đứa con cưng được thầy cô và bạn bè nuông chiều, còn Tịch Nhan vẫn chỉ là cô nữ sinh lặng lẽ không ai biết đến. Cứ tan học cô lại chạy đến sân vận động xem anh đánh bóng rổ, rồi về nhà lén viết tên anh vào sổ nhật ký.
Tống Anh mắng cô ngốc nghếch: “Thầm thương trộm nhớ người ta từ cấp hai lên đến cấp ba này rồi, cả trường gần như ai ai cũng biết cả rồi, vậy mà cậu vẫn không dám thổ lộ. Đỗ Tịch Nhan, nói ra thì sẽ chết hay sao hả?”
Lần nào câu trả lời của Tịch Nhan cũng là: “Không chết, nhưng mà còn thảm hơn là chết ấy!”
Có thể câu “tôi thích bạn” đối với người khác mà nói, không phải là chuyện gì to tát cả, thế nhưng, Tịch Nhan lại không thể thốt nên thành lời.
Bởi vì Tô Hàng, là vị thần hộ mệnh của cô, là vị thần cứu cô ra khỏi thế giới tối tăm mù mịt trước kia. Cô biết thổ lộ làm sao đây?
Tình yêu của cô, nhỏ nhoi mà tuyệt vọng, chỉ cần được nhìn thấy bóng hình anh giữa biển người, được dạo bước trên con đường rợp bóng cây anh đã đi qua, mân mê cột bóng nơi anh vẫn chơi, hay chỉ đơn giản là hít thở bầu không khí anh đã từng hít thở, thế cũng đã đủ lắm rồi.
Niềm vui lớn nhất trong mỗi ngày tới trường của Tịch Nhan, chính là được nhìn thấy Tô Hàng. Cô ngày ngày đi qua cửa lớp anh, hy vọng được gặp anh trên lối hành lang dài dài ấy.
Không gặp được thì trong lòng buồn bực, cả ngày ủ rũ; gặp được rồi, thì lại lo lắng phấp phỏng, cảm thấy mình chỗ nào cũng không ổn: nào là quần áo chẳng ra làm sao, đầu tóc rối bù, chân không đủ dài, vòng một “màn hình phẳng” quá, vân vân và vân vân…. Chỉ bởi thứ tình cảm non nớt và mãnh liệt ấy, bắt đầu chớm nở trong cô bé dậy thì muộn, từ một cô nhóc tối ngày chỉ biết trèo tường leo cây đến khi biết làm duyên, lần đầu tiên thực sự ý thức được mình là con gái, một cô gái mới chớm biết yêu.
Đến năm lớp 12, tình cảm thầm kín ấy như sợi dây mây, càng lúc càng thít chặt khiến cô nghẹt thở.
Tô Hàng chẳng mấy chốc đã cao 1m80, càng ngày càng cao lớn tuấn tú, chẳng khó khăn gì để nhận ra anh giữa đám đông.
Anh vẫn như trước, rất được lòng mọi người, lần nào gặp anh đều thấy cả đám đông vây quanh, chuyện trò vui vẻ, nhìn thấy cô gật đầu hoặc mỉm cười, Tịch Nhan không thể không thừa nhận sức hấp dẫn của anh.
Tô Hàng mười bảy, mười tám tuổi, vẻ đẹp thanh xuân như vầng dương sáng chói, răng trắng môi đỏ, đường nét hài hòa. Anh như ngọn hải đăng dẫn lối đưa đường giữa đêm tối mịt mù, có sức hút mãnh liệt đối với nhãn cầu của cô, mãi không nỡ rời xa.
Nhưng cô cũng không dám nhìn anh quá lộ liễu, không dám mở to mắt đường đường chính chính nhìn anh, chỉ sợ bốn mắt chạm nhau, đôi đồng tử sâu thẳm sáng ngời ấy sẽ nhìn thấu những tâm sự ẩn giấu trong tâm can cô.
Cô đã yêu anh trong sự cẩn thận, dè dặt, mâu thuẫn trăm bề như thế, trong lòng đau khổ mà không thốt nên lời, lại có cả cảm giác hạnh phúc nhỏ nhoi. Tô Hàng lại không hề hay biết. Ánh mắt anh mỗi khi nhìn cô, chỉ là cái nhìn đơn thuần không hơn không kém.
Tình yêu thầm kín dành cho Tô Hàng, như hàng trăm nghìn con kiến, ngày đêm gặm nhấm trái tim Tịch Nhan.
Đêm càng sâu cảnh vật càng tĩnh lặng, nỗi nhớ nhung khiến cô không sao ngủ được. Cô dứt khoát bò dậy, mở nhật ký ra, bắt đầu làm thơ, những vần thơ mông lung không ai hiểu được. Tịch Nhan sùng bái thơ Thư Đình, Bắc Đảo, Cố Thành[1], nhưng thích nhất vẫn là Tịch Mộ Dung[2], đặc biệt là bài “Cây hoa nở”:
“Nếu để em gặp
Vào khi em đẹp nhất
Vì điều này
Em đã cầu Phật cả trăm năm
Cầu cho chúng ta kết mối duyên trần
Phật bèn hóa em thành cái cây
Mọc trên con đường anh vẫn qua lại
Dưới ánh nắng
Cần mẫn nở đầy hoa
Mỗi đóa là một ước mong em kiếp trước
Khi anh đến gần
Xin anh lắng nghe
Những cánh lá đang run rẩy
Là lòng nhiệt thành em đợi em chờ
Còn nếu anh vô tâm bước qua
Rơi đầy mặt đất sau lưng anh
Hỡi bạn của tôi
Không phải là cánh hoa
Mà là trái tim em điêu tàn”
[1], [2] Các nhà thơ đương đại Trung Quốc, đại diện cho trường phái “thơ mông lung”
Cô thường nghĩ, mình chính là cái cây nở hoa, mãi đứng đợi anh, đợi đến khi hoa nở cũng đã hạnh phúc lắm rồi.
Nhưng cuối cùng, anh vô tâm bước qua. Trái tim cô, chỉ còn là những mảnh điêu tàn anh bỏ lại sau lưng.