Chỉ Là Anh Giấu Đi

Chương 3



“Má.” Duy Thanh hớn hở từ bãi cỏ chạy vào nhà.

Gần tới phòng của má Ba thì anh lại bị con “ki già” đuổi theo. Nó liếm liếm người anh, nhảy chồm lên rồi gặm cái quần “đùi” của anh kéo lại. Thế là anh thì chạy tới, con ki già thì gặm quần anh lại ra sau. Quần tụt xuống, bờ mông đen xì hiện ra, Duy Thanh lấy hai tay kéo quần lên lại. Đôi bên giằng co như đang trong một trận chiến thực thụ.

“Á.” Duy Thanh hét lên rồi quay ra sau. “Mày hả mày.” Anh giả vờ đấm nó. Thấy con ki già vẫn không chịu buông tha, anh liền bặm môi lại rồi đá nó. “Mày hả bưởi.”

Má Ba bước ra phòng. “Gì vậy con?”

Duy Thanh lúc này đã thoát được con ki già. “Má mới đi đâu về vậy?”

“Má đi chợ.” Thấy cu cậu hai tay nắm “lưng quần”, bà liền ngồi xuống kéo quần giúp lên cho cu cậu. “Để má.” Rồi bà thấy cái quần toát một lỗ to chà bá. “Sao rách rồi?”

Duy Thanh nhìn xuống quần mình. “Ơ rách quần rồi.” Anh không dám nói con ki già cắn xé quần mình.

“Cởi ra, để má đi lấy quần khác cho con.” Má Ba khẽ cười rồi đứng dậy.

Duy Thanh cứ để trần như nhộng vậy, anh chạy đi kiếm con ki già. “Mày cắn quần tao hả?”

Con ki già lại nhảy chồm lên người anh và thế là anh bị nó đẩy ngã ngồi bệt xuống đất. Má Ba khi lấy quần xong thì không thấy Duy Thanh nữa. Nhìn quanh, cuối cùng bà thấy cu cậu đang đùa với chó, chính xác là cu cậu đang bị con chó đè lên người liếm mặt.

“Duy Thanh.” Bà đứng chống nạnh.

Duy Thanh nghe má gọi nên liền ngồi dậy. “Đồ mất dạy, thả tao ra, má tao kêu.” Anh chạy tới nhìn má mỉm cười. “Má.”

Thấy người cu cậu lấm lem, bà liếc mắt. “Sao không mặc quần mà chạy đi đâu vậy cậu?”

Duy Thanh khẽ cười. “Dạ quần rách rồi.”

“Bụm chim lại.” Bà nhịn cười không nỗi. “Lớn rồi mà cứ.” Bà bếu má cu cậu. “Lỡ nó bay đi thì sao?”

“Bay á.” Duy Thanh mở hai tay ra nhìn rồi chụm lại. “Thế má cho con, con khác.”

Thấy người cậu dính quá trời đất, lại nghe cậu nói, đúng là con của bà ngô nghê thật mà. “Thôi đi tắm, bẩn hết cả rồi.” Bà chịu thua với cu cậu.

Năm nay Duy Thanh đã lên lớp hai và không như lớp một học buổi sáng, lớp hai anh học vào buổi chiều. Vào ngày nhập học, anh nhanh chóng chọn chỗ ngồi ở cuối lớp, nhưng không may thay, các bạn còn nhanh chân hơn cả anh. Thế là bốn dãy bàn, chỉ còn một chỗ ngồi phía cuối và đó là vị trí gần khu vực để rác của lớp.

Má Ba vẫn chở anh đi học, mặc dù anh ngỏ ý muốn tự đi vì sợ má bị bệnh. Nhất là sau khi anh nghe lóm được chị Ngọc Minh nói với chị Út, mấy chị bảo má bị bệnh vì phải lao lực chăm sóc cho mọi người, từ cái ăn đến cái học. Duy Thanh nghĩ “cái học” đó, chính là việc chở anh đi học hằng ngày. Anh không muốn má bệnh, anh chỉ muốn luôn vui vẻ và khỏe mạnh thôi.

Và rồi mùa đông một lần nữa lại đến, vẫn như mọi ngày, Duy Thanh mặc áo ấm vào, đeo cặp sách lên và chạy ra trước cổng chờ má chở đi học. Anh lén lút đi ra nhìn con “ki già”, mọi bữa khi thấy anh xuất hiện là nó đều lao tới nhảy lên người anh. Có điều hôm nay anh lại chả thấy nó đâu.

“Ki ơi ki.” Duy Thanh nhu miệng lên và chìa tay ra vẫy. “Ki ơi.” Anh tiếp tục cúi người xuống, lén lút đi tới nhà xe. “Ki mất dạy đâu rồi?”

Duy Thanh bỗng nhíu mày lại, con ki già bữa nay nằm một đống trong nhà để xe và ngước mắt nhìn anh. Duy Thanh không hiểu vì sao con ki già bữa nay lại như vậy. Anh đi tới ngồi xuống rồi vút ve đầu nó.

“Mày giận tao à?” Duy Thanh hỏi. “Mày sao vậy?”

“Duy Thanh.” Má Ba đi tới. “Đi học thôi con.” Bà dắt xe ra rồi nổ máy.

Duy Thanh buồn bã trèo lên. “Con ki bữa nay lạ lắm má.”

“Lạ sao con?” Bà tò mò.

Anh gãi mặt. “Nó không có như mấy bữa.”

“Vậy mấy bữa nó ra sao?” Bà hỏi.

Duy Thanh đưa vẻ mặt suy nghĩ nhìn lên trời. “Mấy bữa nó hay nhảy lên người con.”

Bà khẽ cười. “Chắc bữa nay nó mệt.”

“Nó mệt hả má?” Anh muốn hỏi lại cho chắc.

Má Ba gật đầu. “Ừm, nó mệt.”

Chiều hôm đó, sau khi đi học về, cất cặp, thay đồ xong, Duy Thanh liền chạy ra nhà xe thăm con ki già. Anh thấy nó vẫn cứ nằm đó, giương đôi mắt yếu ớt lên nhìn anh. Anh không biết vì sao nó mệt lâu như vậy. Anh vút ve nó một vài cái rồi phải chạy ra bãi cỏ học võ.

Vì học buổi chiều nên thời gian Duy Thanh học võ ít hơn mọi người. Do đó, ông Năm đặc biệt lưu ý đến anh. Thấy thân hình gầy còm và nhỏ, ông Năm ngoài dạy những bài tập riêng dành cho anh, thì ông còn bảo anh nên siêng năng hít xà đơn. Vì ờ cô nhi viện không có, nên ông Năm bảo để ông chế xà đơn và các đồ tập khác.

Học võ xong, mọi người bắt đầu chương trình đi tắm. Vì trời mùa đông, nên má với mấy anh chị nấu sẵn nước sôi cho mọi người. Sau đó bơm nước lạnh vào những cái thùng nhựa, đổ nước sôi vào cho ấm, lúc đó mọi người mới bắt đầu chương trình. Tắm xong thì là ăn cơm. Duy Thanh cố tình chừa lại phần thịt của mình, sau đó lén mang ra cho con ki già. Duy Thanh sợ mấy anh chị phát hiện được sẽ mắng anh. Khổ nỗi, anh đặt trước miệng nhưng con ki già đến ngửi cũng không thèm, chứ đừng nói động đến.

Thế là Duy Thanh chạy vào phòng hỏi má. Thấy má đang tụng kinh, thế là anh phải ngồi phía sau để đợi. Rồi trong lúc ngồi, anh lại nghĩ vẫn vơ. Nếu con ki già mệt nên nó không chạy nhảy, không ăn được, như vậy nếu má mệt, thì má cũng sẽ như vậy. Anh không thích má mệt, không thích một chút nào.

Má Ba tụng kinh xong, biết cu cậu lúc nào cũng ở sau lưng mình nên bà quay lại. “Sao nhìn mặt con bí xị vậy?”

Duy Thanh nhíu đôi mày lại. “Dạ, con ki nó không chịu ăn, nó cứ nằm nhìn con.”

“Chắc nó ăn no rồi đó con.” Bà khẽ cười.

Sáng hôm sau, Duy Thanh dậy thật sớm và liền chạy ra nhà xe. Con ki già vẫn nằm đó, có điều hôm nay nó lại rên rỉ. Duy Thanh tự dưng nước mắt lưng tròng. Anh lại chạy đi tìm má Ba. Anh thuật lại mọi chuyện, sau đó dẫn má Ba tới chỗ con ki.

Má Ba nghĩ con ki đã tới lúc. Bà xoa đầu Duy Thanh. “Nó bị bệnh rồi.”

“Bệnh hả má?” Duy Thanh ngước đôi mắt long lanh lên nhìn.

Bà hôn lên đỉnh đầu cu cậu. “Con đi rửa mặt đi. Để má lo cho con ki.”

Từ khi biết con ki bị bệnh, Duy Thanh cứ chạy ra vút ve, rồi chạy vào nhà giúp các anh chị làm gì đó. Mà khổ nỗi, con ki cứ nằm rên như vậy, thấy anh ra thì nó lại im. Anh chạy đi thì nó lại kêu trở lại. Duy Thanh không hiểu vì sao, đến khi sau này lớn lên anh mới hiểu ra, lúc đó con ki cần anh ở bên cạnh.

Đi học về, Duy Thanh liền chạy ra thăm con ki. Anh hỏi nó bệnh hả, nó đau chỗ nào, nó có đói bụng không. Nó không trả lời mà cứ đưa mắt nhìn anh. Rồi anh nghĩ nó lạnh nên mới rên. Anh thấy má Ba lốt vải cho nó nằm, nên anh nghĩ mình phải kiếm đồ cho nó đắp.

Thế là anh chạy vào nhà, anh lấy cái áo lau chân trước cửa phòng chạy ra đắp cho nó. Sợ chưa đủ ấm, thế là anh lại chạy vào kiếm thêm. Không có áo quần hay vải vóc dư, thế là anh bèn đi kiếm mấy cái miếng giấy “carton” để đắp cho nó.

“Duy Thanh ơi, vào ngủ con.” Má Ba kêu.

Thế là anh phải đi ngủ. Anh rửa tay chân xong thì trèo lên giường. Mọi người bắt đầu cùng nhau “vè” bài ca đi ngủ, trước khi má và các anh chị tắt đèn và đóng cửa.

“Chúc ba, chúc mẹ, chúc anh, chúc chị.” Mọi người đồng thanh nói. “Chúc tất cả mọi người đều được yên giấc và ngủ ngon.”

Sáng hôm sau, Duy Thanh lại bật dậy thật sớm, mở cửa phòng và chạy ra thăm con ki. Anh thấy nó vẫn nằm đó, chỉ có một điều là đôi mắt nó nhắm riết lại. Anh kêu nó, anh sờ nó, thậm chí anh làm gì, thì nó cũng đơ ra một cục. Bù lu, bù loa lên, Duy Thanh ngay lập tức chạy đi tìm má.

“Nó chết rồi.” Má Ba lúc này sờ con ki và biết được.

“Chết á?” Duy Thanh đưa gương mặt đầy nước mắt nhìn má Ba.

Bà quay qua lấy tay áo lau nước mắt cho cu cậu. “Ừm, con ki nó chết rồi.”

Anh không hiểu. “Chết là sao hả má?”

“Nghĩa là nó đi xa và không còn hiện hữu trên đời này nữa.” Má Ba cũng chẳng biết giải thích như thế nào cho cu cậu hiểu.

Anh gặng hỏi. “Vì sao nó lại chết?”

Bà khẽ cười. “Nó già rồi nên đến lúc phải chết thôi con à.” Bà đứng dậy dắt cu cậu đi rửa mặt.

Chiều hôm đó đi học, Duy Thanh lại đi ra trước cổng nhưng con ki già không còn nữa. Nó được má Ba cuốn lại và đem đi vứt rồi. Má bảo nó già rồi nên chết. Không còn nó nữa, anh cảm thấy nhớ nó. Mọi bữa nó hay nhảy chồm lên người anh, gặm quần anh rách, vậy mà giờ nó đi xa, nó bỏ anh ở lại một mình.

Suốt buổi học, Duy Thanh cứ nhớ về con ki già, nhớ về những lời má Ba nói. Rồi anh chợt nhận ra, má nói ba của má cũng đi xa, con ki già cũng đi xa, tất cả khi già đi đều đi xa cả. Rồi anh cũng chợt nhận ra, “hoàng tuyền” là nơi mà mọi người sau khi chết đi sẽ đến đó. Vì má từng nói với anh là ba của má đang ở dưới hoàng tuyền.

Tối đó, Duy Thanh lại đi sang phòng má, nhưng hôm nay má lại không có ở phòng. Anh đi tìm má, rồi hỏi chị Ngọc Minh thì mới biết má đi họp tổ dân phố gì đó. Thế là anh vào phòng ngồi chờ má. Ngồi một lúc thì anh lại lăn ra nằm, anh không biết vì sao má lại chưa về.

Má Ba đi họp xong thì về lại cô nhi viện. Bước vào phòng, bà thấy Duy Thanh nằm nhìn lên trần nhà với bộ mặt buồn hiu. “Sao vậy con?” Bà ngồi xuống.

Duy Thanh ngồi dậy. “Má.” Anh ôm chằm lấy má.

“Sao con buồn vậy? Nói má nghe.” Bà vút ve cu cậu.

Anh buông má ra, sau đó đưa tay lên sờ mặt má. “Má đừng già được không?”

Bà khẽ cười. “Ai rồi lại không già hả con.”

Duy Thanh ngồi nhìn má. “Con không thích má già. Má đừng già nha, để con già cho má.” Anh sợ má già rồi thì sẽ chết, rồi cũng sẽ bỏ anh đi như con ki già.

Bà thật sự không biết phải nói gì với tình thương của cu cậu. “Ngốc, ngốc lắm.” Bà ôm cu cậu vào lòng.

Vài ngày sau, má Ba đã liên lạc và mua được con chó mới. Nghĩ đi, nghĩ lại, thế là bà mua luôn hai con, một đực và một cái. Bà muốn Duy Thanh chơi với chúng cho đỡ buồn. Từ khi con ki già mất, cu cậu cứ ngồi ngoài hiên chống cằm nhìn xa xăm.

Chiều hôm đó khi đi học về, Duy Thanh thay đồ chuẩn bị đi học võ thì chợt thấy các anh chị em ngồi quây quần lại với nhau. Anh tò mò đi tới và nhận ra là các anh chị em đang chơi với hai con chó con. Thế là từ nay, nhà anh có đến hai con ki, một còn màu vàng và một con màu hơi vàng.

Rồi Duy Thanh cũng học xong lớp hai và lên lớp ba. Anh vẫn học buổi chiều và anh bắt đầu được cho phép tự đi học. Dù muốn hay không thì năm nay anh vẫn phải tự đi đến trường, vì má Ba phải chở bé Tư đi học. Bé Tư năm nay vào lớp một và cũng như anh, má Ba sẽ chở bé đi đi, về về.

Lúc xếp lớp, nếu như năm ngoái ai cũng chê chỗ ngồi gần thùng rác, thì năm nay mọi người lại tranh nhau ngồi chỗ đó. Đơn giản là trong lúc học, mọi người ăn vặt và có thể nhanh chóng phi tan chứng cứ. Thế là Duy Thanh phải sang ngồi bên dãy kia, cũng là bàn cuối nhưng có điều chả ai dành chỗ này cả. Vì học buổi chiều, chỗ này gần cửa sổ và ánh nắng chiếu vào khiến mọi người không muốn ngồi ở đó nữa.

Thế là Duy Thanh nghiễm nhiên không giành mà lại có chỗ ngồi. Từ đây, mọi việc bắt đầu xảy ra. Bạn bàn trên của Duy Thanh là một bạn nữ. Anh không biết bạn ấy tên gì, vì trước giờ anh chả nói chuyện với bạn ấy. Anh thấy bạn ấy có mái tóc ngắn ngang vai, da trắng, người mũm mĩm như cái gối ôm tự làm của chị Út.

Có điều, anh thấy bạn ấy dữ dằn lắm. Hay hét lên trong lúc đùa giỡn với các bạn. Thậm chí cái bộ dạng vừa đứng, vừa đút tay vào túi quần, khiến anh cảm thấy không muốn bắt chuyện. Anh nhớ lại lúc hè năm lớp hai, lúc anh đi chợ với má Ba. Một bác mang áo xanh, quần đen, mà sau này má kể với anh là bác đó làm bảo vệ. Bác cũng đút tay vào túi quần như vậy, tay còn lại tát vào mặt một anh lớn lớn. Nhìn mặc bác ấy lúc đó, Duy Thanh cảm thấy sợ nên ôm chặt chân má Ba. Nghĩ hai hình ảnh giống nhau, anh lại nuốt nước bọt vì sợ hãi.

Rồi thời gian cứ thế tiếp tục trôi. Duy Thanh biết thêm được những điều mới, vẫn lãnh đạm trong lớp như năm nào, học được nhiều thế võ và cao hơn được vài cm. Giờ đây anh có thể giúp được các anh chị nhiều việc hơn. Tuy không thể chẻ củi được như anh Duy Nhân, nhưng anh có thể nhặt giúp và đem vào chỗ chứa củi phụ anh ấy. Tuy không thể giặt đồ như chị Ngọc Anh, nhưng anh có thể giúp chị phơi đồ và rút đồ.

Anh có thể tự bao vở mình lại mà không còn nhờ má Ba làm giúp nữa. Lấy những tờ lịch màu trắng, theo cái màu yêu cầu của cô chủ nhiệm, anh nhẹ nhàng gấp và bao vở một cách chỉnh chu. Sau đó anh lại nắn nót ghi các kí hiệu lên cuốn vở tương ứng, nào là vở 1A, 1B rồi 2A, 2B. Bên ngoài thì đẹp vậy thôi, chứ bên trong chữ anh như “mèo cào” và lem mực tùm lum. Từ khi xếp loại “vở sạch chữ đẹp” đến bây giờ, chả có lúc nào mà anh được loại A cả.

Trong khi đó bạn gái bàn trên, giờ thì anh đã biết bạn ấy tên Hạnh. Nguyên do là trong lúc mấy bạn nói chuyện, mọi người đã gọi tên nhau và anh nghe được. Bạn Hạnh không như anh, vở bạn Hạnh lúc nào cũng sạch sẽ, chữ đẹp và luôn được cô giáo khen. Anh cũng muốn nói chuyện với bạn Hạnh, nhưng mỗi lần bạn ấy quay xuống nhìn, anh lại cảm thấy sợ. Nói đúng hơn là anh nhút nhát trong việc giao tiếp với bạn ấy.

Anh có thể dễ dàng nói chuyện với các bạn nữ hồi năm lớp một hoặc lớp hai. Anh cũng có thể nói chuyện với chị em ở nhà. Nhưng với bạn Hạnh thì anh lại thấy khó khăn. Anh cũng không biết vì sao. Cho đến khi sau này lớn lên, anh lại ước gì khi xưa đừng quen biết Mỹ Hạnh thì tốt biết mấy.

Thời gian tiếp tục trôi và cho đến một ngày, cái ngày làm thay đổi tất cả và cũng là cái ngày mà Duy Thanh bắt đầu có bạn đúng nghĩa. Hôm đó vào giờ ra chơi, Duy Thanh vẫn như hôm nào, anh ngồi lại ở bàn. Thật ra không phải vì anh cô lập bản thân mình lại, chỉ là giờ ra chơi thì mọi người hay xuống căn tin và anh thì lại không có tiền. Má Ba lúc nào cũng đòi cho tiền anh ăn vặt nhưng anh thì luôn từ chối. Anh biết nhà không có nhiều tiền và má Ba phải nuôi các anh chị em nữa. Do vậy anh nghĩ mình nên để bụng trống một lúc cũng có sao đâu.

Đang ngồi trầm ngâm một mình thì Duy Thanh bất ngờ thấy một hàng mực vấy lên áo Mỹ Hạnh. Quay ra sau, anh thấy Khánh Long đang cầm bút bật cười ha hả với Văn Hàn. Anh thấy hai bạn như đang vui sướng về việc rải mực lên áo Mỹ Hạnh thì phải. Anh thấy trò đùa này chả có gì vui cả. Nhất là khi vết mực dính trên áo rồi thì rất khó tẩy sạch. Anh từng thấy chị Ngọc Minh ngồi giặt áo chị Lan rất lâu là lâu, nhưng vẫn không chà sạch vết mực đó. Anh thấy Mỹ Hạnh quay xuống nhìn Khánh Long rồi lại quay lên. Anh nghĩ chắc bạn Hạnh cũng không thích trò đùa này.

“Bạn làm như vậy là sai rồi.” Duy Thanh muốn nói cho bạn Long hiểu.

“Kệ tao.” Khánh Long đáp trả lại rồi tiếp tục rải mực lên áo Mỹ Hạnh một lần nữa.

Duy Thanh tiếp tục thấy Mỹ Hạnh quay lại nhìn Khánh Long, chỉ có điều lần này mắt Mỹ Hạnh đỏ hoe và giống như chuẩn bị sắp khóc. Anh có thể nhìn rõ đôi mắt Mỹ Hạnh ngấn lệ như thế nào. Trong khi đó thì Khánh Long vẫn đang vui sướng vì trò đùa của mình.

Cảm thấy người mình bỗng nóng phừng lên, Duy Thanh không giữ được bình tĩnh nên liền đứng dậy. Anh bất ngờ đi tới đánh tới tấp vào người Khánh Long. Văn Hàn ở bên cạnh thấy vậy liền can ngăn lại. Mọi người ở trong lớp nghe thấy đánh nhau liền quay ra xem. Khánh Long mặc dù cũng học võ và đưa tay đỡ những cú đấm của Duy Thanh, nhưng anh chàng vẫn bị Duy Thanh đấm vô số vào người và không đấm được Duy Thanh một cái nào. Đến khi mọi người chạy lại can ngăn và ôm hai người ra xa thì cuộc đánh nhau mới dừng lại. Duy Thanh về chỗ và thấy Mỹ Hạnh quay xuống nhìn mình, anh định nói gì đó nhưng lại quên mất tiêu.

Thế rồi giờ ra chơi cũng kết thúc và mọi người giấu cô vụ đánh nhau giữa Duy Thanh và Khánh Long. Đến giờ ra về, Duy Thanh đang bỏ sách vở lại vào cặp thì Khánh Long bước sang.

“Tao có chuyện muốn nói với mày.” Khánh Long lúc này đã đeo cặp lên vai.

Duy Thanh biết là vì vụ đánh nhau khi nãy nên liền nói. “Mình xin lỗi vì đánh bạn. Nếu bạn thích thì mình đứng im cho bạn đánh lại.”

“Không.” Khánh Long phồng má lên. “Tao với mày phải đấu lại.”

Duy Thanh thấy nên kết thúc chuyện này. “Thôi, xem như mình thua đi.”

“Mày sợ tao à?” Khánh Long nhếc môi.

Duy Thanh xòe tay ra. “Ừm, giờ mình hòa chứ?”

Khánh Long bắt tay. “Rồi thì hòa.”

Kể từ đó, Duy Thanh và Khánh Long trở thành bạn với nhau. Hai người bắt đầu trò chuyện trên lớp. Duy Thanh thấy Mỹ Hạnh thỉnh thoảng quay lại nhìn mình. Giờ thì anh mới biết bạn bàn trên có đôi môi đỏ thắm, điều mà trước giờ anh không để ý.

Thật ra sau này lớn lên Khánh Long mới nói sự thật với Duy Thanh, không phải khi đó anh chàng làm hòa nhanh chóng như vậy đâu. Chẳng qua bị Duy Thanh đấm đau quá, mà nếu đánh nhau thêm một cú nữa, anh chàng sợ mình chịu không được. Nên khi được xem như là “canh trên”, nên anh chàng liền nhận lấy.

Rồi chuyện gì đến cũng đến. Vào một ngày, bút Duy Thanh bất ngờ bị hết mực. Anh định quay qua Khánh Long mượn một chút rồi ngày mai trả, nhưng vì đang trong giờ học nên anh lại sợ. Nhiều phút trôi qua và nhiều đoạn trên bảng anh viết chưa kịp đã bị xóa. Hít một hơi thật sâu, Duy Thanh chấp nhận việc bị phạt vì nói chuyện riêng trong lớp và quay qua mượn Khánh Long. Khổ nỗi, anh chàng Khánh Long lại không đem bình mực theo. Đang chưa biết làm sao thì Duy Thanh thật sự bất ngờ khi Mỹ Hạnh quay lại và trên tay bạn ấy đang cầm bình mực.

“Bạn dùng mực của mình đi.” Mỹ Hạnh khẽ cười.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.