Tôi khó khăn bước từng bước nhỏ. Ngồi một lúc vốn đã lấy lại sức, chân chỉ hơi tê. Tôi mò theo ánh trăng bước tiếp, chống gậy bước vào con hẻm tăm tối. Thứ mùi kì dị đó vẫn còn bốc lên, hình như ngày càng gây gắt. Tôi che mũi bước tiếp.
Bỗng nhiên cảm nhận được tiếng ai đó đang thở.
Tôi xanh cả mặt, “Ai đó?” Nhìn ngang nhìn dọc vẫn không có ai. Một con chuột to béo nhảy ra từ đống rác đặt trong góc hẻm chạy ngang qua chân, tôi hét thảm lên một tiếng.
Thật đáng sợ!
Tôi vẫn nghe thấy tiếng ai đó đang thở. Hơi thở rất mỏng manh, dường như đang suy yếu dần. Tôi nhắm mắt định bước qua, mặc kệ. Không phải việc của mình, ai xen vào người đó là chó.
“A a.”
Tôi: ???
Là tiếng trẻ con?
Không đùa đấy chứ. Cái quỷ gì sao ở nơi lạnh lẽo tối tăm này lại có trẻ con? Chắc tôi nghe nhầm. Tôi lại định bước tiếp.
“A a.”
Được rồi, tôi là chó.
Là tiếng trẻ con! Tôi chống gậy gấp gáp tiến gần lại chỗ phát ra tiếng động. Tôi tìm thấy một cái bọc màu đen nhầy nhụa thứ chất lỏng gì đó bám vào. Tái cả mặt, tôi run run mở ra.
Trong bọc là một đứa bé sơ sinh, rất rất nhỏ còn chưa mở mắt, còn nhau thai, hình như sinh non, cả người nhuộm đầy máu tươi, hơi thở suy yếu, mặt mày xám ngắt. Đứa bé hấp hối thở từng nhịp thở mỏng manh như đang tranh giành sự sống với tử thần. Đầu óc tôi trống rỗng, nhẹ nhàng đặt bé xuống, mở tiếp ra những cái bọc đen còn lại bên cạnh. Muốn buồn nôn, trong đó toàn là xác thai nhi. Có bé còn chưa thành hình…
Đứa bé hít thở ngày càng suy yếu. Tôi hoảng hốt bế lên, quật sức vùng lên chạy ra khỏi con hẻm. Tôi không ngờ ai lại có thể nhẫn tâm bỏ rơi một đứa bé còn sống nơi chốn quạnh hiu ghê rợn này, cơ chừng này chỉ sau mấy tiếng nữa thôi nếu không có ai phát hiện đứa bé chỉ có thể chết! Chân tôi nhức quá nhưng tôi chẳng quan tâm, tâm trí lúc này chỉ biết đặt vào hình hài nhỏ bé yếu ớt trên tay. Tôi băng theo đường mòn chạy tiếp. Khu vực này là một vùng nông thôn tương đối hẻo lánh. Chạy được một lát tôi thấy có khói bốc lên nghi ngút sau những rặng tre, tôi mừng như điên chạy lại. Đứa bé nằm trong lòng tôi lúc này bỗng dưng yên tĩnh, lòng tôi như lửa đốt, không dám cúi đầu nhìn xuống chỉ biết cắm đầu cắm cổ mà chạy.
Đó là một ngôi làng, đến gần, tôi nâng cổ gào lên, “Cứu mạng, cứu mạng, cứu mạng!!!”
Có người chạy lại, tôi ngã khụy xuống mặt đất, hấp hối thở, hình như đã quá kiệt sức rồi. Dân làng chạy đến, một người đàn ông cao lớn quỳ trước mặt tôi. Tôi ôm đứa bé nhìn thẳng, chưa đợi người đàn ông lên tiếng tôi đã gằn từng chữ: “Làm ơn, cứu đứa bé… Làm ơn!”
Sau đó, tôi nhắm mắt, chìm sâu vào bóng tối.
Hôm sau mở mắt trời đã tờ mờ sáng. Tôi động đậy bàn chân hôm qua mới còn bị tê rần, thân thể đã khỏe lên rất nhiều, bộ đồ bệnh nhân dính máu cùng bùn cũng được thay bằng một bộ đồ khác tử tế hơn, tuy cũ nhưng rất sạch sẽ. Tôi ngửi được mùi nhang trầm phảng phất đâu đây. Tôi còn nghe thấy được cả tiếng gà gáy, tiếng người lao xao đi lại. Không khí lúc này thật ấm áp, bình yên quá.
Vừa xoay người ngồi dậy ngoài cửa đã có người tiến vào. Là một người phụ nữ nông thôn in đậm dáng vẻ của người lao động miền sơn cước.
Người phụ nữ thấy tôi đã tỉnh, lật đật chạy đến ngồi ở mép giường, “Cô ổn chứ? Khỏe hơn chút nào chưa.”
“Vâng, khỏe hơn rồi.” Ngừng một lát, tôi nói tiếp, “Cảm ơn chị vì bộ quần áo.”
“Đừng khách khí”, người phụ nữ nói: “Con cô tối qua đã được đưa lên bệnh viện xã. Bất quá cô cứ nghỉ ngơi một lát nữa rồi đến thăm sau cũng được, cô cũng còn đang rất yếu.”
Tôi giật mình nhớ đến đứa bé, “Đứa bé?? Nó sao rồi? Sức khỏe yếu lắm hả chị?”
Người phụ nữ gật đầu, “Sinh non nên khá yếu.”
“Tôi, tôi muốn đi thăm nó. Sức khỏe của tôi đang rất tốt, chị dẫn tôi đi được không?” Có lẽ là bản năng của một người mẹ. Tôi không biết. Không rõ. Nhưng chính tay tôi đã ôm nó ra khỏi con hẻm âm u đó, ôm nó chạy cả quãng đường rất dài. Hơn bao giờ hết tôi hi vọng đứa bé có thể sống. Nó đã nằm đó chiến đấu từng giây từng phút với cõi chết mặc cho xung quanh có bẩn thỉu, có ruồi bọ đang chực chờ để nuốt chửng, nó còn bị gói lại trong một cái bọc đen thiếu hụt dưỡng khí trầm trọng, cơ thể sinh non lại yếu ớt. Chứng kiến điều đó tôi tự hỏi có người mẹ nào trên đời lại có thể không đau xót, nhẫn tâm đối xử với con mình như vậy.
Người phụ nữ nhìn tôi, lại nói: “Cô bình tĩnh một chút. Tôi cũng vừa lên thăm, các bác sĩ đang kiểm tra tình trạng của bé, bé ổn. Nhưng trước tiên cô có thể kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra được không?”
Người phụ nữ cười cười, nói tiếp: “Tối qua cô làm cả thôn chúng tôi náo loạn một phen. Cứ tưởng xảy ra án mạng.”
Tôi nhìn người phụ nữ, “Cảm ơn vì đã cứu chúng tôi.”
“Đó là điều chúng tôi nên làm, đừng khách sáo. Cô có thể kể cho tôi biết chuyện gì xảy ra được chứ?”
Im lặng lúc lâu, tôi cúi đầu nói: “Tôi cũng không nhớ rõ…”
“Tối qua khi cô từ xa chạy đến. Cả người đầy máu tươi, áo quần bê bết bùn đất. Hẳn phải gặp chuyện gì nghiêm trọng lắm rồi?”
Tôi lắc đầu: “Là máu của đứa bé. Không phải tôi.”
Người phụ nữ nhìn tôi rồi nói, “Trên người cô không có dấu hiệu sinh nở. Vậy đứa trẻ…”
“Vâng. . .Đó không phải con tôi” Tôi ngập ngừng, “Tôi bị bắt cóc đến đây, không nhớ đã xảy ra chuyện gì mà có thể chạy thoát được, trên đường đi nhìn thấy đứa bé bị vứt bỏ một mình trong một con hẻm liền ôm nó chạy trốn đến đây.”
“Cô bị bắt cóc? Chuyện xảy ra thế nào, còn nhớ không?” Người phụ nữ bàng hoàng, “Chúng tôi liên lạc chính quyền địa phương giúp cô nhé.”
Tôi giả vờ lau lau nước mắt, rưng rưng “Tôi, tôi cũng không nhớ mình là ai nữa. Lúc đó đầu rất đau, cơ thể kiệt quệ. Kí ức của tôi chỉ dừng lại ở đoạn tìm thấy đứa bé.” Tôi không định nói thật, dù có nói thật tôi cũng không biết phải giải thích như thế nào. Tôi không nghĩ việc bản thân chỉ ngủ một đêm, ít phút sau xuất hiện tới đây làm họ tin tưởng, ngay cả tôi cũng không tài nào lí giải nổi. Còn có cả viên ngọc biết nói và tờ giấy…
Khoan đã!?
Tôi liếc mắt nhìn xuống cổ, viên ngọc vẫn còn, hóa ra chuyện tối qua không phải giấc mơ, cũng không phải tôi bị ảo giác. Tôi đưa mắt quay sang nhìn người phụ nữ: “Vậy quần áo cũ của tôi?”
“Đã giặt sạch cho cô rồi, đang phơi, yên tâm.” Người phụ nữ vỗ vỗ vai tôi.
Tôi nhếch nhếch khóe miệng nhưng chẳng biết nói gì. Thôi đằng nào cũng đọc hết nội dung ghi trên tờ giấy, bỏ đi cũng chẳng sao.
Nhưng thiết nghĩ tôi vẫn nên đến thăm đứa bé, “Tôi vẫn muốn đến thăm đứa trẻ. Cô dẫn tôi đi, tôi không sao đâu.”
Người phụ nữ đứng dậy, “Nếu cô đã kiên trì như vậy trước tiên ăn chút gì bỏ bụng đã rồi hẵng đi.”
Người phụ nữ định đi, tôi níu áo lại, “Khoan đã!” Như nhớ đến chuyện gì, tôi ngập ngừng nói tiếp, “Tôi, tôi tìm thấy đứa bé nơi một con hẻm phía bên kia bờ tre, cứ đi theo đường mòn là đến. Ở đó, ở đó có rất nhiều xác thai nhi đã chết.”
Nghe tôi kể xong người phụ nữ giật mình một cái, ánh mắt suy tư, gật gật đầu: “Tôi sẽ báo lại rõ ràng phía bên cảnh sát.”
Cơm nước xong xuôi tôi được tặng cho một đôi hài bằng rơm, trông đơn sơ nhưng rất đẹp, đi cũng vừa chân. Tối hôm qua chạy băng trên đường bằng chân trần, sáng dậy vẫn còn khá đau nhức, có đôi hài rơm mềm mềm ấm ấm đi rất thoải mái.
Người phụ nữ tên Hen, chị là con gái của trưởng thôn, ăn nói ngọt ngào còn vui tính. Suốt cả quãng đường đến bệnh viện chị Hen kể cho tôi nghe về nhiều thứ. Khu vực quanh đây thuộc dân tộc ít người hiếm ai lui tới, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông, ai cũng chân chất giản dị.
“Đó là một bé trai, nom mặt kháu khỉnh lắm.” Chị Hen nói với tôi
Tôi cười, “Bé bị bỏ trong một cái bọc đen, chuột, côn trùng vây quanh, lại còn sinh non ấy thế mà bé vẫn sống. Nhịp thở hấp hối nhưng bé vẫn còn sức kêu lên, nhờ thế tôi mới phát hiện.”
Chúng tôi băng qua một con suối liền đến nơi. Bệnh viện nhỏ xinh xắn nằm dưới một gốc cây cổ thụ to to. Bước qua đại sảnh, một cô y tá trẻ tiến đến, “Là người nhà của cháu bé mới được đem đến đây tối qua?”
Chị Hen gật đầu.
Tôi nhìn qua chị Hen, chị Hen liếc qua tôi không nói gì. Lần đầu làm người thân của một đứa trẻ, cảm giác hơi là lạ, tôi hỏi: “Vâng, bé ổn không cô?”
“Bé được thở bằng máy.” Y tá nói tiếp, “Cần theo dõi thêm.”
Cô y tá còn định nói thêm gì đó thì một y tá khác cắt ngang, “Mời hai chị qua bên này kí một số giấy tờ.”
Tôi và chị Hen gật đầu đi theo.
Lúc đặt bút xuống kí tôi khựng lại vài giây.
Trên tờ giấy, ghi thông tin năm là 1990.
Tôi: . . . . . . . . . . .
Tôi: ? ? ?
1990?
Chuyện gì đây??
Tôi không nhìn nhầm đấy chứ???
Đây là năm 1990?? Tôi xuyên qua năm 1990????
Choáng váng!