Cảm Ơn Vì Là "Chúng Ta"

Chương 36: Rác



    Sau một hồi tranh luận căng thẳng với Ngọc Anh, tôi cuối cùng cũng thuyết phục được cô bạn mặc lại bộ đồ ban đầu của mình thay vì nhường nó lại cho tôi. Mẹ Ngọc Anh khó lắm, nếu cô thấy con gái của mình sau khi đi chơi với bọn tôi về lại có bộ dạng ướt sũng, nhếch nhác như vậy, không chỉ nó bị phạt, sau này bọn tôi cũng chẳng còn cơ hội đi chơi với nhau nữa.

    Ngồi trên ghế đá chờ mọi người thay đồ, cả người tôi cứ run lẩy bẩy vì lớp quần áo ướt sũng đang được gió trời hong khô.

    “Cậu mặc áo của tôi này, mặt cậu tái mét rồi kìa.”

    Nói rồi, Minh Huy bước lại gần, đưa áo khoác cho tôi.

    Tôi lập tức xua tay từ chối theo phản xạ tự nhiên:

    “Thôi. Người mình đang ướt, sẽ làm…”

    Chưa để tôi nói dứt câu, Minh Huy đã bước đến khoác áo của mình lên người cho tôi. Vừa cẩn thận giúp tôi kéo hai vạt áo sát vào nhau, Minh Huy vừa xụ mặt, lèm bèm:

    “Vì ướt nên mới phải mặc vào cho ấm chứ.”

    Là một “kẻ thức thời”, tôi không tiếp tục chối từ ý tốt của cậu ấy. Không rõ ẩn sau những hành động quan tâm này liệu có phải là một loại tình cảm đặc biệt nào khác hay không nhưng tôi tin rằng đây chính là tín hiệu tốt để tôi tiếp tục dốc lòng theo đuổi cậu ấy.

***

    Tôi vui vẻ mặc áo khoác của Minh Huy đi đi lại lại trước mặt đám bạn. Áo của cậu ấy vừa mềm mại, vừa ấm áp, lại còn rất thơm, giống hệt như cậu ấy.

    “Xem bộ dạng đắc ý của mày kìa. Mặc áo của người ta sướng quá nên cười tít cả mắt.”

    Ngọc bẹo má tôi, bày ra vẻ mặt dè biểu, trêu.

    Tôi sợ Minh Huy nghe thấy nên vội bịt miệng Ngọc, kéo nó sang một bên, “xử lý chuyện nhà”. Phương thấy bọn tôi “đánh nhau” ở bên này cũng sang “nhập hội” dù nó chẳng rõ bọn tôi kẹp cổ nhau vì chuyện gì.

    Trong lúc bọn tôi giỡn với nhau, thằng nhóc con từ đâu lù lù xuất hiện ở bên cạnh khiến tôi suýt thì va phải nó.

    “Em đến để tạm biệt mấy anh chị…”

    “Là… là em tự đến, không phải do mẹ bảo nên mới đến đâu…”

    Bộ dạng trịnh trọng, hai tay nắm chặt, dáng đứng nghiêm trang, vẻ mặt muốn chứng tỏ mình không nói dối của thằng nhóc khá buồn cười. Tôi gật gù, đáp “ờ” một tiếng, chờ nó nói tiếp.

    “Cảm ơn chị vì hôm nay đã cứu em… những hai lần… và xin lỗi vì đã hỗn với chị.”

    Cậu nhóc nhìn tôi, ngại ngùng nói, xong, còn cúi đầu để tỏ lòng thành.

    Đột nhiên được thằng nhóc đối xử tử tế, tôi cảm thấy không quen nên vội đỡ thằng nhóc. Nhìn thầy Nam đang đứng ở bên kia với chị Nhật Linh, tôi hỏi nhỏ vào tai nhóc Luân:

    “Thầy Nam bắt em đến nói mấy lời này với chị hả?”

    “Không có! Cậu Nam không có bắt, là tự em muốn nói với chị.”

    Thằng nhóc đột nhiên lớn tiếng khiến tôi không kịp bịt miệng. Thầy Nam chẳng rõ có nghe thấy mấy lời vừa rồi hay không cũng đang nhìn về hướng bọn tôi.

    Sau đó, thằng nhóc bám lấy tôi, ra sức chứng tỏ mọi lời nói của nó lúc này và việc muốn làm bạn với tôi đều là thật bằng ánh mắt sáng ngời cùng mấy lời nịnh hót:

    “Lúc chị cứu em, chị cứ như nữ siêu anh hùng ấy. Ngầu cực!”

    “Không có chị chắc em bị ông kia tông chết rồi.”

    …

    Và ti tỉ những câu đại loại như thế khiến tôi đau hết cả đầu. Thằng nhóc lật mặt nhanh thật!

    “Bác Quân đến rồi, tạm biệt anh chị rồi về thôi con.”

    Mãi đến khi tiếng chị Nhật Linh từ phía bên kia vọng đến, thằng nhóc mới ngoan ngoãn chạy về chỗ mẹ của nó, không làm phiền tôi nữa.

    Chạy được vài bước, nó lại xoay người, vẫy tay, cười toe toét để lộ chiếc răng cửa bị sún của mình.

    Thằng nhóc này cũng có chút đáng yêu, nhỉ?

*****

    Bọn tôi lục tục lấy xe rồi cùng nhau về nhà. Tôi là người ra khỏi bãi giữ xe đầu tiên, vừa bước ra khỏi chốt soát vé, tôi lập tức nhìn thấy thầy Nam đã đứng đợi sẵn ở gần đấy.

    “Là giáo viên chủ nhiệm, không gặp nhau thì thôi nhưng nếu gặp rồi, thầy ấy đương nhiên phải làm tròn bổn phận của mình, đưa bọn tôi bình an trở về nhà cho bố mẹ chứ, đúng không?”

    Đây đương nhiên không phải suy nghĩ của tôi, là lời thầy Nam nói với chúng tôi khi cùng cả bọn đi ra bãi giữ xe.

    Thầy ấy định đưa từng đứa về nhà thiệt hả? Không phải giáo viên đều bận rộn lắm sao, sao thầy ấy rảnh rỗi thế nhỉ? Chưa từng gặp giáo viên chủ nhiệm tận tâm đến thế này bao giờ, thật sự có hơi bỡ ngỡ. Làm thầy cô giáo cực thật, sau này mình nhất định sẽ không làm giáo viên đâu.

    Và, đây chính là suy nghĩ của tôi khi nhìn thấy thầy Nam thật sự đứng đợi đám học sinh ở ngoài bãi giữ xe để cùng về.

    Bọn tôi đạp xe phía trước, thầy Nam chạy xe theo sau. Để về nhà, bọn tôi buộc phải chạy vào con đường lớn một chiều với lượng xe cực khủng đổ từ các quận trung tâm về quận G vào những giờ tan tầm. Y như những gì bàn bạc từ trước, lợi dụng tình trạng kẹt xe kéo dài cả một đoạn đường hơn 1km, bọn tôi rẽ vào một con hẻm nhỏ gần đó để “cắt đuôi” thầy Nam.

    Nếu không phải dân thường xuyên “chặt hẻm”, chẳng có mấy ai biết con đường nhỏ quanh co này có thể thông đến một con đường khác có thể tránh được kẹt xe. Tình trạng giao thông tệ đến mức khiến người ta chỉ muốn chửi thề thế này vừa hay là một lý do thích đáng nếu thầy ấy “hỏi tội” chúng tôi.

    Kẻ bày ra chuyện này chính là Phương và Ngọc, tôi cũng chỉ là đứa hưởng ứng đầu tiên.

    Ngoài Phương, cả đám bọn tôi chẳng ai biết con hẻm này nên xe của nó nhận nhiệm vụ dẫn đường. Minh Huy và Ngọc Anh đều trông có vẻ không rành đường ở đây, cùng với việc chiếc váy ướt khiến tôi chạy khá chậm nên tôi lại đi sau cùng.

    Tôi lo Minh Huy và Ngọc Anh bị lạc nhưng cuối cùng, người bị tách khỏi mọi người lại là tôi. Sau lần rẽ thứ tư, tôi chính thức không theo kịp đám bạn, lạc giữa con hẻm nhỏ xa lạ. Tôi lấy điện thoại định gọi cho mọi người nhưng lại phát hiện điện thoại của mình đã hết pin tắt nguồn từ lúc nào. Đến lần rẽ thứ năm, đứng giữa ngã ba, tôi dựa theo trực giác rẽ phải thay vì rẽ trái theo chỉ dẫn của một ông anh chạy xe ôm đang nằm trên xe chờ khách. Cũng chẳng biết tại sao tôi lại làm thế, tâm trí cứ thôi thúc mãi khiến tôi chẳng thể làm khác.

    Đi được một đoạn, cuối cùng cũng có thể thấy được đường lớn, tôi đạp nhanh về phía trước. Vừa ra khỏi con hẻm đó, tâm trạng bất an từ lúc hỏi đường anh xe ôm đến giờ cũng lập tức biến mất.

    Vì biết con đường này nên tôi cũng mạnh dạn hơn, thong thả đạp xe, đảo mắt xung quanh tìm các bạn của mình. Tôi theo trí nhớ của mình rẽ vào một con đường nhỏ hơn để về nhà. Vì không trực tiếp nối với những tuyến đường quan trọng, không có nhiều hộ kinh doanh buôn bán, cùng với việc lúc trước nơi này từng có một khu vực là “địa bàn” của “dân anh chị” nên đoạn đường tương đối vắng vẻ với nhiều cây xanh lợp bóng.

    Trong lúc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ, bên cạnh chợt truyền đến giọng nói của ai đó:

    “Vân Anh, chúng ta gặp lại nhau rồi này. Đúng là có duyên thật ha!”

    Tôi nhìn sang người vừa nói, lại là anh trai phiền phức có cái ván trượt “không phải đứa con gái nào cũng được đứng trên đấy” đó.

    Tôi yên lặng không đáp, đạp nhanh hơn. Anh trai có hình xăm kín tay phải chở Hoàng Minh chạy nhanh hơn để đuổi kịp tôi. Anh ta nhìn tôi rồi cười một cách cợt nhã, nói:

    “Chảnh vậy em? Bọn anh chỉ chào hỏi tí thôi, không ăn thịt em đâu.”

    Tôi lại tiếp tục lơ bọn họ và cố gắng hết sức đạp xe nhằm thoát khỏi hai người bọn họ. Hai tên con trai chạy xe máy thong thả chạy cạnh tôi, miệng huýt sáo khiêu khích. Nhưng chẳng được bao lâu, tôi nhanh chóng hụt hơi, tốc độ cũng chậm dần.

    “Em đừng sợ. Bọn anh chỉ muốn nói chuyện với em một chút thôi, không làm hại em đâu.”

    Hoàng Minh cố gắng trấn an tôi nhưng tôi ngược lại lại càng cảm thấy bất an hơn.

    Anh trai có hình xăm ở tay cũng mở lời khuyên nhủ:

    “Em chạy xe đạp, bọn anh chạy xe máy, em nghĩ bọn anh sẽ không thể bắt kịp em à?”

    Tôi mất kiên nhẫn, chuyển sự sợ hãi sang tức giận, lớn tiếng chất vấn:

    “Rốt cuộc là mấy người muốn cái gì đây hả? Sao cứ đi theo tôi hoài vậy?”

    “Anh muốn xin số điện thoại của em.”

    Nghe xong lời này của Hoàng Minh, cơn thịnh nộ của tôi được đẩy lên đỉnh điểm, tôi trừng mắt, quát thẳng mặt:

    “Bị điên hả?”

    Trước thái độ mất bình tĩnh của tôi, Hoàng Minh cúi mặt, tự nhéo vào tay mình, ngập ngừng giải thích.

    “Lúc trước… chính em đã… đã cứu anh từ cõi chết trở về. Mặc dù bây giờ… em không nhớ ra anh nhưng… nhưng anh vẫn… vẫn luôn tìm em đó. Anh thật sự rất muốn gặp lại em… muốn lần nữa nói lời cảm ơn em.”

    “Anh có nhầm với ai không? Tôi từng cứu… cứu sống anh hả?”

    Tôi ngờ vực hỏi lại.

    Hoàng Minh lập tức ngẩng đầu nhìn tôi, giọng điệu khẳng định chắc nịch nhưng đôi mắt lại rưng rưng như sắp khóc:

    “Anh không nhầm đâu. Khi còn học tiểu học, có phải em từng gặp và nói chuyện với một cậu thiếu niên tên Rác không? Anh chính là Rác đây!”

    Gì nữa đây? Rác là sao nữa? Anh trai này lại làm sao vậy? Thái độ nói chuyện từ nãy đến giờ cũng khác với hai lần gặp trước luôn.

    Trong ký ức của tôi dường như chẳng có cuộc gặp gỡ nào giống như vậy cả. Vả lại, tôi là kiểu người không thường bắt chuyện với người lạ.

    “Tôi thật sự chẳng nhớ đã từng gặp ai có tên như vậy hết, có lẽ anh đã nhầm tôi với ai rồi.”

    Đắn đo một lúc, tôi thẳng thắn nói rõ:

    “Chiêu tán gái này… nó kì cục lắm, anh biết không?”

    “Vân Anh, lớp 4A4, trường tiểu học K, mang cặp màu xanh in hình năm anh em siêu nhân… đúng chứ?”

    Hoàng Minh đột nhiên thay đổi thái độ, tự tin nhìn tôi, nói rõ từng chữ. Nói xong, anh ta còn nhướn mày, cong môi mỉm cười. Bộ dạng này y hệt như lúc đối diện với tôi ở khu phun nước trong công viên.

    Nghe một loạt thông tin về mình được anh ta nêu ra, tôi trợn tròn mắt.

****

    Lúc trước, nhà nội tôi chẳng mấy khá giả, đến khi mẹ tôi lấy ba, rồi sinh ra tôi, việc làm ăn của mọi người trong nhà mới dần tốt lên. Tuy tuổi thơ của tôi không phải là những ngày thiếu thốn trăm bề nhưng cũng không dư dả như hiện tại.

    Quần áo của tôi mặc thường là quần áo cũ của họ hàng, con của bạn mẹ,… cho. Một năm chỉ được mua quần áo đẹp một lần và chỉ được mặc vào ngày Tết, những dịp quan trọng. Mẹ hiếm khi mua đồ chơi cho tôi, đồ chơi lúc nhỏ của tôi đều là đồ mẹ mua sỉ ở đâu đó cho đám trẻ mẹ chăm hoặc đồ chơi cũ của người khác cho. Những con búp bê le que vài nhúm tóc, trên người in hằn những vết mực không thể xóa, những chiếc xe đồ chơi bé tí không chạy được vì mất đi linh kiện và cả đám siêu nhân có cơ thể không nguyên vẹn,… đều là đồ chơi của tôi. Vậy nên, khi còn bé, tôi rất mong chờ sinh nhật của mình vì khi ấy, có lẽ trong hộp quà của một vị khách nào đó sẽ có món đồ chơi được chọn vì sở thích của tôi.

    Chiếc cặp siêu nhân mà tôi mang trên vai suốt những năm tiểu học ấy cũng là một “món quà đã qua sử dụng” của ai đó tặng lại cho tôi. Khi các bạn gái khác trong lớp đều mang cặp công chúa, tôi lại mang cặp siêu nhân màu xanh. Tôi không thích chiếc cặp ấy một chút nào hết và càng tủi thân hơn khi tôi bị đám bạn trong lớp chọc quê vì nó. Cách vài ba hôm, tôi lại xin mẹ mua cặp khác cho mình nhưng năm học này kết thúc lại đến năm học khác bắt đầu, trên vai tôi vẫn là chiếc cặp siêu nhân ấy.

****

    Phải rồi, Rác, chính là anh trai kì lạ ở ngôi chùa đó!

    Trông anh ta khác quá!

    Anh trai năm đó tôi gặp là một cậu thiếu niên trông khá cù lần, mang nét mặt nặng nề như thể vừa mất đồ, mái tóc ngô ngố, quần kéo cao đến ngực, cùng với cặp kính dày và đôi mắt thâm quầng, u ám ngồi thừ người ở một chiếc ghế đá trong góc khuất không ngừng lẩm nhẩm thứ gì đó.

    Nhưng chính cậu thiếu niên kì lạ năm ấy đã mang đến ánh sáng cho tôi, khiến cho tôi nhận ra chiếc cặp siêu nhân ấy đặc biệt đến nhường nào.

    Anh trai ấy bây giờ đã thay đổi nhiều, quần áo hiphop, đầu đinh gai góc, tai và lưỡi đều có khuyên, mu bàn tay trái xăm hình một con chó màu đen. Anh ta cứ như thể đã biến thành một con người khác vậy.

    Suốt những năm qua, rốt cuộc anh ta đã chịu đả kích gì vậy nhỉ?

    Đang lúc tôi suy nghĩ vẩn vơ thì Hoàng Minh lại nói tiếp:

    “Con kia, suy nghĩ gì lâu thế? Có cho số điện thoại không thì bảo?”

    Ngữ điệu và kiểu cách nói chuyện lại thay đổi, ánh mắt và thái độ của anh ta thoáng chốc khiến tôi chợt cảm thấy như đang đối diện với một bà chị đanh đá nào đó.

    “Cho thì cho. Tôi chỉ đọc một lần thôi đấy.”

    Nhìn thấy một căn nhà gần đó đang mở cửa, trước hiên còn có người đang ăn cơm, nhân lúc bọn họ không để ý, tôi chầm chậm lách xe vào sát lề. Tôi chẳng muốn dây dưa thêm nữa nên đọc bừa một dãy số bất kì cho họ.

    Hoàng Minh mở điện thoại, nhanh nhảu gõ phím. Sau đó, anh ta nhìn sang tôi như đang chờ đợi điều gì đó. Vừa nhìn tôi đã hiểu anh ta đang nghĩ gì nên cố sức đạp nhanh về phía ngôi nhà kia.

    Hoàng Minh biết mình bị lừa, chửi tục mấy câu, sau đó kêu bạn mình rồ ga đuổi theo tôi. Khi tôi chỉ còn cách ngôi nhà kia tầm một mét, tưởng như đã có thể “chạm đến ánh sáng cuối đường hầm” thì Hoàng Minh mạnh bạo đạp tôi một cú thật mạnh khiến tôi ngã đập cả người xuống đường.

    “Này thì rượu mời không uống mà muốn uống rượu phạt này! Hai đứa kia sợ mày chứ bà đây đ*o có sợ nhá.”

    Anh ta để lại mấy câu rồi vọt đi mất.

    Tình huống khá đột ngột, lại ngã đau nên tôi vừa sốc vừa hoảng, một lúc lâu sau vẫn nằm yên bất động trên đường, để mặc cho chiếc xe đạp đè lên người mình.

    Gia đình ở gần đó chứng kiến toàn bộ vụ việc, lập tức bỏ bữa cơm, chạy đến giúp tôi. Họ vừa đỡ tôi vào trong lề, vừa mắng chửi hai người Hoàng Minh.

    Hàng xóm thấy ồn ào nên hiếu kì mở cửa ra xem, chẳng mấy chốc tôi đã bị vây quanh bởi một nhóm người. Bị đạp một cú như thế khiến lòng tôi vô cùng hoảng loạn, bây giờ lại bị vây bởi nhiều người như thế càng khiến cho tôi thêm phần sợ hãi. Cô gái trẻ tuổi trong gia đình giúp đỡ đưa tôi vào trong thuật lại câu chuyện cho mọi người. Đối diện với việc những khuôn mặt xa lạ cứ liên tục hỏi thăm mình, tôi ngây ngốc, yên lặng khẽ gật đầu.

    “Bà xem xem con bé có đập đầu vào đâu không? Sao trông nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mộng du thế?”

    Một ông chú bụng phệ mặc áo ba lỗ, miệng ngậm điếu thuốc, chỉ tay vào tôi, nói.

    “Cháu không sao chứ? Có bị đập đầu không? Hay đau ở đâu?”

    Người phụ nữ lớn tuổi ngồi cạnh tôi nghe thấy vậy liền sốt sắng hỏi tôi.

    Ngay giây phút bà giơ tay gần chạm vào đầu của tôi, tôi theo phản xạ định né đi chợt có ai đó hớt hải rẽ đám đông chạy đến.

    “Vân Anh!”

    “Em có sao không? Em gặp tai nạn hả? Chúng ta đến bệnh viện nhé.”

    Vẻ mặt lộ rõ sự sợ hãi, ánh mắt run rẩy, đến lời nói cũng trở nên gấp gáp. Trong phút chốc, thầy ấy khiến tôi chợt cảm thấy giữa bọn tôi thật sự còn có thứ gọi là “hương vị tình thân”.

    Vừa nhìn thấy người quen, tôi liền không kiềm lòng được để nước mắt rơi như mưa trên gương mặt, mãi vẫn chẳng nói nổi thành câu:

    “Thầy… hức… thầy Nam ơi… hức… hức… em… hức… em…”

    Vừa nói, tôi vừa nhìn mọi người xung quanh, sau đó lại bị không khí ngột ngạt vì bị vây lại ấy làm cho khó chịu, càng khóc to hơn.

    “Ngoan, không sao, có tôi đây rồi.”

    Thầy giơ tay, vỗ nhẹ tóc tôi, dỗ dành.

    Qua một lúc, tôi cũng lấy lại tinh thần, mạnh mẽ gạt nước mắt, nói một cách khảng khái:

    “Em không sao nữa rồi, chúng ta về nhà thôi ạ.”

    “Con bé chuyển tâm lý cũng nhanh ghê ha.”

    Một giọng nữ không thức thời từ trong đám đông vang lên, kéo theo đó là tiếng phì cười của mọi người khiến không khí cũng dần trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn.

    Thấy tôi đã không sao, nhóm người vây quanh cũng ai về nhà nấy. Lúc đi, bọn họ còn tiếp tục tán gẫu với nhau đôi ba câu, đề tài đương nhiên là xoay quanh tôi và hai tên “hung thủ” kia.

    “Dù không sao nhưng con cũng đâu có về nhà với bộ dạng này được. Vả lại, xe đạp của con hình như cũng bị thương khá nặng đấy. Hay là con vào nhà, để bà xử lý vết thương, đợi ông sửa xe cho rồi về nhé.”

    Người phụ nữ tóc hoa râm trong gia đình giúp đỡ tôi mở lời đề nghị.

    “Ông khi trước là thợ sửa xe đấy, con yên tâm.”

    Người đàn ông tóc đã bạc trắng đứng bên cạnh cười sởi lởi, tiếp lời.

    Thấy thái độ lưỡng lự như muốn từ chối của tôi, chị gái quay sang thầy Nam, nhẹ giọng nói:

    “Anh thầy, hay anh khuyên con bé đi.”

    Chưa kịp để tôi nói gì, thầy ấy đã đứng lên, lễ phép nói:

    “Vậy, xin cảm ơn gia đình mình ạ. Làm phiền mọi người rồi.”

***

    Gia đình ba người tử tế ấy phối hợp khá ăn ý, không ai nói với ai câu nào nhưng vẫn biết mình phải làm gì. Bà mở cửa, ông dẫn xe, cô cháu gái dọn mâm cơm vào trong nhà.

    Thầy Nam đưa tay muốn kéo tôi đứng lên nhưng vì mãi nhìn gia đình ba người kia nên tôi chẳng để ý, tự mình chống tay đứng dậy. Cơn đau nhói lên từ mắt cá chân khiến tôi lập tức không nhịn được mà kêu lên một tiếng rồi ngã quỵ xuống đất. Thầy Nam bên cạnh không kịp phản ứng, hốt hoảng giơ tay định kéo tôi lại nhưng chỉ chụp được một khoảng không.

    “Thầy ơi, hình như em ngã gãy chân rồi ạ.”

    Ngồi dưới đất, tôi ngẩng đầu nhìn thầy Nam, bình thản nói ra phỏng đoán của mình.

    “Ngã gãy chân?”

    Nhìn thái độ của tôi, thầy ấy nhướn mày, nghi hoặc hỏi lại.

    Tôi thành thật gật đầu một cách dứt khoát.

    “Vậy, chúng ta phải nhanh chóng đi bệnh thôi, để nặng là xong luôn đó.”

    Thầy ấy ngồi xuống bên cạnh tôi, nói bằng giọng điệu chẳng có lấy một chút nghiêm túc. Tôi phát hiện khóe miệng của thầy ấy còn hơi cong lên, trông rất gian xảo.

    Vừa nghe đến hai từ “bệnh viện”, tôi đã sợ đến mức tim đập liên hồi nên vội lắc đầu nguầy nguậy.

    “Con bế em vào nhà nhé.”

    Từ trong nhà vọng ra tiếng của bà, vừa hay có thể cứu tôi một màn.

    Tôi nhìn thầy Nam với vẻ mặt tỏ ý rằng “em không sao, em có thể tự đứng lên”, rồi xoay người chống tay định tự mình đứng dậy một lần nữa. Nhưng chẳng để tôi kịp “thể hiện”, thầy Nam đã vòng tay ra sau, nhẹ nhàng ẵm tôi lên.

    Thầy ấy trông gầy gò vậy mà cũng khỏe ghê!

    Tôi thầm cảm thán trong lòng.

    Trong vài giây sau đó, tôi lập tức nhận ra vấn đề, định bảo thầy bỏ mình xuống thì đã bị giọng nói trầm ấm chặn lại:

    “Em nằm im đi, càng cử động sẽ càng nghiêm trọng, còn có thể sẽ phải vào bệnh viện đấy.”

    Tôi nằm im thin thít mặc cho thầy ấy làm gì thì làm.

    Giống như mọi người thường nói, nhan sắc thầy Nam dường như chẳng có góc chết, khuôn mặt góc cạnh hoàn mỹ, đến cả nọng cằm cũng chẳng thấy đâu. Tôi vô thức cúi mặt sát vào cổ, định đưa tay sờ cục nọng dưới cằm mình thì lại bị thầy Nam lần nữa nhắc nhở:

   “Yên nào!”

    Theo sự chỉ dẫn của cháu gái của hai ông bà, thầy đưa tôi vào nhà vệ sinh bên trong, đặt tôi lên chiếc ghế nhựa nhỏ rồi quay lưng đi ra, đóng cửa lại, dặn dò:

    “Em rửa sơ bụi bẩn với vết thương đi. Tôi ở ngoài này đợi, xong thì gọi tôi.”

    Tôi lễ phép đáp một tiếng, rồi xả nước vào xô. Bình tâm ngồi xem lại mới thấy, cả người tôi bây giờ chi chít những vết thương lớn nhỏ, quần áo đôi ba chỗ cũng rách nát, trông thảm thương vô cùng. Vết thương cũ lẫn vết thương mới đều vẫn đang rướm máu. Hơn nữa, cú ngã vừa rồi còn khiến gương mặt tôi xuất hiện một vết trầy khá khó coi gần phần cằm. Con gái quan trọng gương mặt, nhìn thấy mình trong gương, nhớ đến Hoàng Minh, tôi tức đến run người, buột miệng nói ra vài “lời vàng ý ngọc”, thăm hỏi cả họ nhà anh ta. Nhưng lại chợt nhớ đến thầy chủ nhiệm còn đứng ở bên ngoài, tôi lập tức ngập miệng, chỉ dám thầm chửi ở trong lòng.

(☛’∀`*)☛ ♥ Hết chương 36 ♥ ☚(*’∀`☚)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.
Cảm Ơn Vì Là "Chúng Ta"

Chương 36: Rác



    Sau một hồi tranh luận căng thẳng với Ngọc Anh, tôi cuối cùng cũng thuyết phục được cô bạn mặc lại bộ đồ ban đầu của mình thay vì nhường nó lại cho tôi. Mẹ Ngọc Anh khó lắm, nếu cô thấy con gái của mình sau khi đi chơi với bọn tôi về lại có bộ dạng ướt sũng, nhếch nhác như vậy, không chỉ nó bị phạt, sau này bọn tôi cũng chẳng còn cơ hội đi chơi với nhau nữa.

    Ngồi trên ghế đá chờ mọi người thay đồ, cả người tôi cứ run lẩy bẩy vì lớp quần áo ướt sũng đang được gió trời hong khô.

    “Cậu mặc áo của tôi này, mặt cậu tái mét rồi kìa.”

    Nói rồi, Minh Huy bước lại gần, đưa áo khoác cho tôi.

    Tôi lập tức xua tay từ chối theo phản xạ tự nhiên:

    “Thôi. Người mình đang ướt, sẽ làm…”

    Chưa để tôi nói dứt câu, Minh Huy đã bước đến khoác áo của mình lên người cho tôi. Vừa cẩn thận giúp tôi kéo hai vạt áo sát vào nhau, Minh Huy vừa xụ mặt, lèm bèm:

    “Vì ướt nên mới phải mặc vào cho ấm chứ.”

    Là một “kẻ thức thời”, tôi không tiếp tục chối từ ý tốt của cậu ấy. Không rõ ẩn sau những hành động quan tâm này liệu có phải là một loại tình cảm đặc biệt nào khác hay không nhưng tôi tin rằng đây chính là tín hiệu tốt để tôi tiếp tục dốc lòng theo đuổi cậu ấy.

***

    Tôi vui vẻ mặc áo khoác của Minh Huy đi đi lại lại trước mặt đám bạn. Áo của cậu ấy vừa mềm mại, vừa ấm áp, lại còn rất thơm, giống hệt như cậu ấy.

    “Xem bộ dạng đắc ý của mày kìa. Mặc áo của người ta sướng quá nên cười tít cả mắt.”

    Ngọc bẹo má tôi, bày ra vẻ mặt dè biểu, trêu.

    Tôi sợ Minh Huy nghe thấy nên vội bịt miệng Ngọc, kéo nó sang một bên, “xử lý chuyện nhà”. Phương thấy bọn tôi “đánh nhau” ở bên này cũng sang “nhập hội” dù nó chẳng rõ bọn tôi kẹp cổ nhau vì chuyện gì.

    Trong lúc bọn tôi giỡn với nhau, thằng nhóc con từ đâu lù lù xuất hiện ở bên cạnh khiến tôi suýt thì va phải nó.

    “Em đến để tạm biệt mấy anh chị…”

    “Là… là em tự đến, không phải do mẹ bảo nên mới đến đâu…”

    Bộ dạng trịnh trọng, hai tay nắm chặt, dáng đứng nghiêm trang, vẻ mặt muốn chứng tỏ mình không nói dối của thằng nhóc khá buồn cười. Tôi gật gù, đáp “ờ” một tiếng, chờ nó nói tiếp.

    “Cảm ơn chị vì hôm nay đã cứu em… những hai lần… và xin lỗi vì đã hỗn với chị.”

    Cậu nhóc nhìn tôi, ngại ngùng nói, xong, còn cúi đầu để tỏ lòng thành.

    Đột nhiên được thằng nhóc đối xử tử tế, tôi cảm thấy không quen nên vội đỡ thằng nhóc. Nhìn thầy Nam đang đứng ở bên kia với chị Nhật Linh, tôi hỏi nhỏ vào tai nhóc Luân:

    “Thầy Nam bắt em đến nói mấy lời này với chị hả?”

    “Không có! Cậu Nam không có bắt, là tự em muốn nói với chị.”

    Thằng nhóc đột nhiên lớn tiếng khiến tôi không kịp bịt miệng. Thầy Nam chẳng rõ có nghe thấy mấy lời vừa rồi hay không cũng đang nhìn về hướng bọn tôi.

    Sau đó, thằng nhóc bám lấy tôi, ra sức chứng tỏ mọi lời nói của nó lúc này và việc muốn làm bạn với tôi đều là thật bằng ánh mắt sáng ngời cùng mấy lời nịnh hót:

    “Lúc chị cứu em, chị cứ như nữ siêu anh hùng ấy. Ngầu cực!”

    “Không có chị chắc em bị ông kia tông chết rồi.”

    …

    Và ti tỉ những câu đại loại như thế khiến tôi đau hết cả đầu. Thằng nhóc lật mặt nhanh thật!

    “Bác Quân đến rồi, tạm biệt anh chị rồi về thôi con.”

    Mãi đến khi tiếng chị Nhật Linh từ phía bên kia vọng đến, thằng nhóc mới ngoan ngoãn chạy về chỗ mẹ của nó, không làm phiền tôi nữa.

    Chạy được vài bước, nó lại xoay người, vẫy tay, cười toe toét để lộ chiếc răng cửa bị sún của mình.

    Thằng nhóc này cũng có chút đáng yêu, nhỉ?

*****

    Bọn tôi lục tục lấy xe rồi cùng nhau về nhà. Tôi là người ra khỏi bãi giữ xe đầu tiên, vừa bước ra khỏi chốt soát vé, tôi lập tức nhìn thấy thầy Nam đã đứng đợi sẵn ở gần đấy.

    “Là giáo viên chủ nhiệm, không gặp nhau thì thôi nhưng nếu gặp rồi, thầy ấy đương nhiên phải làm tròn bổn phận của mình, đưa bọn tôi bình an trở về nhà cho bố mẹ chứ, đúng không?”

    Đây đương nhiên không phải suy nghĩ của tôi, là lời thầy Nam nói với chúng tôi khi cùng cả bọn đi ra bãi giữ xe.

    Thầy ấy định đưa từng đứa về nhà thiệt hả? Không phải giáo viên đều bận rộn lắm sao, sao thầy ấy rảnh rỗi thế nhỉ? Chưa từng gặp giáo viên chủ nhiệm tận tâm đến thế này bao giờ, thật sự có hơi bỡ ngỡ. Làm thầy cô giáo cực thật, sau này mình nhất định sẽ không làm giáo viên đâu.

    Và, đây chính là suy nghĩ của tôi khi nhìn thấy thầy Nam thật sự đứng đợi đám học sinh ở ngoài bãi giữ xe để cùng về.

    Bọn tôi đạp xe phía trước, thầy Nam chạy xe theo sau. Để về nhà, bọn tôi buộc phải chạy vào con đường lớn một chiều với lượng xe cực khủng đổ từ các quận trung tâm về quận G vào những giờ tan tầm. Y như những gì bàn bạc từ trước, lợi dụng tình trạng kẹt xe kéo dài cả một đoạn đường hơn 1km, bọn tôi rẽ vào một con hẻm nhỏ gần đó để “cắt đuôi” thầy Nam.

    Nếu không phải dân thường xuyên “chặt hẻm”, chẳng có mấy ai biết con đường nhỏ quanh co này có thể thông đến một con đường khác có thể tránh được kẹt xe. Tình trạng giao thông tệ đến mức khiến người ta chỉ muốn chửi thề thế này vừa hay là một lý do thích đáng nếu thầy ấy “hỏi tội” chúng tôi.

    Kẻ bày ra chuyện này chính là Phương và Ngọc, tôi cũng chỉ là đứa hưởng ứng đầu tiên.

    Ngoài Phương, cả đám bọn tôi chẳng ai biết con hẻm này nên xe của nó nhận nhiệm vụ dẫn đường. Minh Huy và Ngọc Anh đều trông có vẻ không rành đường ở đây, cùng với việc chiếc váy ướt khiến tôi chạy khá chậm nên tôi lại đi sau cùng.

    Tôi lo Minh Huy và Ngọc Anh bị lạc nhưng cuối cùng, người bị tách khỏi mọi người lại là tôi. Sau lần rẽ thứ tư, tôi chính thức không theo kịp đám bạn, lạc giữa con hẻm nhỏ xa lạ. Tôi lấy điện thoại định gọi cho mọi người nhưng lại phát hiện điện thoại của mình đã hết pin tắt nguồn từ lúc nào. Đến lần rẽ thứ năm, đứng giữa ngã ba, tôi dựa theo trực giác rẽ phải thay vì rẽ trái theo chỉ dẫn của một ông anh chạy xe ôm đang nằm trên xe chờ khách. Cũng chẳng biết tại sao tôi lại làm thế, tâm trí cứ thôi thúc mãi khiến tôi chẳng thể làm khác.

    Đi được một đoạn, cuối cùng cũng có thể thấy được đường lớn, tôi đạp nhanh về phía trước. Vừa ra khỏi con hẻm đó, tâm trạng bất an từ lúc hỏi đường anh xe ôm đến giờ cũng lập tức biến mất.

    Vì biết con đường này nên tôi cũng mạnh dạn hơn, thong thả đạp xe, đảo mắt xung quanh tìm các bạn của mình. Tôi theo trí nhớ của mình rẽ vào một con đường nhỏ hơn để về nhà. Vì không trực tiếp nối với những tuyến đường quan trọng, không có nhiều hộ kinh doanh buôn bán, cùng với việc lúc trước nơi này từng có một khu vực là “địa bàn” của “dân anh chị” nên đoạn đường tương đối vắng vẻ với nhiều cây xanh lợp bóng.

    Trong lúc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ, bên cạnh chợt truyền đến giọng nói của ai đó:

    “Vân Anh, chúng ta gặp lại nhau rồi này. Đúng là có duyên thật ha!”

    Tôi nhìn sang người vừa nói, lại là anh trai phiền phức có cái ván trượt “không phải đứa con gái nào cũng được đứng trên đấy” đó.

    Tôi yên lặng không đáp, đạp nhanh hơn. Anh trai có hình xăm kín tay phải chở Hoàng Minh chạy nhanh hơn để đuổi kịp tôi. Anh ta nhìn tôi rồi cười một cách cợt nhã, nói:

    “Chảnh vậy em? Bọn anh chỉ chào hỏi tí thôi, không ăn thịt em đâu.”

    Tôi lại tiếp tục lơ bọn họ và cố gắng hết sức đạp xe nhằm thoát khỏi hai người bọn họ. Hai tên con trai chạy xe máy thong thả chạy cạnh tôi, miệng huýt sáo khiêu khích. Nhưng chẳng được bao lâu, tôi nhanh chóng hụt hơi, tốc độ cũng chậm dần.

    “Em đừng sợ. Bọn anh chỉ muốn nói chuyện với em một chút thôi, không làm hại em đâu.”

    Hoàng Minh cố gắng trấn an tôi nhưng tôi ngược lại lại càng cảm thấy bất an hơn.

    Anh trai có hình xăm ở tay cũng mở lời khuyên nhủ:

    “Em chạy xe đạp, bọn anh chạy xe máy, em nghĩ bọn anh sẽ không thể bắt kịp em à?”

    Tôi mất kiên nhẫn, chuyển sự sợ hãi sang tức giận, lớn tiếng chất vấn:

    “Rốt cuộc là mấy người muốn cái gì đây hả? Sao cứ đi theo tôi hoài vậy?”

    “Anh muốn xin số điện thoại của em.”

    Nghe xong lời này của Hoàng Minh, cơn thịnh nộ của tôi được đẩy lên đỉnh điểm, tôi trừng mắt, quát thẳng mặt:

    “Bị điên hả?”

    Trước thái độ mất bình tĩnh của tôi, Hoàng Minh cúi mặt, tự nhéo vào tay mình, ngập ngừng giải thích.

    “Lúc trước… chính em đã… đã cứu anh từ cõi chết trở về. Mặc dù bây giờ… em không nhớ ra anh nhưng… nhưng anh vẫn… vẫn luôn tìm em đó. Anh thật sự rất muốn gặp lại em… muốn lần nữa nói lời cảm ơn em.”

    “Anh có nhầm với ai không? Tôi từng cứu… cứu sống anh hả?”

    Tôi ngờ vực hỏi lại.

    Hoàng Minh lập tức ngẩng đầu nhìn tôi, giọng điệu khẳng định chắc nịch nhưng đôi mắt lại rưng rưng như sắp khóc:

    “Anh không nhầm đâu. Khi còn học tiểu học, có phải em từng gặp và nói chuyện với một cậu thiếu niên tên Rác không? Anh chính là Rác đây!”

    Gì nữa đây? Rác là sao nữa? Anh trai này lại làm sao vậy? Thái độ nói chuyện từ nãy đến giờ cũng khác với hai lần gặp trước luôn.

    Trong ký ức của tôi dường như chẳng có cuộc gặp gỡ nào giống như vậy cả. Vả lại, tôi là kiểu người không thường bắt chuyện với người lạ.

    “Tôi thật sự chẳng nhớ đã từng gặp ai có tên như vậy hết, có lẽ anh đã nhầm tôi với ai rồi.”

    Đắn đo một lúc, tôi thẳng thắn nói rõ:

    “Chiêu tán gái này… nó kì cục lắm, anh biết không?”

    “Vân Anh, lớp 4A4, trường tiểu học K, mang cặp màu xanh in hình năm anh em siêu nhân… đúng chứ?”

    Hoàng Minh đột nhiên thay đổi thái độ, tự tin nhìn tôi, nói rõ từng chữ. Nói xong, anh ta còn nhướn mày, cong môi mỉm cười. Bộ dạng này y hệt như lúc đối diện với tôi ở khu phun nước trong công viên.

    Nghe một loạt thông tin về mình được anh ta nêu ra, tôi trợn tròn mắt.

****

    Lúc trước, nhà nội tôi chẳng mấy khá giả, đến khi mẹ tôi lấy ba, rồi sinh ra tôi, việc làm ăn của mọi người trong nhà mới dần tốt lên. Tuy tuổi thơ của tôi không phải là những ngày thiếu thốn trăm bề nhưng cũng không dư dả như hiện tại.

    Quần áo của tôi mặc thường là quần áo cũ của họ hàng, con của bạn mẹ,… cho. Một năm chỉ được mua quần áo đẹp một lần và chỉ được mặc vào ngày Tết, những dịp quan trọng. Mẹ hiếm khi mua đồ chơi cho tôi, đồ chơi lúc nhỏ của tôi đều là đồ mẹ mua sỉ ở đâu đó cho đám trẻ mẹ chăm hoặc đồ chơi cũ của người khác cho. Những con búp bê le que vài nhúm tóc, trên người in hằn những vết mực không thể xóa, những chiếc xe đồ chơi bé tí không chạy được vì mất đi linh kiện và cả đám siêu nhân có cơ thể không nguyên vẹn,… đều là đồ chơi của tôi. Vậy nên, khi còn bé, tôi rất mong chờ sinh nhật của mình vì khi ấy, có lẽ trong hộp quà của một vị khách nào đó sẽ có món đồ chơi được chọn vì sở thích của tôi.

    Chiếc cặp siêu nhân mà tôi mang trên vai suốt những năm tiểu học ấy cũng là một “món quà đã qua sử dụng” của ai đó tặng lại cho tôi. Khi các bạn gái khác trong lớp đều mang cặp công chúa, tôi lại mang cặp siêu nhân màu xanh. Tôi không thích chiếc cặp ấy một chút nào hết và càng tủi thân hơn khi tôi bị đám bạn trong lớp chọc quê vì nó. Cách vài ba hôm, tôi lại xin mẹ mua cặp khác cho mình nhưng năm học này kết thúc lại đến năm học khác bắt đầu, trên vai tôi vẫn là chiếc cặp siêu nhân ấy.

****

    Phải rồi, Rác, chính là anh trai kì lạ ở ngôi chùa đó!

    Trông anh ta khác quá!

    Anh trai năm đó tôi gặp là một cậu thiếu niên trông khá cù lần, mang nét mặt nặng nề như thể vừa mất đồ, mái tóc ngô ngố, quần kéo cao đến ngực, cùng với cặp kính dày và đôi mắt thâm quầng, u ám ngồi thừ người ở một chiếc ghế đá trong góc khuất không ngừng lẩm nhẩm thứ gì đó.

    Nhưng chính cậu thiếu niên kì lạ năm ấy đã mang đến ánh sáng cho tôi, khiến cho tôi nhận ra chiếc cặp siêu nhân ấy đặc biệt đến nhường nào.

    Anh trai ấy bây giờ đã thay đổi nhiều, quần áo hiphop, đầu đinh gai góc, tai và lưỡi đều có khuyên, mu bàn tay trái xăm hình một con chó màu đen. Anh ta cứ như thể đã biến thành một con người khác vậy.

    Suốt những năm qua, rốt cuộc anh ta đã chịu đả kích gì vậy nhỉ?

    Đang lúc tôi suy nghĩ vẩn vơ thì Hoàng Minh lại nói tiếp:

    “Con kia, suy nghĩ gì lâu thế? Có cho số điện thoại không thì bảo?”

    Ngữ điệu và kiểu cách nói chuyện lại thay đổi, ánh mắt và thái độ của anh ta thoáng chốc khiến tôi chợt cảm thấy như đang đối diện với một bà chị đanh đá nào đó.

    “Cho thì cho. Tôi chỉ đọc một lần thôi đấy.”

    Nhìn thấy một căn nhà gần đó đang mở cửa, trước hiên còn có người đang ăn cơm, nhân lúc bọn họ không để ý, tôi chầm chậm lách xe vào sát lề. Tôi chẳng muốn dây dưa thêm nữa nên đọc bừa một dãy số bất kì cho họ.

    Hoàng Minh mở điện thoại, nhanh nhảu gõ phím. Sau đó, anh ta nhìn sang tôi như đang chờ đợi điều gì đó. Vừa nhìn tôi đã hiểu anh ta đang nghĩ gì nên cố sức đạp nhanh về phía ngôi nhà kia.

    Hoàng Minh biết mình bị lừa, chửi tục mấy câu, sau đó kêu bạn mình rồ ga đuổi theo tôi. Khi tôi chỉ còn cách ngôi nhà kia tầm một mét, tưởng như đã có thể “chạm đến ánh sáng cuối đường hầm” thì Hoàng Minh mạnh bạo đạp tôi một cú thật mạnh khiến tôi ngã đập cả người xuống đường.

    “Này thì rượu mời không uống mà muốn uống rượu phạt này! Hai đứa kia sợ mày chứ bà đây đ*o có sợ nhá.”

    Anh ta để lại mấy câu rồi vọt đi mất.

    Tình huống khá đột ngột, lại ngã đau nên tôi vừa sốc vừa hoảng, một lúc lâu sau vẫn nằm yên bất động trên đường, để mặc cho chiếc xe đạp đè lên người mình.

    Gia đình ở gần đó chứng kiến toàn bộ vụ việc, lập tức bỏ bữa cơm, chạy đến giúp tôi. Họ vừa đỡ tôi vào trong lề, vừa mắng chửi hai người Hoàng Minh.

    Hàng xóm thấy ồn ào nên hiếu kì mở cửa ra xem, chẳng mấy chốc tôi đã bị vây quanh bởi một nhóm người. Bị đạp một cú như thế khiến lòng tôi vô cùng hoảng loạn, bây giờ lại bị vây bởi nhiều người như thế càng khiến cho tôi thêm phần sợ hãi. Cô gái trẻ tuổi trong gia đình giúp đỡ đưa tôi vào trong thuật lại câu chuyện cho mọi người. Đối diện với việc những khuôn mặt xa lạ cứ liên tục hỏi thăm mình, tôi ngây ngốc, yên lặng khẽ gật đầu.

    “Bà xem xem con bé có đập đầu vào đâu không? Sao trông nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người mộng du thế?”

    Một ông chú bụng phệ mặc áo ba lỗ, miệng ngậm điếu thuốc, chỉ tay vào tôi, nói.

    “Cháu không sao chứ? Có bị đập đầu không? Hay đau ở đâu?”

    Người phụ nữ lớn tuổi ngồi cạnh tôi nghe thấy vậy liền sốt sắng hỏi tôi.

    Ngay giây phút bà giơ tay gần chạm vào đầu của tôi, tôi theo phản xạ định né đi chợt có ai đó hớt hải rẽ đám đông chạy đến.

    “Vân Anh!”

    “Em có sao không? Em gặp tai nạn hả? Chúng ta đến bệnh viện nhé.”

    Vẻ mặt lộ rõ sự sợ hãi, ánh mắt run rẩy, đến lời nói cũng trở nên gấp gáp. Trong phút chốc, thầy ấy khiến tôi chợt cảm thấy giữa bọn tôi thật sự còn có thứ gọi là “hương vị tình thân”.

    Vừa nhìn thấy người quen, tôi liền không kiềm lòng được để nước mắt rơi như mưa trên gương mặt, mãi vẫn chẳng nói nổi thành câu:

    “Thầy… hức… thầy Nam ơi… hức… hức… em… hức… em…”

    Vừa nói, tôi vừa nhìn mọi người xung quanh, sau đó lại bị không khí ngột ngạt vì bị vây lại ấy làm cho khó chịu, càng khóc to hơn.

    “Ngoan, không sao, có tôi đây rồi.”

    Thầy giơ tay, vỗ nhẹ tóc tôi, dỗ dành.

    Qua một lúc, tôi cũng lấy lại tinh thần, mạnh mẽ gạt nước mắt, nói một cách khảng khái:

    “Em không sao nữa rồi, chúng ta về nhà thôi ạ.”

    “Con bé chuyển tâm lý cũng nhanh ghê ha.”

    Một giọng nữ không thức thời từ trong đám đông vang lên, kéo theo đó là tiếng phì cười của mọi người khiến không khí cũng dần trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn.

    Thấy tôi đã không sao, nhóm người vây quanh cũng ai về nhà nấy. Lúc đi, bọn họ còn tiếp tục tán gẫu với nhau đôi ba câu, đề tài đương nhiên là xoay quanh tôi và hai tên “hung thủ” kia.

    “Dù không sao nhưng con cũng đâu có về nhà với bộ dạng này được. Vả lại, xe đạp của con hình như cũng bị thương khá nặng đấy. Hay là con vào nhà, để bà xử lý vết thương, đợi ông sửa xe cho rồi về nhé.”

    Người phụ nữ tóc hoa râm trong gia đình giúp đỡ tôi mở lời đề nghị.

    “Ông khi trước là thợ sửa xe đấy, con yên tâm.”

    Người đàn ông tóc đã bạc trắng đứng bên cạnh cười sởi lởi, tiếp lời.

    Thấy thái độ lưỡng lự như muốn từ chối của tôi, chị gái quay sang thầy Nam, nhẹ giọng nói:

    “Anh thầy, hay anh khuyên con bé đi.”

    Chưa kịp để tôi nói gì, thầy ấy đã đứng lên, lễ phép nói:

    “Vậy, xin cảm ơn gia đình mình ạ. Làm phiền mọi người rồi.”

***

    Gia đình ba người tử tế ấy phối hợp khá ăn ý, không ai nói với ai câu nào nhưng vẫn biết mình phải làm gì. Bà mở cửa, ông dẫn xe, cô cháu gái dọn mâm cơm vào trong nhà.

    Thầy Nam đưa tay muốn kéo tôi đứng lên nhưng vì mãi nhìn gia đình ba người kia nên tôi chẳng để ý, tự mình chống tay đứng dậy. Cơn đau nhói lên từ mắt cá chân khiến tôi lập tức không nhịn được mà kêu lên một tiếng rồi ngã quỵ xuống đất. Thầy Nam bên cạnh không kịp phản ứng, hốt hoảng giơ tay định kéo tôi lại nhưng chỉ chụp được một khoảng không.

    “Thầy ơi, hình như em ngã gãy chân rồi ạ.”

    Ngồi dưới đất, tôi ngẩng đầu nhìn thầy Nam, bình thản nói ra phỏng đoán của mình.

    “Ngã gãy chân?”

    Nhìn thái độ của tôi, thầy ấy nhướn mày, nghi hoặc hỏi lại.

    Tôi thành thật gật đầu một cách dứt khoát.

    “Vậy, chúng ta phải nhanh chóng đi bệnh thôi, để nặng là xong luôn đó.”

    Thầy ấy ngồi xuống bên cạnh tôi, nói bằng giọng điệu chẳng có lấy một chút nghiêm túc. Tôi phát hiện khóe miệng của thầy ấy còn hơi cong lên, trông rất gian xảo.

    Vừa nghe đến hai từ “bệnh viện”, tôi đã sợ đến mức tim đập liên hồi nên vội lắc đầu nguầy nguậy.

    “Con bế em vào nhà nhé.”

    Từ trong nhà vọng ra tiếng của bà, vừa hay có thể cứu tôi một màn.

    Tôi nhìn thầy Nam với vẻ mặt tỏ ý rằng “em không sao, em có thể tự đứng lên”, rồi xoay người chống tay định tự mình đứng dậy một lần nữa. Nhưng chẳng để tôi kịp “thể hiện”, thầy Nam đã vòng tay ra sau, nhẹ nhàng ẵm tôi lên.

    Thầy ấy trông gầy gò vậy mà cũng khỏe ghê!

    Tôi thầm cảm thán trong lòng.

    Trong vài giây sau đó, tôi lập tức nhận ra vấn đề, định bảo thầy bỏ mình xuống thì đã bị giọng nói trầm ấm chặn lại:

    “Em nằm im đi, càng cử động sẽ càng nghiêm trọng, còn có thể sẽ phải vào bệnh viện đấy.”

    Tôi nằm im thin thít mặc cho thầy ấy làm gì thì làm.

    Giống như mọi người thường nói, nhan sắc thầy Nam dường như chẳng có góc chết, khuôn mặt góc cạnh hoàn mỹ, đến cả nọng cằm cũng chẳng thấy đâu. Tôi vô thức cúi mặt sát vào cổ, định đưa tay sờ cục nọng dưới cằm mình thì lại bị thầy Nam lần nữa nhắc nhở:

   “Yên nào!”

    Theo sự chỉ dẫn của cháu gái của hai ông bà, thầy đưa tôi vào nhà vệ sinh bên trong, đặt tôi lên chiếc ghế nhựa nhỏ rồi quay lưng đi ra, đóng cửa lại, dặn dò:

    “Em rửa sơ bụi bẩn với vết thương đi. Tôi ở ngoài này đợi, xong thì gọi tôi.”

    Tôi lễ phép đáp một tiếng, rồi xả nước vào xô. Bình tâm ngồi xem lại mới thấy, cả người tôi bây giờ chi chít những vết thương lớn nhỏ, quần áo đôi ba chỗ cũng rách nát, trông thảm thương vô cùng. Vết thương cũ lẫn vết thương mới đều vẫn đang rướm máu. Hơn nữa, cú ngã vừa rồi còn khiến gương mặt tôi xuất hiện một vết trầy khá khó coi gần phần cằm. Con gái quan trọng gương mặt, nhìn thấy mình trong gương, nhớ đến Hoàng Minh, tôi tức đến run người, buột miệng nói ra vài “lời vàng ý ngọc”, thăm hỏi cả họ nhà anh ta. Nhưng lại chợt nhớ đến thầy chủ nhiệm còn đứng ở bên ngoài, tôi lập tức ngập miệng, chỉ dám thầm chửi ở trong lòng.

(☛’∀`*)☛ ♥ Hết chương 36 ♥ ☚(*’∀`☚)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.