Chân Song đi lại như bình thường phải nhờ đến Đỗ Hoàng Phương nhiều nhất – người đã cất công chở nó về mỗi ngày. Phương nằng nặc xách nó về tận cổng vì nhà hai đứa chỉ cách có ba cây, trên đường đi còn có thể chuyện trò về học tập, sở thích cá nhân. Để bày tỏ lòng biết ơn, Song đòi trả tiền xăng cho bằng được.
Đã một tuần nay, Phạm Trúc Song nó không hé miệng câu nào với tất cả mọi người trừ Đỗ Hoàng Phương và trong trường hợp cần thiết. Nó vẫn ghim câu đùa thiếu hài hước của Trần Thái Phong, nhất quyết nín mồm mỗi lần Trần Thái Phong í ới mượn vở chép. Đương nhiên, Song cũng không nói chuyện với Khải An. Tin nhắn cuối cùng giữa nó và cậu ấy kết thúc lấp lửng ở chuỗi câu hỏi về bài tập, bởi Song chuyển đối tượng bàn bài sang Đỗ Hoàng Phương, nhưng cảm giác không thỏa mãn chút nào.
Đang đứng đợi bus, từ đâu, Khải An gấp gáp phóng con Cub 50cc đến trước mặt Song. Nó đâm ra ngạc nhiên bởi không biết Khải An đã từ bỏ đặc quyền dùng xe riêng để tự di chuyển đến trường từ lúc nào, nhưng con Cub này nom khá mới. Có lẽ Khải An vừa mới vất vả vượt qua địa ngục gửi xe – một nơi bình đẳng không phân biệt bố đứa nào giàu hơn. Cậu đưa mũ cho nó:
“Vừa đi vừa nói.”
Song thấy rõ tia hy vọng trong mắt Khải An. Song muốn hỏi tại sao cậu không nhắn tin mà chịu mất thời gian chở nó một đoạn. Dù thế, nó vẫn bất giác nhận lấy mũ bảo hiểm từ tay cậu.
Nguyễn Hoàng Khải An chọn con đường Song chưa từng đi qua bao giờ. Dọc hai bên đường, ánh sáng lung linh tỏa ra từ các cửa hàng đồ trang trí đầy màu sắc. Điều đặc biệt là xe bus không bao giờ đi qua con phố mua sắm nổi tiếng này, khiến nó trở thành một thế giới riêng biệt đối với Song. Một vương quốc Giáng sinh tràn ngập sắc màu đa dạng trong lòng trung tâm thành phố, từ cây thông xanh ngát, đèn lấp lánh, cho đến những bóng quả lấp lánh như những ngôi sao trên bầu trời đêm. Không khí đầy mê hoặc và phấn khích, khiến mọi người không thể không đắm chìm trong sự phép màu của mùa Giáng sinh. Dòng người chen chúc khiến cho thời gian trôi chậm hơn, đủ để Song tận hưởng một nhịp sống sôi động, náo nhiệt mà trước giờ nó chưa thể cảm nhận được ở một mảnh đất giản dị, hiền hòa như tỉnh B.
Trong khoảnh khắc ấy, Song quên mất mục đích mình ngồi trên yên xe này, chỉ đến khi Nguyễn Hoàng Khải An hắng giọng:
“Song không vui à?”
“Có lẽ vậy.”
Thực ra tâm tình Song đã tốt hơn sau khi hòa mình vào bầu không khí ngập tràn niềm vui và hân hoan của mùa Giáng sinh. Nhưng chẳng hiểu sao, nó không thích thừa nhận điều ấy với Khải An. Cậu hạ giọng:
“Do An à?”
“Không.”
Song đáp cụt lủn. Khải An chắc chẳng có lỗi gì ngoài việc không quan tâm đến câu đùa thiếu duyên của Trần Thái Phong và cư xử như chưa có chuyện gì. Không thể phủ nhận, Khải An rất biết cách đi guốc trong bụng nó:
“Có phải do Phong không?”
Song không đáp. Lần im lặng này mới chính là sự xác nhận đúng nghĩa. Nó thấy khóe mắt cong lên của Khải An từ phía gương xe:
“Phong không có ý gì xấu. Phong chê An lười không chịu xuống lấy đồ như Phương thôi.”
“Ra là vậy.”
Song gật gù. Nguyễn Hoàng Khải An cảm thấy như thoát khỏi một kiếp nạn. Cậu đã nói dối Song, bởi vì cậu đâu thể xổ thẳng ý của Trần Thái Phong rằng, chỉ có Đỗ Hoàng Phương mới khiến Song tỉnh ngủ, còn cậu giống như liều thuốc mê làm nó phải chạy đi rửa mặt ngay tức khắc.
Ra khỏi trung tâm, Song nhờ Nguyễn Hoàng Khải An thả xuống bến xe bus ở đầu thị trấn. Trời đã bắt đầu chuyển màu, cảnh vật ngoại ô càng trở nên mù mờ. Dãy nhà cao tầng ít dần, nhường chỗ cho những cánh đồng xanh mướt nhuộm nắng hoàng hôn trải dài, và còn một đoạn đường xa nữa là đến thôn, sau đó là xóm. Khải An ngang nhiên phóng qua như không nghe thấy lời nhờ vả của Song, chỉ nhẹ nhàng đáp:
“Trời sắp tối, Song ngồi yên.”
Từ xa, Song đã nhìn thấy lối vào xóm bị chặn lại bởi hàng dài bàn ghế nhựa, tựa cái khung cảnh cỗ cưới nó lẽo đẽo theo gia đình ngày bé. Song chưa đoán ra dịp gì đặc biệt mà mọi người rủ nhau ăn uống thế này, thì mợ Dinh đon đả đi về phía hai đứa chúng nó:
“Ai đây Song? Người yêu hả con?”
Mợ nói vậy là chết nó mất, đi với thằng Quyết và Đỗ Hoàng Phương bao nhiêu ngày không một ai thắc mắc hỏi thăm, Khải An chở về một lần duy nhất lại bị hiểu nhầm. Song ái ngại trước Khải An, không dám nhìn thẳng vào mắt cậu ấy.
“Con nhờ bạn đưa về vì trên trường tan muộn quá.”
Nó cười cười nhanh chóng cởi mũ bảo hiểm, rồi quay ra “đuổi khéo” Khải An:
“Cảm ơn nhiều nha!”
Sở dĩ Song thúc giục Khải An về sớm vì đoạn đường ở đây không nên đi tối muộn, nó đã nghe rất nhiều thứ không hay xảy ra trên quãng vào thôn vừa rồi lúc buổi đêm. Đương nhiên, Song không thể so bì với tốc độ của mợ. Mợ đã kéo Khải An đang quay xe lại:
“Đến tận đây rồi thì vào ăn cùng mọi người đi con, để mợ lấy bát đũa cho hai đứa. Hai đứa chịu khó ngồi cuối hơi khó xem, chỗ bên trên các cụ đang đánh chén cả rồi. Cứ yên tâm ngồi ăn đi. Có bàn thắng là biết ngay, các ông ngồi đầu thể nào chẳng nhảy dựng hết lên.”
Nguyễn Hoàng Khải An “vâng” nhẹ, rồi cất xe vào một góc như không nghe thấy lời thỉnh cầu đầy lo lắng của Song:
“Song bảo mợ cho, An cứ về đi. Tối muộn ở đây đi không ổn đâu.”
Cậu ấy bình thản:
“Song thấy mấy thửa ruộng chỗ kia không?”
Song theo hướng chỉ tay của Khải An đưa mắt đến dãy ruộng xa xa, song song với vài thửa thưa thớt của phía nhà nó. Chợt nhớ lại những ngày bé, Song chưa từng được cho sang bên kia bờ ruộng chơi bao giờ. Bà ngoại Song kể lại, phần ruộng kéo dài từ đầu tới cuối xóm là tài sản của ngôi nhà được sơn màu vàng cam – ngôi nhà duy nhất đủ cao để lá cờ đỏ sao vàng nổi bật giữa trời xanh.
“Của ông bà An đấy.”
Song chợt ồ lên một tiếng. Hóa ra nhà ông bà Nguyễn Hoàng Khải An chỉ cách nhà ông bà nó năm thửa ruộng. Thế thì hai đứa cũng coi như hàng xóm của nhau.
“Tối nay An về đó phải không?”
Tiếng ừm nhỏ phát ra từ cổ họng khiến Song an tâm hơn phần nào.
Mợ Dinh chuẩn bị từng li từng tí cho cái bàn nhỏ cuối dãy của chúng nó. Song nhiều lần kêu mợ vào ngồi ăn luôn mà mợ cứ chạy đi làm này làm kia, bắt chúng nó ngồi im tại chỗ, chỉ việc ăn và xem. Những món ăn trên bàn đều được chế biến bằng bàn tay khéo léo của mợ Dinh nên rất đẹp mắt, và chắc chắn không kém phần ngon miệng. Nhưng người con trai của một vị tỷ phú đang hiện hình trước mặt Song cảm nhận thế nào thì nó không dám chắc, e rằng Khải An quen ăn sơn hào hải vị hơn. Nó thấy đồng cảm với cậu ấy:
“Chắc An không quen ăn những món này, An cứ về đi, tí nữa Song bảo mợ nhà An có việc gấp là được!”
Khải An bỏ lời Song ngoài tai. Cậu lặng lẽ gắp một đũa rau muống xào vào bát. Bất ngờ thay, Song để ý cậu ăn được và nhìn có vẻ ngon lành tất cả các món mợ mang ra, từ gà luộc, giò lụa, đến canh mọc, lại trừ sườn xào chua ngọt. May cho Khải An, Song là đứa sinh ra chỉ để ăn sườn.
Thấy đĩa sườn hết khoắng, mợ Dinh tâm đắc:
“Lúc nào sườn xào chua ngọt cũng đắt hàng nhất. An ăn thấy được không con?”
Khải An quay sang nhìn Song, ngây thơ chớp mắt hỏi ý kiến nó, mà mặt nó đơ lại rồi. Nhưng nhìn cách nó ăn là biết, cậu ngoan ngoãn gật đầu với mợ Dinh. Mợ cười hiền từ:
“Hôm nào con rảnh thì qua quán cơm của mợ ở số 5 đường Hạnh Phúc, mợ còn làm nhiều sườn hơn thế này.”
Nguyễn Hoàng Khải An gật gù như thể đây là món yêu thích nhất của cậu ấy trong bữa tối này. Khổ thằng bạn chưa được nếm hương vị của sườn đã bị con thuồng luồng bên cạnh hút hết mất.
Hết hiệp một trận bóng, Song lại khuyên Khải An tranh thủ về nhà sớm để còn kịp xem hiệp sau. Dứt lời, thấy mợ bê mâm ra sân rửa, để Khải An ở lại, Song một mình lật đật chạy theo. Vừa đẩy được mợ Dinh vào bàn ăn, một hình bóng cao lớn xuất hiện sau lưng nó. Hình bóng ấy kéo lấy ghế đẩu trong góc, thản nhiên ngồi bên cạnh vòi rửa, tay cầm giẻ khuấy nước rửa bát điêu luyện. Phải nói Song rất kinh ngạc trước một Nguyễn Hoàng Khải An mới lạ, hoặc không, có thể đó là một khía cạnh mà Song chưa từng thấy ở cậu ấy bao giờ. Trí tưởng tượng của Song chưa vẽ ra viễn cảnh một chàng công tử nhà giàu xắn tay áo ống quần ngồi rửa một chậu bát ở một nơi se lạnh và nhiều côn trùng. Khải An mang lại cho nó từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nó có cảm giác Nguyễn Hoàng Khải An như thế này vô cùng gần gũi, không khó gần như nó suy đoán dạo trước, và ác cảm mấy ngày nay dần dà tan biến. Nghĩ đến đây, mắt Song sáng lên, hớn hở nhìn Khải An phiên bản thân thiện. Mắt hai đứa vô tình chạm nhau, Khải An vô thức cúi đầu như đang che giấu một cảm xúc nào đó. Song lại chắc mẩm nó biểu cảm hơi lố rồi.
Khi Song tráng nước đến mâm cuối cùng, đồng loạt tiếng hô “Vào” vang dội cả một khoảng trời đen tối, vang vọng trên khắp thôn xóm thanh bình của chúng nó, vang từ khu này đến bên kia thửa ruộng rộng lớn, tất cả tạo nên sự rộn ràng khí thế đã lâu chưa xuất hiện ở một vùng quê yên ắng. Bàn thắng phút cuối cùng vừa được ấn định. Song vội vội vàng vàng lau tay ướt vào quần, lôi điện thoại ghi lại khoảnh khắc có một-không-hai này, trong tim nó phơi phới một niềm vui sướng mãnh liệt. Song quay sang nhìn hình bóng đã hướng về chỗ nó đứng từ lúc nào, rồi chính nó đã thốt ra một câu khiến cả hai đứa đều bất ngờ:
“Đi bão không?”.