Tô Tấn đến Hầu phủ mới nghe võ vệ gác ngoài phủ bảo Tiểu hầu gia chưa đi làm về, mong nàng đợi cho.
Tiểu hầu gia Nhậm Huyên là con trai duy nhất của Trường Bình Hầu. Sau khi Trường Bình Hầu qua đời, Hầu phủ vẻ vang một thời chỉ còn lại cái vỏ rỗng, may mà Thánh thượng nể tình Nhậm Huyên là kẻ khiêm nhường biết điều nên đã ngự phong hắn làm Lang trung bộ Lễ.
Ngày mai là thi Đình nên Nhậm Huyên phải ở nha môn công thự kiểm tra danh sách cống sĩ cả ngày trời, mãi sẩm tối mới tan làm về nhà.
Vì mưa xuân bắt đầu tạnh nên ngay từ đằng xa, hắn đã nhận ra người đang đứng trước Hầu phủ là Tô Tấn.
Vừa trông thấy nàng, Nhậm Huyên đã thầm đoán được mục đích nàng đến đây, nhất thời vui mừng khôn tả.
Vào đến sảnh, Tô Tấn móc tấm thiệp bí mật ra nói:
– Mời Tiểu hầu gia xem.
Năm năm trước, Nhậm Huyên từng xem qua văn Tô Tấn viết. Khi ấy nàng mới vào Hàn lâm, bởi tài viết luận rành mạch gọn ghẽ nên rất nổi danh.
Hắn cười bảo:
– Văn ngươi hay quá, nếu dâng ngay cho Điện hạ thì ngài ấy cũng không dùng được. Để ta sửa sang lại chút từ ngữ, ngươi cứ yên tâm, chắc chắn đám người bên Hàn lâm không lần ra manh mối gì đâu.
Tô Tấn đáp:
– Xin tùy ý Tiểu hầu gia.
Nhậm Huyên cẩn thận cất tấm thiệp bí mật kia đi, ngẫm nghĩ rồi hỏi:
– Ngươi mạo hiểm làm chuyện này là vì không muốn hoài đời mình ở nha môn kinh sư nữa sao? Ta có người quen ở bộ Lại, nghe nói Chiêm Sự Phủ còn trống một ghế Lục sự, tuy chỉ là quan cửu phẩm nhưng dầu gì cũng làm việc cho Đông cung, nở mày nở mặt hơn nha môn kinh sư nhiều, ngươi có ưng không?
Tô Tấn nhất thời im lặng, mãi sau mới đáp:
– Nếu Tiểu hầu gia công tác ở bộ Lễ thì chắc đã biết chuyện Tiều Thanh mất tích phải không ạ?
Nhậm Huyên bảo biết.
Tô Tấn nói tiếp:
– Tiều Thanh và hạ quan là bạn thân. Ta đã tới nhà cống sĩ hỏi thăm, biết vào hôm huynh ấy mất tích, Yến tam công tử phủ Thái phó từng tới tìm huynh ấy, có con dấu ngọc của nhà họ Yến làm bằng, sau đó hai người họ đã nảy sinh tranh chấp. Hiềm nỗi lúc Thiếu chiêm sự đại nhân rời đi thì Tiều Thanh vẫn còn ở đó nên không tra được chuyện này có liên quan gì đến Thiếu chiêm sự. Ta chỉ là một viên quan quèn thấp cổ bé họng, tự biết mình không thể xông vào phủ Thái phó được nên mong Tiểu hầu gia có thể giúp ta gặp Yến tam công tử một lần để trực tiếp hỏi cho ra lẽ.
Nhậm Huyên không ngờ nguyên do lần này Tô Tấn dám liều thân là vì người khác. Ngẫm kỹ mới thấy giờ Yến Tử Ngôn đã là Thiếu chiêm sự của Chiêm Sự Phủ nên có lẽ nha môn phủ Ứng Thiên cố dìm vụ này xuống vì không dám đắc tội y. Bởi cùng đường bí lối, Tô Tấn đành phải liều mạng phạm tội tày đình để có cớ cậy nhờ Hầu phủ.
Ấy cũng xem như xả thân vì bạn.
Nhậm Huyên thầm thấy kính trọng nên giọng điệu cũng thân thiết hẳn lên:
– Không giấu gì hiền đệ, cấp trên của Yến Thiếu chiêm sự chính là Đông cung nên ta không dám vô duyên vô cớ làm mếch lòng y. Thôi thì thế này nhé, sáng sớm ngày mai, đệ hãy giả là người hầu theo vi huynh vào cung đi. Vào canh năm hàng ngày, Yến Tử Ngôn sẽ đi ngang qua cầu Kim Thủy, vi huynh sẽ giúp đệ chặn y lại cho đệ hỏi rõ mọi chuyện.
Đêm ấy, Tô Tấn ngụ ở một chỗ gần Hầu phủ theo lời khuyên của Nhậm Huyên.
Sáng hôm sau, nàng dậy từ canh bốn, ăn qua quýt rồi vội vàng lên xe ngựa.
Nhậm Huyên lại hỏi:
– Trong triều đình, ngoài mấy lão già ở Hàn lâm thì hiền đệ còn quen ai nữa không?
Tô Tấn đáp:
– Hồi ở Hàn Lâm Viện, hạ quan chỉ lo sửa sách soạn văn nên hiếm khi qua lại với ai, vả lại ta chỉ làm ở đó vài tháng nên sẽ không bị ai nhận ra đâu ạ.
Nhậm Huyên nói:
– Thế thì tốt, đệ không biết cái gã Liễu đại nhân mới nhậm chức Tả đô ngự sử kia nghiêm cỡ nào đâu. Nếu để y bắt được thóp, biết ta với hiền đệ không tuân thủ kỷ luật thì toang cả lũ đấy.
Tô Tấn ngớ ra, thấy Hoàng thành đã ở ngay trước mắt bèn giả vờ tập trung mà đáp rằng:
– Dạ, ta chưa nghe danh ngài ấy bao giờ.
Đến Chính Ngọ Môn thì xe ngựa bị chặn lại. Để phòng ngừa hỏa hoạn nên trong cung cấm các quan thắp đèn dầu, chỉ những quan lớn cấp nhị phẩm trở lên mới được ngồi kiệu và cầm đèn vào cung.
Còn chưa đến canh năm mà bên cầu Kim Thủy đã có lác đác vài người đứng đợi nội thị cầm đèn tới dẫn vào cung.
Nhậm Huyên dắt Tô Tấn tới chờ ở đầu cầu. Vừa đúng canh năm, quả nhiên nghe tiếng Yến Tử Ngôn đi tới.
Nhậm Huyên lại gần nói dăm ba câu xã giao rồi đá qua chuyện thi Đình:
– Hôm qua lúc kiểm tra danh sách cống sĩ, ta cứ tưởng là có 89 người, không ngờ lại có một gã bị mất tích, khi đến nha môn hỏi mới hay gã kia nay sống không thấy người, chết chẳng thấy xác. Bên bộ Lễ muốn giải quyết êm thấm bèn báo cáo lên trên rằng gã ta có chuyện gia đình phải về quê gấp. Nhưng huynh cũng biết cái tính ưa hỏi kỳ cùng của La Thượng Thư rồi đấy, ta sợ ông ấy gặng hỏi bèn phái người tới nhà cống sĩ hỏi thăm, tình cờ thế nào mà lại nghe võ vệ kể rằng trước khi cống sĩ nọ mất tích, huynh từng tới thăm gã ta một chuyến.
Yến Tử Ngôn hừ một tiếng, xẵng ngay:
– Nói vớ va vớ vẩn.
Rồi híp mắt hỏi:
– Tiểu hầu gia hỏi ta chuyện này là có ý gì? Huynh ngờ ta bắt hắn à?
Y có mày ngài mắt phượng, dầu mặc triều phục vẫn rất khí phái, trông chẳng khác gì danh sĩ Ngụy Tấn trong tranh cổ. Chẳng qua xưa nay anh hùng mới dám sống thật, danh sĩ chẳng ngại phong lưu nên một kẻ như Yến Tử Ngôn luôn nhìn đời bằng nửa con mắt, cao vời tới mức không ai ngấm nổi.
Nhậm Huyên cười hỏi:
– Nếu ta nghi ngờ huynh, há còn hỏi huynh làm gì? Để mật báo chắc?
Yến Tử Ngôn cụp mắt suy nghĩ giây lát, cho là thật. Lúc vô tình liếc sang Tô Tấn, y chợt hỏi:
– Ơ, huynh mới đổi người hầu à?
Nhậm Huyên đáp:
– Nay A Lễ bị bệnh nên ta mang đứa khác theo, à mà nó chính là đứa hôm qua đã tới nhà cống sĩ hỏi thăm đấy.
Tô Tấn bước lên vái chào, thưa rằng:
– Tiểu nhân Giả Tô kính chào Thiếu chiêm sự đại nhân.
Yến Tử Ngôn không đáp, nhìn nàng từ trên xuống dưới, nhất thời không dời mắt đi.
Tô Tấn lại nói:
– Chắc Thiếu chiêm sự đại nhân là quý nhân bận bịu nên hay quên, chứ võ vệ bên nhà cống sĩ không hề đặt điều ạ. Sở dĩ bọn họ nói Thiếu chiêm sự đã tới đó là vì có con dấu ngọc của nhà họ Yến làm tin.
Yến Tử Ngôn giũ tay áo, tưởng mình vừa nghe mẩu chuyện tiếu lâm, bèn chửi đổng:
– Rặt một đám thô lỗ ăn không nói có. Con dấu ngọc nhà họ Yến là vật tượng trưng cho thân phận Yến thị, trước nay bản quan luôn quý như mạng mình, làm gì có chuyện mang trong người rồi sơ ý để lọt vào tay kẻ khác chứ?
Tô Tấn ngẩng lên nhìn xoáy vào Yến Tử Ngôn, xòe bàn tay phải ra nói:
– Nếu Thiếu chiêm sự đã nói vậy thì hẳn con dấu ngọc trong tay tiểu nhân là đồ giả.
Vừa thấy con dấu khắc bằng ngọc dương chi sáng lấp lóa dưới ánh trăng cuối chân trời, mặt Yến Tử Ngôn biến sắc ngay. Y thò tay toan giật lấy song Tô Tấn đã lẹ làng rụt về trước.
Nàng phán nhẹ tênh:
– Trông thế thì không phải là đồ giả rồi.
Yến Tử Ngôn cả giận quát:
– Ngươi là cái thá gì mà dám hạch hỏi bản quan hả!
Nhìn dáng vẻ gầy gò cô độc, bình tĩnh lạnh nhạt dưới ánh trăng của Tô Tấn, y chợt thấy quen quen bèn kêu lên:
– Không đúng, hình như ta từng gặp ngươi rồi, ngươi là…
Bất thình lình, đầu bên kia cầu Kim Thủy sáng lòa khiến đám quan đang túm tụm hóng chuyện bên này bị lóa mắt đành phải giải tán.
Các quan lớn từ nhị phẩm trở lên không cần đợi người cầm đèn ra đón nên chẳng mấy ai đi sớm. Người mới canh năm đã đến Chính Ngọ Môn chắc chỉ có mỗi vị Bồ Tát mặt sắt mới nhậm chức của Đô Sát Viện thôi.
Nhậm Huyên thầm than xúi quẩy, chỉ mong cỗ kiệu của Bồ Tát hoàn toàn ngăn cách với thế tục, để người nọ không nghe thấy gì thì hay biết mấy.
Khốn nỗi Bồ Tát đã xuống kiệu trước mặt hắn, gã hầu cầm đèn đứng trước kiệu còn hòa nhã chào:
– Chào buổi sáng Tiểu hầu gia, chào buổi sáng Thiếu chiêm sự.
Tô Tấn nghe thấy giọng nói quen tai bèn ngước lên xem thử, thấy đó đúng là cái gã đưa dù cho nàng ở Đại Lý Tự hôm ấy.
Khỏi đoán cũng biết người vừa xuất hiện đã khiến đám đông lặng ngắt như tờ kia đích thị là Tả đô ngự sử Liễu đại nhân.
Liễu Triêu Minh không nói gì, và nét mặt cũng rất lạnh nhạt.
Tên hầu cầm đèn lại nói:
– Từ xa đại nhân đã nghe tiếng Tiểu hầu gia và Thiếu chiêm sự trò chuyện hăng say nên tò mò không biết hai ngài đang nói gì bèn bảo tiểu nhân tới góp vui ạ.
Nhậm Huyên lấp liếm:
– An Nhiên tiểu ca cứ đùa, chẳng qua Thiếu chiêm sự thấy thằng hầu ta mới đổi lạ mặt quá nên hỏi chơi mấy câu thôi.
Nói xong, hắn vội nháy mắt ra hiệu cho Yến Tử Ngôn, muốn biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ.
Ai ngờ Yến Tử Ngôn chẳng những không hùa theo, còn lạnh lùng hỏi:
– Lạ ấy à? Sao ta lại thấy quen thế nhỉ?
Y sấn tới hai bước, đứng trước mặt Tô Tấn nói:
– Ta nhớ ra ngươi là ai rồi! Ngươi chính là Tô Tấn – Tô Thời Vũ đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Nguyên thứ 18 đúng không?
Hồi xưa nàng chỉ chạm mặt Yến Tử Ngôn đúng một lần trong tiệc Quỳnh Lâm, hai bên còn chẳng nói với nhau câu nào, không ngờ hắn vẫn còn nhớ rõ nàng.
Trước mặt đông đủ các quan, còn có cả Tả đô ngự sử chuyên lo việc tra xét quan lại mà một viên quan như nàng lại cải trang thành người hầu tuy chẳng phải lỗi gì to tát, nhưng cũng sẽ rất phiền hà nếu có kẻ vin vào cớ đó kiếm chuyện, bởi vậy nàng quyết chối bằng được mới thôi.
Tô Tấn giả vờ không hiểu gì, tỉnh bơ nhìn Yến Tử Ngôn hỏi:
– Tô Thời Vũ gì ạ? Có phải đại nhân nhớ nhầm rồi không?
Yến Tử Ngôn cười khẩy đáp:
– Ngươi có giỏi thì cứ việc chối, làm như chỉ có mỗi ta nhớ rõ ngươi không bằng!
Đoạn y phất tay áo, quay lưng tiến lại chỗ Liễu Triêu Minh vái chào rồi nói:
– Thưa Liễu đại nhân, đợt thi ân khoa năm Cảnh Nguyên thứ 18 ngài bận tới Kỷ Châu phá án. Sau khi hồi kinh, trong hội thơ, ngài từng khen tài văn chương của Tô Tấn Tô Thời Vũ đỗ Giải Nguyên địa phương xứng làm Trạng Nguyên. Hắn chính là người đang đứng trước mặt ngài đấy!
Ngọn đèn dầu duy nhất trong đêm phản chiếu vào đáy mắt Liễu Triêu Minh, khẽ nhoáng lên, trông như sóng gợn trên mặt hồ tĩnh lặng.
Một lúc lâu sau, chàng dửng dưng hỏi một câu:
– Thế à?
Rồi tiện tay cầm lấy chiếc đèn đi tới trước mặt Tô Tấn soi một lát.
Nàng vẫn mồm mép tép nhảy, gàn bướng hồ đồ y như cái hôm mưa ở Đại Lý Tự.
Liễu Triêu Minh trả đèn lại cho An Nhiên, quay người chui vào kiệu, buông một câu lạnh tanh:
– Ta không biết người này.
Nhậm Huyên thấy cả đám dễ dàng qua mắt được Liễu Triêu Minh như thế thì cả mừng, thầm thấy may mắn vì tai qua nạn khỏi, vội kéo Yến Tử Ngôn cùng nhau vái chào từ biệt kiệu của quan Ngự sử đại nhân.
Đúng lúc đó nội thị cầm đèn soi cho các quan cũng tới. Yến Tử Ngôn nhìn Tô Tấn thêm lần nữa, hứ một tiếng rồi mới phất tay áo đi vào cung.
Nhậm Huyên cứ dõi theo bóng y mãi, khi thấy đám đông đã đi xa mới bảo Tô Tấn:
– Tuy gã Yến Tử Ngôn này hơi xấu tính nhưng vốn là kẻ dám làm dám chịu, ta xem phản ứng vừa rồi của y không giống như từng đến nhà cống sĩ, thế nhưng rõ ràng con dấu ngọc trong tay đệ lại là đồ thật.
Tô Tấn đáp:
– Dạ, ta cũng đang thắc mắc điểm này.
Nhậm Huyên lượn lờ mấy bước rồi nói:
– Thế này nhé, đệ cứ chờ ở đây, đợi vi huynh dâng tấm thiệp bí mật này lên xong sẽ bớt chút thời gian tới Chiêm Sự Phủ nghe ngóng xem vào hôm Tiều Thanh mất tích, rốt cuộc Yến Tử Ngôn đã làm gì.