Bomber's Moon

Chương 30



Ngày 19 tháng 4 năm 1944, sau hơn một năm dai dẳng, chiến dịch Pointblank đã đi đến hồi kết. Ngày 12 tháng 4, Louis yểm trợ cho đội máy bay ném bom của Mỹ trong cuộc không kích tuyến đường sắt gần bờ biển Normandy, tất cả đều đã trở về an toàn mà không có bất kỳ thương vong nào. Đây cũng chính là nhiệm vụ bay cuối cùng trong những tháng ngày phục vụ tại căn cứ Đồi Biggin của Louis, ngày 13 tháng 4, anh được điều đến văn phòng của Lực lượng Đặc nhiệm Đường không.

Hôm rời khỏi Đồi Biggin, anh chẳng mang gì nhiều: mấy bộ đồ, tài liệu sách bút cùng với ảnh của William và Chuck. Xét đến việc nơi đây gần như đã chiếm trọn bốn năm cuộc đời anh, hành lý mang đi chỉ gói gọn trong một chiếc vali nhỏ thế này thì quả thật là quá ít. Nơi ở mới mà Trung đoàn Đặc nhiệm¹ sắp xếp cho Louis là một căn hộ² nhỏ yên tĩnh được bài trí đơn giản, tầng dưới của khu tập thể được xây từ những năm 80 thế kỷ trước này từng là nhà của một sinh viên y trẻ tuổi, vậy nên những nơi treo sơ đồ giải phẫu trên tường sẽ có màu nhạt hơn so với xung quanh. Anh xếp khung ảnh của William và Chuck lên một giá sách trống, hai ngày sau lại đổi ý và đặt chúng lên bàn. Cửa sổ của căn hộ nhìn ra một bãi cỏ nhỏ và góc đường, nơi có một cột đèn mà người ta thường đạp xe ngang qua vào sáng sớm. Vẫn là thế giới cũ mà Louis từng vô cùng quen thuộc ấy, giờ đây ngỡ như gần ngay trước mắt mà lại xa khỏi tầm với của anh. Do quy định bảo mật nghiêm ngặt, Louis không thể tùy ý ra khỏi nhà, mỗi lần ra vào đều phải khám người, một tờ giấy cũng không được mang theo.

Ban ngày, anh dành phần lớn thời gian trong các phòng họp sặc mùi khói khác nhau – những hộp bê tông không có cửa sổ, chỉ toàn là tấm chì chắn sóng vô tuyến ốp trên tường để tránh bị nghe trộm. Trong số tất cả gương mặt xa lạ trên bàn hội nghị, anh nhận ra mỗi George Loiseau, nhưng hai người họ chỉ xã giao vài câu, sau khi kết thúc cuộc họp cũng không có gì đáng nói. Kế hoạch đổ bộ của quân Đồng minh vẫn chưa được hoàn thiện do Hải quân Hoàng gia Anh còn đang tranh cãi với Mỹ về mấy chi tiết vụn vặt, còn về phía Không quân – những kẻ vẫn luôn đau đáu không quên thảm kịch Dunkirk³ bốn năm trước – thì đã thề sẽ hoàn toàn chiếm giữ bầu trời. Nhiệm vụ của Trung đoàn Đặc nhiệm chính là “tạo ra phép màu”: bay đến Pháp ngay trước chiến dịch đổ bộ để thả toàn bộ những mảnh và sợi kim loại như trong các cuộc tập trận trước nhằm che mắt Không quân Đức Quốc xã. Họ chính là mắt xích dễ đứt nhất, chẳng may có một đội bị Me 109 theo dõi thì toàn bộ nhiệm vụ sẽ tan tành mây khói. Thiếu úy dành hàng giờ ngồi ở bàn hội nghị, mỗi đề xuất đưa ra đều bị bác bỏ. Tháng năm ngày một gần hơn, ai nấy đều vô cùng căng thẳng, thậm chí bắt đầu cáu bẳn chỉ vì mấy chuyện lông gà vỏ tỏi như chuông điện thoại reo quá to hay là trà không đủ nóng.

Căn hộ mới yên tĩnh tới nỗi đôi khi Louis mất ngủ cả đêm, nhìn chằm chằm vào bản kế hoạch chằng chịt bút tích sửa chữa dưới ánh đèn bàn, Chuck trong khung ảnh thì đang nhìn vào anh. Bức hình cắt ra từ trang báo kia quá mờ, Louis cầm khung ảnh lên, nhẹ nhàng lau đi ít bụi bám trên đó. Đây là bóng ma sâu thẳm trong lòng anh, vô hình mà đặt nặng trĩu trên đôi vai.

Chiến dịch đổ bộ được ấn định là sẽ bắt đầu vào một ngày nào đó trong tháng năm, thời gian chính xác thì phải đến trước khi bắt đầu chiến dịch vài giờ mới được công bố cho để tránh bị tuồn tin ra ngoài. Trung đoàn Đặc nhiệm cuối cùng cũng hoàn thiện các phương án cho chiến dịch Nộp thuế và chiến dịch Lập loè⁴, được tiến hành bởi Phi đoàn 617 và Phi đoàn 218. Còn về biện pháp đối phó với máy bay địch thì kết luận mà Trung đoàn đưa ra hoàn toàn phù hợp với phong cách nhất quán của Lực lượng Không quân Hoàng gia: Bất chấp mà bay, cầu chúc vận may⁵.

Trong khi Bộ chỉ huy liên hợp Anh Mỹ bận rộn triển khai các máy bay trinh sát, chiến dịch đổ bộ lại bị hoãn lại sang tháng sáu, giúp Không quân Hoàng gia Anh có thêm chút không gian để thở. Rạng sáng mùng 6 tháng 6, tất cả nhận lệnh, cuộc đổ bộ sẽ bắt đầu vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng.

Ấy là một hôm gió trời rít gào và mây trôi cuồn cuộn từ eo biển bên này đến tận bờ Normandy, đảo điên mãi chẳng ngừng. Phi đoàn 617 điều khiển máy bay ném bom Lancaster xuất phát trước, theo sau là máy bay ném bom Sterling của Phi đoàn 218, hai đội lần lượt thả “cửa sổ” từ Calais tới tận mũi d’Antifer, tạo ra một lượng lớn máy bay chiến đấu không có thật xuất hiện trên radar của Đức tại bến cảng này. Sau khi gây nhiễu radar, hơn một nghìn tám trăm máy bay Flying Fortress B-17 cất cánh theo từng đợt từ các căn cứ chính tại Đông Anglia, cùng với các đội máy bay tiêm kích hộ tống tiến thẳng về phía bốn bãi biển mà chỉ mai kia thôi chắc chắn sẽ xuất hiện tràn lan trên báo đài.

Louis điều khiển chiếc máy bay tiêm kích Spitfire IV mới toanh xuất phát từ căn cứ Manston – nơi từng là căn cứ chính của Phi đoàn 600, mặc dù đã bị bỏ hoang do hư hại nghiêm trọng nhưng tới ngày hôm nay, nó lại mở cửa nghênh đón phi đội máy bay tiêm kích một lần nữa. Mây trôi giăng giăng trên eo biển quả thật là đáng lo ngại, bay dưới tầng tầng lớp lớp của nó mà tay Louis toát cả mồ hôi, cứ liên tục nhìn lên trên với nỗi lo về sự xuất hiện không báo trước của đám Me 109 – những chữ thập đen với chiến thuật ẩn mình giữa tầng mây như đàn ong rừng. Bên dưới phi đội là năm nghìn chiến thuyền của Hải quân Hoàng gia Anh đang lao thẳng về phía Pháp, bất chấp việc bản thân có thể sẽ không bao giờ thấy được bờ biển Normandy nếu đội máy bay của Louis không thể ngăn chặn các máy bay ném bom Stuka.

Nhưng rồi chẳng có gì xảy ra hết, không có Me 109 cũng chẳng có Stuka. Trong tầm mắt của Louis chỉ toàn là những huy hiệu hồng tâm của Không quân Hoàng gia và ngôi sao trắng của Không lực Lục quân Hoa Kỳ. Cao hơn một chút ở mạn trái là đội máy bay tiêm kích Mustang, bám theo cách đó không xa là đội máy bay ném bom B-17. Đàn ngựa hoang tăng tốc bay lên, xuyên qua những tầng mây. Louis dõi theo bóng dáng họ biến mất, bật vô tuyến điện và hỏi tình hình phía trước.

Tạp âm rè rè khẽ vang lên. “Trên này không có gì hết, thưa chỉ huy,” một giọng nói trẻ măng nghe ngập tràn hứng khởi báo cáo, “Chỉ có bầu trời đẹp nhất mà tôi từng thấy.”

Trong vô tuyến điện có những thanh âm thì thầm phấn khích xen lẫn với tiếng huýt sáo của phi công nào đó. Louis cũng từ từ nâng độ cao và vượt qua lớp lớp mây trôi, để rồi, hiện ra trước mắt anh chỉ có khoảng trời xanh thẳm mênh mông cùng với ánh dương vừa lên tô điểm cho mây trắng bằng một quầng sáng mỏng hồng nhạt. Anh không tin nổi vào mắt mình, tiếp tục tìm kiếm xung quanh cho tới khi chắc chắn rằng Không quân Đức quốc xã hôm nay đã không đến, mà có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ đến được bầu trời này nữa.

Anh không kìm nổi nụ cười, rồi lại hắng giọng, cố nén xuống cảm giác nghèn nghẹn trong cổ họng. “Anh thực sự nên thấy cảnh này đấy, Trung sĩ Sinclair.” Louis nói với kính chắn gió, tháo mắt kính bảo hộ ra, dụi dụi khoé mi bằng bàn tay đeo găng.

Càng lúc càng có thêm nhiều máy bay vươn mình lên khỏi những tầng mây và đắm chìm vào khoảng trời trong xanh ấy, chỉ tiếc là đội máy bay tiêm kích Mustang cùng với đồng bọn to xác vẫn còn nhiệm vụ tiến sâu vào trong đất Pháp, người cũng đã đến cả rồi, sao có thể bỏ qua dàn pháo phòng không? Máy bay tiêm kích khác như Spitfire không thể tiếp tục đi theo, anh quẹo một đường, len lỏi giữa những tầng mây mà quay lại bên bờ biển xám xịt của Normandy. Mười lăm nghìn feet bên dưới, cuộc đổ bộ lên bờ biển chỉ vừa bắt đầu.

Thế nhưng đối với Louis, trận chiến đã kết thúc tại đây.

Mùng 8 tháng 5 năm 1945, Châu Âu đình chiến.

Louis Linden giải ngũ ngày 11 tháng 5 năm 1945, được phong hàm Thượng uý. Đầu tháng sáu, anh trở lại căn cứ Đồi Biggin, lần này là để đón em trai mình. Nghĩa trang nhỏ không ai chăm nom, hàng rào đổ rạp xuống, thánh giá thì mục nát. Quan tài được đào lên, đặt trong xe tang để đưa về Canterbury, nơi tang lễ một lần nữa được cử hành trong nhà thờ họ Linden. Chẳng được bao nhiêu người đến tham dự, chỉ có cha mẹ và chú Albert gấp gáp trở về từ Tây Ban Nha.

“Đứa cháu bé bỏng của ta,” Chú Albert vừa gặp lại Louis đã dang tay ôm anh vào lòng. “Hai đứa xuất sắc biết bao, ta thật mừng vì mọi chuyện đã kết thúc.”

Louis áp mặt vào cổ áo của chú, mỉm cười nhưng không đáp lời.

Ấy là một ngày u ám nhưng không mưa, nhưng hơi lạnh ẩm ướt vẫn len lỏi lan tới từ rừng cây và cánh đồng, Louis đã mặc thêm áo măng tô bên ngoài bộ suit đen mà vẫn còn cảm thấy lạnh run rẩy. Anh cố ý nán lại thêm một lúc, chờ cho tới khi mọi người đã đi hết thì mới quay trở lại nghĩa trang hoang vắng.

Louis chọn một cây bách trong góc sân sau của nhà nhờ, không quá khuất mà cũng không dễ thấy. Anh cầm một trong những chiếc xẻng đầy đất dựng ở góc tường lên, cởi áo khoác ngoài và bắt đầu đào một cái hố dưới gốc cây.

Vẫn là bức ảnh được cắt ra từ trang báo và đặt trong khung hình kia treo nặng trĩu trong túi áo, anh nhìn Chuck một lần cuối cùng rồi dùng khăn tay bọc món đồ trang trí bằng kim loại này lại, đặt nó vào hố và chôn vùi nó dưới những lớp đất. Xong xuôi, Louis dựa lưng vào thân cây một lúc, cố gắng hình dung cảm giác của bản thân lúc này – chắc chỉ là một khoảng trống rỗng.

Từng giọt mưa tí tách tuôn rơi, bóng hình của người xa dần trên con đường lầy lội ngang qua bãi cỏ, không ngoảnh lại lấy một lần.

Suốt mùa hè, Louis đều ru rú trong nhà đọc sách và vẽ vời linh tinh, dành phần lớn thời gian ngồi ngây ngốc bên lạch nước, không biết mình sẽ làm gì tiếp theo và cũng không muốn nghĩ về nó. Chú Albert đề nghị sẽ giới thiệu anh vào Bộ Ngoại giao vì hiện giờ Đại sứ quán Anh tại Paris đang khá cần một Uỷ viên Quốc phòng⁶, nhưng Louis đã từ chối, sau những tháng ngày tại Bộ chỉ huy của Trung đoàn Đặc nhiệm, anh không muốn bước vào bất kỳ văn phòng nào khác.

Louis cũng thường mơ về căn cứ Đồi Biggin. Trong những giấc mơ của anh, thời gian luôn dừng lại ở thời điểm đầu hè năm 1940. Chuck cũng ở đó, chiếc B-17 của người ấy luôn bay ở hướng mười một giờ – thật là phi logic – nhưng ai thèm tranh luận về tính logic với những giấc mơ chứ? Trên vô tuyến điện có giọng nói khỏe khoắn và tràn ngập niềm vui của William, thậm chí đôi khi có cả tiếng ngân nga theo giai điệu nào đó khiến Louis phải nhắc em ấy trật tự, đừng lạm dụng thiết bị vô tuyến.

Thế rồi anh choàng tỉnh trong bóng tối, giờ vẫn chưa tới bốn giờ sáng, đêm còn dài.

Sau Giáng sinh, Louis chuyển đến Luân Đôn. Nhà Linden có một căn hộ ở ngay gần công viên Regent, nơi mà cha anh từng sống trước khi nghỉ hưu và ngừng phục vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân. Căn hộ bị bỏ không vài năm, lúc Louis chuyển đến, những tấm vải che nội thất đã phủ một lớp bụi dày. Anh cứ trốn mãi trong cái tổ trống rỗng mà yên tĩnh này, hệt như một con chim sẻ rúc vào sâu trong cái hốc cây, ngoại trừ việc tham gia vài bữa tiệc tụ họp của Không quân, anh gần như không bao giờ ra khỏi nhà.

Mãi cho tới mùa xuân năm 1946, có ai đó gõ cửa nhà Louis.

Lúc đó là mười giờ sáng, thời điểm này không quá thích hợp cho một chuyến ghé thăm khi mà bữa sáng chỉ vừa kết thúc và bữa trưa thì hẵng còn xa. Louis đang ở trong phòng làm việc mà vẫn nghe thấy tiếng người hầu ra mở cửa và nói chuyện với vị khách bên ngoài. Một lúc sau, người hầu lại nhẹ nhàng gõ cửa phòng Louis để thông báo rằng có Thượng uý George Loiseau ghé thăm.

Không phải một chuyện thường thấy, Louis vội vàng thắt cà vạt, thay áo khoác rồi tới phòng khách. Người hầu đã mang trà và điểm tâm lên nhưng Loiseau không hề có ý định ngồi xuống, giải thích rằng hiện giờ anh ta không còn ở Luân Đôn nữa nên không có nhiều thời gian, do đó thật đáng tiếc vì không thể cùng chủ nhà thưởng thức trà bánh. Anh Loiseau đây chẳng qua chỉ tiện đường nên mới ghé qua thăm hỏi và gửi lời mời này cho Louis trên danh nghĩa là Lực lượng Không quân Hoàng gia.

“Lời mời gì vậy?” Louis hỏi.

“Mời anh tới căn cứ Không quân Hoàng gia tại Gatow⁷.” Loiseau cởi đôi găng tay và cất vào túi áo, “Chắc hẳn anh cũng đã biết tình hình hiện tại giữa chúng ta và Liên Xô ra sao, phải không? Căn cứ Berlin đang cần một phi công xuất chúng như anh, Linden, để thủ hộ trên một mặt trận mới.”

“Tôi đã giải ngũ rồi.”

“Không một phi công nào có thể thực sự giải ngũ, anh hiểu ý tôi mà.”

“Có lẽ tôi thì có thể đấy.”

Loiseau không đáp lại, mỉm cười như thể chỉ cần nhìn thoáng qua là anh ta đã chắc chắn rằng Louis đang nói dối.

“Cho tôi chút thời gian suy nghĩ.”

“Ngày mốt tôi sẽ trở lại Berlin. Trước lúc đó, nếu đã cân nhắc xong xuôi thì anh biết phải tìm tôi ở đâu rồi đấy.” Loiseau đi về phía cửa chính, người hầu bước lên trước mở cửa cho anh ta. “Chúc anh một ngày tốt lành.”

Chú thích của người dịch (Translator’s Note):

1. Gốc: 特勤队, tiếng Anh: The SAS Regiment hoặc The Regiment, chính là biệt danh của Trung đoàn Đặc nhiệm Đường không Hoàng gia Anh. Bởi vì bắt đầu từ chương này tác giả dùng các cách ngắn hơn gọi tên lực lượng trên nên người dịch cũng sẽ dùng biệt danh Trung đoàn Đặc nhiệm hoặc Trung đoàn thay vì toàn bộ tên.

2. Gốc: 小公寓, tiếng Anh: Tenement, dịch nghĩa: Khu tập thể hoặc chung cư. Trên thực tế, giữa tenement và apartment hay flat không có sự khác biệt lớn do đều là chung cư, nhưng flat sẽ hiện đại hơn tenement do ở các nước phương Tây thì tenement thường được xây từ khá lâu rồi – như trong đây là từ cuối thế kỷ 19. Nói chung, tuy cùng là chung cư nhưng tenement thường lâu đời hơn, do đó không có thang máy và đương nhiên thấp hơn rất nhiều so với các apartment hay flat, vậy nên người dịch sẽ dùng từ khu tập thể thay vì chung cư cho dễ phân biệt.

3. Gốc: 敦刻尔克的惨状, dịch nghĩa: Thảm kịch Dunkirk. Nhắc đến trận Dunkirk mùa hè năm 1940 – được đánh giá là một trong những thảm họa quân sự lớn nhất trong lịch sử khi hơn 400 000 quân Đồng minh bị phát xít Đức vây hãm, phải bỏ lại hầu hết vũ khí và trang bị để lên xuồng cứu hộ sơ tán khỏi châu Âu.

4. Gốc: “缴税”行动和”闪烁”行动, dịch nghĩa: Chiến dịch Nộp thuế cùng với chiến dịch Lập loè. Đây là hai chiến dịch không có thật trong lịch sử, bởi theo James G. Shortt trong cuốn sách The Special Air Service (1981) thì “SAS không có hoạt động nào thêm cho tới cuộc đổ bộ Normandy vào tháng 6 năm 1944 […]” Ngoài ra, các hoạt động công khai tại chiến trường Châu Âu của SAS cũng chỉ bắt đầu vào tháng 6 năm 1944, cho nên cả hai chiến dịch kể trên đều không có thật hoặc không được thừa nhận bởi Chính phủ và Bộ Quốc phòng Anh, khả năng cao chỉ được tác giả thêm vào để hợp lý hoá mạch thời gian.

5. Gốc: “硬着头皮起飞,祈祷好运”, dịch nghĩa: “Bất chấp mà bay, cầu chúc vận may”. Trên thực tế thì phương châm gốc của RAF cũng gần giống như vậy: “Through Adversity to the Stars” với hàm ý “Vượt qua bao nghịch cảnh, bay đến những vì sao”, thế nên người dịch cho rằng tác giả có thể đã dựa trên châm ngôn này để viết ra câu nói trong truyện.

6. Gốc: 防务参赞, tiếng Anh: Military Commissioner, dịch nghĩa: Uỷ viên quốc phòng. Tại đây tác giả dùng tên cũ của chức danh Tùy viên quốc phòng (Military attaché) do tính đến thế kỷ 19 thì Uỷ viên quốc phòng vẫn là một chức danh ngang hàng với Tham tán hay Đại biện (Chargé d’affaires). Sau này, khi có Tuỳ viên (Attaché) và chức danh này được phân loại theo các mảng khác nhau như quốc phòng, văn hoá, khoa học, nông nghiệp… thì mới có chức danh Tùy viên quốc phòng như trên.

7. Gốc: 皇家空军柏林基地, tiếng Anh: Royal Air Force Gatow hay RAF Gatow, tiếng Việt: Lực lượng Không quân Hoàng gia tại Gatow. Đây là căn cứ Không quân duy nhất của Anh tại Berlin, ngoài căn cứ này ra thì các căn cứ Không quân khác của Anh đều nằm ở phía Tây Bắc của Đức, sau năm 1993 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc thì quân đội Anh đã rút hết khỏi Đức và trả lại các căn cứ trên cho quân đội Đức tiếp quản.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.