Sau vài ngày lạnh lẽo vì gió mùa, không khí đã trở nên ấm áp hơn dù trời có mưa lâm thâm, đúng phong cách mùa thu Hà Nội. Hạnh đưa hai tay nhấc bổng cậu bé lên, trong hơn hai tháng cô làm việc ở đây, chưa bao giờ cô gặp một đứa trẻ nào dễ thương như vậy. Hạnh đặt cậu bé lên giường rồi nheo nheo mắt lại:
– Nào, cho cô biết, ai là người dũng cảm nhất phòng này?
– Cháu ạ – Cậu bé hơi ưỡn ngực ra.
– Hừm, cô cũng nghe mọi người nói thế, nhưng chưa tin lắm, cháu có gì để chứng minh nào?
Thằng bé hỏi Hạnh cách tốt nhất để nó có thể chiếm được lòng tin của cô, và Hạnh luôn sẵn sàng chia sẻ với cậu.
– Thế này nhé – Hạnh ngồi xuống ghế, đối diện với cậu bé – Người dũng cảm nhất, là người không bao giờ khóc khi bị tiêm cả, Cháu có làm được không nào?
– Cháu có ạ.
– Ừm! Cô có nên tin cháu không nhỉ?
– Có ạ – Cậu bé lại ưỡn ngực ra, mặt ngẩng lên, gương mặt đầy vẻ kiêu hãnh – Cháu là một “chàng trai” biết giữ lời hứa mà.
Hạnh mỉm cười, thằng bé thật đáng yêu.
– À, phải rồi, một chàng trai biết giữ lời hứa, cô tin cháu, rồi cháu sẽ không thấy đau đâu, chỉ như muỗi đốt thôi mà, cháu đã bị muỗi đốt bao giờ chưa?
– Cháu rồi ạ, nhưng như thế thì ngứa lắm cô ạ.
– Sẽ không ngứa đâu, cô hứa đấy.
– Cô hứa nhé.
Hạnh xoa đầu và nói với cậu bé rằng cô chưa bao giờ thất hứa với bất kỳ ai, nhất là với một “chàng trai dũng cảm” như cậu. Cô đẩy lượng không khí có trong kim tiêm ra ngoài, kèm theo một ít Gentamicil phụt ra từ đầu kim như một chiếc vòi rồng nhỏ. Hạnh liếc mắt nhìn thằng bé rồi đâm mũi kim lách vào bó cơ giữa của bắp tay một cách nhanh chóng và khéo léo. Hạnh chậm rãi bơm thuốc rồi rút nhanh mũi kim ra, đưa nó vào máy hủy bơm kim tiêm rồi quay qua cậu bé, lúc này môi vẫn mím chặt, ra vẻ ta đây dũng cảm, trông rất đáng yêu. Công việc đã kết thúc và “hoàn hảo” là từ nên được sử dụng để miêu tả phát tiêm vừa rồi. Chất Gentamicil sẽ nhanh chóng đập tan chứng viêm phế quản đang hành hạ cậu bé.
– Không đau phải không nào?
– Không đau ạ.
– Cháu đúng là một chàng trai biết giữ lời hứa, rất dũng cảm, thậm chí cả chú kia – Hạnh chỉ vào Việt, lúc này đang đứng dựa vào tường, ngón tay cái đưa lên ra dấu thán phục – chú kia cũng không dũng cảm được như cháu, cháu thật là một chàng trai ngoan.
– Cô giáo cháu cũng bảo thế, tuần nào cháu cũng được phiếu bé ngoan đấy, cô có không?
– Dĩ nhiên là cô có chứ, nhưng chắc là không nhiều bằng cháu rồi. Cô trả cháu về cho mẹ cháu nhé, mẹ cháu chắc đang sốt ruột lắm.
Hạnh tiến về phía bàn làm việc, cầm lấy một quả táo chín mọng.
– Phần thưởng cho chàng trai dũng cảm, cháu xứng đáng lắm.
– Cháu cảm ơn cô.
– Ngoan, nhưng bây giờ sắp tới giờ ăn trưa rồi, cháu để sau hãy ăn nhé, không được bỏ bữa. Một chàng trai ngoan còn phải là một chàng trai khỏe mạnh đấy.
– Vâng, cháu biết rồi.
– Nhưng mà nhớ, sau khi ăn thì…
– Phải đánh răng ạ, cô dặn cháu hôm qua rồi.
– Ừ – Hạnh không thể kìm chế nổi, lại bế thằng bé lên, thơm một cái vào má nó, mỉm cười – Cháu thật đáng yêu.
Hạnh bỏ thằng bé xuống, ngắm nhìn bước chân thằng bé lon ton chạy ra cửa, sà vào vòng tay của mẹ đang đợi sẵn. Việt vẫn tựa lưng vào tường, nãy giờ anh chỉ im lặng, ngắm nhìn cô làm việc và mỉm cười.
– Đúng là một chuyên gia Nhi khoa có hạng, tuyệt vời.
– Này, em rất nhẹ dạ trước những lời khen đấy nhé. Anh đến để kiểm tra chuyên môn của em đấy à?
– Còn tùy – Việt lập lờ – Sao em không cho mẹ cậu bé vào phòng? Các bác sỹ khác thường cho mẹ các cháu vào cùng đấy.
– Thường thì khi có mẹ bên cạnh, những đứa trẻ hay làm nũng, và tỏ ra không ngoan. Với lại, nó cũng đã đủ tuổi để không nhất thiết phải có người trông giữ khi tiêm.
– Bài học từ cá nhân em à?
Hạnh tháo khẩu trang xuống.
– Có lẽ thế. Ngày xưa em rất được mẹ chiều.
– Mọi đứa trẻ đều được ba mẹ chiều.
– Thật hạnh phúc khi được chiều chuộng con cái, phải không?
Hạnh cúi xuống cuốn sổ ghi bệnh án, Việt lơ đãng nhìn ra cửa, anh hiểu cô vừa bị chạm vào nỗi đau, anh biết Hạnh rất yêu trẻ, vậy mà cô sẽ không còn cơ hội được làm mẹ.
– Thật ra thì…
– Sếp đến kiểm tra chuyên môn của em phải không ạ? – Hạnh cướp lời, nhìn thẳng vào mắt anh.
– Không hẳn, sao không nghĩ là anh đến để mời em đi ăn nhỉ?
Hạnh tháo găng tay ra, thả vào thùng rác. Việt rút tay ra khỏi túi áo khoác.
– Em luôn đeo găng tay khi làm việc à?
– Vâng!
– Thật ra thì đâu cần phải cẩn thận thế, em biết là nó không lây qua tiếp xúc thông thường mà.
– Em chỉ… ừm, đó cũng là quy định về vệ sinh an toàn lao động ngành y, đúng không sếp?
– Anh thôi, sếp nghe xa xôi quá. Tụi mình là bạn mà, phải không? Đi ăn trưa chứ? Anh mời.
– Có tiện không anh?
– Có sao nào? Chạy qua Nguyễn Chí Thanh, rồi gọi Phan luôn, em đừng sợ cô đơn, Thảo cũng sẽ có mặt, đừng lo tụi anh bắt nạt em nhé.
– Em không sợ cô đơn giữa bọn anh, em chỉ sợ có người không biết giữ lời và nhân cơ hội bắt nạt em thôi.
– Em đang nói ai vậy?
– Có lẽ không phải là anh đâu nhỉ? – Hạnh cười lấp lửng – Tự anh có thấy mình là một chàng trai biết giữ lời hứa không?
– Có chứ – Giọng của Thùy, không biết cô đến tự lúc nào, nhẹ nhàng như một chú Mèo đang rình Chuột – Sếp luôn biết giữ chữ tín, nhất là với các quý cô, phải không ạ?
– À! Hay quá, em đi ăn cùng bọn anh luôn nhé.
Thùy nhìn lướt qua mặt Hạnh, cái nhìn sắc như dao cạo. Hạnh hơi giật mình.
– Thôi ạ, em cũng có hẹn rồi ạ, với lại em không dám làm phiền hai người.
– Coi nào…
– Em lên tầng đây ạ. Cô Hạnh có đôi giày đẹp quá…
Hạnh lại thấy có cái gì vừa lướt qua mặt mình, sắc lẹm và lạnh lẽo. Việt hoàn toàn không biết gì, anh hỏi:
– Em muốn ăn gì nào?
– Cái gì đó đơn giản thôi anh ạ, – Hạnh ngọ nguậy ngón chân trong đôi giày đế bệt đã khá cũ của mình – tốt nhất là để anh Phan, hoặc Thảo chọn, họ giỏi việc này hơn em.
– Trời đất, em đang giao trứng cho Ác đấy.
***
Ở cách đó khoảng 2km, Phan hắt xì một tiếng rõ to, quay sang Thảo:
– Có ai vừa nói xấu anh, em ạ.
– Nói tốt về anh mới lạ – Thảo nháy mắt – chứ nói xấu thì..