Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 32: Đại chiến tiền tịch



Tạ Huyền tiễn Chu Tự đi rồi, lập tức cho gọi Lưu Dụ.

Lưu Dụ bước vào nội đường soái phủ, nhìn thấy chỉ có một mình Tạ Huyền ngồi trầm tư, không cầm được cảm giác vì được ưu ái mà lo sợ.

Chu Tự và Tạ Huyền đàm luận, tất có liên quan đến những tin tức tình báo về Phù Kiên hết sức trân quý, lẽ ra Tạ Huyền phải cùng Tạ Thạch và Tạ Diễm thương nghị, nếu cần tìm người bàn mưu tính kế, cũng phải là Lưu Lao Chi và Hà Khiêm, đâu đến tên phó tướng tép riu như mình.

Tạ Huyền ngước nhìn Lưu Dụ, thấy gã hoảng hoảng hốt hốt thi lễ trước mặt, mỉm cười nói: “Tiểu Dụ ngồi xuống”.

Lưu Dụ ngượng ngùng nói: “Mạt tướng muốn đứng thế này cho dễ chịu một chút”. Tạ Huyền tức cười nói: “Ta bảo ngồi xuống thì cứ ngồi xuống, thoải mái một chút đầu óc mới linh hoạt”.

Lưu Dụ ngồi xuống mé bên, thầm nghĩ Chu Tự vừa rồi cũng ngồi đúng ở chỗ này. Tạ Huyền trầm ngâm một lát, điềm đạm nói: “Chuyện ta phân phó, ngươi tiến hành được đến đâu rồi?”.

Lưu Dụ lập tức mặt mày hớn hở, hưng phấn nói: “Hiện tại ước tính đã làm được chừng hơn vạn bao đá vụn, mỗi bao nặng ba đến bốn chục cân, có thể buộc túm ở trên, nhìn từ bên kia sông rất khó phát giác. Tiểu tướng đã sai người bố trận nhiều phen diễn luyện, chỉ cần một tay giữ khiên mây, để chắn tên đạn của địch, tay kia thò ra phía sau mở dây buộc, bao đá sẽ dễ dàng tuột từ trên lưng xuống sông, bảo đảm thần không hay quỷ không biết”.

Tạ Huyền nhíu mày: “Mang thêm bao đá ba bốn chục cân, hành động thế nào cũng bị ảnh hưởng, bên Phù Kiên cao nhân không thiếu, dưới ánh sáng ban ngày, có thể qua tư thế di động của chúng ta mà coi ra manh mối”.

Lưu Dụ ngớ người nói: “Huyền soái phải chăng nghĩ đến việc tập kích vào ban đêm?”. Tạ Huyền hớn hở: “Trẻ con thật dễ dạy! Chu Tự quay về Thọ Dương gặp Phù Kiên, sẽ mạt sát ta mục hạ vô nhân, vì thắng mà sinh ra kiêu ngạo, không coi Phù Kiên vào đâu. Tạ

Huyền ta đã là loại người này, đương nhiên đêm nay không thể không động tĩnh gì, kiểu gì cũng phải có hành động để khoa trương khiêu khích một chút mới đúng. Nói đi, ngươi cần bao nhiêu người?”.

Lưu Dụ phấn khởi hùng tâm, cố nén hưng phấn, lúng búng nói: “Chuyện này quan hệ trọng đại, cần phải do Lưu tham quân hoặc Hà đại tướng chủ trì, hắc! Tiểu tướng…”.

Tạ Huyền mỉm cười: “Chính vì chuyện quan trọng, cho nên chúng ta tuyệt không thể để đối phương phát giác là chuyện quan trọng, do ngươi cầm quân là thỏa đáng nhất, để cho địch nhân cho đó chỉ là một hành động mang tính quấy rối”.

Lưu Dụ lại phấn khởi hùng tâm, biết Tạ Huyền muốn giành cho mình cơ hội lập công, từ lúc tiếp nhận nhiệm vụ trước đó do Tạ Huyền giao cho, gã đã vắt óc tìm cách thực hiện đến mức tận thiện tận mỹ, tự nghĩ bất kỳ người nào cũng không thể làm tốt hơn. Bèn không do dự, nói: “Mạt tướng chỉ cần ba nghìn bộ binh, chia ba đường vượt sông, mỗi tổ một ngàn người, lén lút mang ba cái thứ có thể lấp đầy lòng sông thêm mấy thước, để kỵ binh bên ta có thể tăng tốc vượt sông. Người của ta sẽ quỵ gối cúi người chỉ vừa đúng đến mặt nước. Trong đêm tối sẽ không lo bị đối phương phát giác. Sau khi làm xong, sẽ trải lên trên các bao đá một lớp bùn cát cùng cành lá khô, nếu từ trên bờ nhìn xuống sông, sẽ không phát hiện được có điểm khác thường”.

Tạ Huyền nói: “Ngươi nghĩ thật chu đáo, không phụ ta đã tin cậy ngươi, hoàn thành nhiệm vụ rồi, người của ngươi có thể về thành nghỉ ngơi, không cần tham dự đại chiến ngày mai, ta sẽ phái một cánh quân khác men theo bờ sông bố trận, ngăn đối phương vượt sông, có thể phát giác điều lạ”.

Lưu Dụ vội nói: “Xin cho thuộc hạ ngày mai theo sau ngựa Huyền soái”. Tạ Huyền cười ha hả: “Sao có thể thiếu phần ngươi được. Đi đi!”.

Lưu Dụ đi ra đầy bụng hoan hỉ, thầm nghĩ cái gọi là đàm tiếu dụng binh, chính là giống như sự điềm đạm ung dung của Tạ Huyền vậy, càng minh bạch khi sớm Tạ Huyền chúc chúng nhân đêm nay ngon giấc, vì chỉ có mình là một tiểu tốt qua sông đảm trách hành động vất vả đêm nay.

“Phanh!”.

Phù Kiên vỗ một chưởng vào lưng ghế, đột ngột giận dữ nói: “Tạ Huyền tiểu tử! Lại dám coi thường Phù Kiên ta, hay là đã chán sống rồi?”.

Chu Tự tay buông thõng, cung thân đứng trước mặt y, nét mặt phẫn uất nói: “Hắn đã thay đổi nhiều quá, bị tiêm nhiễm nặng nề thói hư tật xấu của nam phương thế gia đại tộc, mới thắng một trận nhỏ đã biến thành tự cao tự đại, mục hạ vô nhân, lại còn nói… ài!”.

Phù Kiên trao đổi ánh mắt với Phù Dung ngồi bên, dằn nộ hỏa, trầm giọng nói: “Chu khanh hãy thuật lại không sót một lời cho trẫm”.

Chu Tự nói: “Tạ Huyền lời lẽ điên rồ, nói sẽ tuyệt không để Thiên Vương còn sống trở về phương bắc, chỉ cần hắn cắt đứt đường tiếp tế giữa Biên Hoang Tập và Thọ Dương trấn, quân ta sẽ không quá ba ngày là hết lương thảo, lại muốn vi thần quy hàng hắn, vi thần đã dùng lời lẽ đàng hoàng từ chối”.

Phù Dung lạnh lùng nói: “Đó không hoàn toàn có thể coi là cuồng ngôn, chúng ta cần bố trí lại, bằng không không chừng lời hắn có thể thành sự thực”.

Chu Tự thầm nghĩ Phù Dung rõ ràng nắm chắc tình huống hiện thời hơn huynh trưởng của y nhiều, kế hoạch nguyên là một mặt vây khốn Thọ Dương, mặt khác dùng quân của Lương Thành phong tỏa đường sông, tiến lên áp chế Hạp Thạch thành. Hiện tại Thọ Dương không đánh mà được, nhưng lại là một tòa thành không, ngược lại còn phải tốn vào đấy rất nhiều quân tướng, tệ hơn nữa là quân Lương Thành bị thất bại, bình phong chướng ngại phía đông mất đi, đối phương có thể dùng thuyền mau lẹ vận chuyển binh lính, chặn đánh đường vận chuyển lương thảo thủy lục lưỡng lộ, cắt đứt liên lạc giữa Thọ Dương và Biên Hoang Tập. Hơn hai chục vạn người sẽ thiếu lương trầm trọng. Hiện tại lương thảo dự trữ ở Thọ Dương chỉ đủ chi dụng trong vài ngày, vì vậy Tạ Huyền dùng hư ngôn dọa dẫm mới có hiệu quả cao.

Sắc mặt Phù Kiên biến thành rất khó coi.

Chu Tự nói: “Đấy chỉ là một phần lời hắn nói, hắn còn nói ngày mai sẽ đưa quân vượt sông, đánh cho quân ta không còn một manh giáp”.

Phù Kiên không những không giận mà lại cười nói: “Đồ thỏ đế! Thực có đảm lượng đó sao”.

Phù Dung nhíu mày nói: “Tạ Huyền mà là người nóng nảy hấp tấp sao? Bên trong nhất định có điều giả trá”.

Chu Tự nói: “Theo vi thần thấy, Tạ Huyền đích thị dùng kế dương đông kích tây, tuy nhiên nếu để hắn tại bắc Hoài Thủy kiến lập cứ điểm, đúng là có thể cắt đứt liên hệ giữa

quân ta với Biên Hoang Tập, lại có thể cản trở quân ta lần nữa theo hạ du Hoài Thủy qua sông”.

Phù Dung gật đầu nói: “Chu tướng quân nói rất có lý, bất quá luận thực lực bên ta hơn bọn chúng nhiều, làm sao để chúng muốn làm gì thì làm”.

Chu Tự nói: “Nếu Tạ Huyền ngày mai dám vượt sông tấn công, chúng ta nên ứng phó thế nào?”.

Phù Kiên tàn nhẫn nói: “Vậy thì ta sẽ phải khiến cho hắn thây chìm đáy sông, không để một người nào sống sót trở về Hạp Thạch”.

Phù Dung thầm biết Phù Kiên hết sức căm giận Tạ Huyền, bất quá không dám khuyên Phù Kiên co cụm không ra, bằng không với hơn hai mươi vạn đại quân tung hoành phương bắc lần này nam chinh, mà lại không dám chính diện hoàn kích Bắc Phủ binh không đến mười vạn, chẳng những để cho thiên hạ chê cười, mà còn rất ảnh hưởng đến đại quân Đê Tần đã từng thất bại trận đầu.

Chu Tự còn đang muốn nói, bỗng nhiên một hồi trống trận ầm ầm từ mé bờ sông truyền lại.

Phù Kiên nổi giận bật dậy hét to: “Quả thực khinh ta không có người sao, Tạ Huyền tiểu tử! Phù Kiên ta nguyện khiến ngươi phải hối hận về từng câu nói”.

Phù Dung hoang mang đứng lên nói: “Thiên Vương xin chớ vì thứ người không biết trời cao đất dày ấy mà nổi giận, đệ coi đây chỉ là hành động hư trương thanh thế để gây nhiễu loạn thôi, để đệ ứng phó là được”.

Chu Tự vội cúi đầu xuống, không để hai người thấy thần sắc vui mừng ánh lên trong đáy mắt.

Yến Phi ngã ngồi xuống khoảnh đất trong rừng, thở hổn hển mấy hơi, toàn thân lạnh lẽo, rất đỗi khó nói có chỗ nào không ổn, chẳng biết cảm giác khó chịu gốc gác từ đâu.

Chàng nhớ lại hồi nãy Từ Đạo Phúc và Lư Tuần đối đáp với nhau, thầm kêu bất hảo. Chàng vì chuyện phải vội tới Hạp Thạch thành cảnh cáo Lưu Dụ, toàn lực phi thân, âm hàn chân khí của Nhậm Dao nhân cơ hội khuếch tán đến toàn thân kinh mạch, như vậy lại càng khó khu trừ, khiến hiện giờ chàng có cảm giác ghê ghê đáng sợ.

Trên đầu bầu trời đêm tinh đẩu giăng đầy, tráng lệ mê người.

Yến Phi lặng lẽ vận Nhật Nguyệt Lệ Thiên đại pháp, bên trong thân thể nhật nguyệt tương giao, một lát sau cảm giác giá lạnh từ từ thuyên giảm, tựa như đã phục nguyên, nhưng Yến Phi biết rõ đó chỉ là miễn cưỡng ép giảm nội thương, khoảng cách tới trạng thái chân chính hồi phục vẫn xa tít tắp.

Chàng là người thoải mái, không hề để tâm đến thương thế, thầm nghĩ nếu vận mệnh phải như thế, thì cũng vui vẻ nhận mệnh.

Trong thời khắc đêm đen tĩnh mịch này, tâm linh hết sức êm đềm. Từ lúc mới bắt đầu cuộc sống lưu lãng tới giờ, chàng chỉ toàn hưởng thụ cuộc sống cô đơn tịch mịch. Chỉ những có lúc một mình, chàng mới thể nghiệm rõ sự tồn tại của bản thân, cảm thấy tự bản thân cùng trời đất có những quan hệ vi diệu bí ẩn không cách gì hiểu thấu, có thể từ những góc độ mênh mông vô hạn mà trải nghiệm cuộc đời kỳ dị này.

Trong khi đại đa số mọi người trầm mê trong buồn vui tủi hận, tranh quyền đoạt lợi của thế gian, chàng lại vượt hẳn ra ngoài tất cả những cảm giác đó.

Sau khi giết chết Mộ Dung Văn, chàng trải qua một đoạn hồi ức bi ai sanh ra do luyến ái nam nữ, đau thương cùng cực, trốn khỏi Trường An, cuộc sống đang tràn ngập ánh dương quang đã lặng lẽ khuất dần trong bóng tối, đến tận khi Phù Kiên nam lai, tất cả mới thay đổi.

Nàng hiện tại có được sống khoái lạc hay không? Ở chốn sâu thẳm trong tâm hồn nàng, còn có hình bóng mình hay không?

Trước đây mỗi lúc tưởng nhớ tới nàng, trong tim lại dâng lên cuồn cuộn nỗi buồn thương mất mát không tên, nhưng trong thời khắc này, chàng chỉ là một cá thể cô độc bơ vơ, mơ về một thế giới thân thương bên ngoài trời đất, để gã trao trọn nỗi cô tịch của mình.

Cho dù thương nhớ khổ sở thì làm sao?

Tất cả đã không thể vãn hồi được hiện thực rắn như sắt thép.

Yến Phi rất muốn như thế không gì thay đổi: không gì dính dáng đến mình, vĩnh viễn không cần ly khai, cùng với thiên địa vạn vật hòa thành một khối. Nhưng lại biết bản thân mình đã bị cuốn sâu vào dòng xoáy của thời đại, hoàn toàn không thể duy trì tác phong hành sự coi mọi chuyện không liên quan gì đến mình xưa nay nữa.

Bèn thở dài, chậm rãi đứng lên, tiếp tục hành trình về phía nam.

Tạ Huyền đứng sừng sững trên đầu tường Hạp Thạch thành, chăm chú quan sát tình hình bên đối ngạn, cuộc vượt sông dạ tập chỉ vừa mới bắt đầu sôi động, địch nhân xuất động gần vạn bộ binh, dùng cung tên bắn chặn quân lính đang vượt qua sông.

Trước khi bỏ Thọ Dương, Tạ Huyền đã lệnh cho Hồ Bân dọc theo Phì Thủy xây dựng các công sự phòng ngự, lũy đá, đường hào tránh tên, vọng gác, khi bên địch mới lấy được Thọ Dương, mọi việc còn chưa ổn định, Tạ Huyền đã đem nhiều tiễn thủ và máy bắn đá bố trí tại những vị trí trọng yếu bên đông ngạn, vì vậy đến lúc này Phì Thủy vẫn hoàn toàn bị khống chế bởi Bắc Phủ binh, chỉ có họ mới có thể vượt sông công kích, bên Phù Kiên chỉ có thể bị động chống trả.

Đương nhiên sau khi Tần binh đã ổn định thế trận, có thể bằng binh lực áp đảo tranh chấp quyền thao túng Phì Thủy, tuy nhiên tuyệt không phải là đêm nay, cũng không phải chuyện ngày mai.

Khoảng cách hai ba mươi trượng mặt nước biến thành yếu tố quan trọng quyết định thắng phụ.

Lưu Dụ tiểu tử này quả thực tiền đồ vô hạn lượng, chỉ coi gã chỉ huy dạ tập, tuy biết rõ chỉ là hư trương thanh thế mà vẫn không chút tùy tiện, tiến hành công phu, tiến công thoái thủ đều rất có pháp độ.

Ba hàng quân đầu đều mang khiên mây, dưới sự yểm hộ của máy bắn đá và xạ tiễn từ phía đông ngạn, xông lên quá giữa sông, từng hàng từng hàng nhất tề từ phía sau khiên mây nhằm lên cao xạ tiễn, tuy xen lẫn có thương vong, vẫn khiến địch nhân tổn thất khá nặng.

Binh lính lưng mang bao đá theo mệnh lệnh vượt sông, dưới sự che chắn của tấm thuẫn bài tiến hành nhiệm vụ, những người quen thủy tính lặn xuống đáy, di chuyển bao đá đến những vị trí thích hợp, nhất thiết lặng lẽ mà làm.

Một cánh quân khác từ chỗ khác vượt sông tiến công, khiến địch nhân không phát hiện được quân mình đang âm thầm tiến hành công việc.

Nhưng những suy tưởng trong đầu Tạ Huyền lại không liên quan gì đến trận chiến trước mắt.

Ông vừa nhận được bồ câu đưa thư từ Kiến Khang, biết tin về cái chết của Hoàn Xung, lại ngủ không được, bèn lên tường thành quan chiến. Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

Từng cơn gió lạnh từ tây bắc ào ào thổi tới, tay áo bay tung, càng thể nghiệm hơn gian khổ của chiến sĩ đang vượt sông.

Hoàn Xung là người ông tôn kính nhất ngoài Tạ An, nếu không có ông ta giúp Tạ An, Nam Tấn không thể có cục diện hưng thịnh nhất kể từ khi nam độ tới nay.

Con người chí công vô tư ấy, cuối cùng lại nhằm đúng thời khắc không thích hợp nhất nhắm mắt ra đi mãi, đối với đại Tấn mà nói, là một tổn thất không gì bù đắp nổi. Thực tại quả thật cũng hơi quá trùng hợp.

Em trai Hoàn Xung là Hoàn Huyền, lại đặc biệt là người mà ông và Tạ An cố kỵ nhất, người này chẳng những kiếm pháp cái thế, mà còn là thống soái tung hoành vô địch, tài dụng binh của hắn, chỉ sợ còn hơn Hoàn Xung.

Bốn năm trước, khi Chu Tự binh bại đầu hàng, Tương Dương thất thủ, Hoàn Xung đã dùng Hoàn Huyền làm phó soái, phát động phản kích, mang mười vạn quân Kinh Châu, chia ra nhiều đường. Hoàn Huyền công Tương Dương, Lưu Ba công các thành mạn bắc, Dương Lượng công Thục, Quách Thuyên công Võ Đương. Quân Kinh Châu hạ nhiều thành trì, chấn động phương bắc, hoàn toàn nhờ Mộ Dung Thùy, Diêu Trường cố chết giữ được Tương Dương.

Chuyện này trực tiếp thúc đẩy cuộc chiến nam chinh của Phù Kiên, nếu để Tương Dương trở lại vào tay quân Kinh Châu, Phù Kiên sẽ không có cách nào kềm chế quân Kinh Châu anh dũng thiện chiến, lại có Hoàn Huyền và Hoàn Xung tài năng siêu trác lãnh đạo.

Trong chiến dịch này, Hoàn Huyền đã biểu hiện đầy đủ tài năng thống soái của y, trở thành một viên đại tướng trẻ duy nhất có thể cùng Tạ Huyền ông đàm luận các vấn đề.

Hoàn Huyền trường kỳ tương trợ thân huynh xử lý quân chính Kinh Châu, lại có ý chiêu nạp thế tộc hào môn bản địa, với thế lực ở Kinh Châu thâm căn cố đế, đối với triều đình ở Kiến Khang Dương Châu có tâm ý muốn bài xích, nếu không có Hoàn Xung ra sức giúp đỡ triều đình, Kinh, Dương đã sớm có nội loạn.

Hiện tại Hoàn Xung đã mất, cây đại thụ đã ngã xuống, nhất định khó mà duy trì tương quan cũ. Kinh, Dương phân hay hợp, hoàn toàn do nhất niệm của Hoàn Huyền, Hoàn Huyền đã trở thành nguyên nhân của họa hoạn trong tương lai.

Quan hệ Kinh Dương tan vỡ, tạo điều kiện cho Tôn Ân với căn cứ địa ở Hải Nam có cơ hội thừa nước đục thả câu, chỉ cần coi Lư Tuần dám cả gan hành thích Hồ Bân, có thể thấy Thiên Sư đạo với thế lực hùng mạnh không để Nam triều trong mắt.

Cho dù trận này thắng lợi, đánh lui Phù Kiên, tương lai vẫn là thù trong giặc ngoài, không thể lạc quan được.

Tâm trí Tạ Huyền lại quay về địch quân cách sông đối kháng.

Trận chiến này thành hay bại, cũng ở đại chiến ngày mai quyết định. Nếu Phù Kiên án binh bất động, tử thủ ở Thọ Dương, ông coi như thua trận này, cũng như thua mất luôn giang sơn Nam Tấn.

Bất quá ông cảm thấy rõ Phù Kiên tuyệt không chịu co đầu rụt cổ, chưa nói chuyện ông mượn tay Chu Tự thi hành kế khích tướng, mà chủ yếu do tâm tính người Hồ hiếu võ và coi trọng sĩ diện.

Phù Kiên mang đại quân nam lai, thực lực gấp bội Bắc Phủ binh, trận đầu đã thất lợi, đại tổn uy phong, nếu lại ở cái vùng Phì Thủy nhỏ bé để cho Bắc Phủ binh dọa khiếp không dám nghênh chiến thì uy danh để đâu? Phù Kiên không thể không ứng chiến, vì y so với mình lòng cầu thắng còn mạnh hơn nhiều, huống chi chỉ cần Phù Kiên tranh được bình thủ, y cũng đã có thể vãn hồi sĩ khí Đê Tần quân.

Lưu Lao Chi lúc này cũng trèo lên thành lâu, tiến đến bên, vui mừng nói: “Tiểu tử Lưu Dụ này xác thực là một nhân tài khó gặp”.

Tạ Huyền không đáp lời hắn trực tiếp, vừa nói vừa cười: “Lao Chi ngủ không được sao?”.

Lưu Lao Chi cười khổ: “Kiểu nào cũng không nhắm mắt được”.

Trong Bắc Phủ quân, Tạ Huyền là người duy nhất hắn có thể dốc bầu tâm sự, nói năng thoải mái, hắn đối với ông tuyệt đối tín nhiệm, tuyệt đối sùng kính.

Tạ Huyền bỗng nhiên thay đổi đề tài, nói: “Chu Tự chỉ có một yêu cầu sau khi thành sự, ngươi bảo là chuyện gì nào?”.

Lưu Lao Chi ngạc nhiên, gượng suy nghĩ một lúc, lắc đầu nói: “Thứ cho Lao Chi ngu xuẩn”.

Tạ Huyền để lộ thần tình cay đắng, chậm rãi nói: “Yêu cầu của ông ta là được giải trừ quân tịch, cho làm thứ dân”.

Từ thời Tam Quốc trở lại, chiến sự liên miên, gia đình binh lính thảy đều vì kẻ thống trị đổ máu hy sinh, gánh vác lao dịch đủ thứ, người nhà cũng không ngoại lệ. Nếu một khi đã bị ghi vào quân tịch, muốn được trở lại làm thường dân cũng khó như lên trời. Binh lính ở tầng lớp dưới lại càng “làm lính sống thời khốn khổ, không được ấm no, chết đi thời hài cốt bị vứt bỏ không ai đưa về”, thậm chí có người còn bị thượng cấp vì tiền tài hại mệnh, “kẻ lại binh1 nhà giàu, cũng là kẻ giết người vì tài vật”, hay là “thâu thì đủ, cấp thì dối, sức thì bị vắt kiệt, y phục thì thiếu thốn, dùng thì đến nơi đến chốn, ăn thì tiết kiệm, liên miên đông qua hè tới, bệnh tật khổ đau càng nhiều, chết nơi ngòi rãnh mười phần có đến bảy tám, ‘vì thế’ lính thú khổ cực, lòng không quên loạn”.

Như Chu Tự thuộc hàng danh môn đại tướng, đương nhiên không lo bị bóc lột, mà chính là sợ triều đình khắc bạc vô ơn, điểu tận cung tàng. Chính vì vậy Lưu Lao Chi nghe yêu cầu của Chu Tự, cũng bất giác sinh cảm khái như vật thương đồng loại.

Chu Tự lần này lập đại công, bèn thừa cơ yêu cầu miễn trừ quân tịch, đúng là một hành động không kém sáng suốt.

Tạ Huyền trầm giọng nói: “Lao Chi tiến cử Tiểu Dụ, ta rất đồng ý, tiểu tử này thực sự là trời sinh để làm quân nhân, chỉ có ở trong quân mới giống như cá gặp nước, đấy chính là bất đồng giữa gã với ta, nếu không giống như chọn lựa của ta, ta sẽ trở về hẻm Ô Y sống một cuộc đời phong lưu với thơ và rượu. Câu chuyện này chỉ hạn chế giữa ta và ngươi biết. Ta không tiện trực tiếp dìu dắt Lưu Dụ, mọi việc giao ngươi phụ trách, tương lai gã nhất định sẽ giúp được ngươi rất nhiều. Ta không muốn gã vì ta mà bị trong quân hoặc triều đình bài xích đố kỵ”.

Lưu Lao Chi hiểu rõ, gật đầu đáp ứng.

Tạ Huyền nhìn sang bờ đối diện, điềm đạm nói: “Ngày mai là cơ hội duy nhất để chúng ta chiến thắng Phù Kiên, vì vậy chỉ có thẳng tiến không lui, đặt sinh tử ra ngoài”.

Lưu Lao Chi gật đầu khẳng định: “Hiện tại địch nhân thế trận chưa ổn, lương thảo thiếu thốn, lại thêm trận đầu thất bại, sĩ khí suy giảm, đường xa mỏi mệt, xa rời quê hương, người ngựa kiệt sức, sức chiến đấu giảm sút cùng kiệt, nếu ngày mai không nắm được thời cơ ngàn năm này, từ sau trở đi tình thế sẽ khác hẳn”.

Tạ Huyền lộ ra một nét cười đầy tự tin nói: “Bất chấp Phù Kiên có tài nhảy nhót ra sao, cũng không thể qua khỏi bàn tay ta được. Ngày mai sẽ là ngày tàn của Đê Tần bọn hắn, chúng ta phải sẵn sàng đối phó những phản ứng sau khi binh bại của bọn chúng, ngàn vạn không được để lỡ mất cơ hội tốt”.

Từ Phì Thủy những tiếng hô sát vẫn vang lên đây đó, trống trận ầm ầm, dấy động những âm hưởng trong khúc dạo đầu của một trường đại quyết chiến.

———–

1 Chức quan nhỏ trong quân.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.