Bích Huyết Kiếm

Chương 14: Kỳ lỗ đạo tặc. Yến vân bầu bá chủ



Trưa ngày hôm sau, Thừa Chí sai Hồng Thắng Hải sang nhà họ Tiêu mời La Lập Như. Tuy vết thương đứt cánh tay chưa liền da, hay tin Thừa Chí cho gọi, Lập Như cả mừng nhờ người cõng sang luôn.

Thừa Chí đem pho đao sử dụng bằng cánh tay trái giảng giải rất kỹ lưỡng cho La Lập Như nghe. Vốn có sẵn căn bản võ công, lại thêm được Thừa Chí dạy bảo rất kỹ lưỡng liên tiếp trong mười ngày, La Lập Như đều thuộc lòng tất cả các thế. Chỉ chờ vết thương lành mạnh là y có thể luyện tập được. Pho đao pháp này là Thừa Chí học được trong Kim Xà bí kíp, khác hẳn những đao pháp sử dụng bằng tay trái của giang hồ vẫn lưu truyền, thế nào cũng hiểm, miếng nào cũng nhanh, quả thật lợi hại vô cùng. Trả xong món nợ đó, Thừa Chí mới yên lòng, liền cho thuê mười mấy chiếc xe lớn để chuẩn bị lên đường vào kinh.

Cha con Tiêu Công Lễ và tất cả môn đồ thết một bữa tiệc rất linh đình để tiễn chân. Trước khi đi, Thừa Chí nhờ Tiêu Công Lễ cố kiếm ra chỗ ở của Mẫn Tử Hoa để trao trả căn nhà, Tiêu Công Lễ vui vẻ nhận lời. Còn bọn Hán gian Trường Bạch tam anh giao cho nhà chức trách trừng trị. Ngày hôm đó, trời quang mây tạnh, gió Thu mát mẻ. Thừa Chí, Thanh Thanh, chàng Câm, Hồng Thắng Hải một bọn bốn người áp mười mấy chiếc xe thủng thẳng lên đường tiến về phía Bắc. Cha con Tiêu Công Lễ và các đệ tử tiễn qua sông Trường Giang, còn theo chân thêm ba mươi dặm đường nữa mới từ biệt quay trở lại. Bên Bắc Ngạn Trường Giang này, vẫn còn là trong phạm vi dưới thế lực chi phối của bang Kim Long. Vì được lịnh của Tiêu Công Lễ cho hay trước, các môn đồ của bang Kim Long ở những nhà trạm, bến tàu, hay khách sạn đều tiếp đón bọn Thừa Chí một cách ân cần.

Đi được mười mấy ngày, vào tới biên giới tỉnh Sơn Đông, Hồng Thắng Hải nói:

– Viên đại gia, nơi đây không phải là địa giới của bang Kim Long. Bắt đầu từ ngày hôm nay chúng ta phải cẩn thận đề phòng mới được.

Thanh Thanh nói:

– Anh nói gì? Ai lại dám vuốt râu cọp như vậy?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Hiện giờ, thiên hạ giặc giã nổi lên như châu chấu, tỉnh Sơn Đông này lại còn nhiều hơn các tỉnh khác và có hai bang rất lợi hại.

Thanh Thanh nói:

– Một bang là phái Bột Hải của các anh chớ gì?

Hồng Thắng Hải cười nói:

– Phái Bột Hải chúng tôi chuyên kiếm ăn trên mặt bể. Còn những thứ ở trên bờ, dù là vàng bạc châu báu vứt đầy đường, chúng tôi cũng không thèm nhặt.

Thừa Chí hỏi:

– Vậy hai bang nào mạnh nhứt tỉnh Sơn Đông này?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Một bang là Thương Châu Chữ Rồng Liễu với các bộ hạ của Chữ đại gia.

Thừa Chí gật đầu nói:

– Tôi đã nghe sư phụ nói qua. Chữ đại gia nổi tiếng ở giang hồ có “Thiết Sa chưởng” và “Thái Tổ Côn.”

Hồng Thắng Hải nói:

– Đại gia nói đúng đấy. Còn một bang nữa, khai sơn lập trại ở ác Hổ Đầu. Sáu vị Trại chủ đều là những hảo hán võ nghệ cao cường.

Thừa Chí gật đầu nói:

– Từ nay trở đi chúng ta cẩn thận. Mỗi đêm lần lượt phái một người canh gác.

Lại đi được hai ngày. Lúc vào giữa trưa, bỗng nghe thấy tiếng chuông ở đằng xa đưa tới. Phía trước mặt có hai người cỡi ngựa phi tới, chạy sát cạnh mọi người, phóng thẳng. Là tay lão giang hồ giàu kinh nghiệm hơn, Hồng Thắng Hải liền nói:

– Cái trò ấy đã tới đấy.

Y biết võ nghệ của Thừa Chí cực cao siêu, và mình cũng không phải là tay thường, không coi mấy tên giặc cỏ vào đâu. Độ một tiếng sau, hai người cỡi ngựa kia lại quay trở lại, rồi lại phóng về phía đằng trước, lúc qua cạnh xe, chúng cứ đưa mắt vào trong xe. Thanh Thanh chỉ cười nhạt.

Hồng Thắng Hải lại nói:

– Chỉ đi độ mười dặm nữa, thể nào cũng có cường đạo ra cản đường.

Ngờ đâu, đi hơn mười dặm mà vẫn bình yên vô sự. Tối hôm đó, nghỉ chân ở Song Thạch phố, Hồng Thắng Hải tắc lưỡi lấy làm lạ và nói:

– Chẳng lẽ đôi mắt lão giang hồ cuả tôi lại trông nhầm hay sao?

Ngày hôm sau lại lên đường đi, chưa đầy năm dặm, trông thấy bốn người cỡi ngựa theo sau rất xa.

Hồng Thắng Hải nói:

– Phải rồi, bọn chúng hôm qua chưa rủ đủ người, mới để yên cho chúng ta như vậy, nhưng ngày hôm nay thể nào cũng có chuyện xảy ra.

Giữa trưa, nghỉ ngơi ăn uống xong, trong khi đi đường lại có hai người cỡi ngựa đến dò la thám thính.

Hồng Thắng Hải nói:

– Lạ thật, xưa nay bọn lục lâm dò là thám thính không bao giờ lại phái nhiều người và hành động nhiều lần như thế này.

Đi được nửa ngày, lại thấy hai người cỡi ngựa phóng qua. Thừa Chí và Thanh Thanh không thạo gì về mọi sự của giang hồ, thấy nhiều người cỡi ngựa chạy đi phóng lại, biết rõ là chúng dòm ngó những hòm châu báu của mình. Nhưng tại sao chúng lại chạy đi, chạy lại nhộn nhịp như thế làm gì?

Hồng Thắng Hải bỗng nói:

– Phải rồi! Viên tướng công đêm hôm nay chúng ta thể nào cũng phải đến thị trấn lớn mà nghỉ ngơi.

Thừa Chí hỏi:

– Tại sao vậy?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Những người theo dõi chúng ta đây, ít nhứt là người của mấy trại.

Thanh Thanh hỏi:

– Thật không? Có mấy Trại chủ đã vừa món hàng này rồi đấy à?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Cứ mỗi một trại chúng phái hai người. Vậy từ hôm nọ đến nay tôi tính ra bảy trại rồi.

Thanh Thanh nói:

– Như thế thì cũng vui đấy nhỉ?

Hồng Thắng Hải nghiêm nét mặt nói:

– Tiểu thơ, tục ngữ có câu: “Nhứt hổ nan địch quần hổ.” Mình tuy không sợ chúng, nhưng vì hòm xiểng nhiều quá, muốn bảo vệ không mất mát, cũng phải tốn công lắm mới được.

Thừa Chí gật đầu nói:

– Anh nói rất phải, tối nay chúng trú ngụ ở Thạch Giao, dù đi thêm vài chục dặm còn hơn.

Khi tới trấn Thạch Giao vào trọ tại một khách sạn lớn. Thừa Chí cho khuân hết cả mười chiếc hòm sắt vào trong phòng mình. Chàng cùng chàng Câm ở chung một phòng. Các hòm sắt vừa khuân vào trong phòng xong bỗng thấy hai tên đại hán ở ngoài đi vào đưa mắt nhìn Thừa Chí, rồi mới hỏi phổ ky thuê phòng. Vài phút sau, lại có hai tên đại hán khác tới thuê phòng. Thấy vậy, Thừa Chí đã nghĩ cách đối phó liền.

Cơm tối xong, ai nấy trở về phòng nghỉ ngơi. Ngủ đến nửa đêm nghe thấy trên mái nhà có tiếng động, biết là bọn giặc đã tới.

Thừa Chí ngồi dậy thắp nến trong phòng sáng choang rồi mở hòm sắt, lấy một gói lớn, trong có trân châu, bảo thạch, phỉ thúy, mã não,⬦

Dưới ánh sáng của cây nến, các bảo vật tỏa chiếu hào quang ngũ sắc. Chàng vừa lau chùi vừa ngắm nghía. Bỗng nghe thấy ngoài cửa sổ có tiếng động nho nhỏ, chàng liếc mắt nhìn, thấy khe cửa có rất nhiều con mắt đen ngó vào.

Lúc này, Hồng Thắng Hải đã nghe thấy tiếng động, không yên tâm liền sang phòng Thừa Chí xem xét, đi gần tới nơi, mười mấy tên thám tử của bọn giặc đều ẩn khuất ngay. Hồng Thắng Hải mỉm cười, khẽ gõ cửa phòng Thừa Chí mấy cái.

Thừa Chí nói:

– Cứ vào.

Hồng Thắng Hải khẽ đẩy, cánh cửa mở liền thì ra cửa không cài then. Y bước vào trong phòng thấy trong phòng châu báu hào quang chói lọi, lóa cả mắt. Ngẩn người giây lát, y mới đến cạnh bàn, thấy trên bàn những hạt trân châu to tướng bằng đầu ngón tay, những cành san hô dài hơn thước. Những bảo thạch, và bích ngọc đều là những thứ vô giá. Hồng Thắng Hải lúc đầu tưởng trong mười cái hòm sắt chứa đầy bạc nên mới khiến nhiều bọn giặc lớn để ý đến như vậy, chớ y có ngờ đâu trong đó lại chứa đầy những châu báu vô giá như thế. Y bước chân vào giang hồ đã lâu năm, kiến thức cũng khá nhiều rồi nhưng y chưa hề trong thấy những bảo vật quý giá như thế này bao giờ, không hiểu Viên công lấy ở đâu ra, mà lại có nhiều đến như vậy, đi tới cạnh Thừa Chí, khẽ hỏi:

– Viên tướng công để tôi cất những vật báu này đi nhé! Bên ngoài có người dòm ngó đấy.

Thừa Chí cũng khẽ nói:

– Tôi lấy ra đây cốt để cho chúng trông thấy đấy.

Vừa nói chàng vừa tới cạnh bàn cầm một chuỗi trân châu lên và nói:

– Anh thử đoán xem vào trong kinh, chuỗi trân châu này có thể bán được bao nhiêu tiền?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Vấn đề này tiểu nhân không được rõ lắm.

Thừa Chí lại nói:

– Tôi định bán mỗi hạt ít nhứt là ba trăm lạng. Chuỗi này có tất cả hai mươi bốn hạt.

Hồng Thắng Hải nói:

– Nếu vậy có thể bán được một vạn lạng đấy.

Thừa Chí hỏi:

– Tại sao anh lại bảo bán được một vạn lạng?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Thưa Tướng công, vì chuỗi hạt này to và tròn đều cả như thế này rất hiếm, lại thêm màu sắc đẹp đẽ. Thật khó mà kiếm được một chuỗi khác giống như thế. Cho nên tiểu nhân mới nói có thể bán được một vạn lạng như vậy.

Bọn giặc đứng dòm ngó bên ngoài đều nghe hết lời nói của hai người. Lòng tham xúi dục, tên nào tên nấy chỉ muốn nhảy ngay có lịnh, món hàng này có nhiều sơn trại muốn nhúng tay vào, vậy phải chờ tất cả thủ lãnh bàn định xong, mới ra tay hành động, để khỏi mất hòa khí với nhau.

Chúng dòm ngó một lúc, rồi tên nào tên nấy trở về báo cáo cho thủ lãnh mình hay.

Biết chúng đã đi rồi, Thừa Chí cả cười một hồi, xua tay bảo Hồng Thắng Hải về phòng ngủ. Chàng vẫn để nguyên những châu báu trên bàn mà đi ngủ.

Lại đi được hai ngày đường nữa, đã đến địa giới Tế Nam phủ, bọn giặc theo dõi Thừa Chí càng ngày càng nhiều. Cậy có Thừa Chí võ nghệ siêu quần và mình cũng không đến nỗi kém người, lúc đầu Hồng Thắng Hải ung dung không sợ hãi gì cả, nhưng bây giờ càng ngày càng thấy bọn giặc theo dõi nhiều và không thấy chúng ra tay, không biết chúng định âm mưu gì, trong lòng bắt đầu hoảng sợ. Y liền đề nghị với Thừa Chí đi đường bể thì an toàn hơn và cam đoan không có chuyện gì xảy ra.

Thừa Chí cười nói:

– Tôi định dùng món châu báu này để kết nạp các anh hùng hào kiệt, dù có mất hết cũng không sao. Tiền tài là thân ngoại chi vật. Chúng ta cần phải để nhân nghĩa lên trên hết.

Hồng Thắng Hải thấy chàng nói như vậy không tiện khuyên nữa. Ngày hôm đó đi tới thành Vũ, vào khách sạn nghỉ ngơi, Thanh Thanh tánh ưa hoạt động, một mình vào trong thành du lâm. Thừa Chí nghĩ thầm: “Có không biết bao nhiêu đôi mắt dòm ngó những châu báu này, ta chỉ sơ xuất một tí là xảy ra chuyện ngay.”

Vì vậy, chàng với chàng Câm hai người không dám rời khỏi khách sạn. Một giờ sau, Thanh Thanh hớn hở trở về, mỗi tay cầm một cái lồng tre nhỏ, mỗi lồng có một con dế, kêu “chích, chích” nhức cả tai. Nàng biếu một con cho Thừa Chí và nói:

– Mỗi con em mua hai mươi tiền đấy. Anh treo ở trong màn, đêm đến nó kêu nghe thú lắm.

Thừa Chí vui cười đỡ lấy rồi chàng bỗng vừa cười vừa hỏi:

– Ở ngoài phố chú có gặp thấy ai không?

Thanh Thanh ngạc nhiên nói:

– Không, anh hỏi gặp ai cơ chứ?

Thừa Chí nói:

– Lưng chú đã bị người ta đánh dấu vết, chú có biết không?

Thanh Thanh vội chạy về phòng mình cởi áo ngoài ra xem, quả nhiên trông thấy phía sau lưng có một cái vòng viết bằng phấn trắng. Nàng đoán chắc lúc mải mua dế, bị người ta vẽ mà không biết. Vừa xấu hổ, vừa tức giận, nàng nói vói Thừa Chí rằng:

– Anh đi bắt tên đó về cho em đánh nó một trận.

Thừa Chí cười nói:

– Tôi biết đi đâu tìm bây giờ?

Thanh Thanh nghĩ giây lát rồi bỗng nói:

– Bây giờ anh đi dạo phố, giả bộ khờ khạo không để ý⬦

Thừa Chí vội cướp lời nói rằng:

– Bắt chước hình dạng của chú hồi nãy sẽ có người đến vẽ vào lưng tôi phải không?

Thanh Thanh cười nói:

– Phải đấy, anh đi mau đi.

Không thể thoái thác được, Thừa Chí dặn nàng và Hồng Thắng Hải cẩn thận trông coi những hòm xiểng rồi ung dung ra đi.

Thành Vũ là một thành phố náo nhiệt, kẻ tới người đi lại vốn chen chúc. Vừa ra khỏi cửa phòng đã có một người rón rén theo sau. Thừa Chí nghĩ thầm: “Giỏi thật, chúng bay ngày càng táo gan, không những theo dõi tài báu của chúng ta và con theo dõi từng người một. Nhưng chúng viết cái vòng trắng vào lưng chú Thanh để làm gì? Chúng nó làm như vậy có khác gì bảo cho chúng ta đề phòng trước?”

Nghĩ ngợi giây phút, chàng đã hiểu dụng ý của chúng rồi, liền nghĩ: “Có lẽ là một nhóm nào muốn độc chiếm nên chúng đánh dấu vào người, vào xe của chúng ta để cho những nhóm khác biết để đừng có nhúng tay vào.”

Nghĩ đoạn, chàng lẳng lặng len vào chỗ đám đông người. Quả nhiên người nọ cũng theo dõi chàng từng bước một, đến trước cửa một nhà thợ sắt, chàng giả vờ đứng xem người ta đúc dao, chờ người nọ đi gần tới nơi, đột nhiên quay lại giơ tay ra điểm vào yếu huyệt của người nọ. Người đó bị tê liệt hẳn nửa mình, rồi bị Thừa Chí khẽ kéo đi. Tới một ngõ hẻm vắng, Thừa Chí liền hỏi:

– Anh là thủ hạ của ai?

Người đó đau đến nỗi đầu toát đầy mồ hôi, bị Thừa Chí dùng sức bóp mạnh một cái, lại càng chịu không nổi, vội nói:

– Xin ông buông tay mau, đừng bóp gãy xương của cháu?

Thừa Chí cười nói:

– Anh không chịu nói, tôi sẽ bẻ gãy xương cổ anh ngay.

Người nọ vội nói:

– Cháu nói, cháu nói. Tên cháu là Hoàng Nhị Mao, thủ hạ của Sa trại chủ ở Ác Hổ Câu.

Thừa Chí hỏi:

– Anh muốn vẽ một cái vòng ở trên lưng tôi phải không? Anh vẽ như thế để làm gì?

Hoàng Nhị Mao nói:

– Sa trại chủ sai cháu vẽ như vậy. Còn vẽ để làm gì cháu không được rõ.

Thừa Chí hỏi:

– Sa trại chủ của anh hiện ở đâu?

Hoàng Nhị Mao nhìn ngược, nhìn xuôi nhưng vẫn không dám nói.

Thừa Chí lại bóp mạnh một cái, xuơng cổ tay người nọ kêu “lắc cắc.” Y sợ Thừa Chí bóp gãy xương thật, vội nói:

– Sa trại chủ bảo cháu tối nay đều họp mặt ở chùa Tam Quang tại ngoại thành.

Thừa Chí nói:

– Hay lắm, anh đưa đường dẫn tôi đi.

Không dám ương ngạnh nữa, Hoàng Nhị Mao đành phải dẫn Thừa Chí tới chùa Tam Quang. Lúc ấy còn sớm, trong chùa không có bóng người nào.

Chùa này đổ nát, bỏ hoang từ lâu, không có Sư hay ông Từ nào trông coi cả.

Khám xét trước sau chùa một lần, Thừa Chí điểm thêm huyệt cho Hoàng Nhị Mao câm, rồi vứt vào dưới khánh thờ. Một lát sau, chàng nghe chân người ở xa đi tới, vội trốn vào đằng sau tượng Phật. Mấy chục người bước vào trong chùa, rồi ngồi quây vòng tròn giữa đại điện.

Một người đàn bà lên tiếng nói:

– Nghiêm lão tứ, Lão ngũ, dẫn bốn anh em đi canh gác xung quanh, và phái hai người lên trên nóc nhà nữa.

Vài phút sau trên mái nhà đã có tiếng chân người đi lại. Thừa Chí nghĩ thầm và cười thầm: “Dù các ngươi có khôn ngoan như thế nào cũng mặc, ta đã vào đây trước rồi.”

Lại qua một lát sau, bên ngoài tiếp tục lại có người đi vào trong chùa. Chúng trò chuyện ồn ào vô cùng. Nghe chúng hàn huyên, Thừa Chí mới rõ tám Trại chủ của tám Sơn trại lớn tỉnh Sơn Đông đều có mặt tụ họp tại đây, nên chàng phải im hơi lặng tiếng, chớ không dám sơ ý như trước nữa.

Lại nghe người đàn bà nói:

– Chúng ta đã dò xét rõ lắm rồi. Món hàng này quả thật là những vật báu vô giá. Người áp tải là hai tên công tử bột khờ dại, và một tên bảo tiêu là Hồng Thắng Hải, người của phái Bột Hải, võ nghệ khá cao cường nhưng mãnh hổ địch sao nổi quần hổ. Nể y là anh em lục lâm cùng một đường lối với chúng ta, tới lúc ra tay, chúng ta tha cho y khỏi chết.

Một người khác nói:

– Về vấn đề cướp “tiêu” (hàng hày của báu) thì dễ như trở bàn tay, không phải phiền tới Sa trại chủ, anh em chúng tôi xin phụ trách hết. Nhưng còn vấn đề chia của thì chúng ta phải bàn định trước, để tránh khỏi có sự tranh chấp mà mất cả hòa khí của nhau đi!

Tên Sa trại chủ nói:

– Tiểu đệ mời quý vị tới đây họp là vì vấn đề này đây!

Một người giọng nói thô lỗ lên tiếng:

– Món hàng này, anh em chúng tôi thấy trước tiên. Tôi xin đề nghị: khi cướp được, chúng ta chia nó ra làm mười phần, Ác Hổ Câu chiếm hai phần. Chúng tôi Sát Bảo Cương chiếm hai phần, còn mỗi trại chiếm một phần.

Thừa Chí nghĩ: “Giỏi thật! Chưa chi chúng tới tụ họp tại đây để phân chia những vật báu của ta rồi!”

Lại nghe thấy tên khác nói:

– Tại sao các anh lại được hai phần? Theo ý tôi, chia làm tám phần công bằng hơn cả!

Sau đó, cả bọn cãi vã ồn ào mãi không ngớt. Lại có một tên giọng khàn khàn nói:

– Chia làm mười phần và tám phần cũng không công bằng. Trại Ác Hổ Câu có mấy nghìn anh em mà đoài hưởng ngang với Sát Bảo Cương chỉ có ba trăm người hay sao? Theo ý tôi thì nên chia làm chín phần. Ác Hổ Câu chiếm hai phần, còn bảy phần thì mỗi trại được một. Chúng ta bầu Sa trại chủ làm thủ lãnh đứng lên chia và phân phát cho các trại.

Đại đa số cường đạo tán thành ý kiến đó, nên một số ít không bằng lòng cũng phải nghe theo.

Tên Sa trại chủ nói:

– Nếu anh em đều tán thành như vậy, ngày mai chúng ta ra tay luôn. Và nơi hành động nhận hàng tôi định ở Trương Trang. Vậy ngày mai xin quý vị đưa hết đàn em tới đó!

Mọi người tán thành xong đều lần lượt ra khỏi căn chùa.

Bỏ mặc tên Hoàng Nhị Mao ở đó, Thừa Chí một mình trở về khách điếm, kể hết những chuyện đã qua cho Thanh Thanh nghe.

Thanh Thanh khẽ nói:

– Thanh thế của đạo tặc lớn lao như vậy thật là đánh không hết và giết không tận. Anh đã nghĩ cách gì đối phó chưa?

Thừa Chí đáp:

– Khi chúng tới, chúng ta hãy nhường nhịn trước, khi đã nhận ra tên nào là giặc rồi, ta liền ra tay thộp ngực tên đó. Rắn mất đầu, bọn lâu la của chúng phải chịu hàng ngay.

Thanh Thanh vỗ tay cười nói:

– Ý của anh rất hay.

Sáng ngày hôm sau, cơm nước xong, Thừa Chí ra lịnh lên đường. Suốt dọc đường, bọn giặc thám thính đi lại như thoi đưa. Chúng táo bạo ra mặt, không coi bọn Thừa Chí ra gì cả. Hồng Thắng Hải lo ngại nói:

– Viên tướng công, xét tình hình này chỉ trong ngày hôm nay thì chúng hạ thủ đấy.

Thừa Chí nói:

– Anh cứ việc trông nom xe cộ, đừng để cho lừa, ngựa hoảng sợ chạy tán loạn. Còn chống giặc đã có ba chúng tôi đối phó.

Hồng Thắng Hải vâng lời. Thừa Chí ra hiệu dặn chàng Câm, khi nào có lịnh của chàng mới ra tay hành động, chuyên phụ trách bắt người thôi. Chàng Câm gật đầu nhận lời.

Đi tới giờ thân, sắp tới Trương Trang, đằng trước có một khu rừng khá rậm rạp, cây cối um tùm. Bỗng nghe mấy tiếng “o⬦ o⬦” của những cái tên bắn lên báo hiệu.

Vừa dứt, trong rừng rậm đã có mấy trăm tên đại hán ló ra, tên nào tên nấy đều đầu chít khăn xanh, mặc quần áo đen, tay cầm khí giới, lẳng lặng xông ra cản đường. Thấy vậy bọn phu xe liền cho ngừng xe lại, rồi ôm đầu chui vào gầm xe. Đó là luật của bọn đạo tặc, hễ bọn phu xe cứ nằm yên trong gầm xe là được thoát chết. Lại nghe mấy tiếng tùvà nổi lên, tiếng vó ngựa rồn rập, mấy chục tên tướng cướp cỡi ngựa ở trong rừng rậm phóng ra, cản phía sau xe của Thừa Chí. Chúng làm như vậy là phòng bọn Thừa Chí quay đầu chạy trốn.

Tối hôm trước tại chùa Tam Quang, tuy chưa nhận được mặt tên chúa cướp, lúc này Thừa Chí chú ý nhìn, thấy phía trước bảy người đi ngang hàng tới. Một người mặt trắng ngoài 30 tuổi, xông lên trước, tay không cầm khí giới, chỉ cầm một chiếc quạt phe phẩy, giọng thỏ thẻ nói:

– Xin chào Viên tướng công!

Nghe tiếng nói của người nọ, Thừa Chí biết ngay là Sa trại chủ của trại Ác Hổ Câu. Thấy y có thái độ ung dung, chân đi vững chắc, Thừa Chí nghĩ thầm: “Tên này có thể là kình địch đây? Không ngờ trong lục lâm lại có những nhân vật như thế này.”

Nghĩ đoạn, chàng chắp tay chào và nói:

– Tôi không dám! Kính chào Sa trại chủ!

Tên Sa trại chủ giựt mình, nghĩ thầm: “Sao y lại biết tên họ mình nhỉ?”

Nghĩ xong, y nói:

– Viên tướng công đi đường chắc mệt nhọc lắm?

Nhìn sắc mặt của y, Thừa Chí nghĩ: “Suốt dọc đường, y cho người theo dõi chúng ta. Chúng biết tên họ của ta không lấy gì là lạ, nhưng ta gọi tên họ của y chắc y ngạc nhiên lắm. Đã thế ta cứ giả bộ đùa y chơi.”

Nghĩ xong, chàng nói:

– Đi đường không lấy gì làm mệt nhọc cả. Chỉ bực mình một nỗi là hành lý của chúng tôi nặng nề quá!

Sa trại chủ cười nói:

– Viên tướng công lên Bắc Kinh dự thi đấy à?

Thừa Chí đáp:

– Không phải. Chúng tôi nhờ Trời cũng có ít tiền nhưng thiếu công danh. Nên gia phụ sai tiểu đệ đem ít tiền tài lên kinh để vận dụng một chút chức tước, có thế thôi.

Sa trại chủ cười nói:

– Các hạ ăn nói nhanh nhẩu lắm, chứ không có vẻ gì hủ lậu như các nho sĩ khác.

Thừa Chí cười nói:

– Tối hôm qua, có một người bạn nói với tôi rằng: Hôm nay có một vị họ Sa tức Sa trại chủ ở dọc đường chờ tôi và dặn tôi phải cẩn thận để ý. Nên từ sáng tới giờ, lúc đi đường tôi vừa chăm chú ngóng nhìn chỉ sợ lỡ cơ hội không được gặp gỡ. Ngờ đâu ngẫu nhiên chúng ta gặp nhau ở đây. Các hạ cũng ăn mặc nho sĩ như tôi, có phải cũng lên kinh đấy không. Nếu vậy, chúng ta cùng đi cho vui. Các hạ nghĩ sao?

Vừa buồn cười vừa tức thầm, bụng nghĩ chưa bao giờ lại gặp những tên mới ra đời mà lại quá ngây thơ như thế này, Sa trại chủ cười nói:

– Viên tướng công ở nhà hưởng phúc có hơn không? Hà tất phải đi đường mệt nhọc khổ sở như thế này làm gì. Tướng công nên biết trên giang hồ có nhiều sự hiểm ác lắm.

Thừa Chí nói:

– Lúc đệ ở nhà, nghe các cụ nói trên chốn giang hồ có những gái điếm lừa bịp. Ngờ đâu đi hàng nghìn dặm đường rồi mà lại chưa hề gặp thấy một tên bịp bợm nào cả. Đệ chắc các lời dạy bảo của các cụ đều sai lầm cả.

Bảy tên Trại chủ kia nghe Thừa Chí lải nhải nói những lời nửa điên nửa rồ, đều không nhịn được cứ đưa mắt ra hiệu thúc dục Sa trại chủ ra tay hành động. Sa trại chủ bỗng sa sầm nét mặt, rú lên một tiếng, xòe chiếc quạt ra. Trong quạt có vẻ một cái sọ người, mồm ngậm một con dao, trông rất rùng rợn. Thấy vậy, Thanh Thanh cũng phải hoảng sợ. Sa trại chủ khà khà cười một cách quái dị. Chưa dứt tiếng cười, y phẩy chiếc quạt, mấy trăm lâu la xông ra bao vây những xe cộ. Thừa Chí định nhảy ra tóm luôn tên Sa trại chủ. Bỗng trong rừng có tiếng còi thổi bằng lá tre, Sa trại chủ nghe tiếng đó, biến ngay sắc mặt, lại phẩy tay một cái, bọn lâu la ngừng ngay. Hai người cỡi ngựa ở trong phóng ra. Người đi trước là một ông cụ râu tóc bạc phơ, phía sau là một thiếu nữ, tay cầm mấy tàu lá tre.

Cả hai tiến tới giữa Sa trại chủ và Thừa Chí liền gò cương đứng lại. Sa trại chủ nói:

– Đây là địa giới của tỉnh Sơn Đông!

Ông cụ nọ đáp:

– Ai bảo không phải là đất của Sơn Đông.

Sa trại chủ nói:

– Năm xưa, chúng ta hội họp ở núi Thái Sơn, quyết định như thế nào nhỉ?

Ông cụ đáp:

– Bang Thanh Trúc chúng tôi, không được đến tỉnh Sơn Đông giết người cướp của. Bên các ông cũng không được sang địa giới Hà Bắc chúng tôi hành động.

Sa trại chủ nói:

– Đúng đấy, vậy không hiểu gió gì đã thổi Trình lão gia tới đây?

Ông cụ đáp:

– Nghe nói có một mớ hàng sắp tới tỉnh Hà Bắc. Trong đó có nhiều cái khá quý giá cho nên chúng tôi mới đến xem qua trước.

Sa trại chủ biến sắc mặt nói:

– Chờ khi nào hàng đó tới địa giới của Trình lão gia thì lão gia có muốn xem cũng chẳng muộn kia mà!

Ông cụ khà khà cười nói:

– Sao lại không muộn? Có lẽ lúc bấy giờ hàng đã lọt vào tay chú em, làm gì đến lượt tôi xem được nữa?

Thừa Chí, Thanh Thanh, và Hồng Thắng Hải, ba người đưa mắt nhìn nhau và nghĩ thầm: “Thì ra đạo tặc ở Hà Bắc cũng được tin rồi, muốn xí phần đấy! Để xem chúng đối phó với nhau ra sao?”

Bọn giặc Sơn Đông thì thầm nhỏ to có vẻ phản đối, đa số trách ông cụ vô lễ. Nghe chúng nói Trình Thanh Trúc, Thừa Chí nghĩ có lẽ đó là tên của ông cụ.

Ông cụ lớn tiếng nói:

– Các người cãi vã bàn tán lộn xộn cái gì? Tai tôi nghễnh ngãng không nghe rõ đâu.

Sa trại chủ phẩy quạt một cái, bọn giặc im mồm ngay, Sa trại chủ nói:

– Đã có hẹn ước rồi, tại sao Trình lão gia không giữ lời hứa? Nếu vô tín vô nghĩa như vậy, có phải bị anh hùng hảo hán ở trên giang hồ cười cho không?

Ông cụ không thèm trả lời chỉ quay qua hỏi nàng thiếu nữ kia rằng:

– A Chín, ở nhà ta nói với cháu những gì?

Thiếu nữ nọ đáp:

– Ông nói chúng ta sang tỉnh Sơn Đông xem vật báu đi!

Thanh Thanh thấy giọng nàng nói có duyên, liền đưa mắt ngắm nhìn. Nàng quả thật nhan sắc tuyệt vời.

Trình Thanh Trúc cười nói:

– Thế ông có nói chúng ta thò tay vào lấy đồ không?

A Chín đáp:

– Không ạ. Mà bây giờ cũng không nói lấy cơ mà.

Trình Thanh Trúc quay lại nói với Sa trại chủ rằng:

– Chú em đã nghe thấy chưa? Có bao giờ tôi nói sang bên Sơn Đông cướp bóc đâu?

Sa trại chủ đổi ngay nét mặt, mỉm cười nói:

– Phải. Thế mới là nghĩa khí chớ! Trình lão gia xa xôi tới đây, lát nữa cũng sẽ được một phần.

Trình Thanh Trúc không trả lời, quay lại hỏi A Chín:

– A Chín, chúng ta ở nhà còn nói thêm gì nữa không?

A Chín đáp:

– Ông nói nhiều vật báu lắm, đừng để cho người khác lấy đi mất.

Trình Thanh Trúc hỏi:

– Nếu người ta cứ lấy thì sao?

A Chín đáp:

– Lúc ấy, ông đành phải ra tay bảo vệ.

Trình Thanh Trúc khà khà cười nói:

– Cháu tuy nhỏ tuổi, nhưng trí nhớ cũng khá đấy.

Nói đoạn, ông cụ quay lại nói với Sa trại chủ rằng:

– Bây giờ chú em đã rõ rồi chớ! Chúng tôi không được cướp bóc ở tỉnh Sơn Đông, điều đó không sai chút nào. Nhưng tôi phải bảo vệ họ. Điều này trong hẹn ước, không có nói đến và cũng không cấm phải không?

Sa trại chủ mặt xám lại trả lời:

– Ông cấm chúng tôi cướp, để chờ món hàng đó tới địa giới Hà Bắc là ông đỡ nhẹ hết có phải thế không?

Trình Thanh Trúc nói:

– Chính thế! Như vậy, tôi không làm hư hỏng nghĩa khí của giang hồ, không trái lời hứa hẹn ở trên núi Thái Sơn.

Thấy y giở lý sự cùng ra như vậy, nói trái mà là y muốn đoạt hết những vật báu đó, bọn đạo tặc khi ông cháu y, một ông già và một con nít, đổ xô lên múa đao định phân thây đối phương làm muôn mảnh.

A Chín để hai tàu lá tre vào mồm thổi. Chưa dứt tiếng còi hiệu đó, trong rừng rậm đã có mấy trăm tên đại hán xông ra, đều mặt y phục đồng màu, và trên đầu cắm cành tre xanh. Sa trại chủ giựt mình nghĩ thầm: “Không dè lão ta lại bố trí sẵn sàng như vậy! Nhưng bọn chúng đến đông đúc như vậy, tại sao những lâu la canh phòng của bên mình lại không hay biết gì cả?”

Nghĩ đoạn, y phẩy chiếc quạt một cái, nhân mã của tám trại bên phe Sơn Đông tiến lại bày thành trận thế.

Xem tình hình này thì thể nào cũng có một trận ác chiến xảy ra. Người của phe Sơn Đông nhiều hơn, còn phe Thanh Trúc tuy ít hơn nhưng người nào người nấy tinh nhuệ hơn. Nếu đánh nhau, chưa biết mèo nào cắn miễu nào!

Thừa Chí kéo tay Thanh Thanh, hai người nhìn nhau mỉm cười, Thanh Thanh khẽ cười rồi nói:

– Chưa cướp được đồ đạc của người mà chúng đã đánh lẫn nhau trước rồi. Thật buồn cười đến vỡ bụng được!

Thừa Chí nói:

– Không ngờ chúng ta lại là: “Ngư Ông đắc lợi tiếu hi hi.”

Lúc ấy bọn giặc Sơn Đông sửa soạn đánh ồ ạt. Nhưng chúng vẫn dành riêng mấy chục người canh gác đội xe cộ của Thừa Chí để cho Thừa Chí không có kịp bôn tẩu.

Thừa Chí vẫy tay gọi Hồng Thắng Hải lại gần, rồi hỏi:

– Phe bang Thanh Trúc là đạo tặc ở nơi nào thế?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Bang Thanh Trúc đứng đầu tỉnh Hà Bắc và lão Trình Thanh Trúc này là thủ lãnh. Y tuy gầy còm già nua như vậy nhưng võ nghệ lợi hại lắm.

Thanh Thanh hỏi:

– Còn người con gái kia có phải là cháu gái của y không?

Hồng Thắng Hải nói:

– Tiểu nhân nghe nói lão già Trình Thanh Trúc này tánh lạ lùng lắm, suốt đời không lấy vợ. Người con gái này có lẽ là cháu nuôi của y chớ không phải là cháu ruột đâu.

Thanh Thanh gật đầu không nói gì cả, thấy A Chín ung dung, không vẻ gì sợ hãi, trong lòng nghĩ thầm: “Có lẽ nàng biết võ cũng nên. Hãy để chúng đánh nhau, xem bên nào thắng bại?”

Lúc ấy, tiếng còi lá tre của bang Thanh Trúc nổi lên tứ phía. Mấy trăm đại hán chia thành bốn đội. Trình Thanh Trúc và A Chín quay ngựa về bên trận mình, đứng phía trước bốn đội lâu la kia, trong tay vẫn cầm khí giới.

Đang lúc hai bên sắp sửa khai chiến, bỗng nghe thấy đằng phương Nam có tiếng nhạc ngựa vọng đến, tiếp theo đó ba người cỡi ngựa phi tới. Người đi trước lớn tiếng kêu gọi:

– Hai bên cùng là bạn thân cả. Xin nể mặt đệ, hãy ngừng tay lại.

Thừa Chí nghĩ thầm: “Sao bỗng dưng lại có một tay giải hòa tới thế này?”

Ba người cỡi ngựa vừa phi tới nơi. Người cầm đầu là một thân hào, ngoài 50 tuổi, mặc áo bào gấm hoa, tay cầm một ống điếu lên. Theo sau y, một người cao và một người lùn đều mặc đồ vải.

Phi ngựa xen vào giữa hai đội nhân mã, thân hào nọ giơ ống điếu lên, lớn tiếng cưòi nói:

– Cùng là anh em nhà cả, có chuyện gì dùng lời lẽ giải quyết, hà tất quý vị phải dùng đến đao thương thế này? Các vị không sợ bạn hữu trên giang hồ cười cho ư?

Sa trại chủ nói:

– Chữ trang chủ làm ơn phê bình hộ, xem ai phải ai quấy.

Y liền đem chuyện bang Thanh Trúc vượt biên giới cướp bóc kể sơ sơ cho tên họ Chữ nghe. Trình Thanh Trúc cứ cười nhạt, không thèm nói nửa lời.

Hồng Thắng Hải nói với Thừa Chí rằng:

– Viên tướng công, Sa trại chủ kia tên là Sa Thiên Quãng biệt hiệu là Âm Dương Phiến với Chữ Hồng Liễu, Chữ trang chủ đây là nhị bá ở tỉnh Sơn Đông này.

Thanh Thanh nói:

– Ồ! Hai tên hồi nãy anh nói tức là hai tên này đấy.

Thừa Chí nói:

– Tại sao y là Trang chủ?

Hồng Thắng Hải nói:

– Sa Thiêng Quãng khai sơn lập trại, lăn lộn trong chốn lục lâm. Còn Chữ Hồng Liễu thì yên phận làm viên ngoại xây một tòa sơn trang, xung quanh trồng hơn nghìn cây liễu tự đặt là Thiên Liễu Trang. Nhưng sự thật thì y là độc hành đại đạo. Thường thường một mình đi kiếm ăn ở các tỉnh xa, nhiều lắm y chỉ đem theo hai bên tên phò tá là cùng.

Thanh Thanh nghĩ: “Hành động của y cũng giống như các ông phái Thạch Lương của ta.”

Chữ Hồng Liễu lớn tiếng nói:

– Trình đại ca, theo đúng lý thì việc này đại ca không phải. Năm nọ, quần hùng đại hội ở trên Thái Sơn, đệ cũng hân hạnh được dự. Tất cả anh em có quyết định này. Không ai được vượt qua biên giới khác làm ăn!

Trình Thanh Trúc nói:

– Bây giờ chúng tôi đến đây là làm phúc bảo vệ cho họ, chớ có phải đến cướp bóc đâu, tôi thấy chợ chưa họp mà cái ống điếu kia của bạn đã đến rồi.

Chữ Hồng Liễu cả cười, chỉ hai đại hán đứng phía sau nói:

– Hai vị này là Hoài Âm song kiệt Ngưu Hóa Thành và Trương Hưng. Không quản ngại đường sá xa xôi, hai vị đó đã tới sơn trang của tôi, nói có một món tài hỷ đem biếu tôi. Lúc này, người phát phì, tôi lười biếng không định đi. Nhưng hai vị đó đã có nhã ý như vậy, tôi không tiện khước từ, đành phải gượn đi tới đây xem sao. Ngờ đâu lại gặp đủ mặt chư anh hùng ở đây, thật là náo nhiệt vô cùng! Hà, hà!

Thừa Chí và Thanh Thanh đưa mắt nhìn nhau, trong lòng nghĩ thầm: “Hay thật! Lại có thêm ba con cú dự vào!”

Sa Thiên Quãng nghĩ: “Tên họ Chữ này võ nghệ cao cường lắm. Đằng nào cũng phải chia cho y một phần rồi, thà rằng bắt tay để đối địch với Trình Thanh Trúc còn hơn.”

Nghĩ đoạn, y liền nói:

– Chữ trang chủ là người trong tỉnh Sơn Đông, lẽ tất nhiên phải được chia một phần rồi. Điều đó anh em chúng tôi không dám e ngại nhưng còn vấn đề người khác tỉnh hưởng lợi, phen này chúng ta nhường nhịn, thì sau này chúng ta hết đường kiếm ăn. Có phải thế không?

Chữ Hồng Liễu nói:

– Chẳng hay Trình đại ca nghĩ sao?

Trình Thanh Trúc đáp:

– Câu chuyện ngày hôm nay không thể dàn xếp ổn thỏa được, chúng ta chỉ có cách giải quyết bằng đao thương, phải trái theo thua được mà định đoạt thôi!

Chữ Hồng Liễu quay lại nói:

– Sa Lão đệ nghĩ sao?

Sa Thiên Quãng đáp:

– Các hảo hán của phái Sơn Đông chúng tôi bao giờ chịu để cho người ngoài đến tận nơi mà bắt nạt như vậy.

Lời nói đó ý kéo Chữ Hồng Liễu nhập vào bọn mình. Trình Thanh Trúc vươn vai, ngáp dài một cái, rồi nói:

– Chúng ta một chọi một hay đánh ồ ạt cả bọn? Xin Sa trại chủ cho biết ý kiến, muốn thế nào ta cũng theo hết.

Sa Thiên Quãng bỗng dương chiếc quạt Âm Dương ra, miệng cười khì khì, rồi hỏi Chữ Hồng Liễu rằng:

– Chữ đại ca nghĩ sao?

Từ khi được Hoài Âm song kiệt cho hay tin này, Chữ Hồng Liễu vốn định nuốt hế số châu báu này nhưng đến chậm qúa, nên bây giờ chỉ mong được chia một phần lớn, có thế thôi. Chớ y cũng biết bang Thanh Trúc có nhiều người tài giỏi, và Bang chủ Trình Thanh Trúc nổi tiếng lâu năm, tất nhiên không hèn kém. Nên y không muốn làm mích lòng, liền nói:

– Thế này chỉ có cách là tỉ thí võ nghệ mới xong. Đánh ồ ạt cả bọn chết chóc và bị thương nhiều lắm. Hà tất phải tổn thương hòa khí như vậy? Đệ có một cách rất công bằng, chẳng hay quý vị có cho phát biểu không?

Trình Thanh Trúc và Sa Thiên Quãng đều nói:

– Mời Chữ trang chủ cứ việc phát biểu ý kiến.

Chữ Hồng Liễu giơ ống điếu chỉ mười cái xe lớn của Thừa Chí nói:

– Chỗ kia có mười cái hòm sắt, mỗi bên chúng ta phái ra mười người, tất cả đấu mười trận, chỉ đánh đến thắng bại thì thôi, chớ đừng có đả thương lẫn nhau. Ai thắng thì người đó được lấy một hòm sắt, như vậy rất công bình, đằng nào chúng ta cũng nhàn rỗi, vô sự coi như luyện tập võ để nghiên cứu cái hay cái dở của nhau. Ai thắng sẽ được chỗ châu báu đó, coi như được giải thưởng vậy, còn người thua cũng không mất mát gì, như vậy có hơn không? Chẳng hay hai vị nghĩ sao?

Nghe thấy ý kiến của y rất hay, Trình Thanh Trúc khen ngợi và tán thành trước. Với sự đánh ồ ạt cả bọn, Sa trại chủ cũng không dám tự tin là sẽ thắng, đồng thời y nghĩ thầm: “Ta để cho mỗi trại phái một đại biểu ra tỷ thí, nếu thắng là số may của họ. Vả lại, phần đó đã định chia cho họ rồi. Nếu họ thua, cũng không liên can gì đến ta, còn ta và Đàm lão nhị xuất trận, tất không thể nào thua được, như vậy là ta cướp được hai phần không?”

Nghĩ đoạn, y nhận lời.

Hai bên ra lệnh thâu quân để thương lượng lựa chọn người đại diện tỷ thí. Chữ Hồng Liễu sai người lấy đất vẽ dấu hiệu “Giáp – ất – Bính – Đinh – Mậu – Kỷ – Canh – Tân – Nhâm – Quý” vào mười cái hòm. Thừa Chí và Thanh Thanh để bọn chúng tha hồ giở đủ các trò, đứng yên xem xét. Thấy hai người không có vẻ gì sợ sệt cả, Trình Thanh Trúc có chút ngạc nhiên cứ đưa mắt liếc trộm luôn luôn. Tất cả đạo tặc đứng quây thành vòng tròn. Chữ Đồng Liễu đứng giữa làm giám khảo. Trận đấu thứ nhất do bên Sơn Đông phái người ra trận đấu trước. Trận đấu quyền, người của hai bên đều vạm vỡ lực lưỡng tỏ ra có sức mạnh vô cùng, chỉ nghe thấy bình bình, bộp bộp, cả hai cùng chịu được đòn.

Sau cùng người của phe Hà Bắc không cẩn thận bị đối phương móc ngã, định đứng dậy tiếp tục đánh nữa. Chữ Hồng Liễu liền xua tay và cho viết chữ “Lỗ” (Sơn Đông) ở bên cạnh chữ “Giáp” tên hòm sắt. Trận thứ nhất phe Sơn Đông thắng, bọn lâu la bên phe này hoan hô khen ngợi, tiếng vang dội như sấm.

Trận thứ hai phe Hà Bắc phái người ra trước, Sa Thiên Quãng biết tên võ sĩ này là hảo thủ của Thiết Sa chưởng nhưng Đàm phó trại chủ của bên mình còn giỏi hơn một bực, không bỏ lỡ dịp tốt, liền phái Đàm phó trại chủ ra đấu. Chưởng pháp của hai đấu thủ hơn kém nhau rất ít nhưng công lực của Đàm phó trại chủ điêu luyện hơn.

Sau vài chục hiệp, Đàm phó trại chủ đánh một chưởng vào cánh tay đối phương. Người nọ bại cả một bên tay, thế là phe Sơn Đông lại thắng thêm một trận.

Bọn đạo tặc bên phe Sơn Đông đang đắc chí. Ngờ đâu đến trận thứ ba, thứ tư, thứ năm, và thứ sáu, phe Hà Bắc đều thắng cả. Đến trận thứ bảy là trận đấu bằng võ khí. Trại chủ Sát Bát Bảo Cương cầm một thanh Cửu Hoàn đao ra trận, oai phong lẫm liệt, quả nhiên nhứt chiến thành công, và còn chém đứt cánh tay của đối phương.

Chữ Hồng Liễu nghĩ thầm: “Bây giờ chỉ còn ba hòm sắt, ta mà không ra tay, bị hai phe chia hết có phải là công dã tràng xe cát bể Đông không? Bây giờ đến trận thứ tám do bang Thanh Trúc phái người ra trước, bất cứ là nhân vật nào, ta cũng quyết ý đại diện phe Sơn Đông để tỷ thí. Hãy lấy được một chiếc hòm sắt đã.”

Nghĩ đoạn, y tằng hắng một tiếng rồi nói với Sa trại chủ rằng:

– Sa lão đệ, đấu thủ của đối phương càng ra càng lợi hại, để trận này tôi xin tiếp tay.

Sa trại chủ biết ý của y, liền đáp:

– Chúng tôi cần Chữ trang chủ lấy sĩ diện cho phe Sơn Đông.

Thấy đối phương có một người bước ra, Chữ Hồng Liễu ngẩn người, vì đối thủ là người con gái ít tuổi “A Chín.” Nàng mới độ 15, 16 tuổi, tay không khí giới, chỉ cầm một que trúc nho nhỏ.

Chữ Hồng Liễu nghĩ thầm: “Ta là đại hào kiệt trong võ lâm, khi nào chịu hạ mình đi đấu với một bé nhỏ xíu thế kia!”

Y đã bước được mấy bước rồi sực nghĩ như trên, liền lùi ngược lại, nói với Sa trại chủ rằng:

– Sa tiểu đệ hãy phái người khác ra đấu trận này, tôi xin dự trận sau vậy.

Sa trại chủ biết y không muốn đấu với phụ nữ, liền lớn tiếng hỏi:

– Trong anh em có chú nào thích thú thì ra tiếp cô nhỏ này, dợt vài hiệp.

Trong bọn có một người nhảy ra, mình cao vai rộng, da trắng bạch, tay cầm đôi bút phán quan. Người này là Trại chủ Hoàng Thạch Ba họ Tần tên là Đống. Người này võ nghệ tinh thông, tánh tình phong lưu, thấy đối phương là cô gái tuyệt luân, nàng tuy còn nhỏ tuổi nhưng trông xinh xắn và thêm vẻ đài các cao quý. Tần Đống đã ham mê từ lâu, nghe Sa Thiên Quãng gọi, liền nhảy ngay ra, vỗ ngực xin dự cuộc đấu.

Sa trại chủ mỉm cười nói:

– Tất cả anh em chúng ta, chỉ có chú mới là người xứng đôi, hợp lứa.

Tần Đống cố ý dương oai, nhảy lên thật cao và nhẹ nhàng trầm mình xuống trước A Chín. Y định khoe khoang khinh công trước, rồi nói vài câu khách sáo, để lấy lòng cô bé. Ngờ đâu, y vừa chạm đất đã thấy một bóng xanh phi tới. Que trúc bên tay phải của A Chín đã đâm tới. Thế võ này không những nhanh nhẹn vô cùng, ngoài ra lại còn nhằm đúng yếu huyệt trước ngực y mà đâm. Tần Đống là người sử dụng bút Phán Quan, tất nhiên rất thạo các yếu huyệt, thấy vậy y giựt mình kinh hãi, giơ bút trái ra đỡ, lại thấy ngay que trúc bên trái đối phương đâm tới. Cứ liên tiếp như vậy, tránh hết thế này, lại đỡ thế khác, Tần Đống toát mồ hôi lạnh và cuống quít lên. Bọn giặc phe Sơn Đông thấy A Chín tuổi nhỏ như vậy mà võ công lại cao cường đến thế đều kinh ngạc. Thừa Chí và Thanh Thanh cùng lấy làm lạ đưa mắt nhìn nhau.

Lúc ấy, A Chín và Tần Đống đấu đã được mấy chục hiệp rồi. Tần Đống nghĩ thầm: “Nếu ta hạ không nổi con bé này thì còn đứng vững sao nổi ở đất Sơn Đông này.”

Càng nghĩ y càng nóng ruột, đôi bút phán quan càng chặt chẽ hơn trước. Đột nhiên A Chín chống que trúc bên tay trái xuống đất, nhảy lên trên cao, rồi nhân lúc rơi trở xuống, múa trúc bên phải đánh xuống. Thế đầu không trúng, nàng lại chống que trúc bên trái đâm xuống. Phải biết thế võ này của nàng là tuyệt kỹ của Trình Thanh Trúc. Không biết dùng thế gì để chế ngự, Tần Đống giật lùi luôn luôn bỗng sơ ý bị A Chín điểm luôn một que vào yếu huyệt trên vai, cánh tay trái bị tê liệt, bút phán quan rơi xuống, mặt đỏ bừng lùi ngay về bên phe mình. A Chín đang định rút lui, Chữ Hồng Liễu rảo bước xông ra, kêu gọi:

– Thật là thầy nào trò nấy, võ nghệ của cô nương thần diệu vô cùng, nếu chưa thấm mệt, xin cô chỉ giáo cho vài miếng có được không?

A Chín cười nói:

– Vừa rồi chú kia chóng thua như thế làm cháu mất hứng, nếu bác vui lòng chỉ giáo thì còn gì hân hạnh cho cháu hơn nữa, chẳng hay Chữ bá bá dùng khí giới gì?

Chữ Hồng Liễu cười nói:

– Người lớn đùa với trẻ con, việc gì phải dùng đến võ khí, ta chỉ tay không thôi.

Thì ra Chữ Hồng Liễu đứng cạnh quan sát thấy A Chín võ nghệ cao cường như vậy cũng phải hoảng sợ thầm, bụng nghĩ: “Trận này con nhỏ đã lợi hại như thế, chắc hẳn trận sau đối thủ sẽ lợi hại hơn, nếu không cản con nhỏ này lại đánh một trận, để được một chiếc hòm sắt hãy hay.”

Các người bên bang Thanh Trúc nhận thấy, nếu A Chín đánh luôn hai trận thì mệt nhọc quá, nên đã có ba người nhảy ra tiếp tay, nhưng A Chín tuổi trẻ háo thắng vội lên tiếng nói:

– Tôi đã nhận lời Sư bá rồi.

Ba người nọ đành phải rút lui.

Chữ Hồng Liễu từ từ đi đến giữa đấu trường, vừa mới vận hơi, bộ mặt trắng trẻo đã biến thành màu đỏ như chu sa. Trình Thanh Trúc vẫy tay gọi A Chín lại ghé tai dặn mấy câu, A Chín gật đầu nhận lời. Đại khái Trình Thanh Trúc biết đối thủ là kình địch, cho nên mới dặn nàng phải cẩn thận. A Chín quay lại đấu trường, khom lưng cúi chào, tay múa hai que trúc bảo vệ toàn thân nhưng không tấn công.

Chữ Hồng Liễu đi từ từ từng bước một tới gần, bỗng đánh một chưởng ra tấn công thẳng vào lưng nàng. A Chín chống hai que trúc bỗng nhảy tránh xa, rồi đánh trái lại một que, que tay phải vừa đánh ra, que tay trái lại đánh tiếp theo luôn, tấn công như vũ bão. Thấy nàng đâm trúng một que vào bả vai đối thủ, anh em bang Thanh Trúc đều vỗ tay hoan hô khen ngợi. Ngờ đâu Chữ Hồng Liễu không hề hấn gì, mặt càng đỏ thêm, đỏ suốt tới cổ, vẫn cứ bước một tấn công tới. Thân pháp của A Chín rất nhẹ nhàng, phi đi bay lại, hễ có cơ hội là lại tấn công luôn một hồi. Chữ Hồng Liễu to béo, vạm vỡ chỉ bảo vệ yếu huyệt, bỏ mặc tứ chi bả vai, tha hồ để nàng tấn công.

Thừa Chí đứng cạnh xem, khẽ nói với Thanh Thanh rằng:

– Người này lớn tuổi như thế mà hẹp lượng hơn cô bé. Chú để ý xem, y sắp sửa hạ độc thủ đấy.

Thanh Thanh vội nói:

– Em đi cứu nàng nhé?

Thừa Chí cười nói:

– Hai bên đều là kẻ địch định cướp tài vật của chúng ta, cứu làm gì?

Thanh Thanh nói:

– Cô bé này kháu khỉnh, có duyên lắm, hãy cứu nàng thoát nạn trước đã. Anh ra tay đi.

Thừa Chí cười gật đầu. Lúc ấy trong đấu trường hai người càng đánh càng kịch liệt. Đầu của Chữ Hồng Liễu đỏ hây, hầu như sắp mất máu ra. Một lát sau, tay của y đã bắt đầu đỏ dần.

Thừa Chí nói:

– Khi nào bàn tay y cũng đỏ là cô bé kia bị tai ách liền.

Nói xong, chàng cỡi lên yên ngựa, trong lòng đã dự tính phương pháp cứu A Chín rồi.

Lúc đó, người của Chữ Hồng Liễu lại bị đánh trúng mấy que trúc nhưng y vẫn trầm lặng, từ từ phát chưởng ra, chưởng nào cũng thâm độc. Càng đánh, A Chín càng thấy kém thế dần, hơi thở hồng hộc, thân pháp kém nhanh nhẹn.

Trình Thanh Trúc vội kêu gọi:

– A Chín, con rút lui đi. Bác Chữ đã đại thắng rồi!

A Chín quay mình định lui nhưng Chữ Hồng Liễu không để cho nàng ra khỏi đấu trường, quát lớn:

– Đánh ta bấy nhiêu que như vậy, mà mi còn muốn yên ổn rút lui ư?

Chưởng pháp của y tuy chậm chạp, nhưng A Chín không sao lui ra khỏi phạm vi chưởng phong của y. Thấy bàn tay của y đã bắt đầu đỏ, Trình Thanh Trúc vội lấy luôn một cây trúc ở trong tay đàn em, nhảy xổ tới cành trúc đâm thẳng ra và lớn tiếng kêu gọi:

– Cả hai bên hãy ngừng tay ngay!

Còn phe bên này, Sa Thiên Quãng lấy chiếc quạt ra, phi thân tiến thẳng vào nhằm yếu huyệt của Trình Thanh Trúc mà điểm. Vội dùng tả chưởng gạt ra, Thanh Trúc định tâm vào cứu A Chín, nhưng bị Sa Thiên Quãng chận ngang, không sao thoát thân được.

Vì địch thủ võ nghệ cao cường, Thanh Trúc bắt buộc phải cẩn thận nghênh chiến.

A Chín đầu đầy mồ hôi, chân tay đã chậm dần. Thừa Chí bỗng la lớn:

– Ôi Trời ơi! Cứu tôi với, cứu tôi với!

Ngồi trên mình ngựa, chàng vừa la vừa xông vào trong đấu trường. Trình Thanh Trúc và Sa Thiên Quãng phải nhảy sang hai bên để tránh. Thừa Chí ở trên mình ngựa lắc lư như sắp ngã, hay tay ôm chặt lấy cổ ngựa. Chàng bỗng luồn xuống bụng ngựa, rồi lại trèo được lên trên yên, trông rất tội nghiệp. Con ngựa phi tới giữa A Chín và Chữ Hồng Liễu đứng dừng ngay lại. Thừa Chí thở hồng hộc, từ từ bò xuống ngựa, lớn tiếng nói:

– Ô hô! Nguy hồ hiểm tai! Thật là cứu tử nhứt sinh. Súc sinh, súc sinh, mi muốn giết chết Tiểu sinh này phải không?

Nhờ sự ngăn cản đó, A Chín mới thoát khỏi tay Chữ Hồng Liễu mà trở về bên phe mình. Chữ Hồng Liễu cũng không tiện đuổi theo truy kích nữa.

Trình Thanh Trúc nói:

– Sa trại chủ, tôi muốn lãnh giáo tài nghệ “Âm Dương bảo phiến” của bạn.

Sa Thiên Quãng nói:

– Đệ cũng có ý định là cái hòm bảo vật cuối cùng này để chúng ta quyết thắng phụ.

Hai người giao chiến mấy chục hiệp rồi vẫn chưa phân được thua. Lần đấu tranh thứ hai này, cả hai bên cũng không kiêng nể, và cùng sử dụng những thế hiểm độc để hại nhau. Song trúc của Trình Thanh Trúc rất dài nhưng thế võ tinh kỳ nên Âm Dương phiến của Sa Thiên Quãng không sao đến gần đối phương được.

Lúc ấy mặt trời đã xế về phía Tây, chim chóc từng đàn về tổ, tái chiến thêm mấy chục hiệp. Sa Thiên Quãng kém vế dần, hai chân đã thiếu vững chắc. Thấy vậy, Chữ Hồng Liễu vội lên tiếng gọi:

– Hai bên ngang sức nhau, khó lòng phân chia thắng bại. Hòm bảo vật đem ra chia đôi, mỗi người được một nửa.

Trình Thanh Trúc cười một trận thật lớn, quét ngang đôi que trúc xuống đất, Sa Thiên Quãng vội nhảy lên để tránh. Trình Thanh Trúc hai tay bỗng thu lại, đánh ra rất nhanh, hai que trúc bén nhọn như loạn lên, liên tiếp đâm luôn mấy que. Lúc này, Sa Thiên Quãng đang lơ lửng trên không, tránh không sao kịp, đùi trái đã bị một que trúc đánh trúng, lúc xuống không sao đứng vững được, ngã nằm phục trên mặt đất. Trình Thanh Trúc thâu que trúc lại, quay trở về bên bộ hạ mình.

Sa Thiên Quãng nghiến răng chịu đau, bấm cái chốt trên cán quạt, rồi nhằm sau lưng đối phương quạt tới, năm chiếc đinh bằng gang bắn ra nhanh như chớp. Trình Thanh Trúc không ngờ nên không tránh kịp, cả năm chiếc đinh cắm sâu vào giữa lưng, thấy tê tê buồn buồn, biết là trúng phải ám khí có độc, nhịn hơi im tiếng, quay lại nhảy đến gần, điểm luôn hai que trúc vào bụng kẻ địch. Vì quá tức giận, Trình Thanh Trúc đã dùng hết sức lực, nên Sa Thiên Quãng mới bị thương nặng mà chết giấc liền. Bọn đạo tặc Sơn Đông tuốt khí giới ra, nhảy xổ lại cứu, chưa tới gần đã thấy Trình Thanh Trúc chịu đựng không nổi cũng ngã ngửa về phía sau. A Chín cũng chạy lại đỡ Trình Thanh Trúc về bên mình. Các bang hữu bang Thanh Trúc chưa rõ thủ lãnh sống chết ra sao, đều công phẫn. Bốn đội nhân mã cùng xông ra cả một lúc, hỗn chiến với bọn đạo tặc Sơn Đông. Lúc ấy, trong chiến trường, tiếng hò hét chém giết vang động, các bụi mù mịt.

Chữ Hồng Liễu nắm lấy cánh tay Đàm phó trại chủ bên Ác Hổ Câu la lớn:

– Bạn mau kêu gọi anh em ngừng tay ngay.

Đàm phó trại chủ lấy tù và ra thổi. Bọn đạo tặc Sơn Đông rút lui tức thì. Bên kia tiếng còi lá tre cũng nổi dậy, người bên bang Thanh Trúc cũng rút lui ngay. Vì A Chín thấy Trình Thanh Trúc đã hồi tỉnh biết hỗn chiến như vậy, kết quả không tối đẹp gì, lại thấy đối phương thâu quân cũng ra lệnh cho bang chúng ngừng chiến. Chữ Hồng Liễu đứng giữa chiến trường lớn tiếng kêu gọi:

– Cả hai bên đừng có tổn thương hòa khí nữa. Chúng ta hãy chia những hòm châu báu này trước. Còn mối thù này tạm xếp lại, để sau này sẽ hay.

Đàm phó trại chủ nói:

– Cái hòm sau cùng này thuộc về bên chúng tôi.

Người bên bang Thanh Trúc vội nói:

– Không biết xấu hổ, thua rồi còn đánh lén như thế. Trại chủ của các người là tiểu nhân chớ không phải là anh hùng.

Hai bên chửi đổng, ồn ào vô cùng, lại định ra tay đánh nhau, Chữ Hồng Liễu vội nói:

– Thôi, hòm này đem ra chia đều vậy.

Hai bên đều phái người đến định khuân vác, A Chín lớn tiếng nói:

– Hòm thứ tám của tôi nhưng tôi không lấy, biếu cho người khách này, không ai đụng chạm tới.

Chữ Hồng Liễu hỏi:

– Tại sao cô lại làm như thế?

A Chín nói:

– Nếu con ngựa của ông ta không điên cuồng, thì cháu đã bị thương dưới chưởng của bác rồi. Nên cháu định biếu hòm châu báu này để đáp tạ ông ta.

– Cô giữ được ân oán phân minh như thế cũng đáng khen đấy! Thôi được, khuân đi! Hòm nào hòm nấy đều có viết rõ số hiệu cả, mong tất cả anh em đừng có khuân vác nhầm nhé!

Mọi người đang ra tay khuân vác, Thừa Chí bỗng nói:

– Các vị muốn làm gì thế?

A Chín phì cười nói:

– Ông không biết gì ư? Chúng tôi đến khuân những hòm này đấy.

Thừa Chí nói:

– Tôi không dám phiền đến quý vị. Tôi có thuê những xe lớn này chở rồi.

A Chín cười nói:

– Có phải chúng tôi khuân vác giúp ông đâu. Chúng tôi khuân cho chúng tôi đấy chớ!

Thừa Chí nói:

– Lạ thật! Những hòm này rõ ràng là của tôi đấy chớ!

Một người trong bọn Sơn Đông mắng liền:

– Những hạng công tử bột này chỉ biết ăn cơm đi tiêu có khác! Nói nhiều làm gì?

Nói đoạn, y cúi mình khuân hòm luôn. Thừa Chí lớn tiếng nói:

– Trời ơi! Không ai được động tới.

Nói xong, chàng giả bộ trợt chân ngã, miệng kêu cầu cứu:

– Ối trời ơi! Có ai cứu tôi không?

A Chín tưởng chàng ngã thật, chạy lại nắm lấy cánh tay, nhấc bổng chàng lên, nửa cười nửa trách nói:

– Ông này rõ thật lôi thôi!

Bọn giặc đang xôn xao thấy Thừa Chí hốt hoảng như vậy đều tưởng lầm cái đá là gặp may thôi, lại tiến lên định khuân. Hai tay xua lia lịa, Thừa Chí hỏi:

– Hãy khoan, các bạn định khuân những hòm của tôi đi đâu thế?

A Chín nói:

– Chúng tôi người nào khuân về nhà người nấy.

Thừa Chí nói:

– Vậy còn tôi sao?

A Chín cười nói:

– Ông không hiểu biết gì có khác, hãy ngoan ngoãn đi về nhà đi! Kẻ toi mạng trên đường thì khốn đấy.

Thừa Chí gật đầu nói:

– Cô nói rất phải. Tôi đem ngay mười cái hòm này về nhà vậy.

Tên đại hán bị đá vừa rồi, chưa nguôi cơn giận, chạy lại nắm vai Thừa Chí đẩy mạnh một cái, rồi quát lớn:

– Bước đi, đồ khốn kiếp!

Chưa dứt lời, y đã bị Thừa Chí túm sau lưng, ném một cái, cả người bay thẳng ra đằng xa, bắn thẳng đến đỉnh cây lớn cách đó bảy, tám trượng, y ôm chặt lấy cành cây, sợ hãi kêu la.

Bây giờ, bọn giặc mới hay Thừa Chí võ nghệ cao siêu như vậy. Cái điệu công tử bột và hủ nho vừa rồi là chàng giả bộ để đùa giỡn mọi người.

Lúc ấy Trình Thanh Trúc đã nhờ người nhổ cho năm chiếc đinh ra, biết vết thương không nhẹ, định chia của xong là rút lui ngay. Bỗng thấy Thừa Chí biểu lộ võ nghệ, biết chàng là tay võ công thượng thặng, tất cả mọi người có mặt tại đấu trương không ai là địch thủ của chàng, sợ hãi quá vội vẫy tay gọi A Chín lại gần, khẽ nói:

– Người đó không phải là tay tầm thường. Con phải đề phòng cẩn thận.

A Chín gật đầu nhận lời, trong lòng vừa mừng vừa sợ, không ngờ một tú tài gầy gò thế kia lại có bản lãnh cao cường đến thế. Thừa Chí bỗng lớn tiếng nói:

– Hai bên đánh nhau nửa ngày trời định cướp những hòm báu vật của tôi, lại còn viết chữ nọ chữ kia lên đó. Hà hà, tôi xóa những chữ ấy đây.

Chàng thuận tay túm một tên đại hán đứng cạnh, bóp luôn yếu huyệt ở trên cổ tay. Tên nọ tê liệt tức thì, không sao cử động được. Thừa Chí cầm người nọ lên, giơ ngang rồi chạy quanh hòm châu báu một vòng. Chàng sử dụng tên đại hán như một giẻ lau, chùi lưng y vào những chữ viết cạnh hòm, lau sạch rồi, hai tay đưa mạnh một cái, quăng tên nọ lên trên ngọn cây.

Bọn đạo tặc Sơn Đông cầm khí giới xông tới. Thừa Chí chân đá tay đấm, những khí giới của giặc bay tứ tung. Chỉ trong giây lát bảy, tám tên đại hán đều bị chàng túm lưng, túm ngực ném đằng xa. Thế là cả hai bọn giặc đều xôn xao. Thấy Sa Thiên Quãng và Trình Thanh Trúc đều bị thương nặng, chúng chỉ còn trông mong Chữ Hồng Liễu làm chủ cho. “Hừ” một tiếng, Chữ Hồng Liễu lớn tiếng nói:

– Không ngờ các hạ cũng là anh em trong làng võ. Xin cho biết tên họ, và môn hạ của vị tiền bối nào?

Thừa Chí đáp:

– Tôi họ Viên, sư phụ tôi là Vương Lý Tư Vương lão phu tử, ông ta là kính học đại sư, rất thông thạo Lễ Ký và Xuân Thu các kinh sử. Còn một vị Lý lão phu, cũng dạy tôi lời văn bát cổ, chuyên môn nghiên cứu “Chi hồ giả dã.”⬦

Chữ Hồng Liễu nói:

– Lúc này bạn giả bộ làm gì nữa? Bạn cứ nói rõ sư phụ và môn phái của bạn ra đi! Nếu ông ta có uyên nguyên gì với chúng tôi thì chúng tôi đây cũng không phải hạng người không biết tình nghĩa đâu!

Thừa Chí nói:

– Thế thì còn gì tốt hơn nữa. Bây giờ đã muộn lắm rồi. Xin chào các bạn, chúng tôi phải đi đây.

Tánh của Hầu trại chủ Sát Báo Cương rất nóng nảy, giơ thanh Cửu Hoàn đao lên nhằm lưng Thừa Chí chém ngang xuống.

Thừa Chí né mình tránh thành Cửu Hoàn đao nọ chém hụt sang bên. Vì dùng sức quá mạnh, khi đã chém không trúng, Hầu trại chủ không sao thâu khí giới lại được, để thanh đao đó thừa thế bổ xuống vai của Chữ Hồng Liễu đứng cạnh. Mọi người hoảng sợ la lớn. Nhưng Chữ Hồng Liễu khẽ giơ tay trái ra dùng ngón tay trỏ kẹp lấy sống đao kéo về phía sau một cái, thanh đao đó mới ngừng được. Hầu trại chủ xấu hổ quá, mặt đỏ bừng lên. Chữ Hồng Liễu mỉm cười, buông tay ra, rồi nói với Thừa Chí rằng:

– Với chút tài ba này, tôi được một hòm châu báu của bạn, cũng không quá đáng, phải không bạn?

Thừa Chí hỏi:

– Thế võ của bạn tên là gì thê?

Chữ Hồng Liễu nổi giận nói:

– Thế võ ấy tên là Giải Kiềm công (võ càng cua). Nếu bạn cũng biết thế võ ấy, ta xin phục ngay!

Thừa Chí nói:

– Võ gì lại gọi “Giải Kiềm” hay “Qui Kiềm” (càng cua hay càng rùa) tôi chưa thấy qua bao giờ?

Chữ Hồng Liễu cả giận thét lớn:

– Vừa rồi ta dùng hai ngón tay kẹp lấy thanh đao. Đó là Giải Kiềm công! Bạn đui mù hay sao mà bảo không trông thấy.

Thừa Chí nói:

– Ồ ra miếng võ xiếc ấy! Bạn với người kia xếp đặt với nhau trước có gì lạ? Chú Thanh lại đây, chúng ta cũng biểu diễn cho họ xem chơi.

Thanh Thanh tươi cười chạy tới, nhặt thanh đao lên, làm điệu bổ xuống đầu Thừa Chí, lúc sắp tới nơi, cố ý làm ra thật chậm và thật nhẹ chém xuống. Tay run run, Thừa Chí cũng dùng hai ngón tay kẹp lấy lưỡi đao, Thanh Thanh làm bộ dùng sức giựt ra, nhảy nhót nghiến răng mím môi một hồi, mà không sao rút nổi thanh đao ra. Thấy hai người trêu ghẹo Chữ Hồng Liễu, A Chín không nhịn được, lớn tiếng cười trước. Thấy hành động của hai người khôi hài quá, bọn giặc cũng đồng thanh cười theo.

Xưa tay làm phách quen rồi, Chữ Hồng Liễu khi nào lại chịu để cho hai tên hậu sanh tiểu bối diễu cợt mình như vậy, liền giựt luôn thanh Cửu Hoàn đao ở trong tay Hầu trại chủ, đưa cho Thừa Chí nói:

– Bạn thử chém ta một đao xem. Như vậy, bạn không thể nói là ta đã xếp đặt trước nhé?

Thừa Chí nói:

– Nhưng chém chết người, tôi không chịu thường mạng đấy nhé?

Càng tức giận thêm, Chữ Hồng Liễu liền sanh lòng giết chóc, sầm nét mặt lại nói:

– Bất luận ai chết, cũng không phải đền mạng cả!

Thừa Chí la lớn:

– Này, cẩn thận, đao tới đây này!

Chàng bỗng giở tay trái bổ ngang một đao. Không ngờ đao đó lại đến trái hẳn đường đao mà mình tưởng tượng, Chữ Hồng Liễu sợ hãi quá, cúi đầu để tránh, hơi muộn một chút, mũ của y đã bị thanh đao chém rớt xuống đất. Bọn giặc lại cười ồ.

Thừa Chí cười nói:

– Thế võ “Quy Kiềm” của bạn à, không phải, Giải Kiềm mới đúng!

Vừa nói chàng vừa chém ngang chân một đao. Chữ Hồng Liễu vội nhảy lên để tránh nhưng vẫn không kịp, cả hai chiếc đế giày bị chém rơi xuống đất. Y vừa giận vừa sợ hãi.

Thừa Chí nói:

– À, phải rồi. Cao quá, thấp quá, nhanh quá, bạn không tránh được cả. Bây giờ tôi từ từ chém vào giữa vậy!

Đao này quả nhiên giống như Thanh Thanh vừa rồi vậy, từ từ chém ngang tới. Chữ Hồng Liễu giơ tay trái ra định kẹp lấy đao. Y định tay trái kẹp võ khí, tay phải dùng chưởng đánh miếng độc liền.

Ngờ đâu, đao của Thừa Chí sắp chém tới tay y, bỗng bật ngược lưỡi đao đưa lên một cái, thế là hai ngón tay của Chữ Hồng Liễu bị lưỡi đao của Thừa Chí cứa phải, máu chảy đầm đìa. May y rụt tay nhanh, hai ngón tay mới khỏi đứt. A Chín vỗ tay khen ngợi. Chữ Hồng Liễu cả giận quát:

– Quân chuột nhắt, mi có giỏi lại đây tỷ võ với ta?

Thừa Chí quăng thanh đao ra phía sau, lúc ấy tên đại hán ở trên đỉnh cây đang vịn cành lớn bò xuống, ngờ đâu thanh đao của Thừa Chí vừa liệng, chặt đứt cành cây nọ, tên đại hán kia ngã lộn mấy vòng xuống đất. Trong lúc các người đang hoảng sợ kêu la, Thừa Chí lại xách từng cái hòm một ném ra phía xa, cái nọ chồng lên cái kia, thành một đống cao ước mấy trượng, rồi nói:

– Tỷ võ thì tỷ võ ta có sợ đâu. Nhưng ta không yên tâm vì bọn mi đều là đầu trộm đuôi cướp cả. Nhân lúc ta đang đấu hăng hái, lại lấy trộm những hòm châu báu này của ta thì sao?

Nói đoạn, chàng nhảy lên trên nóc đống hòm, rồi lớn tiếng kêu:

– Mi có giỏi lên đây tỷ võ với ta.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.