Mặt trời sắp lặn, đàn quạ đang bay về tổ. Trên con đường cái quan nối liền Thiểm Tây với Tân Lĩnh có một thiếu niên thư sinh đang cưỡi con ngựa trắng, vừa đi vừa ngắm phong cảnh vẻ mặt rất hớn hở. Thư sinh có tuổi chưa đầy hai mươi, tay cầm roi ngựa và lẩm bẩm ngâm nga: “Cảnh mặt trời lặn đẹp biết bao, tiếc thay không còn tồn tại được lâu.”
Theo sau chàng có một tiểu đồng tuổi chừng mười ba mười bốn cỡi một con ngựa gầy còm. Trên con ngựa của y có cột một bọc sách lớn và một bó hành lý. Thằng nhỏ thấy trời sắp tối đến nơi mà công tử vẫn đi thủng thẳng, nó bèn lên tiếng thúc giục:” Thưa công tử, nghe nói đường này không được yên lắm, nếu tối hôm nay chúng ta không đi kịp tới thị trấn ngủ trọ, lỡ gặp phải đạo tặc thì nguy to lắm đấy.”
Thư sinh nọ nghe tiếng tiểu đồng nói xong tủm tỉm cười, giơ roi lên quất vào mông ngựa một cái. Con ngựa của chàng cất vó phi chạy ngay. Công tử họ Hầu tên là Triều Tôn biệt tự là Phương Vực, người huyện Thương Khán tỉnh Hà Nam. Năm đó là năm Sùng Tỉnh ngu niên. Hầu công tử xin phép cha mẹ ra ngoài du học. Hồi bấy giờ quan Thái giám Ngụy Trung Hiền đã bị xử trảm nhưng thiên hạ loạn lạc, đường đi không được bình yên đạo tặc nổi lên như kiến cỏ. Cha mẹ của chàng không cho phép chàng đi, nhưng chàng cứ khăng đòi đi và thưa rằng:” Đại trượng phu phải đọc sách muôn cuốn, đi vạn dặm đường, thì đầu óc mới học hỏi nhiều và hiểu nhiều được chứ.”
Bình luận