Giọng nói ranh mãnh đượm vẻ đùa bỡn khiến âm cuối của y hơi cao lên, chất giọng trầm trầm ôn hòa bẩm sinh đã có sức thuyết phục: “Ta cứ tưởng cả đời này cô không biết chữ sợ viết thế nào nữa chứ, Thịnh Nhan.”
Tên cô nhẹ nhàng buột ra trên môi y, song lainhư sấm sét giữa trời tháng Năm, rền vang bên tai cô.
Thịnh Nhan ngạc nhiên tròn mắt, ngỡ ngàng nhìn y.
“Quên ta rồi à?” Người ấy hếch cằm thưởng thức vẻ kinh ngạc của cô, thản nhiên nói “Năm cô bảy tuổi đã dám dẫn ta đi trèo tường trộm hoa trong cung, sao giờ lớn lên lại thành ra thế này?”
Một đốm sáng chợt lóe lên giữa những trang ký ức đã vàng vọt úa màu. Thịnh Nhan không kìm được bật kêu khẽ: “Huynh … Là huynh sao?”
Khóe môi y cong lên, gương mặt lạnh băng thoáng tươi lên: “Phải, là ta.”
Thịnh Nhan e sợ, bất giác siết chặt mười ngón tay nắm lấy váy, hai má ửng hồng, ấp úng mãi không thốt nên lời.
Đôi mắt sâu hút của y nhìn dán vào cô, ngắm những hạt mưa rơi trên gương mặt đỏ hồng như hoa đào ướt mưa, dẫu vài sợi tóc bết vào mặt khiến cô có phần nhếch nhác, nhưng khong lấn át được vẻ kiều diễm.
Người ấy bất giác nói chậm lại, thật khẽ: “Nghe nói cha cô qua đời tại nơi nhậm chức, ta cứ ngỡ cô cũng lưu lạc ở đó, vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện trước mặt ta nữa.”
Giọng y trầm thấp dịu dàng, chất chứa niềm nhung nhớ bao năm tựa hồ đã cách một đời, còn động lòng người hơn cả lời nói mê lúc đêm khuya tỉnh mộng.
Như bị mê hoặc, hơi ấm âm ỉ trong lồng ngực khiến Thịnh Nhan nhất thời mơ màng đờ đẫn, không hiểu sao lại rụt rè tiến lại gần.
Người theo hầu nhanh nhảu ân cần bắc thang ghế chi cii, cô giẫm lên thang vào xe. Tấm thảm dày dặn mềm mại trên xe tức thì vấy đầy bùn đất.
Thịnh Nhan cuống quýt rụt chân lại, co người ngồi xuống góc cuối xe, ngượng nghịu kéo gấu váy ướt sũng bẩn thỉu che đi mũi giày mòn vẹt đã thủng lỗ chỗ.
Ngước lên, bắt gặp y đang trầm tư quan sát mình, cô nơm nớp không yên đành ngượng ngập nói: “Xin lỗi … Làm bẩn xe của huynh rồi.”
Y lặng lẽ nhìn cô, ánh mắt ôn hòa trầm tĩnh: “Đừng ngại.”
Thịnh Nhan không dám nói gì thêm, chỉ im lặng ôm gối ngơ ngác dựa vào thành xe.
Thành xe trạm trổ thếp vàng, trang trí non xa mây nổi các họa tiết lồi lõm hằn vào da thịt cô qua làn áo ướt khá khó chịu, nhưng so với một mình dầm mưa thì thế này vẫn tốt chán.
Xe ngựa rất rộng, không chỉ có ghế có sập, còn có cả một chiếc bàn thấp, trên đặt ấm trà. Tay nghề người thợ quả rất tài khéo, tuy đường đi gập ghềnh, thùng xe xóc nảy, nhung bộ ấm chén không hề suy chuyển.
Y cầm ấm lên rót một chén trà, đưa cho cô: “Uống chén trà cho ấm người.”
Thịnh Nhan ngồi cách y đến ba bốn thước, đương nhin y không thể đưa chén qua, nên cô đành nhích lại gần một chút, vươn tay ra thận trọng đỡ lấy chén trà.
Nước trà xanh biếc sứ mỏng trong ngần, mùi thơm thoang thoảng bốc lên. Cô bưng chén bằng cả hai tay, không dám nhấp môi, chỉ dùng để ủ tay, nơm nớp ngồi dựa vào thành xe.
Còn y lại hếch cằm ngắm nghía gương mặt nghiêng của cô, chậm rãi nói: “Hồi nhỏ cô chẳng sợ trời chẳng sợ đất, không ngờ giờ lại thành ra thế này.”
Thịnh Nhan cụp mắt, mượn hàng mi dài che đi làn nước long lanh, cất giọng khe khẽ: “Mười năm rồi, vật đổi sao dời, còn gì như cũ được đâu?”
Y tủm tỉm cười, ánh mắt rời khỏi cô, nhìn chăm chăm vào màn mưa liên miên ngoài song cửa, nụ cười trên mỗi cũng chẳng rõ là vì sao.
Hơi ấm nhỏ nhoi từ chén trà trong lòng bàn tay Thịnh Nhan dường như bỗng nóng rực lên. Tụa như bàn tay ấm áp cô đã nắm chặt lấy trong lúc trèo tường giữa hoàng cung tối mịt, vào cái đêm mười năm trước.
Ánh mắt cô bất giác dừng ở tay y.
Bàn tay gầy yếu năm ấy, giờ đã trở nên rắn chắc, mười ngón thon dài, lờ mờ khớp xương, còn mang một lớp chai mỏng vì thường cầm vũ khí.
Cậu bé năm xưa chỉ cao xấp xỉ cô, thút thít khóc trong đêm tối, giờ đã cao lớn nhường này, toát lên vẻ mạnh mẽ khiến người ta không sao chống lại.
Cô cúi gằm mặt xuống, chỉ thấy tim đập rộn lên, gượng dạo tìm một câu để hỏi: “Kẻ vừa nãy … tự dưng lại… là vì sao?”
Y thuận miệng đáp: “Đừng để tâm. Hắn thất thế trong triều, bị phái đi bình định Chiêm Thành cùng cha mình, đang không tìm được người trút giận, thấy ta và cô ở cùng một chỗ nên định bắt nạt cô hòng xả giận đấy thôi.”
Thịnh Nhan nói khẽ: “Tôi nghe hàng xóm kể, ngày mai tướng quân Hạng Nguyên Phi sẽ xuất chinh tới biên cương.”
“Hạng Vân Hoàn là con trai Hạng Nguyên Phi.”
Xem ra họ đều là những người có ảnh hưởng lớn trong triều, vĩnh viễn cách xa cô cả mấy tầng trời.
Thịnh Nhan thầm nghĩ, cũng chẳng nói gì thêm, chỉ ôm chén trà, quay đầu ngắm cảnh vật bên ngời, thùng xe hơi lắc lư, men theo bờ sông mà đi.
Thấy càng lúc càng đến gần nhà, Thịnh Nhan dần vững dạ, cô cẩn trọng đứng dậy, đặt chén trà vào chỗ cố định chén trà trên bàn, rồi lùi ra cửa.
Thình lình nghe y lên tiếng hỏi: “Người nhà họ Thịnh chết cả rồi sao mà để cô phải ở ngoài ngoại ô hoang vắng này?”
Thịnh Nhan đáp khẽ: “Sau khi cha tôi qua đời, mẹ dẫn tôi về kinh. Tôi thân gái, nhà ngoại không ai giúp đỡ, nên bị họ hàng cướp sạch gia sản, chỉ còn lại gian nhà bỏ hoang ngoài ngoại ô này, không ai thèm nhòm ngó tới, hai mẹ con đành trú chân tạm vậy.”
“Đúng là bắt nạt người quá lắm.” Y nhíu mày, vẻ lạnh lùng thoáng qua vầng trán, nhưng ánh mắt chăm chú nhìn cô dường như lại đượm phần cảm thán: “Không ngờ đời cô giờ lại ra thế này.”
Tim Thịnh Nhan nảy lên một nhịp, ngẩng đầu bắt gặp cặp mắt sáng rực của y, cô bất giác hoảng hồn.
Đúng cuộc đời cô, lẽ ra không phải như thế này.
Vì sinh cùng ngày với thái tử nên khá nhiều người trong cung biết đến cô. Tuy cha cô chỉ là một quan văn thanh bần cao nhã, nhưng mỗi dịp năm hết tết đến, thỉnh thoảng mọi người lại nhắc đến con gái ông. Năm đó, lúc thái hoàng thái hậu từ trần, cần một đôi đồng nam đồng nữ canh đêm, bấy giờ nam đồng được chọn là cháu trai kinh triệu doãn, còn nữ đồng là Thịnh Nhan.
Đó là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất cô vào cung. Băng qua lớp lớp lâu, đài, điện, gác, cô tròn xoe mắt nhìn cung điện nguy nga tráng lệ, ánh mắt đầy vẻ thích thú thơ ngây. Cha cô, ngoài mặt nghiêm trang nhưng trong lòng vừa lo lắng vừa kiêu hãnh, dắt tay cô giao vào tay nữ quan hậu cục rồi ngồi xuống dặn dò: “Phải ngoan ngoãn cầm dây canh quan tài, ngồi im không được phá phách, nhớ chưa?”
Thịnh Nhan ngây ngô chớp mắt nhìn cha, gật gật đầu.
Cô và đồng năm mặc áo xô gai trắng, ngồi hai bên linh đường.
Cậu bé đối diện nhấp nhổm không yên, đứng lên mấy lần, liền bị công công mắng cho, cuối cùng cũng khóc thút thít, có điều linh đường dậy tiếng than khóc nên chẳng ai chú ý. Trái lại, Thinh Nhan ngoan ngoãn quỳ tại chỗ, nên những người đến bái tế đều để mắt, gương mặt trái xoan trắng nõn của cô là thứ tươi tắn duy nhất giữa cả linh đường khô khan.
Mọi người ở hậu cung đều lục tục kéo đến, hoàng đế, hoàng hậu, phi tần các cung, cả hai cậu bé cao sàn sàn nhau. Qua màn khói hương bảng lảng. Thịnh Nhan nhìn về phía hai vị hoàng tử, tiếc rằng khó mà trông rõ được. Nghe nói hai người cách nhau ba tuổi, nhưng chiều cao xấp xỉ nhau, mặt mũi cũng nhang nhắc, lại đều mặc áo xô gai trắng, trông ra chỉ thấy lờ mờ chẳng biết là ai lớn hơn.
Thịnh Nhan cũng không có tính tò mò, nên chỉ mở to mắt nhìn lướt qua rồi lại mải miết cung sợi thừng trong tay, vung mãi vung mãi, lòng bàn tay hơi ê ẩm, cô ủ ê nghĩ, đói bụng thật đấy.
Đêm xuống lại càng mệt nhọc. Hơi lạnh đầu xuân như nước ngấm vào thân thể những người trông coi linh cữu, lạnh buốt thấu xương. Các phi tần quỳ trước linh cữu không khóc nổi nữa, đều được người hầu dìu xuống dưới. Cháu trai nhà kinh triệu doãn mệt đến nỗi nằm bò ra ghế thiếp đi, cũng không ai để tâm, ngay cả thái giám cung nữ quỳ bên dưới, thoạt nhiên còn khóc lóc vài tiếng, về sau khóc mãi thấm mệt, nước mắt cạn khô, chỉ đờ đẫn quỳ đó.
Thịnh Nhan đã nhịn đói suốt một buổi chiều, không ai buồn ngó ngàng, đến đêm thi không chịu nổi nữa, cô len lén lùi ra sau tấm trướng, thấy không ai chú ý tới mình mới yên tâm chạy ra phía sau, giơ tay nhón một miếng điểm tâm bày ở đó.
Ăn được hai miếng, cô mới phát hiện có người đang chăm chú nhìn mình.
Thịnh Nhan ngước lên nhìn kỹ, ra là một đứa bé gày gò, sắc mặt vàng bủng, duy chỉ có đôi mắt to đến bất ngờ, trừng trừng dán vào miếng điểm tâm trên tay cô, ánh mắt dữ tợn như trông thấy kẻ thù.
Thịnh Nhan lại vươn tay nhón lấy một miếng điểm tâm khác, chìa ra trước mặt cậu bé kia: “Bên trong là bột đậu đấy, ngon lắm.”
Đứa bé kia há miệng, ánh mắt rời từ miếng điểm tâm sang mặt cô, không hề động đậy.
“Ăn đi ăn đi, tôi thấy họ đều đang ăn cả đấy.” Thấy đứa bé còn thấp hơn mình, Thịnh Nhan không khỏi ra vẻ người lớn, đưa thẳng miếng bánh đến bên miệng cậu bé, “Ngọt mà, mềm nữa.”
Đứa bé nọ im lặng nhìn Thịnh Nhan hồi lâu, cuối cùng cũng hé cặp môi tái ngắt, cắn vào miếng điểm tâm trên tay cô.
Thịnh Nhan khẽ kêu “úi chao” rồi rụt tay về, bàn tay đã hằn hai dấu răng.
Cô dẩu môi bực bội làu bàu: “Đúng là chó con …”
Đứa nhỏ kia chỉ nhai hai miếng là hết veo chiếc bánh điểm tâm, lại e dè vươn tay về phía mặt bàn, nhưng giữa chừng thì dừng lại.
Tuy Thịnh Nhan hơi bực, nhưng dù sao cũng là trẻ con, thấy vậy bất giác nhoẻn cười kéo cậu bé ngồi thụp xuống, rót cho cậu một chén trà rồi lại đưa cho một miếng điểm tâm.
Trà còn nóng, nhưng đứa bé kia uống ừng ực một hơi hết ngay, rồi lại ngấu nghiến ăn miếng điểm tâm được cho.
Thịnh Nhan cười tít cả mắt, vừa ăn điểm tâm, vừa lấy thêm một miếng nữa nhét vào tay cậu bé, hỏi: “Đằng ấy cũng canh linh cữu cho thái hậu à? Từ chiều đến giờ tôi chẳng được gì vào bụng cả, đói muốn chết, đằng ấy thì sao?”
Đứa bé khi nhìn cô, đang định đáp, nào ngờ miếng bánh trong miệng chưa nhai xong, suýt thì mắc nghẹn. Thịnh Nhan vội rót cho cậu bé chén trà để nuốt trôi.
Sau khi xuôi khí, cậu bé mới lúng búng nói: “Từ hôm qua cơ … Trong cung bận túi bụi, chẳng ai để ý đến tôi cả …”
Thịnh Nhan không ngờ trong cung lại bận rộn vì tang lễ thái hậu đến thế này, có điều nghĩ lại thì mình ngồi trông linh đường mà còn chẳng được ăn, huống hồ cậu bé lại canh bên ngoài.
Chao … đáng thương quá, hoàng cung rộng lớn như thế mà hai đứa đều bị người ta bỏ quên.
Thịnh Nhan xoa đầu đứa bé kia vẻ thông cảm, thấy mình hệt như chị gái của cậu bé vậy. Lại đưa thêm cho cậu hai miếng điểm tâm, im lặng cùng ăn.
Đến khi cả hai no căng bụng, Thịnh Nhan nhích đến bêm mép trướng trông ra, thấy bên ngoài vẫn vắng tanh không có một ai, mới dám thở phào nhẹ nhõm, xoa xoa hai đầu gối ê ẩm vì quỳ lâu, thì thào: “Hay là chúng ta lẻn ra góc tường ngồi một lúc đi.”
“Để tôi dẫn đằng ấy tới một nơi, nhất định không có ai cả.” Nói rồi, đứa bé kia nắm tay dắt cô ra ngoài.
Ngỡ cậu bé đó dẫn mình tới chỗ những đứa bé canh linh cữu bên ngoài ngồi nghỉ, nên lúc đi theo, Thịnh Nhan còn mặc cả: “Đừng đi xa quá nhé, lỡ bị bắt gặp, cha lại bảo tôi hư.”
Đứa bé nọ không đáp, mà không hiểu sao lại rất thông thuộc đường xá trong cung, dẫn cô luồn qua cửa nghách, rời khỏi linh đường.
Rẽ trái rẽ phải một hồi, rõ ràng là một tòa cungđiện không xa lắm, nhưng lại lặng phắc như tờ. Tuy quả thật không ai để ý tớihai đứa nhỏ, nhưng Thịnh Nhan bất giác hơi sờ sợ.
Ánh trăng xuân đổ xuống toàn thân một màu nhũ bạc, không gian tĩnh lặng quạnh hiu. Thịnh Nhan ngồi một chống trên bậc thềm trước cung cùng đứa bé kia rồi đứng dậy: “Ta về thì hơn, chỗ này lạnh quá.”
Song đứa bé kia ngồi trên bậc thềm kéo tay cô lại rồi ngước lên nói khẽ: ” Đừng sợ, trước đây mẹ tôi sống ở đây, mẹ tôi sẽ bảo vệ chúng ta.”
Thịnh Nhan không hiểu lắm, cô chớp mắt, nhoài người ra cửa sổ chạm hoa nhìn vào, bên trong là một cung điện bình thường, bỏ hoang đã lâu, cỏ úa năm nggoais không ai dọn dẹp, cỏ non năm nay đã kịp mọc cao, cảnh tượng thê lương vô hạn. Gốc đào góc tường chỉ lác đác vài đóa hoa, càng tăng thêm vẻ quạnh hiu.
Nghĩ một lúc lâu, cô mới hỏi: “Mẹ đằng ấy là người trong cung, vậy đằng ấy là hoàng tử rồi.”
“Không phải đâu, xưa nay chẳng ai để ý tới tôi cả.” Đứa bé rù rì, “Sau khi mẹ qua đời, chẳng ai ngó gì đến tôi, cứ như … cứ như không ai trông thấy tôi vậy.”
Giọng cậu bé khàn đặc, hàng mi dày cụp xuống run rẩy dưới ánh trăng đầu xuân, như phớt qua trái tim cô.
Thịnh Nhan bất giác cũng đau lòng theo, cô chậm rãi chia tay ra nắm lấy tay cậu bé, thì thầm: “Ai nói vậy, có tôi trông thấy đằng ấy mà.”
Đứa bé kia mắt long lanh nước, quay sang nhìn cô. Dưới ánh trăng, gương mặt xinh xắn đáng yêu của cô phủ một vầng sáng nhàn nhạt, khiến cái lạnh đêm xuân như tiêu tan cả.
Dòng máu ấm áp chảy qua lồng ngực, tỏa đi khắp toàn thân. Bàn tay cô nắm lấy tay nó ấm áp chẳng khác nào tay mẹ năm xưa.
Thế nên nó cũng nắm chặt lấy tay cô, gắng nén đôi dòng nước mắt chưa kịp lăn xuống, như một kẻ chết đuối nắm chặt lấy cành cây cứu mạng, quyết không buông tay.
Đoạn, đứa bé kéo cô đến trước cửa sổ chạm hoa, trỏ gốc đâò kia kể: “Đằng ấy thấy không, mẹ tôi tự tay trồng đó, mọi người đều nói hạt đào rất khó trồng ra cây, vậy mà giờ đây hoa nở rồi.”
Thịnh Nhan gật gật đầu, nhẩm đếm: “Nở sáu bông rồi.”
“Về sau mẹ tôi qua đời, mội người đều nói là điềm gở bèn niêm phong cung điện lại. Nhưng giờ thái hậu từ trần, ngày mai bên này sẽ bị dỡ ra để lập Phật đường, từ nay về sau tôi không được thấy nơi này nữa.” Đứa nhỏ dựa vào cửa sổ lẩm bẩm, nước mắt lại rơm rớm: “Đến hoa đào mẹ tôi trồng ra, tôi cũng không chạm tay vào được…”
Nhìn nước mắt cậu bé lăn dài trên má, nhỏ xuống nên gạch xanh, một cảm giác lạ lùng đột nhiên dâng lên, Thịnh Nhan giơ tay kéo tay cậu bé: “Có cách rồi!”
Đứa bé kia không nói năng gì, tựa hồ chưa kịp phản ứng.
Thịnh Nhan trỏ mấy cây tùng cây bách cao cạnh đó, rồi chỉ lại bức tường không cao lắm, nhìn đứa bé gật đầu quả quyết.
Cây tùng Thịnh Nhan chọn rất cao, cành lá sum suê, tuy cách tường một khoảng nhưng có thể leo lên cành cây bò đến phía trên tường. Bên trong tường lại có một cây phong vươn ra, lúc trèo ra cũng tiện.
“Trèo từ đây vào đi.” Thạnh Nhan trỏ cây tùng.
Đứa nhỏ ngẩng lên nhìn thân cây tùng cao vút thẳng tắp, lộ vẻ chần chừ – thoạt nhìn đã biết nó chưa bao giờ trèo cây.
Thịnh Nhan từ nhỏ được cha mẹ dung túng, thấy vậy thì ngán ngẩm ôm lấy thân cây: “Vậy để tôi vào hái một bông ra cho đằng ấy.”
Nghe cô nói thế, đứa bé kia nghiến răng cho vạt áo xô gai bào thắt lưng, lẳng lặng om lấy thân cây định leo lên.
Thịnh Nhan tức thì bò lên trước, cô nhanh nhẹn tháo vát hơn đứa nhỏ kia nhiều, chằng mấy chốc đã leo đến chạc cây (vị trí cây chia nhánh) đầu tiên, ngồi vắt vẻo trên đò chìa tay ra bảo cậu bé: “Lên đây.”
Đứ bé ôm thân cây, ngẩng đầu nhìn cô.
Ánh trăng len qua kẽ lá, soi sáng cả người cô, cô ngồi trên cao nhìn xuống, mái tóc và vạt áo bay tung theo gió, vì ngược sáng nên mắt nó hơi đau.
Cô giỏi thật, chẳng biết giỏi hơn nó bao nhiêu lần nữa.
Nó ngước nhìn rồi từ từ vươn tay ra nắm lấy tay cô.
Được Thịnh Nhan giúp đỡ, nó chật vật leo lên cành cây rồi cuối cùng cũng bò sang đứng trên đầu tường. Thịnh Nhan ôm lấy cành phong từ từ đu xuống, chẳng mấy chốc đã tụt xuống sân, cậu bé học theo, toan từ từ đu xuống nào ngờ không kiểm soát được, cành cây bị đè trĩu xuống ngay, khiến nó đáp đất bất ngờ, lảo đảo ngã nhào.
Thịnh Nhan đứng bên nhanh tay kéo cậu bé lại, nào ngờ đã rơi quá mạnh làm cô cũng bị kéo theo. Ngã nhào xuống, đau đến mức ôm vai rên rỉ.
“Có sao không?” Cậu bé vội hỏi.
Thịnh Nhan vội ra dấu suỵt khẽ rồi vin một cành đào khẳng khiu bênh cạnh trở mình đứng dậy.
Nơi này không giống chỗ ở của phi tần, phòng ốc vừa thấp vừa bé, giống của cung nữ hơn, cánh cửa bám đầy bụi, còn chẳng có khóa.
Vừa đẩy cửa, mùi ẩm mốc bị phong kín lâu ngày xộc ra. Thịnh Nhan bịt mũi quay mặt đi, song đứa bé kia cứ đứng ngây ra trước cửa hồi lâu, nét mặt ngơ ngẩn như đang nằm mộng.
Thịnh Nhan thấy cậu bé không cử động bèn nắm tay dắt cậu vào.
Cửa sổ bé xíu, mái hiên thấp tè, căn phòng không hứng nổi ánh trăng trong đêm tối toát lên vẻ âm u khó tả. Cậu bé dè dặt bước vào, rẽ sang phải, là một căn phòng bé tẹo. Giường không có giát, chiếc bàn nhỏ đầy bụi đặt bên cửa sổ, đối diện của ra vào là một bàn thấp dùng làm bàn trang điểm kê sát tường.
Thịnh Nhan hơi rờn rợn, hối hận nói: “Bên trong có thấy gì đâu, hay là chúng ta ra ngoài đi.”
Song đứa bé kia chẳng nói chẳng rằng, đi đến trước bàn trang điểm, mở ngăn kéo ra.
Bụi bám lâu ngày bị gió cuốn tung lên bay lả tả trong đêm, ngăn kéo chứa mấy thứ đồ lộn xộn, đều đã cũ nát không sửa được nữa, nên bị vứt vào đó.
Thịnh Nhan cầm một mảnh giấy mỏng lên, thấy bên trên vẽ một bông hoa vàng xỉn, hẳn là bản mẫu thêu. Vừa cầm lên, tờ giấy mỏng giòn đã rã ra, khiến cô sợ hãi rụt tay lại.
Xác nhận không có gì cả, cô kéo đửa nhỏ kia bước ra ngoài: “Chúng ta đi thôi, chắc đồ đặc của mẹ đằng ấy bị người ta đem đi cả rồi.”
Đứa bé kia ngơ ngác gật gật, tựa hồ cô cũng buồn bã, cúi gầm mặt lặng lẽ đi đến dưới gốc phong, trèo tường ra ngoài trước, rồi ôm cành tùng tụt xuống.
Loay hoay một chập, trời đã tảng sáng, phía Đông dần dần chuyển thành màu lam thẫm tươi tắn, gió sớm mát lạnh, thổi tung mái tóc và vạt áo hai đứa trẻ, cả thế giưới đang vào lúc tĩnh lặng nhất, tất cả đều chìm trong giấc ngủ.
Đứa nhỏ dắt cô đi mấy bước thì dừng lại, ngoái đầu ủ rũ than: “Hình như tôi … quên khoog sở thử hoa đào mẹ trồng rồi.”
Dưới ánh bình minh nhàn nhạt, Thịnh Nhan nhoẻn cười, đắc ý rút trong ngực áo ra một cành đào, chìa cho cậu bé: “Xem này, tôi vừa bẻ cho đằng ấy đấy.”
Đứa bé kia ngỡ ngàng không dám tin, mãi tới khi cầm cành hoa trong tay mới ngẩng lên nhìn nụ cười của cô.
Ánh sáng và bóng tối giao thoa, mọi đường nét của Thịnh Nhan đều lộ ra, nhưng vẫn không trông rõ được gương mặt. Nụ cười ấy mờ ảo làm sao, cũng chân thực làm sao.
Hoa đào trong tay đứa nhỏ bây giờ chỉ là một cô bé con bảy tuổi xinh xẻo yếu đuối, chưa hiểu sự đời.
Đời người đúng là kỳ lạ.
Đứa bé năm xưa còn gầy nhỏ hơn cô, giờ lớn lên lại thành nam tử cao lớn tôn quý nhường này
Còn cô bé bẻ trộm cành hoa cho y, giờ đãng nghèo khổ khốn cùng, không người thương xót.
Chỉ có hoa đào cùng nhan sắc của cô là vẫn động lòng người như thế.
Cô rất muốn hỏi cành hoa đào năm ấy nở được bao lâu thì tàn.
Lại nghĩ thầm, không biết trong hai vị phi tần mất sớm sau khi sinh nở, ai là mẹ của y.
Nhưng cô đã không còn là cô bé muốn gì làm nấy khi xưa nữa, nếu giờ hỏi han những chuyện đó, không chỉ đường đột mà còn không hợp với thân phận, thế nên cô không nói năng gì, suốt dọc đường chỉ im lặng.
Thấy cô cúi mặt không nói, thận trọng dè dặt, y bèn quay đầu trông ra hoa đào mưa đổ bên ngoài, chuyển chủ để: “Đằng trước có ngã rẽ, cô phải chỉ đường cho A Phúc.”
Thịnh Nhan hốt hoảng ngẩng đầu lên: “Dùng ở ngã rẽ là được, dù sao mưa cũng ngớt rồi.”
Nghe vậy, lại thấy cô cứ thấp thỏm không yên, y cũng không nài, chỉ chìa ra một chiếc ô trên xe: “Cái này cho cô.”
Ô lụa đen thẫm, tán họa lầu rồng gác phượng, hoa cỏ ẩn hiện, vô cùng tinh xảo. Cô chần chừ một thoáng mới nhận lấy, lí nhí cảm ơn rồi một mình xuống xe.
Giữa rừng đào, cô che ô đi về phía Nam, mưa lớn vừa tạnh, cỏ xanh ven đường ngả rạp, hoa đào rụng tơi tả. Đi được mấy bước, cô chợt chạnh lòng.
Trời cao sắp xếp trận mưa này, xui khiến hai người họ gặp lại nhau. Nhưng giờ y cao quý nhường nào, còn cô hèn mọn ra sao.
Cuộc gặp thoáng qua này, có lẽ cứ phó thác cho gợn sóng sắc non thôi.
Cô đi phía trước, cầm chặt cán ô, người ấy ngồi trên xe ngựa nhìn, cũng không đuổi theo.
Đi một mạch đến chỗ ngoặt dẫn về nhà, cô ngoái lại không thấy người ấy nữa, mới vội vã giấu cây ô vào phòng chứa củi, rồi đẩy cửa bước vào, vuốt nước mưa trên tóc tai quần áo, “Con không đem ô, đội mưa ướt sũng cả.”
Mẹ cô đang cắm cúi thêu hoa, ngẩng đầu lên thấy vậy vội đứng dậy pha cho cô chén trà gừng: “Sao tóc con lại xổ ra thế kia?”
“Con chạy nhanh quá.” Cô đáp khẽ.
“Ngốc ạ, mưa đã đổ xuống, con có chạy nhanh đến đâu chăng nữa, cũng thoát khỏi gầm trời được sao?” Mẹ cô lắc đầu.
Thịnh Nhan đun nước nóng lau rửa xong xuôi, ngồi xuống bên cửa sổ uống vài hớp trà gừng, ngẩng lên nhìn ra màn mưa bên ngoài.
Hoa đào trong bức tường đắp đất vàng đã ran tác tơi tả trong mưa.
Cô bưng chén trà gừng, bất giác thẫn thời hồi lâu.
Đến chập tối mưa mới tạnh dần. Hai mẹ con ngồi dưới đèn thêu thùa, mẹ sờ tấm áo cô đang thêu hỏi nhỏ: “Áo cưới bách điệp mẫu đơn này của nhà nào đấy?”
“Tiểu thư nhà họ Lưu sắp gả chồng.” Cô vừa thoăn thoắt thêu vừa đáp, “Cô ấy vụng thêu thùa nên nhờ phường thêu giao cho người khác làm.”
Dưới ánh đèn leo lét, mẹ đăm đăm nhìn cô, hồi lâu mới run run hỏi: “Năm năm may áo cưới cho người, A Nhan chẳng biết đến bao giờ con mới tự may cho mình?”
Lòng cô chua xót, im lặng hồi lâu mới đáp: “Con không muốn lấy chồng, cứ ở mãi với mẹ thôi.”
“Đừng nói bậy, con năm nay mười bảy mà vẫn chưa bàn đến việc hôn nhân…”
Người đến cầu thân không phải không có, nhưng mẹ cô cứ từ chối hết đám này sang đám khác. Nhà khá giả thì chỉ muốn mua cô về làm thiếp, nhà muốn cưới cô về làm vợ lại nghèo túng chẳng khác gì họ.
Mẹ cô nước mắt lã chả: “A Nhan, con không thể sống thế cả đời được.”
Thịnh Nhan nhất thời nín lặng.
Cỏ hoang hoa dại nở trong xó tối, cũng đành trải xuân hạ thu đông, năm này qua năm khác vậy thôi.