1.
“Ai đó?”
“Ai ở bên đó vậy?”
…
Tiêu rồi.
Rõ ràng cả nhà thầy Khương đều ra ngoài rồi, sao lại có người ở nhà thế này?
Tôi vừa mới trộm được nửa con gà, hốt hoảng nhảy vào chum gạo trốn.
Giọng con gái thánh thót càng lúc càng gần.
Qua khe hở trên nắp chum, tôi thấy một mảnh áo màu hồng cánh sen dừng lại cạnh chum gạo.
Bất thình lình nắm chum bị mở ra, tiếng con gái ranh mãng vang lên: “Tìm thấy cậu rồi nhé!”
Tôi hốt hoảng ngẩng đầu.
Va phải vào một đôi mắt trong veo sáng ngời.
Cô ấy rất xinh, còn tôi thì mặc bộ đồ rách tả tơi, tay còn ôm nửa con gà trộm của nhà cô ấy.
Bị cô ấy nhìn chằm chằm, tôi đột nhiên thấy quẫn bách vô cùng, thẹn quá hóa giận, xô cô ấy một cái nhảy ra khỏi chum gạo.
Tôi định bỏ chạy thì cô ấy đã chặn đường tôi.
“Không được đi! Dạo này bác Lý bà Trương đều than có kẻ ăn vụng đồ ăn nhà mình, chắc là cậu đúng không?”
Tôi hung hăng trừng mắt nhìn cô ấy: “Mắc mớ gì tới cậu!”
Nói xong, tôi thuận tay cầm con d.ao pha.y quay sang nhìn cô ấy.
“Thả tôi đi, nếu không… Nếu không tôi…”
“Cậu định làm sao?”
“Cậu không sợ à? Tôi là người xấu đó.”
Cô gái mở to mắt đánh giá tôi: “Lần trước tôi thấy cậu chia bánh bao cho mấy đứa nhỏ ăn mày, hơn nữa tôi thấy cậu đẹp trai như thế này cơ mà, nói chung không thể là người xấu được.”
Tôi sửng sốt.
Lần đầu tiên có người nói thế với tôi.
Cảm giác này lạ quá đi, tôi không biết phải làm sao, thế là đỏ mặt xô cô ấy ra bỏ chạy trối chế.t.
Sau lưng còn có tiếng con gái vang lên:
“Này, sau này đừng đi trộm đồ ăn nữa, đói thì tới nhà tôi ăn, nhà tôi có đồ ăn.”
Xí, một nhà thầy đồ, có bao nhiêu tiền đâu chứ, thế mà còn dám mạnh miệng.
2.
Cô gái ấy tên là Khương Như.
Sau này có lần tôi thấy cô ấy chơi ngoài đường, cô ấy chơi đá cầu với mấy đứa con gái hàng xóm, bất cẩn bị cầu đập trúng đầu rơi mất hạt châu trên đầu.
Tôi nhặt được.
Hạt châu này có thể bán được mười đồng, đủ tiền ăn hai ngày cho tôi.
Tôi nhét hạt châu vào ngực áo, nhưng nó như củ khoai lang nóng, làm tôi ăn không ngon ngủ không yên.
Tôi nhớ lại hình ảnh Khương Như cài trâm hoa gắn hạt châu này.
Thôi bỏ đi.
Trả lại cho cô ấy vậy.
Dù sao người khác đeo hạt châu này cũng không thể xinh bằng cô ấy.
Tôi chọn một ngày trời nắng chói chang, leo lên bờ tường nhà cô ấy.
Thầy đồ Khương đang dạy chữ cho mấy đứa trẻ trong xóm.
Tôi vốn định vứt trâm hoa vào sân, làm như thể Khương Như đánh rơi.
Nhưng tôi mới thò đầu vào đã bị phát hiện.
Đó là thằng nhóc nghịch ngợm nhất xóm này, nó cầm cục đá ném tôi, cười giễu: “Úc Tử Kỳ! Mày dám trộm đồ nhà thầy Khương à!”
Tôi đỡ được cục đá, ném lại, trúng trán nó.
“Câm miệng, thằng béo ch.ết ti.ệt!”
“Mày dám ném đá tao! Thằng trộ.m vặt nhà mày dám ném đá tao cơ à! Còn ném trúng đầu tao nữa, mẹ tao nói, tao còn phải vào kinh thi đỗ trạng nguyên đó!”
Tôi xùy một tiếng: “Cỡ mày mà cũng đòi thi đỗ trạng nguyên à? Đọc một quyển sách hai tháng chưa thuộc, tao đọc một ngày là xong rồi.”
Thằng nhóc kia còn định phản bác, nhưng đã bị thầy đồ Khương cản lại.
Thầy đồ Khương là người nổi tiếng dễ tính ở xóm chúng tôi, tôi không muốn đôi co với ông ấy, đang định nhảy xuống tường bỏ đi, thì ông ấy đã gọi lại:
“Con nói một ngày là thuộc sách à? Vậy con đọc ta nghe thử xem.”
Thằng nhóc bị ném đá kêu lên: “Úc Tử Kỳ nói khoác!”
“Tao thèm vào!”
Tôi trừng mắt nhìn nó.
Thầy đồ Khương mắt sáng như sao nhìn tôi, tôi mà bỏ đi thì không phải phép, thế là đọc thuộc một lần.
Còn giải thích cách nhìn của mình.
Thầy đồ Khương nghe xong gật đầu liên tục, sau đó ngẩng đầu nhìn tôi: “Về sau, con có muốn tới chỗ thầy học chữ không?”
Học chữ à?
Trong ấn tượng của tôi, học chữ là việc vô dụng nhất.
Tôi thèm vào…
Tôi đang định từ chối.
Thì bỗng liếc mắt thấy cô gái kia đang ngồi hàng đầu trong lớp, hôm nay cô ấy mặc một chiếc áo ôm sát màu trắng như tuyết, đang tò mò nhìn tôi.
M.a xui qu.ỷ khiến thế nào.
Tôi gật đầu.
3.
Sau đó, thầy đồ Khương thành thầy của tôi.
Thầy dạy tôi năm năm.
Từ một đứa mồ côi lưu lạc đầu đường xó chợ, tôi trở thành người giúp việc nhà thầy.
Thầy đồ Khương là người hiền lành, nhưng dạy học rất nghiêm khắc.
Cứ mỗi nửa tháng bọn tôi lại phải kiểm tra học vấn một lần, ai trả lời kém nhất sẽ bị phạt cấm túc một ngày.
Mà Khương Như là người hay phải đội sổ nhất.
Lần này kiểm tra xong, cô ấy vui sướng chạy tới đứng ngoài cửa sổ phòng tôi, chống tay lên bệ cửa sổ cười híp mắt nhìn tôi:
“Ha ha ha ha ha Úc Tử Kỳ, anh cũng có ngày hôm nay! Em mới lén xem cha chấm bài! Anh làm bài lạc đề rồi! Điểm còn thấp hơn cả em nữa.”
Tôi không trả lời.
Khương Như làm mặt quỷ, ngửa mặt cười to rồi đi mất.
Tôi bất lực ôm trán.
Cô ấy sắp mười tám tuổi tới nơi rồi, sao vẫn như con nít vậy cơ chứ.
Tôi chưa từng thấy cô gái nào như vậy cả.
Không ngoài dự kiến, thầy đồ Khương phát hiện ra, gọi tôi vào thư phòng, hỏi: “Con cố ý trả lời sai đúng không?”
Tôi biết không gạt được thầy, đành thật thà đáp: “Vâng ạ.”
“Tại sao?”
Tôi im lặng không nói.
Thầy cười rộ: “Là vì sắp tới tết Nguyên Tiêu, phỏng chừng Tiểu Như nói tới hôm đó nó muốn đi ngắm hoa đăng, con sợ nó đội sổ thì không được đi chứ gì.”
Bị lộ tẩy, tôi hơi quẫn bách, không dám nhìn thầy nữa.
Thầy cầm bài thi của tôi hồi lâu.
Lát sau, thầy thở dài: “Tử Kỳ, với tư chất của con, nên vào triều cống hiến sức lực giúp đỡ muôn dân.”
Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ.
Khương Như lén lút nấp ở góc tường định nghe trộm thầy trò tôi nói chuyện.
Chẳng hiểu sao tôi nở nụ cười: “Con là kẻ phàm tục, không thích làm mấy việc yêu nước thương dân đâu ạ, chỉ mong đời này no đủ, kiếm được tiền.”
Và còn…
Mỗi phút giây đều có thể nhìn thấy người kia.
Nhưng thầy khác tôi, thầy có lòng bác ái.
“Đầu xuân thầy định vào kinh dự thi ạ?”
Thầy gật đầu: “Đúng vậy, đến lúc đó nhà cửa trông cậy vào con cả.”
Giọng nói thầy đầy vui vẻ, tôi biết thầy đã chuẩn bị rất lâu cho lần thi này.
Tôi cũng tin rằng, với tài năng của thầy, nhất định sẽ có thành tích cao.
Ngoài cửa sổ có tiếng ui da.
Khương Như leo lên cây bị quả hồng trên cành đập trúng đầu.
Tôi và thầy cùng nhìn ra.
Đều không nhịn được bật cười.
Lúc đó ánh nắng rực rỡ.
Chớp mắt đã qua.
(Hết ngoại truyện)