Bảy Bước Tới Mùa Hè

Chương 1



Một

Khoa kẹp chân vào cán chổi, hai đầu gối cụng vào nhau để giữ thăng bằng, cứ thế Khoa đong đưa trong gió như một con diều.

Theo cung cách mà Khoa thể hiện thì Khoa đúng là chàng phù thủy trẻ tuổi đang cưỡi chổi bay trong một ngày đầu hè tuyệt đẹp. Có thể thấy ráng chiều đỏ ối phía chân trời phản chiếu óng ánh trên mặt chàng.

Ở trên cao, lưng chừng trời, chàng phù thủy trẻ mắt vẫn không ngừng bám cứng hàng rào mồng tơi nhà hàng xóm, miệng ngân nga một giai điệu chả biết có đúng phép tắc âm nhạc hay không nhưng chắc chắn là rất rực rỡ trữ tình:

– Trên chiếc chổi bay này tôi nhớ em

Giữa cơn gió lạnh tê người này tôi nhớ em…

Em ở đây, trong trí não của chàng phù thủy trẻ tuổi tên Khoa, là nhỏ Trang con gái bà Chín Ghe.

Nhỏ Trang vào giờ này thường ra sau hè ngồi lặt rau, vo gạo.

Khoa biết vậy nên nó cứ đu đưa trên cây chổi mà gào thật to, giống như kiểu các thợ săn vẫn gõ thanh la để đánh động thú rừng.

Cây chổi được treo toòng teng trên nhánh ổi bằng hai sợi dây cột ở hai đầu, trông từa tựa cái xích đu nhưng thế ngồi của Khoa thì đúng là thế ngồi hùng dũng của một kỵ sĩ đang xông ra chiến trường (ở đây là… tình trường).

Một tay nắm chặt cán chổi, tay kia níu nhánh cây trên đầu cho khỏi ngã, chàng phù thủy bạo dạn và lãng mạn của chúng ta cứ kẹp cứng lấy cây chổi mà buông ra những lời nhăng nhít. Trời lưng lửng chiều, nóng hầm hập, nhưng Khoa vẫn ca cẩm giữa cơn gió lạnh tê người cho ra vẻ thống thiết.

Nhưng nhỏ Trang chẳng biết biến đi đằng nào. Khoa ra sức gào rát cả họng nhưng chẳng thu hoạch được gì.

Đã thế, cái trò tán tỉnh rẻ tiền của nó chỉ đem lại tai họa.

– Mày làm cái trò om sòm gì thế, thằng khỉ kia?

Dì Liên thò đầu ra khỏi cửa ngách, quát.

Rồi nhác thấy thằng cháu bảo bối đang lơ lửng trên cao, mặt dì từ đỏ chuyển qua xanh:

– Ối trời ơi! Mày leo lên tám tầng trời làm gì thế, có xuống nhanh đi không!

Giọng dì chợt dịu xuống, lo lắng khi thấy Khoa đang luống cuống:

– Từ từ thôi cháu! Coi chừng té gãy cổ bây giờ! Từ từ mà trèo xuống, dì không phạt cháu đâu…

Đang chuyển giọng ngọt ngào, dì chợt nhận ra cái mà Khoa đang kẹp giữa hai chân là cây chổi dì tìm mỏi mắt từ trưa đến giờ, thế là dì chuyển giọng một lần nữa – lần này là từ thấp lên cao:

– Trời ơi là trời! Thế ra là mày đã lấy cây chổi của tao mà nghịch đấy!

– Dạ… dạ…

Khoa ấp úng đáp, chả biết mình phun ra từ gì vì vậy ý nghĩa của chuỗi dạ… dạ kia thật vu vơ, vừa đảo mắt tìm chỗ đặt chân.

Chân nó khều khều huơ huơ trong khoảng không, một lát cũng mò trúng được chỗ chạc ba. Nó dồn trọng tâm lên chân phải, nhưng đến khi nó rút chân trái ra khỏi chiếc xích đu gót chân nó lại vướng vào cán chổi.

Phựt một tiếng, sợi dây treo đứt ngang, cây chổi chúc một đầu xuống đất nhưng vẫn lơ lửng trên không bởi sợi dây bên kia vẫn còn bám chắc trên cành. Trong khi đó, Khoa mất đà, bổ nhào xuống cỏ. Khác với cây chổi, Khoa đã lao là lao thẳng một lèo.

Khoa không nhớ mình tiếp đất bằng bộ phận nào, nó chỉ nghe một tiếng binh, rất giống tiếng mít rụng, mông đau nhói.

Nhánh ổi mà Khoa treo cây chổi thực ra cao chưa tới hai mét nên cú ngã của nó không lấy gì làm đau khổ tang thương cho lắm.

Nhưng mà ngã xuống rồi thì Khoa rú lên một tiếng như còi xe lửa, lăn qua lăn lại kha khá vòng – một động tác chỉ có ở người sắp về chầu ông bà, và tất nhiên cuối cùng là nó nằm bất động như một thằng người bằng gỗ – lần này thì là tư thế của kẻ đã gặp ông bà rồi.

Chàng phù thủy Khoa không chỉ gan dạ, lãng mạn, tình tứ mà còn một ưu điểm nữa là rất ranh mãnh. Chàng nghĩ mình chỉ có chết đi thì dì của chàng mới không tóm lấy tai chàng lôi xềnh xệch vào nhà và sau đó trừng phạt những tội trạng mà chàng đã gây ra bằng một thứ gì đó có hình thù na ná cây chổi, nhỏ hơn nhưng mềm hơn, vì vậy đét vô mông thì đau hơn. Vũ khí đáng gờm đó, xưa nay dân gian vẫn gọi là roi.

Khoa nghĩ quả không sai. Dì Liên đã rắp tâm sẽ tóm lấy vành tai thằng cháu hoang đàng khi nó đặt chân xuống đất và tiếp theo sẽ nghĩ ra những hình phạt đích đáng cho nó, nhưng khi thấy Khoa không đặt chân mà đặt mông xuống đất (và sau khi lao xuống đất bằng tư thế khó coi đó rồi thì Khoa có vẻ không chết cũng đã trọng thương) thì dì không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện trừng phạt thằng bé nữa.

Hồn vía lên mây, dì quýnh quíu chạy lại phía Khoa, miệng mồm mếu xệch:

– Khoa, Khoa! Cháu có sao không?

Khoa vẫn nằm im lìm, trông bộ dạng thì có vẻ sẽ không bao giờ dậy nữa.

Nước mắt ròng ròng trên má, dì Liên ôm vai Khoa lay lay như người ta đang lắc một chiếc xe cạn xăng, hy vọng sẽ đánh thức một giọt sinh khí còn sót lại đâu đó trong cơ thể bất động kia.

– Ôi, cháu làm sao thế Khoa! Cháu vừa nói chuyện với dì đây mà!

Dì Liên nức nở ghê quá khiến Khoa cảm thấy mềm lòng. Nhưng hồn nó đã trót lìa khỏi xác, Khoa cố mím chặt cả môi lẫn mắt, biết rằng bất cứ một sự bất cẩn nào cũng khiến cặp mông nó trả giá. Thậm chí nó ép mình nín thở càng lâu càng tốt.

Dì Liên sờ tay lên mũi nó, thấy cháu mình hoàn toàn tắt thở thì khóc rống lên:

– Ôi, tội nghiệp thằng bé! Nó chỉ nghịch cây chổi thôi mà mình đã khiến nó ra nông nỗi này. Cây chổi thì có đáng gì cơ chứ. Ngoài chợ người ta bán hàng mớ, muốn mua mấy cây chả được. Thế mà thằng bé phải bỏ mạng chỉ vì một cây chổi vứt đi!

Dì khóc, nói một tràng, ngưng khóc để xì mũi rồi tiếp tục ca cẩm trong đau thương, rồi lại tự dằn vặt bản thân, trông cái cách dì kịch liệt lên án mình có cảm tưởng nếu có thể tống được mình vào tù dì không ngần ngại gì mà không làm. Cuối cùng dì quyết định bày tỏ sự hối hận to lớn đó bằng hành động.

Dì lục lọi trong túi áo, moi ra một cây compa, đặt vào bàn tay giá lạnh của Khoa:

– Dì trả cho cháu nè. Sáng nay dì tịch thu nó chẳng qua dì sợ cháu dùng nó đánh nhau với bạn…

Khoa mừng quá, suýt chút nữa nó đã co các ngón tay lại để nắm lấy món đồ tưởng đã ra đi không bao giờ trở lại đó.

Dì lục túi áo bên kia, lần này dì tìm thấy một hòn đá đen, nhẵn thín, lớn bằng quả ổi sẻ. Lại đặt vào bàn tay kia của Khoa, không để ý bàn tay đó vừa rồi nắm hờ nay đã xòe ra từ lúc nào:

– Dì trả cho cháu luôn hòn đá khi nãy này. Bây giờ thì cháu không thể dùng nó để ném vỡ đồ đạc nữa rồi.

Dì nhìn cây compa bên tay này của Khoa, rồi nhìn hòn đá bên tay kia của Khoa, bất giác động lòng ôm mặt khóc rấm rứt.

Dì mải khóc làm Khoa sốt ruột quá. Nó nhớ dì Liên đã tịch thu của nó bao nhiêu là thứ và thật không có cơ hội nào thuận lợi hơn lúc này để thu hồi tài sản.

Thế nhưng sau khi trả lại cho Khoa hai món đồ, dì dường như quên mất chuyện tiếp tục bày tỏ sự hối hận với thằng cháu tội nghiệp bằng cách trả các món thứ ba, thứ tư…

Khoa he hé mắt liếc trộm dì, thấy dì vẫn vùi mặt vào giữa hai bàn tay, thút tha thút thít, và cứ cái kiểu này có vẻ dì không còn nhớ gì đến những món đồ đã thu giữ của Khoa.

Sau một thoáng lưỡng lự, Khoa liều cất tiếng:

– Còn bộ bài cát-tê nữa…

– Ờ, bộ bài dì giấu trong ngăn tủ quần áo. – Dì Liên thôi bưng mặt, dì dùng cườm tay quẹt nước mắt lẫn nước mũi và lảo đảo đứng lên – Để dì vào nhà lấy…

– Còn con dao nhíp… – Khoa nhắc, lòng tham ùn ùn trỗi dậy.

– Cháu yên tâm! – Dì gật đầu dễ dãi, giọng tràn ngập bao dung – Dì nhớ con dao đó rồi…

Nhưng vừa dợm bước, như sực nhớ ra điều gì, dì Liên quay ngoắt lại, miệng há hốc:

– Ủa, Khoa!

Trong nháy mắt, dì Liên biến thành con người khác, tương phản hoàn toàn với con người dịu dàng vừa rồi. Giọng dì rít lên, the thé:

– Tao tưởng mày chết rồi mà, Khoa! Thế ra…

Không đợi dì Liên nói hết câu, Khoa trượt đi bằng hai gót chân, thoát khỏi cú tóm của dì. Thêm một cái chỏi tay nữa, Khoa lật người lại, lồm cồm bò dậy và nhanh như cheo, nó lạng tuốt ra xa, phóng về phía hàng rào cuối vườn, tay vẫn nắm khư khư hai món đồ béo bở.

Khoa nghe rất rõ tiếng giậm chân bình bịch và tiếng gọi í ới của dì nó ở phía sau nhưng nó mặc kệ. Như một vận động viên nhảy cao, nó búng người bay qua hàng giậu mồng tơi, vướng chân vào bụi tơ hồng, ngã đánh uỵch.

Khoa nén đau, lóp ngóp đứng lên, quay mặt đá chân vào hàng giậu để trả thù cú té rồi tập tễnh đi tiếp.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.