Nếu đã muốn dao sắc chặt đay rối, nếu đã muốn tránh đêm dài lắm mộng, Quan Cạnh không chờ đến thứ Bảy mà sau khi tan học chiều thứ Sáu, cậu đi thẳng đến trạm bắt xe đò về nhà.
Về đến nhà, trời cũng đã chập tối. Cổng chung cư vẫn mở, Quan Cạnh đi băng băng trên hành lang dài vắng người tối om. Cậu hắng giọng, để dãy đèn cảm ứng sáng lên.
Quan Cạnh không lên nhà ngay, thay vào đó đứng bên ngoài thang máy gọi cho Phó Tam Sinh.
Đầu dây bên kia bắt máy rất nhanh. Quan Cạnh áp điện thoại lên tai, nghe thấy trước hết là tiếng rau xèo xèo trong chảo, sau đó mới là giọng hơi khàn của anh: “Em về nhà rồi hả?”
“Chưa, em còn đứng dưới lầu, chưa lên.” Quan Cạnh gãi đầu. “Em hơi, hơi căng thẳng.”
Phó Tam Sinh đảo giá đỗ đã bắt đầu chín trong chảo, đoạn thở dài: “Căng thẳng là bình thường, anh ở đây cũng vậy.”
“May là không để anh về chung với em.” Quan Cạnh cười, nghiêng người dựa vào vách tường bên cạnh thang máy. “Chứ không đã có hai thằng đàn ông đang đứng đây co rúm, chẳng dám đi lên.”
“…” Phó Tam Sinh bật cười, chí ít tâm trạng căng thẳng đã vơi bớt được phần nào. Nghĩ đoạn, anh nói. “Có chuyện gì cũng phải bình tĩnh, đừng làm ra bất kỳ hành vi nào mang tính bốc đồng.”
“Em biết.” Quan Cạnh nói. “Nguyên nhân chủ yếu là vì đối tượng tham chiến có giá trị vũ lực quá cao; hơn nữa là bậc cha mẹ, nếu nhất định phải đánh, em chỉ có thể ăn thiệt… Kế hoạch tạm thời là em sẽ cố gắng đàm phán, tuyệt không lớn giọng không đập phá không đánh trả, cùng lắm em kéo quân chạy thôi.”
“Em nói linh tinh cái gì đấy…” Phó Tam Sinh phì cười, tay run lên, thế là hơn nửa thìa muối đổ xuống chảo. “Nói tóm lại, đừng có bốc đồng, đừng có ngang với bố. Em cứ nghe cách ông nhìn nhận chuyện này như thế nào trước.”
“Vâng ạ.” Đứng thẳng dậy ấn thang máy, Quan Cạnh cười. “Anh Tam, kỵ sĩ của anh chuẩn bị vì anh mà chiến. Chờ tin tốt của em nhé.”
Phó Tam Sinh lờ mờ nghe thấy tiếng cửa thang máy đóng mở cùng lúc với tiếng nói của Quan Cạnh. Anh tắt bếp, cười nhẹ trong làn khói âm ấm: “Ừ, chờ em khải hoàn, kỵ sĩ của anh.”
Bữa tối là món mì xào đặc sản của mẹ Quan, bình thường Quan Cạnh có thể một mình chén ba bát to, hôm nay ắt hẳn vì “tâm trạng tan chậm” nên vừa hết bát thứ hai, cậu đã gác đũa.
Mẹ Quan nhìn cậu, nhưng trời đánh tránh bữa ăn. Đến khi dọn dẹp xong xuôi, bà mới kéo bố Quan sang một bên thầm thì to nhỏ: “Hai bố con ông sao nữa?”
Bố Quan ngơ ngác, “Sao là sao?”
“Đừng giả ngu với tôi,” Mẹ Quan nheo mắt. “Con trai tôi tối nay ăn không hết hai bát mì, còn lén nhìn ông mấy lần. Tôi nói cho ông hay, lần cuối cùng nó thậm thà thậm thụt là hồi lớp 10, trường cho mời phụ huynh… Ông nói thật cho tôi biết đi, nó lại gây sự bên ngoài phải không? Nó nói cho ông biết mà không nói cho tôi biết à?”
“Đâu nào, làm gì nghiêm trọng như mình nói.” Trông thấy bà sốt ruột, bố Quan vội giải thích. “Chỉ là tôi vô tình phát hiện một chuyện mà nó không muốn để người khác biết. Ăn ít là do chột dạ, không phải chuyện gì to tát đâu.”
“Con trai tôi, tôi không hiểu tính nó à? Nó là kiểu người dù có bí mật cũng không cần chúng ta hỏi, đã kể hết từ đầu đến cuối.” Mẹ Quan nghi. “Nó có chuyện gì mà không muốn người ta biết? Ông nói thử xem?”
“Tôi không nói cho mình nghe được.” Bố Quan cười. “Đây là chuyện của đàn ông với nhau, không tiện nói với mình.”
Mẹ Quan nhìn ông, cũng chẳng gặng hỏi nữa. Xem ra con trai không gặp phải chuyện gì nghiêm trọng, bà có thể yên tâm vào phòng xem kịch rồi.
Bố Quan không về phòng mà ngồi xem TV trong phòng khách. Nhưng bản tin thời sự còn chưa hết, Quan Cạnh đã áo mũ chỉnh tề từ trong phòng đi ra. Cậu đứng thẳng tắp trước mặt ông: “… Bố, mình ra ngoài nói chuyện đi.”
“… Rồi, ra thì ra.” Bố Quan cũng chẳng ngạc nhiên khi Quan Cạnh chủ động tìm mình. Ông đứng dậy khoác áo lấy chìa khoá, phất tay với Quan Cạnh. “Đi nào, con trai.”
Hai người thong thả tản bộ đến hàng ghế đá cạnh bồn hoa khu dân cư. Tiết trời tháng Ba se lạnh, những khóm hoa héo rũ trơ trọi, càng về đêm càng xơ xác tiêu điều. Nơi đây thưa đèn, chỉ có lác đác vài ánh vàng nhạt hắt ra từ cửa sổ nhà hàng xóm. Tuy không đủ soi sáng cả một góc nhưng có còn hơn không, ít nhất cũng loáng thoáng nhìn thấy cảnh vật.
Trời vừa lạnh vừa tối, ít ai ra ngoài đi dạo vào giờ này. Ngoại trừ tiếng xì xà xì xồ từ chiếc TV ai vặn quá to, và tiếng bước chân rộn ràng của vài cư dân tăng ca giờ mới về nhà, thì chẳng còn âm thanh nào khác.
Ghế đá đóng bụi nhưng bố Quan chẳng ngại, phủi vài cái đã đặt mông ngồi xuống. Quan Cạnh cũng ngồi xuống bên cạnh ông, xoa xoa hai bàn tay đã hơi cóng vì lạnh và căng thẳng. Cậu lẳng lặng ngồi chờ, chờ bố bắt chuyện.
“Vừa rồi mẹ đột nhiên nhắc với bố, lớp 10 con bị nhà trường cho mời phụ huynh.” Bố Quan bảo. “Con còn nhớ tại sao không?”
Quan Cạnh ngớ ra, đoạn gật đầu: “Nhớ ạ. Con và đàn anh khối trên đánh nhau.”
“Vậy con còn nhớ tại sao hai đứa đánh nhau không?”
“Bố không nhớ ạ?” Quan Cạnh lấy làm ngạc nhiên. “Một nữ sinh cùng câu lạc bộ phát thanh với con, vào dịp Giáng Sinh… À không, hình như Tết Nguyên Đán? Thôi, sao cũng được. Nhỏ tặng quà kèm theo một lá thư, nhưng con không nhận.” Quan Cạnh cau mày. “Nhỏ có anh học lớp 11, chẳng biết nghe đâu mà hay tin con từ chối người ta, rồi kéo băng sang tìm con. Miệng nó bô bô như cái loa phường, học sinh tám lớp ở tầng một nghe được hết, đúng là thằng điên… Con giận quá mất khôn, đánh với nó, còn phang gãy… cái ghế của trường.”
“Giờ nghĩ lại, thấy mình khi đó trông buồn cười làm sao. Cái kiểu tình tiết này chỉ phù hợp trong tiểu thuyết ba xu thôi.” Quan Cạnh lắc đầu, cười. “Chẳng biết khi đó con bị mời phụ huynh là do đánh nhau hay phá hoại của công nữa.”
“Phá hoại của công.” Bố Quan cho cậu một câu trả lời muộn năm năm. “Bố mày phải bồi thường hai trăm tệ đấy.”
“Khiếp, hai trăm?” Quan Cạnh tròn mắt. “Cái ghế cùi đó giá hai trăm ạ? Dát vàng hay gì?”
Bố Quan lại hỏi: “Con còn ấn tượng gì về ngoại hình của nhỏ không?”
“Mấy năm rồi, sao con nhớ được ạ?” Quan Cạnh bảo. “Đừng nói là hiện tại, lúc đó con cũng chẳng biết nhỏ trông như thế nào. Con và nhỏ học khác lớp, cùng lắm từng chạm mặt hai lần trong câu lạc bộ phát thanh. Con nhớ nhỏ lùn là hay lắm rồi.”
“Sau đó thì sao? Sau khi biết nhỏ thích mình, con có chú ý đến nhỏ không?”
“Không hề.” Quan Cạnh lắc đầu. “Nhỏ thích con là chuyện của nhỏ, con đâu có thích nhỏ? Hơn nữa, sau việc đó thì con bị đuổi khỏi câu lạc bộ phát thanh, chẳng gặp lại nhỏ nữa.”
“Nhưng mà… Bố,” Quan Cạnh càng nói càng thấy lạ, bèn ngẩng đầu nhìn ông. “Sao đột nhiên bố nhắc tới chuyện này? Hôm nay đáng lẽ phải nói về… chuyện khác chứ nhỉ?”
“Ngay từ đầu bố có nói, mẹ con hôm nay nhắc tới chuyện này. Bố thấy vui vui, nên nói với con thôi.”
“Nhưng mới vừa rồi đây, bố đột nhiên có một suy nghĩ.” Ông thở ra, thôi nhìn Quan Cạnh mà chuyển tầm mắt xuống dưới chân. “Bố đang nghĩ, có lẽ lúc đó con đã phát… tín hiệu rằng mình không thích con gái.”
“Nhưng đáng tiếc, cả bố lẫn con đều không nhận ra tín hiệu này.”
Tim hẫng một nhịp, Quan Cạnh biết, bố Quan rốt cục cũng đi vào trọng điểm. Cậu hạ giọng xuống, nói rõ ràng từng câu từng chữ: “Đúng là con… chưa từng thích con gái. Nhưng con cũng chưa từng thích con trai. Mỗi lần mấy thằng bạn trong ký túc xá xem phim, con cũng xem chung với bọn nó, không có phản cảm gì. Vì thế, con không chắc liệu mình có phải chỉ… thích đàn ông hay không.”
“Về phần con và… anh Tam,” Quan Cạnh nắm chặt tay trong áo khoác, chủ động đá sang Phó Tam Sinh trước bố. “Anh Tam thì khác, con và anh…”
“Từ từ,” Bố Quan đột nhiên cắt ngang cậu. “Bố còn một vấn đề muốn hỏi.”
Quan Cạnh nhìn ông trân trân, hơi khó chịu vì bị chặn họng. Nhưng cậu vẫn ngoan ngoãn hỏi bố: “Vấn đề gì ạ?”
Bố Quan phủi lớp bụi không tồn tại trên đầu gối, hỏi bằng giọng vô cùng bình tĩnh: “Có phải con lấy cặp khoái bản của bố rồi không? Lấy nó làm gì vậy?”
Quan Cạnh: “…”
What?