3
Bố Mạch Khiết ngồi trong văn phòng làm việc của cô, đi chân trần, ném đôi dép lê sang một bên, tay cầm cốc nước uống ừng ực.
Năm Mạch Khiết 18 tuổi, bố Mạch Khiết đã chuyển nhà và kết hôn với góa phụ Lưu, Mạch Khiết sống ở trong ký túc xá, chị gái lấy chồng. Từ đó về sau, ba người gặp mặt thường là ở nhà chị gái, có đôi khi ăn bữa cơm bình dân ở ngoài quán.
Từ sau khi bố Mạch Khiết lấy bà Lưu, thì luôn mong ngóng sinh ra được một thằng con trai, nhưng qua bao nhiêu năm mà bụng bà Lưu vẫn phẳng lì. Cả cuộc đời này, không sinh được một thằng cu có lẽ là bi kịch lớn nhất cuộc đời ông.
Mạch Khiết lấy rèm cửa che khuất cửa kính trong phòng làm việc, cô biết lũ yêu nghiệt bên ngoài cửa chắc chắn đang bàn tán bình luận xôn xao – thì ra bố của tổng biên tập Mạch lại là một kẻ đầu đường xó chợ như vậy. Mỗi người đều không được quyền lựa chọn xuất thân của mình, có một người bố thô lỗ ngu muội ngoan cố như vậy, có lẽ là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của Mạch Khiết.
Mạch Khiết nói với vẻ thiếu kiên nhẫn:
– Bố ơi, sao bố lại đến tận nơi làm việc để tìm con, lại còn cãi cọ ầm ĩ ở đây nữa, bây giờ đang là giờ làm, bố bảo con phải ăn nói thế nào với những đồng nghiệp đang ở ngoài kia đây?
Bố Mạch Khiết vốn không hề hay biết gì về công việc của cô, cũng không biết “biên tập viên” là thứ gì. Ông chỉ phẫn nộ là vì Mạch Khiết – cô con gái út của ông lại dám dùng thái độ này để nói chuyện với ông.
– Mày do tao nuôi lớn lên, tao đến tìm mày lẽ nào còn phải được sự cho phép của ai nữa cơ à? Mày xem xem, thái độ này của mày là thế nào, sao tao lại sinh ra một đứa con gái bất hiếu như mày chứ?
Giọng nói của ông oang oang, cũng không biết các đồng nghiệp ở bên ngoài có nghe thấy không.
Mạch Khiết là một người rất sĩ diện, mặt cô thấy nóng bừng, cô vội nói:
– Được rồi, được rồi, bố nhỏ tiếng một chút, những người khác đều đang làm việc đấy! Bố tìm con có việc gì vậy?
Ông vỗ đùi:
– Mẹ con…
Thấy Mạch Khiết sa sầm nét mặt, vội đổi cách gọi:
– Cô Lưu của con bảo con cuối tuần này đến ăn cơm.
Cô Lưu chính là mẹ kế của Mạch Khiết, bình thường rất ít khi qua lại với nhau, bà cũng chưa bao giờ mời Mạch Khiết và chị gái đến nhà ăn cơm, cậy mình có chút tài sản nên rất coi thường cả nhà họ Mạch.
Mạch Khiết lạnh lùng nói:
– Tại sao lại bảo con đến, con có thân quen với cô ấy đâu, gặp nhau chẳng có gì để nói cả.
– Con bé này, đừng có tưởng mình học được ít chữ là có thể coi thường người khác, bà ấy bảo mày đến thì mày cứ đến đi! Dù sao thì cũng coi như là người một nhà.
– Con chẳng phải là người một nhà với bà ta đâu! Trước đây, khi con còn đi học, sao không thấy nói là người một nhà, còn không cho bố đóng tiền học phí cho con, nếu không phải là nhờ được chị, bây giờ chưa biết chừng con đang làm phục vụ bưng bê ở quán ăn nào đấy cũng nên!
Bố gãi gãi đầu:
– Lần này là bà ấy thành tâm thành ý bảo con đến ăn cơm, những chuyện cũ thì không nên khắc lại nữa, bây giờ con cũng có chút tiền đồ, đã được làm việc ở một văn phòng rộng rãi thế này, bố cũng lấy làm mừng cho con.
Mạch Khiết nhìn bố, từ khi cô còn bé, ông luôn ghét bỏ cô là con gái, chỉ muốn đánh cô thừa sống thiếu chết. Trong cả quá trình cô khôn lớn, ông gần như chẳng gánh vác bao nhiêu trách nhiệm của một người cha. Nhưng dù thế nào thì ông vẫn là bố cô, là người đã đem lại cho cô sinh mạng, ít ra ông cũng không ném cô ra ngoài đường như một đống rác. Cho nên, nhiều việc cô cũng không muốn cư xử quá tuyệt tình.
– Con đến cũng được, nhưng chị cũng phải đến, chẳng có gì để nói chuyện với người đàn bà đó, con còn có thể nói chuyện với chị gái.
Bố nghĩ một lát:
– Việc này… để bố hỏi bà ấy đã…
Mạch Khiết hừ mũi:
– Bố, thường ngày bố vẫn nói đàn ông mới đáng được tôn kính, đàn bà thì thấp hèn, vậy mà sao ở trước mặt người phụ nữ này, bố lúc nào cũng phải hụt hơi vậy? Ăn bữa cơm, mời thêm một người chẳng phải cũng chỉ cần thêm bát thêm đũa thôi sao, chị cũng là con gái của bố, mà bố cũng không quyết định được. Nếu đã thế, con cũng không đi nữa, để khỏi bị người ta coi thường.
Bố cô chắc là cũng cảm thấy bẽ mặt, vội nói:
– Ai nói vậy chứ, cô Lưu của con đâu dám nói chữ “không” trước mặt bố chứ. Được, thứ 7, con và chị cùng đến ăn bữa trưa nhé!
Mạch Khiết tiễn bố cô ra về, trên đường đi nhận được bao nhiêu ánh mắt khác lạ chăm chú nhìn cô. Mạch Khiết nói với bố cô:
– Sau này có việc gì, bố cứ gọi điện thoại cho con, đừng đến công ty tìm con nữa.
Bố cô còn định nói gì đó, nhưng thang máy đã đến, Mạch Khiết đẩy ông vào trong, nhìn cửa thang máy đóng lại, cô mới thở phào nhẹ nhõm.
Khi quay trở lại văn phòng, Lý Mộng Long bước vào đưa cho cô tập tài liệu, nói:
– Tổng biên tập Mạch, cô và bố cô trông rất khác nhau.
Mạch Khiết trừng mắt với anh ta đầy vẻ cảnh giác.
Anh ta xua tay:
– Đừng trừng mắt nhìn tôi như vậy, tôi không có ác ý gì đâu. Bố mình, có gì mà thấy ngại chứ, tôi rất khâm phục cô, nhìn khí chất của cô giống như con nhà quyền quý tiểu thư khuê các, có thể thấy anh hùng không phân biệt chốn xuất thân, nơi chợ búa cũng có thể tìm ra được một thiên kim tiểu thư.
Nghe câu này sao mà thấy lủng củng thế?
– Tôi xuất thân từ chốn chợ búa đấy, sao chứ? Cho dù anh là con nhà giàu có, bây giờ cũng chẳng phải là cấp dưới của tôi sao, tôi bảo anh rót cốc café, anh cũng không dám rót cốc hồng trà, có đúng không nào?
Anh ta vội vàng giải thích:
– Tôi không phải có ý đấy, không phải tôi coi thường cô, cô cứ luôn nhìn người khác theo hướng cực đoan vậy sao? Có đôi khi, cô quá mẫn cảm đấy, có lẽ là do nơi sâu kín trái tim cô có chút tự ti thì phải!
Mạch Khiết bị anh ta nói đúng tâm sự, cảm thấy hơi bực:
– Tôi bảo anh bê café vào, anh không nghe thấy gì sao?
Anh ta cười hi hi, bước ra ngoài, một lúc sau bê cốc café đen bước vào thật, đặt lên bàn cô.
– Tôi khuyên cô nên hạn chế uống café, nó làm kìm nén hoóc môn nữ, gây ảnh hưởng tới việc sinh nở.
Sau đó, trước khi cô kịp phản ứng lại để phản kích, đã vội vàng chuồn mất.