Chương 56: SÁNG NGHIỆP (2)
Tử tước William Lamb tán đồng :
– Ân ! Đúng thế ! Chúng ta có thể thiết lập ‘tô giới’ ở cạnh các thành thị lớn của Đế quốc Qing, không chỉ ở duyên hải mà kể cả vùng nội lục, nơi nào dân cư đông đúc, kinh tế phát đạt thì có thể thiết lập.
Nữ vương khẽ gật đầu, hỏi tiếp :
– Thế điều thứ hai là gì ?
– Dạ ! Để những quyền lợi của chúng ta được đảm bảo, chúng ta cần quyền đi lại tự do trên các sông lớn của Đế quốc Qing, đặc biệt là sông Yangtze.
– Kể cả chiến hạm ?
– Kể cả chiến hạm !
– Hay. Ta phải thưởng cho cậu mới được. Thủ tướng, chúng ta nên thưởng cho cậu ta thứ gì đây ?
Nam tước Robert Peel nhìn cậu một lượt, rồi cười nói :
– Chúng ta có thể thưởng cho cậu ấy 5.000 pounds.
Thưởng tiền cho một quý tộc ? Mọi người đều quay sang nhìn nam tước, trừ Johannetta. Nam tước liền giải thích :
– Cậu ấy không có nhiều tiền. Sinh hoạt phí mỗi năm chỉ có 1.000 pounds mà thôi. Ta nghĩ thưởng tiền cho cậu ấy là thích hợp nhất.
Nữ vương thoáng ngạc nhiên, rồi mỉm cười bảo :
– Tốt lắm. Chính phủ thưởng 5.000 pounds, ta cũng thưởng thêm 5.000 pounds nữa, xem như khích lệ cậu ấy(4).
Adalbert rất mừng rỡ. Có được số tiền lớn đó, cậu có thể làm được rất nhiều việc. Cậu vội rối rít cảm tạ mọi người.
…
Ngày tháng trôi qua …
Adalbert tiếp tục cuộc sống của mình ở Cambridge như trước đây : học hành, nghiên cứu và đi chơi cùng Johannetta. Số tiền mà nữ vương thưởng cho, cậu không dùng để hưởng thụ mà chi cho các khoản nghiên cứu khoa học của mình. Là một vị vương tử, cậu không tiện ra ngoài đi làm kiếm thêm thu nhập, nên hy vọng thông qua nghiên cứu khoa học để kiếm tiền. Cậu đang nghiên cứu về ‘Điện’, nghiên cứu việc sử dụng phương pháp hóa học tạo ra dòng điện.
Máy phát điện cơ học đã được phát minh từ nhiều năm trước nhưng công suất không cao, chủ yếu dùng trong các phòng thí nghiệm, khó ứng dụng vào cuộc sống. Một số người tìm cách cải tiến máy phát điện, nhưng cũng có nhiều người khác nghiên cứu về các nguồn điện hóa học – pin và ắc quy.
Năm 1800, Alessandro Volta đã phát minh ra ‘cột Volta’, một loại pin nguyên thủy đầu tiên tạo ra một nguồn điện liên tục và ổn định, nhưng có khuyết điểm là điện áp không lớn. Năm 1836, John Daniell Frederic đã phát minh một loại pin mới – pin Daniell, có thể sử dụng trong công nghiệp nên được xem là pin thực tế đầu tiên. Pin Daniell cũng là cơ sở lịch sử cho định nghĩa của ‘hiệu điện thế’ (lấy hiệu điện thế của một pin Daniell là 1V). Năm 1839, William Robert Grove đã phát minh ra pin Grove, gồm các anot kẽm nhúng trong axit sulfuric và các catot bạch kim nhúng trong axit nitric, cách nhau bằng lớp đất nung xốp, tạo ra điện áp gần gấp đôi so với pin Daniell.
Cho đến thời điểm này, các loại pin được phát minh ra đều có một khuyết điểm nghiêm trọng là phải bỏ đi sau khi các phản ứng hóa học kết thúc, không thể ‘sạc’ lại để tái sử dụng. Adalbert nghĩ đến ắc quy và cậu đã chế tạo ra bình ắc quy đầu tiên sử dụng anot chì và catot oxit chì nhúng trong dung dịch axit sulfuric. Đó đều là những loại vật liệu phổ biến nên giá thành sẽ thấp. Thời hiện đại, người ta có thể sạc lại pin, ắc quy bằng dòng điện, nhưng ở thế kỷ 19 này, dòng điện có giá thành cao, nên cách đơn giản nhất là nạp lại axit khi tỷ trọng giảm, không tạo ra dòng điện được nữa(5). Sau khi tiến hành các thí nghiệm, cậu đã xác định được tỷ trọng chất điện phân thích hợp nhất : 1,245 khi dùng cho chiếu sáng; hoặc 1,260 – 1,275 khi dùng cho các động cơ, chế độ tải nặng.
Phát minh ra ắc quy, tiếp theo là bóng đèn điện. Đó có thể xem là ứng dụng đầu tiên của dòng điện vào cuộc sống hằng ngày. Phải có bóng đèn điện thì mới bán được ắc quy, rồi mới có tiền. Đó là ý nghĩ lúc này của Adalbert. Cậu tiến hành nghiên cứu, chỉ một phần nhỏ vì đam mê khoa học, còn phần lớn là vì tiền.
Đèn điện thực tế đầu tiên là đèn hồ quang, được Humphrey Davy giới thiệu lần đầu tiên tại Viện Hoàng Gia ở London. Chúng cháy sáng như những ngọn nến, bên trong có hai thanh cacbon đồng trục phát sáng khi bị tách nhau ra xa.
Adalbert muốn chế tạo ra bóng đèn dây tóc, có công suất và giá thành tốt hơn đèn hồ quang. Thời hiện đại, dây tóc được làm bằng volfram. Chỉ đáng tiếc, kỹ thuật thời bấy giờ không cho phép chế tạo dây tóc wolfram. Nhiều người đã thử nghiệm với nhiều loại dây tóc khác nhau : bạch kim, sợi vải tẩm cacbon, bìa cacton tẩm cacbon, … nhưng đều kém hiệu quả, tuổi thọ đèn chỉ từ vài giờ đến vài chục giờ. Chẳng ai mua đèn về chỉ để dùng trong vài ngày rồi bỏ. Vật liệu tối ưu lúc này là sợi cacbon, càng thuần cacbon thì tuổi thọ càng cao. Cậu chợt nhớ đến ở vùng Đông Á có một loại sợi cacbon thuần thiên nhiên và mảnh như sợi tóc – sợi tre. Sau đó, thí nghiệm thành công. Bóng đèn trong phòng thí nghiệm của cậu tại trường đã cháy sáng hơn nửa tháng nay và vẫn còn đang tiếp tục cháy sáng. Thí nghiệm thành công đã gây oanh động dư luận. Rất đông phóng viên tràn ngập Viện Đại Học Cambridge, giới thiệu đến độc giả những thông tin mới nhất. Và mọi thứ có liên quan đến cậu cũng được các phóng viên thu thập gần như đầy đủ. Theo giới thiệu của bọn họ, cậu là một vị quý tộc ôn hòa, đẹp trai, trẻ tuổi (quá trẻ), hiền lành (chuyên bị ăn hiếp), dễ gần (cậu không xem thường ai, dù là bình dân), ham học, say mê nghiên cứu, biết nhiều hiểu rộng, … có thể nói gần như hoàn mỹ. Cũng may cậu là một vị vương tử – đại quý tộc, lại được các vệ sĩ của cậu và Johannetta liên hợp bảo vệ nên cuộc sống không đến nỗi bị xáo trộn. Chỉ có việc giảng dạy trong trường bị xáo trộn mà thôi.
Nhờ các nhà báo đã làm cho sự kiện gây oanh động dư luận, những phát minh của Adalbert đã có thể thương mại hóa. Cậu thành lập Công ty Kỹ nghệ Adalbert, chuyên sản xuất ắc quy, bóng đèn điện, dây điện bằng đồng và chất điện phân (axit sulfuric), thiết kế và thi công các công trình điện, đào tạo nhân viên kỹ thuật ngành điện. Để chào mừng công ty thành lập, cậu quyết định tiến hành thêm vài động tác quảng cáo oanh động hơn nữa. Thế là đường phố phía trước ngôi biệt thự nhỏ của cậu được lắp thêm hai dãy cột đèn, đến tối thì cả khu phố sáng rực. Ngôi biệt thự cũng được lắp đèn chiếu sáng nghệ thuật, bảng hiệu đèn màu rực rỡ trong đêm. Johannetta thích quá, yêu cầu làm giống như thế ở nhà của nàng – Cung điện Cambridge, và Công tước đại nhân cũng không phản đối. Sau đó, Cung điện hào nhoáng nổi bật trong đêm đã trở thành biểu tượng của Cambridge. Phản ứng dây chuyền xảy ra. Các gia đình quý tộc, quyền quý cũng cho trang hoàng nhà cửa, cung điện, trang viên của họ bằng đèn điện. Ai không sử dụng đèn điện sẽ cảm thấy hổ thẹn với người khác. Đặc biệt là người French, khi thấy Cung điện Hoàng gia Buckingham rực rỡ hào nhoáng, vượt xa các cung điện ở France, người French vốn tự hào về Paris hoa lệ đã cảm thấy mất thể diện, không chờ quốc vương lên tiếng, chính phủ France đã tự động lên kế hoạch lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng cho Cung điện Hoàng gia và các tòa nhà chính phủ. Ngoài ra, các khu vườn, đường phố xung quanh tư dinh của giới quý tộc cũng được gắn đèn sáng rực, với mục đích an ninh, bảo vệ bọn họ tránh khỏi bọn trộm cướp, kẻ ám sát. Tóm lại, Adalbert giàu to.
Đến giữa năm 1845, Công ty Kỹ nghệ Adalbert đã phát triển thành một tổ hợp lớn với nhiều chi nhánh ở khắp châu Âu, doanh thu cao ngất ngưỡng. Adalbert trở thành một nhà tư bản sáng nghiệp trẻ tuổi nhất. Cậu cũng là bằng chứng nổi bật cho câu “Kiến thức là vàng”. Nhiều nhà giáo dục đã dùng cậu làm tấm gương khuyến học.
Quy mô kinh doanh phát triển vượt bậc, nhu cầu về nhân viên kỹ thuật cũng tăng lên nhanh chóng. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, cậu đã biên soạn quyển sách “Điện Học cơ sở”, giới thiệu những kiến thức cơ bản về điện, thực ra chỉ tương đương kiến thức cấp 2 thời hiện đại. Bất cứ ai biết đọc, thông minh một chút, chịu khó nghiên cứu các kiến thức trên là có thể hành nghề thợ điện, một nghề mới xuất hiện và được xem là thời thượng lúc bấy giờ (chủ yếu phục vụ giới quyền quý), thậm chí người thợ điện còn được gọi một cách tôn trọng là “kỹ sư điện”, bởi Điện Học là một trong những ngành khoa học tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Adalbert không ngờ rằng tác phẩm của cậu là hệ thống kiến thức khoa học toàn diện nhất về điện lúc bấy giờ, tạo thành oanh động không nhỏ trong giới học thuật. Nhiều trường Đại Học đã mở thêm bộ môn ‘Điện Học’ như là một ngành khoa học độc lập, rồi sử dụng tác phẩm của cậu như giáo trình chính thức. Nhiều nơi còn xem cậu là ‘người khai sinh’ ra ngành ‘Điện Học’.
Sau đó, cậu kết thúc thời kỳ sinh viên ở Viện Đại Học Cambridge danh tiếng, bởi nhà trường đã quyết định cho cậu tốt nghiệp sớm chỉ sau năm học đầu tiên, mà bằng tốt nghiệp không chỉ có bằng Đại Học mà còn có cả bằng Tiến Sĩ. Lý do đưa ra nghe cũng rất hợp lý : kiến thức của cậu không thua kém gì các giảng viên của trường, lại còn là người khai sáng một ngành khoa học mới. Phát minh ắc quy thuộc về Hóa Học, được xem là luận văn tốt nghiệp Đại Học. Trong khi tác phẩm “Điện Học cơ sở” trở thành luận án Tiến Sĩ của cậu. Hội đồng thẩm định cho rằng tác phẩm đó có giá trị hơn các phát minh của cậu. Khoa học cơ bản vẫn thường được đánh giá cao hơn Khoa học ứng dụng. Nhiều tờ báo còn đánh giá rằng đó là luận án Tiến Sĩ tốt nhất từ trước đến giờ.
Chấm dứt đời sinh viên, không cần phải đến trường nữa, cũng như để tránh phóng viên, cậu ở luôn trong ngôi biệt thự nhỏ của mình, tiếp tục nghiên cứu khoa học, chờ sự oanh động qua đi. Nhà của cậu được bảo vệ rất nghiêm ngặt, chỉ có Johannetta tự do ra vào. Cậu nghiên cứu Hóa Học, môn khoa học yêu thích nhất của cậu. Chỉ có điều, việc nghiên cứu có hơi bất tiện do nhiều kiến thức cơ bản chưa được hoàn thiện. Ở thời hiện đại, khi học Hóa Học, một trong những kiến thức cơ bản nhất cần phải nắm vững là ‘Bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học’, gọi tắt là ‘Bảng tuần hoàn’. Nhưng lúc này Bảng tuần hoàn chưa xuất hiện. Vậy thì … cậu tự tạo ra Bảng tuần hoàn để sử dụng vậy. Cho đến năm 1845, chỉ mới có 58 nguyên tố hóa học được phát hiện (chất mới nhất là Rutheni – Ru, được tìm thấy năm 1844), nên Bảng tuần hoàn tương đối đơn giản. Rồi để giải thích và ứng dụng Bảng tuần hoàn, cậu lại biên soạn cuốn “Hóa Học cơ sở”. Sau khi công bố, giới học thuật lại oanh động, và danh tiếng của cậu càng vang dội hơn.
Đến cuối năm, Viện Hoàng Gia (có thể xem là Viện Hàn Lâm Khoa Học lâu đời nhất) đề nghị kết nạp cậu làm Viện sĩ. Từ cuối thế kỷ 18 cho đến nửa đầu thế kỷ 19, Viện Hoàng Gia đã có sự suy yếu nghiêm trọng, số Viện sĩ là nhà khoa học giảm, hoạt động nghiên cứu khoa học giảm và các phát minh sáng tạo càng hiếm có hơn. Năm 1830, Charles Babbage xuất bản cuốn “Phản ánh về sự suy yếu của khoa học và một số nguyên nhân của nó”, phê phán sâu sắc Viện Hoàng Gia, dẫn đến cải cách việc kết nạp Viện sĩ mới dựa trên những thành tựu khoa học của họ. Do đó, việc gia nhập của cậu đã giúp tăng thêm uy tín của Viện.
Dịp Giáng Sinh năm 1845, cậu đọc “Báo cáo về triển vọng phát triển môn Hóa Học” tại Viện Hoàng Gia, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt. Qua sự điều phối của Viện Hoàng Gia, rất nhiều Viện sĩ đã tham gia nghiên cứu về hóa học, rất nhiều nguyên tố mới được phát hiện, bổ sung vào Bảng tuần hoàn, rất nhiều thành tựu khoa học được công bố. Hoạt động nghiên cứu khoa học đặc biệt sôi động, trở thành một thịnh hội của giới học thuật Britian, khác với giai đoạn tiêu điều gần một thế kỷ trước đây, tạo nên một thời kỳ hoàng kim của khoa học, mà sau này giới truyền thông còn gọi là “Thời kỳ hoàng kim Adalbert”.
(1) Tiễn dương mao. Nhiều người cho rằng chính sách này vẫn còn được áp dụng đến tận thế kỷ 21.
(2) Thiết phạn oản.
(3) Tam thê tứ thiếp
(4) Theo một nghị quyết của Nghị Viện Britain, nữ vương Victoria được Nhà Nước cấp cho 385.000 pounds mỗi năm, cùng với thu nhập của các tước vị Công tước xứ Lancaster và Corwall. Ngoài ra còn có thu nhập từ các tài sản riêng của nữ vương.
(5) Tương tự việc đổ ‘nước’ cho bình ắc quy của xe.