CHƯƠNG 44: MÙA HÈ NÓNG BỎNG (2)
– – Nói lại chính đề. Hôm nay, nhân vật đầu tiên được nói đến sẽ là Tam Đàn Hải Hội Đại Thần Na Tra. Mặc dù xưng là Đại Thần, nhưng Na Tra chỉ là thần chứ không phải chân thần, năng lực hữu hạn, còn đánh không lại Tôn Hầu Tử cơ mà.
– Nói đến Na Tra, ta thích Na Tra trong Tây Du Ký hơn. Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Na Tra được giới thiệu nhiều nhất, hầu như không có một nhân vật thần thoại nào được giới thiệu tử tế hơn Na Tra. Đầu tiên, khi mới xuất sinh đã rất thần kỳ, mẹ của Na Tra sau ba năm mang thai sinh ra một quả cầu thịt, hơn nữa, lại có tiên nhân đến đặt tên cho, còn để lại bảo bối, chính là Thái Ất Chân nhân, sư phụ của Na Tra sau này. Quả là một người được thượng thiên quyến cố.
– Chỉ có điều, Na Tra là một đứa trẻ hư, các em bé ngoan đừng học theo. Tại sao ư ? Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, ở phần miêu tả Na Tra thời thơ ấu, tiểu tử này thường xuyên phá phách, sát nhân, lại còn bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với ca ca, quả là một tiểu ma đầu. Trước tiên giết chết đồng tử của Thạch Cơ Nương Nương, đến khi bị Thạch Cơ Nương Nương đến hỏi tội, đánh không lại, tiểu tử này liền chạy trốn. Chạy đi đâu ? Tự nhiên chạy đến chỗ sư phụ cầu cứu. Thái Ất Chân nhân là ai ? Ông ta là một trong thập nhị kim tiên của Côn Lôn sơn, cao đồ của Nguyên Thủy Thiên Tôn, trong tay bảo bối vô số, cuối cùng phóng ra một cái Cửu Long Thần Hỏa Trảo giết chết Thạch Cơ Nương Nương. Thái Ất Chân nhân cũng quá bá đạo. Xưa nay sát nhân đền mạng, thiếu nợ trả tiền là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Ông ta không những không tìm cách hòa giải, còn phóng hỏa sát nhân, thật là vô pháp vô thiên. Hai thầy trỏ của Thạch Cơ Nương Nương nguyên bản chỉ ở địa bàn của mình tu hành, có chọc đến ai đâu, chết thật là oan !
Mọi người lại ồ lên kinh thán, nhiều bậc phụ huynh lại cau mày khi nghe đến đoạn này. Trước giờ các phim hoạt hình về Na Tra chỉ khiến trẻ con yêu thích nhân vật này hơn, ít ai nghĩ đến phần hắc ám đó. Không ít người còn liên tưởng đến việc bọn trẻ sẽ học theo Na Tra sát nhân phóng hỏa, hậu quả thật là tệ hại.
– Như thế còn chưa hết. Na Tra ỷ có sư phụ bênh vực, đi khắp nơi phá phách gây sự. Lúc đi qua Đông Hải, tiểu tử này đã dùng bảo bối Hỗn Thiên Lăng khuấy động Long cung nghiêng ngửa, thủy vực hỗn loạn. Thủy tộc người ta lên mắng mấy câu, tiểu tử này không những không xin lỗi, mà còn giết chết người ta, cuối cùng còn rút gân tam thái tử của Long vương. Những việc thương thiên hại lý, tác ác đa đoan như thế, hầu như trong thần thoại truyền thuyết, cũng chỉ có Na Tra dám làm. Cuối cùng, Lý Tĩnh nổi giận, định xử tội Na Tra. Tiểu tử này không những không biết hối lỗi, cầu xin tha thứ, mà còn tỏ ra cương cường, cắt thịt trả mẹ, lóc xương trả cha, chẳng khác nào từ cha từ mẹ, rõ ràng là bất hiếu tử, một lũ u hồn bay đến chỗ của Thái Ất Chân nhân. Từ đó dựng miếu quan, lập pháp thân, hấp thu hương hỏa nhân gian, thành tựu nhục thân.
– Ở đây có một khái niệm quan trọng, đó là : hấp thu hương hỏa nhân gian có thể thành tựu chân thân. Nói một cách khác, cho dù có là con người hay không, chỉ cần hấp thu hương hỏa nhân gian, hoành nguyện của bách tính, liền có thể lập địa thành tiên, cho dù là yêu ma quỷ quái, chỉ cần được dân chúng tiếp thụ, được dân chúng lễ bái, sẽ có thể thoát bỏ yêu thân, trở thành một vị đại tiên vô danh hữu thực.
Mọi người nghe đến đây đều lộ vẻ chấn kinh, nhiều người còn thầm nghĩ : “Phải nha ! Hèn gì có rất nhiều Hồ đại tiên, có rất nhiều tiểu miếu vô danh vô phái. Để làm gì chứ ? Đương nhiên là để thu thập hương hỏa nhân gian, lập địa thành tiên …”. Những chuyện như thế cũng giống như chuyện Na Tra thu thập hương hỏa nhân gian để thành tựu chân thân.
– Vấn đề này còn có thể mở rộng ra, chẳng hạn như Quan Công, Bao Công, rõ ràng là nhân loại, nhưng tại sao khi qua đời có thể trở thành thần tiên. Đó là nhờ nhân gian đối với Quan Công, Bao Công có rất nhiều tín ngưỡng, dân chúng thường xuyên tham bái, hương hỏa không dứt. Hai vị đó thu được vô số hương hỏa, cuối cùng từ nhân loại trở thành thần tiên.
Đến đây, càng nhiều người gật gù : “Đúng nha ! Quan Công và Bao Công đều là từ người thành thần”. Đặc biệt, tục thờ Quan Công là một tín ngưỡng dân gian rất quan trọng ở Trung Hoa và một số quốc gia Đông Nam Á. Ông được người dân thờ như Thần độ mạng; giới thương nhân coi ông như Thần tài; giới nho sĩ coi ông như Thần văn học (tượng Quan Vũ trên tay có cầm sách Kinh Xuân Thu); giới quân sự coi ông như vị Thần bảo mệnh. Các đao phủ thường giấu đao trong đền thờ ông vì họ cho rằng uy linh của ông sẽ ngăn trở oan hồn về báo oán.
Quan Công là người thời Tam Quốc, nhưng được nhân gian cung phụng, miếu vũ khắp nơi, hương hỏa rất thịnh, thành tựu thần vị. Trải qua thời gian, thu thập hương hỏa càng nhiều thì thần vị cũng càng cao, đến thời Minh đã trở thành vị thần hộ quốc, tôn hiệu là “Chân Nguyên Hiển Ứng Chiêu Minh Dực Hán Thiên Tôn”. Sang thời Thanh địa vị càng tôn sùng hơn, được vua Càn Long tôn làm “Sơn Tây Quan Phu Tử”, địa vị ngang hàng với “Sơn Đông Khổng Phu Tử”, lễ nghi tế tự của hai vị ‘Phu Tử’ này hoàn toàn giống nhau; sau còn được tôn hiệu “Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Thánh Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế”, là tôn hiệu dài nhất, dài hơn cả thụy hiệu của các vị Hoàng Đế, để chứng tỏ sự tôn sùng.
– Học theo đó, Ngụy Trung Hiền thời Minh đã cho xây dựng Sinh từ, hy vọng khi còn sống có thể thu thập đủ hương hỏa, để đến khi qua đời có thể siêu thoát đắc đạo. Đương nhiên, đó là quan điểm của người xưa, đối với thời mạt pháp như hiện nay có lẽ đã thất truyền. Có lẽ chỉ ở những thôn quê xa xôi, tín ngưỡng tập tục đó mới còn tồn tại.
– Ở đây ta không đánh giá về tập tục đó, bởi nó là một phần của nền văn hóa cổ Hoa Hạ đã được lưu truyền hàng nghìn năm. Mọi người có thể tin hay không, nhưng cần tôn trọng những di sản văn hóa mà tổ tiên lưu lại.
Không chỉ người xem trong quán, lúc này, rất nhiều khán giả của chương trình qua màn ảnh nhỏ đã đua nhau vỗ tay, trầm trồ thán phục kiến thức của Ngài Fujiwara. Bọn họ trước giờ chưa từng nghĩ rằng xem một bộ Phong Thần Diễn Nghĩa còn có thể rút ra được những kiến thức như thế; vừa khiến người ta kinh ngạc, đồng thời cũng làm mọi người tỉnh ngộ : “Không ngờ rất nhiều văn hóa tập tục của chúng ta có thể nhìn thấy được qua cổ thư, qua thần thoại truyền thuyết”.
Sau khi ngừng một chút để mọi người kịp tiêu hóa những kiến thức trên, Ngài Fujiwara lại giảng tiếp :
– Hiện tại, chúng ta nói đến Na Tra ở trong Tây Du Ký. So với trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Na Tra trong Tây Du Ký đã ngoan ngoãn hơn rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân. Trong Phong Thần Diễn Nghĩa là thời Thương mạt, còn trong Tây Du Ký là thời Đường, cách nhau đến 1.700 năm. Có thể đã nhiều năm trôi qua, Na Tra mặc dù vẫn còn khuôn mặt trẻ con, nhưng tâm thái đã trưởng thành hơn nhiều.
Nhiều người bật cười. Đã hơn nghìn tuổi, dù khuôn mặt vẫn là trẻ con thì tâm thái cũng không thể là trẻ con mãi được, trừ khi là ‘lão ngoan đồng’, mà xem chừng Na Tra trong Tây Du Ký không giống ‘lão ngoan đồng’ ưa chơi các trò chơi trẻ con.
– Ngoài ra, Na Tra nhục thân thành thần, nhập Thiên Đình, được phong làm Tam Đàn Hải Hội Đại Thần. Đã là Đại Thần, đương nhiên phải trở nên nghiêm túc hơn để khỏi làm trò cười cho chúng tiểu thần.
– Nói đến thần, cũng cần nói thêm rằng, thần khác với tiên. Tiên thì tiêu diêu tự tại, không bị ai quản. Đặc điểm này được thể hiện rất rõ trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Đương nhiên, tiên còn phải tôn kính vâng lời sư phụ, tổ sư gia. Tôn sư trọng đạo kia mà ! Các vị tiên chính thống chủ yếu là Nhân giáo, Xiển giáo và Triệt giáo. Lão Tử đứng đầu Tam Thanh, địa vị tôn sùng, nên Nhân giáo cũng có địa vị đặc thù, môn đồ ít mà cũng ít tranh, thanh tịnh vô vi. Xiển giáo có Thập nhị kim tiên môn đồ của Nguyên Thủy Thiên Tôn, còn Triệt giáo có quần tiên môn đồ của Thông Thiên Giáo chủ. Ngoài ra còn có các vị tiên vô môn vô phái ở danh sơn tiên đảo, tự hành tu luyện, bao gồm cả nhân tiên, yêu tiên, địa tiên, … Bọn có một đặc điểm chung là tiêu diêu, muốn làm gì thì làm, không ai quản, bởi vì lúc đó không có Thiên Đình. Chẳng hạn như Vân Trung Tử, cao đồ của Nguyên Thủy Thiên Tôn; Xiển giáo đã quyết định phò Chu diệt Trụ, mà Vân Trung Tử ban đầu còn định giúp Trụ Vương giết Đắt Kỷ, hóa giải kiếp nạn mất nước.
– Sau một phen đại kiếp, sau một trường Phong Thần, chúng thần quy vị, thần quyền của Thiên Đình đã được tập trung. Thế là, Thiên Đình trong Tây Du Ký, so với đế vương hoàng triều của nhân gian cũng không sai biệt là mấy. Chẳng hạn như, bên cạnh Ngọc Hoàng có Tả phụ Hữu bật; hai vị này tương đương với Tả Hữu thừa tướng. Năm đó Tôn Hầu Tử lên Thiên Đình, hai vị thừa tướng này đã bảo với Tôn Hầu Tử rằng Bật Mã Ôn là một chức quan không phải tầm thường. Tiếp đó còn có Tứ Đại Thiên Sư, văn vũ đại thần, phân chia tả hữu, quả là quân thần khánh hội, đúng như diện mạo của đế vương ở nhân gian. Điều này Cổ Thiên Đình của Thái Nhất không có. Cũng giống như lễ nghi triều đình thời Hán không phức tạp như thời Minh vậy.
– Tự nhiên, Tam Đàn Hải Hội Đại Thần Na Tra, thân tại triều đường, mặc dù gọi là thần, nhưng thật ra đặt ở trong nhân gian cũng chỉ là một vị vũ tướng. Đối với một vũ tướng, anh ta tự nhiên phải nghe lệnh sai phái của Ngọc Hoàng, hơn nữa, quan vị của anh ta cũng không lớn bằng Lý Tĩnh. Tại sao như vậy nha ? Bởi vì Lý Tĩnh biết cách dùng binh, biết điều binh khiển tướng, bày binh bố trận, đặc biệt là biết bố trí thiên la địa võng. Na Tra dù có công phu lợi hại hơn, tối đa cũng chỉ có thể làm một vị tiên phong, chứ không thể thống lĩnh thiên binh thiên tướng được.
Nhiều người lại một phen gật gù. Gì chứ thiên la địa võng thì rất nổi tiếng, rất nhiều người biết. Điều này cũng cho thấy học thức quan trọng hơn công phu. Vũ tướng có công phu lợi hại bất quá là ‘bách nhân địch’, ‘thiên nhân địch’; còn người biết binh pháp mới thật sự là ‘vạn nhân địch’.
– Do đó, Na Tra ở trên Thiên Đình, quan chức không lớn, còn phải chịu sự quản chế của không ít người. Thành ra trong Tây Du Ký, mỗi khi Na Tra xuất hiện, đều là “vâng mệnh lệnh của Ngọc Đế”, xuống giúp đỡ Tôn Hầu Tử, sau đó lại biến mất. Một vị vũ tướng như vậy, đối với Ngọc Hoàng mà nói, sẽ rất được ưa thích. Tại sao ? Bởi vì anh ta biết nghe lời, lại có nhiều thần thông. Cán bộ như vậy, ai mà không thích cơ chứ !
– Tổng kết lại, chúng ta thấy rằng mặc dù cả Phong Thần Diễn Nghĩa và Tây Du Ký đều có miêu tả Na Tra, nhưng cả hai biểu hiện không hề giống nhau. Hơn nữa, bọn họ còn có một đặc điểm tương đồng, chính là ‘khi nhập triều đường sẽ chịu sự quản chế của đế vương’. Không chỉ trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Na Tra gia nhập triều đình Tây Chu, hoặc là trong Tây Du Ký thân tại Thiên Đình, đều phải chịu sự quản chế của quân quyền chuyên chính.
Kỳ đầu tiên kết thúc ở đây.
Rất nhiều khán giả cho rằng xem chương trình này rất bổ ích, quả là “thính quân nhất tịch thoại, thắng độc thập niên thư” (nghe Ngài một lời nói, hơn đọc sách mười năm). Quả thật, nhiều người đọc sách mấy chục năm, nội dung hầu như thuộc làu, nhưng vẫn không nhìn thấy được những kiến thức đó. Không ngờ bên trong những truyện thần thoại truyền thuyết có ẩn chứa nhiều nội dung phong phú, nhiều tư tưởng thâm khắc đến thế. Từ trong đó, chúng ta có thể nhìn thấy những bài học triết lý bổ ích, cùng với văn hóa tín ngưỡng lưu truyền hàng nghìn năm trong dân gian.
Tiếp đó, đài Nam Phương Vệ thị trở nên rất nổi tiếng, lượng người xem tăng đáng kể. Narumi cũng được đông đảo dân chúng Đại lục cũng như hải ngoại tôn xưng là “Hán học Tôn sư” (lẽ ra là đại sư, nhưng vì lúc này cậu đã trở thành Hoàng đế, địa vị tôn sùng, nên cao hơn một bậc).
…