Chương 4 : KẺ CƯỚP GẶP BÀ GIÀ – CHÔM 1 TỶ YÊN TỪ KẺ CƯỚP”
Giờ có bao nhiêu tiền rồi ? Cậu kiểm kê lại tài sản hiện có của mình. Những năm qua, cậu để dành được khoảng năm triệu, ‘đạo mộ’ thu được hơn 80 triệu, ông Kurowa cung cấp 30 triệu, ông Kawasui cung cấp 50 triệu. Tổng số tiền mặt được hơn 165 triệu yên, tương đương 1,25 triệu USD. Cũng khả quan. Ngoài ra, cậu còn có một số tài sản khác : một căn hộ nhỏ ở Tokyo, phòng khám trên đảo Tsugikage và hộp bảo bối trước mặt cậu. Cậu mở hộp ra, mân mê những vật trong đó, khẽ thở dài. Đó là một chiếc kim bài, một chiếc kim quan, đều được chạm khắc tinh xảo, là những món đồ cổ có giá trị, cùng với một tấm bản đồ da bò. Sau một thời gian nghiên cứu, cậu nhận ra hình vẽ trên đó là một hoang đảo ngoài khơi vịnh Tokyo. Còn bảo tàng nằm đâu đó trên đảo, nét vẽ quá thô tháo, không thể nhìn rõ được, cũng không biết thật sự có phải là bảo tàng hay không ? Sau này, nếu có cơ hội cậu nhất định sẽ đến đó xem thử. Khi nghĩ ra được cách ‘thu lợi tức’ từ ông Kurowa và ông Kawasui, cậu đã có được số vốn đáng kể, nên giữ lại mấy vật kia làm của gia bảo. Các bước chuẩn bị đã xong, giờ đã đến lúc thực hiện bước kế tiếp.
– Có cách nào khiến tiền sinh tiền không nhỉ ? Đáng tiếc, ta không nhớ kết quả xổ số, không nhớ kết quả bóng đá, cũng không biết chơi cổ phiếu, …
“Nhiệm vụ 1 : có ‘tiền’ mới có ‘thế’, cố gắng kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Mục tiêu : 1 tỷ yên. Độ khó : trung bình.”
Đó là mục tiêu hiện tại của cậu, 1 tỷ yên tương đương gần 8 triệu USD, đủ để cậu trở thành một người có chút thế lực ở địa phương. Thế nhưng, nghĩ mãi không có cách gì hay, cậu dần dần chìm vào giấc ngủ. Cậu mơ, nhưng lần này không phải là ác mộng, mà là một giấc mộng đẹp. Còn gần ba tháng nữa mới đến kỳ bầu cử Thị trưởng trên đảo, vẫn còn khá nhiều thời gian.
Thời gian sau đó trôi qua êm ả. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Narumi vẫn tiếp tục kinh doanh phòng khám tư của mình trên đảo. Trong thời gian đó, cậu đã nghĩ ra được cách làm cho tiền sinh tiền. Điều khó khăn nhất vẫn là kiếm được số vốn ban đầu. Một khi đã có vốn rồi thì sẽ có rất nhiều phương thức khiến tiền sinh tiền. Hiện tại cậu đã có một số vốn kha khá, không nhiều, nhưng cũng không ít. Lúc này là tháng 3 năm 1992, tỷ giá yên – USD là 132,75. Cậu đổi hết số tiền yên hiện có sang USD, được khoảng 1,25 triệu USD, sau đó bay sang châu Âu.
Năm 1992 có giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO 1992). Narumi không thích xem bóng đá, nên cũng không có ấn tượng gì lắm về các trận đấu, ngay cả trận chung kết. Và cho dù cậu biết đội nào thắng mà không nhớ rõ tỷ số cũng vô ích. Cá độ bóng đá còn có kèo trên, kèo dưới. Bắt đội thắng chưa chắc đã thắng. Tuy vậy, giải EURO 1992 có hai điểm đặc biệt mà cậu nhớ được. Thứ nhất, vì Liên Xô (Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết) đã tan rã nên đội tuyển SNG thay thế (thực ra cũng là đội Liên Xô đổi tên, là đại diện chung cho các nước cộng hòa mới tách ra từ Liên Xô). Thứ hai, đội yếu nhất giải đã giành được Cúp vô địch.
Đội tuyển Nam Tư vốn giành được vé tham dự vòng chung kết EURO 1992, nhưng không tham dự được. Do nội chiến trong nước, Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư trải qua tình cảnh giống hệt Liên Xô, bị tan rã thành nhiều nước cộng hòa độc lập : Croatia, Slovenia, Macedonia, Bosna và Hercegovina, Liên Bang Nam Tư (mới). Các quốc gia mới này thù địch với nhau, không thành lập được đội tuyển chung. Vì thế, đội tuyển Đan Mạch vốn đã bị loại từ ngoài vòng sơ loại đã được chọn thay thế. Và thật không ngờ, cuối cùng đội tuyển Đan Mạch đã giành được Cúp vô địch lần đầu tiên của họ.
Thị trường cá độ bóng đá ở châu Âu phát đạt nhất thế giới, hoàn toàn hợp pháp và phải đóng thuế hẳn hoi. Narumi đến London và Paris, vì đó là hai trung tâm kinh tế lớn của châu Âu và ở rất gần nhau (nằm ở hai bên bờ eo biển Manche), tiện đi lại. Cậu không có nhiều tiền nên muốn tiết kiệm tối đa những chi phí không cần thiết. Do không có ấn tượng gì lắm về giải này nên cậu chỉ định đặt cược đội đoạt Cúp vô địch. Khi đến châu Âu, cậu mới phát hiện đội tuyển Đan Mạch bị đánh giá yếu nhất giải, nên tỷ lệ thắng cược cao ngất ngưởng, trung bình là 1 ăn 132,55. Trong khi đó, các đội mạnh như Hà Lan (đoạt cúp năm 1988), Pháp (đoạt cúp năm 1984), Đức (đoạt cúp năm 1980) có tỷ lệ thắng cược không cao.
Đương nhiên, Narumi không ngốc đến độ đặt hết một cục. Cậu chia tiền thành rất nhiều phần nhỏ, rồi đặt cược ở nhiều công ty cá cược khác nhau, mỗi phần chỉ có vài nghìn USD, so với nhiều đại gia đặt cược hàng triệu USD (ở Việt Nam cũng có) thì không có gì đáng chú ý. Cậu hy vọng sự cẩn thận đó sẽ giúp cậu bình an qua kỳ World Cup.
Trở về Nhật Bản, sinh hoạt lại tiếp tục. Cuộc sống yên bình của Narumi chỉ bị phá vỡ khi cậu thấy bản tin trên báo “Vụ cướp xe lửa chở 1 tỷ yên”. Óc mạo hiểm lại nổi lên, cậu quyết định lên Tokyo một chuyến. Sau một phen bị khủng bố bởi những cơn ác mộng khủng khiếp, sức mạnh tinh thần của cậu đã tăng cường rất nhiều.
…
Trường đua Tokyo.
Narumi không nhớ gì về vụ cướp xe chở tiền 1 tỷ yên, ngoài cái tên Kenzo Hirota, tài xế taxi, một trong ba thủ phạm, người mà chị của Ai Haibara nhờ thám tử Mori tìm kiếm. Chỉ tốn 50.000 yên, cậu đã nhờ được một thám tử tư ở Tokyo tìm giúp ảnh của ông Kenzo Hirota. Viên thám tử tư chỉ mất nửa buổi, gọi điện xác nhận đến các công ty taxi, sau đó cung cấp cho cậu hai tấm ảnh của hai người có tên là Kenzo Hirota làm tài xế taxi. Một trong hai người này là một người đàn ông trung niên to béo. Thế là đối tượng đã được xác định. Chỉ đáng tiếc, không biết được nơi ở của ông ta. Cậu cũng không có ý định thuê thám tử tư tìm kiếm, vì ngay cả Conan và ông Mori cũng phải tìm kiếm rất nhọc nhằn. Cậu quyết định ‘ôm cây đợi thỏ’. Ông Kenzo Hirota rất mê đua ngựa, thậm chí lấy tên của mấy con ngựa đua yêu thích đặt cho mấy con mèo nuôi trong nhà. Cậu liền cải trang, đến nơi bán vé cá cược ở trường đua ngựa Tokyo chờ đợi. Ông Kenzo Hirota là khách thường xuyên ở đây.
Chỉ hôm sau, ông Kenzo Hirota đã xuất hiện trước mắt Narumi. Cậu lặng lẽ theo sau, cũng vào đứng xếp hàng mua vé cá cược, rồi theo ông ta vào xem đua ngựa. Ông ta cầm theo một tờ báo và một ly nước. Hay lắm ! Trong lúc chen lấn, cậu lén bỏ một ít thuốc bột vào trong ly nước. Đó chỉ là một loại thuốc chữa bệnh thông thường, chỉ dễ gây choáng hay sốc phản vệ mà thôi, chứ không phải thuốc mê hay thuốc độc, cũng khó bị phát hiện. Đây là chuyên môn của cậu kia mà.
Trên sân, các con ngựa đua đang ra sức bứt phá. Trên khán đàn, khán giả reo hò cuồng nhiệt. Không khí vô cùng sôi động. Mọi người bị cuốn hút theo từng bước chân của các con ngựa trên sân. Cuối cùng, con ngựa tên là Gokaiteiau đã về nhất. Những người thắng cược hoan hô mừng rỡ, trong đó có cả ông Kenzo Hirota. Đột nhiên, ông ta ôm bụng ngã lăn ra đất. Những người khác khủng hoảng loạn cả lên. Narumi thừa cơ cúi xuống ôm lấy ông ta, kiểm tra một lượt, rồi hô lớn :
– Ông ấy bị kích động rồi ngất xỉu. Ai có xe nhờ giúp đưa ông ấy đến bệnh viện.
Ngay lúc đó, bảo vệ cũng chạy đến, giúp cậu khiêng ông ta ra xe của trường đua, đưa ông ta đến bệnh viện gần nhất. Bệnh viện ở Nhật không giống các bệnh viện ở Trung Quốc và Việt Nam, họ sẵn sàng chữa trị ngay mà không đòi phải đóng viện phí trước. Do đó, khi bọn Narumi đến nơi thì bệnh nhân lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Bác sĩ chữa trị vừa đưa ông Kenzo Hirota vào phòng bệnh, vừa hỏi bọn Narumi :
– Ông ta bị sao thế ?
Narumi nói :
– Mọi người đang xem đua ngựa. Con ngựa mà ông ấy mua giành chiến thắng. Ông ấy reo hò mừng rỡ, rồi đột nhiên ngã lăn ra.
Cậu không đưa ra kết luận chủ quan mà chỉ trình bày các nguyên nhân dẫn đến sự việc. Bác sĩ gật đầu, khám cho ông ta một lượt, rồi thở phào nói :
– Không sao cả ! Ông ấy quá kích động rồi ngất xỉu thôi, chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là sẽ khỏi. Để tôi truyền dịch cho ông ấy.
Viên bảo vệ của trường đua cũng thở phào nhẹ nhõm. Khách hàng của trường đua mà bị sao đó thì cũng có ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của trường đua. Gã chạy ra ngoài gọi điện thoại, sau đó quay vào nói :
– Lãnh đạo nói chi phí chữa bệnh công ty sẽ chi. Tôi phải về báo cáo sự việc.
Chỉ truyền dịch thôi thì cũng chẳng mất bao nhiêu tiền, nhưng phía trường đua xử sự như thế là rất biết điều. Vị bác sĩ nhìn viên bảo vệ rồi lại nhìn Narumi. Cậu gật đầu nói :
– Vậy anh cứ về trước đi. Tôi ở lại xem ông ấy thế nào, nếu cần sẽ giúp đưa ông ấy về nhà. Dù sao thì tôi cũng rảnh rỗi.
Đến chiều, ông Kenzo Hirota đã tỉnh lại, sức khỏe cũng tương đối ổn định, rồi bất chấp sự khuyên bảo của bác sĩ, nhất quyết đòi về nhà. Narumi giúp ông ta làm thủ tục xuất viện, rồi nhờ một nhân viên của bệnh viện lấy xe đưa ông ta về nhà ở gần đấy. Cậu không đi một mình để tránh bị nghi ngờ. Đương nhiên, mọi chi phí khám chữa bệnh phía bệnh viện sẽ gửi hóa đơn thanh toán cho bên trường đua.
Hai ngày sau …
Narumi quay lại nhà của ông Kenzo Hirota, một căn hộ trong khu nhà hai tầng nhỏ cũ kỹ, mái ngói rêu phong. Khu nhà này chỉ có sáu căn hộ, với cầu thang nằm ngoài trời bên hông nhà. Từ trong các căn hộ không thể nhìn thấy người đi trên cầu thang. Khu nhà này lại rất cũ kỹ, không hề có gắn camera theo dõi.
Căn hộ của ông Kenzo Hirota là căn chính giữa ở trên lầu. Lúc này là giờ đi làm, nên ở đây rất vắng vẻ. Bà chủ nhà cũng vừa ra ngoài, phải hai giờ sau mới về. Cậu đã theo dõi rất kỹ thói quen sinh hoạt của những người sống ở đây, và xác định lúc này là thời điểm vắng vẻ nhất. Do cần đề phòng các biến cố có thể xuất hiện, cậu chỉ có tối đa một giờ để hành động.
Hai hôm trước, trong lúc ông Kenzo Hirota nằm trên giường bệnh, Narumi đã tranh thủ lấy chìa khóa của ông ấy đi làm thêm chìa khóa phụ. Giờ đây, cậu dễ dàng đột nhập vào bên trong căn hộ của ông ấy. Và nhờ đã từng đến đây một lần, nên nếu có người phát hiện thì họ cũng sẽ tưởng lầm cậu là người quen của chủ nhà – cậu có chìa khóa kia mà.
Căn hộ rất nhỏ, chỉ có hai phòng lớn và một phòng vệ sinh nhỏ. Sau một hồi tìm kiếm, cậu đã phát hiện ra số tiền một tỷ yên cất giấu bên trên tấm trần phía trên phòng vệ sinh. Một tỷ yên nhiều hay không ? Với khoản tiền giá trị lớn, người Nhật thường sử dụng tờ 10.000 yên, gọi là một ‘Man’ (âm Nhật, tức một vạn). Một xấp tiền gồm 100 tờ, tức một triệu. Một cọc tiền gồm 10 xấp, tức 10 triệu. Như vậy một tỷ yên gồm có 100 cọc tiền, được cất giữ trong bốn chiếc va li lớn. Cậu liền lấy xuống, trút hết tiền vào các túi rác màu đen lớn mang theo, rồi lại cất những chiếc va li về chỗ cũ. Đấy là những va li chuyên dụng dùng để chứa tiền của các ngân hàng, mang nó theo sẽ rất phiền phức. Cậu chỉ cần tiền chứ không cần phiền phức. Xong đâu đấy, cậu quan sát kỹ xung quanh, không thấy ai, liền ung dung đẩy mấy ‘bao rác’ đi xuống, an toàn ly khai.
Cất giấu mấy túi chứa tiền xong, cậu lại suy nghĩ cách xử lý hậu quả. Phương án tốt nhất là đưa bọn cướp vào nhà giam. Còn việc tìm số tiền bị mất là trách nhiệm của cảnh sát. Bảo cậu trả tiền cho cảnh sát ? Không có chuyện đó đâu ! Đây là tiền ‘mồ hôi công sức’ của cậu kia mà. Hơn nữa, nó là tiền của ngân hàng tư nhân, cũng có nghĩa là không phải tiền của nhà nước, không phải tiền thuế của nhân dân. Cậu cần vốn để mang về Việt Nam đầu tư, giúp đỡ dân nghèo. Đây gọi là kiếp phú tế bần chăng ? Không thể gọi là hiệp khách thì cũng có thể gọi là hiệp đạo nhỉ ? Sở Lưu Hương cũng là hiệp đạo, còn gọi là ‘đạo soái’.
Nhìn những bức ảnh chụp khi theo dõi ông Kenzo Hirota mấy ngày qua, cậu chợt nghĩ đến một kế hoạch. Có khi lúc này chị của Ai Haibara đã tiếp xúc với ông Mori rồi. Phải tiến hành ngay mới được. Tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tao ương. Việc gì muốn làm thì nên khẩn trương mà làm, kéo dài thời gian có khi gặp thêm nhiều trắc trở ngoài ý muốn.
Cậu trở lại thân phận thật sự của mình, công tử Narumi tuấn tú lịch lãm, rồi đến Sở cảnh sát Tokyo-to. Người tiếp cậu là Thanh tra Megure, cũng là người đang phụ trách vụ án này.
Việc Narumi đến Sở cảnh sát Tokyo-to là một dấu mốc quan trọng, bởi ở đây cậu sẽ gặp một nhân vật quan trọng trong một sự kiện quan trọng.