5.
Thỉnh thoảng Tam gia mắc phải một căn bệnh quái đản, hóa thân thành thanh niên văn nghệ trung cấp.
Chẳng hạn có một thời gian gã cực kỳ thích diễn đạt bằng lời bài hát và nét mặt.
Quan trọng nhất là không phải gã trích lời bài hát khi viết nhật ký, comment… mà là trong lúc đang nói chuyện với bạn, bất ngờ gã nghiêm trang phun ra một câu hát! Bạn có thể tưởng tượng ra cái cảnh dở hơi đó không! Đâu phải giọng điệu bình thường mà là ngân nga hát! Hát rất rõ lời!
Chẳng hạn trong thời gian thi nghiên cứu sinh, khi đó buổi sáng tôi thường không dậy nổi, đồng hồ báo thức chẳng thể nào tách tôi ra khỏi cái giường yêu quý. Thế là tôi bảo Tam gia mỗi sáng phải gọi điện cho tôi, song thỉnh thoảng chính Tam gia cũng ngủ quên.
Mặc dù cả hai đều không dậy được nhưng tôi vẫn đổ hết trách nhiệm lên đầu Tam gia: “Tại sao sáng anh không gọi điện kêu em dậy?! Em đã nói là phải dậy học thuộc từ mới, chẳng phải anh đã nhận nhiệm vụ đánh thức em rồi hay sao?”
Tam gia thản nhiên nói với tôi: “Báo thức không kêu!”
Tôi không còn gì để nói: “Anh biến đi… Anh nghĩ là em có tin không hả?”
Tam gia vẫn thản nhiên nói với tôi: “Hoặc là có kêu nhưng bị anh vô tình tắt đi!”
Hồi học nghiên cứu sinh tôi cực nóng tính, hơi một chút là nổ súng khai chiến. Tôi giận dữ quát vào điện thoại: “Tại anh không coi đây là việc quan trọng thôi. Kể cả là không vì gọi em dậy, anh cũng phải dậy sớm mà ôn tập chứ?! Vậy mà anh lại ngủ đến mấy giờ hả? Cái kiểu đó của anh nào có giống đang ôn thi nghiên cứu sinh! %*! #%! #¥. . . . . . @. . . %¥Uum”
Tam gia lặng lẽ lắng nghe tôi nói, từ đứa trẻ ba tuổi hay tè dầm đến thói quen không biết quý trọng thời gian nguy hiểm thế nào. Cuối cùng đến khi tôi thở phì phò, gã mới nói: “Thích cãi nhau với anh à, anh đâu có nhạt nhẽo như thế!” (1)
(1) Là một câu trong bài hát Nhịp tâm đập của Vương Lực Hoành.
Tôi phì cười, không thể giận tiếp được nữa.
Tối nào Tam gia chạy bộ tôi cũng nhắc gã chú ý an toàn: “Vừa chạy xong hả? Trên đường về đi chậm thôi nhé, phải chú ý quan sát xe cộ, quan sát đường phố, đừng có để bị trầy da tróc vẩy gì đấy!”
Thế rồi Tam gia nghiêm túc nói với tôi: “Anh đâu có mong manh dễ vỡ thế, huống hồ cái đó nào phải là vết thương gì!”
Lúc đó tôi rất muốn bước tới nện cho một búa để gã “được” bị thương luôn đi.
Có lúc tôi chỉ thuận miệng hỏi: “Ăn cơm chưa? Đang ở đâu đấy?”
Như một kẻ giật gân theo cơn, Tam gia nói với tôi: “Anh đang ăn gà rán ở quảng trường Nhân Dân, còn em đang ở đâu?”
Tôi cũng chẳng biết mình đang ở đâu nữa, chắc là lên trời luôn rồi…
Dĩ nhiên đó chỉ là những câu chuyện vặt vãnh, những lúc gặp phải vấn đềmang tính nguyên tắc mà gã cũng dở hơi như thế thì tôi không thể nhẫn nại được.
Một lần tôi kể lể với gã: “Hôm nay đứa bạn cùng phòng chê em béo, huhuhu…”
Tam gia: “Gió xuân có đẹp đến đâu cũng không sánh được với nụ cười của em, người chưa gặp em bao giờ không hiểu được đâu.”
Lúc đó tôi đang rầu rĩ véo mỡ bụng của mình, vừa nghe thấy gã lại dùng lời bài hát đã nổi cơn tam bành, hung hãn nói: “Anh có thôi đi không hả?”
Hung dữ một hồi xong lại thấy không đúng. Hình như vừa nãy gã mới khen tôi? Bèn hỏi: “Khoan đã, anh vừa nói gì?”
Ai ngờ kênh nói chuyện bình thường của Tam gia đã bị cắt, gã cất giọng đầy lo âu nói với tôi: “Anh nói mùa đông mà không giảm béo thì mùa hè đi bộ rạc cẳng.”
Sau đó tôi liền cho đầu gối của gã biết có bao nhiêu gai nhọn đáng yêu trên vỏ sầu riêng nhà tôi để dành, ha ha.
6.
Một lần hai chúng tôi đi trên đường, Tam gia bị vấp vào hòn đá suýt ngã. Thấy chuyện lớn như vậy tôi sao có thể thờ ơ, liền liếc mắt nhìn gã một cái, kết quả hành động này đã khởi xướng một hình thức không có hồi kết.
Tam gia: “Ánh mắt vừa nãy của em là thế nào! Tại sao em lại nhìn anh bằng cái nhìn dành cho một con chó?”
Tôi không hiểu: “Vậy sao? Em không biết? Em nhìn một con chó bằng cái nhìn như thế nào?”
Tam gia: “Chính là cái kiểu vừa nãy em nhìn anh ấy!”
Tôi: “Vừa nãy em nhìn anh kiểu gì?”
Tam gia: “Chính là kiểu nhìn chó.”
Sau khi rơi vào vòng tuần hoàn không thể giải thích một cách rõ ràng này, tôi không thể không thừa nhận lắm lúc Tam gia cố chấp không khác gì một bóng đèn cao áp.
Chương 3
7.
Vào đại học Tam gia cực kỳ chú ý đến đủ các thể loại tin tức trong trường. Ở con hẻm nhỏ gần trường chúng tôi đã xảy ra vụ thảm án gì gã còn biết rõ hơn tôi. Một lần không biết gã nghe ở đâu được tin gì mà cứ dặn đi dặn lại tôi sau tám giờ tối không được ra ngoài một mình, nếu có ra ngoài thì không được mặc váy ngắn quần đùi, di động lúc nào cũng phải còn tối thiểu 50% pin, phải cài số điện thoại của gã vào mục quay số nhanh… Sau khi đặt ra cho tôi đủ các loại quy tắc an toàn, gã vẫnchưa hết lo lắng. Rồi một hôm gã tự nhiên giả vờ là người giao bưu phẩm gọi điện cho tôi…
Bằng cái giọng nghiêm túc đủ để dọa trẻ con khóc thét, Tam gia nói với tôi: “Alô, chào chị.”
Nhìn lại màn hình điện thoại của mình thông báo người gọi rõ ràng là tên gã, tôi đành phải trả lời bằng ngữ điệu nghiêm túc không kém: “Chào anh…”
Sau đó Tam gia bắt đầu đóng kịch: “Chị có bưu phẩm chuyển phát nhanh, mời chị xuống sân lấy ạ.”
Trong một chốc một lát tôi chưa thể định thần lại được, đành ngô nghê trả lời: “Ồ? Tôi đâu có mua gì.”
Tam gia: “Chắc là bạn trai chị tặng, phiền chị xuống sân lấy nhanh đi ạ, tôi đứng chỗ cái cây ở cổng trường.”
Tôi đoán đây có thể là một trò chơi thú vị nào đó, liền hắng giọng nói với gã: “Nhưng người ta còn chưa có bạn trai mà…”
(Lúc đó tôi nghe điện thoại trong phòng ký túc, sau khi nói ra câu này chưa đầy ba giây, tôi đã nhận được lời chúc phúc đồng thanh từ các bạn cùng phòng “Mi cút ra ngoài ngay cho ta!”)
Tam gia im lặng vài giây rồi nhớ ra chủ đề ban đầu: “Chị có bưu phẩm chuyển phát nhanh, mời chị xuống sân lấy ạ.”
Vừa cắt hạt dưa tôi vừa tiếp tục hùa theo màn kịch gã đang đóng: “Anh là người của công ty chuyển phát nhanh nào? Bưu phẩm trường tôi toàn để ở phòng chứa đồ mà.”
Tam gia: “Tôi là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh Dưới Cái Cây.”
Lúc ấy tôi rất muốn ném vỏ hạt dưa trên tay vào mặt gã qua điện thoại, còn có thể tiếp tục vui vẻ diễn kịch nữa được không? Có thể lấy một cái tên bình thường nào đó được không?! Tôi hít một hơi thật sâu, lườm một cái rồi nói với gã: “Tôi chưa nghe thấy tên công ty chuyển phát nhanh này bao giờ!”
Tam gia dùng kỹ thuật diễn xuất đỉnh cao, nói với tôi bằng giọng hết kiên nhẫn: “Công ty mới! Phiền chị đi xuống lấy nhanh lên, tôi còn phải đi nơi khác phát đồ, mười phút nữa là tôi đi đấy.”
Gã bắt chước rất giống thần thái của cái tên chuyên giao bưu phẩm chuyển phát nhanh cho chúng tôi, tôi cho rằng Oscar nợ gã một cái cúp.
Không muốn chơi với gã tiếp nữa, tôi trả lời: “Ok ok, em xuống ngay đây.”
Kết quả Tam gia vừa nghe thấy câu này liền nổi giận đùng đùng: “…! Sao tâm lý đề phòng của em kém thế?! Mới có thế đã đi xuống rồi à?! Nếu nó lừa em thì sao? Công ty chuyển phát nhanh nghe lạ hoắc, hẹn đi lấy ở một nơi kỳ quặc, vừa nghe đã biết là người xấu rồi!”
Tôi bị mắng đến mụ cả đầu: “Chẳng phải em cũng chỉ đùa anh thôi sao, vừa nghe đã biết là giả vờ rồi.”
Tam gia: “Vớ vẩn, anh diễn như thật thế làm sao em biết là giả vờ được? Chắc chắn vừa nãy em đã bị lừa rồi! Nghĩ thử nếu em đi ra thật thì sao! Nói không chừng còn bị X rồi giết!”
Tôi nghĩ thấy có giải thích với gã cũng chẳng có tác dụng gì liền thuận miệng đáp vài câu: “Không sao, vẻ ngoài của em an toàn lắm, không thể nào gặp chuyện xui xẻo được đâu. Hãy hứa với em, như Nhĩ Khang hứa với Tử Vy vậy, đừng có suốt ngày đọc những thông tin kỳ quái nữa được không?”
Tam gia hoàn toàn không tỉnh ngộ, cũng chẳng để ý đến lời thỉnh cầu của tôi mà vẫn liên tục chất vấn bằng những lời lẽ đầy chính nghĩa: “Mặc dù em xấu thật, nhưng chẳng may kẻ xấu kia bị mù thì sao?”
Tôi: “…”
Kết thúc của câu chuyện là trận cãi vã đã nổ ra giữa tôi và gã, nội dung cuộc cãi vã không phải là chứng hoang tưởng luôn sợ bị người ta hãm hại của gã… mà là anh vừa nói ai xấu! Nói ai xấu! Ai xấu?!