10.
Lúc vừa yêu nhau, chúng tôi vẫn chưa hiểu lắm tính cách của người kia nên lúc nào cũng muốn tạo ra những việc lãng mạn và bất ngờ…
Chẳng hạn tôi thường viết thư cho Tam gia, mỗi tuần một bức thư. Trong thư không kể những câu chuyện văn vẻ mà chỉ là những chuyện nhỏ nhặt rất bình thường, nội dung không khác gì chuyện mà các ông già bà cả ở khu nhà tôi thường kê bàn kê ghế cắn hạt dưa tán gẫu với nhau.
Tôi viết thư cho gã kể nhà ăn của chúng tôi có một con chó hoang, giống chó Poodle Toy bẩn như ma mút. Lần nào cho nó ăn cơm thừa, tôi cũng bị nó nhìn bằng ánh mắt khinh bỉ.
Tôi kể với gã dưới sân khu nhà chúng tôi có một bầy chim sẻ, con nào con nấy to như ngỗng béo, không cần bắt bằng vợt mà chỉ cần trong tay có một ít thức ăn cho chim là túm được ngay.
Tôi còn nói có một hôm trời nổi gió, tôi và một đứa bạn nữa ăn nhiều dưa hấu quá, lúc đi ngủ lại để chân ra ngoài chăn nên đã tè dầm.
Tôi đã mua rất nhiều giấy viết thư đẹp màu hồng mà các cô gái thường dùng và cả phong bì nhiều màu, dán tem thư rồi bỏ vào hòm thư màu xanh lục trước cổng trường tôi, chờ nó đến tay Tam gia sau quãng đường gian truân.
Kết quả từ đó tới nay tôi không nhận được một bức thư hồi âm nào.
Một tháng sau tôi không kìm chế được bèn hỏi Tam gia: “Anh đã đọc thư em viết cho anh chưa?”
Tam gia hỏi với vẻ ngỡ ngàng, “Thư gì?”
Những bức thư chứa đựng nỗi niềm của một người con gái được gửi suốt bốn năm qua không tới được tay Tam gia. Không biết chúng đang lén lút lẩn trốn ở cái xó xỉnh – nơi không muốn bị ai phát hiện nào nhỉ?
11.
Gửi thư không được chúng tôi bèn chuyển sang gửi bưu phẩm chuyển phát nhanh.
Đầu tiên là quà sinh nhật Tam gia, tôi chuẩn bị một thùng đồ, cụ thể có những gì tôi không còn nhớ nữa, chỉ nhớ Tam gia nói không mua được mì ăn liền ở Hạ Môn nên tôi đã nhồi mấy túi Gấu Trúc Nhỏ vào đó, tiếp theo là một cuốn nhật ký kèm ảnh được tôi làm rất cẩn thận.
Tôi chụp ảnh mình mỗi ngày rồi thỉnh thoảng lại đi rửa ảnh rồi dán ảnh vào cuốn sổ đó. Sau đó tôi dùng bút màu kể lại mình đã ăn gì, nghĩ gì, làm gì và vẽ cả tranh vào trang nhật ký của ngày hôm ấy. Tóm lại tôi toàn viết bằng chữ in hoa rất thô… Thậm chí có hôm buổi sáng đang đánh răng rửa mặt thì tôi xốc ngay cô bạn cùng phòng dậy, nhờ nó chụp cho bức ảnh tôi đang đánh răng.
Nhưng Tam gia rất thích cuốn nhật ký đó. Ngày tốt nghiệp đại học gã còn để nó cùng với các tài liệu quan trọng chuyển phát nhanh về nhà. Nghe nói mẹ chồng tương lai của tôi, mẹ Tam gia đã rất kích động sau khi vô tình đọc được…
Tam gia cũng học theo gửi cho tôi một thùng quà vào ngày sinh nhật tôi. Trong đó có một con gấu Teddy mà tôi đã ôm nó ngủ suốt bao năm qua, còn lại toàn là những món đồ chơi nho nhỏ tuy rất đắt tiền nhưng chẳng có tác dụng gì không biết đã bị tôi quẳng vào góc nào.
Có một tập thơ tình do chính tay gã viết, trang nào cũng đầy tranh vẽ và những vần thơ, gọi tắt là “sến”.
Có một tấm bản đồ Đại học Hạ Môn vẽ tay, tôi đã dán nó lên bức tường cạnh giường. Lúc gọi điện gã sẽ nói với tôi gã đang đứng ở đâu và chuẩn bị đi đâu, còn tôi thì dùng tay vẽ ra con đường gã sắp đi trên bản đồ.
Các dịp sinh nhật sau đó chúng tôi không làm những việc lãng mạn như vậy nữa mà đều cố gắng đến tận chỗ người kia cùng đón sinh nhật.
12.
Yêu xa thực sự rất dễ gây tranh cãi, nhất là trong lúc tình cảm vẫn chưa ổn định, tôi và Tam gia hơi một chút là cãi nhau chỉ vì những việc rất đỗi nhỏ nhặt.
Buổi tối trước ngày Quốc khánh của một năm nào đó chúng tôi cãi nhau kịch liệt, tôi nhất nhất đòi chia tay. Bây giờ tôi không còn nhớ nguồn cơn là thế nào, chỉ biết lúc đó tranh cãi đến bế tắc và nghiêm trọng.
Tôi tuyệt tình nói với gã: “Em chịu đựng anh đủ lắm rồi. Chia tay thôi, em không muốn cứ cãi nhau mãi thế này!”
Thế nhưng Tam gia lại rất biết nhún nhường, “Ừ, đều tại anh không tốt, em đừng giận nữa mà.”
Tôi đau khổ bật khóc: “Không phải em giận mà thực sự em không chịu được cảnh yêu xa nữa đâu. Anh có biết là rất nhiều lần chúng ta cãi nhau, nếu anh có thể đứng ngay trước mặt, ôm em một cái là dẹp yên hết mọi chuyện không.”
Tam gia không nói gì. Chờ tôi khóc thoả, gã mới hỏi: “Một cái ôm là được phải không? Vậy mai anh sẽ bay tới chỗ em.”
Tôi ngẩn ra: “… Anh nói thật chứ?”
Tam gia trả lời: “Ừ, anh đang xem vé máy bay để mua luôn bây giờ.”
Tôi quên luôn cả cơn giận lẫn việc khóc lóc: “Được rồi, vậy em chờ anh tới mới chia tay… Anh đặt vé trước đi, để em tìm chỗ ở cho anh.”
Người nào làm việc của người nấy. Nguy cơ chia tay trước đó lập tức được xoá bỏ.
Đây là lần đầu tiên trong suốt hơn hai mươi năm cuộc đời, tôi biết mình quan trọng đến thế trong lòng một người khác.
13.
Mặc dù Tam gia đã lặn lội bay tới vài ngày để dỗ dành tôi nhưng đa phần chúng tôi không thể vung tiền qua cửa sổ như vậy và cũng không có nhiều thời gian rảnh đến thế. Vậy nên trong hai năm đầu việc cãi cọ cứ xảy ra như cơm bữa.
Lần nào cãi nhau với Tam gia tôi cũng xổ ra mấy câu quá đáng, thái độ của Tam gia là “Không trả lời, không giải thích”.
Tôi hỏi gã: “Anh có biết những khi em giận, nếu như anh không rep tin nhắn, không gọi điện… là anh sai không hả? Càng thế em lại càng điên tiết!”
Tam gia nói: “Dù sao em chóng giận mà cũng chóng nguôi, anh cứ câm lặng nghe em mắng mỏ là được. Em mắng xong là hết giận, càng biện bạch em lại càng giận hơn. Nhỡ chẳng may em chơi xấu bắt đầu khóc lóc thì anh cũng hết cách.”
Nghe gã biết nghĩ cho mình như vậy, cơn giận đang ngùn ngụt trong lòng tôi vơi đi nhiều, đang định nói “thực ra em cũng có lỗi” thì gã lại giở giọng đắc ý với tôi: “Dù sao tin nhắn anh cũng lưu lại, gọi điện thì ghi âm nên đến khi em hết giận, anh sẽ đưa ra chứng cứ để em phải ngoan ngoãn nhận lỗi.”
Tôi: “…”
Tình cảm giữa tôi và gã chưa bao giờ bình yên. Nhưng khi hai “quả pháo” chúng tôi ở bên nhau thì lại có thể dập lửa cho đối phương một cách bất ngờ thế đấy.