Cầu thang làm bằng gỗ, hẳn vì vali của Thẩm Cảnh Viễn nặng quá, tiếng động Yến Khinh Nam bước lên rất vang dội.
Thẩm Cảnh Viễn theo sau lưng anh, vài lần tới mặt sàn sau khi lên hết một tầng lầu, khi Yến Khinh Nam nhấc vali, vạt chiếc áo dài tay sẽ hơi nhếch lên, lộ ra phần lưng căng thít màu lúa mạch.
Thẩm Cảnh Viễn chỉ thoáng dừng bước chân, rồi lại tiếp tục bám theo.
Nơi này không giống các khách sạn khác, cầu thang từng tầng không riêng biệt mà thông một đường với nhau; hành lang cũng vô cùng rộng, có khu uống trà và căn bếp chung nho nhỏ; một tầng có khá ít phòng nên rất thoáng đãng.
“Chỗ anh không gọi là khách sạn nhỉ?” Thẩm Cảnh Viễn nói.
Y thấy Yến Khinh Nam liếc mắt nhìn mình một cái, có thể không có ác ý, nhưng nhìn trông hơi dữ dằn. Thẩm Cảnh Viễn bồi thêm: “Ý tôi là có khác biệt một chút.”
“Khách tới đây hầu hết đều ở thời gian dài.” Yến Khinh Nam kéo vali của Thẩm Cảnh Viễn về phía trước, “Từ đầu đã xác định theo loại hình trọ, khách sạn bình dân.”
Tới lúc này Thẩm Cảnh Viễn mới phản ứng, tới chỗ Yến Khinh Nam nắm tay kéo vali: “Để tôi.”
Yến Khinh Nam không tranh với y, thả lỏng tay. Thẩm Cảnh Viễn mới nhớ ra tay còn đang cầm điếu thuốc của người kia, mà lúc lên lầu thất thần, không để ý nên bóp bẹp dúm cả lại rồi.
Ba mươi tuổi đầu ai còn làm ba cái trò này, Thẩm Cảnh Viễn chợt thấy xấu hổ, cầm đầu lọc điếu thuốc lên quơ quơ: “Ông chủ, ban nãy anh đánh rơi điếu thuốc.”
Yến Khinh Nam nhìn qua, ừ một tiếng, hơi nghiêng đầu cúi xuống gần y, nghiêng mặt sang một bên nói: “Để lại giúp tôi.”
Thẩm Cảnh Viễn cầm điếu thuốc trong tay sững lại giây lát, rồi à lên.
Được thôi.
Y sát đến gần, nhưng giữa hai người còn có chiếc vali. Thẩm Cảnh Viễn vừa trờ tới đầu gối đã đập trúng, hơi lạnh.
Thẩm Cảnh Viễn không để tâm, chân gác trên vali, một tay cầm điếu thuốc, tay kia giơ ra giữa không trung, đặt lên, xem như thăng bằng.
Gác lần một lần hai đều rơi ra. Thẩm Cảnh Viễn cười bất lực, hỏi: “Ban đầu sao ông chủ gác lên được thế?”
Ông chủ nọ chỉ vào tai mình: “Cậu cứ ép tai tôi vào một tí, tôi cũng không thấy đau.”
“Được.” Thẩm Cảnh Viễn không nhiều lời.
Y vén bên tai Yến Khinh Nam, nhiệt độ chỗ da thịt ấy ấm hơn y tưởng, và cũng mềm mại hơn y nghĩ.
Y không nhịn được khẽ lướt nhìn gương mặt Yến Khinh Nam.
Người này đang nghiêng đầu sang mặc y loay hoay, đôi ngươi nhìn thẳng xuống đất, chỉ mỗi sườn mặt cũng đủ biết đẹp trai. Vẻ ngoài thuộc kiểu nhìn một lần thì không dám đụng chạm, nhưng nhìn vài lần chắc sẽ không dứt ra nổi.
Thẩm Cảnh Viễn đè mạnh tay một chút, ngay lần đầu tiên đã gác được lên.
“Cảm ơn,” Yến Khinh Nam thẳng người dậy, nhìn Thẩm Cảnh Viễn chỉ chỉ đằng trước: “Phòng cậu ở cuối hành lang.”
“Được.” Thẩm Cảnh Viễn kéo vali của mình đi.
Lúc quẹt thẻ phòng y ngoái lại nhìn, ông chủ đang gác tay lên lan can gọi điện thoại. Âm thanh bên kia nhỏ, Yến Khinh Nam thì không nói năng gì, Thẩm Cảnh Viễn cũng không để ý lắm.
Y nhanh chóng quay về, đẩy cửa vào phòng.
Thẩm Cảnh Viễn đặt phòng tốt nhất, dù là phòng một người nhưng có cả gian phòng khách nhỏ và bếp, thêm một cái sân cực to. Phong cách trang trí tổng thể của căn phòng cũng không quá hiện đại mà có vài nét thiên ấm áp tương đồng với homestay.
Căn phòng nọ như một niềm vui bất ngờ. Chạy xe gần cả ngày dài, Thẩm Cảnh Viễn cũng mệt mỏi lắm rồi, vừa mở vali ra là tiện tay vớ mấy bộ đồ, tắm rửa rồi lên giường ngủ.
Lúc thức dậy ngoài cửa sổ đã tối đen như mực.
Khi y bắt đầu ngủ thì trời cũng sắp tối, đi ngủ cũng không kéo rèm, bây giờ nghiêng người lại vừa hay ngắm được cảnh đêm.
Cảnh về đêm ở Trùng Khánh là đẹp nhất.
Cửa sổ hướng ra sông Trường Giang. Dù tầng không cao lắm nhưng toàn bộ tòa nhà tọa lạc trên núi, bờ đối diện bên kia sông là hàng loạt dãy nhà cao tầng với đủ loại sắc màu sặc sỡ.
Thẩm Cảnh Viễn nằm nghiêng người tỉnh táo. Ngủ một giấc quá dài lúc tỉnh dậy dễ thấy lòng bực bội và thảng thốt, y vùi đầu mình vào gối đầu, hít mở mấy hơi thật sâu mới thấy đỡ hơn đôi chút.
Y đứng dậy ấn mở đèn ngủ.
Điện thoại còn đầy pin, Thẩm Cảnh Viễn nhìn giờ, mặc quần áo tử tế rồi chuẩn bị ra ngoài ăn bữa cơm. Dưới lầu đám đông ở sảnh đã tan hết, chỉ còn mình A Dịch ngồi bàn tiếp tân trông coi.
A Dịch nhìn thấy, nhẹ gật đầu với y. Thẩm Cảnh Viễn tạm dừng, hỏi cậu: “Quanh đây có gì ngon không?”
A Dịch ngẩng đầu nhìn đồng hồ trên tường, đáp: “Tầm giờ này ăn khuya cũng được lắm.”
Cũng đúng, gần mười giờ rồi. Trừ hàng cửa hàng tiện lợi với hàng ăn đêm ra, mấy quán ăn bình thường chắc đã đóng cửa cả.
“Bậc thang cạnh chỗ mình đi lên có bán mì, anh ghé thử xem.”
Thẩm Cảnh Viễn hạ giọng cảm ơn.
Giọng địa phương Trùng Khánh của A Dịch khá nặng, nói tiếng phổ thông hơi trúc trắc. Thẩm Cảnh Viễn nghe hơi buồn cười, nhưng người ta vừa nghiêm túc vừa giúp mình thì làm vậy coi sao được, đành phải mượn câu cảm ơn vờ nở một nụ cười lịch sự.
Thẩm Cảnh Viễn không thấy ông chủ dưới đây, cố tình nán lại lâu một chút.
Y ra khỏi khách sạn, đứng ngoài cửa ra vào trong chốc lát.
Giờ này trên đường không còn bóng người, con hẻm nhỏ náo nhiệt lúc chập tối bấy giờ chỉ còn một căn nhà vẫn sáng đèn.
Thẩm Cảnh Viễn hong gió, thấy đầu óc mình tỉnh táo hơn mới quay người lên bậc thang đá.
Bên cạnh khách sạn này có một ngõ hẹp cũ kỹ, Thẩm Cảnh Viễn chậm chạp leo từng bước.
Từ ngày tim có vấn đề y không vận động được nhiều, hoạt động hơi mạnh một chút là khó thở, hay choáng váng chóng mặt, cũng dễ mệt. Các triệu chứng này thoạt tưởng chỉ là vấn đề nhỏ xíu, nhưng tự đi đứng một mình, trên đường cũng không ai quen biết ai, không ai biết mình mắc bệnh gì, gặp bất trắc thì tỉ lệ nguy hiểm vẫn rất cao.
Đến nước này, thật ra Thẩm Cảnh Viễn vẫn không thực sự muốn từ bỏ mạng sống mình.
Chờ thêm chốc lát nữa đi.
Y ngửa cổ nhìn, giữa cầu thang đá có một khoảnh đất bằng dựng một cái lán, bên trong treo đèn sáng choang.
Chắc là ở đây. Y lên thêm mấy bước, còn chưa đến nơi đã gặp thấy một cô gái đeo tạp dề, tay bưng cái bát hỏi y: “Đến ăn mì hả anh?”
Cô gái nói tiếng Trùng Khánh. Mới đầu Thẩm Cảnh Viễn không phản ứng kịp, sững ra rồi nói: “Phiền cô nói lại lần nữa, tôi không nghe hiểu lắm.”
“Tới trêu người ta đấy à.” Cô gái nhỏ giọng rầm rì mấy câu, theo lời y đổi thành tiếng phổ thông: “Tôi hỏi, anh đến ăn mì phải không?”
Thẩm Cảnh Viễn vừa bước lên vừa đáp: “Phải.”
“Muốn ăn gì? Giờ này muộn quá, chỉ còn nước cay thôi.” Cô gái nói.
“Vậy thì một tô mì đi.” Thẩm Cảnh Viễn đi vào, ngồi xuống chiếc bàn con gần nhất.
Cô gái đặt bát xuống, cầm cái giẻ trong tay lau lau bàn cho y, đáp: “Được, làm cho anh liền đây, bỏ ít ớt lại.”
Trùng Khánh nổi tiếng với mì sợi, không có gì quá đặc biệt mà chỉ là mì bình thường thêm miếng ớt mà thôi, vậy mà mùi vị ở đây rất lạ. Hồi trước trong công ty có đồng nghiệp đi công tác, về kể ăn ở đó ngon lắm. Nhưng Thẩm Cảnh Viễn học đại học ở Bắc Kinh, tốt nghiệp xong cũng làm việc ở Quảng Châu, không ăn cay được, nghe bao nhiêu lần cũng chỉ biết có thế.
Bây giờ từ xa y đã ngửi thấy mùi ớt.
Thẩm Cảnh Viễn đói. Xưa nay y không tính là thèm ăn mấy, vừa công việc bận rộn vừa hay quên ăn bỏ bữa, dần dà thấy chuyện cơm nước không có gì to tát. Giờ y đang ngồi trên cái bàn nhỏ nhìn không sạch sẽ mấy, co ro người cầm một đôi đũa tre trong ống đũa ra, nào đâu lại mong chờ một tô mì tới vậy.
Chờ không bao lâu, cô gái bưng mì lên còn tiện tay mang cho y bịch khăn giấy. Nước dùng nổi lềnh bềnh lớp dầu cay, mùi thơm cực kỳ, Thẩm Cảnh Viễn sợ phỏng nên chỉ cầm đũa khều mấy sợi hong ra không khí lạnh.
Y vô định đánh mắt nhìn khắp nơi, may mà không sợ độ cao, không nhìn cầu thang dài ngoằng thế này chắc cũng hãi phải biết.
Thẩm Cảnh Viễn nếm thử một miếng, quả thật rất ngon. Y thoáng nhớ lại bát mì lúc trước ăn ở Quảng Châu, cảm thấy có lẽ cả cách làm sợi mì cũng khác nhau. Loại cảm giác này hết sức mới mẻ, nên dù có phỏng Thẩm Cảnh Viễn cũng một loáng làm xong mấy đũa.
Y rút miếng khăn giấy lau miệng, lúc ngẩng đầu thì nghe phía sau là một tràng tiếng bước chân, bả vai đột nhiên sụp xuống.
“Tiểu Tư, nấu tôi bát mì.”
Thẩm Cảnh Viễn nghe ra giọng ông chủ ngay.
Lực đè trên vai biến mất, người nọ cầm cái ghế nhựa ngồi xuống cạnh y.
“Ngon không?”
Thẩm Cảnh Viễn gật đầu, ngửi được mùi rượu rất nồng trên người anh.
“Uống rượu à?”
Yến Khinh Nam cười, lấy đôi đũa ra rồi đáp: “Ừ, với mấy người bạn lâu không gặp.”
Bầu không khí có hơi lạ lùng, Thẩm Cảnh Viễn nghĩ bụng.
Y không quen biết gì người nọ, thậm chí đến tên còn không biết, vậy mà cả hai lại đi quan tâm lẫn nhau.
Vì Yến Khinh Nam tới, Thẩm Cảnh Viễn ăn mì nhẹ tay, tờ giấy bị y vò thành cục trong lòng bàn tay.
Đến khi Yến Khinh Nam hỏi y hút thuốc không, Thẩm Cảnh Viễn ngẩng đầu nhìn anh, phẩy tay đáp: “Tôi không hút.”
Dù công việc bề bộn, Thẩm Cảnh Viễn cũng chỉ uống hơn mấy ly cà phê. Y không ghét mùi khói thuốc, nhưng không hút, huống hồ trong văn phòng cũng hiếm ai muốn hút. Bây giờ lại càng không, bệnh tật trong người không thể hút được.
Thế là Yến Khinh Nam châm thuốc một mình, nhưng có lẽ vì mùi ớt vốn đã rất hăng nồng, vừa mới đốt xong khói lan khắp, Thẩm Cảnh Viễn lập tức ho hắng một trận kinh thiên động địa.
Y tự biết mình không làm sao, mà Yến Khinh Nam giật nảy người, vội đứng dậy lao vào quán, cầm ly nước Tiểu Tư rót rồi sờ lên tóc Thẩm Cảnh Viễn.
Thẩm Cảnh Viễn không biết Yến Khinh Nam định làm gì, bèn quay đầu. Anh thừa dịp kề ly nước tới môi y, một tay y đỡ lấy, uống mấy hớp. Cổ họng khô khốc lập tức được xoa dịu, Thẩm Cảnh Viễn hơi sặc mấy lần, nuốt xuống, không còn ho nữa.
Y giữ chặt ly nước, ngón tay khẽ chạm lên da Yến Khinh Nam, anh thu tay về.
Đôi ngươi như sáng lên dưới ánh đèn trong đêm của y phủ kín nước, nhìn sang yến Khinh Nam: “Ổn rồi, cảm ơn.”
Yến Khinh Nam cũng nhẹ thở phào, ngồi xuống ghế vò vò mái tóc ngắn cũn.
“Tôi hết cả hồn, chưa thấy ai ăn cay mà ho dữ dội vậy bao giờ,” Anh nói rồi tự cười một lát ngắn ngủi, “Xin lỗi, về sau không hút thuốc trước mặt cậu nữa.”
Mặt mày Thẩm Cảnh Viễn cong cong, đang định nói gì đó thì Tiểu Tư bưng bát mì từ trong ra đến nơi.
“Anh không sao chứ?” Tiểu Tư đặt xuống bàn, Thẩm Cảnh Viễn lắc đầu, cô nói ngay: “Người chỗ khác không ăn được cay dễ bị thế lắm.”
Yến Khinh Nam thấy Thẩm Cảnh Viễn không bị sao nữa mới cầm đũa. Y còn đang uống nước, cụp mắt nhìn mới phát hiện ngón trỏ tay phải của Yến Khinh Nam có một hình xăm màu đen, trông giống một chiếc nhẫn.
Bát mì vẫn còn nóng, bốc hơi choán lấy gương mặt Thẩm Cảnh Viễn.
Edit: tokyo2soul