An Thường không nghĩ tới mình còn có thể có cảm giác đặc biệt với một người nào nữa.
Tất nhiên, chuyện này cũng không phải chuyện lớn, nhưng người kia lại là Nam Tiêu Tuyết.
Một năm trước, cô dọn về quê cũ Ninh Hương – một thị trấn sông nước nhỏ ở phương Nam.
Khoảng thời gian bảy năm sinh sống nơi phương Bắc, chỉ có duy nhất một lần vì không quen với khí hậu hanh khô mà chảy máu mũi, những năm còn lại cô lại thích ứng rất tốt với cảm giác khô ráo đó.
Vậy mà vừa trở về quê nhà, trải qua một mùa mưa dầm rất dai dẳng, cô lại bắt đầu bị dị ứng.
Một loạt những nốt mẩn ngứa nằm liền nhau nơi eo lưng của cô, chạm vào liền có thể cảm nhận được những hạt nhỏ li ti rậm rạp hơi nổi lên trên làn da. Lần nào tắm xong, cô cũng quẹt một góc trên tấm gương đầy hơi nước để nhìn một chút, vết dị ứng đỏ đến lạ thường, giống như những đóa hoa đào màu sắc bất thường nở vào ngày Tết.
Màu sắc rực rỡ đến mức có thể khiến người ta cảm thấy trên trời sắp xảy ra hiện tượng lạ.
Thật ra thì khoảng thời gian đầu lúc mới dọn về mọi việc rất suôn sẻ, chăm sóc ở cạnh bà ngoại, ngủ trong căn phòng quen thuộc, ngồi dưới hàng hiên ngắm ra sân vườn, nhìn từng giọt mưa bẽn lẽn rơi xuống từ mái hiên cũ màu.
Cứ như vậy cho đến mùa mưa dầm năm nay, cô nghĩ chắc thân thể mình cũng đã quen với khí hậu ở quê hương rồi. Chậc, bệnh mẩn ngứa lại trở về.
“Chậc” không phải là từ địa phương của Ninh Hương, nó cũng là một “dấu vết” lưu lại trong thời gian sinh sống ở Bội thành.
Cô cảm thấy bản thân vẫn luôn mâu thuẫn như thế này, mang phong cách của một người Ninh Hương khi sống ở Bội thành, mà trở về Ninh Hương thì lại như một kẻ ngoại lai từ Bội thành về, luôn luôn không thể hòa vào hoàn cảnh sinh sống.
Cơ mà ít nhất thì An Thường còn biết phục chế cổ vật, hoặc chính xác hơn là, phục chế gốm sứ.
Đây là nghề nghiệp tổ truyền của nhà cô. Ngày xưa trấn nhỏ Ninh Hương cũng có được vài năm phát triển kinh kế, nhưng mà hiện tại thì không còn như xưa, trong thôn chỉ có một nhà bảo tàng nhỏ, trong đó trưng bày những cổ vật được một quan trạng nguyên thời nhà Thanh quê ở Ninh Hương sưu tập.
Bà Văn Tú Anh là bà ngoại của An Thường, cũng là một nhà phục chế gốm sứ từng làm việc ở phòng trưng bày này.
Công việc phục chế cổ vật này cũng không thể gọi là khó, nhưng cần phải có sự kiên nhẫn rất lớn, đầu tiên cần phải sửa chữa bổ sung lại các phần hư hỏng, sau đó là dùng bút lông sói cẩn thận tỉ mỉ vẽ lại các hoạt tiết hoa văn, đã bắt tay vào làm thì thường sẽ phải ngồi suốt một ngày dài, có rất ít thanh niên trẻ tuổi có thể chịu nổi.
Thành ra về sau này, khi những người lớn tuổi dần dần về hưu thì trong nhà bảo tàng cũng chỉ còn hai người là An Thường và Tiểu Uyển – một cô gái trẻ chuyên phục chế sách cổ.
Văn Tú Anh luôn nói với An Thường: “Con chôn mình ở cái nơi khỉ ho cò gáy này để làm gì? Ta cho con đi học đại học ở Bội thành, sau lại vào Cố cung làm việc ba năm, để rồi bây giờ con về quê sống như thế này sao?”
Văn nữ sĩ cũng có đôi lần thật sự nổi nóng: “Con cút về chỗ kia cho ta!”
Những lúc như vậy An Thường luôn chỉ cười cười và cầm khăn lau sạch nước trà bà hất đổ trên bàn, cũng không nói lại.
Trở về Bội thành?
Thôi đừng đùa, làm sao cô dám trở về.
Về quê được một năm, người trong thôn ai cũng nói cô lại càng ít nói hơn xưa, sửa chữa đồ cổ cũng có thể làm đến mức ngu ngơ, cả ngày chỉ thích “giao tiếp” với những bình lọ cổ vật mấy trăm năm tuổi, mong là sẽ không sinh ra bệnh gì lạ.
Ở những vùng quê nghèo lạc hậu thì người ta sẽ dễ mê tín dị đoan, luôn cảm thấy có linh hồn bám vào các loại cổ vật ngàn năm, đừng nên tùy tiện làm phiền họ.
An Thường là một sinh viên theo chủ nghĩa duy vật trở về từ Bội thành, nghe vậy trong lòng thầm nghĩ: Làm gì có linh hồn nào? Không bàn tới những cổ vật này, thậm chí dù là một cây cổ thụ ngàn năm hay một con hồ ly không biết bao nhiêu tuổi, thì quốc gia cũng đã quy định rõ ràng, không cho phép động thực vật tu luyện thành tinh sau ngày lập quốc.
Cô cảm thấy phục chế cổ vật rất tốt. Sử dụng tới từng giây từng khắc cho công việc này, cũng có thể giúp cô không cần phải phân tâm suy nghĩ về những việc đã qua.
Lại một ngày trôi qua, Tiểu Uyển đã tan làm đi về từ sớm, trong lúc cô ngẩng đầu xoa bóp vùng cổ đau mỏi, mới chợt nhận ra vậy mà đã qua nửa đêm rồi. Cô bèn dọn dẹp đồ đạc, đóng cánh cửa gỗ lim cũ kêu ken két, rồi mới rời khỏi nhà bảo tàng.
Muốn về nhà thì phải đi qua một cây cầu đá, cầu hơi cong vắt ngang một con sông hẹp, lan can bằng gỗ bị năm tháng mài mòn đã có phần mục nát, nếu có ai ngồi lên là sẽ gãy ngay lập tức.
An Thường còn nhớ rõ đó là một đêm mưa lất phất, từng hạt mưa li ti đến mức có bung dù thì cũng quá mức . Ấy vậy mà đêm đó vẫn có thể nhìn thấy mặt trăng, nửa vầng trăng không quá sáng rọi, yên lặng lộ ra từ trong màn mây mờ.
Có một người đứng ở trên cầu.
Thật kỳ quái, tuy rằng vào buổi tối trong thôn không có giới nghiêm, nhưng những người trẻ tuổi đều đã chuyển đi nơi khác học tập làm việc, không còn một ai, những người còn lại toàn là các ông bà lão, giờ này cũng đã tắt đèn đi ngủ rồi.
Thường thì qua chín giờ đã không còn ai đi lại trong thôn, chứ đừng nói là qua mười hai giờ.
Kỳ quái hơn là, người phụ nữ này rõ ràng cũng không phải là người ở trong thôn.
Trong cơn mưa bụi mơ hồ, hạt mưa lất phất trên mặt sông tạo ra một lớp sương mờ, người đó mặc một bộ sườn xám màu xanh ngọc, tuy rằng không thấy rõ mặt, nhưng bóng người cao gầy tư thái yểu điệu kia cũng đã đủ để người nhìn liên tưởng đến những điều xinh đẹp.
Giống như…
Trong đầu của An Thường chợt nảy ra một hình ảnh: Giống như bình gốm sứ xanh thời Tống mà cô đang phục chế.
So sánh với đồ gốm thời Đường hoa văn bay bổng, đồ gốm sứ thời Tống lại được chế tác với những màu sắc và hình dáng ưu nhã đoan chính hơn, rất phù hợp với phong cách của những quan văn thời đó, có thể đặt trong thư phòng và điểm xuyết thêm một vài cành trúc mỏng.
Nhưng bình gốm mà An Thường đang phục chế lại không giống như vậy.
Bình bị hư hại rất nặng, nhưng vẫn có thể nhìn thấy bên trong cổ bình có một chấm chu sa đỏ nhỏ xíu. Dưới đáy bình không có lạc khoản*, cho nên An Thường cũng không biết được hơn 700 năm trước, nghệ nhân tạo ra nó cố ý để lại, hay đơn giản chỉ là một sai lầm trong lúc lơ đãng. Nếu suy xét kỹ thì phần lớn là sai lầm, vì rõ ràng một chấm đỏ như vậy không phù hợp với màu men xanh ngọc thanh nhã của chiếc bình.
Nghĩ lại như thế cũng không có gì lạ, vì vị trạng nguyên xuất thân ở Ninh Hương năm ấy cuối cùng cũng không có được chức cao vọng trọng gì, tất nhiên là không thể hưởng được những đồ tốt không tì vết rồi.
Đêm nay người phụ nữ đứng trên cầu gợi cho An Thường nhớ về bình gốm màu xanh ngọc đó, làn sương mù lượn lờ trên mặt sông lại làm cho hình dáng người ấy rất mờ ảo, không giống thật.
Tất nhiên, An Thường biết rằng suy nghĩ này rất hoang đường, nhưng cô vẫn quyết định bỏ qua cây cầu này và băng qua một cây cầu khác xa hơn để về nhà.
Lỡ như là…người phụ nữ này cũng không phải là “thật” thì sao?
Sáng ngày hôm sau, Văn Tú Anh nữ sĩ lười nấu bữa sáng, nên bữa sáng của An Thường chỉ là một vài viên bánh cô tẩu và một chén cháo loãng.
Tuy là mùa mưa dầm nhưng không phải lúc nào cũng mưa, ít ra thì sáng hôm nay có thể nhìn thấy mặt trời, rọi một lớp nắng mai đủ để làm lớp sương mù tan đi, chiếu vào mặt sông, bày ra một dải ánh vàng lấp lánh.
An Thường nhìn về cây cầu đá ở xa xa, ở đó cũng đã không có hình bóng người phụ nữ mặc sườn xám màu xanh ngọc đêm qua.
Cô đi đến nhà bảo tàng, Tiểu Uyển đã đến sớm hơn cô một chút, đứng ở trong nắng vừa mở cánh cửa chính kêu ken két vừa cười với cô: “Chị An Thường, chào buổi sáng.”
Tiểu Uyển là một cô gái phương Nam điển hình, làn da mỏng manh trắng sáng, khi được ánh nắng chiếu qua, hai bên má hiện lên vẻ hồng hào.
An Thường cười đáp: “Chào buổi sáng.”
Tiểu Uyển hỏi: “Có chuyện gì sao chị?”
“Hửm?”
“Nhìn mặt chị giống như đang suy nghĩ chuyện gì ấy.”
“À…”
Trong một thoáng An Thường đã định kể về người phụ nữ mặc sườn xám kia, nhưng nghĩ nghĩ thì lại thôi. Một phần là vì cô ít nói, mỗi ngày cũng không có nhu cầu chia sẻ gì, một phần khác là do suy nghĩ hoang đường kia cứ trồi lên quấy phá:
Lỡ như người phụ nữ đêm qua…cũng không phải là “thật” thì sao?
Nếu đồn đến tai những người trong thôn thì mọi người sẽ lại càng khẳng định cô sửa cổ vật tới ngu ngốc, lúc đó Văn Tú Anh nữ sĩ có thể sẽ trói cô lại mang đến Hải thành – một thành phố lớn lân cận, dẫn vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh.
Vì thế cô chỉ lắc đầu với Tiểu Uyển: “Không có gì đâu.”
Hai đêm sau đó không có việc gì xảy ra nên An Thường cũng đã thôi không còn nghĩ về chuyện này nữa. Vậy mà lại vào một đêm khuya khác, người phụ nữ mặc sườn xám màu xanh nhạt kia lại xuất hiện. Lần này không phải đứng trên cầu, mà là dưới mái hiên ở bên kia cầu.
Cơn mưa tối nay vẫn như lần trước, hạt mưa nho nhỏ lất phất, tạt qua mái hiên nhìn như một màn che mờ mờ, một chiếc đèn lồng treo bên cạnh người phụ nữ, làm cho hình dáng của nàng chân thực hơn một chút.
Một cánh tay trắng muốt, gầy nhỏ lộ ra, đặt hờ lên cánh tay còn lại, một điếu thuốc được kẹp giữa những ngón tay thon dài, tàn lửa đỏ lập lòe ẩn hiện.
Lúc này An Thường an tâm hơn hẳn, tự an ủi bản thân: Làm gì có chuyện người đó không phải là “thật”? Sao tự dưng lại thần hồn nát thần tính? Uổng cho mình là một sinh viên trí thức.
Nghĩ đoạn, có lẽ vì muốn chứng minh bản thân không phải là sửa chữa cổ vật đến si ngốc, cô đi đến bên bờ sông, vượt qua con sông hẹp nhìn thẳng vào người phụ nữ bên kia.
Vừa nhìn một cái thì giật mình. Cô nhận biết gương mặt này.
Là “vũ hoàng” Nam Tiêu Tuyết.
Nếu nói Trời cao ban cho cuộc sống mỗi người hoặc là cửa chính hoặc là cửa sổ, thì ở nơi Nam Tiêu Tuyết chính là một căn phòng bằng kính trong suốt, cửa chính lẫn cửa sổ trải khắp căn phòng, cực kì rộng mở.
Gia thế của Nam Tiêu Tuyết không tầm thường, cha là một cá mập trong lĩnh vực tài chính, mẹ là một diễn viên múa nổi tiếng, mẹ nàng sau khi theo cha nàng di dân sang Mỹ thì cũng đã giải nghệ rời xa sân khấu. Từ lúc còn nhỏ, Nam Tiêu Tuyết đã mạnh mẽ bộc lộ ra thiên phú của mình, được vinh dự xưng là thiên tài múa cổ điển “năm mươi năm mới gặp”.
Dáng người của nàng cao ráo thanh mảnh, đường nét cơ bắp cũng không phải quá rõ ràng, dựa trên lý thuyết thì người như vậy sẽ khó điều khiển cơ thể ổn định, ấy vậy mà điệu múa năm nàng mười hai tuổi, đã nhiều năm trở thành tiêu chuẩn sát hạch thí sinh của viện kịch múa Bội thành.
Nam Tiêu Tuyết không theo cha mẹ ra nước ngoài định cư mà chọn ở lại trong nước để luyện tập múa cổ điển. Sự nghiệp của nàng một đường thuận buồm xuôi gió, ở tuổi 18 đã trở thành người dẫn đầu trẻ tuổi nhất của Viện kịch múa quốc gia. Đến bây giờ cô đã gần 30 tuổi, nhưng địa vị vẫn vững vàng không ai có thể lay chuyển.
Không một ai dám nói Nam Tiêu Tuyết là dựa vào gia thế để bò lên, vì tất cả mọi người đều bị năng lực thiên phú của nàng thuyết phục.
Chưa hết, nàng không những tài giỏi mà còn được ban cho một gương mặt xinh đẹp.
Người người đều đồng ý, “tuyệt sắc” của giới giải trí nghệ thuật 10 năm gần đây không phải thuộc về một diễn viên, mà là một nghệ sĩ kịch múa. Nam Tiêu Tuyết sở hữu một đôi mắt phượng, lông mày thanh mảnh, một làn da trắng sáng không tì vết, lại thêm một mái tóc thẳng dài đen nhánh, nom như một mảng tơ lụa mềm mượt phát sáng. Nam Tiêu Tuyết chưa từng mang bất kì trang sức gì, vì gương mặt của nàng đã là thứ trang sức lộng lẫy nhất.
Với tướng mạo như vậy, Nam Tiêu Tuyết có nhiều tác phẩm múa cổ điển mang hơi hướm như thần tiên, khiến cho hình tượng của nàng cũng trở nên đầy vẻ thoát tục. So với cái danh “vũ hoàng”, thì nàng còn có một danh hiệu khác phổ biến hơn hẳn, đó là “Nam tiên”, cả fan lẫn người bình thường đều gọi như vậy, không hề có một sự nghi ngờ tranh cãi nào.
Ở đoạn thời gian đầu, múa cổ điển không phải quá phổ biến, thế nhưng Nam Tiêu Tuyết chỉ dựa vào năng lực của bản thân mà nổi đình nổi đám, vượt qua khỏi giới hạn kịch múa. Trong 10 năm gần đây, giá vé xem kịch múa mỗi năm mỗi tăng, các buổi biểu diễn đều chật kín khán giả. Nếu đó là vở diễn của Nam Tiêu Tuyết thì tỉ lệ chọi lại càng cao, đến mức trang web bán vé phải đổi sang hình thức rút thăm trúng thưởng.
Đó chính là năng lực và mị lực của Nam Tiêu Tuyết.
Tuy An Thường không phải là dạng người chủ động tìm hiểu người nổi tiếng, nhưng cô vẫn biết rất rõ về Nam Tiêu Tuyết, tất cả hiểu biết đều là từ bạn thân thời đại học của cô, Mao Duyệt, là một fan cuồng của Nam Tiêu Tuyết. Năm hai đại học, cô ấy may mắn trúng được vé đi xem Nam Tiêu Tuyết diễn, mừng rỡ hạnh phúc đến mức nửa đêm chạy ba vòng sân vận động.
Mà hiện tại, An Thường lại thấy Nam Tiêu Tuyết đứng ởđó, tại một thị trấn sông nước nhỏ lạc hậu vùng Giang Nam, cách một con sông hẹp,yên lặng nhìn cô.
*lạc khoản là dòng chữ nhỏ đề ngày tháng năm hoàn thành và tên tác giả ở góc hoặc đáy các tác phẩm nghệ thuật như đồ gốm, tranh ảnh,…
—
Mục đích của mình là vượt qua giới hạn, vượt qua sự lười biếng của bản thân, nên sẽ cố gắng leo lên từng ngày. Mình lần đầu edit truyện, thấy cái gì cũng khó, cái gì cũng gượng. Mình sẽ chấp nhận, cân nhắc và biết ơn mọi lời góp ý chân thành mang tính xây dựng. Mình sẽ cố gắng khiến nó thuần Việt nhất có thể, nhưng xin phép giữ lại vài từ mình thích, ví dụ như “Nam lão sư”, “An tiểu thư”, “tiểu cô nương”,… Bấm từng chữ edit mới thấy các bạn editor thật giỏi :))
Nếu ai có thể đọc tới đây thì chính là duyên, chúc bạn luôn vui vẻ hạnh phúc.