Ai Tông Mạt Quốc

Chương 22: Múa Kiếm Giữa Bình Nguyên



Trong khi đó, bọn Hoàn Thừa Lân, Ô Di Hà đã di chuyển qua các cánh rừng ở Liêu Dương và tiến vào vùng bình nguyên Pháp Khố xanh mướt. Trên bình nguyên Liêu Dương là con đường kết nối giữa hai thành trì lớn là Thẩm Dương và An Sơn, trước kia dân du mục qua lại chăn trâu thả bò vô cùng đông đúc. Kể từ lần đầu Triết Biệt dẫn quân đến Liêu Dương, tức tám năm về trước, lãnh nguyên này không còn một bóng người.

Lần trước khi tiến quân đến Liêu Dương, sau khi cưỡi vài trăm dặm, Triết Biệt đã giả đò thua chạy, trên đường lại cố tình bỏ rơi một số lượng lớn chiến lợi phẩm kéo dài hơn trăm dặm. Các binh lính Liêu Dương tưởng địch rút thật, dừng lại để cướp bóc, ca múa hát hò. Quân đội Triết Biệt cưỡi hơn trăm dặm, chỉ trong một ngày quay trở lại, thể lực kinh người chưa kẻ nào từng gặp qua, một trận lấy một địch năm, phá tan hàng chục vạn quân Kim. Quân Kim bỏ chạy không thành hàng ngũ, bị truy sát mà không dám đánh lại, kẻ nào bị bắt thì bị chặt đầu lập tức, máu chảy như suối. Hai dòng suối từ máu quân Kim chảy ra thành hai con rãnh, dù giờ đã khô cong mà người dân địa phương gọi vẫn gọi là sông máu. Từ đó thế lực nhà Kim ở Liêu Dương rơi vào thế yếu, đóng chặt cổng thành không dám ra mặt nữa. Nếu không vì chiến sự gấp gáp khiến Triết Biệt phải quay về đánh Nga La Tư, hắn đã san bằng Liêu Dương chỉ trong vài tháng trời. Kể cả khi quân Mông Cổ tạm lui, cũng không ai dám tới bình nguyên giao thương chứ chưa nói đến việc dựng lều ở lại, vì ai ai cũng kinh sợ tử khí của những xác chết nằm dưới chân.

Cũng vì Triết Biệt thu quân mà Hoàn Thừa Lân mới có cơ hội lên miền Bắc tầm sư học võ. Giờ Húc Đồ Cung lĩnh lệnh chiếm lại Liêu Dương, dẫu quân số được cấp chẳng kém gì Triết Biệt khi xưa, vậy mà hơn một năm trời vẫn chưa hạ hết nổi các thành.

Trong một tuần qua, đêm nào Thừa Lân cũng tập thuấn bộ với Ô Di Hà trong rừng lá kim. Chỉ sau vài ngày miệt mài tập luyện, Thừa Lân đã đạt được độ thành thục đáng kể. Chàng đã có thể khinh công lên cành cây thẳng dựng đứng mà không cần dùng tay bám víu. Tuy nhiên, do chưa có đủ nội công, chàng vẫn cần hai cánh tay để giữ trọng tâm, dẫn tới nhiều lúc cử động vướng víu, chưa thể tự do chuyển từ thân cây này sang thân cây kia, nhưng ít nhất giữa các cành cây gần nhau đã không còn nhiều trở ngại. Tới bọn Cổ Mạnh Ninh và Kiều Sinh Nhai cũng phải thốt lên rằng, “Chúng ta cũng thỉnh Ô Di huynh học khinh công, vậy mà cả năm trời cũng không được. Vậy mà tiểu sinh này bảy ngày đã được như vậy!”

Bình nguyên Pháp Khố là rộng mênh mông, bốn bề đều là cỏ thấp lùn, không có chỗ tiện lợi trú ẩn. Bọn Ô Di Hà mấy ngày nay đã cố tránh xa vùng đồng bằng nhất có thể, nhưng vì hết nước uống nên phải liều mình một chuyến xuống sông Thái Tử lấy nước. Cũng may là có con ngựa của Hoàn Thừa Lân thồ đồ, bọn họ kiếm đủ đồ ăn nước uống cho vài tuần trời nữa. Đêm đến, trời trở lạnh, Ô Di Hà lệnh cho quân đào hốc, đốt lửa vào đó cũng phải lấy đá, lấy vải bạt che đi, không cho lửa khói lọt nhiều lên cao kẻo dễ bề bị phát hiện từ xa.

Cả bọn mới thúc Thừa Lân trổ tài kiếm thuật, khinh công. Thừa Lân rút Không Ngưng Kiếm ra, vừa múa vừa thi triển bộ pháp, mềm mại như bay bổng trên không trung, nhẹ bẫng tựa mây tựa tuyết. Mấy chục anh em mới vỗ tay, kẻ nào kẻ nấy hát ca, nhưng kể cả hát hò cũng phải liệu mà bé miệng lại.

Lời hát thuật lại như sau:

“Kim triều vương tử thần dương dương

Nhất vũ kiếm khí động tứ phương

Mông tặc khán kiến hồn bất phụ

Đích địa trường niên tương thịnh cường”

Mạn dịch là:

“Vương tử Kim triều dáng hiên ngang

Đường kiếm múa động bốn phương ngàn

Quân giặc trông thấy đâm cả sợ

Đất tổ ngàn năm mãi thịnh cường”

“Hoàn đệ đúng là đệ tử của Hạc kiếm pháp, đường kiếm mĩ miều vô cùng. Ngu huynh cũng xin được biểu diễn vài đường cho các huynh đệ cùng chiêm ngưỡng,” Cổ Mạnh Ninh nói, rồi cũng rút kiếm vào múa phụ họa. Đường kiếm của Mạnh Ninh dứt khoát, những nhát đâm chém trực diện, gọn gàng, quả nhiên bài bản võ phái Đắc Kỷ không sai.

Ô Di Đạo cũng rút đao nhảy vào, “Hai vị huynh đệ trổ tài mà lại không mời ta góp vui?” Đường đao của Ô Di Đạo quả quyết, mãnh liệt, so với Hoàn Thừa Lân quả nhiên có sự bổ trợ tài tình.

Ba người họ múa kiếm làm vui, quên cả thời giờ, trăng đã lên cao mà vẫn chưa dừng lại.

“Huynh nghĩ quân Mông Cổ liệu có băng qua đây?” Kiều Sinh Nhai hỏi Ô Di Hà.

Hà đáp, “Chúng nếu có đi thì khả năng cao sẽ đi men sông Thái tử. Nơi này gần núi, chúng chẳng mò vào đây làm gì. Có mò thì ta cũng vào núi trốn được.”

Vừa dứt lời thì nghe tiếng vó ngựa từ xa. Cả bọn giật mình, thu dọn đồ đạc, bỏ cả đống lửa đang cháy bịn rịn mà chạy vội về phía rừng.

“Miệng huynh đúng là gở thật đấy!” Ô Di Đạo mới rủa.

Họ vừa mới trốn được vào rừng thì toán quân kỵ của Mông Cổ kéo đến. Mấy tên đi đầu chỉ vào hốc lửa trại, rồi vài tên dong ngựa xung quanh quan sát, vài tên khác dáo dác đảo mắt về phía bình nguyên xa và khu rừng nơi quân Kim đang ẩn nấp. Ô Di Hà ló mặt nhìn ra, thấy chúng chỉ đâu đó vài chục người, kẻ thì mặc khinh giáp Mông Cổ, kẻ khác lại mặc trọng giáp nước Kim. Chúng có vẻ chỉ là một toán quân tuần hành.

“Sao lại có kẻ mặc trang phục nước Kim trong đó?” Kiều Sinh Nhai thắc mắc.

Ô Di Đạo nhìn thấy tên đi đầu đội mũ giáp với chỏm lông đỏ lất phất, râu mọc dài quá ngực, mới phồng má trợn mắt, tay cuộn thành nắm đấm. “Ta nhận ra tên đó! Hắn chính là Trương Nhu.”

“Chẳng phải tướng nhà Kim sao?” Kiều Sinh Nhai hỏi.

Ô Di Hà đáp, mặt tối sầm lại vài sắc, “Không. Không còn là tướng nhà Kim nữa.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.