Phần 3/6
9.
Tôi bị nhốt trong buồng nhỏ ở nhà vệ sinh.
Tiết cuối cùng trước giờ nghỉ trưa là môn thể dục, còn rất lâu nữa mới đến lúc tan học.
Không gian khép kín chật hẹp không ngừng kích thích thần kinh đang hưng phấn nhảy nhót của tôi.
Chưa được, chưa tới thời điểm…
Chờ một chút nữa thôi…
Tôi điên cuồng thở dốc, cắn môi dưới hãm lại sự bốc đồng của mình.
Để giải tỏa cảm giác này, tôi bắt đầu đập cửa như điên.
Tiếng cười bên ngoài chứng tỏ có người đang nghiệm thu thành quả của mình.
Hành vi giống như sợ hãi của tôi khiến họ vô cùng hài lòng.
Cổ họng tôi nghẹn lại, mồ hôi chảy vào mắt, toàn thân run rẩy không thể kiểm soát được.
Không biết bao lâu sau, cửa mở ra.
Một bạn học nam xa lạ chống khung cửa cúi đầu nhìn tôi.
“Đừng sợ.” Cậu ta nắm lấy cánh tay tôi, kéo tôi đứng dậy, “Đúng lúc tôi đi ngang qua bên ngoài nghe được tiếng trong này… Sao cậu bị nhốt vậy?”
Cậu ta có giọng nói rất nhẹ nhàng và dịu dàng, làn da trắng nõn, còn có cả một đôi mắt trong veo xinh đẹp nữa.
Thấy tôi không trả lời, cậu ta cũng không hỏi thêm gì.
Tôi nương theo lực đỡ của cậu ta đứng vững trên sàn phòng rồi nghiêng đầu nhìn ra ngoài – trong toilet trống rỗng có một cây lau nhà lộn ngược, có lẽ là vật chặn cửa.
Thoát cảnh bị nhốt, tôi quay về lớp ngồi.
Chỗ của mọi người thì không sao, chỉ có vị trí tôi ngồi là có chuyện. Những vết khắc cũ trên mặt bàn còn chưa kịp mờ mà những dấu rạch mới đã xuất hiện.
Tôi miết ngón tay dọc theo, những đường rãnh gồ ghề cào xước đầu ngón tay run rẩy.
Máu ứa ra, ban đầu chỉ hơi nhói nhưng rồi tích tụ dần thành cơn đau âm ỉ liên tục, gợi lên thần kinh vốn đã hưng phấn của tôi.
Sắp rồi…
Sẽ sớm ổn thôi…
Tôi hít một hơi thật sâu và mút máu trên đầu ngón tay.
Cùng lúc đó, bạn học nam lúc nãy bước vào với một chai nước ấm.
“Cậu cứ run mãi thôi… có cần đến phòng y tế không?”
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn khuôn mặt đẹp trai của cậu ta dưới ánh đèn.
“Cậu không phải học sinh lớp này.”
Cậu ta hơi cụp mắt: “Tôi là Khổng Triệt lớp bên cạnh.”
Tôi khoanh tay chống cằm: “Tôi thích nghe giọng cậu, cậu có thể nói chuyện với tôi một lúc được không?”
Cậu ta nghĩ một lát rồi mỉm cười: “Được.”
10.
Chuông tan học vang lên, các bạn học hoàn thành xong tiết thể dục rồng rắn kéo nhau về lớp.
Khi thấy Khổng Triệt, không ai trong số bọn họ không khỏi sửng sốt.
Người phản ứng mãnh liệt nhất chính là Tống Ái Lâm. Là kẻ đầu têu nhốt tôi vào nhà vệ sinh nữ, chắc cô ta cũng không lường trước được Khổng Triệt lớp bên cạnh sẽ cứu tôi ra.
Trước mặt mọi người cô ta cũng không thể làm gì quá đáng nên chỉ đành giả bộ thân thiết đè vai tôi:
“May quá nhỉ, bạn học Từ.”
Về sau, tôi và Khổng Triệt gặp nhau ngày càng thường xuyên.
Cậu ta chủ động kèm tôi học, để đáp lại, tôi sẽ đưa cho cậu ta một ly nước trái cây tươi mỗi ngày.
Nhưng cùng lúc đó, đám người Triệu Nhuế không ngừng bắt nạt tôi.
Lần nào tôi cũng hỏi: “Làm loại chuyện này mà các người vẫn không phải chịu trừng phạt sao?”
Mỗi lần bọn họ đều tự chứng minh cho tôi biết:
Người bị bắt nạt không thấy được mặt trời ngày mới, còn kẻ bắt nạt vĩnh viễn kê cao gối ngủ ngon*.
(*Cao Chẩm Vô Ưu” (高枕無憂): kê cao gối ngủ mà không phải lo lắng, thể hiện hình ảnh một người không có bất kỳ nỗi lo cuộc sống nào hết, sống không có ưu phiền.)
Cho đến một ngày, trời đổ mưa.
Cơn mưa xối xả làm giảm tầm nhìn và rửa sạch mặt đất.
Tôi bị mắc mưa vào đêm hôm trước nên hôm sau đến trường vẫn còn hơi sốt nhẹ.
Một số bạn cùng lớp cũng xin nghỉ ốm, trong đó có Phạm Tư Kỳ.
Nghỉ hai ngày, nghỉ ba ngày…
Mãi đến khi gia đình Phạm Tư Kỳ đi báo án, cả lớp mới biết cậu ta không phải bị bệnh.
Mà là mất tích.
Cùng mất tích với cậu ta còn có Triệu Nhuế lớp bên cạnh.
Trong lớp bắt đầu có tin đồn rằng Phạm Tư Kỳ và Triệu Nhuế lúc nào cũng dính lấy nhau, chắc là đang lén lút yêu đương.
Lại có người nói Triệu Nhuế không đời nào thích kẻ lăng nhăng như Phạm Tư Kỳ, người cô nàng thích rõ ràng là Khổng Triệt cùng lớp.
Mà Khổng Triệt thì đang yêu tôi.
11.
Nếu cuộc sống bị bắt nạt là địa ngục tối tăm không ánh mặt trời thì Khổng Triệt có lẽ là tia sáng đâm xuyên qua bóng tối.
Khi cả lớp đang hoảng loạn vì sự việc của Phạm Tư Kỳ, thầy chủ nhiệm lo tôi sẽ sợ hãi nên chủ động đề xuất việc cho tôi nghỉ phép về nhà.
Tôi từ chối.
Dù sao thì nhà tôi cũng không an toàn cho lắm.
Cha mẹ nuôi đánh bạc nợ nần đầm đìa, chủ nợ tạt sơn đỏ khắp nhà rồi.
Tôi về đến nhà, phát hiện một chiếc dây buộc tóc gắn chuông ở một góc bụi bặm.
Ngày hôm sau, cảnh sát lại đến tìm học sinh để hỏi thăm manh mối.
Người cảnh sát chịu trách nhiệm hỏi tôi là một ông chú trung niên trông có vẻ rất nghiêm túc.
Tôi ngồi trong căn phòng nhỏ, lắp bắp mãi không nói nên lời.
Nhưng ông chú cảnh sát đó lại nhìn tôi với ánh mắt đầy dò xét.
“Đừng dọa con bé.” Có người bên cạnh khẽ kéo ông ấy, “Cha mẹ ruột đã mất, em gái thì nằm viện, bản thân còn bị bạn cùng lớp ức hiếp. Ông muốn nghe con bé nói cái gì?”
Chú cảnh sát gật gật đầu với đồng nghiệp nhưng vẫn nhìn tôi:
“Tôi đã kiểm tra thông tin, trước đây cháu liên tục điều trị trong bệnh viện và chưa từng tiếp xúc kiểu giáo dục theo định hướng thi cử. Tiến độ học tập của Thượng Lâm hoàn toàn không phù hợp với cháu. Em gái cháu tự sát ở trường, cháu biết rõ đây là nơi như thế nào, tại sao cháu vẫn muốn đến?”
Tôi rụt rè ngẩng đầu lên: “Nhưng đây không phải là trường học sao? Đã là nơi dạy dỗ, giúp học sinh thành tài thì cháu không nên đến sao?”
“Em gái cháu tự sát ở đây, cháu cũng đang bị bắt nạt ở đây…”
Tôi bồn chồn siết chặt tay, nhưng vẫn cố gắng hỏi người đàn ông cao lớn uy nghiêm trước mắt:
“Chú cảnh sát ơi, tất cả đều là lỗi của cháu ạ?”
Lúc rời phòng, tôi được anh cảnh sát gác cửa nhét cho một túi sữa bò ấm.
“Em gái, đừng sợ. Đội trưởng của bọn anh tính tình không dịu dàng lắm.” Anh ta xoa đầu tôi, “Nhưng chú cảnh sát nào cũng tốt cả mà.”
Sữa bò sưởi ấm lòng bàn tay thấm tận vào tim. Tôi cúi đầu, không trả lời.
12.
Trên đường trở về tôi chạm mặt Khổng Triệt tại hành lang.
“Hai ngày nữa chúng ta tổ chức đi leo núi, cậu có đi không?”
Tôi lắc đầu: “Sức khoẻ tôi không tốt, chẳng leo được bao xa.”
Khổng Triệt hiếm khi suy tư một hồi rồi đột nhiên cười rộ lên: “Thế thì kệ người khác leo núi, chúng ta tắm suối nước nóng dưới chân núi đi.”
Tôi chợt đỏ bừng mặt, vân vê túi sữa trong tay, không đồng ý cũng không từ chối.
Khổng Triệt thấy vậy bật cười: “Còn làm vậy là đổ đó, cậu không muốn uống thì đưa tôi.”
Tôi như sực tỉnh sau cơn mơ: “Suýt chút quên mất.”
Sau khi chạy vội về phòng học, tôi đưa chai nước ép cho cậu ta:
“Cậu uống cái này đi, sáng nay… Sáng nay tôi lỡ ép hơi nhiều.”
Cậu ta bật cười, nhận lấy chai nước tu mấy ngụm hết sạch rồi nói:
“Quyết định vậy nha, cuối tuần tôi đến đón cậu.”
Nhân lúc chưa vào học, tôi vội vàng đưa chiếc dây buộc tóc nhặt được trong nhà cho Khổng Triệt:
“Tôi nhặt được cái này trong nhà, cậu nhận ra nó không?”
Vẻ mặt Khổng Triệt lập tức thay đổi: “Ở nhà cậu?”
Tôi nhỏ giọng giải thích: “Bố mẹ nuôi tôi đã lâu chưa về, ngoài tường nhà còn bị hắt tung toé rất nhiều sơn. Thứ này lại tự nhiên xuất hiện, tôi sợ lắm…”
Khi tôi đi học về thì cổng nhà đã bị chăng dây cấm vào.
Bên phía Cảnh sát xác nhận chiếc dây buộc tóc xuất hiện trong nhà tôi đúng là chiếc dây Triệu Nhuế đeo ngày mất tích.
Đồng thời, tại nơi tìm thấy vật chứng cũng phát hiện phản ứng luminol.
Đôi cha mẹ hờ nhiều ngày chưa thấy mặt mũi của tôi trở thành đối tượng tình nghi số 1.
Tôi lại bị đưa đến đồn cảnh sát.
“Quan hệ của cháu và Triệu Nhuế thế nào?”
“Cháu còn chẳng quen cậu ấy.”
“Không quen?”
“Bọn cháu không cùng lớp, cháu cũng không có bạn bè gì…”
Dưới ánh đèn pha, từ đầu đến cuối tôi luôn tỏ ra sợ sệt cúm núm.
Khi rời khỏi cục cảnh sát thì trời đã tối.
Tôi không bắt xe mà một mình chậm rãi ung dung đi dưới ánh đèn đường.
Lúc này, cha mẹ nuôi của tôi đang phiêu bạt chốn nào nhỉ?
Chắc là đang mang từng bộ phận thi thể của Triệu Nhuế đi phi tang tận đẩu tận đâu rồi.
Hai kẻ nghiện ngập đó sao mà ngờ được khi tỉnh táo sau cơn phê thuốc thì một cỗ th i th ể nữ sinh không toàn thây lại xuất hiện bên người mình cơ chứ?
Cặp đôi trót dại lạc vào con đường hút chích và một nữ sinh “ngây thơ thiện lương”.
Máu me không thuộc về mình dính trên người còn chưa khô hẳn, bọn họ sao có thể không hoảng chứ nói gì đến bình tĩnh suy xét xem lúc cô gái đó xuất hiện thì còn sống hay đã chếc…
Ở bệnh viện, em gái cứ luôn trong trạng thái hôn mê.
Bác sĩ nói ý chí sinh tồn của con bé rất mong manh, đề nghị tôi chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất.
Tôi không nói gì, chỉ giơ chiếc dây buộc tóc có gắn chuông bên tai con bé và lắc.
Một lần, hai lần, ba lần…
Tiếng chuông rất trong và vui tai nhưng máy đo nhịp tim của em tôi lại phản ứng.
Tôi cúi người ghé sát vào tai con bé:
“Ngày đó cô ta cũng đeo dây buộc tóc này đúng không? Nhưng từ giờ về sau cô ta vĩnh viễn không có cơ hội đeo nữa.”