Ngược Về Thời Minh

Chương 17: Thuyết con ếch



Vừa bước vào phòng phê duyệt đã thấy một chồng công văn nằm đó làm Dương Lăng bất giác thở dài. Mặc dù vẫn cảm thấy đau đầu, nhưng trong lòng y không còn quá lo lắng nữa. Dựa theo “thông lệ” của mỗi lần chuyển thế, thế nào rồi y cũng sẽ chết một cách quái lạ, lần sống dai nhất không quá hai tháng, mà tính đến giờ thì y đã ở cái thế giới này được một tháng rồi.

Nghèo túng chính là điểm khác biệt lớn nhất so với các lần trước, và người con gái y nhìn thấy đầu tiên sau khi tỉnh dậy đã khóc đến lệ đẫm mặt hoa đó, lại khiến cho y xót thương biết bao nhiêu. Vì lẽ đó nên với thân phận là người hiện đại đến thời cổ, với mạng sống có hạn của mình, y chỉ mong sao có thể chu cấp một cuộc sống an nhàn, đầy đủ cho Ấu Nương mà thôi. Chẳng mang hùng tâm đại chí, cũng chẳng lòng dạ nào mơ tưởng vui vầy bên bao nhiêu mỹ nhân, chỉ sống vỏn vẹn có hai tháng, y làm sao mà chịu đựng hết được.

Bây giờ trong nhà bỗng nhiên có thêm bốn mươi lượng bạc ròng, có thể xem là một món tiền khổng lồ đối với nông dân vùng này. Để số tiền này lại cho Ấu Nương thì sau này nếu có nhắm mắt xuôi tay, y cũng ra đi thanh thản. Cho nên khi nhìn thấy chồng công văn dày cộm này, trong lòng y cũng không còn cảm thấy quá nhiều áp lực nữa.

Tâm tình không nóng vội nên cách giải quyết công việc cũng trở nên rõ ràng hơn rất nhiều, trong thời gian uống cạn hai chén trà, y đã phê duyệt được sáu bảy tờ văn kiện. Lọc những văn kiện cần đích thân Mẫn đại nhân xử lý qua một bên, y mở một tờ khác thì phát hiện tờ văn kiện này lại là một tấm văn thiếp đã ố vàng, trông không giống như mới được viết. Chẳng lẽ có ai đó đã đem trình nhầm văn kiện cũ?

Lấy làm hiếu kỳ, Dương Lăng cầm tấm văn thiếp lên xem, chỉ thấy ở trên đó bôi bôi xoá xoá, hiển nhiên người viết đã rất do dự. Có điều nét bút chữ Khải (*) viết thật là đẹp, bản thân y viết chữ bút lông cũng đẹp nhưng không thể viết kiểu chữ Khải đẹp như vậy được, y không nén được phải tấm tắc khen ngợi vài tiếng. (*: nguyên văn “dăng đầu tiểu Khải”: chử Khải viết tay nhỏ bằng đầu con ruồi nên gọi là “dăng đầu”)

Y mở tấm văn thiếp ra đọc cẩn thận, thì thấy trên đó viết: “Hiện nay tiêu cực trong triều đình đã nghiêm trọng đến mức cực điểm, vua không giữ đạo quân thần, đại thần không làm tròn trách nhiệm, thưởng tước quá tràn lan, công dịch quá phiền nhiễu, tiến cống vô độ, kẻ ra đi không trở lại. Triều đình xảy ra biến trước nay đều do những thứ đó mà nên. Việc tổ chức trong nội cung đều đã có quy định từ những ngày đầu lập quốc, giờ đây một giám cũng đến hơn mười người, một việc sáu bảy kẻ tham gia. Nào là hưởng lợi từ việc phân phối quận huyện hay lộc vương gia. Nào là tranh quyền thống lĩnh biên cương hay làm đại tướng. Nào là tiến cử tà môn hay hùa vào dâng hiến kỳ thuật. Ty lo gạo tiền thì lách luật ăn riêng, cống vật thì gặp đủ loại yêu sách hối lộ, kẻ giết người được tha, kẻ làm sai thoát tội, không thể kể xiết…”

Dương Lăng ồ lên một tiếng, xem ra nội dung của tấm văn thiếp này là bàn về quốc sách. Sao loại văn thiếp như vậy có thể xuất hiện trong mớ công văn của một huyện lệnh được nhỉ? Dương Lăng đang mê mải đọc thì chợt nghe tiếng cười ha hả bên cạnh:

– Dương tú tài, vẫn còn đang xử lý công văn sao?

Dương Lăng ngước đầu lên: trước mặt là một lão nhân ngũ tuần, mày râu nhẵn nhụi, trông áo quần thì chỉ là một tiểu lại cấp tòng bát phẩm, còn chưa thể gọi là quan. Đó chính là vị huyện thừa lâu năm ở bản huyện, Hoàng Kỳ Dận.

Dương Lăng vội đứng dậy, chắp tay thi lễ:

– Hoá ra là Hoàng huyện thừa, học sinh thất lễ rồi.

Hoàng Kỳ Dận xua xua tay, ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Cầm tấm văn thiếp trên bàn lên liếc mắt qua, lão cười lớn nói:

– Lý Tư Tỉnh, Đặng Thường Ân à? Ồ, đây đều là những trọng thần của triều đình năm Hiến Tông, trông có vẻ như là bản thảo tấu chương của vị đại nhân nào đấy. Dương công tử từ đâu mà có được vậy?

Cũng không đợi Dương Lăng trả lời, lão tự mình đọc lướt qua nội dung, rồi ngẩng đầu hỏi:

– Dương tú tài nghĩ sao về những lời trong đó?

Đầu tiên là tình cờ thấy một bản thảo tấu chương năm Hiến Tông, cũng gần hai mươi năm trước, ở trong chồng công văn, sau đó lại thấy vị Hoàng huyện thừa “không phải ngày phát lương, không phải ngày thẩm án không ló mặt” đó đột nhiên xuất hiện thì trong lòng Dương Lăng cũng đã đoán ra được vài phần căn nguyên. Y còn cảm nhận được cặp mắt thâm thuý đang nhìn mình chằm chằm, ý như thăm dò, lại có phần khao khát, mong muốn, giống như một đứa trẻ đang hy vọng được thầy khen ngợi.

Dương Lăng đã từng làm cho công ty bảo hiểm sáu bảy năm, đã gặp rất nhiều loại người, sở trường lớn nhất của y là suy đoán tâm lý người khác, cho nên vừa thấy lão ta vô tình để lộ hàm ý trong ánh mắt thì y chợt hiểu ra. Một ý nghĩ táo bạo đột nhiên loé lên trong đầu y: “Đầu tiên là tấu chương của hai mươi năm trước, tiếp theo đó là Hoàng huyện thừa, kẻ quanh năm chẳng thấy bóng dáng đâu xuất hiện. Lão ta nói cái gì là tấu chương của vị đại nhân nào đó năm ấy phác thảo, nội dung trong tấu chương thì lại bài xích trọng thần trong triều đương thời. Chẳng lẽ… tờ tấu chương này là do lão ấy viết, vì đắc tội với triều đình nên bị giáng chức hết lần này đến lần khác, tới nỗi phải lưu lạc đến Kê Minh này làm một tiểu lại không phẩm cấp?

Vừa nghĩ tới đây, Dương Lăng một mặt phỏng đoán ý đồ của lão, mặt khác giả vờ nói:

– Vãn bối hổ thẹn không rõ sự tình về mấy vị trọng thần triều đình năm hoàng đế Hiến Tông, cho nên thật sự không thể luận bàn.

Hoàng Kỳ Dận lắc đầu bảo:

– Ài…, đều là chuyện xưa tích cũ cả rồi. Hôm nay rảnh rỗi, ta chỉ ngồi đây tán gẫu với ngươi thôi. Miệng ngươi nói, tai ta nghe, đâu thể tính là nghị luận gì. Ngươi chỉ đơn thuần là đánh giá nội dung trên tờ văn thiếp này mà thôi.

Trong đầu Dương Lăng nghĩ rất nhanh, âm thầm suy đoán: “Nếu mình đoán không sai, thì lão đại nhân bất đắc chí này hẳn đã vì tấm thiếp này mà đắc tội với thiên tử, đến nỗi bị giáng chức hết lần này đến lần khác. Hôm nay lão đến khảo sát mình, lẽ nào là muốn xem xem mình có đáng để lão ra tay giúp đỡ hay không? Thôi được, phỏng chừng mình sống cũng chẳng được bao lâu, cứ mạnh dạn mà bàn luận cũng chẳng sao. Nếu muốn lão ấy giúp đỡ thì đương nhiên phải tâng bốc một phen, nhưng nếu không có cách nghĩ đặc biệt của riêng mình sẽ khó tránh khỏi bị lão ấy khinh thường.”

Vừa thầm tính trong lòng, vừa cẩn thận xem kỹ nội dung của tấu chương, Dương Lăng nói:

– Đã như vậy, học sinh đành lớn mật nói càn. Nếu nói không đúng, xin Hoàng huyện thừa chớ chê cười.

Hoàng Kỳ Dận cười nhạt:

– Không sao, không sao, ngươi và ta cũng xem như là đồng liêu, cứ việc nói thoải mái, không cần phải cố kỵ.

Dương Lăng dạ một tiếng, rồi phát biểu ý kiến:

– Mở đầu bài tấu chương này ý nói triều đình đương thời cơ cấu cồng kềnh, người nhiều hơn việc, thỉnh cầu triều đình tinh giản lại các bộ và các quan viên, có thể nói là trúng vào trọng tâm, kiến nghị đưa ra cũng có thể nói là sáng suốt, chỉ là….

Hoàng Kỳ Dận vừa nghe thấy tám chữ “cơ cấu cồng kềnh, người nhiều hơn việc,” mắt chợt sáng lên, vỗ tay khen hay:

– Tuyệt diệu, thấu triệt! Chỉ tám chữ này thôi đã nói ra hết sự tình, Dương công tử thật giỏi. Chỉ là cái gì?

Dương Lăng ngây ra một chút, rồi mới chợt tỉnh ngộ: “Phải rồi, triều đại này vẫn chưa có mấy danh từ này, khó trách lão ấy cảm thấy rất đỗi mới lạ. Nhưng mà cũng đâu cần phải kích động đến đỏ cả mặt chứ? Chẳng nhẽ là vì đã tìm được tri âm à?” Dương Lăng cười thầm trong bụng, tiếp tục nói:

– Chỉ là vị đại nhân này có cái nhìn quá đỗi mô phạm đi.

Sắc mặt Hoàng Kỳ Dận thoáng không vui, lão không phục hỏi:

– Tại sao khẳng định như vậy?

Trông thấy phản ứng của lão, Dương Lăng càng chắc chắn với phán đoán của mình, thế là dùng thủ đoạn “trước nâng lên, sau đạp xuống,” nói:

– Vị đại nhân này kiên quyết chính trực, không so đo được mất của cá nhân, niềm mong muốn lập lại trật tự để chỉnh đốn triều cương hiện rõ trong từng câu chữ. Có điều, tuy ông ta mang một bầu nhiệt huyết, song suy nghĩ lại hơi đơn giản.

Nghĩ đến việc càng tinh giản cơ cấu càng dẫn đến nhiều tiêu cực ở đời sau, y chậm rãi suy nghĩ nói:

– Theo học sinh thấy, mặc dù quan viên các bộ, phủ ngày một cồng kềnh, nhưng vị đại nhân này lại hy vọng rằng hoàng thượng vừa mở miệng hạ lệnh, liền sẽ có thể chỉnh đốn được kỷ cương, tinh giản được cơ cấu ngay. Đó là điều không thực tế. Đại nhân ngài hãy nghĩ xem, hoàng thượng hạ chỉ xong thì dù gì cũng cần có người thực hiện chứ? Trên dưới cả nước toàn thể hưởng ứng, triệu hồi toàn bộ các quan viên bên ngoài, vậy triều đình sẽ mất đi tai mắt. Quan lại không qua bước đệm trung gian mà lập tức bị cắt giảm, vậy không ít sự vụ sẽ khó tránh rơi vào đình đốn.

Hắn trỏ vào tờ văn thư ở trước mặt, cười khổ nói: “Tỷ như học sinh, đột nhiên để học sinh phụ trách tiền lương, thuế má, hình tụng, nhiều phương diện như vậy, bận đến đầu tắt mặt tối. Khoan nói sẽ cần rất nhiều thời gian để hiểu rõ trình tự, không có một tiền bối giàu kinh nghiệm chỉ điểm sẽ phải đi rất lòng vòng, điểm tối thiểu là học sinh bị trói chân ở đây, không thể cục cựa, như vậy công việc cụ thể đều sẽ phải giao cho kẻ khác lo liệu. Ngài làm sao đảm bảo những kẻ đó sẽ có thể tận tụy với nhiệm vụ của mình chứ?”

Sắc mặt của Hoàng Kỳ Dận trở nên hết sức khó coi, nhưng lại không nói gì. Lặng lẽ lần trong ống tay áo ra cái tẩu thuốc, lão run run nhét sợi thuốc lá vào, có vẻ hơi kích động.

Dương Lăng nói tiếp:

– Những thứ đó vẫn chưa phải là khó khăn thật sự, cũng giống như lần đầu sinh con, người mẹ phải trải qua đau đớn tột cùng, nhưng rồi sẽ đón nhận niềm hạnh phúc vô bờ bến. Cái khó đây chính là ở chỗ … toàn quốc trên dưới có bao nhiêu quan viên? Giữa những vị quan này có không biết bao nhiêu quan hệ dây mơ rễ má, cùng nhau chèo lái sự vận hành của cái quốc gia khổng lồ này. Nếu bỗng dưng muốn chặt đứt nhiều nhánh, vậy sẽ dẫn đến sự phản đối của biết bao nhiêu người? Tuy rằng lực lượng này vô hình, nhưng nhất định là vô cùng đáng sợ, đụng chạm đến lợi ích của quan viên toàn quốc, kể cả những vị quan viên bản thân đang giữ những chức vị quan trọng, không bị xoá bỏ cũng khó tránh phải suy nghĩ. Quan vị nhiều thì lựa chọn của bọn họ cũng sẽ nhiều, quan vị ít đi thì mọi chuyện sẽ không còn thoải mái như vậy nữa, con đường làm quan của chính bọn họ khi đó sẽ ít lối hơn rất nhiều. Hơn nữa, bọn họ sao có thể cam lòng vứt bỏ những mối quan hệ dây mơ rễ má đó chứ. Kiến nghị này quả thật là kẻ địch của quan viên cả nước. Quan vị ít thì bọn thư sinh sẽ tiến thân như thế nào? Thế là cũng đắc tội những kẻ đọc sách luôn. Còn bọn thân hào địa chủ có quan hệ thân mật chống lưng bọn họ thì sao? Tất nhiên sẽ kịch liệt phản đối, lay động đến cả nền tảng nước nhà. Cho dù hoàng thượng có tiếp nhận kiến nghị này, cũng sẽ gặp phải muôn trùng trắc trở và bị ngàn vạn lớp quan viên phản đối mà phải thay đổi chủ ý. Ý kiến này tuy là vì nước vì dân, nhưng lại thực hiện không đúng cách, quá đỗi vội vàng, thành thử hại nước hại dân.

Thân là người trong cuộc, Hoàng Kỳ Dận nào có được những kinh nghiệm thi hành biện pháp chính trị đã được tổng kết qua bao nhiêu triều đại, cũng như cách nhìn thấu triệt về vấn đề tinh giản cơ cấu của các bài báo ở xã hội tiên tiến trong và ngoài nước mà Dương Lăng có thể đọc và tổng kết lại được từ sách báo tạp chí?

Nhớ lại năm đó chính lão tuổi trẻ hăng say, mắt thấy quan lại hủ bại, cơ cấu to lớn cồng kềnh thì lòng bừng nhiệt huyết, điều trần lên hoàng thượng. Quả nhiên hoàng thượng tiếp nhận, không bao lâu sau đã triệt đi một lượng lớn quan viên, giáng chức quốc sư, cắt giảm hơn năm trăm quan truyền phụng (*), đồng thời lệnh cho toàn quốc phải đồng loạt thi hành. (*: chức quan do chính hoàng đế chỉ định, không thông qua sử bộ, cũng không thông qua tuyển chọn.)

Song, chưa quá nửa tháng, mình liền bị giáng chức, điều ra khỏi kinh thành. Bọn người bị giáng chức như Lý Tư Tỉnh, Đặng Thường Ân lại được phục hồi nguyên chức, còn mình thì lại bị trù dập khắp nơi, bị giáng chức hết lần này đến lần khác. Năm năm trời, đường đường một ngự sử ngôn quan (*) đã bị rớt xuống thành một huyện thừa nhỏ bé. (*: chức quan có thể can gián vua.)

Hoàng đế khác lên ngôi, bọn người Lý Tư Tỉnh bị vấn tội. Lúc đó mình cứ nghĩ sẽ thấy lại ánh mặt trời, nào ngờ rất nhiều quan viên bị đồng đảng bọn Lý, Đặng đả kích được phục hồi nguyên chức, duy chỉ mỗi mình dường như đã bị bỏ quên, nhờ người chuyển mấy phong thư đến đồng liêu năm xưa cũng không thấy kết quả. Thì ra mấu chốt lại nằm ở chỗ này.

Tự phụ là vì nước vì dân, nhưng lại rơi vào một kết cục như vậy; căm ghét thế tục, cả đời buồn bực không vui, nào ngờ lại bị một thiếu niên chưa tròn hai mươi một lời nói đúng trọng tâm. Thì ra lão đã đắc tội đến tất cả mọi quan viên.

Vừa nghĩ thông suốt những mấu chốt bên trong, mặc dù tiết trời lạnh lẽo nhưng lưng áo Hoàng huyện thừa vẫn đẫm mồ hôi. Lão cười buồn, giọng bi thương:

– Chẳng lẽ lại khoanh tay ngồi nhìn, mặc cho tình cảnh cứ tiếp tục như vậy. Rồi cuối cùng để bọn chúng như giòi bọ của đất nước, được vỗ béo bằng thành quả lao động của dân chúng hay sao?

Dương Lăng thở dài:

– Muốn thay đổi cũng không phải là không thể, chỉ có điều… đó không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Sắc lệnh từ trên đưa xuống không chỉ cần phải thống nhất, mà còn phải làm liên tục, không thể vì một người nào đó không làm mà ngừng. Thực thi cụ thể phải bắt đầu từ trên xuống dưới, từ một điểm nhỏ mà loang ra thành diện rộng. Trước tiên bắt đầu từ kinh thành, và bắt đầu xoá bỏ từ những bộ ngành và quan viên không quan trọng. Quy mô nên nhỏ chứ không nên to, hành động cũng nên từ từ chứ không nên gấp gáp. Cứ tiếp tục như thế, phải đến ba, năm mươi năm sau mới có thể phát huy hiệu quả ổn định. Đến khi đó còn cần phải xác định lại những định chế về quan và tướng trong luật pháp, thế mới không sợ bị trở mặt. Mặc dù thời gian có hơi lâu, nhưng lại là biện pháp duy nhất có thể thực hiện. Chẳng qua là bỏ ra thời gian dăm ba mươi năm để hướng đến cơ nghiệp muôn đời. Dẫu rằng nó không phải là công lao của một người hay một đời nhưng đất nước và nhân dân sẽ được hưởng lợi muôn đời.

Dương Lăng lại đưa ra cái thuyết con ếch:

– Đại nhân có từng nghe tới một câu chuyện ngụ ngôn chưa? Đổ nước vào nồi, bỏ một con ếch vào, sau đó châm lửa đun dưới đáy nồi cho nước từ từ ấm lên. Bởi vì tốc độ ấm lên chậm nên con ếch không phát hiện ra, vì vậy cũng không gấp gáp phản kháng mà nhảy ra ngoài. Ung dung nhàn nhã cho đến khi nước nóng không thể chịu nổi nữa, muốn nhảy ra khỏi nồi thì đã muộn, khi đó nó đã không còn sức để vùng vẫy nữa rồi. Con ếch có thể nhảy ra khỏi nước sôi hay không, cái đó học sinh không biết. Nhưng quan trọng ở chỗ là nếu dùng nó để miêu tả thế nhân, học sinh lại cảm thấy rất có hình tượng. Việc thi hành chính sách quốc gia gắn liền với sự triển khai toàn cục, thành thử những thay đổi quá quyết liệt đều cần phải thận trọng dè dặt, từ tốn mà làm. Đợi đến khi bắt đầu có thành quả, lúc đó, cho dù những kẻ phản đối có phát hiện ra thì nó đã là xu thế tất yếu, bọn họ không thể phản kháng được.

Hoàng huyện thừa ngẩn người hồi lâu, rồi khàn giọng cười ha hả. Lão đứng dậy, vái sâu một cái, bảo:

– Nghe một lời của người còn hơn đọc sách mười năm. Hoàng mỗ xin thụ giáo.

Nói đoạn lão xoay người, khom lưng, trông như già đi hai chục tuổi, nhọc nhằn cất bước ra ngoài.

Dương Lăng lật đật đứng dậy, chạy đến chắn trước mặt lão, khom người chắp tay nói:

– Hoàng lão, học sinh chỉ là đàm binh trên giấy, ba hoa chích chòe mà thôi. Không ở trong cuộc mới có mấy lời này, nếu thật sự đặt mình vào trong đó thì học sinh cũng như kẻ mù mà thôi. Lão xem, chỉ mỗi công văn huyện mà học sinh xử lý còn không xong thì nói gì đến thụ giáo chứ. Thật ra, học sinh phải thành tâm thành ý thỉnh cầu Hoàng lão tiên sinh chỉ giáo cho mới phải.

Lúc này y gọi Hoàng lão mà không xưng quan hàm, chính là thật sự tự coi mình là học sinh. Sắc mặt Hoàng huyện thừa thay đổi khó đoán, ngó hắn một hồi lâu. Dương Lăng khom lưng, cung kính chắp tay giữ lễ. Đùa à, nói nhảm cả nửa ngày trời chính là muốn mời người thông thái đến chỉ điểm cho mình một phen, làm sao thả lão đi như vậy được chứ?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.